Xuân Sum Họp - Tết Yên Vui

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tác giả: Lạc Mỹ Xuyên Thu

Thể loại: Truyện ngắn

***

Trong đêm khuya tĩnh lặng, tiếng ếch nhái kêu ngoài đồng ruộng lẫn với âm thanh của gió thi thoảng lại lướt qua. Cái lạnh của tháng mười hai cũng không đến mức thấu xương nhưng lại dễ khiến nhiều người không chịu được.

Tôi ngẩng đầu nhìn bầu trời đen thẳm không có một tia sáng nào, mây đen kéo đến che lấp cả bầu trời, tôi đoán ngày mai lại là một ngày thiếu màu nắng. Khí hậu ở miền Nam không hề giống với khí hậu ở Bắc và Trung, ngoại trừ vài ngày đầu có mưa thì những ngày sau đó lại như mùa thu và hạ lẫn lộn, ban ngày thì nắng nóng oi bức, ban đêm thì ẩm thấp, đôi khi lại có vài đợt gió lạnh thoảng qua làm người ta rét run. Vốn là người không thích lạnh, tôi kéo chặt chiếc áo vải mỏng manh bước vào căn nhà lá của mình.

Trong thời chiến tranh liên miên không điểm dừng này, cách vài ngày lại nghe thấy âm thanh bom đạn nổ vang, mỗi khi như thế, trong cái làng bé tí nơi đây lại bắt đầu xôn xao. Phần người thì lo sợ người thân tham gia kháng chiến gặp chuyện bất trắc, phần thì lo sợ bọn xâm lược trong ngoài lại tràn đến đây cướp bóc giết người.

Đêm nay có vẻ khá yên bình, hiếm khi có một ngày tận hưởng sự thanh tĩnh này, có lẽ gần đến tết rồi nên ông trời cũng vui vẻ mà cho nhân loại một giây phút bình yên.

Căn nhà lá gần như tàn tạ phát ra vài tia sáng từ ngọn đèn dầu trên bàn gỗ. Điều kiện thiếu thốn, ngay cả đèn cầy cũng rất hiếm khi xài vì không ai có tiền để mua, mọi người nơi đây dùng gạo đổi thức ăn, đôi khi đến là áo quần, vải vóc cũng phải lấy gạo đổi lấy từ bọn lính canh đầu làng. Tia sáng nhỏ yếu ớt như bất cứ lúc nào cũng có thể vụt tắt, tôi nhìn thấy bà nội ngồi trên võng, tay thoăn thoắt đan từng đường kim mũi chỉ, mảnh vải màu bạc mà khi sáng nội dùng mớ rau muống hái sau nhà để đổi lấy giờ đã nhìn thấy hình dáng, một chiếc áo đơn sơ, tuy vải không đủ phải chắp vá vài mảnh vải khác vào, nhưng tôi lại thấy nó đẹp hơn bao giờ hết.

Bàn tay gầy gò hiện rõ những vết đồi mồi xen lẫn nếp nhăn, gương mặt nội đã nhuốm màu sương gió, mái tóc bạc trắng càng làm nội tôi có phần già đi rất nhiều. Tôi nhẹ bước đến ngồi bên chân nội, nền nhà đất lạnh, tôi lót đôi dép kẹp dưới nền đất rồi ngồi xuống gác cằm lên gối nội, nhìn bà chăm chú may vá. Vừa lúc chỉ đang may ngắn lại không đủ dùng, nội nheo đôi mắt xỏ chỉ vào lỗ kim nhỏ, nhưng không biết có phải vì đêm tối rồi hay là mắt nội vốn bị mờ mà mãi một lúc cũng không xỏ chỉ vào được. Tôi vội giúp bà xỏ chỉ rồi đưa cho bà. Nhìn từng đường kim mũi chỉ lên xuống đều đặn, tôi bỗng cảm thấy sống mũi cay cay, tôi nhớ đến ba, người đàn ông đã hi sinh vì tổ quốc, tro cốt đã sớm đông lạnh vào tám năm trước, vào cái đêm giao thừa vốn cũng là sinh nhật năm tôi ba tuổi.

Nhìn bóng hình gầy gò đến mức có thể nhìn thấy những đường gân xanh nổi trên tay chân của nội, tôi lại nghĩ, phải chăng đã có lúc ba tôi cũng từng như tôi bây giờ, ngồi cạnh nội may áo tết cho mình. Ngửa mặt lên trời tôi cố ngăn dòng nước mắt đang chực trào ra. Bất ngờ, tôi nhìn thấy mẹ đang đứng ở cửa buồng, chiếc màn được vén phân nửa chỉ để lộ ra khuôn mặt đượm một nỗi buồn sâu lắng, ánh mắt của mẹ nhìn nội tôi có cái gì đó xa vời lắm. Như nhận ra sự phát hiện của tôi, mẹ tôi nhanh chóng nhíu đôi mày, bước ra khỏi cửa rèm, cũng không quên nhìn tôi gằn tiếng:

"Giờ này mà hai bà cháu còn chưa ngủ, đêm khuya lạnh lỡ bị cảm lạnh rồi sao. Con Thu vào nhà đi ngủ nhanh lên, sáng sớm còn phải xếp bánh đấy."

Thấy mẹ tôi bước ra, khuôn mặt đau thương đã biến mất hoàn toàn mà thay vào đó là vẻ cau có thường ngày, lòng tôi chùng xuống, khẽ "dạ" một tiếng rồi lủi thủi vào buồng trong. Vừa bước vào sau tấm màn tôi lại nghe thấy mẹ và bà nội nói chuyện với nhau, nhưng vì cách một bức màn nên tôi chỉ loáng thoáng nghe được vài câu đứt đoạn...

"Má! Mắt má đã mờ lắm rồi, đêm khuya lạnh... mấy chuyện may vá này để con làm được rồi..."

"Không cần, má muốn tự may cho thằng út cái áo mới... đã tám năm rồi..."

"Má ơi! Biết đâu chú ấy... như chồng của con..."

"Đừng nói bậy... nó sẽ không..."

"..."

***

Đến thẳng khi tôi chui vào trong buồng nằm vẫn còn loáng thoáng nghe thấy âm thanh có phần lớn tiếng của mẹ và bà nội. Tuy nhiên, tôi lại chẳng nghe hiểu họ đang cãi nhau về chuyện gì, mãi đến khi tôi không kìm được mà chìm vào giấc ngủ.

Có lẽ hôm nay không phải là một ngày yên bình như tôi nghĩ.

Sáng hôm sau, như dự đoán của tôi, bầu trời một màu xám xịt chẳng có lấy một tia nắng. Tôi khuấy nhẹ nồi cháo trắng chuẩn bị cho bữa ăn sáng, bây giờ cũng đã hơn 9h, ở quê thường ăn rất trễ và chỉ có ba buổi chính, không hề có khái niệm ăn khuya. Lấy bớt củi trong lò xong, tôi bước ra sân định gọi bà và mẹ vào ăn sáng.

Sân nhà tôi không rộng lắm, diện tích chỉ chiếm một phần nhỏ khoảng bốn mét, xung quanh được che chắn bởi hàng rào làm bằng tre nứa, góc bên phải trồng vài luống rau, bên trái là khoảng sân trống bình thường sẽ thả nuôi vài con gà mái cũng khá có thịt, nhưng hôm nay mẹ tôi đã dọn sạch sẽ hết bắt đầu xếp lá gói bánh. Trước sân hiện giờ rất náo nhiệt, các cô thím trong làng tụ họp nói chuyện rôm rả, người tuốt dây, người lau lá, người thì xếp lá chuối chuẩn bị gói bánh, người thì trộn nếp với dừa,... . Cảnh tượng này lại làm cho tôi cảm thấy, dường như nơi đây chẳng hề có chiến tranh, chẳng hề có khói đạn, dường như cha tôi vẫn sống, ông ấy chỉ đi ruộng cuốc mướn chiều tối sẽ về, dường như cậu út chưa hề tham gia kháng chiến, chưa biệt tăm suốt tám năm trời.

Hôm nay đã là ngày 29 tết, vì thiếu ngày nên đêm nay chính là giao thừa, mẹ tôi cùng mọi người trong làng dự định sẽ gói bánh để đêm nay đón tết, cũng chẳng tốn kém, vụ mùa đợt này trúng lớn, mọi người góp nếp góp thịt rồi cùng nhau quây quần bên nhau cùng gói bánh. Dù trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh liên miên, tiếng bom đạn khói súng ngày ngày gào thét, cuộc sống thôn quê hiện giờ chỉ còn lại người già phụ nữ và trẻ con, thanh niên không đi lính thì cũng đã hi sinh vì đất nước, nhưng dường như cái gốc của tổ tiên vẫn đâu đó rộn ràng đón một năm mới.

Nhìn khắp lượt cũng không thấy bà nội đâu, tôi bước lại gần mẹ đang loay hoay trộn đều nếp gói bánh chuối.

"Bà nội đâu hả mẹ?"

Mẹ tôi ngẩng đầu nhìn tôi một cái rồi tiếp tục động tác đảo đều nếp của mình: "Nội mày ra đầu làng rồi, nói là đem cái áo mới gửi cho chú út mày ở ngoài Hà Nội ấy."

Nội tôi chỉ có hai người con trai, ba tôi và chú út. Khi nghe tin ngoài Bắc có biến động, giặc trong giặc ngoài thi nhau đột kích, khi đó ba mẹ tôi mới cưới được hơn một tháng, hội làng tổ chức chiêu quân, chẳng nghĩ ngợi ba tôi và cả chú út đều tham gia, đến khi nội và mẹ hay tin thì hai người đã chuẩn bị lên đường.

Ông nội tôi vì thời buổi loạn lạc mà hi sinh, đó là nỗi đau mà bà nội vẫn luôn giữ mãi trong lòng, vừa hay tin hai người con chẳng nói chẳng rằng nhập ngũ, bà nghĩ đến hai người có thể sẽ đi theo vết xe đổ của ông nội nên ra sức phản đối, ba và chú út không khuyên nhủ được nội. Cuối cùng, khi hội làng thông báo tập trung hai người đã trốn đi trong đêm vì sợ bà nội buồn, không bao lâu thì mẹ tôi phát hiện mình đã mang thai, bà gần như khóc nguyên một đêm.

Năm tôi được tròn ba tuổi, cũng đúng vào đêm giao thừa, khi mọi người náo nức đón chào mùa xuân rực rỡ đến thì chú út đưa ba tôi quay về, đúng vậy, là đưa. Đó là lần đầu tôi gặp chú út, nhưng trong trí óc chỉ tồn tại chút mơ hồ về một bóng hình, và cũng là lần đầu tôi biết cái gì gọi là "ba". Đến giờ khi thấu hiểu hết ý nghĩa của tiếng gọi thiêng liêng ấy thì ba tôi đã vùi thân trong cát bụi.

Nội và mẹ nhìn đến cảnh ấy chỉ biết gào khóc tức tưởi, chỉ sau một đêm mà tôi cảm nhận được mẹ và bà nội đã già đi rất nhiều.

Nhìn mẹ có vẻ buồn buồn, tôi cũng không hỏi nữa, chỉ nói: "Cháo chín rồi, mẹ vào ăn cho nóng."

Tôi vào lại trong bếp, múc cháo riêng vào một cái nồi nhỏ, đợi khi nội về thì ăn.

Một lúc sau, chợt nghe bên ngoài có tiếng ồn ào, tôi đặt nồi cháo xuống rồi chạy ra xem. Bên ngoài sân, mọi người tụ họp đông đúc tạo thành một vòng tròn chẳng biết đang xem cái gì, tôi cố chen vào vòng người để nhìn cho thật rõ. Trên mặt đất mọi người xoay quanh, tôi nhìn thấy bà nội toàn thân đầy bùn đất, trên cánh tay phải còn có vết máu chảy ra nhuộm đỏ bộ áo bà ba màu sữa, khuôn mặt trắng nhợt nhắm chặt hai mắt.

"Bà nội! Bà làm sao vậy mẹ?" Tôi hốt hoảng xông lên đến bên cạnh mẹ lúc này đang ôm chặt lấy bà nội ra sức ấn lên huyệt nhân trung của bà. Mẹ không trả lời tôi, chỉ gắt gao nhìn chằm chằm bà nội, tôi có thể nhìn thấy mắt mẹ đã đỏ hoe.

Đợi khoảng một lúc sau, bà nội mơ hồ mở mắt tỉnh lại khiến mọi người đồng loạt thở phào nhẹ nhõm. Vừa lúc tôi thấy Bác Ba chạy từ đầu ngõ đến, trên tay cầm theo một cái giỏ xách nhỏ chạy đến bên cạnh bà, tôi vội né người sang một bên nhường đường. Bác Ba là một bác sĩ người Bắc, vốn dĩ là một công nhân tri thức hiền lành, sau khi bọn giặc tràn vào, ông bị bọn giặc ép phải chữa trị cho người bọn chúng, vì không hợp tác nên bị đày đến miền Nam làm nông dân trồng trọt cho bọn bán nước ở nơi này.

Mọi người chăm chú nhìn vào động tác rất đổi linh hoạt của Bác Ba xử lý vết thương trên tay bà nội tôi, đến khi băng bó xong xuôi, Bác Ba cất đồ nghề vào chiếc giỏ nhỏ rồi khẽ nói: "Mọi người mau đỡ bà lên giường nghỉ đi, nhớ đừng xốc mạnh quá, bà nhà đang có bệnh tim trên người."

Nghe vậy mọi người nhao nhao giúp mẹ tôi một tay bế bà dậy đi vào nhà, tôi cũng chạy vào theo.

"Thu! Con ở trong này canh bà nội, khi nào bà tỉnh dậy thì gọi mẹ." Mẹ tôi vén chăn cho nội xong ngẩng đầu nhìn tôi nói, rồi theo mọi người tản ra ngoài.

Đến giờ phút này tôi vẫn chưa hoàn toàn lấy lại tinh thần sau mọi chuyện vừa diễn ra, tôi nhìn khuôn mặt bà nội có vẻ nhợt nhạt, những nếp nhăn vào giờ khắc này tựa như càng thêm nhăn nheo. Tự bao giờ nội tôi đã sớm như cánh hoa tàn úa, trong lòng không khỏi nhói đau.

Hôm nay đã xảy ra chuyện gì? Tôi nhìn về phía bên ngoài qua tấm rèm vải, mọi người đang xoay quanh nhau ngoài sân, bề ngoài thì đang gói bánh, nhưng thực chất là đang cùng nhau bàn bạc về chuyện gì đó. Tôi không kìm được bước đến trốn sau tấm rèm nghe ngóng, liệu nội tôi bị như thế này có liên quan đến việc họ nói không!?

Mẹ tôi dường như không có kiên nhẫn, vừa bước ra ngoài thì đã đi đến bên cạnh ông trưởng làng Lý hỏi thăm: "Ông Lý, có chuyện gì vậy? Sao má tôi buổi sáng vừa đi đưa áo lúc về lại bị như vậy?"

Tôi thấy ông trưởng làng đầu tóc đã sớm bạc trắng, nheo nheo đôi mắt như đang kể lại chuyện xảy ra lúc sáng. "Sáng nay tôi có nghe tin từ bọn lính canh, bọn chúng bàn tán về việc khuya hôm qua ở Hà Nội có trận tập kích của quân đội ta với bọn bán nước ngoài ấy, không ngờ không thành công còn bị bọn chúng đánh bom, hiện chưa biết sống chết thế nào. Ban sáng bà nhà có đến tìm tôi nói là muốn gửi cái áo cho chú út Lâm, vừa nghe tin chẳng biết thế nào lại muốn chạy ra khỏi làng, kết quả bà nhà bị bọn lính canh bắt được rồi dùng gậy đánh đập. Aiz... Cũng may có vài người ra can gián, nếu không..."

Nghe kể, mọi người cũng bắt đầu xôn xao bàn tán, trai tráng ở đây nhập ngũ đa số đều được điều đi ngoài Bắc, tháng trước nghe nói còn chuyển đến Hà Nội chuẩn bị tập kích, không ngờ đợt này không thành còn có thể sẽ mất đi chồng con. Vài người có người nhà đi nhập ngũ nghe đến đây cũng không kìm được mà rưng rức khóc.

Mẹ tôi có chút thất thần, mấy hôm trước còn nghe đồn chú út chuyển đến Hà Nội tập huấn, nghĩ đến thành phố lớn càng dễ gặp nguy hiểm. Giờ phút này chỉ có thể cầu nguyện cho mọi người có thể bình an.

Tôi cũng lờ mờ đoán được mọi việc vừa xảy ra, nhìn sắc nắng trên trời, tôi trở lại bên giường bà nội, hi vọng năm nay có thể yên ổn qua đêm giao thừa.

...

Khoảng 11 giờ đêm, mọi người đang chuẩn bị xếp bánh ra khỏi chiếc nồi to tướng vừa nấu xong, những đòn bánh tét vang mùi lá chuối thơm lừng, đâu đó trong không gian còn có cả mùi nếp mới. Khoảng nửa tiếng nhộn nhịp, mỗi người đều tay xách vài đòn bánh và lá trầu mà bà nội tôi đã chuẩn bị hôm qua biếu cho láng giềng. Trong sân lúc này lại trở lại vẻ tĩnh mịt, mẹ tôi đứng giữa sân nhìn lên bầu trời đêm một cái, sau đó quay người trở vào trong chăm sóc cho bà nội vẫn nằm trên giường bệnh.

"Sắp đến thời khắc giao thừa rồi." Ngày này tám năm trước là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi "nhìn thấy" ba, và tám năm sau thì đêm giao thừa thiêng liêng trở thành ngày giỗ của ông ấy, cũng biến niềm vui trong gia đình này từng chút phai nhạt.

Tôi cũng lặng lẽ ngẩng đầu, nhìn những ngôi sao hiếm hoi trên bầu trời đêm, mẹ tôi từng nói rằng: Khi người ta sống trên đời đều có đôi khi không thể hiện ánh sáng của bản thân, đến khi rời khỏi thế giới này thì sẽ biến thành vì sao trên bầu trời mặc sức tỏa sáng. Tôi nghĩ, ba tôi có lẽ cũng là một ngôi sao trên đỉnh đầu kia, ba đang nhìn chúng tôi mỗi ngày, tôi có thể tưởng tượng được tia sáng kia như ánh mắt dịu dàng của ba, phải chăng khi tất cả hóa thành ảo tưởng thì trái tim con người cũng trở nên hư vô. Khi nhìn thế giới này thêm chút nữa, tôi lại nghĩ, có lẽ bản thân rồi sẽ có ngày hóa thành một ngôi sao kia, mãi mãi chỉ lu mờ bởi thế giới đầy sắc màu này.

Bất chợt, tôi nghe thấy tiếng thở dài sau lưng, quay đầu lại, bà nội và mẹ đang lặng lẽ nhìn tôi, cũng không biết đã bao lâu rồi.

"Bà nội, mẹ! Con nhớ ba..." Tôi khe khẽ nói, giọng nghèn nghẹn rồi bắt đầu khóc nấc lên. Có lẽ tôi chưa từng gặp ba, nhưng tôi tin, ba sẽ là một người ba tốt, bởi vì ba đã không màng bản thân mà hi sinh cho đất nước, tấm lòng cao cả đó tôi luôn lấy làm tự hào với bản thân mình.

Bà bước tới ôm lấy tôi vào lòng, trên khuôn mặt già nua cũng đọng một màu sương lạnh, đôi tay gầy gò vỗ về mái đầu của tôi, bà nói: "Cháu yêu, ba luôn ở bên con, ba luôn nhìn con khôn lớn từng ngày. Tin bà đi, dù ba con đã không còn trên đời này, nhưng chỉ cần trong trái tim còn có ba thì ba con mãi mãi sẽ ở bên chúng ta..."

Chỉ cần trong tim có ba, thì ba sẽ mãi mãi luôn ở bên chúng ta... Tôi cố ghi nhớ lời này của nội, nước mắt theo từng lời nói của bà mà chảy xuống.

Mẹ tôi lặng lẽ lau đi từng giọt nước mắt ướt đẫm hai bờ má, bất ngờ, mẹ tôi trừng mắt thật lớn, đôi tay cố sức bưng miệng kìm chế tiếng nấc như không tin vào mắt mình. Tôi cũng cảm nhận được thân hình gầy gò của nội đang run rẩy kịch liệt, thân thể cứng đờ tựa như hóa đá.

Tôi nghi ngờ quay người lại nhìn về phía sân, một bóng hình gầy gò chậm rãi hiện ra trước mắt, chiếc áo màu xanh đã sờn vải, bụi bẩn bám trên quần áo tựa như không bao giờ lau hết được, mái tóc đen nhánh bám đầy bùn đất rủ xuống che mất đôi mắt, toàn thân người này như giống như mới lưu lạc suốt mấy đêm ngày, đôi giày vải cũng đã rách bươm. Một người đàn ông tôi chưa từng gặp, nhưng cớ sao tôi lại cảm thấy vô cùng quen thuộc, quen thuộc đến mức khiến tôi cảm thấy như mình đang gặp ba trong mỗi giấc mộng.

Người đó lặng lẽ nhìn chúng tôi, chỉ cách vài bước nhưng người đó lại tựa như bị đóng đinh tại đấy. Không chờ tôi lên tiếng hỏi, một giọng nói khàn khàn đặc khản, nghẹn ngào mà bi thương vang lên bên tai.

"Má...!"

Tiếng gọi thân thương như vọng đến từ cõi u linh, thân hình nội dường như cũng run theo từng tiếng gọi, bà bước chầm chậm về phía tiếng gọi đó, khuôn mặt già nua đượm một lớp bi thương cùng kinh ngạc tột cùng.

"Má! Má ơi... con về rồi má ơi!" Người đàn ông đó như được trả lại sự sống, bước nhanh tới ôm lấy thân hình gần như sắp sụp đổ của bà nội, tiếng khóc cùng tiếng gọi đắng chát, thương yêu hòa lẫn cứ thế vang lên, không gian bỗng chốc chỉ còn vang lên tiếng nấc nghẹn ngào.

"Út! Thằng út... mày về với má đó hả út!?" Nội tôi run giọng hỏi, mà như đang nói với bản thân mình.

"Má ơi! Con về với má rồi má ơi, con về rồi..." Dường như tất cả lời nói chỉ có thể gói gọn trong tiếng gọi đầy thương nhớ ấy.

Đợi khi kinh ngạc qua đi, mẹ tôi đã ngồi bệt xuống đất ôm mặt khóc tức tưởi. Dường như bà đang đem nước mắt đã kìm nén tám năm ròng mặc sức thỏa ra vào khoảnh khắc này. Tôi lặng lẽ lau đi nước mắt trên mặt, nhìn cho thật kĩ khuôn mặt gầy gò có bao phần giống với ba tôi, một người chiến sĩ vùi thân mình ở chiến trường đầy khói đạn, giây phút này cũng trở về thành một người con, đem tất cả gian khó và thương nhớ gửi gắm vào nước mắt, vào tiếng gọi "má ơi" này. Đó là chú út của tôi sao? Đó là người mười hai năm trước cùng ba tôi vào chiến trường đầy khói đạn đó, là người tám năm trước đã đem tro cốt của ba tôi trở về sao!?

"Út Lâm!" Cuối cùng vẫn là mẹ tôi trở lại bình tĩnh trước, đôi mắt không giấu vẻ vui mừng cùng thương đau đè nén nhìn chú út: "Làm thế nào mà chú về được đây? Ban sáng mọi người còn phao tin nói đơn vị của chú ở Hà Nội bị tập kích kia mà?"

"Chị hai! Chị nói... đơn vị của em bị giặc tập kích? Có chuyện này sao?" Chú út tôi lấy lại bình tĩnh, kinh ngạc nhìn mẹ tôi hỏi.

Mẹ tôi nghe vậy lại càng kinh ngạc, hỏi lại: "Đúng vậy! Chẳng lẽ không phải sao? Sáng nay ông trưởng làng phao tin với mọi người, má chú còn vì vậy mà bị lính đánh, phải nằm bệnh nguyên ngày hôm nay mới rời giường được."

Nghe vậy chú út tôi không khỏi sửng sốt, vội cúi người nhìn nội tôi, bấy giờ mới phát hiện trên tay nội còn băng bó vết thương, khuôn mặt gầy gò trắng bệt, nhìn thấy mà đau lòng thắt ruột. Chú út lại càng rơi nước mắt nhiều hơn, chẳng biết là đau xót thay cho nội hay là đang tự trách bản thân mình.

"Đúng đó út, sao con lại về được đây?" Nội tôi đưa tay lên lau nước mắt cho chú út, khàn giọng hỏi, dường như không hề để tâm đến vết thương trên người.

Chú út tôi cũng không vội, dìu nội ngồi xuống chiếc ghế đẩu gỗ dưới chân rồi bắt đầu kể. Hơn nữa tháng trước trong đơn vị mà chú út tham gia đang chuẩn bị cho trận tập kích về phía Quân Thanh Xuân, đúng lúc đó chú út tôi muốn về thăm bà nội một lần trước khi bắt đầu tập kích, vì dường như chú út có linh cảm đợt tập kích này sẽ không bao giờ trở về được nữa, cứ nghĩ thời gian đi về chỉ mất hơn mười ngày, ai ngờ vừa ra khỏi Hà Nội đã bị binh lính giặc bắt được đem về tra tấn, ròng rã bảy ngày bị chúng tra tấn và hành hạ cũng không moi được chút tin tức nào từ miệng chú út, chúng định bắt chú út làm tù binh, đêm trước ngày đó, chú út thừa dịp bọn chúng không để ý trốn thoát, vì trên người đang có thương tích nên khi về đến nhà cũng đã là mười ngày sau. Không ngờ trận tập kích cũng không vì chú út vắng mặt mà dừng lại, kết quả thất bại thảm hại, cũng chẳng biết là may mắn hay xui rủi mà chú út tôi về được đây.

Nghe đến đây nội tôi đã không kìm được nước mắt lần nữa, đưa tay kiểm tra trên dưới người chú tôi, vết thương trên người qua mấy ngày đã đóng vẩy, chỉ có chân trái bị nứt khớp nên đi đứng có chút khó khăn.

Chú út tôi cũng không phản ứng, giọng nói tự trách vang lên: "Con không thể cùng anh em chiến đấu đến giây phút cuối cùng, má, con của má đến cuối cùng vẫn không làm được gì cả."

"Út Lâm, chú đừng nói vậy, mọi người đều không muốn kết quả này xảy ra, về được đã là may mắn lắm rồi." Mẹ tôi an ủi, sâu trong tâm hồn đang khẽ thì thào câu cuối cùng không dám thốt lên: Không giống như anh chú.

Nhưng dù mẹ có ố gắng che giấu thì những người khác cũng đều thấu hiểu. "Đúng vậy, về được là tốt rồi. Chẳng lẽ con muốn bỏ má mà đi nữa hay sao, anh của con..."

"Má..." Mẹ tôi vội ngăn lại câu nói nội tôi còn dang dở. Chẳng hiểu vì điều gì mà quay sang nhìn tôi.

Nước mắt chẳng biết tự bao giờ đã ướt đẫm khuôn mặt mình, trái tim tôi cũng theo từng lời nói của họ mà đau nhói. Đúng vậy, chú út may mắn hơn ba tôi, ba tôi đã sớm ra đi trên chiến trường loạn lạc, và giờ đây tất cả đều không muốn bi kịch lặp lại trên người chú út tôi thêm nữa.

"Con là bé Thu phải không?" Chú út giây phút này mới nhận ra còn có một người im lặng từ đầu đến cuối là tôi, chẳng biết nghĩ đến điều gì, đôi mắt chú đã đỏ ngầu nhìn tôi tha thiết gọi.

"Thu! Gọi chú út đi con, đó là chú út mà mẹ từng kể cho con nghe đó." Mẹ tôi nhìn dáng vẻ của tôi, nghẹn ngào khẽ nói.

Tôi vẫn đứng đó, đôi chân như được tráng lên nhiều lớp xi măng rắn chắc, khiến tôi không thể nào nhấc lên được. Bỗng, một vòng tay mạnh mẽ ôm lấy tôi, đó là cái ôm ấm áp nhất mà tôi chưa từng được nếm thử, cho dù vòng tay này xen lẫn mùi máu tươi và bùn đất, cũng không thể nào nhuốm bẩn được sự tươi sáng trong tâm hồn tôi, đó là vòng ôm tôi hằng khao khát trong mỗi giấc mơ, trong mơ tôi sẽ nhìn thấy ba, nhìn thấy cả nhà năm người cùng ngồi bên mâm cơm đón giao thừa, cùng nói "sinh nhật vui vẻ" với tôi.

"Con biết tên con từ đâu mà ra không? Là ba của con đặt đó, ba năm trước, vào cái ngày anh ấy biết được sự tồn tại của con anh ấy đã suy nghĩ rất lâu mới đặt cái tên này, anh ấy đã hi vọng biết bao nhìn thấy con, thậm chí mỗi ngày sau khi tập luyện xong anh ấy còn viết cho con rất nhiều bức thư, kể về mỗi ngày nơi chiến trường anh ấy trải qua, rồi đốt đi, vì anh ấy nghĩ rằng sẽ không có cơ hội gặp lại con, ba con rất yêu con, Thu à!"

Tôi nghe tim mình như có ngàn vì sao tỏa sáng đến xinh tươi, cũng hòa lẫn với nỗi đau theo từng nhịp đập. Tôi biết chứ, ba mãi mãi là người yêu thương tôi nhất trên đời này. Đâu đó trong tim như có sự thôi thúc, bất chợt thốt lên tiếng gọi thân thương: "Ba..." Nước mắt vừa đọng lại trong mắt lại thi nhau rơi xuống, giọng nói như nghẹn ứ lại trong cuốn họng, tôi hướng về phía người đang ôm tôi vào lòng, nói: "Chú Út! Con muốn nghe mọi chuyện về ba của con, tất cả."

"Được, chúng ta vào nhà, chú sẽ kể cho con nghe về mọi chuyện của ba con." Chú út chẳng cần chút sức lực bế bổng tôi lên, bước vào nhà, sau lưng chú, tôi chỉ kịp nhìn thấy niềm hân hoan, vui mừng xen lẫn đau thương trên khuôn mặt của bà nội và mẹ, ngẩng đầu lên trời cao, tôi bắt gặp một ngôi sao đã lu mờ trong bóng tối nháy sáng lên rồi nhanh chóng vụt tắt, vùi mình vào áng mây đen. Và đâu đó trong không gian vang lên tiếng huyên náo vui mừng của mọi người nơi đầu ngõ, tiếng chúc mừng năm mới văng vẳng bên tai.

"Ba, chúc mừng năm mới!"

______

*** Tết là dịp để mọi người trong gia đình sum họp, dẫu có trong hoàn cảnh nào, dù khó khăn hay cực khổ, chỉ cần có người thân ở bên, cùng nhau ngồi bên mâm bánh, nói với nhau lời chúc tốt đẹp đầu năm. Thì dù cho sau đó có khó khăn gì phải đối mặt, nỗi đau nào bất ngờ sẽ đến, chúng ta cũng không tiếc nuối vì tháng ngày chúng ta đã bỏ quên. Bởi vì chúng ta vào giây phút hạnh phúc nhất đã từng biết trân trọng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro