MỤC TIÊU CỦA VIỆC LÀM PHIM

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

MARTIN SCORSESE

Nói chung, vấn đề lớn nhất trong các đề án phim ảnh là Ý ĐỒ, tức là điều mà người làm phim MUỐN TRUYỀN ĐẠT. Nhiều yếu tố có thể bộc lộ ý đồ này, hiển nhiên là cách đặt camera. Nhưng các sinh viên thường không trả lời được CÂU HỎI CƠ BẢN ĐỐI VỚI MỘT ĐẠO DIỄN: ĐẶT MÁY QUAY Ở ĐÂU ĐỂ CẢNH PHIM CHO THẤY ĐIỀU ĐÓ PHẢI NÓI LÊN? KHÔNG CHỈ Ở CẢNH NÀY MÀ CÁC CẢNH TIẾP THEO SAU ĐÓ...? LÀM SAO MỘT CẢNH PHIM, KHI KẾT HỢP VỚI CÁC CẢNH KHÁC, THỂ HIỆN ĐƯỢC Ý ĐỒ CỦA BẠN?...

Và khi ấy mới lộ ra rằng: vấn đề chính của nhiều sinh viên và đạo diễn trẻ là họ...KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ NÓI! Từ đó phim của họ hoặc tối nghĩa, rất ước lệ hoặc ngã theo khuynh hướng thị trường. Cho nên, tôi nghĩ rằng câu hỏi đầu tiên bạn phải đặt ra là khi có ý đồ muốn làm phim là "TÔI CÓ ĐIỀU GÌ ĐỂ NÓI HAY KHÔNG"...


Nữ đạo diễn người Pháp Claire Simon từng nói: "Hiện thực là sự hỗn độn mà con người không ngừng tự vấn, và những bộ phim chính là những câu hỏi". Nói đơn giản thì theo Claire Simon, điện ảnh phải xuất phát từ những mâu thuẫn, cảm xúc hỗn độn trong hiện thực mà đôi khi con người không thể gọi tên chúng một cách rõ ràng. Cuộc sống đặt ra những câu hỏi, còn chúng ta lại tìm cách trả lời. Nhưng với cương vị là một người làm nghệ thuật thì "câu hỏi" hay "câu trả lời", cái nào mới thực sự quan trọng?

Trong nghệ thuật sáng tác thơ Đường có một quy tắc gọi là "ý tại ngôn ngoại", tức là khi làm thơ, cấm kị những lời bộc trực, quá mức thô lỗ mà phải nói ít hiểu nhiều, để người thưởng thức thơ tự suy ngẫm, chiêm nghiệm. Tôi nghĩ trong điện ảnh cũng như vậy, chúng ta đưa ra những câu hỏi, những ý đồ muốn truyền đạt vào trong bộ phim, chỉ nên "gợi" chứ không nên áp đặt một chân lý cứng nhắc, thô bạo. Bởi vì theo triết gia người Hy Lạp "không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông", mọi sự vật trên thế giới luôn luôn thay đổi, vận động không ngừng như một dòng chảy, nên nếu chỉ đơn giản là đưa ra một nhận định, một câu trả lời thì bộ phim hoặc sẽ không có được tính thời sự lâu dài, lỗi thời, hoặc không chính xác, sai lệch so với não trạng trong xã hội đương thời.

Khi chưa từng tiếp xúc với việc học để làm phim, tôi thường nghĩ một bộ phim hay là một bộ phim phải có những cảnh quay thật đẹp, thật công phu, và một kịch bản có những cú plot twist ấn tượng nhưng với những gì Martin Scorsese đã nói làm tôi băn khoăn liệu những suy nghĩ đó có hoàn toàn đúng? Khán giả sẽ tiếp cận bộ phim thông qua thị giác, sau đó truyền lên não bộ - nơi những dây thần kinh sẽ tiếp nhận, xử lí, rồi truyền tiếp vào trái tim - nơi cảm nhận những khuôn bậc cảm xúc mà bộ phim mang lại. Một khuôn hình đẹp sẽ mang đến khoái cảm về mặt thị giác, nhưng một bộ phim chỉ toàn những khung hình đẹp mà chẳng nói lên điều gì thì đó sẽ chỉ như những bức ảnh được đặt cạnh nhau. Tác động đến cảm xúc mới khiến điện ảnh ở lại lâu dài, trở thành nỗi trăn trở, dằn vặt, khiến người ta suy ngẫm và tìm kiếm câu trả lời. Một tác phẩm hoàn hảo sẽ là một tác phẩm mà mọi chi tiết và khuôn hình đều đắt giá, nó khiến người xem bị lôi cuốn vào từng giây khi bộ phim bắt đầu. Vậy nên, dùng cảnh phim để thể hiện ý đồ của người đạo diễn là rất khó, và bản thân tôi cũng chẳng thể nào chắc chắn hoàn toàn trong những tác phẩm trước đây các cảnh phim của mình đã làm đúng chất lượng hay chỉ làm theo thời lượng của câu chuyện phim mà bản thân nghĩ rằng là phù hợp nhất.

Khi tôi bắt đầu làm bộ phim đầu tiên của mình, điều tôi luôn trăn trở ngay từ khâu viết kịch bản là: THẬT RA ĐIỀU MÌNH MUỐN NÓI CHÍNH XÁC LÀ GÌ. Mãi cho đến khi kết thúc bộ phim, câu trả lời mà tôi tìm thấy nó chỉ là một cái gì đó lờ mờ về câu chuyện cuộc đời của một con người. Chính những suy nghĩ về những yếu tố khiến bộ phim hấp dẫn làm tôi quên đi điều mình thực sự muốn truyền tải đến cho khán giả. Tác phẩm điện ảnh là những gì thuộc về thế giới quan của người nghệ sĩ suy ngẫm về cuộc đời. Vậy nên không thể mang đến một bộ phim hời hợt hay ước lệ, tối nghĩa mà phải là một bộ phim dành cho những người trong não trạng của xã hội đó hay ít nhất quan tâm và hiểu được xã hội đó rung cảm được những gì diễn ra trên màn hình.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tuphantu