TTHCM câu 17,18,19

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu 17 : Trình bày những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam trong thời đại mới theo tư tưởng HCM ?

Trả lời:

(1)  Trung với nước, hiếu với dân

-         "Trung" và "hiếu" vốn là những khái niệm đạo đức cũ chứa đựng nội dung hạn hẹp: "Trung với vua, hiếu với cha mẹ", phản ánh bổn phận, trách nhiệm của dân đối với vua, con đối với cha mẹ.

-         Hồ Chí Minh đưa vào khái niệm cũ một nội dung mới, mang tính cách mạng, đó là trung với nước, hiếu với dân. Đây là chuẩn mực đạo đức có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.

-         Theo quan điểm Hồ Chí Minh, nước là nước của dân và dân là người chủ của nước. Vì vậy, "trung với nước, hiếu với dân" là thể hiện trách nhiệm với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, với con đường đi lên và phát triển của đất nước.

-         Nội dung chủ yếu của trung với nước là:

+Trong mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng và xã hội, phải biết đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của cách mạng lên trên hết, trước hết.

+Quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu cách mạng.

+Thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

-         Nội dung chủ yếu của hiếu với dân là:

+Khẳng định vai trò sức mạnh thực sự của nhân dân.

+Tin dân, học dân, lắng nghe ý kiến của dân, gắn bó mật thiết với dân, tổ chức, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

+Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

(2)  Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư

- Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những khái niệm đạo đức cũ, được Hồ Chí Minh tiếp thu, chọn lọc, đưa vào những yêu cầu và nội dung mới. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là một biểu hiện sinh động của phẩm chất "trung với nước hiếu với dân".

- Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai. Kiệm là tiết kiệm vật tư, tiền bạc, của cải, thời gian, không xa xỉ, không hoang phí. Liêm là trong sạch, không tham lam tiền của, địa vị, danh tiếng. Chính là không tà, là thẳng thắn, đứng đắn. Các đức tính đó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Cần mà không kiệm giống như một chiếc thùng không đáy. Kiệm mà không cần thì lấy gì mà kiệm. Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới là hoàn chỉnh.

- Cần, kiệm, liêm, chính càng cần thiết đối với cán bộ, đảng viên. Bởi vì, nếu cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm thì sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của cách mạng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Mặt khác, những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.

- Cần, kiệm, liêm, chính còn là thước đo sự giàu có về vật chất, vững mạnh về tinh thần, sự văn minh tiến bộ của một dân tộc. Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua yêu nước; là cái cần để làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại.

- Chí công vô tư là không nghĩ đến mình trước, chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào; là đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Thực hành chí công vô tư cũng có nghĩa là phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.

- Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là chỉ muốn "mọi người vì mình" mà không biết "mình vì mọi người". Nó là một thứ giặc nội xâm, còn nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm. Nó là bạn đồng minh của chủ nghĩa đế quốc và thói quen truyền thống lạc hậu. Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.

- Tuy nhiên, cần có nhận thức đúng đắn đâu là chủ nghĩa cá nhân, đâu là lợi ích cá nhân. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, chỉ ở trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống của riêng mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình.

(3) Thương yêu con người

- Xuất phát từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của các dân tộc, Hồ Chí Minh cho rằng, trên đời này có nhiều người, nhiều công việc, nhưng có thể chia thành hai hạng người: người thiện và người ác, và hai thứ việc: việc chính và việc tà. Làm việc chính là người thiện, làm việc tà là người ác. Từ đó, Người kết luận: những người bị áp bức, bị bóc lột, những người làm điều thiện thì dù màu da, tiếng nói, chủng tộc, tôn giáo có khác nhau, vẫn có thể thực hành chữ "bác ái", vẫn có thể đại đoàn kết, đại hòa hợp, coi nhau như anh em một nhà.

- Tình thương yêu con người ở Hồ Chí Minh không chung chung, trừu tượng kiểu tôn giáo, mà luôn luôn được nhận thức và giải quyết trên lập trường của giai cấp vô sản, dành cho các dân tộc và con người bị áp bức, đau khổ.

- Hồ Chí Minh thương yêu con người với một tình cảm sâu sắc, vừa bao la rộng lớn, vừa gần gũi thân thương đối với từng số phận con người. Tình thương yêu con người ở Hồ Chí Minh luôn gắn liền với hành động cụ thể, phấn đấu vì độc lập của Tổ quốc, tự do hạnh phúc cho con người.

(4) Tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung

- Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thống nhất, hòa quyện giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

- Chủ nghĩa quốc tế là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Nó bắt nguồn từ bản chất quốc tế của giai cấp công nhân và của xã hội xã hội chủ nghĩa.

- Đó là sự tôn trọng và thương yêu tất cả các dân tộc, nhân dân các nước, chống sự hằn thù, bất bình đẳng dân tộc và sự phân biệt chủng tộc. Người khẳng định: bốn phương vô sản đều là anh em; giúp bạn là giúp mình; thắng lợi của mình cũng là thắng lợi của nhân dân thế giới. Người đã góp phần to lớn, có hiệu quả xây đắp tình đoàn kết quốc tế, tạo ra một kiểu quan hệ quốc tế mới: đối thoại thay cho đối đầu, kiến tạo một nền văn hóa hòa bình trên thế giới.

 

Câu 18: Phân tích các nguyên tắc xây dựng đạo đức mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh?

Trả lời:

Các nguyên tắc xây dựng đạo đức mới của HCM:

(1)Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức

-         Nói đi đôi với làm mới mang lại hiệu quả công việc, tránh hiện tượng đạo đức giả trong XH.

-         Nhấn mạnh phải nêu gương bởi đó là phương pháp thuyết phục nhất và có sức mạnh to lớn trong việc rèn luyện đạo đức cho mọi người.

-         Người coi 1 nền đạo đức mới chỉ được xây dựng vững chắc khi mọi chuẩn mực của nó đã trở thành thói quen, hành vi đạo đức hằng ngày phổ biến trong toàn XH, mà tấm gương đạo đức cho ý nghĩa thúc đẩy quá trình đó.

(2)Xây đi đôi với chống, phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi

-         Đòi hỏi nâng cao trách nhiệm cá nhân trong mỗi con người, chống CN cá nhân.

-         Chống và xử lý nghiêm là nhằm xây, đi liền với xây và muốn xây thì phải chống. Mục đích cuối cùng là xây dựng con người có đạo đức và nền đạo đức mới Việt Nam. Vì vậy, phải xác định đây là nhiệm vụ chủ yếu và lâu dài.

-         Xây là giáo dục những phẩm chất đạo đức mới, đạo đức cách mạng cho con người Việt Nam trong thời đại mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh.Giáo dục đạo đức phải phù hợp với lứa tuổi, ngành nghề, giai cấp, tầng lớp và trong từng môi trường khác nhau

-         Xây đi đôi với chống trên cơ sở tự giáo dục, đồng thời phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi.

-         Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh đã luôn phát động phong trào quần chúng rộng rãi và đem lại những hiệu quả thiết thực. Đó là phong trào thi đua tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu; cuộc vận động "3 xây, 3 chống": nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế - tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

 

(3)Phải tu dưỡng đạo đức bền bỉ suốt đời

-         1 hành vi đạo đức là kết quả của 1 quá trình nhận thức và thực hành, không phải trong 1 lĩnh vực.

-         Tu dưỡng đạo đức là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc và văn hóa phương Đông.

-         Việc rèn luyện, tu dưỡng bền bỉ suốt đời phải như công việc rửa mặt hàng ngày là một trong những yêu cầu có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Hồ Chí Minh viết: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.

-         Cái ác luôn ẩn nấp trong mỗi người. Vì vậy, không được sao nhãng việc tu dưỡng, mà phải rèn luyện suốt đời, bền bỉ. Đặc biệt trong thời kỳ hòa bình, khi con người đã có ít quyền hạn, nếu không ý thức sâu sắc điều này, dễ bị tha hóa, biến chất. Hồ Chí Minh so sánh: "Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ"2. Nếu không chú ý điều này, sa vào chủ nghĩa cá nhân thì có thể ngày hôm qua có công với cách mạng, nhưng ngày hôm nay lại có tội với nhân dân.

-         Đạo đức cách mạng là nhằm giải phóng và đem lại hạnh phúc, tự do cho con người, đó là đạo đức của những con người được giải phóng.

Câu 19: Trình bày khái quát những nội dung cơ bản của tư tưởng nhân văn HCM?

Trả lời:

(1)  Con người là vốn quý nhất – nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng

-         Nhận thức về con người :

+ Tư tưởng nhân văn là trào lưu tư tưởng bàn tới con người. Mỗi thời đại, mỗi giai cấp có sự nhìn nhận khác nhau về con người.

+ Hồ Chí Minh thường nói tới con Lạc cháu Hồng, Người đã có sự cảm nhận thiêng liêng về hai tiếng "đồng bào". Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và qua hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh sử dụng khái niệm "người bản xứ bị bóc lột", "người mất nước", "người da đen", "người cùng khổ", "người vô sản"...

+ Đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, từ khi về nước lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền cách mạng, Hồ Chí Minh lại dùng đến khái niệm "đồng bào", "quốc dân"... Khi miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Người dùng thêm nhiều khái niệm như "công nhân", "nông dân", "trí thức", "lao động chân tay", "lao động trí óc", "người chủ xã hội"...

+ Phần lớn, Người xem xét con người trong các mối quan hệ xã hội, trong các quan hệ giai cấp; theo giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp; trong khối thống nhất của cộng đồng dân tộc và quan hệ quốc tế. Cách tiếp cận cơ bản nhất của Người thống nhất lập trường giai cấp và lập trường dân tộc

-         Thương yêu quý trọng con người :

+ Con người ở đây là đồng bào đồng chí, là người Việt Nam yêu nước, là già, trẻ, gái, trai, miền xuôi, miền ngược...

+ Hồ Chí Minh thương yêu những người nô lệ mất nước, những người cùng khổ, giai cấp vô sản bị bóc lột, những thanh niên chết vô ích ở Việt Nam dù họ là da trắng, da đen, người Pháp hay người Mỹ. Bởi vì "máu nào cũng là máu; người nào cũng là người". Những dòng máu đó đều quý như nhau.

+ Về đối tượng, Hồ Chí Minh thương yêu con người đang sống thực ở trên trần gian này. Về cơ sở khoa học, Người đã chỉ ra được nguồn gốc mọi sự đau khổ của những con người nô lệ, mất nước, của những người lao động làm thuê, đó là chủ nghĩa thực dân, đế quốc tàn bạo; là ách áp bức bóc lột giai cấp mà công nhân, nông dân phải chịu đựng. Từ đó, Hồ Chí Minh chỉ ra con đường cách mạng, con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

+ Luôn thương yêu con người, nên Hồ Chí Minh luôn khát khao hòa bình, một nền hòa bình thật sự, trong độc lập, tự do.

+ Hồ Chí Minh coi sinh mạng con người là quý giá nhất. Theo Người, "không có một trận đánh đẫm máu nào là "đẹp" cả, mặc dù thắng lớn

+ Lòng thương yêu con người ở Hồ Chí Minh theo tinh thần làm cho nước nhà hoàn toàn độc lập, nhân dân hoàn toàn tự do, mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành, chữa bệnh... Đó là triết lý nhân văn hành động: ở đời và làm người thì phải yêu nước, thương dân, thương nhân loại bị đau khổ, áp bức và đấu tranh nhằm đem lại hạnh phúc, tự do cho con người.

-         Tin vào sức mạnh, phẩm giá, tính sáng tạo của con người

+ Theo Hồ Chí Minh, "trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân". Người cho rằng: "việc dễ mấy không có nhân dân cũng chịu, việc khó mấy có dân liệu cũng xong". Nhân dân là người sáng tạo ra mọi giá trị vật chất và tinh thần.

+ Niềm tin vào sức mạnh của dân còn được nhận thức từ mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ. Hồ Chí Minh chỉ rõ: nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng; nếu không có Chính phủ thì nhân dân không có ai dẫn đường. Đảng lãnh đạo để dân làm chủ. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết.

+ Tin dân ở Hồ Chí Minh còn xuất phát từ niềm tin vào tình người. Theo Người, con người có tốt, có xấu, nhưng "dù là xấu, tốt, văn minh hay dã man đều có tình"4. Con người luôn có xu hướng vươn lên cái Chân - Thiện - Mỹ.

+ Trong khi giữ vững niềm tin vào dân thì phải chống các bệnh "xa nhân dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân; không tin cậy nhân dân; không hiểu biết nhân dân; không yêu thương nhân dân".

-         Lòng khoan dung rộng lớn :

+ Đoàn kết rộng rãi, lâu dài các lực lượng là thể hiện lòng nhân ái bao dung cao cả.

+ Vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tiến bộ xã hội, Hồ Chí Minh đưa ra chủ trương có lý, có tình đối với kiều dân nước ngoài ở Việt Nam, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của họ. Người đánh giá cao vấn đề này và ghép tội "vô cớ sát hại kiều dân ngoại quốc" vào tử hình.

+ Với lòng nhân ái bao la, phát huy truyền thống "thương người như thể thương thân", "đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại", Hồ Chí Minh có chính sách khoan hồng đại lượng, đối xử nhân đạo với tù binh.

+ Khi cán bộ, đảng viên có lỗi, Người chú ý giáo dục, nhẹ về xử phạt. Người cố gắng cổ vũ con người, hướng con người tới chân - thiện - mỹ.

+ Trân trọng mọi ý kiến khác nhau, kể cả những ý kiến không đồng tình, trái với suy nghĩ của Người.

(2)  Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng

-         Con người là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng :

+ Mục tiêu cách mạng của Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, thực hiện độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

+ Khẳng định con người là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng thì một điều quan trọng là mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ đều vì lợi ích chính đáng của con người. Có thể đó là lợi ích lâu dài, lợi ích trước mắt; lợi ích cả dân tộc và lợi ích của bộ phận, giai cấp, tầng lớp và cá nhân.

-         Con người là động lực cách mạng :

+ Con người là động lực của cách mạng được nhìn nhận trên phạm vi cả nước, toàn thể đồng bào, song trước hết là ở giai cấp công nhân và nông dân. Điều này có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

+ Con người là động lực chỉ có thể thực hiện được khi hoạt động có tổ chức, có lãnh đạo. Vì vậy, vai trò của Đảng cách mạng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng là vô cùng quan trọng. Qua các phong trào cách mạng của quần chúng, Đảng sẽ nhân sức mạnh của con người lên gấp bội.

(3)  Xây dựng con người là chiến lược hàng đầu của cách mạng

-         Hồ Chí Minh nêu bật ý nghĩa của chiến lược xây dựng con người mới. Trên cơ sở khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng, Hồ Chí Minh rất quan tâm tới sự nghiệp giáo dục, đào tạo, rèn luyện con người.

-         Người khẳng định: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa.

-         Mỗi bước xây dựng những con người như vậy là một nấc thang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là mối quan hệ biện chứng giữa "xây dựng chủ nghĩa xã hội" và "con người xã hội chủ nghĩa".

-         Hồ Chí Minh quan niệm"Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người".

-         Nội dung và phương pháp giáo dục phải toàn diện, cả đức, trí, thể, mỹ, phải đặt đạo đức, lý tưởng và tình cảm cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa lên hàng đầu.

-         "Trồng người" là công việc "trăm năm", không thể nóng vội "một sớm một chiều", không phải làm một lúc là xong, cũng không phải tùy tiện, đến đâu hay đó. Vì vậy không được coi nhẹ, sao nhãng sự nghiệp giáo dục. Theo tinh thần của V.I. Lênin: "Học, học nữa, học mãi" và của Khổng Tử: "Học không biết chán, dạy không biết mỏi", Hồ Chí Minh cho rằng: "Việc học không bao giờ cùng, còn sống còn phải học".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro