tulieu1234456

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Làng hoa - Nét đẹp văn hóa kinh kỳ

Chợ hoa là một nét đẹp văn hóa xứ kinh kỳ, giữ gìn và bảo tồn những nét đẹp đó cũng là một trong những cách chào mừng 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Nét đẹp lễ hội khao quân chiến thắng quân Nguyên Mông

Lễ hội được tổ chức hàng năm mô phỏng lễ khao quân sau chiến thắng quân Nguyên

tại bãi đê sông Hồng - Làng Nhật Tân

Ngay từ khi kinh thành Thăng Long mới được xây dựng, các vua nhà Lý đã rất coi trọng việc khai thác hai bên bờ sông Hồng vào các mục đích nghỉ ngơi, du lịch, thể thao, văn hóa...

Các cung điện bên sông xây từ thời Lý như Điện Hàm Quang, Linh Quang, Kiến Lễ, Sùng Nghi, Cung Thánh Từ, Trạm Hoài Viễn... để phục vụ các hội bơi thuyền mùa thu, cho Hoàng Thái Hậu và cung tần nghỉ dưỡng và để đón tiếp sứ thần.

Vào thời kỳ sơ khai, khi giặc phương Bắc đến nước ta, thì phần lớn họ đi bằng đường sông và các anh hùng hào kiệt của dân tộc ta cũng giao chiến với quân giặc và lập chiến tích trên sông.

Năm 791, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đã đánh tan quân nhà Đường trên khúc sông này. Nay vẫn được dân làng Quảng Bá tôn thờ là Thánh Hoàng làng và tổ chức rước ra bờ sông tế lễ vào dịp Lễ hội hàng năm.

Năm 939, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán ở bến sông Bạch Đằng rồi về bờ Bắc sông Hồng và lập kinh đô ở Cổ Loa.

Năm 1077, anh hùng Ngô Tuấn, Thái úy Lý Thường Kiệt sinh trưởng ở bên sông Hồng, đã lập phòng tuyến sông Cầu đánh tan 10 vạn quân Tống và trong đêm, đã ngâm bài thơ "Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư", bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước ta ở trên khúc sông này.

Năm 1284, khi giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ hai, thì Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã lập Đại bản doanh chỉ huy đánh quân Nguyên ở cửa sông Thiên Đức (ngã ba sông Đuống) đọc Hịch tướng sĩ và tổ chức lễ duyệt binh ở Bến Đông Bộ Đầu. Hai mươi vạn quân binh và dân binh Đại Việt đã tập trung trên khúc sông này, đã nghe lệnh xuất quân tại đây, đã thu quân về và ăn mừng chiến thắng tại đây.

Hơn 7 thế kỷ qua, nhân dân các làng Yên Phụ và Nhật Tân vẫn duy trì lễ hội mừng chiến thắng quân Nguyên Mông và tiệc khao quân vào mỗi dịp xuân đến. Hơn 700 năm qua, nhân dân tôn thờ Đức Thánh Cả và người mẹ sinh ra ngài là Đức Thánh Mẫu.

Đây là một nét truyền thống văn hóa đẹp của người Việt Nam mà từ bấy đến nay, vẫn không bị mai một .

Lễ hội được tổ chức hàng năm mô phỏng lễ khao

quân sau chiến thắng quân Nguyên tại bãi đê

sông Hồng - Làng Nhật Tân

Các làng hoa - một di sản Văn hóa Thăng Long

Ở ngay sát bên kinh thành, gần 1000 năm qua, dân các làng từ Yên Phụ, Nghi Tàm, đến Tứ Liên, Tây Hồ, Quảng Bá, Nhật Tân ... không chỉ theo quân triều đình đi dẹp giặc giữ nước, mà nơi đây đã hình thành một nền kinh tế rất đặc biệt: nghề trồng đào, trồng quất, trồng hoa, nghề uốn trồng cây cảnh và nuôi cá cảnh.

Đây là một nghề phục vụ bám với sinh hoạt văn hóa của kinh thành suốt trong nhiều thế kỷ. Khi người Pháp đến xây dựng thành phố Hà Nội thuộc địa, các làng nghề này không chỉ vẫn tồn tại và còn được phát triển có thêm nhiều loại cây, loại hoa mới.

Đặc biệt, những năm gần đây đô thị phát triển rất nhanh, nhiều vườn đào, vườn quất đã biến thành khu đô thị mới... nghề trồng đào đặc biệt ở làng Nhật Tân đã được truyền nghề cho người những người hâm mộ ở Đà Lạt.

Tuy vậy, bãi đất ven sông Hồng của làng Nhật Tân hôm nay vẫn còn 35 ha đất trồng đào thế và vẫn tạo ra những cây đào thế giá trị nghệ thuật thượng thặng đất kinh kỳ.

Cũng có ưu thế như đào, nghề trồng quất ở làng Quảng Bá và Tứ Liên đã tạo ra những cây quất tứ quý mà chưa có nơi nào tạo ra được. Cây quất được cắt xén thành nhiều tầng, cùng một thời điểm mà trên cây có những quả màu vàng đã chín mọng, quả tròn và to, lại có quả nhỏ xíu mầu xanh thẫm, có hoa trắng vừa mới nở và có lá lộc non mới nhú... đó là bản sắc đặc trưng của các làng hoa Tây Hồ mà dù ai đi đâu, về đâu, cũng nhớ và trân trọng mãi mãi.

Công viên Đại Việt - nơi gìn giữ nét văn hoá kinh kỳ

Hai năm nay, một nhóm chuyên gia giúp việc cho Hòa thượng Thích Thanh Tứ - đại biểu quốc hội, phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Hội Phật giáo Việt Nam và nhà sử học Dương Trung Quốc - đại biểu quốc hội, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã gửi kiến nghị đề nghị xây dựng khu kỷ niệm chiến thắng quân Nguyên Mông và tượng Trần Hưng Đạo trên Công viên Đại Việt tại ô đất số 28 bản quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ.

Đó là một sự ngẫu nhiên có chủ ý, có kế thừa của những người yêu Thăng Long, đã nhiều năm nghiền ngẫm về lịch sử và văn hóa Thăng Long để đúc kết lại mà thành.

Vị trí đề xuất xây dựng khu kỷ niệm chính là một nơi đã diễn ra rất nhiều sự kiện lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, mà điển hình là cuộc chiến tranh chống giặc Nguyên Mông ở thế kỷ thứ 13.

Tượng Trần Hưng Đạo sẽ được dựng tại đây, trên một trục lệch để điều hòa Âm Dương và để dõi theo những điểm huyệt quan trọng của Tổ quốc. Trên quảng trường sẽ có một Lư hương đồng rất to với một dòng chữ nổi rất trang trọng: "Thái sư thượng phụ, Thượng quốc Công, Bình Bắc Đại nguyên súy, Nhân vũ, Hưng Đạo Đại Vương"

Hoa đào ngày xuân (Ảnh: Nguyễn Sơn)

Theo đề xuất quy họach chi tiết thì quảng trường Đại Việt, nơi xây tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo và các anh hùng đánh giặc Nguyên Mông sẽ ở bên ngoài đê Bối gần sát bờ sông, bệ tượng tôn nghiêm chỉ rộng chừng 400m2, còn quảng trường sẽ rộng tới trên 3 ha, vừa là quảng trường nghi lễ , vừa là Chợ Hoa Xuân.

Trong nhiều năm trở lại đây, thú chơi hoa không còn chỉ phổ biến trong giới trí thức hay các tầng lớp quan lại, thượng lưu như thời xưa. Với tất cả mọi gia đình, mọi tầng lớp, đến ngày giáp Tết thì nhà nào cũng có ít nhất một cành đào, một chậu quất.

Với khá đông người lớp trung lưu thì ngày nay hoa đã là nhu yếu phẩm thường ngày trong phòng khách gia đình của họ. Suốt quanh năm, bất kể thời tiết mưa hay nắng, chợ Hoa được nhóm họp từ 3 giờ sáng mỗi ngày.

Bởi vậy, chợ Hoa là một nét sinh hoạt văn hóa vô cùng gần gũi với người dân Thủ đô. Hoa có thể được trồng ngay tại các làng nghề nơi đây. Hoa cũng có thể đi từ Tam Đảo, Sa Pa, Đà Lạt, các tỉnh lân cận đến với mọi người. Hoa đi bằng đường bộ, đường sông, đường máy bay.

Những năm qua, chợ hoa Xuân ngày Tết được họp cả tháng và chiếm dọc suốt trục đường đê từ Yên Phụ lên đến ngã ba đường Âu Cơ và đường Lạc Long Quân. Hy vọng từ nay đến mùa Xuân năm 2010 thì Chợ Hoa sẽ có chỗ xứng đáng hơn ở ngay trên Công viên Đại Việt.

Hoa sẽ không chỉ được bày trên các quầy, sạp, ki-ốt, được thiết kế và lắp đặt sẵn để bán hoa. Hoa và cây cảnh, đào thế sẽ được bán ở ngay trong vườn nghề, người chơi hoa có thể đến dạo chơi, tham quan, học tập kỹ năng của các nghệ nhân lâu năm.

Chắc hẳn, nét sinh hoạt văn hóa độc đáo này sẽ không chỉ thu hút nhân dân Thủ đô mà sẽ tới cả khắp nước và khắp thế giới. Mùa Xuân đã đến rồi, ngày Hội mừng Chiến thắng quân Nguyên Mông cũng sắp đến.

Không còn bao lâu nữa là đến 1000 năm Khoảnh khắc Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, làm sao để trong ngày Đại lễ, hào khí Thăng Long phải được hoàn toàn khôi phục và Thủ đô ta sẽ thực sự là buồng lái đưa con tàu đất nước ra khơi xa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#adszxve