tư tưởng triết học trung quốc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

2.3. Đạo gia (hay học thuyết về Đạo)

Người sáng lập ra Đạo gia là Lão Tử (khoảng thế kỷ VI tr. CN). Học thuyết của ông được Dương Chu và Trang Chu thời Chiến quốc hoàn thiện và phát triển theo hai hướng ít nhiều khác nhau. Những tư tưởng triết học của Đạo gia được khảo cứu chủ yếu qua Đạo đức kinh và Nam hoa kinh. Tư tưởng cốt lõi của Đạo gia là học thuyết về "Đạo" với những tư tưởng biện chứng, cùng với học thuyết "Vô vi" về lĩnh vực chính trị - xã hội.

Về bản thể luận, tư tưởng về Đạo là nội dung cốt lõi trong bản thể luận của Đạo gia. Phạm trù Đạo bao gồm những nội dung cơ bản sau:

- "Đạo" là bản nguyên của vạn vật. Tất cả từ Đạo mà sinh ra và trở về với cội nguồn của Đạo.

- "Đạo" là cái vô hình, hiện hữu là cái "có"; song Đạo và hiện hữu không thể tách rời nhau. Trái lại, Đạo là cái bản chất, hiện hữu là cái biểu hiện của Đạo. Bởi vậy, có thể nói: Đạo là nguyên lý thống nhất của mọi tồn tại.

- "Đạo" là nguyên lý vận hành của mọi hiện hữu. Nguyên lý ấy là "đạo pháp tự nhiên".

Chính trong quan niệm về "Đạo" đã thể hiện một trình độ tư duy khái quát cao về những vấn đề bản nguyên thế giới, nhìn nhận thế giới trong tính chỉnh thể thống nhất của nó.

Quan niệm về tính biện chứng của thế giới không tách rời những quan niệm về "Đạo", trong đó bao hàm những tư tưởng chủ yếu sau:

Mọi hiện hữu đều biến dịch theo nguyên tắc "bình quân" và "phản phục" (cân bằng và quay trở lại cái ban đầu).

- Các mặt đối lập trong thể thống nhất, quy định lẫn nhau, là điều kiện tồn tại của nhau, trong cái này đã có cái kia.

Do nhấn mạnh nguyên tắc "bình quân" và "phản phục" trong biến dịch nên Đạo gia không nhấn mạnh tư tưởng đấu tranh với tư cách là phương thức giải quyết mâu thuẫn nhằm thực hiện sự phát triển; trái lại, đã đề cao tư tưởng điều hòa mâu thuẫn, coi đó là trạng thái lý tưởng. Bởi vậy triết học Đạo gia không bao hàm tư tưởng về sự phát triển.

Học thuyết chính trị - xã hội với cốt lõi là luận điểm "Vô vi". Vô vi không phải là cái thụ động, bất động hay không hành động mà có nghĩa là hành động theo bản tính tự nhiên của "Đạo".

2.4. Mặc gia

Phái Mặc gia do Mặc Tử, tức Mặc Địch (khoảng từ 479 -381 tr.CN) sáng lập thời Xuân Thu. Sang thời Chiến Quốc dã phát triển thành phái Hậu Mặc. Đây là một trong ba học thuyết lớn nhất đương thời (Nho - Đạo - Mặc).

Tư tưởng triết học trung tâm của Mặc gia thể hiện ở quan niệm về "Phi thiên mệnh". Theo quan niệm này thì sự giàu, nghèo, thọ, yểu...không phải là do định mệnh của Trời mà là do người. Nếu người ta nỗ lực làm việc, tiết kiệm tiền của thì ắt giàu có, tránh được nghèo đói. Đây là quan niệm khác với quan niệm Thiên mệnh có tính chất thần bí của Nho giáo dòng Khổng - Mạnh.

Học thuyết "Tam biểu" của Mặc gia mang tính cách là một học thuyết về nhận thức, có xu hướng duy vật và cảm giác luận, đề cao vai trò của kinh nghiệm, coi đó là bằng chứng xác thực của nhận thức.

Thuyết "Kiêm ái" là một chủ thuyết chính trị - xã hội mang đậm tư tưởng tiểu nông. Mặc Địch phản đối quan điểm của Khổng Tử về sự phân biệt thứ bậc, thân sơ...trong học thuyết "Nhân". Ông chủ trương mọi người yêu thương nhau, không phân biệt thân sơ, đẳng cấp...

Phái Hậu Mặc đã phát triển tư tưởng của Mặc gia sơ kỳ chủ yếu trên phương diện nhận thức luận.

2.5. Pháp gia

Là một trường phái triết học lớn của Trung Hoa cổ đại, chủ trương dùng những luật lệ, hình pháp của nhà nước là tiêu chuẩn để điều chỉnh hành vi đạo đức của con người và củng cố chế độ chuyên chế thời Chiến quốc.

Là tiếng nói đại diện cho tầng lớp quý tộc mới, đấu tranh kiên quyết chống lại tàn dư của chế độ công xã gia trưởng truyền thống và tư tưởng bảo thủ, mê tín tôn giáo đương thời.

Đại diện của phái Pháp gia là Hàn Phi Tử (280 - 233 tr. CN). Tư tưởng Pháp trị của Hàn Phi Tử dựa trên những luận cứ triết học cơ bản sau:

Về tự nhiên:Ông giải thích sự phát sinh, phát triển của vạn vật theo tính quy luật khách quan mà ông gọi là Đạo. Đạo là quy luật phổ biến của giới tự nhiên vĩnh viễn tồn tại và không thay đổi. Còn mỗi sự vật đều có "Lý" của nó. "Lý" là sự biểu hiện khác nhau của Đạo trong mỗi sự vật cụ thể và là cái luôn luôn biến hóa và phát triển. Từ đó, ông yêu cầu mọi hành động của con người không chỉ dựa trên quy luật khách quan, mà còn phải thay đổi theo sự biến hóa của "Lý", chống thái độ cố chấp và bảo thủ.

Về lịch sử: Ông thừa nhận sự biến đổi của đời sống xã hội, khẳng định rằng không thể có chế độ xã hội nào là không thay đổi. Do đó không thể có khuôn mẫu chung cho mọi xã hội. Ông đã phân chia sự tiến triển của xã hội làm 3 giai đoạn chính, mỗi giai đoạn đó xã hội có những đặc điểm và tập quán riêng ứng với trình độ nhất định của sản xuất và văn minh. Đó là:

+ Thời Thượng cổ: Con người biết lấy cây làm nhà và phát minh ra lửa để nấu chín thức ăn.

+ Thời Trung cổ: Con người đã biết trị thủy, khắc phục thiên tai.

+ Thời Cận cổ: Bắt đầu xuất hiện giai cấp và xảy ra các cuộc chinh phạt lẫn nhau.

Động lực căn bản của sự thay đổi xã hội được ông quy về sự thay đổi của dân số và của cải xã hội.

Về thuyết "Tính người":Ông theo quan niệm của Tuân Tử coi tính người là ác, đưa ra học thuyết luân lý cá nhân vị lợi, luôn có xu hướng lợi mình hại người, tránh hại cầu lợi...Kẻ thống trị phải nương theo tâm lý vị lợi của con người để đặt ra pháp luật, trọng thưởng, nghiêm phạt để duy trì trật tự xã hội

Tư tưởng về pháp trị.Trên cơ sở những luận điểm triết học cơ bản ấy, Hàn Phi Tử đã đề ra học thuyết Pháp trị, nhấn mạnh sự cần thiết phải cai trị xã hội bằng luật pháp. Ông cũng phản đối thuyết nhân trị, đức trị của Nho giáo, phép "vô vi trị" của Đạo gia. Phép trị quốc của Hàn Phi Tử bao gồm 3 yếu tố tổng hợp là pháp, thế và thuật, trong đó pháp là nội dung của chính sách cai trị, thế và thuật là phương tiện để thực hiện chính sách đó.

+ "Pháp" là một phạm trù của triết học Trung Hoa cổ đại. Theo nghĩa hẹp, là quy định, luật lệ có tính chất khuôn mẫu mà mọi người trong xã hội phải tuân thủ; theo nghĩa rộng, pháp được coi là một thể chế, chế độ chính trị và xã hội. Vì vậy, pháp được coi là tiêu chuẩn, căn cứ khách quan để định rõ danh phận, giúp cho mọi người thấy rõ được bổn phận, trách nhiệm của mình.

+ "Thế" là địa vị, thế lực, quyền uy của người cầm đầu chính thể.

+ "Thuật" cũng là chính danh, là phương sách trong thuật lãnh đạo của nhà vua nhằm lấy danh mà tránh thực.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#76376