P6: Cảnh Dương cung

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

PHẦN 6: CẢNH DƯƠNG CUNG

LỊCH SỬ:

Cảnh Dương cung là 1 trong 6 cung điện phía đông của Tử Cấm Thành, nằm ở phía đông bắc Đông lục cung, phía đông Chung Túy cung và phía bắc Vĩnh Hòa cung. Cung được xây dựng vào năm Vĩnh Lạc thứ 18 triều Minh (1420), lúc đầu mang tên Trường Dương cung đến năm Gia Tĩnh thứ 14 triều Minh (1535) đổi thành Cảnh Dương cung.

Khi nhà Thanh trị vì, cung được trùng tu vào năm Khang Hi thứ 25 (1686). Vào triều Minh, Cảnh Dương cung là chỗ ở của phi tần. Sang triều Thanh, cung được sửa chữa làm nơi lưu giữ, bảo quản sách vở, con dấu của hoàng gia. Thời Khang Hi, cung được Hoàng đế ban cho câu đối: “Tụng khải tiêu hoa, bách tử trì biên nhật noãn” – “Thương phù bách diệp, vạn niên chi thượng xuân tình”.

Thời Càn Long, hoàng đế truyền lệnh cho họa sĩ dựa theo những mỹ đức của hậu phi Trung Hoa cổ đại mà vẽ lên 12 bức Cung huấn đồ, ngày Tết đem treo ở đông tây lục cung, sau đó đem bảo quản ở Học Thi đường trong Cảnh Dương cung. Cung Cảnh Dương được ban bức Mã hậu luyện y đồ, ca ngợi đức tính tiết kiệm, lấy từ điển tích Hoàng hậu Mã thị của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương, 1 vị hiền hậu nổi tiếng, tuy ở địa vị tôn quý nhưng lại hết sức giản dị: “Mã Hoàng hậu ngày thường chỉ mặc y phục thêu chỉ loại bình dân, giặt qua nhiều lần, rách thì vá lại chứ không chịu thay cái mới”.

24/08/1987: Cảnh Dương cung bị sét đánh gây ra hỏa hoạn, thiêu hủy 1 số kiến trúc cũ nên sau khi trùng tu, cung được trang bị thêm cột thu lôi.

KIẾN TRÚC:

_Cảnh Dương môn: là cửa chính dẫn vào cung, nằm ở hướng bắc, ngoảnh mặt về hướng nam. Đi qua Cảnh Dương môn, ta sẽ bắt gặp 1 cửa ngăn bằng gỗ, có tác dụng như 1 bức bình phong.

_Chính điện: rộng 3 gian, lợp ngói hoàng lưu ly, nóc điện trạm trổ hơi khác so với 5 cung còn lại trong đông lục cung, mái hiên trang trí đấu củng (1 loại kết cấu đặc biệt trong kiến trúc cung đình Trung Hoa, gồm những thanh ngang từ trụ cột chìa ra gọi là “củng” và những trụ kê hình vuông chèn giữa các “củng” gọi là “đấu”). Cửa vào đặt ở gian chính giữa, 2 gian bên cạnh có cửa sổ bằng thủy tinh. Bên trong gian chính treo tấm hoành phi: “Nhu gia túc kính” được đích thân vua Càn Long ngự bút. Ngoài ra, Càn Long còn ban cho Cảnh Dương cung các đôi câu đối treo trong 3 gian của chính điện, gồm: “Sinh cơ đối vật quan kỳ diệu” – “Nghĩa phủ nhân tâm hoạch sở ninh” ở gian phía đông; “Thận song nhật lãng lan phún vụ” – “Kê thụ phong thanh ngọc ái xuân” ở gian phía tây và “Thư phố lễ viên vô dịch hảo” – “Âu hương nghiên tịnh hữu dư hân” ở gian chính.

Trước chính điện có 1 đài ngắm trăng.

_Đông tiền điện, tây tiền điện: tọa lạc ở 2 bên đông tây Chính điện, mỗi điện gồm có 3 gian, gian giữa đặt cửa ra vào, lợp ngói hoàng lưu ly, mái hiên trang trí hoa văn toàn tử thể.

_Hậu điện: còn gọi là ngự thư phòng, rộng 5 gian, cửa vào đặt ở gian chính giữa, lợp ngói hoàng lưu ly. 4 gian bên đều có cửa sổ, mái hiên trang trí đấu củng (1 loại kết cấu đặc biệt trong kiến trúc cung đình Trung Hoa, gồm những thanh ngang từ trụ cột chìa ra gọi là “củng” và những trụ kê hình vuông chèn giữa các “củng” gọi là “đấu”), chạm khắc hoa văn Long hòa tỉ thể. Hậu điện của Cảnh Dương cung được Càn Long ban tên là “Học Thi đường” và đôi câu đối: “Cổ hương phi phất đồ thư nhuận” – “Nguyên khí xung dung vật tượng hòa”.

_Tịnh Quan trai: điện phía đông của Học Thi đường, gồm có 3 gian, gian giữa đặt cửa ra vào, lợp ngói hoàng lưu ly, mái hiên trang trí hoa văn toàn tử thể.

_ Cổ Giám trai: điện phía tây của Học Thi đường, gồm có 3 gian, gian giữa đặt cửa ra vào, lợp ngói hoàng lưu ly, mái hiên trang trí hoa văn toàn tử thể.

Phía tây nam hậu viện có 1 giếng nước.

Chủ nhân duy nhất của Cành Dương cung là Hiếu Tĩnh Hiển Hoàng hậu Vương thị của vua Minh Thần Tông (Vạn Lịch), sinh ngày 17 tháng giêng năm Gia Tĩnh thứ 44 (tức 27/02/1565), mất ngày 13 tháng 9 năm Vạn Lịch thứ 39 (tức 18/10/1611). Vương thị vốn là cung nữ của Từ Thánh Hoàng thái hậu (mẹ đẻ Thần Tông), vì xinh đẹp nên được Thần Tông lâm hạnh rồi sinh ra Hoàng trưởng tử Chu Thường Lạc (sau là Minh Quang Tông). Bà đã từng là cung nữ trong 4 năm, ở ngôi Cung phi 23 năm và ngôi Hoàng quý phi 6 năm. Cha bà là Vương Thiên Thụy – chỉ huy Cẩm Y Vệ, mẹ bà là Cát thị, từng làm việc trong cung. Bà có 2 người con với Minh Thần Tông là Minh Quang Tông Chu Thường Lạc và Vân Mộng Công chúa Chu Hiên Nguyên. Vương thị tuy được sinh được Hoàng tử, công chúa nhưng Hoàng đế không yêu thương bà, Thần Tông phong cho bà tước Phi rồi Hoàng quý phi cũng chỉ là vì miễn cưỡng nghe theo sự sắp đặt của Từ Thánh Hoàng thái hậu. Bấy giờ sủng phi của Thần Tông là Trịnh quý phi, cùng sinh được hoàng tử nhưng địa vị lại cao hơn Vương thị. Trịnh thị được Hoàng đế sủng ái nên muốn gì được nấy, làm mưa làm gió khắp hậu cung. Trong khi đó, Vương thị bị Thần Tông cho “Bình cư” ở Cảnh Dương cung (việc bình cư không khác với bị biếm vào lãnh cung là mấy), sống 1 cuộc đời u ám, thê lương như giam cầm. Nhà Minh có lệ lập con trưởng nối ngôi nên triều thần ủng hộ Chu Thường Lạc làm Thái tử, nhưng vì Thần Tông không thích Vương thị cộng với việc bị Trịnh quý phi dụ dỗ dành ngôi báu cho Hoàng tam tử Chu Thường Tuân của bà ta nên việc lập Thái tử bị trì hoãn mãi. Năm Vạn Lịch thứ 29, dưới sức ép của các đại thần và không thể đi ngược lại di huấn của tổ tiên, Thần Tông phải bất đắc dĩ ban ngôi Thái tử cho Chu Thường Lạc nhưng Thái tử bắt buộc phải cắt đứt quan hệ với mẹ đẻ Vương thị. Khi Thái tử có con nối dõi, Thần Tông có hoàng tôn, vì quan lại trong triều nhiều lần can gián, dân gian lại nghị luận xôn xao, Thần Tông miễn cưỡng tấn phong Vương thị là Hoàng quý phi. Tước vị tuy vô cùng tôn quý nhưng chỉ là hữu danh vô thực, Vương thị ở cung Cảnh Dương ngày đêm ai oán, than khóc đến mù cả hai mắt, đến tháng 9 năm Vạn Lịch thứ 39 (1611) thì ngã bệnh. Thái tử biết tin, thỉnh cầu Thần Tông cho phép đến thăm hỏi, mẹ con gặp nhau, Vương thị hai mắt đã mù lòa, chỉ có thể nắm lấy vạt áo của con trai mà nói rằng: “Con khôn lớn như thế này, ta chết cũng không có gì ân hận”, rồi qua đời, thọ 47 tuổi, thụy hiệu Ôn Túc Hoàng quý phi. Bà khi sống bị hắt hủi, lúc chết tang lễ cũng chỉ được làm hết sức qua loa. Sau khi Thần Tông băng hà, Chu Thường Lạc lên nối ngôi, truy phong mẹ đẻ là Hoàng thái hậu nhưng chưa cử hành nghi lễ chính thức thì nhà vua đã băng hà. Con trai là Chu Do Hiệu lên ngôi, truy phong bà nội là Hiếu Tĩnh Ôn Ý Kính Nhượng Trinh Từ Tham Thiên Dận Thánh Hiển hoàng hậu và cho nhập táng vào Định lăng cùng với Thần Tông.

Chính điện.



Đông tiền điện

Tây tiền điện

Hậu điện/ Ngự thư phòng/ Học thi đường.

Đông hậu điện/ Tịnh quan trai

Tây hậu điện/ Cổ giám trai

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro