Tây Thi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tây Thi là con một người kiếm củi họ Thi, nàng dệt vải ở núi Trữ La, Gia Lãm, thuộc nước Việt cổ .

Trữ La có hai thôn : thôn Đông và thôn Tây, nàng ở thôn Tây nên gọi là Tây Thi.

Tương truyền Tây Thi đẹp đến nỗi, ngay cả khi nàng nhăn mặt cũng khiến người ta mê hồn.

Khi cô giặt áo bên bờ sông, bóng cô soi trên mặt nước sông trong suốt làm cô thêm xinh đẹp.

Cá nhìn thấy ảnh cô, say mê đến quên cả bơi, dần dần chìm xuống đáy sông. Từ đó, người trong vùng gọi cô là " Tây Thi Trầm Ngư " .

Đời Xuân Thu (722-479 trước D.L.), hai nước Ngô và Việt đánh nhau.

Sau trận đại bại tại Cối Kê, vua Việt là Câu Tiễn phải mình trần sang lạy vua Ngô là Phù Sai xin hàng.

Ngô vương bắt vợ chồng Câu Tiễn phải sang Ngô làm con tin, có quan Tướng Quốc là Phạm Lãi theo hầu. Cả ba đều bị giam trong ngục đá.

Hằng ngày vợ chồng Câu Tiễn và Phạm Lãi phải cắt cỏ, hốt phân ngựa, gánh nước rửa dọn chuồng ngựa, kiếm củi nấu cơm...

Suốt thời gian ba năm, chúa tôi sống một cách vô cùng vất vả cực nhọc, những vẫn bền chí đợi thời.

Một hôm vua Ngô đau, Câu Tiễn nghe theo lời của Phạm Lãi là chịu nếm phân của vua Ngô để được vua Ngô tin kẻ hàng giữ dạ trung thành.

Nhờ đó mà cả ba được phóng thích về nước. Sau khi được thả về, lòng uất ức căm hờn mong rửa được nhục thù.

Đại phu Văn Chủng hiến 7 kế phá Ngô. Một trong 7 kế là đem mỹ nữ sang dâng để làm mê hoặc vua Ngô.

Câu Tiễn liền thực hành ngay. Trong vòng nửa năm, tuyển được hai ngàn mỹ nữ, lại chọn hai người đẹp nhứt là Tây Thi và Trịnh Đán.

Câu Tiễn sai Tướng quốc Phạm Lãi đem 100 nén vàng đến thôn Trữ La rước hai nàng về, trang sức lộng lẫy, cho ngồi trong xe có màn phủ.

Người trong nước nghe tiếng mỹ nữ, ai cũng muốn xem mặt, tranh nhau ra ngoài cõi đón.

Đường xá chật ních những người. Phạm Lãi liền để hai nàng ở nhà quán xá rồi truyền dụ rằng: " Ai muốn xem mặt mỹ nhân phải nộp một đồng tiền " . Chỉ trong một lúc mà tiền thu đầy quỹ. Hai nàng lên lầu, đứng tựa bao lơn, khác nào như tiên nga giáng hạ.

Hai nàng lưu ở ngoài cõi ba ngày, tiền thu không xiết kể. Câu Tiễn cho hai nàng ở riêng tại Thổ Thành, rồi sai một lão nhạc sư đến dạy múa hát.

Ba năm qua, Tây Thi và Trịnh Đán cùng số mỹ nữ học múa hát đã được tinh xảo,

Câu Tiễn liền truyền Phạm Lãi đem sang cống cho vua Ngô là Phù Sai. Phạm Lãi vào yết kiến, sụp lạy vua Ngô, tâu rằng:

- Đông hải tiện thần là Câu Tiễn cảm ơn đại vương, không thể đem thê thiếp đến hầu hạ ở bên cạnh được,

vậy cố tìm khắp trong nước được hai mỹ nhân khéo nghề múa hát nên sai chúng tôi đem nộp vương cung để giữ việc quét rửa.
Ngô vương trông thấy hai nàng, cho là tiên nữ trên trời mới giáng hạ, hồn phách mê mẩn, mắt nhìn đăm đăm một cách say sưa.

Phù Sai rất lấy làm hài lòng nhận lấy mỹ nữ. Tây Thi và Trịnh Đán được Phù Sai yêu mến.

Nhưng riêng Tây Thi vì có sắc đẹp lộng lẫy lại khéo chiều chuộng, có nghệ thuật làm người say đắm nên Ngô vương sủng ái hơn.

Tây Thi được ở đài Cô Tô với Phù Sai, mỗi khi đi chơi đâu thì nghi vệ chẳng khác gì phi hậu.

Trịnh Đán ở Ngô cung, ghen với Tây Thi, uất ức không nói ra được, hơn một năm thì chết.

Phù Sai thương lắm, đem chôn ở núi Hoàng Mao và lập đền thờ cúng.

Phù Sai yêu Tây Thi, sai Vương Tôn Hùng lập ra cung Quán Khuê ở núi Linh Nham, trang sức toàn bằng châu ngọc để làm chỗ cho Tây Thi ra chơi. Ở đấy có lập ra Hưởng Điệp lang . Tại sao lại gọi là Hưởng Điệp? Điệp là chiếc guốc.

Nguyên là người ta đào hầm ở dưới đất chỗ hành lang, đặt ở đấy rất nhiều chum, bên trên lát ván,

để Tây Thi và cung nhân đi guốc lượn ở đấy, tiếng kêu leng keng, cho nên gọi là hưởng điệp.

Trên núi có hồ Ngoạn Hoa, ao Ngoạn Nguyệt. Lại có giếng gọi là giếng Ngô Vương, nước trong suốt, Tây Thi thường đứng ở trên mà soi mặt, Phù Sai đứng ở bên cạnh, sẽ lấy tay vuốt tóc cho Tây Thi.

Lại có động gọi là động Tây Thi, Phù Sai và Tây Thi cùng ngồi ở đấy, đá ở ngoài cửa động có nhiều chỗ sụt, nay người ta gọi là vết chân Tây Thi. Trên núi lại có Cầm Đài, Phù Sai thường cùng với Tây Thi gẩy đàn ở đấy.

Phù Sai lại sai người trồng hoa ở Hương Sơn, để Tây Thi và cung nhân chở thuyền đi hái hoa.

Nay vẫn còn một dải nước ở phía nam núi Linh Nham, đó tức là chỗ Tây Thi hái hoa ngày xưa.

Lại có Thái Liên hình ở phía đông nam thành đô, đó là chỗ Phù Sai cùng Tây Thi hái sen.

Phù Sai lại bắt đào một con sông nhỏ ở trong thành, từ nam sang bắc, rồi làm cái buồm gấm để đi chơi thuyền, gọi là Cẩm Phàm hình.

Phía nam đô thành có Trường Châu uyển, để làm nơi săn bắn.

Lại có Ngư Thành để nuôi cá, Áp Thành để nuôi vịt, Kê Bi để nuôi gà, Tửu Thành để nấu rượu.

Lại thường cùng với Tây Thi ra nghỉ mát tại Nam Loan ở Tây động đình, đó là một cái vịnh độ hơn mười dặm,

ba mặt đều là núi, chỉ có mặt nam trông như cửa khuyết. Phù Sai cho chỗ ấy là một nơi có thể qua mùa hè được, mới đặt tên là chỗ Tiên.

Phù Sai là một vị vua anh hùng, nhưng từ khi Tây Thi xuất hiện thì lại lơi lỏng việc nước, bỏ bê chính sự.

Tây Thi theo kế của Văn Chủng ra sức mê hoặc khiến vua Ngô ngày đêm cùng nàng chìm đắm trong xa hoa, hưởng lạc, dần dần mất hết ý chí.

Bởi chỉ khi nước Ngô suy yếu thì Việt mới có cơ hội phục thù.

Phù Sai cứ ở luôn trên Cô Tô đài, bốn mùa vui chơi, rượu chè đàn địch, chẳng thiết đến việc gì cả.

Tây Thi, con người kiều diễm ấy, tuy có một thân hình mảnh mai như cành liễu yếu nhưng tiềm tàng một sức mạnh phi thường là quyết lật đổ cả một triều Ngô để đem lại sự chiến thắng vinh quang cho đất Việt.

Hai bàn tay ngà ngọc xinh xắn của nàng, xưa kia là để quay tơ giặt lụa nhưng nay lại để bóp nát dần cả một nước Ngô có binh hùng tướng mạnh cho đến ngày tàn.

Mắt nàng cau một cái là một cái đầu của viên thượng tướng bị rơi. Môi nàng cười một nét là kho nhà Ngô vơi đi bạc vàng, châu báu...

Ngũ Viên, một vị Tướng quốc kiên trung, đa mưu, túc trí, đầy tài dũng lược của triều Ngô vì nàng mà chết dưới thanh kiếm Trúc Lâu của Ngô vương.

Nước Ngô ngày càng suy yếu. Nước Việt thừa thế tấn công. Ngô bại trận. Ngô vương Phù Sai tự tử.

Tây Thi làm tròn sứ mạng của một người nhi nữ đối với tổ quốc, nàng mong được trở lại quê nhà thăm cha ở Trữ La thôn, nhưng vương phi Câu Tiễn sợ rằng chồng sẽ say đắm sắc đẹp của nàng, nên mật sai người bắt Tây Thi neo đá quăng xuống dòng nước Tam Giang.

Thật là mụ đàn bà ghen đanh ác.

Cái chết của Tây Thi nói trên là theo chính sử.

Có truyện chép: Phạm Lãi yêu nàng Tây Thi nhưng thấy Việt vương Câu Tiễn muốn lấy Tây Thi, nên ghen mới bày mẹo cho mụ vợ Câu Tiễn giết thác nàng.

Có truyện lại chép: Phạm Lãi trước đã cùng Tây Thi yêu nhau, nên trong trận tấn công nước Ngô, đốt phá Cô Tô đài, Phạm Lãi đón rước Tây Thi xuống thuyền, rồi cả hai bỏ nước đi du Ngũ hồ cho trọn tình chung thủy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro