Chương 2: Nghĩa mẫu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thiên Ứng Chính Bình năm thứ mười một (1) – Yên Sinh vương phủ

Biến loạn năm ấy cũng đã trôi qua được năm năm. Cũng chẳng còn ai nhớ rõ lúc đó xảy ra chuyện gì, chỉ biết rằng Hoài vương đã dấy binh tạo phản; không lâu sau thì phải đóng giả làm người đánh cá bên bờ sông Cái đợi thuyền rồng ngự qua mà xin tha tội. Năm năm qua đi có biết bao chuyện xảy ra, có chuyện vui cũng có chuyện buồn, nhưng tuyệt nhiên lòng người đã chẳng còn như xưa...Hiếu Nguyên Hoàng đế bây giờ đã có thái tử, Yên Sinh vương giờ đây cũng đã yên ổn cai quản vùng đất được ban, mỗi người đều có cuộc sống của riêng mình. Vậy mà, trong ngoài phủ Yên Sinh, người ta cứ đồn đoán rằng vương gia và người thiếp Trần thị tình vơi nghĩa cạn, chỉ ở bên nhau như một trách nhiệm nặng nề không thể buông bỏ, dăm ba bữa lại một trận cãi vã nhưng chỉ nghe thấy tiếng vương gia, chưa bao giờ nghe người thiếp ấy đáp lại y lời nào...

***

Trời đã vào tiết Vũ thủy, những cơn mưa xuân cũng bắt đầu phảng phất nơi nhân gian, hơi ẩm tỏa ra từ đất càng mang lại cảm giác dễ chịu. Không khí ấy đã thổi vào vạn vật một sức sống mới sau khoảng thời gian dài vùi mình để lẩn trốn cái rét mùa đông. Ngoài vườn, hoa lá cỏ cây cũng bắt đầu nảy mầm, khóm cúc rủ nơi góc vườn đã nở rộ vàng ửng càng khiến lòng người xao động trước khung cảnh như vậy. Ngay lúc này đây, phủ Yên Sinh cũng sắp đón chào một sinh mệnh mới...

- Phu nhân, người cố gắng lên ạ! Phu nhân người cố gắng lên! – tiếng bà mụ vang to trong căn phòng cuối hành lang, nơi Như Nguyệt, người vợ đầu tiên của vương gia ở.

- Aaaaaaaa...ta chịu hết nổi rồi! Aaaaaaa, ta đau quá, cứu...cứu ta với...Aaaaaa, đau quá... - Như Nguyệt dùng hết sức hét to như để động viên bản thân.

Tiếng hét của nàng lẫn với tiếng động viên của bà mụ càng làm cho vương phủ náo loạn hơn. Kẻ hầu người hạ ráo riết chạy đông chạy tây chuẩn bị đồ dùng, người thì tò mò mà cứ đi tới đi lui nghe ngóng. Duy chỉ không ai thấy bóng Trần Liễu đâu, chẳng biết là y bận đến quên mất ngày lâm bồn của vợ mình hay là ghét bỏ đến mức không muốn gặp mặt nàng và đứa trẻ này.

"Oe...oe...oe...", tiếng trẻ con cất lên. Khoảnh khắc ấy cả vương phủ đồng loạt thở phào nhẹ nhõm, sự xuất hiện của một đứa trẻ vào thời khắc như hiện tại, âu cũng là một điềm lành.

1 Chúc mừng phu nhân, là một tiểu thư ạ! Phu nhân, người có muốn bồng tiểu thư không ạ? – Bà mụ vui vẻ cất tiếng.

- Không cần đâu, ngươi đưa bà Hà bồng giúp ta đi! – nàng yếu ớt nói, không ngoảnh mặt nhìn đứa trẻ dù chỉ là đôi chút.

Đứa trẻ này, nó chỉ là kết quả của những sai lầm nàng và y đã gây ra. Hai con người cạn tình cạn nghĩa với nhau chỉ vì chút hơi men ngà ngà của rượu, sinh linh ấy đã xuất hiện trên thế gian này bởi sai lầm đó. Nàng không ghét bỏ đứa trẻ này, nhưng cũng không đủ tình yêu dành cho nó. Bóng hình nhỏ bé ấy lại gợi nhắc cho nàng về sai lầm ngày hôm ấy, về nỗi đau, nỗi tuyệt vọng nàng dành cho y vào cái ngày phủ Hoài vương này tan nát vào bốn năm trước, nó còn gợi nhắc trong nàng nỗi nhớ con, nàng nhớ hai đứa con trai bị đưa lên Thăng Long của mình...Đứa trẻ ấy, nàng không muốn nhưng cũng không đành nào vứt bỏ được.

- Phu nhân, người đã nghĩ ra được cái tên sẽ đặt cho tiểu thư chưa ạ? Nếu đợi vương gia về e là sẽ muộn mất. – bà Hà, người hầu thân cận của nàng đánh tiếng hỏi.

Nàng khẽ giật mình khi nghe hai tiếng "vương gia". Từ sau sự việc năm ấy, y cố gắng lui tới phòng nàng để tâm sự, săn sóc. Nhưng dù cho y có tận tình như nào, nàng vẫn không thể vui vẻ mà nghe hết câu được. Đó cũng là lý do những cuộc cãi vã giữa nàng và y xảy ra ngày càng nhiều hơn. Lâu dần Trần Liễu cũng mất kiên nhẫn, thời gian lui tới phòng nàng ít dần rồi sau cùng cũng không thấy bóng dáng y. Lần cuối cùng hai người gặp nhau là khi y tới hỏi thăm nàng về chuyện mang thai, nhưng chỉ là đôi lời căn dặn lấy lệ. Thời gian, trên thế gian này, nó có lẽ là thứ nhẫn tâm nhất. Thời gian có thể làm lành vết thương nhưng cũng chính nó làm vết thương bị khoét sâu hơn nếu không được chữa trị đúng cách; thời gian làm vạn vật nảy sinh nhưng cũng chính nó làm lụi tàn tất cả; và thời gian có thể vun vén tình cảm nhưng cũng chính nó làm lòng người nguội lạnh...

- Ừ, đợi vương gia về thì muộn mất! – Như Nguyệt hướng tầm mắt ra cửa sổ, những tia nắng nhẹ ngày xuân như đang nhảy múa bên bệ cửa – Tạnh mưa rồi, bầu trời trong xanh quá! Bây giờ đang là tiết Vũ thủy đúng không?

- Dạ phải thưa phu nhân! – bà Hà nhẹ giọng trả lời.

- Vậy đặt tên là Lam Thiều đi, sắc xanh tốt đẹp. Trời hôm nay vào tiết Vũ Thủy nhưng lại rất trong xanh, mong rằng cuộc đời nó sau này cũng sẽ tốt đẹp, bình an như bầu trời sau cơn mưa vậy, không gió mây cản đường, không mưa rơi lạnh lẽo! Đó là thứ duy nhất ta có thể dành cho đứa trẻ này!

- Phu nhân... – bà Hà mở lời, như mong nàng sẽ suy nghĩ lại.

***

Lam Thiều, cô năm nhà Yên Sinh vương đã ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt như vậy! Không có phụ thân kề bên, cũng chẳng nhận được sự quan tâm của mẫu thân. Và những ngày tháng sau này nàng lớn lên, đều là một vòng luẩn quanh của ngày hôm ấy. Trong vương phủ rộng lớn này, chẳng ai đoái hoài đến sự có mặt của nàng, dường như với họ, đứa trẻ ấy sống hay chết, cũng chẳng phải là một việc đáng để để tâm. Người trên kẻ dưới trong phủ đều không coi Thiều ra gì, những đứa trẻ khác bắt nạt nàng, các dì thì chì chiết nàng, người hầu thì không ai hầu hạ nàng tận tình. Mẫu thân vẫn chăm coi nàng, đốc thúc nàng học tập nhưng tuyệt nhiên miếng ăn, giấc ngủ của nàng chưa bao giờ được cảm nhận sự chăm sóc ân cần của bà. Còn phụ thân, số lần nàng gặp người chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người không bao giờ đến phòng mẫu thân mà mẫu thân cũng rất ít khi tìm đến người. Nàng ngay từ ngày nhỏ đã lờ mờ nhận ra mối quan hệ của họ, chỉ là nàng không biết được căn nguyên.

Từ nhỏ đến lớn, trong vương phủ này, bà Hà là người duy nhất yêu thương, chăm sóc và để tâm đến nàng. Bà là vú nuôi nhưng cũng là người bà, người mẹ của Thiều. Nhưng một mình bà ấy cũng không đủ sức để bảo vệ nàng khỏi những người vợ và những đứa con của vị Yên Sinh vương kia. Nàng còn nhớ cái ngày bị đám trẻ ấy dội nước vào người, lạnh cóng, người nàng run lẩy bẩy nhưng lại không đủ sức chạy về gọi mẫu thân. May thay người hầu đi ngang qua đỡ nàng về phòng mới không xảy ra chuyện chẳng lành. Vì chuyện của Trần Liễu và Như Nguyệt nên mẹ con nàng không được chu cấp đầy đủ những nhu yếu phẩm như gối, nệm hay chăn. Những ngày cuối năm hay lúc gần Tết, trời trở lạnh, nàng chỉ có thể thu mình lại sao cho vừa đủ với chiếc chăn nhỏ, dù cho buổi sáng hôm sau người có đau nhức như thế nào...Những ngày tháng tuổi thơ ấy dần khiến nàng khép mình hơn với mọi người. Đau không dám la, đói không dám nói, cứ im im mà sống như những hòn đá vô tri vô giác bên vệ đường, bởi nàng biết, chỉ cần nàng im lặng thì sẽ không đem lại phiền phức cho những người xung quanh.

***

Sáu năm sau, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ mười bảy (2), trời đã sang thu, khí trời cũng dịu nhẹ đi hẳn, không còn oi bức, nóng bừng như ngày hè, cũng không còn bị làm phiền bởi tiếng ve kêu râm ran, ầm ỉ, không gian tĩnh lặng, bình yên đến mơ màng. Trong gian nhà chính, tiếng trò chuyện chợt phá tan bầu không khí trầm lặng của phủ...

- Anh hai, lâu rồi không gặp anh? Anh vẫn khỏe chứ?

- Công chúa không cần để tâm đến thần đâu ạ, thần vẫn khỏe như vâm đây! – giọng ồm ồm của một người đàn ông đứng tuổi vang lên.

- Anh đừng xưng hô nghiêm trọng như vậy, cứ gọi em như bình thường là được!

- Tôi nào dám, lỡ đâu lại khi quân phạm thượng tới người hoàng tộc thì lại tội chết có thể miễn nhưng tội sống khó tha! Liễu này chỉ còn cái mạng, không thể mất được! – giọng y có đôi phần mỉa mai, chua chát.

- Anh hai à, chuyện cũng đã trôi qua được mười năm có lẻ, chẳng lẽ anh định để bụng đến lúc mất đi? Cơ sự năm ấy chẳng ai muốn xảy ra cả nhưng tại sao chỉ có mình anh vẫn cứ cố chấp không buông như vậy!

- Thụy Bà công chúa dạy phải, Yên Sinh vương thần đây xin nghe theo lời người dạy bảo! – y chắp tay, cúi đầu cảm tạ người phụ nữ đối diện.

Thụy Bà công chúa, là em gái của y và là chị gái của Quan gia. Công chúa là đích trưởng nữ của thượng hoàng, là nàng công chúa được thượng hoàng, thái hậu hết mực yêu thương và cũng là người đang chăm sóc hai người con trai của y. Liễu biết, y nợ công chúa một lời cảm ơn nhưng cứ hễ nhìn thấy những con người đến từ chốn kinh kì kia, y lại không nén được nỗi oán giận...

- Anh hai, em đến đây ngày hôm nay không phải để tranh cãi với anh. Em đến chỉ để thông báo với anh rằng Tung và Tuấn hai đứa nó vẫn khỏe mạnh, được học tập, luyện võ nghệ đầy đủ, đều đặn. Thầy dạy anh gửi đến cho Tuấn đang ngày ngày giảng dạy cho nó, nó cũng rất nghiêm túc học tập. – đợi y gật đầu, Thụy Bà công chúa nói tiếp – Em xin phép ra gian sau ngắm nhìn thái ấp của anh được không? Cũng lâu lắm rồi em mới về lại đây.

Liễu gật đầu đồng ý, nàng nhanh chóng rời gót ra gian sau. Phủ Yên Sinh vương trồng rất nhiều loài cây, hoa, nuôi vô số các loài động vật, không hổ danh là nơi rộng nhất cái đất Yên Sinh này. Đang dạo quanh trong sân vườn, nàng bắt gặp một bóng dáng bé nhỏ đang ngồi dưới gốc cây hoa ban đọc sách. Có lẽ do tiết trời thu dễ chịu quá nên cô bé ngủ quên mất, người dựa vào thân cây, đầu ngả về một bên, mắt nhằm nghiền nhưng hai tay vẫn nắm hờ trang sách đang đọc dở. Hình ảnh ấy khiến nàng nhớ về một người. Ngày nàng còn nhỏ, vì sức khỏe không được tốt nên rất ít khi được phụ mẫu cho ra khỏi nhà. Duy có đúng một lần cả nhà phải vào cung nên nàng được đi theo. Khi đi chơi cùng mọi người, nàng nhìn thấy một cô gái đang đọc sách, nàng ấy cũng ngủ quên dưới gốc cây. Sau này hai người trở thành bạn thân của nhau, người đó không ai khác chính là Thuận Thiên công chúa, vị công chúa Lý triều và là Thuận Thiên hoàng hậu của triều đại này. Bừng tỉnh khỏi hồi ức, nàng không khỏi xúc động khi nhớ đến người bạn năm xưa ấy, càng không thể rời mắt khỏi đứa trẻ. Từ vóc dáng, phong thái đến cái cách nắm hờ trang sách đều rất giống Thuận Thiên. Nàng khẽ đi đến cạnh cô bé, nhưng tình cờ dẫm phải một chiếc lá khô.

***

Tiếng động khẽ khiến Thiều giật mình tỉnh giấc, nàng nhìn xung quanh thì bắt gặp bóng dáng một người phụ nữ đang tiến gần về phía mình. Người phụ nữ ấy dáng người thanh tao, nhã nhặn, bộ trang phục trông có vẻ như được may từ một loại lụa đắt tiền, nhìn thoáng qua có thể dễ dàng nhận ra đây là khách quý của phụ thân nàng. Nhưng khuôn mặt của người ấy lại phúc hậu, dịu dàng vô cùng, cảm giác khiến người khác muốn lại gần ôm chầm lấy, muốn được ở cạnh bên. Thụy Bà công chúa thấy nàng tỉnh dậy liền đứng lại, niềm nở cười: "Chào con, con là ai trong phủ này vậy?". Nhìn thấy nụ cười hiền dịu ấy, Thiều vội đứng dậy, hai bàn tay vì lo lắng mà cứ chà xát vào nhau, nàng rụt rè trả lời:

- Dạ con là Lam Thiều, là con gái thứ năm của nhà Yên Sinh vương ạ! – đây là câu trả lời mẫu thân dạy nàng từ nhỏ. Mỗi lần dạy, mẫu thân đều dặn dò nàng rằng khi trả lời phải thật dõng dạc, tự tin vào. Nhưng nàng không dám...

- A, ra con là cháu của ta à! Ta là cô mẫu của con, Thụy Bà công chúa. Ta có thể mạn phép hỏi mẫu thân của con là vị nào được không?

- Dạ con chào xin chào cô mẫu ạ! – nàng khoanh hai tay lại, cúi gập người lễ phép – Mẫu thân của con là Trần phu nhân ạ!

- Vậy con là em của Tung và Tuấn rồi! – công chúa bất ngờ reo lên – Con có biết hai đứa nó không?

- Dạ mẫu thân đã từng kể với con về hai anh rồi ạ! Nhưng con chưa được gặp hai anh bao giờ cả. – nàng cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo.

Thiều mang danh là cô năm nhà Yên Sinh vương nhưng thực chất nàng chẳng có gì cả. Một năm còn chưa được đến hai bộ đồ mới, cơm ăn cũng không đủ cho một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn như nàng. Vì vậy thân hình nàng vô cùng gầy gò, yếu ớt, đứng trước gió còn sợ bị thổi bay. Không những vậy, tính cách nàng cũng rất sợ người lạ, chỉ cần có ai tiếp cận, nàng đều sợ bị họ đánh đòn như các dì vẫn thường làm với nàng. Nàng sợ đau, sợ những lời mắng chửi của họ, nàng sợ mắc lỗi, càng sợ nói ra sẽ bị đánh mắng nhiều hơn. Có những đêm, tủi thân vô cùng nhưng nàng chỉ có thể ôm mền khóc rồi lặng lẽ gạt nước mắt đi...Huống chi bây giờ người đang đứng trước mặt nàng là cô mẫu, là khách quý đến từ kinh thành của phụ thân, nếu xảy ra sai sót gì, nàng sợ...

- Cô mẫu – nàng rụt rè gọi – người ở đây dạo chơi tiếp, con xin phép đi trước ạ! Con xin lỗi vì đã làm phiền người ngắm cảnh ạ! – nói xong nàng ba chân bốn cẳng chạy biến đi.

- Đứng lại!

Nghe cô mẫu gọi, nàng giật mình quay phắt người lại, không cẩn thận vấp chân mà té, chỉ kịp la lên một tiếng. Thấy vậy, Thụy Bà công chúa nhanh chân chạy đến cạnh nàng, ân cần hỏi:

- Con có sao không? Sao lại bất cẩn như vậy?

- Con xin lỗi cô mẫu ạ! – nàng rưng rưng, giọng cũng lạc đi ít nhiều.

- Sao mà con cứ xin lỗi hoài vậy hả? – An Hồng không nén được cơn giận. Từ nhỏ đến lớn, kiểu người nàng không thích nhất là kiểu người treo lời xin lỗi ở đầu môi, không cần biết sai hay không sai, người đó đều xin lỗi trước. – Con không làm phiền ta ngắm cảnh tại sao lại xin lỗi? Con bị ngã cũng không phải lỗi của con, vậy tại sao lại xin lỗi ta? Con muốn người cô này giảm thọ hay sao?

Nghe một tràng lời trách móc của cô mẫu khiến nàng càng sợ hãi hơn, nàng cho rằng mình đã chọc giận người mất rồi...Lần này nàng xong đời rồi. Nghĩ vậy, nàng chỉ còn biết khóc to:

- Con không...hức...con không có ý đó đâu...hức...cô mẫu ơi!

- Ta biết rồi, con nín đi, nín đi nha! – An Hồng hơi bất ngờ nhưng vẫn ôm nàng vào lòng, nhẹ nhàng vỗ về lưng nàng – Thiều nhà chúng ta là đứa trẻ ngoan mà đúng không?

Đây là lần đầu tiên có người an ủi nàng như vậy. Lời nói ấy nghe sao lạ lẫm quá! Từ trước đến nay, khi nàng khóc đều không có ai ở cạnh cả, nếu có cũng chỉ là lời mắng nhiếc lấn át cả tiếng khóc của nàng. Vậy mà giờ đây, một người lần đầu gặp mặt, lại cho nàng cảm giác ấm áp đến vậy, điều mà nàng cũng chưa từng được cảm nhận từ mẫu thân. "Đây có phải là tình yêu thương không nhỉ?", nàng tự hỏi. Cái ôm tưởng chừng như đã quá đỗi thân quen với bao đứa trẻ ngoài kia thì với nàng Thiều sáu tuổi lúc bấy giờ, đó là lần đầu được cảm nhận, là niềm khao khát, mong ước bấy lâu.

Cô mẫu khẽ cúi người xuống xem qua chân của Thiều, những ngón tay của cô mẫu nhẹ nhàng lướt qua làn da bỗng khiến nàng bất ngờ. "Sao lại để cô mẫu làm như vậy được?", nàng thầm nghĩ, sau đó nàng nhanh chóng đẩy nhẹ tay người ra:

- Con không sao đâu cô mẫu! Con xin phép đi trước ạ!

Nàng cố đẩy người đứng dậy nhưng cổ chân đau đến mức không thể nào nhấc lên được. Dù cho gắng hết sức để đứng lên nhưng chỉ vừa bước đi được vài bước liền ngã khụy xuống. Những chiếc gai nhỏ chi chít trên bụi trinh nữ cứa vào bắp chân nàng, phần mông cũng bị đập mạnh xuống đất, đây là chỗ mấy hôm trước nàng mới bị các dì phạt đánh, vết thương còn chưa kịp lành thì bây giờ bị ngã mạnh như vậy càng đau hơn. Nàng la lớn, cổ họng đã nghẹn ứ và nước mắt vì đau cứ chực chờ rơi xuống.

Nhận thấy có điều gì đó không bình thường, Thụy Bà công chúa vội đỡ nàng vào phòng nghỉ dọc hành lang, bảo người hầu gọi thầy lang đến. Trong lúc đó, người khẽ ngồi xuống mép giường cạnh nàng, đánh tiếng cho người hầu ra ngoài rồi đóng cửa lại. Người nhẹ kéo váy nàng để xem thử vết thương khi nãy nàng bị ngã. Vết cứa không sâu nhưng cũng đủ để chảy máu, hơn nữa có một vài gai nhỏ bị gãy ngang ghim vào vết thương, chỉ cần vô tình chạm vào cũng đau thấu trời mây. Bỗng nhiên công chúa không tin vào những gì mình đang thấy, những vết lằn xanh tím chằng chịt trên bắp chân đứa cháu gái bé nhỏ của người, càng kéo váy lên cao thì những vết thương có dấu tích đòn roi ấy càng hiện ra nhiều hơn. Đặc biệt là ở phần mông, vết bầm cũng to hơn, tím hơn, có chỗ còn rướm máu do cú ngã mạnh của nàng lúc nãy.

Thụy Bà công chúa tự hỏi đứa cháu này của mình rốt cuộc đã phải chịu đựng những gì trong suốt thời gian qua. Nàng rời cung ra ở phủ riêng cũng đã ngót nghét mười năm, cũng đã quên mất dáng vẻ tàn khốc của chốn cung cấm, nơi mà nàng nghĩ chỉ ở đó mới có chuyện người ta bắt nạt, hãm hại nhau mà quên mất rằng dù ở đâu thì những người yếu thế vẫn luôn là mục tiêu cho những kẻ muốn thỏa mãn cái tôi kém cỏi, ti tiện của mình. Nhưng An Hồng nàng không thể ngờ rằng đứa cháu này của mình lại là nạn nhân cho cái trò tiêu khiển hèn hạ đấy!

Lam Thiều, cách đây vài năm nàng đã từng nghe qua cái tên này từ miệng Quốc Tuấn. Đứa trẻ ấy đã nói với nàng rằng mình đã có em, chính bức thư từ mẫu thân đã ghi như vậy. Những tháng sau, tần suất xuất hiện của cái tên ấy trong bức thư ngày một nhiều hơn. Kỳ lạ một điều Tung và Tuấn, hai đứa trẻ ấy chưa từng gặp nàng nhưng cứ luôn miệng kể cho cô mẫu mình nghe về đứa em gái bé nhỏ ấy với giọng điệu vừa tò mò vừa yêu thương. Mưa dầm thấm lâu, cái tên Lam Thiều ấy đã ăn sâu vào trí nhớ của nàng, sự tò mò không ngừng về đứa trẻ ấy cứ ngày một lớn dần. Vậy mà giờ đây, đứa trẻ nàng mong ngóng gặp bấy lâu lại xuất hiện trước mặt mình với dáng vẻ gầy gò, ốm yếu, bộ quần áo đã sờn màu cùng những vết thương chằng chịt, rướm máu trên người...Lòng cô mẫu đây xót xa vô cùng!

***

- Thiều, tại sao trên người con lại có nhiều vết thương vậy? Con nói cô mẫu nghe ai đã làm ra những việc như vậy! - Thụy Bà công chúa tức giận quát to.

Tiếng quát ấy khiến nàng đang thiu thiu ngủ bỗng giật mình tỉnh giấc. Trông thấy khuôn mặt giận dữ của cô mẫu, nàng vẫn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy. Lời xin lỗi ở đầu môi cũng không thể thốt ra được khi nàng nhớ lại câu nói lúc nãy của người. Nàng cũng cảm nhận được bàn tay của cô mẫu đang đặt lên nơi nàng mới bị phạt hôm qua, một cảm giác đau rát. Nhận thấy cô mẫu đã biết chuyện nàng bị đánh, nàng không biết phải giải thích ra sao.

- Có phải các dì đánh con không? Hay là con bị mấy đứa trẻ khác bắt nạt? Thiều, con nói ta nghe xem nào! - Thụy Bà Công chúa không giữ được bình tĩnh, hỏi tiếp.

Thiều bây giờ rất sợ hãi. Nàng biết rằng câu trả lời hôm nay sẽ quyết định cuộc sống của nàng và mẫu thân sau này ở vương phủ. Nếu nói thật với cô mẫu là nàng bị các dì đánh thì sau này nàng khó sống yên bình với bọn họ; nếu nói dối là bị bọn trẻ trong nhà bắt nạt thì thể nào chúng cũng sẽ bị phụ thân và cô mẫu phạt, rồi chúng sẽ chạy về mách các dì; còn nếu nói do người hầu làm thì chắc không ai tin...Nàng cứ nghĩ mãi nghĩ mãi nhưng vẫn không tìm ra được câu trả lời sao cho hợp lý nhất.

Công chúa trông thấy đứa cháu gái của mình cứ suy tới tính lui, có vẻ là một lời khó nói liền hỏi thêm:

- Hay là con bị mẫu thân phạt? Nhưng mà phạt như vậy là quá nặng rồi! Thật không thể chịu nỗi mà!

- Dạ không phải đâu ạ! - nàng giật mình lên tiếng - Mẫu thân không bao giờ đánh con cả! Cô mẫu, mấy vết thương này cũng không có vấn đề gì cả, con chỉ cần bôi thuốc là hết rồi nên người không cần phải để ý thêm đâu ạ!

- Sao lại không có vấn đề gì! Một đứa trẻ 6 tuổi bị đánh đến như vậy mà là chuyện bình thường hả? Ta biết, thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi nhưng không phải roi vọt kiểu này. Ta hỏi con lại lần cuối là ai làm ra chuyện này, nếu con không nói ta sẽ nói với phụ thân của con!

Nàng hoảng hốt nắm lấy tay áo cô mẫu, mặt cúi gằm xuống, nhỏ giọng giải thích: "Cô mẫu đừng nói với phụ thân, nếu không phụ thân sẽ lại cãi nhau với mẫu thân mất! Con không muốn thấy hai người cãi nhau...". Thụy Bà Công chúa bất ngờ với câu trả lời của nàng, công chúa biết hoàng huynh và Như Nguyệt phu nhân từ sau vụ việc năm ấy đã rạn nứt ít nhiều. Tiếng lành đồn gần, tiếng xấu đồn xa, những chuyện cãi vã của đôi phu thê ấy không ít người biết.

- Phụ thân và mẫu thân của con hay cãi nhau lắm sao? Tại sao con bị đánh thì hai người họ lại cãi nhau? Con nói ta nghe được không, Thiều?

- Dạ...con không biết! Con chỉ biết bất cứ khi nào phụ thân tìm đến phòng mẫu thân thì hai người lại lớn tiếng với nhau nên lần này con cũng nghĩ như thế! - nàng nhỏ giọng.

- Thiều, ta nói con nghe nè! Phụ thân và mẫu thân của con lời qua tiếng lại với nhau chưa bao giờ là do con hết. Đó là chuyện của người lớn, sau này con sẽ hiểu mà thôi! - công chúa nhẹ xoa đầu đứa cháu gái của mình - Vậy giờ con nói ta nghe được chưa, là ai đã gây ra những vết thương này?

- Cô mẫu hứa đừng nói với ai thì con nói cô mẫu nghe được không ạ? - nàng khẽ đưa ngón út ra, ý mong cô mẫu sẽ móc ngoéo, đóng dấu hứa.

- Được, ta hứa với con, ta không nói ai hết! Đóng dấu!

- Thật ra hai hôm trước trong lúc chơi ngoài vườn, con vô tình đụng phải người hầu của dì tư. Người hầu đó vì con mà đã làm rơi bộ ấm trà của dì, con nghe nói bộ ấm trà đấy là dì được phụ thân tặng nên rất quý. Vậy nên dì đã phạt đánh cả con và người hầu đó... - nàng lại cúi gằm mặt xuống, hai bàn tay nhỏ không biết để đâu cứ xoa nắn không ngừng.

- Vậy sao con không nói với mẫu thân?

- Con sợ nói ra mẫu thân và con sẽ bị các dì đến trách mắng ạ! Hồi trước cũng có một lần như vậy, cuối cùng tháng đó mẫu thân và con không được chu cấp những nhu yếu phẩm cần thiết cho mùa đông. Con không muốn vì con mà mọi người phải chịu khổ như vậy nữa...

Thụy Bà Công chúa ngớ người. Một đứa trẻ sáu tuổi nhưng lại sẵn sàng chịu đau vì không muốn ảnh hưởng đến người khác. Một đứa trẻ hiểu chuyện đến đau lòng! Rốt cuộc phải trải qua những gì mà đứa trẻ ấy mới trở nên như vậy...

***

Sau khi chăm sóc Thiều xong, Thụy Bà công chúa ra gian nhà trước gặp Trần Liễu, nàng có đôi lời cần nói với y. Chén trà nàng uống đã vơi gần hết, trà trong bình cũng đã nguội, vậy mà vẫn không thấy bóng dáng hoàng huynh của mình đâu. An Hồng đã đợi vị Yên Sinh vương đó nửa khắc rồi...Đợi đến khi nàng nhấp hết chén trà thứ tư mới thấy y vội vàng chạy đến, trên trán nhễ nhại mồ hôi.

- Công chúa có gì cần căn dặn? Thần vừa có chút chuyện trong nhà nên không tiện ra gặp, mong công chúa lượng thứ! - y vừa nói vừa gạt vạt áo ngồi xuống.

- Chuyện trong nhà? - nàng đã quá chán ngán cách xưng hô của anh trai, đành không bận tâm mà hỏi tiếp - Có tiện nói cho em nghe không?

- Cũng không có gì! Chỉ là một người con của thần lên cơn sốt nên thần sang đấy xem tình hình như thế nào. - y vừa nói vừa tiện tay rót một chén trà, uống ực một hơi.

- Vâng - công chúa gật đầu tỏ ý đã hiểu - Anh, em muốn bàn bạc với anh một chuyện, không biết có được không?

Thấy y gật đầu, An Hồng mới tiếp tục nói:

- Em muốn nhận nuôi Lam Thiều! Anh biết đấy, em nuôi Tung với Tuấn ngót nghét cũng đã mười năm, bây giờ chúng nó cũng đã lớn, cũng có những con đường cho riêng mình. Phủ Lãm Thúy bây giờ cũng vơi bớt tiếng nói cười của trẻ con, em cũng muốn có một cô con gái bên cạnh bầu bạn cho đỡ buồn. Cái Thiều nó vừa ngoan ngoãn, vừa dễ thương, với lại em nghĩ lên kinh thành cũng có điều kiện cho nó học tập, kết giao bạn bè hơn chứ nó cứ trốn chui trốn nhủi trong vương phủ này thì biết khi nào mới...

- Lam Thiều? - y nghi hoặc nhìn người đối diện, tự hỏi mình có đứa con nào tên như vậy hay không thì chợt nhớ ra người đã rất lâu rồi y chưa gặp mặt, Trần Như Nguyệt - Ý công chúa là đứa con gái của Trần Phu nhân, thân mẫu của Tung và Tuấn?

- Đúng vậy! Đừng nói với em là anh còn không biết mình có một đứa con gái tên Lam Thiều? Em biết là phủ Yên Sinh rộng lớn nhưng không lẽ anh chưa gặp con bé lần nào sao? - nàng ngạc nhiên hỏi.

- Không phải, bởi vì cái tên đó không phải do thần đặt mà là do mẫu thân của đứa bé ấy đặt cho nó nên khi nghe đến thần thấy hơi lạ! Với lại từ nhỏ con bé đã ngại tiếp xúc với người khác nên thần khó mà gặp mặt được. - y lấp liếm.

An Hồng biết y đang nói dối. Nếu như theo lời Thiều, y có vài lần ghé qua phòng hai mẹ con họ vậy thì tại sao mà khó gặp mặt được? Họa chăng là do bản thân y không muốn mà thôi...Nhưng nàng biết bây giờ không phải lúc để nói đến những chuyện này, quan trọng nhất bây giờ là phải thuyết phục được cha mẹ của Thiều đồng ý cho nàng nhận nuôi con bé. Thụy Bà Công chúa biết nếu còn ở đây, Thiều sẽ chôn vùi tương lai của mình trong những lời mắng nhiếc, những trận đòn roi. Lớn lên trong hoàn cảnh như vậy quả là phí hoài cuộc đời của một cô bé mới sáu tuổi, huống chi con bé còn là cháu gái của nàng.

- Vậy anh thấy sao? Nếu được thì hôm nay quay về kinh thành em sẽ dẫn con bé về cùng em luôn. Mấy năm trời mà ba anh em nó còn chưa được gặp nhau lần nào!

- Chuyện này, thần không thể tự mình quyết định được mà phải hỏi thêm ý kiến của mẫu thân con bé. Để thần sai người gọi vị ấy đến! - y ngoắc tay gọi người hầu cạnh bên đến.

- Không cần đâu, vừa nãy em đã nói qua với Trần phu nhân rồi! Phu nhân không khỏe trong người nên chắc không tiện đến đây gặp anh và em đâu! Phu nhân nói tùy em muốn làm sao thì làm nhưng vừa nói nước mắt người ấy lại càng lăn dài. Nỗi đau mất con, có lẽ người ấy hiểu rõ nhất, phải không anh hai? - công chúa ngước mắt nhìn người đối diện.

- Vậy thì nghe theo ý của công chúa vậy! - y đánh trống lảng - Người có thể ra nhà sau để gặp con bé rồi dặn dò những thứ cần thiết mà mang theo. Nhưng thần thực sự không hiểu tại sao công chúa lại muốn chọn đứa bé đó làm nghĩa nữ của mình?

"Anh hai, vương phủ này rộng lớn nhỉ? Chắc anh không trông coi hết được? Đâu thể ngày nào cũng đi từng phòng, gõ từng cửa mà thăm nom tất cả những vị phu nhân và con cái của họ trong vương phủ này được, phải không?". Nghe thấy câu trả lời không liên quan của An Hồng, y không hiểu nhưng cũng đành gật đầu đồng ý, bởi sự thật là như vậy. Vì công việc nên y không thể quán xuyến từng chuyện trong nhà, chỉ đành nhờ Ngọc Lan, người vợ thứ ba của y trông coi. Lúc đầu, y định cho Như Nguyệt làm nhưng mâu thuẫn giữa hai người ngày càng lớn, tiếng nói chung dần ít đi. Vậy thì làm sao có thể nói chuyện, chia sẻ với nhau chuyện trong nhà được? Nếu như chuyện năm đó không xảy ra thì bây giờ người làm những việc ấy đã là Châu Oanh chứ không phải những người thiếp thất này. Từ sau ngày ấy, y cũng không có ý định lập chính thê, cứ vậy mà nạp thêm thiếp vào phủ.

Thấy y không nói thêm lời nào, Thụy Bà Công chúa đành nói tiếp:

- Vậy chắc anh cũng không biết Thiều nó bị các dì đánh đòn, bị mấy đứa con khác của anh bắt nạt đâu, đúng không? Cụ thể là mới đây thôi, Thiều nó đã bị dì tư đánh.

- Thực sự có chuyện như vậy sao? Sao thần không nghe ai nói hết? - y ngạc nhiên.

- Đương nhiên, làm gì có ai làm chuyện xấu xong lại đi rêu rao lạy ông con ở bụi này đâu! - nàng khẽ cười - Em biết chuyện dì phạt con chồng không phải là chuyện hiếm gặp nhưng đòn roi không phải là cách duy nhất để dạy dỗ. Ngoài kia có hàng trăm, hàng ngàn cách khác để dạy dỗ một đứa trẻ nên người, vì vậy đừng bao giờ lấy cái lý do thương cho roi cho vọt để bao biện cho việc bản thân đã nhẫn tâm đánh đập một đứa trẻ nào đó!

- Xin công chúa lượng thứ cho hành động xốc nổi của người phụ nữ ấy! - y đứng dậy cúi người - Nếu người muốn, thần có thể gọi nàng ta lên đây để người răn dạy.

- Không cần đâu ạ! - nàng phất tay ra hiệu - Dù gì Thiều nó cũng sắp rời khỏi đây, em không muốn làm lớn mọi chuyện! Vậy em xin phép ra gian sau dặn dò con bé đôi điều!

***

Vài giờ trước, khi An Hồng bước chân vào phòng đã trông thấy khung cảnh một người thiếu phụ đang ngồi trên ghế, cẩn thận thêu gì đó lên chiếc khăn tay. Người đó dáng hình mảnh khảnh, phong thái đoan trang, chỉnh tề nhưng lại trông hơi mệt mỏi; lâu lâu lại nghe tiếng ho khan nặng nhọc không ngừng phát ra. Vị ấy chính là Trần phu nhân, thân sinh của ba anh em Tung, Tuấn và Thiều. Trông thấy công chúa, người thiếu phụ ấy khẽ đặt khung thêu lên bàn, đứng dậy hành lễ chào hỏi:

- Thần, Trần phu nhân bái kiến Thụy Bà Công chúa!

- Chị dâu, chị đứng lên đi! Sau này chị không cần hành lễ trang trọng như vậy đâu, cứ chào hỏi em như bình thường là được! - An Hồng bước tới nâng cánh tay người đối diện rồi khẽ bước đến ngồi cạnh.

Như Nguyệt có vẻ bất ngờ trước sự xuất hiện của công chúa ở trong phòng mình, sắc mặt bỗng trở nên lo lắng nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh sai người hầu pha trà mang đến. Tiết trời mùa thu se se lạnh thêm chén trà hoa cúc ngọt dịu làm tâm trạng An Hồng dễ chịu hơn hẳn, nàng quay sang nắm lấy tay Trần thị:

- Chị, bao năm qua chị đã chịu nhiều vất vả rồi! Tung với Tuấn bây giờ tụi nó cũng đã trưởng thành, mặc dù chưa thành danh thành tài nhưng em tin vào ngày đó không xa.

- Thần cũng không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn công lao dưỡng dục của công chúa! Hai đứa nó có một nghĩa mẫu như người quả là diễm phúc của chúng! - Như Nguyệt khẽ rút tay mình lại.

- Chị đừng khách sáo như vậy! Em tính đầu năm sau xin Quan gia cho Tung và Tuấn về nhà để phụng dưỡng anh chị. Dù gì xa cách nhau cũng mấy năm trời, chắc chị nhớ hai đứa nó lắm!

Nghe đến chuyện sắp được gặp con, Như Nguyệt không nén được niềm vui mà xúc động bật khóc. Nỗi nhớ thương con cứ chực chờ mà bùng nổ trong lòng ngực người thiếu phụ, ai cũng biết rằng nàng đã phải trải qua bao đau khổ để đợi được đến ngày hôm nay, ngày mà nàng có thể ôm trọn hai đứa con trai của mình vào lòng.

- Chị, em có chuyện này muốn nói với chị! Năm sau là hai đứa nó về lại đây, phủ của em lại trống huơ trống hoác nên em muốn xin chị cho em nhận nuôi bé Thiều! Con bé vừa dễ thương vừa ngoan ngoãn nên em muốn ở cạnh con bé một thời gian, như vậy có được không chị?

Thụy Bà Công chúa vừa dứt câu, nàng như có sét đánh ngang tai. Câu cảm ơn đang ở đầu môi cũng đành khó nhọc nuốt xuống. Như Nguyệt không biết nên đối diện với chuyện này ra sao? Đúng là sự có mặt của Lam Thiều là điều ngoài ý muốn của nàng nhưng mà làm gì có người mẹ nào lại sẵn sàng rời xa con mình, huống chi Thiều cũng chỉ mới lên sáu. Có lẽ những chuyện xảy ra trong quá khứ vẫn còn bám lấy người mẹ ấy những năm tháng qua, cho dù bụi thời gian có phủ dày đến nhường nào cũng không thể làm hoen gỉ đi. Nàng chỉ biết cúi đầu nín lặng, nước mắt lặng lẽ lăn xuống đôi gò má. Trông thấy người đối diện không nói lời nào, An Hồng cũng hiểu được phần nào tâm trạng của người thiếu phụ ấy, nàng khẽ lên tiếng:

- Chị, em biết chuyện này hơi đường đột và có lẽ chị sẽ không chấp nhận được! Em cũng hiểu tấm lòng của một người mẹ nhưng mà em quyết định nhận nuôi Thiều cũng là vì muốn tốt cho tương lai của nó. Chị cũng biết ở đây Thiều nó đã phải chịu những gì mà đúng không?

- Sao công chúa lại biết? - Như Nguyệt ngạc nhiên hỏi.

- Em vừa gặp con bé ngoài vườn, cũng đã phát hiện ra mấy vết thương trên người con bé do dì tư của nó đánh mấy hôm trước. Chuyện này chắc chị chưa biết đâu tại con bé nhất quyết không chịu nói với mẫu thân, em phải gặng hỏi mãi Thiều nó mới nói cho em nghe là ai đánh...Haizz - công chúa khẽ thở dài.

- Người nói Thiều nó mới bị dì tư đánh ạ? Thần cứ nghĩ là lâu lắm rồi mấy người đó không đến đây nên không có chuyện gì xảy ra với con bé nữa. Năm ngoái còn có chuyện con bé bị tụi nhỏ trong nhà tạt nước vào người, nhưng - nàng bắt đầu rưng rưng, hai tay ôm mặt - thần bất tài, không thể bảo vệ con mình được...

Lớn lên trong chiếc lồng son cao vạn trượng, Thuỵ Bà Công chúa chẳng còn xa lạ với những cảnh như vậy. Nàng cũng biết từ ngày nhỏ, đứa cháu gái bé nhỏ của nàng đã không nhận được sự quan tâm đủ đầy của phụ mẫu, nhưng nàng cũng hiểu cái gọi là tình mẫu tử, cái gọi là đứa con mình đứt ruột đẻ ra, làm sao có thể không yêu thương được? Có lẽ vấn đề hiện tại là những ám ảnh trong Như Nguyệt về chuyện con mình bị đưa lên Thăng Long...

- Công chúa, thú thật với người là từ khi Thiều được sinh ra, thần vẫn chưa làm tròn chức trách của một người mẹ. Một phần là do chuyện của thần với vương gia, một phần là do lòng thần vẫn hướng về hai đứa nhỏ ở kinh thành. Nhưng thần chưa bao giờ để con bé chịu thiệt một điều gì cả, thần vẫn cố gắng bảo vệ con bé trong khả năng của mình! - ánh mắt vị thiếu phụ hướng ra cửa, thẫn thờ suy nghĩ - Còn nhớ lúc con bé lên cơn sốt khi bị đám trẻ trong nhà bày trò, thần đã lo sợ đến nhường nào, lo sợ rằng con bé sẽ lại rời xa thần như Tung và Tuấn năm ấy...Cũng may nhờ ơn trên phù hộ mà con bé mới tai qua nạn khỏi.

- Chị vậy ý kiến của chị như nào? Chị đồng ý cho em nhận nuôi con bé nha? - Thụy Bà Công chúa nắm lấy tay Như Nguyệt.

- Làm mẹ đương nhiên thần mong những gì tốt nhất cho con mình! - ánh mắt nàng thu lại chỗ cũ, bàn tay còn lại cũng khẽ đặt lên tay công chúa - Vậy Lam Thiều xin nhờ cậy công chúa, mong người nuôi nấng và yêu thương con bé! Ơn này Như Nguyệt thần không bao giờ quên ạ!

Thụy Bà Công chúa vui mừng ôm chầm lấy Như Nguyệt, cuối cùng nàng cũng đã thành công thuyết phục vị ấy cho mình nhận nuôi Thiều. Vậy là từ nay trong phủ Lam Thụy sẽ có một cô tiểu thư nhỏ chạy loanh quanh khắp nơi rồi đây, nàng thầm nghĩ. Trong đầu Thụy Bà hiện lên biết bao nhiêu là khung cảnh tươi đẹp, nàng cũng phải tranh thủ sắm sửa cho con bé vài bộ y phục đẹp để hai người cùng nhau dạo phố mới được!

***

Xe ngựa đã đứng chờ sẵn ở cửa phủ, khung cảnh ấy nhìn sao cũng thấy vô cùng quen thuộc nhưng giờ đây không còn là bi thương, đau khổ mà là niềm hạnh phúc xen lẫn xúc động, của cả người ở lại lẫn người ra đi. Cây hoa sữa vừa mới bung nở ngay đầu cổng tỏa hương nhè nhẹ, Thiều ngước nhìn lên những chùm hoa trắng muốt đang chen nhau khoe mình giữa những tán lá xanh dài, lòng không khỏi bồi hồi. Vậy là giờ đây nàng sẽ tạm chia xa phụ mẫu để lên kinh thành ở cùng với cô mẫu, sẽ được gặp anh hai và anh ba. Trông thấy cha mẹ đã ra cửa, nàng bước tới, cúi gập người lễ phép:

- Con xin biết ơn công sinh thành và tình yêu thương mà phụ thân và mẫu thân đã dành cho con! Sau này con nên người sẽ trở về phụng dưỡng phụ mẫu! Phụ thân và mẫu thân, hai người giữ gìn sức khỏe ạ!

Như Nguyệt bước đến đặt chiếc khăn mình vừa thêu xong vào tay Thiều, ôm chặt lấy nàng mà nước mắt cứ rơi không ngừng. Trong lòng vị phu nhân ấy thầm nghĩ: "Thì ra đứa con gái bé bỏng của mình đã phải chịu bao cực khổ suốt thời gian qua. Sáu tuổi rồi mà có bé tí thôi, mong con sau này ở cùng cô mẫu trên Thăng Long sẽ có cuộc sống tốt hơn!". Trần Liễu đứng đấy ngắm nhìn hai mẹ con nàng. Với y, Như Nguyệt vẫn luôn xinh đẹp, dịu dàng như vậy, nhưng tiếc rằng y và nàng đã không thể nắm tay nhau đi hết quãng đời còn lại được nữa. Y đưa mắt ngắm nhìn Thiều, thì ra đứa bé ngày ấy bây giờ đã lớn như vậy.

Có một chuyện mà cả đời này có lẽ y sẽ không nói với ai, đó là vào ngày Thiều ra đời, y bận việc nên không thể có mặt lúc Như Nguyệt lâm bồn. Lúc trở về nhà thì trời cũng đã khuya, mọi người đều đã đi ngủ, chỉ có y khẽ đẩy cửa bước vào phòng, Lam Thiều bé nhỏ nằm trong nôi, đôi bàn tay nắm chặt chiếc chăn. Y nhẹ nhàng bồng nàng vào lòng, dường như biết phụ thân đang nhìn mình, cô bé cũng he hé mắt, khuôn miệng nhỏ xinh nhoẻn cười nhưng được một lúc lại thiếp đi. Lúc ấy, y đã nhìn thấy ánh trăng nhỏ của cuộc đời mình.

Đợi vợ ôm con gái xong, y cũng bước tới ôm lấy Thiều vào lòng, khẽ vỗ nhẹ lên lưng nàng rồi dặn dò: "Con lên kinh thành nhớ giữ gìn sức khỏe, nghe lời cô mẫu! Nếu có vào cung thì nhớ chú ý lời ăn tiếng nói của bản thân, tuyệt đối không được hành xử tùy tiện!". Nàng gật đầu "dạ" một tiếng rồi rời khỏi vòng tay của phụ thân, cúi chào hai người lần cuối rồi tiến về phía xe ngựa nơi cô mẫu đang chờ.

Nàng nắm tay cô mẫu rồi bước lên xe ngựa. Người đánh xe thúc một tiếng và ngựa bắt đầu chạy, nàng ngoái đầu lại nhìn phụ mẫu, hai người họ vẫn còn đứng đấy tiễn nàng. Lúc này đây nàng mới bắt đầu bật khóc, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt nàng. Thật ra từ lúc nãy khi được phụ thân và mẫu thân ôm, nàng đã không kìm được nước mắt nhưng sợ khóc lúc ấy sẽ khiến hai người họ lo lắng nên đành nuốt ngược vào trong. Vậy mà chỉ mới đi được một đoạn, nàng đã nhớ phụ thân và mẫu thân đến vậy! Hai tay che mặt, nàng cố giấu đi những xúc cảm phức tạp của mình lúc này, vừa hạnh phúc nhưng cũng vừa buồn, vừa háo hức nhưng lại có chút lo lắng...Thụy Bà Công chúa tiến đến ngồi cạnh, cánh tay vòng qua đẩy nhẹ đầu nàng vào lòng mình, sau đó khẽ xoa đầu, vỗ về đứa cháu gái. Tiếng vó ngựa cứ vang đều, vang đều thẳng tắp đến Thăng Long...

(1) Thiên Ứng Chính Bình năm thứ mười một tức năm 1242.
(2) Thiên Ứng Chính Bình năm thứ mười bảy tức năm 1248.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro