Ông già và con mèo nhỏ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi đến Sài Gòn học hồi đầu những năm 2000, nhà tôi không khá giả gì nên khu trọ của tôi ở 1 nơi khá tèm tuộc. Hàng ngày, tôi thường đi qua một cây cầu nằm trên con kênh vốn làm ranh giới giữa hai quận nội thành để đến trạm xe buýt. Đó là một con kênh mà những người từ miền quê trong lành lên thành phố nhìn thấy lần đầu vô cùng sửng sốt, rồi sau đó họ thường đem nó ra kể cho nhau nghe như 1 cách ấn tượng nhất để mô tả về cuộc sống ô nhiễm, chật chội, dơ bẩn của phố thị. Con kênh cũng có nước chảy lững lờ, có vài con thuyền hiếm hoi chạy qua như những con kênh khác ở miền quê, nhưng điểm khác biệt lớn nhất là nó giống như một cái cống thoát nước khổng lồ của thành phố. Mặt nước kênh có một màu đen bóng, sền sệt như nhớt xe cũ và sủi lên đầy bọt như có vô vàn con vật đang giãy giụa chết đuối dưới đáy. Hai bên bờ rác rến đóng thành tầng tầng lớp lớp, kèm theo những ngôi nhà kì dị nằm chìa ra mặt nước, chênh vênh, xấu xí và tạm bợ. Dường như chúng có thể sập xuống bất cứ lúc nào, nhưng chủ nhà thì vẫn cố gan góc xây chìa ra thêm. Những ngày nắng đồng thời thuỷ triều rút thấp làm dòng kênh khô cạn, phơi bày rác thải lẫn bùn sình tích luỹ lâu ngày trông rất ghê mắt. Còn những ngày mưa nước kênh dâng lên, mặt nước bị xáo động làm mùi hôi thối bốc lên dữ dội. 

Dù vậy vẫn có những người không muốn rời xa chốn này, bất chấp những thứ từ con kênh mà người thường không chịu nổi. Họ là những người đã già cả, không có nhà cửa, không một người thân thích. Họ coi lề đường hai bên cầu như chiếc giường ngủ qua đêm của mình, có lẽ bởi vì ở đây không phải là vỉa hè phía trước một quán xá, hay một ngôi nhà nào, họ sẽ không bị ai xua đuổi hay bị ném vào mặt cái nhìn khó chịu dù có ở suốt đêm. Thường thì họ hành nghề ăn xin, nhưng đã có nhiều lần tôi đi ngang qua mà không bị xin xỏ gì cả. Hình như những con người khốn khó ấy chỉ coi đây là chốn nghỉ ngơi sau một ngày rong ruổi mà thôi, cho nên họ thường quay về khi trời tối và ra đi ngay khi trời vừa sáng. Ở giữa thành phố đông đúc và bận rộn, không mấy ai để ý tới họ. Như những cái bóng, họ tồn tại một cách lặng lẽ, chẳng thiết gì đến cuộc sống nhộn nhịp đầy màu sắc xung quanh. 

Cũng như mọi người, tôi thường đi nhanh qua cây cầu và chẳng buồn chú ý tới bất cứ ai trong số đó. Nhưng rồi một lần, ông lão ăn xin thường ngồi sát mép đường đã gây cho tôi một chút ấn tượng.

Đó là một người đàn ông có làn da nhăn nheo, già nua và suy kiệt, như một cụ già vừa thoát khỏi cơn bạo bệnh dù tóc vẫn còn đen. Lúc nào tôi cũng thấy ông ta mặc chiếc áo khoác màu nâu sờn rách te tua. Có vẻ như đó không chỉ là chiếc áo, mà còn là một tài sản quí giá mà ông luôn cố gắng gìn giữ. Những hôm trời mưa ông già mặc thêm một chiếc áo mưa bọc xốp bên ngoài, thứ màng ni lông mỏng tang rách mướp càng làm bộ dạng ông trông thảm hại hơn. Cả khi trời không mưa nhưng có gió lạnh ông cũng mặc như vậy như người ta mặc thêm một lớp áo ấm. Ông lão luôn ngồi im lìm, tương phản với dòng xe cộ tấp nập trước mặt, trông giống như một gốc cây đã chết khô trên lề đường. Mọi âm thanh, ánh sáng, mùi vị đều trở nên vô nghĩa với ông và sự hiện diện của ông cũng hầu như vô nghĩa với tất cả mọi người.

Một lần hiếm hoi đi qua, tôi chứng kiến ông lão đang vạch quần lên tới gối, từ khoảng đầu gối đến chân của ông da thịt lở loét. Da tróc ra, thịt đùn lên thành những khối đỏ, chồng chất lên nhau, giữa những khối thịt đó mủ tụ lại thành từng những rãnh màu vàng, rỉ ra cùng với chất nhầy nhớp nháp. Có một người ăn mặc sạch sẽ đứng trước mặt ông già, dùng ánh mắt cảm thông thương hại nhìn người dưới chân mình. Ông lão hơi ngả người ra sau, mặt méo xệch. Miệng há ra như đang than khóc, nhưng không có âm thanh nào thoát ra khỏi trong khuôn miệng chỉ còn vài chiếc răng liêu xiêu ố vàng. Dường như mọi lời kêu than thống khổ từ sâu bên trong người ông ta đã cạn, không còn có thể để bật ra thành lời được nữa. 

Sự khác biệt giữa hai người quá lớn, nên chắc là họ không phải là quen biết hay thân thích gì cả.  Người lạ đưa cho ông lão một chút tiền rồi bỏ đi. Sau đó ông lại thu mình trong chiếc áo khoác cũ rách. Khuôn mặt van lơn cũng biến mất để nhường chỗ cho khuôn mặt vô cảm lạnh lùng, như những lúc tôi đi qua cầu trước đây.

Không biết rằng ông ta bị bệnh gì nhưng hình ảnh đó lưu vào đầu tôi với một cảm giác ghê sợ. Cám giác ấy đủ mạnh để chèn lên mọi sự thương hại hay cảm thông và vì vậy mỗi khi đi ngang qua mà có mặt ông ta thì tôi chỉ muốn cất bước thật nhanh. 

***

Đến một ngày mưa dầm cuối mùa, mọi vật ướt sũng, những người ra đường nay phải núp trong những tấm áo mưa bít bùng. Nước ngập trên các con đường gần cây cầu khiến xe cộ cũng vắng vẻ hơn. Lề đường hai bên cầu cũng vậy, không còn người ăn xin nào quay về trú chân qua đêm nữa. Không biết được rằng họ đã đi đâu. Có vẻ như không thể tìm ra cách nào chống chịu được với những cơn mưa dữ dội nên họ đã phải tìm ra 1 nơi nào khác để tá túc.

Mải nhìn ngó nên tôi đá phải một vật gì đó. Một vật mềm mềm, có lông và rất nhẹ. Tôi cúi xuống nhìn. Đó là một con mèo con bẩn thỉu đến nỗi khó có thể phân biệt với bùn đất và rác rến bên dưới. 1 con mèo mướp sọc vằn trắng đen, lông trên mình tróc ra từng mảng, có những nơi bết lại vì ướt mưa và dính bùn. Tấm thân còm cõi của nó đang run rẩy, bốn cái chân tong teo đi cà giật như người say rượu. Sau khi bị tôi đá phải, nó chỉ khật khưỡng chạy được một quãng khoảng 1 bước chân rồi nằm bẹp xuống, gần như không còn sức để chạy xa hơn nữa. Tôi cầm nó lên, nhận thấy từ sâu bên trong con vật vẫn còn hơi ấm và những hơi thở yếu ớt. Tôi để dưới một mái hiên, nó ngồi yên, mắt lim dim đờ đẫn  nhìn ra con đường trước mặt một cách vô hồn, nó không cử động gì ngay cả khi 1 chiếc xe hơi chạy vụt qua khiến 1 vạt nước ập lên người xối xả. Dường như đối với nó thế giới trước mặt không còn tồn tại, mọi sự tác động từ bên ngoài không còn có ý nghĩa gì nữa. Tôi nghĩ rằng nó sẽ ngồi yên như thế cho đến khi trút hơi thở cuối cùng mà cảm thấy xót xa.

Những con mèo con như vậy thường bị chủ nhà vứt bỏ ngay khi vừa đủ lớn, bởi vì cũng chẳng thể nào bán hay cho ai được khi thành phố này đã có quá nhiều mèo. Chúng trở thành mèo hoang, tìm những nơi như cống rãnh, hang hốc để trú ẩn và thường là chết một cách lặng lẽ trước khi kịp trưởng thành. Có lẽ vì hôm nay nước ngập nên con mèo phải trốn chạy lên thành cầu, lề đường như một nỗ lực cuối cùng để giành giật sự sống. Tôi cảm thấy thương xót nó nhưng biết sao được, phòng trọ của tôi chật chội và còn ở ghép với vài người lạ nên không thể cưu mang một con vật như vậy. Thôi thì nếu nó có chết thì cũng là 1 cách giải thoát. Một khi nó đã lâm vào hoàn cảnh như thế này thì chỉ còn có thể hi vọng rằng tạo hóa không còn tàn khốc nữa, mong rằng nó sẽ được ra đi thanh thản, an lành.

Nếu không có những chuyện đặc biệt xảy ra sau đó thì chắc là tôi sẽ quên lần gặp con mèo ấy. Đó là vào một ngày tạnh ráo khác khoảng vài tháng sau, lúc trời chuyển dần sang đông, không có những cơn mưa, nhưng lại có những cơn gió lạnh. Chúng làm cho bầu không khí của Sài Gòn có phần dễ chịu hơn. Tôi khoan khoái đi trong cái lạnh ấy, như đang thong dong trong một siêu thị hay một khu thương mại sang trọng có gắn điều hoà. Đường phố rộn ràng, mọi người đổ ra vui chơi mua sắm cho dịp giáng sinh sắp tới.

Những người ăn xin đã trở lại như trước. Họ dường như cố gắng thu nhỏ mình lại hết mức trong những bộ áo quần cũ rách và tư thế ôm gối co ro. Vài người khoác thêm tấm áo mưa xốp. Chúng là một tấm màng mỏng manh, trước gió chúng bị thổi bay phần phật, phát ra những âm thanh như tức tối, giận dữ.

Có một điều gì đó khác lạ hiện diện chỗ ông lão ăn xin đang ngồi. Có một vật gì đó ngay chỗ đó gây cho tôi sự tò mò, và tôi ngoái đầu nhìn.

Tôi đã vô cùng kinh ngạc thấy đó là một con mèo. Dù không thể chắc chắn rằng đó là con mèo mình đã đá phải vài tháng trước, nhưng lạ thay tôi cảm thấy điều đó không quan trọng, cảm thấy trong lòng tuôn tràn niềm vui rằng nó vẫn còn sống và đang hiện diện trước mắt mình. Nép mình vào vạt áo ông lão, con mèo tỏ ra yên ấm vì được che chở dù trông vẫn rất yếu ớt và bẩn thỉu. Bên cạnh nó là 1 mẩu hộp nhựa vẫn còn vài hạt cơm còn sót lại. Còn ông lão vẫn giữ nguyên là một ông già khốn khổ có cái nhìn xa xăm và lãnh đạm. Tôi không biết con mèo ở gần có làm cho ông cảm thấy ấm áp hơn không, nhưng dường như nó đã làm ông thay đổi, hay nó giúp ông bộc lộ ra thêm một tính cách khác thì tôi cũng không biết rõ được, chiếc áo khoác đã không thu lại, mà mở rộng ra cho con mèo rúc vào. Trông người và vật như một thể thống nhất.

Tôi đã rất  kinh ngạc về những gì mình đã trông thấy, chắc rằng tôi sẽ không thể tưởng tượng ra nổi nếu không được chứng kiến. Tại sao ông lão đã nghèo khổ đến nỗi không lo nổi cho mình lại còn cưu mang thêm một con mèo xấu xí bẩn thỉu mà biết bao người no đủ đi qua đều bỏ mặc? Phải chăng đó là vì một sự tương đồng của hai số phận, sự gắn kết của hai kẻ hiểu thấu hoàn cảnh của nhau dù một bên là người, một bên là vật?

Những hình ảnh đó lưu vào trí óc tôi như là một chi tiết tài tình, đáng nhớ của cuộc sống. Có khi người ta nghĩ rằng cái chết là cách giải thoát cho một cuộc đời đau khổ, nhưng họ đâu biết rằng sự sống vẫn tồn tại ở những hoàn cảnh khốn khổ nhất và lòng tốt vẫn có thể chia sẻ ở nơi tuyệt vọng nhất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro