Đình Quang đã làm những gì để sáng tác truyện?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhận được vài tin nhắn của các em học sinh cấp hai đang tập tành viết lách xin giúp đỡ, Quang rất vui vì phong trào yêu văn hoá đọc - viết được đẩy mạnh dần trong nước. Nhưng nhận thấy các em đang đi theo con đường cũ khá chông gai của mình ngày xưa, Quang biết chúng dễ khiến các em từ bỏ con đường viết lách và cộng đồng sẽ bị thoái trào, vậy nên ngày hôm nay, chúng ta có một bài viết hướng dẫn cách viết truyện CƠ BẢN NHẤT cho người mới.Trước khi bước vào, Quang mong quý độc giả có cái nhìn cởi mở với những kiến thức sắp được nêu ra phía dưới. Đó là những kinh nghiệm cá nhân được bản thân đúc rút sau những bài học, tự rèn luyện và tham khảo nhiều người đi trước nữa, cũng qua thời gian rồi nên Quang không thể nhớ chính xác được, vậy nên nếu có sai sót xin hãy góp ý dựa trên sự tôn trọng và khách quan để thúc đẩy cộng đồng nhé. Bài viết sẽ trình bày dạng blog vui vẻ, hơi thiếu nghiêm túc nên các bạn đừng quá khắt khe nha, mãi iu tym tym!

Ảnh gốc:Dizzines, de Imán Maleki...

< link: https://blogs.elpais.com/.a/6a00d8341bfb1653ef01761752c9b8970c-pi >

-----

Cần chuẩn bị gì trước khi viết một tác phẩm truyện?

Đây là một câu hỏi phổ biến của các bạn trẻ lần đầu tham gia cộng đồng viết lách. Có rất nhiều lời khuyên dạng như kiến thức, kỹ năng, tư duy,... Tất cả đều đúng, nhưng điều mà Quang nghĩ tới đầu tiên là tâm lý và tinh thần.

Trước khi viết, ta hãy xác định xem: bản thân viết để làm gì, mục tiêu ra sao, động lực từ đâu, cần đánh đổi gì và hướng đến điều gì? Ta viết văn học vị văn chương (văn học lãng mạn) hay văn học vị con người (văn học hiện thực), đây là câu hỏi Quang nhận được từ chị Cáo Đen Cụt Đuôi, và Quang tin đó là câu hỏi mang tính quyết định văn phong, tư tưởng của các bạn. Với Quang, Quang viết để thoả lòng mình; mục tiêu là xuất bản và có những cuốn sách nổi bật; động lực từ chính bản thân Quang vì những lần khủng hoảng hiện sinh Quang phải viết hết suy nghĩ ra để thoải mái; Quang cần đánh đổi thời gian, sức khoẻ, tiền bạc; Quang hướng đến tự do và tình yêu thương - Quang tin "Tự do - Bình đẳng - Bác ái" và "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc", có tới hai điểm chung trong khẩu hiệu hai nước Pháp và Việt Nam, cũng là điều Quang hướng đến; và Quang theo chủ nghĩa văn học hiện thực nhưng trình bày dưới lối viết lãng mạn, như Hector Malot hay Yang Phan.

Khi chúng ta suy ngẫm được, chúng ta sẽ có tinh thần tốt, chúng ta sẽ viết và học tập bằng ngọn lửa nhiệt huyết, và Quang tin lời Bác dạy, rằng "không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền."

À, tất nhiên các bạn vẫn phải đáp ứng nhu cầu cơ bản về:

Ngữ pháp và từ vựng tiếng Việt:

Có thể học bằng sách giáo khoa Ngữ văn và sách giáo khoa Tiếng Việt chương trình cũ hoặc mới. Đừng ngại, bạn ra thư viện mượn và đọc nó cũng chẳng khiến người ngoài nhìn bạn như kẻ khờ đâu, hơi mất thời gian nhưng sẽ rất bổ ích đấy!)

Ảnh: Có vô vàn từ điển tiếng Việt hữu ích, đầy đủ và gần gũi nhất là từ điển Hoàng Phê!

Lý luận văn học cơ bản:

Ngày Quang ôn thi vào lớp 10 chuyên Văn, Quang được học những lý luận cơ bản về văn học, từ cốt truyện, người kể chuyện đến phong cách tác giả,... Tuy nó khô khan và hàn lâm, nhưng khi nắm chắc hoặc nhớ một chút về nó, bạn sẽ hiểu cách triển khai ý tưởng sao cho hợp lý nhất từ những nền móng cơ bản. Hiện chương trình mới 2018 đã có phần này trong Tri thức ngữ văn của cấp THPT rồi nhé!

Kiến thức và kỹ năng soạn thảo văn bản:

Tất nhiên rồi, lỗi soạn thảo và lỗi dấu câu luôn rất đau đầu với các beta-er, biên tập viên. Các bạn chắc ăn cái này thì đỡ được một khoản tiền kha khá và cũng tránh mất những độc giả tiềm năng đấy.

Tư duy logic và phân tích vấn đề:

Người Việt Nam chúng ta rất giỏi thống kê và tổng hợp nhưng thiếu khả năng phân tích, vậy nên để nghĩ ra một tình tiết hợp lý sẽ rất khó khăn. Đa phần các bạn tác giả trẻ bị ảnh hưởng bởi tác phẩm yêu thích mà đi theo những trope lối mòn (truyện học đường máu... ừ, đó là một ví dụ). Nếu chúng ta có tư duy logic, khả năng critical thinking (tạm dịch: tư duy phản biện), phân tích vấn đề thì mình tin từ bước lập kế hoạch đến bước hoàn thành chỉ là vấn đề tinh thần và học tập thôi.

Ngoài ra, mỗi người có một ưu - nhược điểm riêng, vậy nên đừng ngại hỏi! Có thể ở cộng đồng có một số người tiêu cực không thích bạn xin nhận xét truyện khi chỉ mới viết một chương mở đầu, nhưng vẫn có nhiều người sẵn sàng đọc và nhận xét có tâm để bạn tiến bộ, hãy cố gắng và không ngừng tìm tòi về chính mình và kiến thức xung quanh nhé!

Từ đây, bài viết sẽ hướng mọi người đến việc sáng tác truyện dài hơn là các hình thức khác, do bản thân Quang không giỏi viết những mẩu truyện cô đọng... Đây cũng là một chia sẻ nho nhỏ, rằng đa số bạn viết sẽ khuyên mọi người bắt đầu bằng oneshot và truyện ngắn, nhưng tuyệt nhiên không phải! Ta sẽ tập luyện bằng việc triển khai một sự kiện, một đoạn văn chứ không phải một truyện ngắn hay oneshot, bởi mỗi người một khiếu riêng, không phải ai cũng đủ khả năng viết truyện ngắn đâu, chị Mặc Phong Lữ đã khuyên tớ như thế khi tớ đang phân vân không biết viết gì đầu tiên đấy.

Về cơ sở vật chất, tiện ích, đồ dùng thì như sau:

Một file Excel hoặc Google trang tính để hệ thống ý tưởng:

Ai cũng dễ lọt hố này nhảy hố kia vì nhiều ý tưởng quá, vậy nên việc lập hệ thống các tình tiết theo đề tài, thể loại và sắp xếp chúng vào các dự án chung sẽ giúp bạn tạo ra những ý tưởng sơ khai về tác phẩm. Mình đã áp dụng và thành công tạo nên những tình tiết thú vị tạo cảm hứng cho bản thân, ép nó vào chung một dự án với đề tài cảm hứng lịch sử phương Tây, và giờ ta có "Dinh thự nhà Mácxây" nè!

Ảnh: Kho ý tưởng của Đình Quang được trình bày theo phong cách cá nhân nhưng trông có vẻ nhiều và rối mắt quá... Dự án "Trốn chạy" đã bắt đầu manh nha từ 15/8/2023 rồi nhưng chưa xong vì không có thêm ý tưởng...

Một phần mềm để lưu các tài liệu bạn đã viết ra:

Mình đề xuất Google tài liệu (hay gọi là Docs) vì độ phổ biến của nó, Microsoft Note vì tính năng (nhưng ít phổ biến nên khó share cho người khác nếu không có tài khoản Microsoft) và Word (quá cơ bản). Trong trường hợp bạn quá bận rộn và chỉ mang theo một chiếc điện thoại, hãy dùng phần mềm Ghi chú có sẵn để lưu lại ý tưởng bất ngờ xuất hiện của mình. Và nếu không có thiết bị điện tử, một cuốn sổ tay hay cuốn nháp sẽ giúp bạn chống cự được với sự lãng quên trong vài ngày.

Một chiếc máy tính dạng Laptop, Ideapad, PC hoặc Macbook:

Soạn thảo bằng bàn phím chuyên dụng với màn hình lớn luôn tiện lợi hơn nhiều so với một chiếc điện thoại dễ typo với màn hình bé, lại còn lỗi cảm ứng nữa chứ!

Luôn có nước bên cạnh: Nhớ uống đủ nước cho não bạn nhé =)))))

Bắt tay vào viết thôi!

Mình còn nhớ chị Meeanleen từng nói với mình vài tháng trước rằng: em đừng nghĩ nữa, phải đặt bút thì em mới hết sợ viết, không thì sẽ không có tác phẩm nào ra đời. Vậy nên các bạn ơi, khi đã chắc chắn bản thân muốn viết rồi thì hãy bắt tay làm ngay thôi nào!

Bước 1: Lập đề cương truyện

Ảnh: Đề cương của "Dinh thự nhà Mácxây", ban đầu thiết lập nhân vật khá sơ khai và đơn giản, khác xa với thiết lập hiện tại nhiều!

Bài viết cho mình kinh nghiệm tốt nhất về viết đề cương đến từ chị Mặc Phong Lữ (), các ý sau chủ yếu là mình bổ sung ý kiến cá nhân thôi. Về cơ bản, một đề cương của Quang sẽ có các ý chính như sau:

Tham khảo và cảm hứng:

Luôn đề cao điều truyền cảm hứng cho mình và các nguồn tham khảo quan trọng lên đầu, đó là thứ nền móng giúp ta xây tiếp toàn bộ truyện!

Genre và Themes - Thể loại, tiểu loại và đề tài, chủ đề:

Biết rõ mình viết thể loại truyện gì, tiểu loại cụ thể ra sao và tác phẩm nói về cái gì, qua đó thể hiện điều gì sẽ luôn giúp bạn viết nên một tác phẩm không lan man dài dòng, chỉ tập trung vào cốt lõi. Cái này phải phân biệt với "thể loại" được học trên lớp như truyện ngắn, tản văn, bút ký,... Ta sẽ gọi những thứ ấy là "hình thức văn xuôi" cho riêng biệt.

Dung lượng và đối tượng độc giả:

Thường thì Quang mặc định bản thân sẽ viết tiểu thuyết (truyện dài) và hướng đến độc giả 16-25 hoặc 18-25 nên Quang bỏ qua cho gọn. Nhưng sẽ có bạn viết truyện ngắn, có bạn viết tản văn, có bạn viết thơ, có bạn viết oneshot, có bạn chơi trội viết kịch,... Và đối tượng hướng đến khác nhau, vậy nên hãy chú ý phần này, chúng sẽ ảnh hưởng và quyết định cách xây dựng cốt truyện, triển khai ngôn từ và nhiều thứ khác nữa!

Hệ thống nhân vật cơ bản:

Đó là các nhân vật quan trọng nhất trong truyện hoặc xây dựng nên ý tưởng sơ khai về truyện, bao gồm chính diện, phản diện. Hệ thống này cho ta biết nên tập trung xây dựng vào những nhân vật nào là nhiều nhất. Ví dụ trong "Dinh thự nhà Mácxây", ý tưởng sơ khai là tình tay ba với cô gái bị gả cho kẻ khác người yêu cô, và sau đó là cuộc tranh đấu, vậy nên ta có ba nhân vật đầu tiên định hình truyện và quan trọng nhất là C, I và R (các bạn biết là ai mà hehe). Phần này có thể gộp chung với hệ thống nhân vật đầy đủ nhưng phải có dấu hiệu đặc biệt.

Sơ lược nội dung truyện/Nội dung chính (trong bài của chị Lữ là "văn án", song Quang không đánh giá cao khái niệm này, thậm chí chối bỏ, nên Quang đổi sang khái niệm mới như trên):

Chính là ý tưởng cốt truyện ban đầu của bạn, viết nó ra sao cho ngắn gọn mà súc tích, vậy là bạn sẽ không quên mình đang viết cái gì=))))

Câu giới thiệu:

Có hay không cũng được vì... bạn đã viết đâu mà biết nó hay ở cái gì để lôi cuốn độc giả? Vậy nên hãy tạm thời để đó đã, hoặc bạn có thể có ý tưởng thì viết ngay cũng không sao.

Bối cảnh: Hệt như trong hướng dẫn của Mặc Phong Lữ.

Hướng phát triển (trong bài hướng dẫn gốc là "tóm tắt cốt truyện"):

Câu chuyện này có giá trị gì và thú vị ở điểm nào? Thực tế phần này nên để ở trên hệ thống nhân vật cơ bản, nhưng Quang lười, mà Quang cũng đã viết xong đâu mà biết nó thú vị ở đâu? Nên Quang không ghi luôn!

Hệ thống nhân vật đầy đủ:

Thật ra cũng chưa đầy đủ lắm, đây là list nhân vật có ảnh hưởng lớn đến bộ truyện theo từng chap, arc, thậm chí là cả bộ. List này bao gồm các thiết lập nhân vật đầy đủ tuỳ theo mức độ quan trọng.

Sự kiện tuyến tính/Mạch truyện tuyến tính:

Lần này ta cần phân tích các nước cờ lớn cho cốt truyện, chính là plot đấy! Về vấn đề xây dựng plot, chúng ta đã có bài viết này (cũng của chị Mặc Phong Lữ):

Bước 2: Lập đề cương chương

Đây là cách làm củ riêng Quang sau khi đọc và tự suy luận các chương truyện của Hector Malot, Alexandre Dumas, Jane Austen,... Quang nhận thấy một chương với khoảng 3000 từ như các cụ thường triển khai ba ý chính, sau mỗi chap là một vấn đề được mở ra hoặc được giải quyết. Các bạn hãy tưởng tượng tiểu thuyết là một vấn đề lớn, mỗi chương là một vấn đề nhỏ. Từng chương một, ta dẫn dắt độc giả đến vấn đề lớn, sau đó giải quyết từng mắt xích của nó, để rồi kết truyện, mọi vấn đề phải được xử lý ổn thoả. Open ending chỉ xảy ra khi vấn đề lớn của bộ truyện chưa được giải quyết, còn vấn đề nhỏ chưa được giải quyết thì nó tạo sự hụt hẫng khó chịu vì làm thiếu chỉn chu chứ không phải OE đâu nha!

Vậy thì, với một chương, ta lập đề cương như sau:

Mục đích: chương giải quyết vấn đề gì trong tổng thể bộ truyện?

Cái này nhiều khi bạn cần ba đến bốn chương để giải quyết một vấn đề của tổng thể, vậy nên có thể lập thêm đề cương cho hồi, cho arc để tránh lú nhé.

Không gian chính, sự kiện chính diễn ra trong chương

Các nhân vật tham gia vào chương

Các chi tiết cụ thể để tạo nên sự kiện, không gian

Phân tích suy nghĩ, hành động, cử chỉ của nhân vật:

Cái này cần chú ý. Chúng ta có hai cách chính là: ép nhân vật theo ý mình bằng mọi giá để đi đúng hướng truyện và ép truyện theo thiết lập nhân vật. Tức là khi đối mặt với một sự kiện, ta sẽ nghĩ rằng nhân vật phải làm gì để đi đúng nước đi mong muốn, hoặc ta nghĩ nếu là nhân vật như thế thì sẽ làm gì? Cả hai cách đều yêu cầu tư duy cao và tác giả phải nắm chắc thiết lập nhân vật, làm sao để nhân vật có những nét riêng không ai nhầm lẫn được!

Bước 3: Viết

Ảnh: Một số file docs Quang đã tạo, thường thì các anh chị sẽ dùng 1 file đề cương và mỗi chap 1 file, nhưng Quang và chị Doo Vandenis thì viết 2 files thôi. Bản sao bản mạng dùng để đối chiếu khi Quang có ý định sửa chap.

Sau khi lập xong đề cương chương, việc của bạn là mở phần mềm soạn thảo ra và viết những dòng đầu tiên. Do đã có dàn ý ở đề cương chương, mọi thứ diễn ra suôn sẻ, chỉ còn vấn đề văn phong và lối diễn đạt. Cái này dựa trên kỹ năng cá nhân nên mình không bàn thêm nhé!

Để tránh bản thân viết ra những từ không chính xác, các bạn hãy mở thêm một tab từ điển dùng song song với tab soạn truyện, Quang thường dùng . Ngoài ra, cũng để tránh lú lẫn vì tính Quang hay quên, Quang cũng mở thêm một tab đề cương dùng song song luôn, nào quên thì qua ngó cái rồi viết tiếp kkk. Khi rảnh rỗi, Quang mở một tab Discord hoặc Youtube để nghe nhạc và trò chuyện với bạn bè. Tổng là bốn tab cố định, ngoài ra còn có thể mở thêm các tab khác để tra cứu tài liệu, tham khảo và kiểm tra lại xem mình viết đúng sự thật chưa (mọi thứ nên tôn trọng hiện thực các bạn ạ).

Bước 4: Biên tập

Có một chia sẻ từ kênh Tik Tok Viết sách cùng Nguyên rằng không nên viết theo lối cuốn chiếu, tức viết xong một chap thì biên tập lại cho ưng rồi mới viết chap tiếp theo. Lối viết ấy sẽ làm giảm tốc độ viết và gây xao lãng mục tiêu chính là vấn đề lớn của bộ truyện. Quang đã dính lỗi này và mất nửa tháng để viết chương 1 cho "Dinh thự nhà Mácxây"...

Nhưng không vì thế mà Quang khuyến khích các bạn viết xong vứt đấy. Sau khi viết xong, hãy quay lại biên tập một hai lượt để tra lỗi chính tả, lỗi diễn đạt, vì đó là cách bạn thể hiện sự chỉn chu với đứa con tinh thần của mình. Vấn đề logic nếu không nằm ở chương hay arc quan trọng thì tạm thời gác lại đã, chúng ta sẽ sửa sau khi hoàn thành tác phẩm.

Khi hoàn thành tác phẩm rồi, hãy kiếm cho bản thân một biên tập viên ưng ý, một beta-er uy tín, hoặc chính bạn lóc cóc đi sửa lại đứa con của mình. Cố lên nhé, lúc này con đường thành công đã gần gũi lắm rồi đấy!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tutorials