truyrn ma

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu Chuyện Về Sannox Phu Nhân

Font Size: Tác Giả: Sir Arthur Conan Doyle

Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:

Sự liên lạc giữa Douglas Stone và vị phu nhân trứ danh Sannox đã được nhiều người biết tại các phòng khách thính sang trọng mà nàng là một ngôi sao sáng chói cũng như tại các trường đại học khoa học, nơi mà chàng được kể vào hàng những hội viên lỗi lạc nhất. Do đó người ta nhận thức được lòng thương cảm được khuấy động lên một buổi sáng nọ bởi cái tin là bà phu nhân đã vào nhà tu kín, một cách cương quyết và vĩnh viễn và rằng không bao giờ mọi người sê được gặp lại bà nữa. Khi để làm đậm đà thêm tin này, lại có tin đồn được loan truyền rằng nhà phẫu thuật đại tài, người có những giây thần kinh bằng thép, cũng buổi sáng hôm đó được anh em bồi phòng nhìn thấy đang ngồi ở thành giường miệng mỉm cười vu vơ một cách duyên dáng, hai bàn chân cùng xỏ vào một ống quần với bộ óc mềm nhũn như cháo lòng, thì sự việc tỏ ra khá khích động để làm say mê những người không bao giờ tin rằng cảm tính đã bị chai lì của họ còn có thể xúc động được nữa.

Douglas Stone, giữa thuở hoa niên, đã là một trong những người lỗi lạc nhất ở Anh quốc. Nhưng có thật đúng là chàng đã ở độ hoa niên khi nỗi phiền muộn nhỏ nhặt này xảy ra với chàng? Chàng mới chỉ có ba mươi chín tuổi. Các bạn thân thiết nhất của chàng đoan chắc rằng trong hàng chục nghề có thể chàng cũng sẽ đạt được công danh lừng lẫy giống như trong cái nghề giải phẫu vậy. Chàng sẽ có thể chinh phục được vinh quang trên một chiến địa, đạt được vinh quang nhờ những cuộc thám hiểm liều lĩnh, đạt được vinh quang trên một sân quần vợt, hoặc tạo ra vinh quang trong tư cách một kỹ sư với đá và sắt. Chàng được sinh ra với một phần số ngoại hạng, vì chàng có thể trù định những điều mà không ai dám hoàn thành và hoàn thành những diều mà không một ai dám trù định. Về khoa giải phẫu, chàng không có đối thủ. Sự quân bình về thần kinh của chàng, trí phán đoán của chàng, trực giác của chàng đều là ngoại hạng. Đã rất nhiều lần, trong khi khu trừ cái chết, con dao mổ của chàng đã lướt qua ngay những cội nguồn của sự sống và những người phụ tá của chàng mặt mày cũng trở thành trắng bệch như con bệnh vậy. Ký ức về nghị lực của chàng, về sự táo bạo của chàng, về lòng tự tin mãnh liệt của chàng còn lởn vởn tại phía Nam đường Marylanone và phía Bắc phố Oxford.

Những khuyết điểm của chàng cũng quan trong như đức tính của chàng nhưng lại vô cùng thơ mộng hơn. Những lợi tức khá lớn của chàng (trong tất cả thành phố London chỉ có hai đồng nghiệp kiếm nhiều tiền hơn chàng) đã vẫn rất thấp so với sự xa hoa trong nếp sống của chàng. Tại đáy sâu của bản chất phức tạp cua chàng, có sự lưu thông của một luồng nhục cảm mạnh mẽ mà sự tác động đã ban cho cuộc sống của chàng tất cả giá trị của nó. Các vị thầy học của luồng nhục cảm này tên là mắt, tai, bàn tay, khẩu vị. Số vàng ồ ạt đổ vào nhà chàng đã biến thành một mùi rượu vang lâu năm, thành các chai dầu thơm ngoại quốc hiếm có, thành những chén đĩa mà sự tinh vi của nước men và kiểu dáng là thứ có một không hai ở Âu Châu. Và rồi chợt nảy sinh sự say mê điên rồ, đột ngột phu nhân Sannox. Chỉ mới một lần tương kiến mà hai mắt đã cùng liếc, hai lòng cùng ưa, một tiếng thì thầm... thế là chàng đã như lửa cháy bùng. Nàng là người đàn bà kiều diễm nhất London (theo ý chàng thì đó là người đàn bà duy nhất ở London). Chàng là một trong những người đàn ông đẹp nhất London (với nàng thì không có người dàn ông duy nhất nào ở London). Vì nàng có một sở thích thu thập những kinh nghiệm mới lạ nên nàng đã tỏ ra dễ dãi dối với phần lớn những người đàn ông chạy theo tán tỉnh nàng. Phải chăng đó là nguyên nhân, hay là kết quả? Ngài Sannox, người mới có ba mươi sáu tuổi mà nom như đã ngoài năm mươi tuổi.

Ngài Sannox này là một người trầm lặng, ít nói, xuề xòa. Ông có cặp môi mỏng và những mí mắt nặng. Ông rất thích công việc vườn tược và ông thích ở nhà. Ngày xưa ông đã hoạt động kịch trường, ông đã thuê cả một phòng ở London. Chính ở các sân khấu mà lần đầu tiên ông gặp cô Marion Dorson; ông đã dâng cho nàng tên tuổi ông, chức vụ ông và một phần ba lãnh địa của ông. Từ khi lấy vợ ông đã từ bỏ sở thích ngông cuồng này; ông còn cảm thấy chán ghét sở thích đó. Ngay cả trong các câu lạc bộ tư nhân ông cũng từ chối những tràng vỗ tay hoan nghênh một tài năng không thể chối cãi được. Ông thấy sung sướng đứng giữa những cây hoa lan và hoa cúc của ông, với chiếc cuốc dấy cỏ và chiếc bình tưới nước.

Một vấn đề rất quan trọng là mọi người tự hỏi liệu có phải ông hoàn toàn ngốc nghếch hay ông đã thiếu can đảm một cách đáng thương. Phải chăng ông đã biết lối ăn ở của vợ ông và ông đã tha thứ cho bà ấy? Hay ta coi ông là một anh chàng lẩm cẩm mù quáng? Người ta đã bàn tán nhiều về chuyện đó trong các thính phòng tin tức ở London bên trên những chén trà và trên các khung cửa sổ các câu lạc bộ trong khi hút xì gà. Các ông thì nói về ông ta với một vẻ nghiêm khắc chua chát. Trong bọn họ chỉ có một người là không họa theo và ông ta đứng câm như hến: ông ta đã nhìn thấy ông khuất phục một con ngựa tại trường Đại học và về việc đó ông ta đã giữ một kỷ niệm lâu bền.

Khi Douglas Stone trở thành người sủng ái, người ta không được phép nghi ngờ nữa: Stone không biết tới những trí trá của tính đạo đức giả; những cung cách độc đoán và ngạo mạn của chàng đã bất chấp mọi sự dè dặt, coi thường sự thận trọng. Vụ tai tiếng tự hiện ra. Một hiệp hội văn hóa báo cho người tình nhân đang thỏa mãn đó rằng tên chàng đã bị xóa trong danh sách những vị phó chủ tịch. Lấy danh nghĩa vì danh giá trong nghề nghiệp của chàng, hai người bạn đã uổng công nài nỉ chàng. Chàng đuổi những nhà luân lý ra cửa và chàng đi mua một chiếc vòng tay giá năm mươi đồng ghi-nê để tặng vị hoàng hậu của lòng chàng. Tối nào chàng cũng đến nhà nàng. Mỗi buổi chiều chàng cho nàng mượn xe của chàng. Cả chàng và nàng không ai tỏ ra một mảy may cố gắng để che dấu mối giao du của họ, nhưng một sự cố tầm thường đã làm gián đoạn các liên lạc này.

Vào một buổi tối mùa đông ảm đạm, gió thổi từng cơn: gió gầm gào trong các ống khói, gió đập vào các cánh cửa sổ. Mưa rơi rào rào trong các máng xối. Douglas đã ăn xong bữa tối. Chàng ngồi trong phòng làm việc bên lò sưởi, trên một cái bàn bằng đá khổng tước một ly rượu porto hảo hạng đặt dưới tầm tay của chàng; chàng nâng ly rượu lên trước ánh sáng của ngọn đèn và thưởng thức với tư cách một người sành sỏi những váng li ti bập bềnh trong ly rượu vang đỏ ối của chàng. Trong ánh sáng rực rỡ, ngọn lửa đã chiếu sáng khuôn mặt được cạo nhẵn nhụi, táo bạo của chàng. Chàng mỉm cười. Thật ra chàng đã đoạt được cái quyền hài lòng với mình: cưỡng lại ý kiến của 6 bạn đồng nghiệp, chàng vừa mới thành công trong một cuộc giải phẫu mà cuộc giải phẫu này chỉ mới có hai tiền lệ trên thế giới và kết quả đã vượt quá những kỳ vọng. Không một ai ở London có sự táo bạo để trù định và sự khéo léo để hoàn thành một thành tích oai hùng như vậy.

Nhưng chàng đã hứa với phu nhân Sannox là tới thăm bà và đã tám giờ rưỡi rồi. Lúc chàng đang vươn tay về phía cái chuông để gọi xe thì chàng nghe thấy tiếng trầm đục của thanh sắt chặn ngang ở cửa ra vào. Một lát sau có tiếng chân kéo lê ở phòng ngoài, một cách cửa được đóng lại.

- Có một bệnh nhân của ngài trong phòng mạch! - Viên quản gia loan báo.

- Ông ta tới khám bệnh cho chính ông ta à?

- Thưa ngài không. Tôi nghĩ rằng ông ta muốn mời ngài đi vào thành phố.

- Muộn quá rồi! - Douglas Stone kêu lên một cách bực bội. - Tôi không đi.

- Đây là danh thiếp của ông ta, thưa ngài.

Viên quản gia đưa trình tấm danh thiếp đặt trên cái khay bằng vàng mà bà vợ ông Thủ tướng đã biếu ông thầy giáo của bà.

- Hamin Ali Smock... Hừ! Đây là một người Thổ Nhĩ Kỳ, tôi đoán vậy.

- Thưa ngài vâng. Nom ông ta có vẻ từ xa tới. Ông ta có vẻ lo lắng lắm.

- Tặc, tặc! Tôi có cái hẹn. Tôi phải đi. Nhưng trước khi tôi đi tôi sẽ gặp ông ta. Pim, hãy đưa ông ta vào đây.

Thế là viên quản gia đi ra kiếm một người đàn ông nhỏ thó và già yếu. Người này đi vào chỗ Douglas Stone với cái đầu cúi về phía trước và hai mắt nhấp nháy như kiểu những người cận thị thường đi. Ông ta đội cái khăn mút-sơ-lin trắng có sọc đỏ; tay kia là một cái túi nhỏ bằng da linh.

- Chào ông! - Douglas Stone lên tiếng, khi viên quản gia đã thép cửa lại. - Ông nói tiếng Anh được chứ, tôi nghĩ thế.

- Thưa ông vâng. Tôi quê ở Trung Đông, nhưng tôi nói tiếng Anh một cách thong thả được.

- Có phải ông muốn mời tôi đi vào thành phố không?

- Thưa ông vâng. Tôi rất mong ông tới xem cho bà vợ tôi.

- Tôi sẽ có thể thăm bà ấy vào sáng mai. Tối nay tôi có một cuộc hẹn.

Câu trả lời của người Thổ Nhĩ Kỳ thật là bất ngờ. Ông ta kéo sợi giây thắt miệng túi da linh và ông ta đổ ra trên bàn một đống vàng.

- Đây là một trăm bảng Anh, - ông ta giải thích. - Tôi xin đoan chắc với ông rằng công việc sẽ không làm ông mất quá một tiếng đồng hồ. Ở ngoài của tôi đã có sẵn một chiếc xe đang đợi chúng ta.

Douglas Stone nhìn đồng hồ của chàng. Nếu chàng nhận lời, chàng cũng sẽ tới nhà phu nhân Sannox không quá trễ (chàng đã từng tới thăm bà ta vào một giờ còn bất tiện hơn nữa). Và số tiền thù lao này thật đã cao một cách đặc biệt; mới đây các chủ nợ đã quấy rầy chàng đôi chút. Chàng có nên bỏ qua một dịp may như thế không? Chàng không có quyền bỏ qua một dịp may như vậy.

- Bệnh gì vậy?

- Ôi, một chuyện rất buồn! Đây là một chuyện rất buồn! Có lẽ ông không nghe nói tới những con dao găm của người Anmhate?

- Chưa bao giờ.

- Ôi, đó là những con dao găm của người Đông Phương rất cổ xưa và có một hình thù đặc biệt. Cái chuôi của nó giống như cái mà các ông gọi là cái bàn đạp. Tôi là một người buôn những đồ trang trí vặt, ông hiểu chứ? Và vì công việc nên tôi tới nước Anh, nhưng tuần sau tôi trở về Smoch. Tôi có mang theo nhiều món hàng kỳ lạ và nay thì không còn món nào cả; nhưng khốn khổ thay tôi lại giữ lại một trong những con dao găm đó.

- Xin ông nhớ cho rằng tôi đang có một cái hẹn. - Nhà giải phẫu cắt ngang, không giấu giếm thái độ nóng vội. - Xin ông làm ơn giới hạn cho các chi tiết cần thiết.

- Những điều tôi nói với ông đều là thiết yếu cả: ông sẽ phán đoán các điều đó. Hôm nay vợ tôi bị xỉu đi trong phòng nơi mà tôi để các món hàng của tôi và khi té xuống bà ấy bị con dao găm đáng nguyền rủa này của người Anmohate cứa đứt môi dưới.

- Tôi hiểu rồi, - Douglas Stone vừa nói vừa đứng dậy. - Ý ông muốn tôi khâu lại vết thương chứ gì.

- Ồ, không phải! Còn tệ hơn thế nữa.

- Vậy là cái gì?

- Những con dao găm này có tẩm thuốc độc.

- Tẩm thuốc độc ư?

- Vâng. Và không có người nào trên đời này, dù ở Đông phương hay ở Tây phương, có thể xác định tính chất của thuốc độc, cũng không thể chỉ ra một thứ thuốc chống độc. Nhưng tôi biết các hậu quả của thuốc độc đó, vì cha tôi đã làm nghề buôn bán trước tôi và những khí giới có tẩm thuốc độc này đã làm cho chúng tôi rất khổ sở.

- Những triệu chứng của chúng ra sao?

- Một giấc ngủ say, rồi sau ba mươi tiếng đồng hồ là chết.

- Và ông nói rằng không có phương thuốc chữa. Vậy thì tại sao ông lại trả tôi số tiền thù lao lớn như vậy?

- Những gì là một thứ thuốc chống độc không thể làm được thì lưỡi dao mổ sẽ có thể làm được.

- Làm cách nào?

- Thuốc độc chỉ thấm vào cơ thể một cách thong thả. Trong nhiều giờ đồng hồ nó còn đọng lại nơi vết thương.

- Và bằng cách rửa chỗ vết thương...

- Cách đó không công hiệu. Thuốc độc này rất tinh vi và rất tàn bạo.

- Có lẽ nên cắt bỏ chỗ đau đi chăng?

- Đúng đó phải cắt bỏ. Nếu vết thương ở ngón tay, phải cắt ngón tay. Đó vẫn là điều cha tôi đã nói. Nhưng xin ông nghĩ tới chỗ bị vết thương, xin ông nghĩ tới đó là vợ tôi... Thật là khủng khiếp!

Tình cảm vốn rất dễ chai lì đi ở một người đã quen thuộc với nhiều trường hợp đau đớn. Douglas Stone thấy rằng sự việc không phải là chuyện thường. Chàng đã gạt qua những lời phản đối yếu ớt của người chồng, coi như chúng không phải lúc đưa ra.

- Hình như sự thật là phải làm điều đó hoặc thôi chẳng làm gì cả! - Chàng nói một cách cộc lốc. - Thà chịu mất môi còn hơn là mất đời sống.

- Vâng ông nói đúng! Rút lại, đó là định mệnh: ta phải đương đầu với định mệnh. Tôi có một cỗ xe. Xin ông tới với tôi và xin ông giải phẫu cho.

Douglas Stone lấy từ một ngăn kéo ra một hộp dao mổ và chàng xếp nó vào với một cuốn băng để buộc vết thương và một miếng vải ép, bỏ vào túi của chàng. Nếu chàng muốn tới nhà Phu nhân Sannox cho đúng giờ chàng không còn một phút nào để mất đi nữa.

- Tôi đã sẵn sàng, - chàng vừa nói vừa mặc áo khoác ngoài vào. - Ông có vui lòng uống một ly porto trước khi ra ngoài không khí giá lạnh này chăng?

Người khách lùi lại một bước và giơ một bàn tay lên để phản đối.

- Ông quên rằng tôi là người Hồi giáo và là môn đồ trung thành của đấng tiên tri à! - ông ta trả lời. - Nhưng xin ông nói cho tôi biết cái chai xanh mà ông bỏ vào trong túi của ông là chai gì vậy?

- Thuốc mê Chloroforme đó.

- A, cả thứ đó cũng bị cấm đối với chúng tôi. Chloroforme chứa chất rượu. Không bao giờ chúng tôi uống rượu.

- Thế nào? Ông sẽ chấp nhận việc vợ ông chịu một cuộc giải phẫu mà không được gây mê à?

- Hỡi ôi! Nàng sẽ không còn cảm giác gì cả, cái linh hồn thân yêu khốn hhổ ấy. Giấc ngủ đã đè nặng lên nàng, thuốc độc bắt đầu tác động. Và rồi tôi đã cho nàng một chút thuốc phiện Smock của chúng tôi. Thưa ông, xin ông tới cho, một giờ đã trôi qua kể từ lúc nàng gặp tai nạn.

Khi họ lặng lẽ đi vào bóng tối ngoài phố, những hạt mưa quất vào mặt họ. Tại phòng bên ngoài đèn đã tắt ngủm, dù rằng nó đã được treo trên cánh tay của một cột trụ hình người bằng cẩm thạch. Pim, viên quản gia phải tựa cả hai vai vào để đóng cánh cửa nặng nề lại. Gió càng thổi mạnh dữ dội. Hai người lần mò bước tới chỗ ánh sáng vàng yếu ớt chỉ cho họ thấy chiếc xe. Sau đó chưa đầy một phút, họ ngồi xe đi tới nơi phải đến.

- Có xa không? - Douglas Stone hỏi.

- Ồ, không xa! Chúng tôi ở một chỗ nhỏ bé rất yên tĩnh sau đường Euston.

Nhà giải phẫu ấn vào rét-so của cái đồng hồ có chuông báo hiệu và chàng lắng nghe những tiếng kêu nhỏ dùng để cho chàng biết giờ. Chín giờ mười lăm phút. Chàng tính các khoảng đường, thì giờ mà chàng sẽ phải có cho sự mổ xẻ của chàng. Có thể là chàng sẽ tới nhà Sannox phu nhân lúc mười giờ. Qua những tấm kính phủ đầy hơi nước chàng nhìn thấy những trụ đèn rối rắm nhảy múa trên đường đi của chàng và đâu đó là ánh sáng mạnh hơn của một mặt trước cửa hàng hay một cửa kính. Mưa rơi thình thình trên mui xe, các bánh xe làm tung tóe bùn và đất sét. Trước mặt chàng chiếc khăn trắng của người bạn đường lấp lánh một cách yếu ớt trong bóng tối. Nhà giải phẫu lục soát trong các túi áo của chàng và chuẩn bị kim khâu, móc gài, kẹp. Chàng bắt đầu cáu kỉnh. Trên sàn xe hai chân chàng đập thình thịch một cách mất kiên nhẫn.

Chiếc xe đi chậm lại và dừng hẳn. Douglas Stone bước xuống ngay tức thì, ông nhà buôn người Smock theo chân chàng.

- Đợi tôi nhé!

Ông ra lệnh cho người đánh xe. Họ đứng trước một căn nhà xập xệ trong một phố bẩn thỉu. Nhà giải phẫu biết rõ thành phố London của chàng trên đầu ngón tay. Chàng cố nhìn xuyên qua bóng tối, nhưng không nhìn thấy vật gì cho phép phỏng nhận ra phương hướng; không có cửa tiệm, không có người di dạo, không có gì khác ngoài hai dãy nhà buồn thảm, ngoài hai hàng lối đi lát đá ướt sũng và bóng nhoáng, ngoài hai tia nước từ các máng xối nhỏ giọt xuống các tấm lưới của những lỗ cống. Cái cửa mà họ ngừng lại phía trước có một màu không thể đặt tên được Một ánh sáng còm cõi lọt qua khung cửa sổ nhỏ đặt trên cánh cửa lớn soi sáng phần lớn là bụi rậm và sự bẩn thỉu che phủ cái cửa sổ nhỏ đó. Ở trên cao, phía sau những cửa sổ của phòng ngủ, có ánh sáng của một ngọn đèn vàng. Người lái buôn đập cửa một cách mạnh mẽ. Khi ông ta quay mặt về mạn ánh sáng, Douglas Stone nhận thấy ông ta có những nét căng thảng vì lo âu. Người ta kéo một cái chốt cửa; một người đàn bà có tuổi tay cầm một cây nến hiện ra trong khung cửa; bà ta che ngọn lửa bằng những ngón tay sù sì.

- Mọi việc đều yên lành cả chứ? -Người lái buôn hổn hển nói.

- Bà vẫn ở trong tình trạng như lúc ông để bà nằm đó, thưa ông.

- Bà không nói gì à?

- Không, bà ngủ rất say.

Người lái buôn đóng cánh cửa ra vào; Douglas Stone tiến bước vào trong hành lang chật hẹp và không ít ngạc nhiên về những gì chàng quan sát chung quanh. Trên mặt đất không có vải sơn, cũng không có thảm đay. Không có mắc áo trên tường. Ngược lại mạng nhện hàng tràng nặng trĩu và từng lớp bụi bám đầy ở khắp mọi nơi mà chàng nhìn tới. Khi leo lên một cầu thang hình xoáy tròn, bà lão già đi trước Douglas Stone bước theo bà ta, với người lái buôn già theo bén gót chàng. Tiếng bước chân của họ vang lên một cách ảm đạm trên những bực thang không có lấy một mảnh thảm che phủ. Phòng ngủ ở tầng lầu hai, ít nhất ở đó cũng có đồ vật. Sàn gác bừa bãi những rương nhỏ Thổ Nhĩ Kỳ, những chiếc bàn khảm, những áo lưới sắt, những cái ống kỳ dị và những khí giới quái dị. Những đồ vật kỳ quái này nằm chất đống trong các góc nhà. Trên một cái bàn chân quỳ có một ngọn đèn đang cháy. Douglas Stone chộp lấy nó, tìm một lối đi tới cái giường kê ở một góc và trên giường đó một người đàn bà y phục kiểu Thổ Nhĩ Kỳ đang nằm, với khăn che mặt và tấm mạng mỏng. Phần dưới của bộ mặt đó được để hở, nhà giải phẫu nhìn thấy một vết cắt chặt ngoằn ngoèo dọc theo nếp của môi dưới.

- Xin ông vui lòng thứ lỗi cho chiếc khăn che mặt, - người Thổ Nhĩ Kỳ nói. - Ông đã biết các quy luật của chúng tôi về các phụ nữ.

Nhưng nhà giải phẫu không nghĩ tới khăn che mặt. Trước mặt chàng không có người phụ nữ mà là một vụ giải phẫu. Chàng cúi xuống để xem xét cẩn thận vết thương.

- Không có một dấu hiệu nào về sự sưng phù cả, - chàng lẩm bẩm. - Ta có thể hoãn sự mổ cắt cho tới khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng.

Người chồng vặn vẹo hai bàn tay trong một tình trạng dao động điên cuồng.

- Ồ không, thưa ông! Xin ông đùng nói đùa. Ông biết đấy. Đây là một trường hợp chết người. Tôi thì tôi biết! Và tôi đoan chắc với ông rằng một cuộc giải phẫu là tuyệt đối cần thiết. Chỉ có con dao mổ là có thể cứu được bà ấy.

- Tuy nhiên tôi vẫn muốn chờ đợi! - Douglas Stone trả lời.

- Thế là đủ rồi! - Người Thổ Nhĩ Kỳ phản đối một cách giận dữ. - Tôi phải tính từng phút một. Và tôi không muốn ngồi đây và để cho vợ tôi chìm dần vào cái chết. Thưa ông, tôi muốn cám ơn ông đã tới đây; tôi sẽ đi tìm một nhà giải phẫu khác trước khi quá muộn.

Douglas Stone ngần ngừ. Phải trả lại một trăm bảng Anh thật chẳng có gì là dễ chịu. Và nếu chàng từ chối việc cắt mổ thì bắt buộc chàng phải hoàn trả lại số tiền thù lao. Ngoài ra nếu người Thổ Nhĩ Kỳ nói đúng và nếu bà vợ ông ta chết thì chàng sẽ có thể bị truy tố trước một vị quan tòa và tên tuổi của chàng sẽ bị tai tiếng thế nào! Chàng hỏi:

- Ông đã có kinh niệm bản thân về thứ thuốc độc này chưa?

- Có.

- Và ông xác nhận với tôi rằng một cuộc giải phẫu là cần thiết phải không?

- Tôi xin thề về điều này với tất cả những gì thiêng liêng nhất.

- Mặt của bà vợ ông sẽ bị hủy hoại một cách tội nghiệp.

- Tôi nghĩ rằng miệng bà ấy sẽ không còn được ngon lành lắm để hôn...

Douglas Stone giận dữ quay lại nhìn kẻ đối thoại với mình. Ý kiến này làm chàng bực bội. Nhưng chàng nghĩ rằng người Thổ Nhĩ Kỳ có những lối suy nghĩ và phát biểu riêng của họ. Và giờ này không phải là giờ để cãi nhau. Douglas Stone lấy một con dao mổ từ trong cái hộp ra, chàng mở con dao ra và thử lưỡi dao vào ngón tay trỏ của chàng. Chàng nhấc cái đèn lại gần giường. Từ kẽ hở của khăn che mặt hai con mắt đen láy đang nhìn chàng chằm chằm. Chàng chỉ phân biệt được những lòng đen của cặp mắt và mãi mới nhận ra được con ngươi.

- Ông đã cho bà ấy uống một liều thuốc phiến rất mạnh.

- Vâng, bà ấy đã uống một liều mạnh!

Chàng ngắm nghía một lúe cặp mắt đen này đang nhìn thẳng vào mắt chàng. Chúng lờ đờ không có tia sáng; tuy nhiên cái nhìn của chàng làm nảy ra một tia sáng nhỏ chao đảo và cặp môi rung động. Chàng nói:

- Bà ấy không hoàn toàn mất hết tri giác.

- Làm việc cắt xẻo khi bà ấy không cảm biết gì cả chẳng tốt hơn à?

Nhà giải phẫu cũng có một ý nghĩa như vậy nên chàng dùng một cái kẹp chặt cái môi bị thương. Với hai nhát dao mổ thần tốc chàng cắt xẻo một miếng thịt lớn hình chữ V. Người đàn bà chồm lên thốt ra một tiếng thét rùng rợn. Bà giật miếng mải che mặt ra. Đó là một khuôn mặt chàng quen biết. Mặc dù làn môi trên bị vêu lên và đống bọt dãi lẫn máu đỏ ngầu ở dưới, đúng, đó là một bộ mặt mà chàng quen biết. Bà ta giữ nguyên bàn tay đặt lên chỗ đau và hét lên hoài. Douglas Stone ngồi chỗ cuối giường với cái kẹp và con dao mổ của chàng. Căn phòng quay cuồng xung quanh chàng. Chàng cảm thấy phía sau tai một cái gì như tiếng quần áo bị xé rách. Một người dự khán chắc sẽ nói rằng giữa nàng và chàng thì chàng là người bị tái nhợt hơn. Như là trong một giấc mộng, hoặc như là đang dự một màn kịch, chàng chợt thấy mái tóc và bộ râu của người Thổ Nhĩ Kỳ đặt trên bàn và ngài Sannox đứng tựa vào tường, tay ôm bụng và cười. Ông ta cười không thành tiếng. Những tiếng la hét yếu dần, rồi ngừng hẳn. Lúc này thì bộ mặt Douglas Stone không nhúc nhích; ngài Sannox còn cười sằng sặc trong cổ họng.

- Thật ra cuộc cắt xẻo nhỏ nhặt này rất cần thiết cho Marion (tên bà Sannox); - cuối cùng ông ta nói. - Không phải về mặt thể xác, nhưng về mặt tinh thần, ông hiểu chứ? Về mặt tinh thần!...

Douglas Stone cúi mình về phía trước và tay mân mê cái mép của tấm khăn trải giường. Con dao mổ tuột khỏi bàn tay chàng, nó rơi keng một tiếng lớn trên nền nhà.

- Đã từ lâu rồi tôi có ý định nêu một tấm gương nhỏ, - ngài Sannox nói một cách ngọt ngào. - Mảnh giấy của ông hôm thứ tư đã đưa lầm người nhận và tôi đang giữ nó trong ví đây. Để thi hành ý định này tôi cũng phải đôi chút cực nhọc... Nói về vết thương: tôi đã gây ra vết thương đó với nhà nữ hiệp sĩ của tôi. Không có gì nguy hiểm cả, như ông đã thấy...

Ông ta ném một cái nhìn bén nhọn vào người bạn vẫn ngồi yên lặng của ông, rồi ông ta nạp đạn khẩu súng lục nhỏ mà ông có trong túi áo ngoài của ông. Nhưng Douglas Stone đang nhai tấm khăn trải giường.

- Tóm lại ông đã trung thành với buổi hẹn! - Ngài Sannox lẩm bẩm.

Chính câu nói này đã làm bật thành tiếng cười của Douglas Stone. Chàng đi ra với một tiếng cười vang dội, không chấn dứt được. Ngài Sannox thì không cười nữa. Một thứ kinh hoàng đã làm rắn rỏi và rõ rệt dáng điệu của ông. Ông rón rén đi ra khỏi phòng. Người đàn bà già đợi ở ngoài cửa.

- Hãy săn sóc bà chủ của bà khi bà ấy thức dậy! - Ngài Sannox ra lệnh.

Rồi ông đi ra ngoài phố. Chiếc xe vẫn còn ở đó. Người đánh xe đưa một bàn tay lên ngang mũ của anh ta. Ngài Sannox nói:

- John! Trước hết anh hãy đưa bác sĩ về nhà ông ấy. Ông ấy sẽ cần có người đỡ khi đi xuống cầu thang, tôi nghĩ vậy. Anh nói với viên quản gia của ông ấy rằng ông ấy bị khó chịu trong một cuộc giải phẫu.

- Thưa ngài, vâng.

- Rồi anh sẽ đưa phu nhân Sannox về nhà.

- Còn ngài...

- À, trong một vài tháng địa chỉ của tôi sẽ là Khách sạn Di Roma ở Venise! Hãy bảo họ gửi thư từ theo tôi. Và nói với Steven là thứ hai sau phải tổ chức cuộc triển lãm các hoa cúc đỏ. Hắn sẽ đánh điện cho tôi rõ về kết quả cuộc triển lãm nhé.

Kết Thúc (END)

Đêm Đen

Font Size: Tác Giả: David Morrell

Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:

Căn nhà nằm ở khu nghèo nàn nhất dù tôi được cho biết đó từng là một trong những căn nhà đẹp nhất trong tỉnh ở thập niên 30.

Bây giờ, những khung cửa sổ đẹp đẽ đã bung ra, cái cổng lớn đã nghiêng ngả, sơn tróc từng mảng màu xám trong ánh sáng nhạt mờ mà tôi nghĩ rằng trước đây phải là màu trắng.

Căn nhà ba từng bề thế với những bao lơn rộng rãi. Bây giờ không mấy ai có khả năng xây những căn nhà lớn như vậy nữa. Bởi thế không có gì đáng ngạc nhiên nếu căn nhà này do một người giàu có xây nên. Tôi nghĩ tới niềm hãnh diện của vị chủ nhân đầu tiên và sự buồn phiền nếu họ nhìn lại căn nhà của họ bây giờ. Nhưng có lẽ họ đã chết cả rồi, không có gì phải thắc mắc nữa. Nếu có cái gì khiến chúng tôi phải thắc mắc bây giờ thì đó chính là một mùi hôi khó tả. Khi tôi dùng chữ "chúng tôi", có nghĩa còn những người khác nữa ngoài tôi ra. Tôi là tân cảnh sát trưởng thành phố, Hoài, người phụ tá của tôi, và Tân, vị bác sĩ cảnh sát.

Chúng tôi đứng bên cạnh chiếc xe cảnh sát với ánh đèn chớp chớp, nhìn trừng trừng vào bóng tối và căn nhà lặng ngắt.

Những người hàng xóm kéo nhau ra đứng trước cửa theo dõi chúng tôi. Chúng tôi nhìn nhau trước khi quyết định tiến vào. Và tôi nín thở.

Bước lên thềm nhà, tôi nhìn qua khung kiếng bụi bặm của khung cửa trước. Bên trong hoàn toàn tối tăm. Tôi vặn chuông, loại chuông kiểu cổ. Tiếng chuông khô khan như vọng lại từ cõi xa xăm.

Chờ một lát không thấy ánh đèn, không nghe tiếng chân, tôi vặn thêm lần nữa và tiếp tục chờ. Vẫn hoàn toàn yên lặng. Hoài hỏi:

- Mình phải làm gì bây giờ?

Tôi đáp:

- Chờ thêm chút nữa. Họ già rồi, và cũng có thể họ không có nhà.

Bác sĩ Tân lên tiếng:

- Chỉ có một người thôi. Bà ta tên là Nga và chắc cũng đã trên dưới tám chục rồi.

Hoài nói:

- Hay bà ta ngủ?

Tân nhún vai:

- Tôi không nghĩ như vậy.

Tôi vặn chuông lần nữa. Là tân cảnh sát trưởng thành phố và mới ở đây không lâu, tôi không muốn làm phiền một bà lão. Tôi đưa gia đình tới đây với hi vọng tìm được một nơi cư ngụ tốt đẹp hơn.

Mùi hôi gần như không chịu nổi nữa khiến tôi quyết định:

- Thôi, mình vào xem sao.

Tôi vặn nắm cửa, cửa khoá. Tôi kê vai đẩy nhẹ. Cánh cửa bung ra dễ dàng làm như cái khoá cửa bằng giấy. Một mùi hôi nồng nặc ùa ra khiến tôi lợm giọng.

Tôi gọi lớn:

- Có ai trong nhà không?

Im lặng.

Chúng tôi bước vào và tôi cảm thấy sàn gỗ như bị mục dưới chân. Tôi bật đèn, đèn không cháy. Hoài lẩm bẩm:

- Chắc họ không trả tiền điện nên điện bị cúp rồi.

Chúng tôi bật đèn pin lên. Phòng khách nằm phía bên phải chất đầy những chồng giấy cao hơn đầu người. Có một khoảng cách nhỏ sát tường mà chúng tôi có thể bước lọt. Không cần thiết.

Chúng tôi tiếp tục bước vào trong và tôi lại gọi lớn: "Có ai ở nhà không.

Vẫn hoàn toàn im lặng.

Tôi nhìn thấy một cái dương cầm lớn kiểu cổ, xung quanh là những núi giấy tờ. Chúng tôi bước lên lầu. Phòng nào cũng chất đầy giấy tờ cao gần tới trần nhà.

Một cái giường ngủ kiểu cổ ở lầu nhì nhưng không có dấu vết nào cho thấy có người xử dụng.

Không tìm thấy một người nào và cũng không thấy gì khác lạ, chúng tôi trở xuống nhà dưới. Căn hầm luôn luôn là nơi đáng nghi ngờ nhất nhưng lại luôn luôn được kiểm soát sau cùng.

Chúng tôi mở cửa hầm. Một mùi hôi nồng nặc xông ra khiến chúng tôi không ai bảo ai, cùng bịt mũi một lượt.

Tôi đã được huấn luyện về kỹ thuật nén cảm xúc, hoàn toàn vô tư trước những gì nhìn thấy. Nhưng khi ánh đèn pin của chúng tôi rọi vào một cái xác không đầu nằm trên mặt đất, da thịt rữa nát thấm ra ngoài quần áo, tôi chịu không nổi.

Hoài mửa thốc mửa tháo. Rồi vì những lý do tự nhiên, ánh đèn pin tự động rọi lên cao, và chúng tôi nhìn thấy đầu người chết dính trong sợi giây thòng lọng, mái tóc bạc buông xoã, da thịt trên mặt đã chảy ra trong khi đôi mắt rữa nát như nhìn chúng tôi trừng trừng.

Tuy nhiên đó chưa phải hình ảnh cuối cùng mà chúng tôi chờ đợi. Khi ánh đèn pin rọi vào một góc phòng, thêm một tử thi nữa, bé nhỏ và cô đơn, một bé gái! Chúng tôi biết đó là một bé gái, không phải chỉ vì cô bé là mục tiêu của một cuộc tìm kiếm rộng rãi trong tỉnh mà là nhờ mái tóc dài và bộ quần áo với cái nơ thắt ở cổ. Nhìn mặt không thể biết vì mặt cô bé đã bị chuột bọ làm biến dạng. Cái nơ thắt chặt quá khiến cái lưỡi đen ngòm của cô bé lè ra. Chi tiết khiến chúng tôi đặc biệt lưu ý là áo quần của cô bé là loại áo quần cổ điển của hơn nửa thế kyœ về trước. Có lẽ cô bị bắt buộc mặc bộ áo quần này để đóng một vai trò mà cô không thích...

... Bây giờ chúng tôi đang ngồi trong văn phòng của tôi ở giữa thành phố, đèn bật sáng trưng. Dù bên ngoài trời lạnh với những ngọn gió thu, tôi mở tất cả cửa sổ và cho quạt chạy tối đa cho hết mùi xú uế bám trên da thịt và quần áo chúng tôi.

Rồi tôi lên tiếng:

- Các ông làm ơn cho tôi biết. Theo tôi, rõ rệt là bà ta đã giết đứa bé trước khi tự tử. Nhưng tại sao? Tôi mới tới đây nên không biết gì về bà ta hết. Tại sao bà ta lại làm như vậy?

Bác sĩ Tân hắng giọng:

- Bà Nga ở đó từ khi căn nhà mới xây. Chính vợ chồng bà đã xây căn nhà đó. Chồng bà là một ngân hàng gia giầu có tên là Ân. Khi đó thế giới nằm trong tay họ cho tới khi đứa con gái duy nhất lên ba của họ chết vào một mùa thu. Tôi biết việc này do ba tôi kể lại. Ba tôi cũng là bác sĩ nhưng đã không cứu được cô gái bị chứng bạch hầu, và chính ba tôi đã chứng kiến cảnh cơ nghiệp cha mẹ cô sụp đổ vì cái chết của cô.

Rồi một hôm ông chồng bỏ đi đâu không ai biết. Bà vợ ở lại một mình sống đời ẩn dật.

Tại thành phố này, thỉnh thoảng lại có những bé gái mất tích và thường vào mùa thu, như cô bé mà mình vừa thấy chẳng hạn.

Bây giờ nghĩ lại, tôi cho có lẽ bà Nga về già lên cơn điên, tìm kiếm những bé gái thế vào chỗ con bà. Bà bắt cóc chúng nhưng không để chúng sống sót. Bà giết chúng nhưng tin rằng chúng vẫn sống, và là con bà.

Có điều không biết bà ta giấu những xác chết đó ở đâu! Chắc chắn khi những xác chết rữa nát, bà ta phải tìm cách chôn giấu. Tôi nghĩ rằng lần cuối cùng có lẽ bà chợt tỉnh, hiểu rõ những việc làm của bà nên đã treo cổ tự tử.

Tôi ngồi yên suy nghĩ. Có nhiều việc phải làm bây giờ. Tôi chưa cho gọi xe hồng thập tự vì còn muốn nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi phạm trường bị khuấy động và có thể những chứng cớ quan trọng bị tiêu huỷ. Nhưng tôi biết tôi không thể ngồi yên được lâu hơn. Ít nhất tôi cũng phải thông báo cho cha mẹ bé gái bất hạnh.

Tôi vừa toan đưa tay thì điện thoại reo vang. Tôi giở điện thoại lên nghe và nhận thấy ngay là chúng tôi đã hoàn toàn lầm lẫn. Tôi biết việc gì đã xẩy ra. Đặt vội điện thoại xuống, tôi đứng bật dậy nhìn bác sĩ Tân:

- Không phải bà Nga làm công việc bắt cóc mà chính là ông chồng.

Tân giật mình:

- Ông nói sao?

Hoài há hốc miệng nhìn tôi. Tôi vừa đi như chạy ra cửa vừa nói:

- Chính là ông chồng.

Tân chạy theo:

- Nhưng ông ta đã bỏ đi từ mấy chục năm nay rồi.

- Ông ta không đi đâu hết. Ông ta vẫn ở trong nhà.

Cả hai chạy theo tôi ra xe. Hoài nói:

- Nhưng mình đã lục soát mà đâu có thấy ông ta.

- Ông ta ở trong nhà. Mình ngu quá nên không thấy đó thôi.

Tôi phóng xe ra khỏi ty. Bác sĩ Tân vẫn thắc mắc:

- Tôi không hiểu.

Tôi không muốn nói gì nữa mà chỉ hụ còi phóng như bay. Tới nơi, tôi thắng lại thật gấp, nhảy vội xuống, lao vào nhà, la lớn:

- Ông Ân, tôi biết ông đang ở trong này. Bước ra, bước ra, đừng để tôi phải mất thì giờ.

Căn nhà vẫn lặng lẽ trong khi tôi rọi đèn và phóng mình vào phòng khách, miệng la lớn:

- Ông Ân, nếu ông đụng chạm đến đứa nhỏ, tôi sẽ thẳng tay trừng trị ông.

Tôi vừa la vừa vội vã xô đổ những chồng giấy và quay lại thúc hối Tân và Hoài:

- Phụ tôi một tay. Lẹ đi, lẹ đi.

Cuối cùng chúng tôi tìm thấy ông ta trong phòng nhạc, hay nói đúng hơn, một căn phòng trong một căn phòng với những bức tường giấy. Ông ta ở trong đó, và tuy đã trên tám mươi, trông ông vẫn có vẻ khỏe mạnh khác thường.

Ông trừng mắt nhìn tôi. Tôi chụp áo ông ta và hất ông sang một bên. Và tôi nhìn thấy một cô gái nhỏ trong y phục của thập niên 30, bị trói và bị bịt miệng, đôi mắt đầy vẻ hãi hùng.

Các bạn thấy không, chính ông Ân là kẻ chuyên bắt cóc trẻ con từ mấy chục năm qua. Ông ta không hề bỏ đi đâu hết. Ông ta chỉ bị mất trí. Bà Nga phải giấu ông và giấu cả những vụ bắt cóc để bảo vệ ông. Tuy nhiên mỗi lần ông hạ sát một đứa bé, sự trung thành của bà dành cho ông lại suy giảm. Tới một lúc không còn chịu đựng được nữa, cách giải quyết duy nhất của bà là tự huỷ.

Tôi đoán rằng ông Ân ở đó vì cú điện thoại mà tôi nhận được báo cho tôi biết lại thêm một bé gái mất tích. Tôi nghĩ ngay rằng nếu bà Nga không làm việc đó thì còn ai khác hơn nếu không phải chồng bà?

Câu chuyện tôi kể lại cho quí vị nghe xẩy ra cũng đã lâu rồi, lâu lắm rồi, và bé gái đó bây giờ đã trưởng thành và tóc đã bạc.

Tôi biết chắc điều đó vì đứa bé đó chính là con gái tôi, và thỉnh thoảng con tôi hình như cũng nhận ra tôi mỗi khi tôi tới thăm nó vào dịp cuối tuần.

Kết Thúc (END) Đàn Bồ Câu Trắng

Font Size: Tác Giả: Trọng Miên

Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:

Nhà đạo sĩ đi gần tới bờ sông Linh thì mặt trời sắp lặn nhuộm mặt nước chan hòa sắc máu. Ngẩng nhìn trời xanh, lâm râm đọc bản kinh cầu nguyện ban tối, đạo sĩ chợt thấy một đàn bồ câu trắng bay tấp tới đến trước mặt mình rồi vây quanh. Đạo sĩ dừng chân lại, nhìn thấy một con rắn đốm hoa lớn đang bò lên một cây cao bên đường đầy những tổ chim bồ câu hoang. Lá cây xanh và những chồi non nhắc đạo sĩ nhớ tới mùa xuân, mùa sinh nở của loài chim giang hồ. Những chim mẹ bay quấn quít gần tổ con chưa đủ lông, đủ cánh để thoát khỏi tai họa ghê gớm sắp đến một bên mình. Đạo sĩ huơ gậy vụt vào đầu con rắn chết tươi.

Tối đến, đạo sĩ trọ ở túp lều tranh của người đưa thuyền, đợi hừng sáng chuông đổ thì sang sông. Trước khi đi ngủ, đạo sĩ ngồi vọng niệm dâng cao thần trí lên trời. Đêm lạnh lùng thêm giá rét vì gió thổi ở bãi sông đưa lên. Trăng xanh như lời cầu nguyện lọt qua khe cửa soi vào chỗ đạo sĩ tĩnh tọa.

Trong khi đạo sĩ ngồi nhắm mắt tâm niệm thì cửa len lén mở, một người đàn bà bước vào, đến ngồi gần bếp lửa của kẻ đưa thuyền đã đốt lên cho khách sưởi. ánh lửa lấp lánh trên khuôn mặt long lanh một nhan sắc rực rỡ, dữ dội. Hai mắt đen huyền chứa chan điện lực, đôi môi đỏ thắm sắc máu, thân hình uốn éo như sương khói trong làn áo đen lốm đốm những hoa như mình rắn - vì người đàn bà ấy là hiện thân của con rắn đến báo thù.

Người đàn bà xà tinh chăm chú nhìn vào mặt đạo sĩ như thôi miên. Tự con yêu tinh khởi bốc một mùi hương sắc dục lan tràn như làn sóng điển khí đến bao vây đạo sĩ. Nhưng linh hồn nhà tu hành đắm đuối trong hương thơm huyền diệu của đức tin, không để ý tới ma lực quyến rũ của sắc dục đang kết tinh trong không khí mình thở.

Người đàn bà xà tinh chập chờn lại gần đạo sĩ lả lơi hát một khúc ca dâm đãng gợi tình, nhưng đạo sĩ vẫn không hay biết gì hết vì còn mải mê theo điệu nhạc sáng láng của bài kinh.

Người đàn bà xà tinh đến trước mặt đạo sĩ nằm nghiêng ngửa. Nhưng đôi mắt đạo sĩ vẫn nhắm nghiền và đang dõi theo hình ảnh rạng ngời hiện ra sau bài kinh.

Người đàn bà xà tinh xích lại gần hơn trong một dáng điệu khiêu khích nồng nàn. Nhưng đạo sĩ vẫn thì thầm đọc kinh và đang ngớp lên vì màu sắc phương phi của đạo.

Người đàn bà xà tinh liền đưa hai cánh tay trắng tinh ra định quàng lấy vai đạo sĩ, hơi thở sắc dục nóng hổi một bên má người. Nhưng đạo sĩ vẫn ngồi yên đọc kinh và lời kinh huyền diệu khiến người đàn bà xà tinh không dám xúc phạm đến nhà tu hành.

Đạo sĩ cứ lạnh lùng thản nhiên, không biết rằng người đàn bà định cám dỗ mình vào vòng tội lỗi là hiện thân con rắn.

Lúc ấy đã gần nửa đêm, và người đàn bà xà tinh phải làm xiêu lòng đạo sĩ trước khi chuông nhà thờ đổ. Nó đã nghĩ ra được một cách ghê gớm để trả thù kẻ đã giết mình: nhà đạo sĩ sẽ chết ở trong tay nó và sẽ mất linh hồn. Làm cho mất linh hồn, cái ý tưởng vô cùng sâu độc đã nẩy nở ra trong óc con xà tinh, vì nó không muốn chỉ giết được phần xác của đạo sĩ mà thôi.

Người đàn bà xà tinh biến thân xác ra để lôi cuốn nhà đạo sĩ đắm chìm trong sắc dục cho bỏ hết những năm tu hành và rồi sẽ bị nó phun nhả nọc độc vào miệng chết. Nhưng đạo sĩ vẫn đọc kinh và người đàn bà xà tinh không thể xúc phạm gì được trong lúc những lời kinh còn rung động lòng người tu hành.

Đến nửa đêm, nhà đạo sĩ đã đọc hết những bài kinh cầu nguyện thuộc lòng, và mệt mỏi sau một ngày đi đường xa, nằm xuống ngủ say, không để ý hay biết gì đến cái tai họa ác liệt sắp xẩy đến cho mình.

Người đàn bà xà tinh khoái trá vì sắp sửa được báo thù, và lần này thì đạo sĩ không thể thóat khỏi được nữa. Những lời kinh cũng đã hết thì thầm rung động lòng người tu hành. Nhưng đàn bồ câu trắng đã thấy biết người đàn bà là hiện thân của con rắn đến báo oán. Và chúng cầu nguyện cho ân nhân. Chúng muốn gọi nhà đạo sĩ dậy nhưng không biết làm thế nào, vì chúng chỉ là những con chim bé nhỏ.

Thế rồi thình lình chuông bỗng đổ, tiếng chuông thần bí vụt kêu lên giữa lúc nửa đêm. Tiếng chuông vang động, tuôn ra những lớp sóng đồng huyền diệu, vươn cao lên tới trời xanh.

Đàn bồ câu trắng đã bay đến cái chuông lớn của giáo đường gần đó. Một con đem hết sức lực bé nhỏ bay liệng mình vào thành chuông rồi rớt xuống chết vì sự động chạm dữ dội. Một con khác, rồi một con khác, bay đánh chuông kêu lên rồi rớt xuống chết. Đàn bồ câu trắng cứ đánh chuông kêu lên cho đến khi người đưa thuyền và đạo sĩ nghe tưởng là trời hừng sáng, dậy qua sông.

Kết Thúc (END) Mưa Đêm

Font Size: Tác Giả: Lục Diệp ( Hellomy 9)

Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:

Đêm nay công ty Ngọc có tiệc mừng, nàng và mấy cô bạn đồng nghiệp hẹn nhau tụ tập để nấu nướng tại nhà Quang, phó phòng kinh doanh của bộ phận sản xuất. Đến gần tám giờ tối bỗng nhiên trời đổ mưa, mưa càng lúc càng to, từng giọt nước quất vào mặt nghe đau rát. Ở khúc đường ba tháng hai nước ngập lên đến mắt cá chân, một vài người đi xe bị tắt máy phải dẫn bộ, người chạy xe đạp không xui xẻo thế nhưng ai nấy đều phải còng lưng đạp từng cuốc nặng nề.

Kéttt... "chạy cũng phải nhìn đường chứ! Cô không thấy mưa to ai cũng phóng nhanh vượt ẩu à!!!" Ngọc hoảng hồn lùi xe lại phía sau, nhường cho ông bác đang lái chiếc Future màu xanh biển đi trước. Ấy thế mà nàng còn phải đợi thêm vài chiếc nữa mới được băng qua bên kia đường, xe đâu mà đủ màu đủ kiểu... Ngọc vừa lách qua được thì Hoa cũng vừa trờ tới, mặt mày nhăn nhó:

- Lại mưa, có chết không chứ! Mưa hoài mưa mãi, tới được nhà ông Quang chắc ướt như tắm!

Ngọc kéo lại vạt áo, đưa tay vuốt nước mưa trên mặt để nhìn đường rõ hơn, nàng bật cười:

-Trời đất, Hoa nóng thiệt nha! Bình tĩnh, bình tĩnh! Có hiếu thảo không vậy nè? Coi chừng mưa to gió lớn, ông "Lôi" ổng đi dạo, thấy bà có hiếu có tình quá ban cho một...

-Ừ hén! Tui mới phát hiện ra bà Ngọc dạo này "chán cơm, thèm đất, muốn nghe kèn" nha!!

Nói rồi Hoa cười khanh khách thành tiếng, Ngọc cũng cười. Hai nàng rẽ vào con đường nhỏ bên hông công viên Lê Thị Riêng.

Tâm và Bình đang chiên chả giò trong bếp, ở phòng khách Hạnh đang chăm chú trang trí những cành khô sao cho đẹp mắt và thêm phần ấn tượng. Như đang dò tìm đĩa CD những bài hát tiếng Anh được yêu thích, nàng reo lên như trẻ con được cho bánh khi phát hiện ra CD Tuyển tập những bài hát quốc tế vượt thời gian. Vừa lẩm nhẩm hát trong miệng, nàng vừa cho đĩa vào máy và vặn volume hết cỡ. Âm nhạc trỗi lên khắp gian phòng, bắt đầu là bài hát kể lể, tâm tình Donna Donna do Joan Baezz biểu diễn với chất giọng xúc cảm, mượt mà... Dũng khe khẽ hát, đến bên bàn ăn, anh đặt lên bàn những ngọn nến nhỏ màu trắng cùng với những cái chụp đèn trong suốt. Hưng cũng hào hứng lôi cây đàn guitar mình mang theo để lên chiếc bàn con đầy quà bánh, anh đếm lại lần nữa mười lăm gói quà nhỏ dành gói tặng cho mười lăm người tham gia buổi tiệc hôm nay sau khi khai mạc chương trình. Lần này cũng như lần trước, Hưng đếm vẫn đủ con số "mười lăm", anh cầm những gói quà trên tay và lần lượt để xuống bàn trở lại. Đến gói thứ mười và mười một bỗng nhiên Hưng cảm thấy thật lạ, có vẻ như nó nhẹ hẫng, và... hơi lạnh, lạnh một cách khác thường. Hưng nhún vai tự nhủ không thể có sự sai xót nào ở đây, và hơi lạnh có thể phả ra từ máy điều hòa nhiệt độ.

Bây giờ là chín giờ tối. Hoa nhìn ra cửa, nàng tự hỏi Ngọc đã biến đi đâu từ nãy giờ. Đã có mười ba người hiện diện, chỉ thiếu Quang và Ngọc thôi là vừa đủ. Mọi người ngồi vào bàn và bắt đầu cười nói, mời nhau món đậu phộng da cá. Ngồi thêm mười phút nữa thì Phong về, anh chào mọi người và ngồi xuống bàn. Hoa gọi điện cho Ngọc, nàng không nghe tiếng chuông điện thoại mà chỉ nghe tiếng gió rít khe khẽ giống như tình trạng nhiễu sóng hay nghẽn mạng tức thời. Gọi cho Ngọc hai lần không được, mọi người bắt đầu nhập tiệc. Đúng lúc đó có tiếng chuông cửa đổ từng hồi vội vã.

Hưng với lấy cây dù để ở cửa ra vào, xung phong chạy ra ngoài đón khách. Anh đi ra sân, mưa vẫn còn dai dẳng, mặt đường loang loáng nước, phải thật cẩn thận Hưng mới không bị trượt. Anh mở cửa cho Ngọc và giúp nàng dắt xe vào. Ngọc không cười cũng không nói, cô cám ơn anh và lẳng lặng bước vào nhà. Hưng đi sau Ngọc, anh có cảm giác mưa đã nhỏ dần nhưng nước mưa hình như không ngừng rơi xuống trên người Ngọc. Cởi áo mưa và xếp dù để bên ngoài, Ngọc và Hưng bước vào nhà.

-Trời! Bọn này chờ Ngọc suốt!

-Ngọc đi đâu thế, lúc nãy bị lạc đường à? Hoa đợi hoài không thấy Ngọc nên đến đây luôn đó! - Hoa lên tiếng.

Thấy Ngọc ướt và lạnh nên Hoa và mấy cô bạn đưa nàng vào phòng trong sưởi ấm. Bất giác, Quang trầm tư nhìn ra màn mưa...

- o O o -

Đèn trong phòng vụt tắt, thay vào đó là ánh sáng của mười lăm ngọn nến lung linh huyền ảo, mọi người bắt đầu thưởng thức các món ăn. Trâm được xem như tâm điểm của bữa tiệc, nàng mời mọi người nâng cốc và kể những câu chuyện của công ty. Hà cũng vui vẻ không kém, nàng đề nghị mọi người suy nghĩ về những trò chơi mới lạ để ăn xong có thể "sử dụng" ngay. Hồng thì nhẹ nhàng hơn, nàng chỉ thích... kể chuyện ma cỏ cho người khác sợ. Mấy anh bạn đồng nghiệp trong công ty thì hưởng ứng hầu hết mọi thứ, tham gia hầu hết mọi ý tưởng, thậm chí là còn đàn hát với nhau đến quá mười giờ rưỡi. Lúc này mới đến lúc Hồng trổ tài kể chuyện. Để tăng thêm sự ma quái, nến được thổi tắt hết, chỉ chừa lại một cây ở giữa bàn tiệc. Trong máy phát ra bản nhạc Unchained Melody không lời nghe càng day dứt, sầu thảm...

Câu chuyện của Hồng kể về một cô bé trở về nhà sau chuyến đi nghỉ hè, mẹ và em trai cô nhất định không cho cô ra khỏi nhà. Đi đâu, làm gì cô bé cũng cảm thấy sợ hãi, có cảm giác như luôn có ai đó rình rập mình. Đêm đầu tiên về nhà, cô suýt nữa ngạt thở vì hơi ga, lúc mê man cô nhìn thấy mẹ đã khóa gaz và giúp mình lên giường nằm nghỉ. Ngày hôm sau cô bé đến trường và bị hai người đàn ông chặn đường, họ cố tìm cách giết cô, nhưng cô đã thoát được và chạy về nhà. Đóng sập cửa lại, cô nghe tiếng mẹ bảo "không sao đâu con gái...", và cô bé còn kịp nhìn thấy mẹ mình không có chân!.. Cô thật sự hoảng loạn khi tỉnh lại vào ngày hôm sau, nhờ sự giúp đỡ của một người bạn thân, cuối cùng cô bé đã tìm hiểu được nguyên nhân mọi chuyện. Khi cô vắng nhà, bọn người đó đã giết mẹ và em trai cô và chặt họ thành từng khúc để phi tang, nhưng chưa kịp thì cô về, sợ cô phát hiện được nên đã tìm cách giết cô. Kết thúc câu chuyện, thi thể của mẹ và em trai cô bé được tìm thấy dưới sàn nhà.

Truyện kể của Hồng đúng ra thì không quá đáng sợ, nhưng cách kể chuyện của nàng khiến người ta có cảm giác hồi hộp, và mỗi lần đến cao trào khiến nhân vật trong truyện sợ hãi, Hồng diễn đạt các tiếng động và âm thanh cực kỳ đáng nể. Sau khi kết thúc, nàng còn hù mọi người hết hồn bằng câu đùa y như thật:

-Eh... có ai đứng ngoài cửa nhìn vào thì phải!!!

Bây giờ đã mười một giờ mười lăm, tiếp tục chương trình là trò chơi "bắt người thành cặp". Mục đích của trò chơi này là chia tách mọi người thành từng cặp, không kể nam hay nữ. Để bắt đầu, mọi người dọn dẹp bàn ăn và xếp tất cả ghế ngồi, kéo tất cả bàn ra ngoài sân để có được không gian thật rộng. Nhân sẽ thổi tắt luôn ngọn nến còn lại sau khi mọi người định thần và nhẩm tính sẽ ẩn núp ở đâu. Trò chơi sẽ kéo dài trong nửa giờ đồng hồ và không ai được lên tiếng, không được dùng ám hiệu và cũng không được có tiếng xì xào. Nhiệm vụ của mỗi người là nắm bằng được một người khác để tạo thành cặp, và người khác này hoàn toàn có quyền chạy trốn để bắt cặp với người khác nữa. Mười lăm người tất nhiên là có bảy cặp, còn một người đành phải đứng ở vị trí quản trò, điều khiển cuộc chơi.

Nhân đứng ra quản trò, anh cầm ngọn nến còn lại dẫn mọi người đi xem xét các phòng. Nhà Quang có rất nhiều phòng, lúc trước gia đình anh xây gian nhà thật dài và thật rộng để cho thuê, lâu dần cảm thấy muốn yên tĩnh nên người già trong nhà thì về quê cho con cháu phụng dưỡng, ba mẹ thì thường đi du lịch đây đó nên nhà cũng trống trải vô cùng. Một điều nữa là Quang cũng không thích quản những người khách trọ, Quang không thích cái cuộc sống đi đi về về thiếu ổn định của họ, thành thử nhà Quang cứ im lìm, thoáng đãng mấy năm nay. Đứng ở phòng trong mà mọi người còn nghe gió lùa ào ào từ sân lạnh cả gáy. Quang không thích xây lầu, nhưng ngược lại, anh thiết kế bốn mặt của căn nhà đều có cây cỏ, ngoài khoảng sân rộng cửa trước và cửa sau. Quang cũng không thích cây kiểng hoặc cây có hoa, anh trồng đủ loại cây cao và có thể sống lâu năm như cây mận, chôm chôm, mai Tứ Quý, cây Ngọc Lan.. ban đêm có lúc nhìn ra như cảnh nhà giữa núi rừng hoang sơ.

Xem xét xong, Nhân tập hợp mọi người lại, anh giơ nến lên và đếm lại số người. "Mười ba"! Sao chỉ có "mười ba" nhỉ? Quang đếm lần nữa, anh nhẩm tính mà không biết thiếu ai. Lần đếm thứ hai, anh được con số "mười bốn"! Thế là thế nào nhỉ, Nhân giật mình tự hỏi và cố an ủi mình rằng lúc nãy chỉ vì hoa mắt. Bây giờ Nhân chợt có cảm giác như Ngọc đứng đó, nhưng cũng không đứng đó. Nàng giống như nhạt ra theo gió, nhưng cũng rõ ràng hiện diện trước mặt Nhân. Nhân giơ nến lên và nhìn kỹ lại một lần nữa, anh bàng hoàng nhận thấy có ai đó đứng sau Ngọc, người đó là "Quang"! Nhân cảm thấy khó hiểu nhưng có phần an tâm hơn khi thấy có người đứng cạnh Ngọc, chứng tỏ Quang và anh đều nhìn thấy Ngọc. Nhân nghĩ có lẽ mình bị chứng ảo giác do đã uống một ít. Nhân thổi nến báo hiệu cuộc chơi bắt đầu, và đi về phía phòng khách chờ đợi. Anh phải có mặt ở đó để thắp sáng gian phòng sau nửa giờ đồng hồ, xem xem có bao nhiêu cặp hoàn thành xuất sắc và thắng cuộc.

- o O o -

Ngọc thoáng thấy bóng Trâm, Hồng, và nàng cũng thoáng nhìn thấy bóng Hưng, Dũng... nhưng nàng tự hỏi tại sao nàng lại nhìn thấy Quang rõ như thế. Nàng bước từng bước một tiến về phía Phong. Lúc này anh đang ngồi trầm tư ở một góc cuối dãy phòng. Ngước lên nhìn Ngọc, Quang nói giọng hơi run:

-Ngọc đấy à?

Ngọc thững thờ... môi nàng xám lại.. mặt nàng cũng tái xanh:

-. Là em mà.. Em xin lỗi.. Em xin lỗi... Mưa to quá mà em lại lạc đường... Em đã đột ngột nhấn ga.... Em không kịp hãm phanh... Anh biết không.. Lúc nãy nhìn thấy anh... Em tưởng trời cho mình một cơ hội nữa để làm lại.. Em đã nghĩ anh còn sống, em đã hi vọng là như vậy... nhưng sự thật không phải như vậy.. Vì em đã nhìn thấy anh nằm đó bất động... Sau khi người ta đưa anh đi... Em đã ngồi khóc dưới mưa... và khóc suốt trên đường đến đây.. Em...

-Chuyện cũng đã xảy ra rồi... chỉ tại vì mưa thôi.. em hãy nghĩ thế đi

Ngọc bật khóc, nàng khẽ gật đầu.. Quang nhìn nàng đầy cảm thông, anh hỏi:

-Em có biết tại sao anh có mặt ở đây không?Anh có mặt ở đây, vì đây là nơi anh phải trở về... và đây là nơi mà em phải đến. Cả hai chúng ta đều phải có mặt ở đây để mà được siêu thoát...

-Em không hiểu ý anh... cả hai chúng ta? Anh Quang, em không hiểu..

-Em không biết tại sao em phải có mặt ở đây đúng không? tại vì em cần được anh tha thứ, em cần đi nốt đoạn đường còn lại em đang đi... Còn anh, anh cũng cần phải đi nốt đoạn đường anh đang đi, anh cũng cần phải nói với em rằng anh tha thứ cho em, và anh muốn trở về nhà lần nữa...

-Không thể nào đâu! Anh gạt em!.. Anh nói với em đó không phải sự thật đi! Em van anh!... chỉ có người chết mới cần phải đi nốt đoạn đường dang dở phải không? Em chưa chết mà!

-Anh xin lỗi.. Ngọc... Nhưng đến lúc chúng ta phải đi rồi..

Tất cả đèn Neon của dãy nhà được bật sáng lên, Nhân tươi cười đón từng mọi người với những gói quà được chuẩn bị sẵn. Hết thảy có sáu cặp, ai nấy đều vui vẻ giữ phần quà của mình trên tay... Lúc này điện thoại Hoa reo lên, có một tin khiến nàng và mọi người hoảng loạn. Trên bàn, hai phần quà còn lại đã biến mất tự lúc nào.

Kết Thúc (END) Lục Diệp ( Hellomy 9)

» Ngõ cụt

» Mưa Đêm

Những Truyện Ma (Kinh Dị) Khác

» Nhà Xác!

» Người về từ đáy mộ

» Ma Quá Giang

» Mối Tình Âm Dương

» Hồn Ma Của Người Bạn Thân

» Hồn Ma Trong Biệt Thự

» Người đẹp đông phương

» Tiếng Cười Trong Đêm Khuya

» Giết Người Lấy Sọ Luyện \"Thiên Linh Cái\"

» Ma Nhập Vì Cầu Cơ

» Người Bạn Ma

» Ma Không Đầu

» Bí Ẩn Lời Nguyền

» Con Ma Áo Trắng

» Ngôi Nhà Ma Ở Đà Lạt

» Ma Nhập

» Lá Thư Từ Bên Kia Thế Giới

» Ngôi nhà ma ám ở San Diego....!

» Bóng Ma Trên Gác Thượng

» Quỷ ám

» Kẻ Báo Tin Dữ

» Ma Trên Đất Mỹ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro