3.Chúng ta có thoải mái với việc mình không xuất sắc?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi nghĩ lại những đêm đông năm mười bốn tuổi thức đến bốn giờ sáng làm văn chỉ vì quá chán nản mà mai vẫn phải nộp bài nên chưa từng cho phép mình đi ngủ, nghĩ đến ánh mắt xót xa của bà ngoại mà muốn rơi nước mắt. Tại sao tôi phải hiếu thắng và hèn nhát như thế để mà khi lên lớp 10, tôi trở nên quá yếu đuối đến mức chỉ chạy một vòng quanh sân bóng cũng có thể ngất? Tại sao tôi làm văn sau khi ăn trưa rồi hùng hục đạp xe đi học để đến mức loét dạ dày? Nhiều năm sau này, những đêm thức gần trắng trong thời gian dài đó và áp lực thời đi học đã khiến tôi trả giá. Tôi bị bệnh từ đầu đến chân. Đấy là lỗi của chính mình, nên tôi phải dùng cuộc đời còn lại để sửa sai, để hứa rằng sẽ không bao giờ vay mượn ước mơ, quy chuẩn của người khác để áp đặt lên bản thân mình, không bao giờ gồng mình lên làm siêu nhân nữa.

Tôi có tâm hồn đậm đặc Á Đông. Càng tìm hiểu về văn hóa phương Đông, tôi càng nhận ra các tư tưởng lớn phương Đông chưa bao giờ dạy con người ta cạnh tranh và hiếu thắng cả. Sự hiếu thắng đó là của phương Tây. Sự bành trướng về kinh tế dẫn đến sức ảnh hưởng của văn hóa, chúng ta đã bị mê muội tin rằng cái gì đến từ phương Tây cũng tốt. Những nhà hiền triết Á Đông tin rằng cuộc sống là một dòng sông, bạn càng vẫy vùng tranh đấu với dòng nước, bạn càng nhanh chìm. Điều bạn nên làm là thả lỏng, trôi theo dòng nước. Đó cũng là câu chuyện của tôi, khi tôi ngừng tranh đấu vì giải thưởng, tôi mới bắt đầu thực sự viết ra được thứ người khác có thể đọc! Tôi đã từng thắng nhiều người khi đi học, nhưng tôi đã thua chính mình, thua hạnh phúc.

Sự thắng thua làm người ta không bao giờ có thể bình an với chính mình. Sẽ ra sao nếu bạn đứng trên đỉnh thành công nhưng không hề hạnh phúc? Nó giống như Napoleon chinh phạt cả thế giới rồi thất vọng, vì không còn thế giới nào khác để chinh phục nữa!

Tôi có đọc được trong một cuốn sách: Các nhà du hành vũ trụ của con tàu Apollo dành cả đời khát khao chinh phục mặt trăng, và họ đã làm được điều đó, nhưng sau khi trở về trái đất họ bị trầm cảm nặng nề vì không còn biết mục tiêu sống tiếp theo của đời mình là cái gì. Đời không như là mơ, mà còn hơn là mơ ấy chứ. Tới mặt trăng đúng là điều không tưởng, nhưng tới mặt trăng rồi thì làm gì tiếp? Khi một giấc mơ trở thành hiện thực thì cũng là lúc một giấc mơ đẹp vừa bị đánh cắp đi.

"Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi, để ta khắc tên mình trên đời." Khắc tên xong rồi thì làm gì? Không thể leo lên trời bằng đường bộ, cũng không có cánh, hay là nhảy thẳng xuống vực? "Hạnh phúc không phải đích đến mà là một cuộc hành trình." Leo núi không biết bao giờ tới đỉnh là một dạng vô vọng nhưng leo lên đến Everest rồi phát hiện ra đấy là nơi cao nhất rồi chẳng leo đi đâu được nữa cũng là một dạng vô vọng khác. Thế đấy.

Làm ơn, đừng ám ảnh về việc mình phải vĩ đại, phải thành công vang dội, đừng bị đe dọa vì một bài báo về anh A chị B khởi nghiệp hay lương nghìn đô. Tôi không bảo bạn ngừng học hỏi, nhưng học với tâm thế muốn mình tốt hơn, muốn giúp đời giúp người, khác với tâm thế cạnh tranh và thấy mình thua kém cả thế giới. Mà thực tế, với tâm thế đó, bạn mãi đứng im một chỗ hằn học, chứ đừng nói đến được thành công.

Tôi hơi nghi ngờ thế giới này đang coi xuất sắc là một loại đạo đức, còn những người bình thường thì sẽ bị coi là không cố gắng, không có ước mơ, không cần phải thương hại. Tôi tin chúng ta sinh ra không có tố chất như nhau, không có sứ mệnh như nhau, không có nền tảng như nhau. Muốn biết người khác cố gắng hay không, cần đặt họ vào câu chuyện của chính họ. Tôi mất tám năm để tự tìm ra nguyên nhân mình mất ngủ và tự chữa bệnh. Tôi ngồi hai tiếng trên giảng đường cũng khó khăn, tôi rất mệt, vì máu lưu thông kém. Nếu bạn đánh giá tôi không tích cực đi phượt, tham gia hoạt động xã hội, không có gì để ghi vào CV, như vậy có công bằng không? Ví dụ một sinh viên từ quê nghèo phải từ chỗ chạy bàn lao đến lớp học rồi từ lớp học đi làm gia sư để có thể trả một chút sinh hoạt phí thì có thể có nhiều thời gian, sức khỏe như một sinh viên ở thành thị mà mẹ vẫn chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ để tập trung học hành được không? Bạn không thể lạnh lùng nói rằng ai không thể theo đuổi đam mê, kẻ đó đã thất bại, xứng đáng thất bại. Cậu bạn cúp học cả tuần đến chỗ làm thêm, bạn có biết quê bạn ấy đang oằn mình gánh lũ, hay bạn chỉ đánh giá đấy là kẻ lười biếng không chịu cố gắng học hành?

Chúng ta hẹp hòi, chúng ta sợ hãi. Chúng ta bị ám ảnh bởi thành công. Chúng ta muốn một thứ chỉ vì NGƯỜI-KHÁC-CŨNG-CÓ. Chúng ta chưa từng bình an với chính mình. Chúng ta quá thiếu kiên nhẫn. Chúng ta chưa từng biết trong cuộc đời rộng lớn này, phải đi tìm một định nghĩa hạnh phúc cho chính mình chứ không phải vay mượn từ người khác. Chúng ta không thoải mái với việc mình không xuất sắc. Chúng ta cạnh tranh, chạy đua và trượt dài.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro