2.AI TỰ HỌC ĐƯỢC?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mỗi người đều nhận hai thứ giáo dục: một thứ tự người khác truyền cho; một thứ, quan trọng hơn nhiều, do mình tự kiếm lấy.

GIBBON

1. Già cũng học được

2. Ai cũng có thì giờ để tự học.

3. Chỉ mới biết đọc biết viết cũng tự học được.

1. GIÀ CŨNG TỰ HỌC ĐƯỢC

Bạn nói:

- Đúng vậy, ai cũng nên tự học, nhưng có phải ai cũng tự học được đâu? Vì người thì già quá, người thì bận việc quá, kẻ lại ít học quá, coi sách không hiểu.

Thưa bạn, tôi tin chắc rằng ai cũng có thể tự học được. Bao nhiêu tuổi là già? Thất thập cổ lai hy. Vậy 70 tuổi là lụ khụ rồi, phải không?

Nhưng Khổng Tử 70 tuổi còn nói: “Giả ngã sổ niên tốt dĩ học Dịch, khả dĩ vô đại quá hỹ”. Ngài ước ao được sống thêm vài năm để học đạo Dịch mà có thể không đến nỗi phạm những lầm lỗi lớn. V. Hugo cũng 70 tuổi mới bắt đầu học tiếng Hi Lạp. Chưa bằng Caton, 84 tuổi, mới ê a tiếng nói của Homère. Voltaire khi về già bỏ ra trọn một năm để học Vật lý, Hoá. Clémenceau lúc gần chết còn học thêm y khoa để viết cuốn “Au soir de la pansée”.

Hết thảy các học giả trên thế giới đều học cho tới lúc sức cùng lực kiệt. Vậy, tại sao bạn lại bảo già thì không học được?

Tôi tưởng càng già càng dễ học vì về già thường có lợi tức hoặc được con cháu cấp dưỡng, khỏi phải lo kiếm ăn, suốt ngày rảnh rang, không học thì làm gì cho hết ngày? Tôi vẫn biết có những cụ óc hoá mê muội, ký tính suy giảm, những nhiều cụ tinh thần minh mẫn thì tại sao lại không học?

Trong sự tự học, tuổi tác không phải là một chướng ngại; hễ mắt còn trông được, tai còn nghe được, óc còn suy nghĩ được thì đừng nói 70, dẫu 80 tuổi, 90 tuổi cũng vẫn nên học, vì lúc nào cũng có những điều cần phải học và lúc nào sự hiểu biết của ta cũng có ích cho chính thân ta và người khác.

2. AI CŨNG CÓ THÌ GIỜ ĐỂ TỰ HỌC

- Nhưng tôi bận công việc lắm, suốt ngày không được nghỉ, thì giờ đâu mà học?

Có thể như vậy lắm. Chúng tôi không biết rõ công việc của bạn ra sao, nên không dám bảo là bạn nói quá. Nhưng chúng tôi đã được biết nhiều ông bạn cũng phàn nàn là bận suốt ngày. Mà bận thật. Này nhé, mỗi ngày làm việc 8 tiếng, có khi hơn nữa, rồi ngủ 8 giờ – 8 giờ là số chót, theo lời bác sĩ – rồi phải đọc báo 1 giờ – 4 trang đặc lận mà! – rồi thù tạc với bạn bè, không lẽ để người ta chê mình là “nan du”, rồi thỉnh thoảng phải dắt vợ con đi coi hát bóng hoặc nghe cải lương, lại phải mỗi tuần chơi vài hội mạt chược hay tổ tôm chứ? Tục ngữ chẳng nói:

Làm trai biết đánh tổ tôm

Uống trà mạn hảo ngâm nôm Thuý Kiều đấy ư? Rồi phải giỡn với Bé Ba, Bé Tư: các cháu dễ thương quá. Ấy là chưa kể những lúc vợ con đau, hoặc người ở nghỉ việc… Thực không còn thì giờ nào rảnh nữa.

Một anh bạn tôi phàn nàn:

- Tôi mới có 3 đứa cháu mà thấy bận bịu quá. Muốn đọc một trang sách cũng không được. (Xin nhớ anh ấy có 3 đứa cháu, nhưng đồng thời cũng mướn 2 hoặc 3 người ở mà chị ấy không làm ăn buôn bán gì cả). Anh nghĩ coi, mới cuốn sách thì thằng Bé Tư đã leo ngay lên đùi:

“Ba, giảng hình này cho con, ba”. Rồi con bé Hai, con bé Ba chí choé với nhau, mếu máo lại bắt mình xử kiện. Thế là đành gấp sách lại, đợi chúng đi ngủ rổi mới rảnh được. Chín giờ chúng đi ngủ thì mình cũng buồn ngủ, đọc độ nửa trang sách là muốn díu mắt lại.

- Thế sáng, anh dậy mấy giờ?

- Khoảng 5 giờ đã tỉnh. Nhưng tôi không quen học buổi sớm. Nằm đó nghĩ việc này việc nọ, 6 giờ dậy rửa mặt.

Một anh bạn khác của tôi, có bằng cấp đại học, cũng ân hận không có thì giờ đọc sách. Mà lần nào tôi lại thăm anh thì cũng thấy anh đứng hoặc ngồi ở gần cửa để ngắm kẻ qua đường. Tất nhiên là anh ngắm đàn bà nhiều hơn hết. Họ là phái đẹp mà! Người nào đứng ngắm đường mà không vậy? Có lần anh bảo tôi:

- Này, anh coi cái búi tóc của cô kia. Nó đong đưa như trái xoài trên cây trong cơn dông. Tôi sợ nó rớt quá.

Một anh thứ ba thú:

- Bạn bè trong sở mời mọc mình ăn uống hội họp. Sống trong tháp ngà không được, họ chê mình là kiêu căng, là khinh họ. Phải chiều đời. Vì vậy mà không có thì giờ học thêm.

Tôi đáp:

- Tôi cũng nhận vậy, bạn bè có lâu lâu đi lại với nhau mới vui. Nhưng tại sao lại sợ người khác chê ta? Anh biết anh X không? Anh ấy có thói quen cứ chiều chủ nhật mới đi thăm những chỗ thân thuộc, mưa cũng vậy, nắng cũng vậy. Mấy năm trước, có kẻ bĩu môi, chê: “Lập dị! Lố bịch! Đi chơi mà cũng đúng ngày, đúng giờ nữa”. Lời chê đó tới tai anh X. Anh đáp: “Hồi đi học, chúng ta ăn có giờ, ngủ có giờ, đi chơi có giờ. Tại sao ra khỏi trường thì bỏ lệ đó đi?” Bây giờ thì không ai chê anh nữa, mà còn trọng thì giờ làm việc của anh vì người ta thấy anh làm được nhiều việc có ích.

Sự tu thân luyện trí của ta quan trọng hay lời khen chê của người khác quan trọng? Tôi không khuyên bạn: Khách lạ tới trong khi ta làm việc thì cứ lễ phép chào rồi đứng trơ trơ như khúc gỗ, khách hỏi gì cũng “dạ” cho tới khi khách hiều và tự ý rút lui, như một nhà bác học nào ở Âu đã thực hành. Như vậy cũng hơi quá, nhưng cứ thẳng thắn nói rằng mình không có thì giờ tiếp lâu thì chỉ vài lần là mọi người sẽ hiểu ta mà không trách gì ta cả. Hễ ta trọng thì giờ của ta thì người khác tự nhiên cũng trọng thì giờ của ta.

E. Faguet trong cuốn L’Art de lire nói: “Thì giờ mà người ta dùng để bàn phiếm đủ cho người ta đọc mỗi ngày được một cuốn sách. Vậy mà có người cả năm không đọc một cuốn”.

Đúng như vậy. Hôm nào bạn thử ghi hết thảy những lúc “tán gẫu” trong một ngày nghỉ rồi cộng lại xem được mấy trăm phút.

Chơi với trẻ là một thú vui trong sạch, đứng ngắm đường cũng là một cách tiêu khiển có thể hữu ích như ngắm để nhận xét các hạng người rồi viết tiểu thuyết – chiều lòng bạn cũng là một đức tốt, song nếu bạn nghĩ rằng đời ta ngắn mà có nhiều công việc quan trọng hơn những cái đó thì luôn luôn bạn có thì giờ học thêm.

Chỉ cần tổ chức lại đời sống. Bà Gilbreth, một người Mỹ, goá chồng, phải nuôi 11 đứa con, vì nghèo, chỉ mướn mỗi một anh bếp, nên thường phải rửa chén lấy, kể chuyện cổ tích hoặc đọc sách cho con nghe, mà vẫn có thì giờ để học thêm, nghiên cứu về cử động (1), dạy khoa tổ chức cho các kỹ sư, làm cố vấn cho nhiều xí nghiệp lớn và diễn thuyết khắp nơi mỗi tuần một hai lần. Bà có phép thần thông của Tề Thiên đại thánh hay Na Tra thái tử chăng? Bà có 5 đầu 6 tay chăng? Bà chỉ biết tổ chức đời sống thôi.

Trời rất công bằng. Dù ta sang hay hèn cũng chỉ cho ta mỗi ngày 24 giờ, không hơn không kém. Kẻ nào khéo dùng số giờ đó thì thành công, vụng thì thất bại.

Bạn nào biết tiếng Anh, nên đọc cuốn How to live on 24 hours a day của Arnold Bennett. Cuốn ấy viết từ đầu thế kỷ, đến nay vẫn thường tái bản. Nó quý như vàng, vì nó chỉ ta cách sống đầy đủ 24 giờ một ngày, không bỏ phí một phút. Chúng tôi đã dịch để giúp những bạn không biết ngoại ngữ.(2)

-----------------------

(1) Một ngành của khoa Tổ chức công việc, mục đích là nghiên cứu trong mỗi công việc, những cử động nào thì bỏ đi, những cử động nào tốn sức thì sửa đổi, để công việc mau và nhẹ nhàng. Coi cuốn: “Tổ chức công việc theo Khoa học” và cuốn “Tổ chức gia đình” của soạn giả.

(2) Coi cuốn: “Sống 24 giờ một ngày” N.H.L dịch và xuất bản.

-----------------------

3. CHỈ MỚI BIẾT ĐỌC BIẾT VIẾT CŨNG TỰ HỌC ĐƯỢC

Lẽ thứ 3 bạn đưa ra (người ít học không tự học được) tôi tưởng cũng không vững.

Đọc tiểu sử các danh nhân, ta thấy biết bao vị không có bằng cấp tiểu học. Chẳng hạn Abraham Lincoln, người được dân chúng Mỹ kính mộ nhất sau G. Washington, hồi nhỏ rất nghèo, chỉ được bà kế mẫu dạy cho biết đọc, biết viết và làm 4 phép toán. Còn các môn khác ông phải tự học, mà sau thành một luật sư, một nghị sĩ rồi làm Tổng thống Mỹ.

Nhiều bài diễn văn của ông được khắc lên cẩm thạch vả coi là những áng văn hay nhất của dân tộc Mỹ.

J. J. Rousseau 12 tuổi đã phải đi lang thang tìm kế sinh nhai, có hồi ngủ đầu đường xó chợ, cũng nhờ tự học mà sau thành một văn hào của Pháp, một triết gia tư tưởng ảnh hưởng đến khắp thế giới.

Làm sao kể được hết những người nhờ tự học mà thành vĩ nhân. Thời nào cũng có, nước nào cũng có, trong giới nào cũng có. Họ sở dĩ thành vĩ nhân nhờ họ tự học vì nếu không tự học thì làm sao hơn người được? Bạn có bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ mà không học thêm thì suốt đời cũng chỉ là một tiến sĩ, một thạc sĩ. Paul Doumer 14 tuổi đã phải thôi học, tự học lấy rồi sau thành Tổng thống nước Pháp. Louis Bertrand xuất thân làm thợ mà lên ngôi Tổng trường. Rồi Franklin, Disraeli, Staline, Mussolini… Đó là trong nhóm chính trị gia.

Về khoa học có Képler, Arago, Darwin, Franklin, Edison…

Về triết học nên kể Descates, Spencer, A. Comte, Leibniz, Pascal…

Về văn học thì vô số: J. J. Rousseau, Lamartine, hai cha con A.

Dumas, Victor Hugo, E. Zola, Shakespeare, De Foe, Dickens, B.

Shaw, H.G. Wells, Kipling, Mark Twain, Jack London…

Trong số các nhà doanh nghiệp, những người thành công nhất ở Mỹ hầu hết hồi nhỏ phải làm thợ hay bán báo, như vua xe hơi Ford, vua dầu lửa Rockefeller, vua thép Carnegie, ông tổ khoa Tổ chức công việc F. W. Taylor…

Ở nước ta cũng không thiếu người nhờ tự học mà có danh vọng. Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim được học trường cụ Đốc, cụ Nghè nào đâu mà nghiên cứu về cổ văn hoá của phương Đông, hơn cả những cụ Cử, cụ Thám, để lại sự nghiệp cho đời sau, trong khi hàng vạn nhà Nho làm môn đệ Khổng Giáo hàng chục năm mà chẳng dùng sở học vào được một việc gì cả, ngoài công việc kiếm miếng cơm, manh áo.

Ngô Tất Tố không xuất thân ở một Trung học, Đại học Pháp nào mà viết văn thì rành mạch hơn nhiều nhà văn có tân học. Hàng chục ông cử nhân văn chương ở Pháp về, không viết được một trang như trong cuốn Việc làng của nhà nho họ Ngô.

Bạch Thái Bưởi, Trương Văn Bền có bằng cấp kỹ sư nào đâu mà làm chủ những xí nghiệp lớn, giành một phần lợi kinh tế về cho người mình.

Tất nhiên hễ có bằng cấp cao thì dễ tự học, nhưng chỉ biết đọc biết viết quốc ngữ thôi cũng có thể tự học được, tự học trong các sách Việt.

Tôi vẫn biết, sách về khoa học, ta còn thiếu nhiều. Ta mới chỉ có ít cuốn giáo khoa cho học sinh ban Trung học. Nhưng tôi tin chẳng bao lâu nữa ta cũng sẽ có sách cho ban Đại học. Khi người ta có chủ quyền rồi thì công việc đó là công việc nhỏ mọn. Và, dù thiếu sách Việt đi nữa thì ai cấm ta học một ngoại ngữ để đọc sách của người?

Đã có nhiều cuốn dạy Pháp ngữ, Anh ngữ bằng tiếng Việt.

Tôi nghe nói cụ Huỳnh Thúc Kháng, hồi bị đày ở Côn đảo, học tiếng Pháp trong một cuốn tự vị Pháp Việt. Cụ học thuộc nhiều dụng ngữ Pháp, nhờ người chỉ cho ít ngữ pháp và chỉ 6-7 tháng, cụ đọc được báo Pháp, sau lại viết được một bức thư bằng tiếng Pháp cho viên Khâm sứ ở Huế. Có kẻ chê cụ viết sai ngữ pháp. Thật là nhỏ mọn. Cụ học có cần để thi cử nhân, tiến sĩ đâu. Cụ là một nhà chính trị, chỉ cần viết cho người ngoại quốc hiểu mình thôi.

Vậy dù cho bạn có thiếu sách thì vẫn có thể học ngoại ngữ theo lối của cụ. Huống hồ lúc này, các nhà xuất bản đua nhau phụng sự bạn, cho ra nào Pháp văn thực hành, nào là Anh văn tự học… Bạn khỏi phải kiếm, cứ lại một tiệm sách rồi tha hồ mà lựa. Khi ta hăng hái học thì luôn luôn có người giúp ta. Khổng Tử nói: “Đức bất cô, tất hữu lân”. Người có đức không bao giờ lẻ loi, tất có bạn đồng thanh đồng khí. Mà hiếu học là một đức lớn đấy, bạn ạ. Tìm một số bạn cùng chí hướng, rồi họp thành một nhóm cùng học với nhau, trao đổi sách vở, kinh nghiệm, tư tưởng, kết quả với nhau thì sự tự học sẽ rất mau tấn tới mà đời cũng hoá tươi đẹp hơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro