QUYỂN SỔ LIÊN LẠC VỚI GIA ĐÌNH

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ania Alechxeeva học rất say sưa, không có sự lên xuống thất thường. Lúc này chính em cũng tin rằng huy chương vàng không chỉ là ước mơ mà đã trở thành khả năng hiện thực rõ ràng. Đạt điểm năm tất cả các môn trở nên khá dễ dàng đối với em và trên thực tế điều đó không có gì phức tạp khó khăn như trước đây em vẫn nghĩ. Chỉ cần có ý chí để điều khiển được bản thân mình, bắt mình phải tập trung trong giờ học, làm theo một kế hoạch rõ ràng trong ngày và chiều nào cũng làm bài tập một cách có hệ thống.

Còn một điều kiện nữa giúp cho em học tập tiến bộ nhưng Ania không bao giờ nhắc tới nó, thậm chí còn cố gắng để không nghĩ đến nó.

Từ khi người bố dượng được chuyển về ở cùng nhà, cuộc sống của em thay đổi hẳn. Em không còn phải lo lắng đến công việc nội trợ và sinh hoạt hàng ngày. Em đã có nhiều thời gian rỗi hơn. Điều này cũng dễ hiểu. Từ khi có ông Mikhail Sergheevich thì bà Xasa, một phụ nữ đứng tuổi, chịu khó và rất chu đáo, trước đây vẫn quán xuyến công việc gia đình cho Mikhail Sergheevich khi ông chưa lấy vợ, cũng đến giúp việc nhà em. Chắc là bà Olga Nicolaevna rất hợp ý bà Xasa nên bà đã đồng ý nhận quán xuyến hết công việc của gia đình mới này. Sáng sáng cứ đúng tám giờ là bà ấy đến và ra về lúc Ania còn ở trường. Sau bữa ăn trưa bao giờ Ania cũng rửa bát đĩa, thu dọn trong phòng mình rồi đi dạo chơi và cuối cùng là đi chuẩn bị bài. Bà Xasa vẫn yêu cầu để bát đĩa lại sáng hôm sau bà rửa, nhưng Ania không nghe và em cũng không đồng ý cả việc để phòng ở và giường nằm của mình cho bà dọn. Em chỉ gặp bà Xasa có một lúc buổi sáng, nhưng họ đã trở nên thân thiết với nhau rất nhanh.

Ania đối xử với người bố dượng vẫn xa cách và lạnh lùng, nhưng thái độ của em lúc này dù sao cũng đã khác hẳn những ngày ông mới đến. Thời gian đầu Ania tránh mặt ông ta, không tham gia vào những câu chuyện chung và tìm mọi cách tỏ cho ông biết rằng đối với em ông chỉ là người dưng nước lã.

Ông Mikhail Sergheevich không bao giờ tỏ ra khó chịu về điều đó, lúc nào ông cũng rất lịch thiệp, vui vẻ và giản dị. Sự ngây thơ trong trắng của cô gái và lòng trung thành với người bố đã hy sinh - một tình cảm sâu sắc, tốt đẹp của em không thể không làm cho một con người thông minh như ông cảm động. “Thời gian là vị thẩm phán tài nhất và sự kiên nhẫn là người thầy giỏi nhất”. Ông rất thích câu cách ngôn thông minh mà bà Olga Nicolaevna nói với ông sau lần bà gặp Constantin Sergheevich và thế là ông quyết định kiên trì chờ đợi.

Thời gian trôi đi, Ania dần dần đã hết khó chịu và quen với nhiều điều xảy ra trong gia đình. Em không còn thấy bực bội với tiếng cười của mẹ từ phòng bên vọng sang, không cau có mặt mày khi ông Mikhail Sergheevich chào hỏi hoặc nhận xét đùa nữa.

Một ngày chủ nhật sau bữa ăn trưa Mikhail Sergheevich làm như vô tình hỏi:

- Sao Ania, ăn xong lại đi chuẩn bị bài chứ?

- Không, cháu muốn đọc một lúc. Cháu vừa mượn được quyển sách “Một chuyến tàu đi xa”. Nghe nói là chủ đề về chúng cháu...

- Hay là ta làm một ván cờ nào?...

Vì đột ngột, Ania đỏ mặt lên nhưng suy nghĩ một lát bèn trả lời bằng một giọng hững hờ:

- Vâng, cháu không phản đối...

Và thế là họ ngồi cúi đầu trên bàn cờ và tấn công nhau dữ dội.

Nếu ông Mikhail Sergheevich biết rằng Ania muốn thắng ông biết chừng nào, dù chỉ là một ván, thì chắc ông đã cố tình “đi hớ một nước” và chịu thua... Nhưng không. Ông đánh giá đối thủ của mình khá cao nên tin rằng một ván thắng như vậy sẽ không làm cho em hài lòng và thậm chí còn làm phật ý. Ania phải giành được thắng lợi bằng con đường khác, con đường trung thực. Ania không thắng nổi. Họ đấu hai ván, một ván Ania thua, một ván hòa.

Sau lần đó Ania biết thêm rằng trong lớp em, người em ra còn có Clara Kholopoeva cũng ham mê đấu cờ vua. Vào chiều thứ bảy em mời Clara về nhà mình và đề nghị ông Mikhail Sergheevich cùng đấu cờ vua với họ.

Đây là một ván cờ rất thú vị. Ania đi quân, nhưng mỗi lần trước khi đi, em thì thầm trao đổi với Clara rồi mới di chuyển quân. Một lúc sau ông Mikhail Sergheevich đã buộc phải lẩm bẩm một điệu nhạc nào đấy một cách trầm tư và suy nghĩ rất lâu. Nhưng những việc làm đó chẳng giúp ích gì cho ông cả. Ông đã mất hai con tốt và sau khi buộc đánh đổi tướng và tượng thì ông lâm vào cảnh vô cùng gay cấn. Một trong mấy con tốt của hai cô phải được sự yểm trợ của con xe đang tiến thẳng về phía trước đến hàng thứ nhất của đối phương. Sau năm phút suy nghĩ, ông kỹ sư đành phải khoa tay nói:

- Hừ... Hôm nay tôi chơi tồi thật. Hòa chứ?

- Ơ... ơ... không được! - Ania buột miệng nói - đầu hàng thôi. Bác thua rồi!

- Cô nói gì lạ vậy... đầu hàng! Thế các cô không biết rằng “đội cận vệ dù có phải chết cũng không hàng” ư?

- Vậy thì bác phải chết! - Clara cười.

Đi thêm ba nước nữa ông buộc phải đầu hàng. Ván thứ hai Mikhail Sergheevich chơi thận trọng hơn vì ông đã hiểu là đối thủ mạnh hơn ông tưởng.

Từ đó trở đi hầu như thứ bảy nào Clara cũng đến nhà Ania chơi cờ vua. Dần dần hai cô gái trở nên thân thiết với nhau. Nadia, người bạn thân thiết vẫn cho mình là người có độc quyền với Ania không những không bực bội, ghen ghét mà còn sẵn lòng kết nạp Clara. Ba cô gái kết thành một nhóm thân tình và đặt tên là “CLAN”, gọi theo chữ đầu của tên ba người.

Trong những ngày đầu tháng mười hai đã xảy ra một chuyện làm thay đổi hoàn toàn thái độ của Ania đối với ông Mikhail Sergheevich.

Chiếc áo măng-tô mùa đông của Ania đã quá cũ nên Ania buộc phải mặc áo mùa thu. Trường cách nhà em không xa lắm, trời cũng chưa lạnh hẳn nên em không để ý lắm đến chuyện đó. Một hôm vào đầu năm học khi bác Olga Nicolaevna đang ngồi lẩm nhẩm tính toán một mình về việc làm thế nào để may cho Ania một chiếc măng-tô đông trong năm nay thì cô gái tuyên bố là em sẵn sàng mặc chiếc áo cũ hết mùa đông. Thế rồi một hôm bác Olga Nicolaevna đi làm về tay xách một gói to tướng.

- Aniuta , con ra đây mặc thử áo xem nào? - Bà nói, tay mở gói, - độ này chẳng có hàng gì mà chọn...

Trong gói là chiếc áo măng-tô bằng thứ dạ đắt tiền màu xanh với chiếc cổ bằng lông rái cá.

- Ôi, áo này cho con đấy à? - Ania nói vẻ ngờ vực.

- Không cho con thì còn cho ai? Mặc vào đi... Cài khuy vào... Thế... quay lại đây xem nào... Bây giờ thử đi đi lại lại xem sao... Tuyệt!... Giơ hai tay lên... - Bác Olga Nicolaevna ra lệnh. - Trông được đấy. Mẹ đã tưởng là phải khâu lại nhưng dáng người con đẹp lắm. Con soi gương mà xem. Thứ dạ này cũng khá đấy...

Ania nhìn thấy trong gương đôi mắt đầy niềm vui của một cô gái xa lạ, không quen biết trong chiếc áo măng-tô mới, đẹp. Và em cảm thấy khó chịu. Em biết rằng việc mua này không thể không có sự tham gia của ông Mikhail Sergheevich, mà như vậy có nghĩa là chiếc áo được mua nhằm một mục đích không hay khác. “Ông ta muốn mua chuộc mình đấy”, - Ania thầm nghĩ.

- Mẹ ạ, con sẽ không mặc nó đâu! - Ania nói với giọng cương quyết. Đoạn em cởi áo ra.

- Sao vậy con? Con không thích à?

- Thích, không thích, vấn đề không phải như vậy.

- Vậy thì vì sao? - Bác Olga Nicolaevna gặng hỏi, mỗi lúc một ngạc nhiên thêm. - Mẹ không hiểu con muốn gì.

- Tất nhiên là mẹ không hiểu gì rồi. Nếu không thì đã không vặn vẹo con... Mẹ cho con là cái con quay gió...

- À, ra như vậy... - Bác Olga Nicolaevna hiểu ra. - Con tưởng Mikhail Sergheevich mua áo này cho con à?

Ania im lặng bước đến bên cửa sổ. Bằng thái độ của mình, em muốn tỏ ra cho mẹ em biết rằng em không thích nói về vấn đề ấy.

- Con bé này hỗn thật! - Bác Olga Nicolaevna nổi nóng. - Con cho là ông Mikhail Sergheevich muốn chiếm cảm tình của con bằng chiếc măng-tô này sao? Con có hiểu con nghĩ như vậy là không tốt không? - Càng nói, bà càng tức giận. - Ông Mikhail Sergheevich không có một tí quan hệ nào tới việc mua bán này”. Thậm chí còn không hay biết gì nữa. Tao được nhà máy phát phiếu mua vì đã làm tốt công tác... Tao xấu hổ vì mày. Ông ấy là một người mà khắp nhà máy ai cũng quý mến vì tính thẳng thắn, nguyên tắc, và nghiêm khắc. Mày hãy nghe công nhân người ta nói về ông ấy với một vẻ tôn trọng như thế nào! Thế mà mày, một con bé vắt mũi chưa sạch, dám nghĩ xấu xa, đê tiện như vậy về ông ta...

- Mẹ ạ, con kính trọng ông ấy...

- Kính trọng mà thế!

- Nhưng con nào có biết mẹ mua theo phiếu cung cấp... Con xin lỗi mẹ... Con rất cám ơn mẹ.

Sự việc này bắt Ania phải suy nghĩ nhiều, phải xem lại thái độ của mình đối với ông Mikhail Sergheevich. Và em cảm thấy xấu hổ với tình cảm xa lạ và khó chịu mà từ trước đến giờ em vẫn dành cho ông ta.

Cuộc họp lớp đã giữ Ania lại đến tận chín giờ và khi em về đến nhà thì đã thấy chiếc áo măng-tô của ông Mikhail Sergheevich và chiếc áo lông của mẹ treo ở mắc áo.

- Bác Mikhail Sergheevich, bác có bận gì không đấy? - Từ phòng ngoài em vừa cởi áo măng-tô vừa gọi.

- Có chuyện gì thế? - Ông ta hỏi lại.

- Cháu có chuyện muốn nói với bác...

- Có chuyện cần thì có nghĩa là được... Vào đây.

Đây là trường hợp đầu tiên cô con gái rượu của vợ chủ động hỏi ông, nên Mikhail Sergheevich thấy phải cảnh giác.

Trong phòng chỉ có một mình ông. Bác Olga Nicolaevna đang sửa soạn bữa cơm tối ở dưới bếp.

- Sao cháu về muộn thế? - ông Mikhail Sergheevich hỏi, mắt nhìn vào khuôn mặt đỏ hồng của cô gái vừa đi bộ ngoài lạnh về.

- Chúng cháu vừa họp lớp xong, - Ania đáp.

- Họp lâu vậy à?

- Vâng. Nhiều chuyện phải bàn quá. Lớp cháu quyết định tổ chức dạ hội, ngày kỷ niệm và nói chung là... Cuộc họp thú vị lắm.

- Các cháu định kỷ niệm sinh nhật ai vậy?

- Chính đây là vấn đề mà cháu muốn bàn với bác... Bác Mikhail Sergheevich, cháu muốn hỏi... - Ania ngập ngừng. - Các bạn giao nhiệm vụ... Ở nhà máy chỗ bác có việc gì cho chúng cháu làm với không, trong thời gian nghỉ đông ấy?

Ông Mikhail Sergheevich gãi tay vào sống mũi, suy nghĩ một lát rồi dang tay ra:

- Bác chả hiểu gì cả. Không hiểu một tí gì hết ấy. Cho chúng cháu là cho ai? Mà sao lại vào thời gian nghỉ đông? Công việc là công việc gì và ngày sinh nhật có liên quan gì ở đây?

- Để cháu nói rõ cho bác hiểu. Ở trường cháu sắp kỷ niệm 40 năm phục vụ trong ngành giáo dục của một thầy giáo.

- Thâm niên ác đấy chứ!

- Chúng cháu định mua tặng phẩm. Chúng cháu là học sinh của cả ba lớp cấp ba.

- Ý ấy hay đó!

- Nhưng chúng cháu quyết định tặng phẩm phải mua bằng tiền của mình làm ra...

- Các cháu giỏi lắm! - Ông Mikhail Sergheevich nói. - Nếu tự các cháu nghĩ ra điều đó thì bác rất mừng cho những cái đầu minh mẫn của các cháu.

- Bởi thế nên cháu mới hỏi xem ở nhà máy có việc làm gì không?

- À ra thế! Bây giờ thì bác hiểu rồi, thế đấy. Việc này hay đó, phải nghĩ kỹ mới được. Nhưng ở nhà máy nếu có việc chăng nữa thì nó cũng là... Thứ việc “khuân lên đặt xuống” - Các cháu có biết làm gì khác nữa đâu...

- Việc gì cũng được ạ.

- Nếu việc gì cũng được thì đơn giản hơn nhiều... Olia ! - Bỗng ông gọi ầm lên và đợi khi có tiếng trả lời từ dưới bếp vọng lên ông lại gọi tiếp. - Em lên đây một phút!

Bà Olga Nicolaevna mở hé cửa và ngó nhìn vào. Ống tay áo bà xắn lên tận khuỷu tay, đầu quấn chiếc khăn vuông.

- Olia, em có nhớ... Năm nay liệu còn món tiền nào dự chi cho việc thu dọn phân xưởng ba nữa không?

- Năm nay thì không, nhưng sang năm thì có.

- Vậy à ờ, nhưng các cháu nghỉ đông vào tháng một cơ nhỉ!

- Anh hỏi việc đó làm gì?

- Anh đang thuê công nhân đây, - ông ta cười, giải thích - Các cháu có khoảng bao nhiêu người?

- Khoảng năm chục hay hơn gì đấy... - Ania ngập ngừng đáp.

- Được... Mời các cháu đến. Ta ký hợp đồng và mời các cháu cứ việc lao động. Nhưng tôi phải giao hẹn trước: công việc chỉ có “khuân lên đặt xuống” thôi đấy và khá bẩn nữa...

Ania không ngờ mọi việc lại được giải quyết nhanh gọn như vậy. Vấn đề này đã làm cho cả lớp nhốn nháo lên và khi ra về em vẫn còn ấn tượng của những cuộc tranh cãi vừa rồi. Trong cuộc họp có rất nhiều ý kiến đề nghị, nhưng không đề nghị nào được chấp thuận cả trừ một ý kiến: thỏa thuận với nhà trường cho dọn tuyết suốt mùa đông ở khu vực trường đóng...

- Xong rồi chứ? - Bà Olga Nicolaevna hỏi nhưng không đợi trả lời bác đã đi xuống bếp.

- Cảm ơn bác lắm, bác Mikhail Sergheevich ạ. - Ania chân thành nói. - Vậy mà cả lớp nghĩ mãi vẫn không có cách gì đấy.

- Thật là phí công...

Ông có cảm giác là Ania còn muốn nói một điều gì nữa nhưng còn ái ngại.

- Cháu muốn... Nhưng thôi, không sao cả... cũng chẳng vội lắm... - Em lầu bầu. Nhưng rồi em vội vàng mở cặp sách lấy quyển sổ liên lạc và đặt lên bàn: - Sổ liên lạc lâu nay chưa ai ký. Nếu bác không ngại, bác ký hộ... hoặc đưa cho mẹ cháu...

Nói xong em vội vã đi ra khỏi phòng.

- Thế đấy... - Ông Mikhail Sergheevich lẩm bẩm và đưa mắt nhìn theo Ania.

Cảm động trước cử chỉ của cô gái, một cử chỉ hứa hẹn sự biến đổi lớn trong cuộc sống gia đình của ông, ông ngồi lặng đi một lúc lâu. Sổ liên lạc do bố mẹ học sinh ký, và như vậy có nghĩa là cô gái đã thừa nhận ông và tin ông. Nhưng liệu đây là một hành động có suy nghĩ chín chắn hay chỉ là một cơn bốc do những nguyên nhân nào đấy mà ông không biết gây ra? Ông Mikhail Sergheevich hồi hộp mở cuốn sổ liên lạc được bọc rất cẩn thận. Đúng thế. Chữ ký cuối cùng của bác Olga Nicolaevna ký dưới điểm số thuộc tuần thứ hai của tháng mười. Không hiểu vì sao nhưng gần hai tháng Ania không đưa sổ liên lạc cho mẹ xem. Ông Mikhail Sergheevich rút bút từ túi ra. Càng xem sổ, ông càng ngạc nhiên. Điểm năm... rồi lại điểm năm liên tục... Ông biết là Ania học khá nhưng không ngờ lại giỏi như vậy. Hầu hết toàn điểm năm...

Trước khi đưa lại sổ liên lạc cho Ania, ông cầm nó xuống bếp.

- Olia, em có biết con gái em học thế nào không?

- Sao lại không?

- Biết thế nào nào?

- Nó học được.

- Học được à? Ồ, nếu thế này mà gọi là học được thì không hiểu thế nào mới là học giỏi? Nó có khả năng được huy chương vàng đấy!

- Anh Misa , anh nói gì vậy?

- Đây em cầm lấy sổ liên lạc của nó mà xem!

Bà Olga Nicolaevna chùi tay vào áo tạp dề xong cầm lấy sổ liên lạc giở ra. Đoạn bà nhìn chằm chằm vào chồng và hỏi khẽ:

- Tự nó đưa cho anh đấy à?

- Ừ. Nó đề nghị ký vào cho nó đấy...

Bà Olga Nicolaevna bỗng chớp lia lịa đôi mắt có hàng mi dày và vội vàng quay mặt sang phía bếp. Ông Mikhail Sergheevich im lặng đi ra và gõ cửa vào phòng con gái riêng của vợ.

- Ania. Bác muốn nói cháu đã dành cho bác niềm vui lớn đấy - Ông nói, giọng đầy âu yếm, rồi đưa trả cô gái cuốn sổ liên lạc. - Được ký một cuốn sổ liên lạc thế này thật là sung sướng.

Bà Maria Tvanovna Erefeeva đi làm từ đã lâu. Bà lo lắng nhìn đồng hồ luôn. Sau những trận cãi cọ trong gia đình bà bắt con gái phải báo cáo cho bà biết nó đi đâu và bao giờ về. “Sắp chín giờ rồi mà con bé bất trị ấy vẫn không chịu về cho” - bà bực bội nghĩ, và trong óc bà vẽ lên bao cảnh kinh hoàng. Trước kia bà quản lý con gái rất chặt chẽ, theo dõi từng bước đi của nó, nhưng thời gian cuối đã thả lỏng nó ít nhiều.

Mãi sau Nadia mới về và bà Maria Tvanovna nhận thấy ngay rằng con bà đang bị xúc động vì một việc gì đó.

- Con ở đâu về thế? - Bà nghiêm khắc hỏi.

- Con ở trường về ạ.

- Con đừng nói dối mẹ. Con biết mấy giờ rồi không?

- Thì đã sao hở mẹ. Chúng con phải họp lớp.

- Họp đến 9 giờ à?

- Nếu không tin, thì mẹ hỏi bọn bạn con mà xem.

- Tao còn lạ gì bọn bạn mày. Khó gì mà chúng mày không bàn trước với nhau.

- Mẹ ơi, mẹ nói gì lạ vậy?... - Nadia đau khổ thốt lên. Việc gì mà con phải nói dối mẹ? Thì mẹ đi hỏi thầy giáo Constantin Sergheevich vậy. Thầy ấy cũng dự họp.

- “Thì” với “thào” - Nói gì mà cứ “thì” với “thì” suốt thế. Tao cần gì cái ông Constantin Sergheevich của chúng mày? - Bà mẹ lầu bầu. - Rõ là đồ vô công rồi nghề. Họp với hành gì mà đến tận 9 giờ ấy! Ở nhà thì đầy việc ra đấy mà chúng nó thì ngồi tán gẫu đến gần nửa đêm? Muốn gì thì mày cứ ngồi nhà đấy mà nghĩ... Liệu hồn ấy! - Bà giơ ngón tay lên đe dọa rồi nói tiếp: - Mày còn đi học và, phụ thuộc vào tao thì còn phải báo cáo hết mọi nhẽ cho tao biết. Ấy là tao chưa kể quyền làm mẹ của tao. Phải! Mà mày đừng có mà nhăn nhó... Học xong, đi lấy chồng lúc đó thì tha hồ mà tự lập, mày muốn làm gì thì mặc xác. Muốn đi bằng đầu tao cũng không ngăn.

- Nhưng con có tội gì cơ chứ?

- Tội à, cái tội cứ lang thang ở đâu trời mà biết được làm tao phải lo ngay ngáy suốt. Mày phải tha cho thần kinh của tao chứ?

- Nhưng nào con có biết trước là họp sẽ kéo dài như vậy đâu.

- Lần sau thì phải biết. Bằng không tao cũng bất chấp là mày đã 17 tuổi rồi đấy... Thế đấy, cô ạ... Bây giờ đi mà ăn cơm đi...

Nadia lững thững đi xuống bếp. Cô không thấy đói một chút nào. Việc Valia bị khai trừ gây cho cô một xúc động mạnh đến nỗi cho đến lúc này cô vẫn không trấn tĩnh được. Những việc chuẩn bị cho buổi dạ hội, rồi vấn đề về tổ chức ngày lễ kỷ niệm đến việc sắp phải báo cáo ở khu đoàn, - tất cả đều không làm cho cô quên ý nghĩ về Valia. Ngay cả việc vừa tranh luận với mẹ cũng không để lại một dấu ấn nào. Cô có cảm giác là sau sự kiện nhục nhã nọ thì thà chết đi còn hơn. Và nếu cô ở địa vị người bị khai trừ thì chắc là cô đã nhảy đâm đầu từ cầu xuống sông. Nadia thấp thỏm chờ đợi và rất muốn rằng Valia sẽ hối hận, khóc than và xin lỗi, thế mà... Nó lại có thái độ thách thức chống tập thể!

Khi ra khỏi trường các cô gái đi thành một tốp đông, nhưng một lúc sau mỗi người đi về một ngả và đoạn đường còn lại Nadia đi cùng Raia.

- Raia, theo bạn nó sẽ làm gì? - Nadia hỏi.

- Ai cơ? Valia ấy à?

- Ừ.

- Làm gì nữa. Tiếp tục học chứ sao...

- Không bao giờ tớ lại có thể nghĩ là... - Nadia thở dài, nói.

- Thật là kinh khủng!

- Lỗi tại nó cả. Thử hỏi việc gì đến nó mà cứ sinh sự? Có quyền phản đối nhưng khi đã biết trước là chẳng ai ủng hộ mình thì nói ra làm quái gì? Nó không có lấy một chút tự ái.

- Theo tớ thì tự ái nó có thừa! - Nadia phản đối ý kiến bạn.

- Ồ, còn tùy theo cách hiểu thế nào là tự ái nữa chứ. Nó chỉ bướng thôi chứ không có lòng tự ái. Bạn biết không, bướng như lừa ấy. Bạn đã nhìn thấy con lừa bao giờ chưa? - Raia hỏi đột ngột.

- Chưa.

- Nhiều lúc nó cứ đứng ì ra. Mặc cho người ta đánh, người ta quật, nó vẫn cứ đứng trơ trơ ra mà chịu. Thỉnh thoảng nó lại còn đá nữa chứ. Phải chăng đó là lòng tự ái à? Một người thông minh thì không bao giờ lại chịu để cho người ta đánh.

- Tớ vẫn thấy thương nó lắm - Nadia nói, không để ý gì đến lời Raia.

- Còn tớ thì chán ngấy nó rồi! - Câu chuyện giữa hai người dừng lại ở đây. Nadia chia tay bạn và rẽ về cổng nhà mình.

Lúc này, ngồi dưới bếp và nghĩ về Valia, Nadia thỉnh thoảng lại thở dài. Món xúp mà em có cảm giác là nhạt như nước ốc cứ nghẹn lại ở cổ. Em nhớ lại hình ảnh thầy giáo Constantin Sergheevich, đôi mắt chú ý, dò hỏi của ông suốt buổi họp nhìn vào Valia. “Rõ ràng là phải làm như vậy, - Nadia nghĩ. - Nếu không thì thầy ấy đã phát biểu”. Song ý nghĩ đó vẫn không làm cho cô gái vốn rất đa cảm yên tâm mặc dầu cô tin tuyệt đối vào thầy giáo.

- Nadia, có chuyện gì vậy? - Bà mẹ hỏi khi cô bước vào phòng.

- Có chuyện gì đâu ạ.

- Không có chuyện gì là thế nào? Tao thấy mày như con mất hồn ấy.

- Lớp con vừa khai trừ một bạn xong... mẹ hiểu chứ?

- Khai trừ, đuổi khỏi trường à?

- Không. Khai trừ ra khỏi tập thể của chúng con.

- Tập thể nào? Con kể rạch ròi ra xem nào.

- Thì... mẹ biết chứ, lớp con vừa họp xong...

Nadia kể lại tỉ mỉ cho mẹ nghe về Valia, về thái độ của bạn đối với lớp trong cuộc họp và cuối cùng là về hình phạt khác thường theo đề nghị của Ania.

Thật vậy, đây là một sự cố cực kỳ nghiêm trọng đến nỗi bà Maria Tvanovna không dễ tìm ra lời đánh giá ngay.

- Thế cả lớp biểu quyết khai trừ à. - Bà ta hỏi.

- Tất cả.

- Cả con cũng đồng ý?

- Cả con nữa.

- Vậy thì chứng tỏ là nó xứng đáng bị khai trừ! - Bà mẹ quyết định và còn nói thêm vào, vẻ dọa dẫm. - Còn mày nữa! Rồi cũng sẽ đến lượt người ta khai trừ cho mà xem.

- Khai trừ con ấy à? - Nadia hỏi, vẻ kinh hoàng - Con thì vì tội gì mà khai trừ?

- Tội đối xử tồi với mẹ. Mày có mang sổ liên lạc về không?

Nadia im lặng lấy sổ liên lạc và đưa cho mẹ.

Độ này em không còn phải giải thích quanh co nào là vì ốm, vì này vì nọ nên bị hai và ba. Em học tốt, và bà Maria Tvanovna đã nhiều lần để ý thấy rằng bệnh đau đầu đau xương trước đây làm cho con bà học kém nay đã biến đi đâu mất. Điểm bốn về môn lượng giác và điểm năm về môn lịch sử làm bà hết bực tức.

- Đấy, điều hay thì tao có bảo là tồi đâu? - Bà nhận xét - Nếu mọi việc đều sẽ như thế này cả thì bằng tốt nghiệp lớp mười nắm chắc trong tay... Con đã uống chè chưa?

- Chưa ạ.

- Có mứt trong tủ ấy lấy mà ăn, - bà cho phép con gái. - Nhưng không phải lấy cả mà chỉ được một nửa là cùng thôi nhé.

Bà Maria Tvanovna có thói quen đi ngủ sớm và dậy sớm nên khi Nadia cầm cốc nước chè từ bếp đi lên thì bà đã lên giường nằm.

- Lấy mứt trong tủ ấy!

- Con không thích.

- Lại còn thế nữa. Mày ốm rồi à?

Nadia không trả lời mẹ mà lại khoe:

- Có cái lá chè to tướng đang bơi...

- Lá chè à? - Bà mẹ hỏi lại. - Có nghĩa mày sắp nhận được quà rồi đó.

- Quà của mẹ ấy à?

- Chứ còn của ai nữa. Thứ mày thì ma nào có cần...

Khi Nadia uống xong thì mẹ cô đã ngủ. Nhìn thấy quyển “Cuộc nổi loạn” của Furmanov còn để mở, Nadia nhớ ra rằng em chưa đọc xong. Em cầm lấy quyển truyện rồi đặt hai tay lên bàn và cố gắng tập trung... Nhưng vô ích. Mắt đọc nhưng em không hiểu gì cả. Khuôn mặt trắng nhợt, hung dữ với đôi môi méo xệch của Valia hiện lên trong óc em...

Muốn cho khuây khỏa, Nadia bèn lấy chiếc hộp đựng ảnh ra xem. Trước kia đây là chiếc hộp đựng kẹo. Như em vẫn hay nói thích xem phim “một cách kinh khủng”, và không bỏ sót một phim mới nào. Em còn thu thập ảnh các diễn viên điện ảnh, mà điều này thì bà Maria Tvanovna không ưa một chút nào.

- Thế này là thế nào? - Bà mẹ lầu bầu, mỗi lần thấy Nadia mang chiếc ảnh mới về. - Sao con cứ mua những thứ dớ dẩn ấy cho phí tiền!

- Thôi đi, mẹ ơi, mẹ chả hiểu gì cả...

- Tao hiểu lắm chứ. Giá mày mua ảnh cảnh, ảnh hoa đẹp... Còn thứ này là gì?

- Đây là các diễn viên nổi tiếng.

- Ừ, thì có gì đẹp ở đây mà ngắm? Cũng mắt cũng mũi như mọi người. Chỉ được cái son phấn lắm. Mày xem môi gì mà đen ngòm thế này, còn lông mày thì nhổ trụi!

Giọng khinh bỉ của mẹ làm cô gái phật ý và em bắt đầu cãi rất hăng.

- Mẹ nói gì buồn cười vậy! Họ phải hóa trang để nhập vai đấy chứ. Mẹ là một con người kỳ quặc thế nào ấy, thật đấy! Phải có văn hóa một chút chứ. Lông mày lông mi ở đây có quan hệ gì. Nếu mẹ thấy họ diễn tuyệt vời như thế nào thì chắc là mê tít đi rồi...

- Hèn nào mà mày mê tít đi là phải.

- Con ấy à? Xin mẹ, mẹ đừng nói thế! Con thích họ như thích nghệ sĩ. Con yêu nghệ thuật, nhưng con chả “mê tít” đâu...

Thông thường những câu chuyện như thế không dẫn đến kết quả gì và ai vẫn giữ ý kiến nấy. Nadia bày ảnh các nghệ sĩ mà em thích lên bàn rồi ngắm nghía, nhưng trong lòng vẫn nặng trĩu.

Nhìn đôi môi đen, cái nhìn tự tin và hơi xấc xược của đôi mắt đánh thuốc, cặp lông mày quá đẹp, Nadia nghĩ rằng mẹ em nói cũng có phần đúng. Những chàng trai và cô gái đẹp như tranh này tồn tại ở một nơi nào đấy, ngoài cuộc sống thật và chắc là không hay biết gì về những chuyện phức tạp và đáng buồn đang xảy ra trên trái đất.

Bỏ ảnh vào hộp xong, em đi đi lại lại trong phòng nhưng vẫn không tìm thấy cho mình sự an ủi và việc làm nên em quyết định đi ngủ.

Khi cởi quần áo, Nadia để ý thấy đế giày đã mòn vẹt đi. Cô thở dài ngao ngán: “Tiền... lại cần tiền rồi... Phải xin mẹ tiền để mua quần áo hóa trang, bây giờ lại thêm giày nữa”. Em có đôi giày lễ nhưng mùa đông thì không đủ ấm, vả lại đi lúc này cũng tiếc.

- Nhưng nó đã chật thế nào ấy. Phải lấy ra đi thôi, - Em quyết định.

Tắt đèn xong chạy chân đất đến giường rồi Nadia trùm chăn kín cả người. Ánh trăng nhuộm rèm cửa sổ thành một màu xanh dìu dịu. Nadia rất thích nằm mơ về số phận của mình trước khi ngủ.

Cách đây không lâu em mơ rằng mình sẽ trở thành một nhà địa chất, đi đến một vùng xa xôi, chưa được khai phá của Liên Xô và phát hiện ra những mỏ than khổng lồ. Đến tối hôm sau thì em đã nghĩ về dầu hỏa, rồi đến những khoáng sản hiếm, và cuối cùng là mơ đến Uran. Năng lượng nguyên tử đã đưa em khỏi ước mơ trở thành nhà địa chất và em chuyển sang ngành vật lý. Song suy nghĩ một lúc Nadia cho rằng vật lý không phải là nghề của phụ nữ, nó khô khan và trừu tượng làm sao ấy. Lúc nào cũng chỉ có những công thức không linh hồn. Và thế là Nadia quyết định không nên gắn đời mình với ngành vật lý. Lại một lần nữa em chuyển sang nghề khác. Lúc này cũng những ngày đầu năm học Nadia quyết định trở thành kỹ sư điện ảnh. Nghề này thú vị hơn nhiều. Em sẽ được tận mắt mình nhìn thấy toàn bộ quá trình dựng một cuốn phim; sẽ làm quen với tất cả các diễn viên, đạo diễn. Những phát minh tuyệt vời của em, máy móc, thiết bị, trang bị sẽ làm thay đổi hẳn bộ mặt ngành điện ảnh và em nhất định sẽ nổi tiếng... Tất cả những gì còn lại đã chìm sâu trong bóng tối đầy lo âu và cũng đầy êm dịu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro