truyen ngu ngon

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cuộc Kiểm Nghiệm

Mikhankôp

Có một anh Vẹt sau khi học được vài ba tiếng Người thì lấy làm hãnh diện và tự phụ lắm. Anh ta tuyên bố:

- Ta biết nói tiếng Người. Từ nay các người sẽ không bao giờ nghe ta nói một lời nào bằng tiếng chim nữa !

- Ồ, ồ ! - Mấy chị chim Chìa Vôi thốt lên - Thông minh làm sao ! Anh ta chỉ nói bằng tiếng Người ! Anh ta khinh rẻ tiếng chim !

- Anh ta biết nói tiếng Người ư? - Bác Quạ già hỏi - Thì đã sao ! Thế càng tốt ! Nhưng như thế không có nghĩa là anh ta thông minh hơn tất cả những kẻ khác. Tôi cũng biết nói tiếng Người nhưng chưa bao giờ tôi cho mình là một nhà thông thái.

- Thế thì bác nói đi, nói với anh ta bằng tiếng Người đi ! Mấy chị chim Chìa Vôi năn nỉ - Chúng em cam đoan là anh ta chẳng bao giờ nói với bác bằng tiếng chim đâu. Đấy, rồi bác sẽ thấy !

- Nào, để tôi thử xem ! - Bác Quạ nói rồi nhảy sang cành cây, nơi anh Vẹt đang ngồi với vẻ quan trọng.

- Chào anh Vẹt ! - Bác Quạ cất tiếng chào và tự giới thiệu bằng tiếng Người rất rành rẽ - Tôi là Quạ !

Rồi bác Quạ nói tiếp:

- Vẹt là thằng ngu ! Vẹt là thằng ngu !

- Anh Vẹt cũng đáp lại bằng tiếng Người rất trịnh trọng - Vẹt là thằng ngu !

- Bác nghe thấy chưa ? - Mấy chị Chìa Vôi thán phục reo lên - Anh ta đã làm cho bác tin rồi chứ ? Anh ta nói toàn bằng tiếng Người, bác tin rồi chứ ?

- Vâng, tôi tin ! Và tôi công nhận là anh ta nói rất đúng !

Chị Mèo Nhận Họ

Nghe người ta nói Hổ và Báo cũng thuộc họ nhà Mèo, chị Mèo hí hửng lắm:

- Ồ! Thế mà ta, một con ngu, đã không biết ta có họ hàng như vậy! Đã thế, từ rày biết tay ta...

Suy nghĩ một lúc, Mèo ta nhảy tót lên lưng bác Lừa.

- A! Chuyện gì thế này? - Bác Lừa ngạc nhiên.

- Chở ta đi đến chỗ ta ra lệnh! Chở đi và không nói năng lôi thôi! Mày có biết bà con họ hàng của ta là ai không? - Mèo ta thốt lên trong lúc vẫn ngồi chễm chệ trên u vai bác Lừa.

- Ai thế? - Bác Lừa tò mò.

- Ông Hổ và ông Báo chứ còn ai! Không tin à? Không tin thì cứ đi hỏi chị Quạ mà xem!

Bác Lừa đành phải cõng Mèo đi hỏi chị Quạ. Chị Quạ xác nhận:

- Đúng thế! Mèo, Hổ, Báo, Linh Miêu, thậm chí cả Sư Tử đều cùng họ nhà Mèo mà ra.

- Bây giờ thì tin rồi chứ? - Mèo ta thốt lên rồi đưa móng chân quào vào u vai bác Lừa - Chở ta đi!

- Đi đâu? - Bác Lừa hỏi giọng tỉnh bơ như không - Chở đến ông Hổ hay ông Báo?

- Khó... ô... ông! - Mèo ta nói, giọng run rẩy - Chở ta đến... đến lũ... lũ gì nhỉ? Lũ Chu... uột!

Và thế là bác Lừa chở Mèo ta đến chỗ có Chuột.

Bởi một lẽ, dù sao thì đó cũng chỉ là một con Mèo!

Một Kẻ Hợm Mình

Mikhankôp

Anh Gà Trống bay lên đậu trên hàng rào rồi rướn cao đầu lên trời.

- Anh đang ngắm bầu trời đấy à? - Chị Vịt thấy thế liền hỏi.

- Bầu trời là cái gì đối với tôi cơ chứ ! - Gà Trống đáp lại và rướn cao đầu hơn - Một khoảng không gian ngu xuẩn chất đầy hành tinh đến nỗi không còn chen vào đâu được. Một sự luân phiên nhàm chán giữa ngày và đêm. Tất cả những cái đó đã quá quen thuộc.

- Thế mà từ lâu em không biết anh là một người thú vị đến thế ! Anh có những ý tưởng mới cao siêu làm sao! Chị Vịt thốt lên.

- Tôi dang đôi cánh của mình - Anh Gà Trống tiếp tục nói - Tôi sẽ bay cao hơn cả bầu trời, sẽ thách thức với tất cả các hành tinh và rồi bí ẩn nhưng kiêu hãnh, tôi sẽ quay trở về với biển xanh khôn cùng và ... tôi sẽ chìm.

Nói đến đây, Gà Trống chóng mặt mất thăng bằng, ngã nhào xuống vũng nước.

- Ôi ! - Chị Vịt sợ hãi - Anh đang chìm đấy ư?

- Ừ ! Đang chìm ! - Gà Trống tức giận trả lời, và rồi nhìn thấy một chú giun, anh ta liền mổ, nuốt chửng.

Hệt như tất cả những anh gà khác !

Điều Ước Mong Cuối Cùng

Mikhankốp

Sói quyết định thắt cổ tự tử rồi loan báo cho cả rừng biết.

- Chuyện! Anh ấy mà thắt cổ tự tử! Đợi đấy! - Thỏ cười mỉa mai.

- Dám thắt thật đấy! Dám lắm! Anh ta đã quyết định chắc chắn như thế - Rùa nói.

- Có thể anh ta suy nghĩ lại! - Nhím nói.

- Không nghĩ lại đâu! Đời nào! Anh ta đã chọn cả cây liễu để làm nơi treo cổ - Chị Quạ cam đoan - Anh ta đang đi tìm thêm dây...

Tranh cãi, bàn tán xôn xao khắp rừng. Kẻ tin, người ngờ.

Tin ấy đến tai bác Sếu. Bác bay ngay vào rừng tìm Sói. Bác thấy Sói đang ngồi dưới gốc liễu, buồn như tàu lá úa. Tim bác thắt lại, quặn đau. Xưa nay bác không yêu quý Sói, không bao giờ cho Sói đến sân nhà thật, nhưng đối với Sói bây giờ, dù sao cũng là một tấn thảm kịch!

- Chào anh Sói! - Bác Sếu chào giọng nhỏ nhẹ.

- Chào bác và xin vĩnh biệt! - Sói nói rồi đưa chân quệt nước mắt - Vĩnh biệt bác nhé! Bác đừng buồn. Hãy tha thứ cho tôi nếu như có điều gì...

- Không lẽ anh định treo cổ thật? - Bác Sếu hỏi, vẻ thận trọng - Thật không sao tin được! Tại sao? Có chuyện gì vậy?

- Tôi bị lăng nhục! Bị nhục mạ cả trong truyện ngụ ngôn lẫn trong truyện cổ tích... Tôi không muốn sống thêm một ngày nào nữa... Bác giúp tôi, tìm hộ cho một sợi dây. Tìm trong kho để đồ ấy... Kho khóa thật, nhưng người ta tin bác, bác cứ đến...

- Được... Tôi sẽ giúp anh! - Không suy nghĩ, bác Sếu đồng ý ngay.

- Cảm ơn bác lắm! - Sói nói giọng cảm động - Ừ, mà nhân tiện bác tìm cách đem cho tôi một chú dê con luôn thể... Bác cố thực hiện điều mong ước cuối cùng của tôi...

Sếu đã thực hiện điều mong ước cuối cùng của Sói. Còn Sói thì không thèm thắt cổ tự tử.

Nó đã nghĩ lại.

Bài Học Nhớ Đời

Mikhankốp

Gấu lớn cứ bắt nạt Thỏ nhỏ. Chẳng chi cả mà nó cứ tóm lấy Thỏ rồi bạt tai đến nỗi một bên tai Thỏ vẹo hẳn xuống.

Chú Thỏ khốn khổ khóc mãi, khóc hoài. Tai chú cuối cùng rồi cũng hết ê ẩm, nước mắt cũng đã khô, thế mà chú vẫn thấy đau. Chú phải làm gì đây? Tại sao chú lại cứ đụng phải cái gã Gấu hết lần này đến lần khác như thế kia chứ! Xưa nay chú chưa bao giờ phải chịu cái nông nỗi này. Nhưng lấy ai là người có thể giúp đỡ chú được? Gấu là ngã khỏe nhất trong khu rừng này. Còn Sói và Cáo là bạn chí thân của gã. Chúng vẫn thường về hùa với Gấu.

- Ai có thể giúp tôi được đây? - Thỏ than vãn.

- Được, tôi đây! - Có ai đó kêu lên.

Thỏ liếc con mắt trái và thấy Muỗi.

Làm sao bạn có thể giúp tôi được?

- Thỏ nói - Bạn làm gì nổi Gấu? Gã quá to, mà bạn thì nhỏ như thế. Bạn không đủ sức mạnh đâu!

- Được, đợi coi nhé! - Muỗi nói.

Gấu đã lang thang suốt ngày qua khu rừng nóng nực. Gã mệt mỏi và buồn ngủ, liền lăn ra đám cây mâm xôi nằm nghỉ. Nhưng khi ngã vừa nhắm mắt lại, thì gã nghe có tiếng gì vo ve bên tai: "Vi...e...é..."

Gấu biết đó là tiếng chú Muỗi. Gấu nín hơi đợi cho Muỗi đậu lên mũi. Muỗi lượn vòng quanh, vòng quanh và rồi cuối cùng đậu lên ngay chóp mũi của Gấu. Gấu vung bàn tay trái lên, đạp bóp một cái vào chóp mũi của gã! Như vậy là dạy cho gã một bài học rồi!

Gấu trở mình qua bên phải nhắm mắt lại. Nhưng đúng lúc đang ngáy dở, ngã lại nghe thấy tiếng gì vo ve bên tai: "Vi...e...é..."

- Thằng Muỗi phải cút đi ngay từ lúc đó rồi chứ!

Gấu nín thở nằm yên, giả bộ ngủ say, nhưng suốt thời gian đó gã lắng nghe, đợi cho Muỗi tìm nơi đậu khác.

Còn Muỗi thì cứ tiếp tục vo ve, vo ve rồi đột nhiên ngừng bặt.

- Thật là thoát nợ! - Gấu nhủ thầm và nằm duỗi ra. Nhưng, Muỗi đã lại nhẹ nhàng đậu lên tai Gấu và bò vô trong. Muỗi chích Gấu một cú đau dễ sợ! Gấu nhảy dựng lên. Gã vung bàn tay phải, đập vô tai gã mạnh đến nỗi nảy đom đóm mắt. Dứt khoát, cú đó thì đủ săn sóc cho cái thằng Muỗi đến tàn đời.

Gấu gãi tai và sửa soạn chỗ nằm. Gã có thể ngủ được rồi đây! Nhưng đúng lúc ngã vừa nhắm mắt, thì lại nghe có tiếng "Vi...e...é" quen thuộc.

- Thật là tai họa không thể chịu được nữa!

Gấu rền rỉ, vùng dậy, đâm đầu chạy khỏi cái nơi Muỗi đã đưa nó vào tròng. Gã trượt té, xô bừa qua các bụi cây, ngáp đến sái quai hàm, vừa đi vừa buồn ngủ đến suýt ngục xuống. Thế mà Muỗi vẫn ở ngay bên cạnh: "Vi...e...é"

Gấu lại tiếp tục chạy. Gã chạy đến hụt hơi rồi gục xuống dưới một lùm cây. Gã nằm đó thở hổn hển, dỏng đôi tai lên lắng nghe tìm Muỗi.

Khu rừng thật là yên vắng, và tối đen như mực. Tất cả các loài chim, thú đều đang ngủ ngon lành. Riêng Gấu trằn trọc và gần xỉu vì kiệt sức.

- Khốn khổ quá! - Gấu tự nhủ: - Cái thằng Muỗi nhép đó nó gây khốn đốn cho mình, đến chẳng còn nhớ nổi tên mình là gì nữa. Sung sướng là mình đã xoay xở thoát được. Bây giờ, cuối cùng thì mình cũng có thể ngủ được một chút.

Gấu tới dưới một bụi dẻ lớn. Gã nhắm mắt lại và ngủ vật vờ. Gã bắt đầu mơ. Gã thấy mình đang ở trong rừng, bất ngờ gặp một tổ ong đầy mật. Gã sắp thọc tay vô tổ ong thì đã nghe có tiếng vẳng tới: "Vi...e...é".

Muỗi đã tìm được Gấu và cuối cùng lại đánh thức Gấu dậy!

Gấu gồi dậy, rên rỉ. Trong khi đó Muỗi tiếp tục bay vòng quanh đầu gã, lúc tới gần, khi xa xa, vo ve lúc to lên, khi nhỏ lại, cho đến lúc đột nhiên Muỗi ngừng hẳn. Muỗi đã biến mất rồi ư?

Gấu đợi một lát, rồi gã bò lết ra xa, vô một bụi cây, nhắm mắt lại. Toại nguyện. Gã vừa chợp mắt thì đúng khi đó, Muỗi cất lên giọng ca "Vi...e...é".

Gấu bò lê ra khỏi bụi cây. Gã bắt đầu gào khóc.

- Thì mày muốn gì, hở loài sâu bọ? Tao cầu cho mày chết rũ! Mày đợi đấy! Tao không thèm ngủ một tí nào nữa. Tao sẽ tóm được mày cho mà coi!

Muỗi đã cho Gấu "khiêu vũ" đến tận lúc mặt trời lên. Nó đã làm cho Gấu hoàn toàn mệt lử. Suốt đêm Gấu chẳng được nghỉ lấy một chút nào. Gã đã tự đập gã đến thâm tím mình mẩy, để cố bắt cái thằng Muỗi nhép đó mà không được.

Mặt trời lên. Những con chim, con thú tỉnh dậy sau một đêm ngủ ngon lành. Chúng nhảy nhót và ca hót vui vẻ. Chỉ một mình Gấu không vui vẻ gì trước lúc bắt đầu một ngày mới.

Thỏ gặp Gấu ở ven rừng buổi sáng hôm đó. Gấu xù bước vấp, bước trượt, lảo đảo lê đi. Nó chẳng thế nào mở nổi con mắt ra nữa, vì quá buồn ngủ.

Thỏ cười đã đời! Nó cười đến suýt bể bụng ra mất.

- Cảm ơn Muỗi nhé!

- Thỏ vui vẻ nói khi vừa trông thấy Muỗi.

- Bạn thấy gã Gấu đấy chứ?

- Tất nhiên rồi! - Thỏ đáp rồi lại bật cười.

- Bạn thấy tôi cũng không đến nỗi bé nhỏ và yếu ớt quá như người ta tưởng, phải không?

Muỗi nói xong, vừa bay đi vừa cất giọng hát "Vi...e...é".

ĐẸP

Gấu và Sói ngồi nói chuyện trên trời dưới đất.

Cạnh đó có một chị Bướm đang bay lượn. Chị bay từ cây này sang cây khác.

Nhìn thấy chị Bướm, bác Gấu đưa mắt ngắm nghía.

- Xem kìa! - Bác nói với anh Sói - Tuyệt diệu làm sao!

- Ở đâu? - Sói hỏi.

- Đấy kìa, trên cành cây, ngay trên đầu anh đấy! Một chị Bướm! Biết bao nhiêu vẻ đẹp trên thân hình chị!...

- Trên thân hình chị Bướm ấy à? - Sói cười mỉa.

- Anh không thích chị Bướm ấy ư? - Bác Gấu ngạc nhiên.

- Có cái gì hay ho trong con bướm ấy nào?

- Khỏi nói! - Bác Gấu cãi lại - Anh xem kìa! Chị ấy bay lượn mới nhẹ nhàng uyển chuyển làm sao! Những nét hoa trên đôi cánh đẹp đẽ làm sao! Thật là tuyệt vời!

- Uyển chuyển ư? Nét hoa ư? Tôi chẳng thấy một cái gì gọi là hay ho cả!

- Nhưng...

- Không có "nhưng" gì cả! Cách đây không lâu, tôi nhìn thấy một con Cừu non mũm mĩm. Chà, toàn là thịt! - Sói nói, hai mắt sáng rực lên - Đấy mới thật là đẹp!

- A! - Bác Gấu nói, vẻ chán chường - Thiết tưởng tôi đã hiểu anh...

Bản Chất

Mikhankôp

Nhìn thấy một bác Hổ đang ngủ say, bên cạnh bác là một ả Rắn, Thỏ ta mới nghĩ bụng: "Ôi, lỡ nó cắn bác Hổ thì sao? Mình phải đánh thức bác Hổ dậy mới được!". Rồi, tuy run sợ lẩy bẩy nhưng Thỏ cũng nắm đuôi bác Hổ giật mạnh.

- Kẻ nào dám cả gan đánh thức ta dậy? - Hổ gầm lên.

- Xin bác thứ lỗi cho, cháu đây mà ! - Thỏ ta nói giọng nhỏ nhẹ - Bác coi chừng ! Rắn !

Bác Hổ ngoảnh lại, nhìn thấy ả Rắn lục, vụt một cái, liền nhảy sang chỗ khác.

- Đưa tay đây ! - Bác Hổ nói với Thỏ - Chú mày dũng cảm và hào hiệp lắm ! Từ nay chúng ta là bạn bè của nhau và ta sẽ đứng ra bảo vệ cho chú mày ! Bây giờ chú mày có thể không sợ bất cứ ai !...

Thỏ ta lấy làm sung sướng lắm.

Thình lình một chị Cáo từ bụi cây ló đầu ra. Thỏ ta ba chân bốn cẳng bỏ chạy, nhanh như gió.

Bác Hổ ngạc nhiên lắm. Bác lắc đầu, không hiểu. Đến chiều tối, bác tìm được Thỏ.

- Cớ sao chú mày lại bỏ chạy?

- Cháu nhìn thấy chị Cáo.

- Nhưng đã có ta ở bên cạnh rồi cơ mà? Ta đã hứa là sẽ bảo vệ chú mày.

- Dạ, bác có hứa.

- Chú mày không tin ta chắc?

- Dạ, có tin.

- Hay là chú mày nghĩ rằng cái con Cáo ấy mạnh hơn ta?

- Không ạ, bác mạnh hơn !

- Đã thế thì cớ sao chú mày còn bỏ chạy?

- Dạ, đó là một thói quen tệ hại của họ nhà Thỏ chúng cháu - Thỏ ta ngượng ngùng thú nhận.

Thần Gió Và Mặt Trời

Sau khi gây ra thiên tai, bão táp làm đổ sập nhà cửa, cây cối, Thần Gió càng lúc càng tỏ ra ngạo mạn. Một hôm Thần Gió tranh cãi với Mặt Trời xem ai là kẻ mạnh nhất. Nhìn xuống mặt đất, thấy một khách bộ hành khoác chiếc áo tơi đang đi, Mặt Trời bảo: "Chẳng cần cãi nhau làm gì, hễ ai làm cho người khách bộ hành kia phải cởi chiếc áo ra sẽ thắng cuộc và là kẻ mạnh nhất!"

Thần Gió bắt đầu dương oai, thổi làm cát bụi bốc lên mù mịt, cây cối đổ rạp. Những cơn cuồng phong liên tiếp nổi lên, kèm với cái lạnh buốt da, buốt thịt. Tuy nhiên, gió càng lớn chừng nào thì người bộ hành càng cố giữ chặt chiếc áo tơi của mình, làm cho Thần Gió không cách nào lột được chiếc áo kia ra.

Đến phiên Mặt Trời, từ trong đám mây đen, Mặt Trời từ từ ló dạng. Những tia nắng vàng tỏa ra khắp nơi, làm người bộ hành cảm thấy ấm áp, thoải mái. Mặt Trời càng lúc càng nóng ấm. Thế rồi người bộ hành tự động cởi bỏ chiếc áo tơi vô dụng kia ra.

ôi Muốn Húc

Đó là một chú Dê con với một đôi sừng bé tẹo tèo teo nhưng lại hay cà khịa. Chú chẳng biết làm gì nên cứ hay di cà khịa với mọi người.

- Tôi muốn húc! Nào, ta húc nhau một cái chơi!

- Để cho ta yên! - Bác Gà Trống Tây nói rồi trịnh trọng tránh ra.

- Nào, ta húc nhau chơi nào! - Chú Dê lân la đến gạ lợn con.

- Lui ra! - Chú Lợn con đáp lại rồi đưa chân sau quào đất.

Dê ta lại chạy đến một bác Cừu già.

- Nào, ta húc nhau một cái chơi!

- Đi chỗ khác! - Bác Cừu khẩn khoản - Hãy để ta yên! Ta không mặt mũi nào đi húc nhau với chú.

- Nhưng tôi muốn! Thôi, ta cứ húc nhau một cái chơi!

Bác Cừu không nói gì, lẳng lặng đi chỗ khác.

Dê ta lại nhìn thấy một chú Chó con.

- Chà! Ta húc một cú xem nào!

- Nào, bắt đầu! - Chú Chó con hăm hở lao đến cắn ngay vào chân Dê một miếng thật đau.

- Ôi! Hượm đã! - Chú Dê ta bật khóc - Tớ thì tớ muốn húc, thế mà cậu lại gì thế này?

- Còn tớ thì tớ muốn cắn! - Chú Chó con đáp và bồi thêm cho Dê ta một miếng rõ đau nữa.

Hổ Và Ngựa

Con ngựa có tính huênh hoang, khoác lác, ra khỏi nhà là nó nện bốn cái vó xuống đất, nghe ròn hơn gõ mõ làng, hí váng cả tai hàng xóm. Một hôm trời chưa sáng hẳn, ngựa còn đang ngủ say, chủ nhà đã ra bắt ngựa cưỡi đi chợ.

Ngựa phải đưa chủ qua suối, qua đồi, qua khe. Đường xa, bụng đói, chân mỏi, người đẫm mồ hôi, nhưng con ngựa không dám kêu, vì kêu thì sợ lúc trở về chủ sẽ không cho ăn bắp ngô, chậu cám. Đến chợ, chủ nhà buộc ngựa ngoài gốc cây, vào quán ăn thịt uống rượu. Con ngựa khát nước khô cả cổ mà không dám đòi, vì sợ chủ ăn không ngon, lúc về sẽ bắt ngựa chạy nhanh hơn. Ngựa về, bụng đã đói, chân đã mỏi, nhưng chủ nhà vẫn giục ngựa chạy nhanh. Lưng ngựa oằn xuống, bọt xùi ra mép, ngựa vẫn cắm đầu chạy một mạch, mong mau về đến nhà kiếm nắm cỏ tươi. Nhưng vừa mới về đến cửa thì con chủ nhà đã ra đón. Ngựa lại phải đưa con chủ nhà đi thăm nương, rẫy. Mãi đến nửa chiều, ngựa mới được về nhà uống một chậu nước cám. Uống xong, lại sức, con ngựa ra sông tắm. Vừa mới tắm xong ngựa đã lên bờ giũ lông, hí vang, ra dáng khoan khoái lắm. Lúc đó có một con hổ đi ngang. Thấy hổ lủi thủi đi một mình, đuôi cụp, đầu cúi, dáng buồn bã, ngựa nghển cổ lên nói khích:

- Đi đâu mà trông khổ sở thế anh hổ?

- Tôi đi kiếm ăn ở rừng dưới về. Anh chẳng làm gì sao mà trông thong thả thế?

Ngựa càng lên mặt, giũ lại bộ lông một lần nữa, hí vang thêm một lượt, rồi mới ngạo nghễ nói:

- Tôi lúc nào mà chẳng thong thả? Đi dạo chơi từ sáng đến giờ, bây giờ ra tắm cái cho khỏe.

- Anh sung sướng quá! Phận tôi thì phải chạy tối ngày mà có khi cũng chẳng được miếng ăn.

Được hổ nịnh, ngựa càng vênh mặt:

- Anh vất vả quá thật. Đường rộng rãi thế này, mà tôi dạo một lúc đã thấy mỏi chân. Còn anh thì núi rừng thế kia, đi vướng trước, đụng sau làm sao mà chịu được?

Ngựa còn khoe lúc nào cũng thừa thóc thừa ngô, ăn chẳng hết, rồi mời hổ về nhà chơi, để xem những thứ đó. Tính hổ ít nói, lại không muốn mang ơn bạn trước, nên mời ngựa đến nhà mình chơi trước, rồi mới đến trả lễ sau. Hổ về, chạy vào rừng tìm bắt những con nai, con hươu làm tiệc đón ngựa. Ngựa đến cùng hổ ăn thịt, uống rượu tới một ngày rồi kết nghĩa làm anh em. Xong bữa tiệc đó, ngựa về lo đón hổ, tỏ cho hổ biết mình là người sang trọng. Ngựa lấy lục lạc tròng vào cổ, mang yên vào lưng, ngắm nghía một lúc rồi ra đứng đón hổ. Hôm đó nhà chủ ngựa lại có cỗ, ngựa chờ chủ nhà ngủ yên, vào lấy hết mâm cỗ ra tiếp hổ. Hai bên ngồi ăn uống, ngựa chỉ vào từng món thức ăn, khoe:

- Cái này là thịt gà xào này!

- Cái này là mật ong này, ngọt lắm.

- Cái này làm chỗ ở của tôi - Ngựa chỉ ra chuồng, nói tiếp - chỗ tôi ở mưa không dột, nắng không đến, chứ đâu có khổ sở như anh, lúc mưa phải núp vào hang đá, lúc nắng trú dưới bóng cây...

Ngựa còn đang khoác lác thì trời đã sáng, chủ nhà cầm một cái roi ra bắt ngựa cưỡi đi chợ. Thấy ngựa ăn cắp mâm cỗ, sẵn roi chủ nhà đến tóm bờm ngựa đánh một trận nên thân. Ngựa cúi đầu chạy, hổ núp bên ngoài nhìn thấy mọi chuyện vừa xảy ra. Hổ tự hỏi:

- Ta ở trong rừng. Núp mưa trong hang đá, núp nắng dưới gốc cây mà không bị đánh là sướng, hay ở nhà gỗ ăn cám ngô mà bị đánh là sướng?

- Đi đường dốc, vấp phải đá, quàng phải dây mà không bị người ta ngồi trên lưng là sướng, hay đi đất bằng, đường rộng mà bị người ngồi trên lưng là sướng?

Hổ ra bờ suối, chui vào bụi rậm nằm, chờ ngựa, còn ngựa đưa chủ đi đến nửa buổi chiều mới được về. Ăn xong một nắm cỏ, nó lại ra suối tắm. Hổ hỏi:

- Anh ngựa này? Cái sướng của anh tôi không muốn đâu! Anh được ăn ngô, ăn thóc, ăn cỏ, được ở nhà gỗ mà bị người ta đánh vào đầu, người ta cưỡi lên lưng thì sướng làm sao được?

Con ngựa chống chế:

- Tôi không phải làm nhà mà được ở, ngô, thóc tôi không cấy mà được ăn... Anh bảo thế chưa sướng thì thế nào là sướng? Lủi thủi trong rừng quanh năm suốt đời như anh là sướng đấy sao?

- Núi rừng tuy có âm u rậm rạp, nhưng tôi muốn đi đâu cũng được, muốn nằm đâu cũng được. Lúc tôi ngủ không ai dám gọi, lúc tôi chơi không ai dám ngăn. Hươu, nai, cáo, cầy không phải là của tôi, nhưng tôi có công bắt được thì tôi cứ ăn; không bị ai giành lại, không bị ai đánh mắng. Cái sướng của anh tôi không muốn đâu... Tôi không làm bạn với anh nữa đâu. Tôi đi về rừng rậm núi cao của tôi đây.

Nói rồi hổ cong đuôi chạy vào rừng.

NGỰA ĐỰC VÀ NGỰA CÁI

Ngựa cái ngày đêm không làm lụng gì hết và chỉ thơ thẩn trên cánh đồng . Còn ngựa đực đêm đêm mới được thả đi ăn , ban ngày phải cày đất.

Thấy vậy ngựa cái mới bảo ngựa đực :

-Anh việc gì phải kéo cày ? Giá tôi ở địa vị anh thì tôi không có chịu . Chủ mà lấy roi quật tôi , tôi sẽ tung vó đá lại.

Sáng ngày hôm sau ngựa đực bèn làm theo lời ngựa cái . Bác nông dân thấy ngựa đực trở nên ương bướng , bèn đóng ngựa cái vào vai cày.

CÁO VÀ CÒ

Cáo mời cò đến ăn bửa trưa và bày dĩa canh ra . Với cái mỏ dài của mình , cò chẳng ăn được chút gì , thế là cáo một mình liếm sạch dĩa.

Ngày hôm sau , cò mời cáo đến chơi và dọn bửa ăn trong một cái bình cổ dài .

Cáo không sao thò được mõm vào bình , còn cò vươn cái cổ dài thò mỏ vào bình ăn no.

ĐẠI BÀNG , QUẠ & NGƯỜI CHĂN CỪU

Bầy cừu thơ thẩn ăn cỏ trên cánh đồng . Một con đại bàng không hiểu từ đâu bay tới lao xuống quặp một chú cừu con mang đi . Quạ nhìn thấy thế cũng đâm thèm thịt .

Nó tự bảo :

- Chẳng có gì đặc biệt cả . Ta cũng làm được như vậy , mà còn hay hơn nữa kia.

Đại Bàng chộp con cừu con bé tí , chứ ta là ta chọn con cừu đực béo ngậy kia kìa.

Quạ cũng bay lao tới , cắm móng vuốt vào đám lông cừu đực , muốn cuỗm cừu đi như ng cuỗm sao nỗi. Mà nó cũng không biết cách nào để gỡ móng vuốt ra khỏi đám lông rối tít kia.

Người chăn cừu thấy vậy , đi tới gỡ chân quạ ra khỏi đám lông cừu , và đánh quạ một trận suýt chết .

CHUỘT, GÀ TRỐNG VÀ MÈO

Chuột con ra khỏi tổ dạo chơi . Nó thơ thẩn khắp sân rồi lại về với mẹ:

-Mẹ ơi , con nhìn thấy hai con thú . Một con thì dữ tợn , còn con kia thì hiền khô.

Mẹ nó bảo :

-Con nói mẹ xem hai con thú đó ra làm sao nào .

Chuột con thưa :

-Một con dữ tợn , đi qua đi lại trên sân như thế này này . Chân nó đen thui , mào nó đỏ đậm , cặp mắt nó lồi ra , còn cái mũi nó khoằm xuống.

Khi con đi ngang qua , nó há hốc cái mồm ra , nhấc một chân và lên tiếng quát to đến nỗi con sợ quá chẳng còn biết chạy đi đâu.

-Đó là con gà trống, chuột mẹ nói .

-Nó chẳng làm hại con đâu , nhưng con cũng đừng lại gần nó quá . Thế còn con thú kia ?

-Con thú kia nằm ngoài nắng sưởi ấm , hiền queo .

Cổ nó trắng , chân nó xám , mượt mà . Nó đưa cái lưỡii liếm cái ngực trắng của nó và cái đuôi hơi ngoe nguẩy , nhìn theo con .

Mèo mẹ bảo :

-Con ngốc lắm. Nó chính là con mèo đó.

Back to top

GÀ RỪNG VÀ CÁO

Gà rừng đậu trên cây . Cáo đi tới gần và bảo :

-"Chào anh bạn gà rừng bé bỏng của tôi !Vừa nghe thấy tiếng gáy thánh thót của bạn , tôi liền tìm đến thăm bạn ngay."

"Cảm ơn lời lẽ thân tình của chị ".-Gà rừng trả lời.

Cáo giả bộ không nghe thấy, nó nói tiếp :

-"Anh bạn nói gì thế ? Tôi không nghe thấy gì . Anh bạn gà rừng bé bỏng của tôi, giá bạn xuống bãi cỏ này mà dạo chơi chuyện trò với tôi, chớ ở trên cây tôi chẳng nghe rõ."

Gà rừng bảo:

"Tôi sợ xuống bãi cỏ. Họ nhà chim muông chúng tôi đi dưới mặt đất nguy hiểm lắm."

-"Hay bạn sợ tôi ?"-Cáo hỏi

-"Không phải sợ chị, mà tôi sợ là sợ các con thú khác."-Gà rừng trả lời.-"Trên đời có đủ loại thú khác nhau."

-"Không, anh bạn gà rừng bé bỏng của tôi.Vừa rồi có lệnh ban bố rằng trên khắp mặt đất này hòa bình rồi."

-"Thế thì tốt."-Gà rừng nói, - "chứ không thì thấy bầy chó đang chạy kia , cứ theo lệ cũ thì chị hẳn đã phải chuồn cho mau rồi , còn bây giờ thấy chị chẳng lo sợ gì nữa."

Cáo nghe nói đến chó , vểnh tai lên và đã toan bỏ chạy.

-"Chị định đi đâu thế?"-Gà rừng nói: "Bây giờ lệnh đã ban bố rồi kia mà , chó sẽ không động đến chị."

-"Nhưng mà ai biết được!"- Cáo nói : Có thể bọn họ chưa nghe gì về lệnh ấy và nó ù té chạy.

Truyện ngụ ngôn Êdốp

Trong buổi biểu diễn , anh hề bắt chiếc tiếng chó mèo lợn gà vịt ... được khán giả cổ vũ rất nhiệt tình mọi người đều rất vui vẻ, nhưng có một anh chàng không lấy gì là khâm phục , anh ta tự nhủ " thế có gì là giống " . Sau khi gặp anh hề , anh chàng nọ bước ra với bộ trang phục của vai hề ,

anh ta cũng bắt chiếc các động tác các tiếng kêu của các con vật như anh hề , nhưng khán giả lại im lặng mặc dù anh ta bắt chiếc rất giống , rồi tiếng sì sào phản đối nổi lên : " không giống ... không phải ... không đúng rồi ... " , anh chàng vẫn tiếp tục diễn , rồi thì cà chua , bánh mỳ ... được ném lên sân khấu , nhưng anh ta vẫn rất hăng và rồi BỐP một viên đá ném lên , anh chàng ngã lăn ra sân khấu , bỗng từ trong người anh chạy ra con lợn con ... , trước sự ngạc nhiên của đám đông . Hoá ra khi bắt chiếc con nào là anh ta giấu nó vào trong người rồi lúc cần là bóp nhẹ cho nó kêu ... . Anh chàng bước xuống luôn lẩm bẩm tại sao ... tại sao ... , với cái đầu đang rỉ máu .

Truyện ngụ ngôn Edốp

Truyện ngụ ngôn "Bốn con rắn"

Bốn con rắn

Phạm Kim Khánh

Phỏng viết theo bài Pháp của ÐẠI ÐỨC NÀRADA MAHÀ THERA,

thuyết tại Kỳ Viên Tự, Sài gòn, ngày 11-07-1964

Một ông Vua kia có nuôi bốn con rắn độc. Con thứ nhất tên "Rắn mỏ cây" (Kattha mukha) vì có cái mỏ cứng như cây, mổ đau lại có nọc độc. Rắn thứ nhì tên "Rắn mỏ thúi" (Puti Mukha) vì mỗi lần cắn ai thì thân thể người ấy sình thúi và tan rã ra nước. Thứ ba là "Rắn mỏ lửa"vì ai bị rắn này cắn thì nghe trong mình nóng như bị lửa thiếu đốt đến chết. Thứ tư là "Rắn mỏ khí giới" (Sattha Mukha) vì có răng thật bén, mỗi lần cắn ai thì cũng như dùng khí giới gây tử thương người đó. Vua giao phó việc chăm nom bốn con rắn ấy cho một ông quan cận thần. Khi nào có ai phạm trọng tội thì bị cho rắn cắn. Lúc có chiến tranh thì Vua thả rắn ra diệt trừ quân địch.

Hôm nọ có một tên trộm đáng bị tử tội. Vua truyền đem tội nhân cho rắn cắn. Ông quan dẫn tên tử tội đến chuồng rắn và mở nắp ra. Một trong bốn con rắn bò ra, quấn tay mặt tội nhân và gác đầu bên vai trái. Con thứ nhì quấn mình quanh tay trái và gác đầu lên vai mặt. Con thứ ba quấn ngang bụng. Con thứ tư quấn cổ và gác mỏ lên đầu tên trộm. Bị rắn quấn đầy mình mà anh không tỏ vẻ lo sợ chút nào. Vừa lúc ấy có một vị hiền nhân giàu lòng bác ái đi ngang qua thấy vậy hỏi:

- Anh không sợ chết hay sao?

Anh vừa chỉ rắn vừa đáp:

- Ðây là các vật trang sức của tôi. Tay tôi đeo neo, bụng thắt dây lưng, cổ có kiềng và dây chuyền, đầu lại đội mão.

- Không phải đâu, đó chỉ là bốn con rắn độc.

- Tôi có thấy đâu là rắn độc. Nó có vẻ hiền lành lắm và đeo trên mình tôi thế này là đẹp lắm đấy chớ!

- Bạn nên suy nghĩ lại kỹ càng và hãy bắt đầu lo từ bây giờ. Không nên lãng quên. Một ngày kia một con rắn sẽ bảo bạn đứng dậy nếu không thì nó không chịu. Nếu bạn làm theo thì ba con rắn kia bất bình. Rồi con thứ nhì sẽ bảo bạn đi tới. Rồi con thứ ba bảo bạn nằm, con thứ tư bảo bạn ngồi. Bạn không thể nào thoát khỏi ách nô lệ của chúng nó và bạn luôn luôn bị tai họa.

- Vậy bây giờ tôi phải làm thế nào?

- Bạn hãy lén lén bỏ rắn vào chuồng và mau chạy thoát ra khỏi chốn này.

Tên tội nhân làm y theo lời dạy.

Khi ông quan hay được thì vào triều tâu lại tự sự cho Vua. Vua truyền thả rắn ra rượt theo. Bốn con rắn cố sức chạy theo tên tội. Cùng một lúc ấy vua truyền năm tên binh sĩ theo phụ sức với rắn bắt cho được tên trộm, nếu thành công sẽ được trọng thưởng.

Vua cũng truyền gọi một người bạn chí thân của tội nhân đến dạy phải rượt bắt. Nếu bắt được tội nhân, vua sẽ phong cho làm đại tướng.

Nói về tên trộm, khi thoát ra khỏi chỗ nguy hiểm thì có ý dễ duôi hưởn đãi. Vị hiền nhân xuất hiện và nhắc nhở anh rằng tuy đại nạn vừa thoát khỏi nhưng anh chưa được châu toàn đâu. Hãy cố gắng, cố gắng tìm phương thoát nạn.

Anh vâng lời ráng sức chạy. Ðược một đỗi thì đến một làng nọ. Bụng đói, sức đuối, anh chạy riết vào làng tìm thức ăn và chỗ nghỉ nhưng đó chỉ là một làng bỏ hoang. Trong làng có sáu cái nhà mà nhà nào cũng vắng tanh. Chén dĩa nồi niêu đều trống không. Anh đâm ra chán nản, tìm một gốc cây dựa lưng vào nghỉ.

Vị hiền nhân lại xuất hiện và khuyên anh chớ nên trì hưỡn vì có thêm sáu tướng cướp đang chạy vào làng cùng bắt anh. Anh hoảng sợ bỏ chạy nữa. Một lúc sau anh đến trước một con sông rộng lớn. Từ bờ bên này qua bờ bên kia xa xa có một cù lao, có tất cả ba cù lao. Trong lòng sông, bốn giòng nước lũ gặp nhau xoay tròn thành một cái xoay rộng lớn. Bên kia bờ cỏ cây có vẻ yên tĩnh, nhàn lạc và an toàn. Còn bờ bên này thì chông gai đầy dẫy, phía sau lại có bốn con rắn, năm tên lính, người bạn thân trở mặt và sáu tên cướp đang rượt theo.

Nhưng làm sao qua sông? Không có cầu. Thuyền cũng không. Anh liền tìm cây và dây trong rừng kết lại làm một chiếc bè và hết sức cố gắng dùng cả tay lẫn chân bơi cho bè mau tách xa bờ. Khi đến cù lao thứ nhất anh ngoảnh nhìn lại phía sau thì thấy rắn, lính, người bạn và tướng cướp tất cả đều đến ven sông. Nhìn ra phía trước thấy còn hai cù lao và bờ bên kia. Anh lại nỗ lực bơi riết qua cù lao thứ nhì, thứ ba và rốt cùng đặt chân lên bờ bên kia, trên giải đất an lành tươi đẹp. Anh nghe trong người khoan khoái nhẹ nhàng, sẵn sàng bỏ lại sau lưng chiếc bè và bao nhiêu gian lao nguy khổn.

Bốn con rắn, năm tên lính, người bạn thân và sáu tên cướp biết rằng không thể nào bắt được tên tội nên buồn rầu. kẻ trước người sau, tất cả đều chết.

Chó Sói và Cừu Con

Lý lẽ của kẻ mạnh bao giờ cũng hơn,

Chúng tôi sắp chứng minh tức thì.

Một con Cừu nhỏ đang uống nước ở một dòng nước trong. Bỗng một con chó Sói xuất hiện. Nó đói và đi lang thang tìm ăn, nên đi đến nơi này.

Nó bảo con Cừu nhỏ với một giọng giận dữ:

- Sao mày dám làm vẩn đục nước uống của tao? Mày sẽ bị trừng phạt vì sự táo gan của mày.

Con Cừu nhỏ trả lời:

- Xin Bệ hạ đừng giận dữ, và xin ngài xét cho rằng tôi uống nước ở cuối dòng cách xa chỗ ngài hơn hai mươi bước. Vì vậy tôi không thể nào làm vẩn nước uống của ngài.

Con thú độc ác đáp:

- Mày làm vẩn! Và tao biết rằng năm ngoái mày nói xấu tao.

Con Cừu trả lời:

- Làm sao tôi có thể làm điều đó được, vì khi ấy tôi chưa đẻ. Hiện nay tôi vẫn còn bú mẹ.

- Nếu không phải mày thì anh mày.

- Tôi không có anh.

- Vậy thì là người nào đó trong gia đình mày, vì tụi bay không coi tao ra gì, tụi bay, những người chăn cừu của tụi bay, những con chó của tụi bay. Họ đã nói cho tao biết. Tao phải trả thù.

Nói xong, con chó Sói cõng con Cừu vào rừng sâu rồi ăn thịt, không cần có một hình thức xét xử nào hết.

BỒ CÂU VÀ CON KIẾN

Câu chuyện thứ hai là chuyện các con vật bé nhỏ hơn.

Một con Bồ Câu đang uống nước ở một dòng suối trong. Bỗng có một con Kiến cúi mình xuống nước nên rơi xuống dòng. Trong đại dương ấy, con Kiến cố gắng bơi vào bờ nhưng không được. Con Bồ Câu tức thì động lòng trắc ẩn ném một cọng cỏ xuống nước. Nhờ mỏm đất(*) ấy, con Kiến lên được bờ thoát chết. Nhưng ngay khi đó một chú nhà quê đi chân không (không có giày) qua đó, chú ta ngẫu nhiên có cầm theo cái nỏ. Khi trông thấy con chim của thần Vệ Nữ (tức chim Bồ Câu), chú chắc mẩm sẽ cho chim ấy vào nối nên mừng lắm. Nhưng khi chú sửa soạn bắn, con Kiến liền cắn vào gót chân chú. Chú quay đầu lại, Bồ Câu nghe tiếng động bay đi mất. Bữa súp của chú nhà quê cũng bay mất theo con chim. Chẳng có một miếng thịt bồ câu lấy có.

(*) Chú thích của người dịch: Ví cọng cỏ với mỏm đất, vì con kiến nhỏ nên cọng cỏ đối với con kiến như một mỏm đất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro