Tương Lai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thường nếu chiều trời mát, "xóm" mấy đứa tôi học trái buổi ra sớm, thể nào cũng đi đâu đó chơi đến tầm năm giờ. Nhưng tiết trời giữa tháng tư này thật oi nồng: đã bốn giờ hơn mà nắng vẫn bức như lửa đổ trên đầu. Thành thử ngán, tụi nó về hết cả. Chỉ còn mỗi Tú và tôi. Chán không muốn về nhà, mà ghét đi lông bông phơi nắng, hai tôi bèn ngồi lại quán trà sữa quen.

Phà lên, đoạn đường hẹp mé ngoài tấp nập xe rẽ vào. Trong quán, ông bà chủ chạy đôn chạy đáo lo đồ uống kịp cho mấy người ngồi chờ. Tiếng cười giỡn nhộn nhạo át tiếng nhạc hai thùng loa, không yên lấy một giây. Xôn xao ồn ào vậy mà vui, mà quen. Thong thả nhìn ra dòng người xe ngược xuôi đưa thoi, hai đứa, với hai ly trà sữa, vui vẻ ngồi chuyện phiếm. Về những bài vở, kiểm tra. Những chuyện nhảm, chuyện vặt. Những mớ lôi thôi trên mạng. Linh tinh. Chủ yếu là để câu giờ, muộn thật muộn mới về. Lẽ ra tôi không còn lý do gì nấn ná đây nữa, nhưng ở nhà, tôi không chịu được cái không khí buồn tẻ, nặng nề thường trực. Tú cũng không, bởi biết trước khi về cũng lại mấy lời ba mẹ nhiếc móc thậm tệ tát vào tai. Chẳng thà ngồi lại đây, dễ chịu thoải mái hơn hẳn.

"Ông chọn trường đại học chưa?" - Tú hỏi.

"Chọn lâu rồi, từ hồi trước bữa đi hướng nghiệp lận. Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn. Tui nói ba, bốn lần rồi đó."

"Nhớ chết liền!" - Tú gõ trán - "Ngành nào?"

"Ngôn ngữ Anh."

"Phiên dịch hả?"

"... Ừ," - Tôi ngần ngừ - "nhưng nói phiên dịch thì không đúng. Tại tui không có tự tin hay ngoại hình gì hết mà đứng nói trước đám đông. Tui chọn biên dịch, là dịch văn bản cho nó thoải mái. Vậy ông? Trường nào?"

Tú chìa điện thoại: "Mới nghĩ tới trường Tôn Đức Thắng. Tui tính theo thiết kế thời trang, mà nhìn coi học phí, mắc lè lưỡi."

Hai mươi triệu rưỡi một năm. Tôi lè lưỡi thật. Sực nhớ lời nhắc muôn thuở của bà con cô bác mỗi lần thấy ai sắp thi đại học: "Bây làm sao cũng ráng học mấy trường lớn, chừng nữa người ta nhìn vô cái bằng thấy yên tâm mới có cửa mà kiếm lương cao." Họ nói chứ không chịu nghĩ, cái gì cũng có giá của nó: trường càng lớn, càng danh tiếng, học phí càng phải cao. Mà tiền bạc bao giờ cũng bắt bí người ta, nhất là với dạng gia đình tầm trung như tôi. Đó là vấn đề nan giải nhất, ngang bằng chuyện khả năng học. Dù có quyết tâm mấy, dù chính tôi đã đinh ninh phải vô trường ấy từ lâu, nhưng tới vụ học phí, thì, tôi ngắc ngứ. Tiền đâu ra? Cha mẹ làm không nổi nữa, tự mình làm gì ra tiền? Học phí, nhà trọ, ăn uống, vặt vãnh này kia? Trong khi đất địa thành phố thứ gì cũng mắc gấp mấy lần ở quê, một ngày công quần quật chưa bằng một bữa xoàng trên thành. Tôi lo chết mất...

Tú gạt: "Để sau, lo thi trước đi. Nghề xong là giữa tháng tư. Ôn mấy tuần nữa thi học kì hai tới, sắp tiêu đời rồi!"

"Mau ghê vậy! Mới đây thi?" - Tôi giật mình.

"Chứ sao. Giữa tháng tư rồi má."

Bộ óc chậm chạp của tôi yếu ớt chống chế. Mới đây mà...? Tôi còn nhớ đầu năm, tôi rủ Tú với mấy đứa khác uống nước đằng Thuỷ Mộc, bà tám một trận vui phải biết. Rồi một hôm nào đấy giữa tháng mười, lần đầu tôi chạy xe máy đi học, mạch tim đập như trống nện ngang tai, lo lỡ cái xe tải nào "hốt" mình... Lần sơ kết điểm tháng chín mười, tôi vui như tết vì điểm trung bình cao. Rồi nhiều chuyện khác, khác nữa, vẫn vẹn nguyên và rõ nét như thể mới hôm qua thôi.

Phải không? Thời gian trôi nhanh như thế? Vậy gần hết lớp mười một rồi? Vậy tôi chỉ còn một năm ở trường này, với thời học sinh mười hai năm dài, với mấy đứa bạn thân thiết? Chỉ còn một năm nữa, tất cả đều kết thúc?

Bỗng, xốn xang. Nỗi xốn xang như hoá thành vật gì sắc nhọn cứa xước da thịt. Nhói rực. Theo từng vết xước, vô vàn kỷ niệm cũ ùa về choáng ngợp.

Tôi sống trong một xóm chán ngắt dưới huyện, nơi người ta có đi rụng chân cũng chỉ thấy hơn ba chục nóc nhà xưa với mấy con đường đất dài lằng ngoằng. Hồi còn nhỏ xíu, tầm mới lớp ba lớp bốn, lúc nào tôi cũng cầu trời cho mình lớn thật nhanh để được như ông anh hai đang học lớp mười. Sáng nào cũng vậy, ảnh sửa soạn áo xống gọn gàng, ba lô tướng tập sách xốc trên lưng, nhét túi tờ năm chục - món tiền tôi nhịn ăn hằng nửa tháng mới có - leo lên xe đạp điện đi học, trông oai như thể sắp bay vào vũ trụ...! Mỗi bữa về lại bắt đầu tiết mục kể chuyện lớp: này cô chủ nhiệm khó, đám bạn khùng điên ba trợn, thằng kia bị bắt quả tang xem "phao", hai đứa giành giựt hạng nhất chọi nhau chan chát... Không biết chuyện thật có thế không, hay ảnh thêm mắm dặm muối gì mà kịch tích đậm chất phim Ấn Độ! Tối, anh giở cuốn tập dày bệt lầm bầm học bài. Chẳng thế, lâu lâu thấy tôi lởn vởn sau lưng, ảnh bèn "khè" bằng cách đem mấy công thức lý hoá trên trời dưới đất ra, dí mặt tôi mà hỏi có biết không! Hiển nhiên không biết, tôi gãi đầu cười, ảnh tương vào: "Bài này khó lắm! Mai mốt học tới là điên đầu!". Có lúc ảnh cầm xấp giấy A4 học, gọi là "tài liệu", như thể người lớn đọc công văn, tôi hâm mộ gần chết! Tiểu học mà, bài vở chỉ toàn trong tập, tánh tôi con nít cứ đua đòi được giống vậy hoài. Mà nay quen, mỗi lần thấy "tài liệu" thì lại cảm giác như có con thằn lằn bò ngược lên họng!

Thừa biết tôi ghét cái xóm vắng tanh nhà mình, anh hai đâm ra khoái chọc tức tôi. Anh cứ miêu tả tường tận chỗ mình học, Cầu Bắc, nào sầm uất, nào vui như tết, nào quà bánh đầy đường muốn gì mua nấy. Tôi ức không chịu được. Lúc ấy còn nhỏ, ba mẹ nghiêm khắc nên việc có thể xách xe hiên ngang ra cổng nói "con đi chơi!" là quá xa xỉ. Bởi vậy, mặc anh vẫn doạ mẻ răng điệp khúc "lớp lớn học ngày chín tiết mệt lắm!", tôi vẫn cứ nôn nóng chờ mong không thôi ngày mình lên lớp mười, có quyền tự do đây đó mà đi.

Rồi ngày này cũng đến! Sau hơn năm năm chờ đợi, một tháng ôn tập hè ác mộng, thêm đợt thi chuyển cấp căng như dây đàn, cuối cùng, tôi đậu trường này với số điểm tàm tạm, 35. Lúc tìm thấy mình trong ba mươi chín cái tên của lớp 10AV, tôi sửng sốt không thể nói nên lời. Theo cùng là cảm giác tự hào không giấu được! Tôi? Học sinh một lớp đặc biệt trong trường? Rồi tôi sẽ học chương trình tiếng Anh mới? Rồi tôi sẽ ở trong một lớp toàn người giỏi anh văn? Trong lớp này có gì khác biệt? Ba năm sắp tới này sẽ có gì đáng nhớ? Tôi tự hỏi mình hàng nghìn lần, tự suy tưởng hàng nghìn chuyện, cơ man là điều dồn dập trong trí óc. Càng gần ngày khai trường, tôi càng phấn khích ran người!

Lên lớp mười thật là một bước ngoặt lớn đối với tôi. Theo thời gian, tôi nhận ra bản thân mình đã đổi thay rất nhiều. Có lẽ trước nhất phải kể đến bạn bè. Tôi rụt rè, nhưng bị đồ là khó gần. Thành thử, suốt một thời từ tiểu học đến trung học, số bạn tôi quen chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gần như là hiển nhiên nếu thấy tôi một mình ngồi một bàn, một góc lớp, vắng tôi trong một cuộc vui. Bỗng lên lớp mười, vừa buổi học đầu tôi đã quen ngay tổ mình. Tuần kế tiếp đã nhớ gần hết tên bạn học trong lớp. Không biết từ bao giờ tôi vui vẻ cởi mở hơn hẳn, thậm chí nhiệt tình đến bắt chuyện trước người ta. Mới đầu thân với vài người, dần nhiều thành "xóm". Và "xóm" chúng tôi càng thân thiết nhau hơn. Biết bao kỷ niệm khó quên từ ấy tới nay. Giờ ra chơi mua bánh tráng, cả làng tụ lại ăn, rôm rả chém gió quên đời. Giờ trống tiết lang thang căn-tin ăn hàng. Sinh nhật bạn, mở "party" bên Nắng Mới. Rảnh rảnh rủ nhau đi chơi. Mấy lúc làm bài không được, dáo dác hỏi nhau bài này nọ kia... Nhiều lắm, không sao kể hết. Nhưng chắc chắn rằng tôi sẽ khắc ghi tất thảy, vì tất thảy đều quý giá.

Một điều đổi thay nữa mà khi nhìn lại, tôi vẫn chưa tin là thật: tôi tích cực hơn. Hễ khi nào cảm thấy cơ hội tốt đang đến gần, tôi liền xung phong không ngần ngại. Tôi nghĩ thể nào cũng có người cười bảo bình thường. Với tôi - không, nhất là khi nếu đem bản thân tôi ngày xưa với ngày nay so lại. Ngày xưa tôi thế nào? Một đứa học sinh mà đến bạn bè trước mặt cũng khó nói chuyện, thì nghĩ làm chi đến chủ động phát biểu trong lớp, trước nhiều ánh mắt đổ về mình? Xung phong là một chuyện hết sức khổ sở, vì lo mình diễn đạt dở tệ, lúng túng nói năng hàm hồ thì không hơn gì một trò cười; thụ động miết thì điểm số rã rạc, thua sút. Bao giờ muốn xung phong, mấy câu hỏi nhàm chán lại xoay lần vần: "Trả lời sai thì sao?", "Đủ sức trả lời không?", "Trả lời chắc đúng không?",... Mỗi lần lỡ để một cơ hội trôi tuột đi, hai chữ "giá như" liên tục trở đi trở lại trong đầu đến phát điên chết mất. Cho nên vào lớp mười, tôi quyết tâm rằng không rụt rè như thế nữa. Bước đầu tôi tự trấn an: xung phong chỉ có một việc là giơ tay. Giơ tay lên rồi, bức tường dày ngăn mình sẽ lập tức sụp đổ, và còn lại, việc bày tỏ ý kiến hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng bản thân. Kỳ thực khả năng diễn đạt của tôi không quá tệ như đã nghĩ - sau một vài lần phát biểu, tôi thấy - chỉ là bị thói rụt rè chôn vùi mất. Biết được khả năng bản thân, tôi như được khích lệ, phát biểu xây dựng bài nhiều hơn nữa. Càng ngày quen xung phong, bản tính rụt rè vốn ăn sâu trong tôi đã tiêu biến tự lúc nào, kết quả học tập cũng tốt dần lên. Giờ tôi đã lận lưng một chút tự tin, đủ để đứng dậy trả lời và chứng minh kiến thức của mình.

Nếu sự thay đổi của bản thân là khuôn giấy, bạn bè là nét chì phác họa, thì thầy cô chính là muôn ngàn sắc màu tươi đẹp điểm lên bức tranh kỷ niệm của tôi. Mỗi người một vẻ. Có người hài hước vui nhộn, thể nào đến tiết cũng kể chuyện cười lăn lộn. Có người nghiêm khắc, đòi hỏi phải tiếp thu đàng hoàng. Nhưng sau tất cả, tình cảm là điều không thể nào che giấu. Dẫu là ai, sau này mỗi khi chia xa cũng lưu lại trong tôi ít nhiều lưu luyến. Năm nay lên mười một, thi thoảng gặp lại thầy cô cũ trên hành lang, cầu thang, một góc sân nào, tôi chào hỏi. Nếu họ còn nhớ tên tôi, đấy là niềm vui nho nhỏ giữa khoảng khắc vội vã trong ngày.

Và hiển nhiên nếu quên nhắc đến ngôi trường này, thật là một thiếu sót lớn. Tôi còn nhớ ấn tượng đầu tiên đến đây là hồi thi tuyển. Mặc dù lòng còn căng thẳng thi cử không ngớt, tôi vẫn choáng ngợp: trường đẹp quá! Một năm qua rồi, trong mắt tôi, cảnh vật ấy không những không hề nhạt phai, mà mỗi lúc lại thấm vào lòng tôi thêm một chút. Cảnh vật không có tên. Nhưng với tôi, không có nơi nào là vô danh. Tôi sẽ nhớ, sẽ gọi tên chúng bằng những kỉ niệm mình từng có. Xa rồi, tôi sẽ nhớ lắm đoạn hành lang quen thuộc dẫn tới lớp mỗi ngày tôi vẫn đi; những băng ghế đá tôi vẫn ngồi thảnh thơi chuyện gẫu với bạn bè; cái nhà xe mỗi giờ ra về vẫn bát nháo "Chìa khóa, thẻ xe đâu rồi?'', "Xe dựng chỗ nào quên rồi?"; hai căn-tin đầy ních những món quà vặt tôi thích...

Tình cảm, từng giọt, từng giọt ngưng đọng, tích thành dòng kỷ niệm. Năm sau và nhiều năm sau nữa khi đã xa nơi này, nó vẫn như dòng máu chảy trong tôi, tận đến ngày trút hơi thở cuối cùng. Nghĩ đến lúc tạm biệt bạn bè, mỗi người một phương không biết bao giờ gặp lại; nghĩ đến khi tạm biệt nơi này, không biết bao giờ trở về; nỗi xốn xang càng cồn lên dữ dội. Sẽ chẳng còn và chẳng bao giờ còn cơ hội quay về quãng thời gian vô tư này nữa. Tuổi học sinh chỉ có một lần trong đời, hiện tại nó đang trôi đi - tôi chỉ còn vài tuần cuối này và năm lớp mười hai bộn bề sắp tới. Nghĩ vậy, thật tình thời gian trôi nhanh lắm. Chẳng mấy chốc nhìn lại mới giật mình: mọi sự đã kết thúc tự khi nào không hay...

Thấy tôi im ru hoá đá, Tú nghiêng đầu nhìn: "Còn sống không?"

Tôi, không đáp, vô thức lẩm bẩm như cái máy: "Sắp hết lớp mười một rồi..."

* * *

Tôi nhìn đăm đăm phiếu liên lạc của mình. Quá tệ. Quá sức tệ hại! Kẹp tờ giấy vô cuốn tập, tôi chán nản gục mặt xuống bàn.

Tám phẩy một, số điểm thấp nhất trước nay. Hạng hai mươi, thứ hạng thấp nhất tôi từng có. Loại khá đã liên tiếp hai lần, tháng rồi và tháng này. Còn gì tệ hại hơn nữa không? Trước giờ, tôi vẫn đinh ninh lấy loại giỏi là chuyện dễ dàng. Hầu như tôi không sợ gì khác ngoài thể dục. Nhưng giờ, hóa vừa đánh gục tôi. Không chỉ một lần mà là hai.

Bứt rứt khôn tả, tôi đem tờ phiếu tháng trước và tháng này so lại. Hóa, từ 6.3 xuống 5.2, thấp không thể tin được. Từ dạo chuyển qua chương mới, tôi đã bắt đầu thấy không ổn: quá nhiều kiến thức. Bài kiểm tra mười lăm phút đầu tiên tôi chỉ được 5 điểm. Các bài tiếp theo không khá hơn, dao động chỉ trong mức ấy. Phát bài ra, tôi còn có thể cười trừ, "Không dưới trung bình là may!", chừng nhìn lại kết quả cuối cùng, tôi thất vọng. Toán và văn đã đủ điểm, thì dù điểm bình quân có thấp, ít ra vẫn được loại giỏi. Nhưng loại giỏi cũng tuột mất. Tôi thừa nhận mình chưa từng có khi nào tuột dốc hơn khi này.

Lo lắng đến thừ người, bạn gọi tôi xáo xác cũng không nghe.

* * *

Từ hồi anh tôi đi thành phố, nhà còn lại ba người, thì bữa cơm tối nào cũng uể oải và lặng lẽ như nhau. Không ai biết nói với ai những gì. Nhiều khi, chỉ còn tiếng chén đũa chạm lanh canh, khô khốc. Không khí vẫn chưa đến đỗi quá nặng nề nếu độ hơn tháng nay, ba tôi không bị mấy thứ bệnh cũ quay lại hành hạ. Chứng thoát vị đĩa đệm khiến ông đau nhức không phút nào yên. Chứng dạ dày quái ác hại ông nôn ói đau bụng liên miên. Có khi sỏi thận tái phát, ông đau oằn mình, nói không ra lời. Mẹ bất đắc dĩ phải nghỉ bán quán cơm - nghề duy nhất của cả nhà - vì ba không có sức làm gì nữa. Bây giờ chỉ còn trông vào đồng lương của anh trên thành phố, vừa trang trải chi tiêu vừa lo thuốc thang cho ba. Mẹ khổ sở, buồn rầu vì tiền bạc trong nhà mỗi lúc một vơi, vậy nhưng mỗi ngày vẫn phải nghe mấy lời ba chửi rủa trách móc cuộc đời mỗi lúc bệnh tới, bà càng bức bách, chán ghét.

Tối này, bà không thể chịu đựng được nữa.

Chạng vạng lúc mẹ chuẩn bị đi mua đồ, vu vơ ba nói muốn ăn bún riêu. Nên thay vì chỉ đạp xe một đoạn ngắn ra tiệm tạp hoá, mẹ phải mượn xe máy tôi lên chợ mua. Chừng bưng tô bún ra, ba lừ mắt như nhìn cái gì phiền phức lắm, mẹ giục mới miễn cưỡng cầm đũa. Ông ăn như mèo, khi gắp một cọng rau, lúc húp một muỗng súp. Uể oải. Lát sau ông lắc đầu rằng ăn không nổi nữa, dù chưa được mấy đũa. Mẹ nài thế nào cũng không ăn thêm mà bỏ ra võng nằm. Bà nén giận ăn tiếp, thì bỗng:

"Trời ơi! Chết đâu chết phứt cho rồi..."

Bệnh trở, ông kêu than. Mẹ sẵn ấm ức, gắt vọng ra:

"Bị sao? Bao tử nữa chứ gì?"

Ông đáp lời bằng tiếng kêu trời nữa. Mẹ dập đũa xuống bàn đánh thình, xăm xăm ra ngoài võng chỉ tận vào mặt ông mà gắt:

"Thứ ông ngu thì đi chết cũng không ai uổng! Thuở đời nay không chịu ăn uống gì hết, cho bao tử càng bịnh càng yếu, rồi đau, rồi than, rồi la!"

"Mới thấy đồ ăn là ngán lên họng rồi, ăn uống gì nổi!"

Ba cáu kỉnh gạt phăng tay mẹ ra. Ông ghét bị chỉ vào mặt.

"Không ăn cũng phải ráng ăn vô! Đã bị bao tử còn để bụng đói hả? Muốn viêm rồi cho loét luôn chứ gì!"

"Chứ nuốt không vô rồi thì tính sao nữa!"

"Ờ, vậy ông không ăn được thì cũng kệ ông, mà có đâu còn đày đoạ tui? Tự nhiên nói muốn ăn bún, tui phải lội lên kia mua về cho. Rồi bây giờ nói không ăn là không ăn! Tiền bạc nhà này dư thừa quá hả? Tui trong nhà này làm tới làm lui vậy mà rảnh quá hả? Ông..."

Ba ngắt lời: "Thì nói vậy chứ có đòi ai đi mua chưa!"

"Ăn cháo đá bát!" - Mẹ tức uất người - "Ông bệnh thì tui vui vẻ lắm sao! Bị lo ông không ăn uống được nên ông nói thèm gì tui mới mắc công đi mua liền. Có dè đâu ông khốn nạn vầy! Thề là từ rày về sau đừng bao giờ nói câu thèm này thèm kia với tui nữa. Cho chết đói!"

"Đã nói cái bao tử nó hành tao không ăn uống nổi, chứ có muốn bỏ mứa gì? Nói tới nói lui hoài mày không nghe thì thôi mày dồn đồ ăn vô họng tao luôn đi cho no? Dồn giùm cái?"

"Được vậy hả? Được vậy cũng làm liền!" - Mẹ hậm hực về bếp - "Đời trước tao giết người cướp của ai hay gì mà khổ não vầy! Có thứ chồng, đã bệnh hoạn không biết chết giấc nào mà còn lì lợm!"

Mẹ đưa chén cơm lên chực và, nhưng thất vọng buông xuống, đoạn kiên quyết trút phần cơm thừa trong chén mình vô tô bún còn nguyên của ba, đem đổ bỏ tất.

"Mai mốt tao với mày ăn riêng, không bao giờ ngồi chung một bàn với ổng nữa. Không thôi, tao nóng tao giết ổng có ngày."

Tôi lặng thinh ăn qua quýt cho xong, dọn chén bát xuống sàn rửa. Mẹ chắt thuốc trong siêu ra chén, để nguội chút đưa ba uống.

"Đời tao chưa thấy ai như ông già mày... cứng đầu cứng cổ. Quán dẹp rồi chỉ còn ăn với uống thuốc cũng không xong! Bệnh tình riết hết biết đường lo, thuốc thành phố uống không được, cả triệu bạc coi như bỏ. Chuyển qua uống thuốc nam cũng chưa biết sao. Mà sáu chục ngàn một thang! Trong khi nhà không có tiền. Nếu mà mở quán lại, một mình tao sức đâu tự nấu cơm, chạy bàn, dọn dẹp...? Không làm thì chết đói có ngày. Anh mày lương bổng bao nhiêu cũng sớt gần hết gửi về. Trên thành phố cái giống gì cũng mắc, có biết nó đủ sống không?" - Giọng mẹ khàn đục - "Bây giờ làm gì con ơi... làm gì...? Tiền để dành thì lấy trả tiền thuốc cho ổng hết hơn phân nửa rồi. Cái xe kia tao bán, giờ muốn đi đâu phải mượn xe. Còn mấy thứ trang sức chắc cũng cầm sớm thôi. Được đồng nào hay đồng nấy..."

Mẹ lạc giọng, lặng thinh một hồi.

"Phải chi nhà mình nghèo mà ba mày còn khoẻ mạnh cũng đâu tới nỗi nào. Đúng càng già càng vô dụng...! Tao hối hận hồi đó sanh mày với anh mày muộn quá. Giờ nó mới tập tành ra xã hội, tiền bạc chưa lận lưng một cắc. Hai đứa bây chưa nên thân mà tao với ổng già yếu, sống nay chết mai...! Lỡ... có ngày tao với ổng chết... không biết tính sao... Chỉ còn biết cầu trời phù hộ cứu vớt nhà mình. Kiếp sau có làm trâu làm ngựa bị đày đọa gì cũng được. Mong ổng khỏe lên chút mở lại quán, nuôi mày chừng nữa hết bốn năm đại học. Ráng học con ơi... Đừng như tao với ổng, cả đời dốt nát làm lụng luôn canh. Anh mày học hành bê bết cũng phải làm công nhân. Nó khỏe mạnh không nói gì, mà thân mày ốm yếu chỉ đủ sức đi đường học. Phải học cho giỏi, sau này có công danh sự nghiệp đàng... đàng hoàng..."

Mẹ ngừng hẳn. Gian bếp chỉ còn tiếng khóc nghẹn ngào. Lồng ngực tôi nhói đau. Đáy mắt nhoè hơi nước.

Tôi nghe ra bao nhiêu hy vọng trong giọng nói khi mẹ nhắc về việc học của tôi. Từ bấy lâu nay trong mắt mẹ, tôi vẫn là đứa con ngoan, giỏi giang. Bà chưa từng hoài nghi kết quả học tập của tôi dù chỉ một lần. Bà luôn hãnh diện khoe cô bác rằng tôi học rất giỏi. Bà đặt kỳ vọng vào tôi rất nhiều, quá nhiều so với thực lực của tôi. Bà cho rằng tôi là điểm sáng, là người sau này mang danh dự về cho gia đình. Bà xem tôi là mỏm đá duy nhất có thể bấu víu vào trước khi ngã xuống vực thẳm.

Bà đâu hề biết rằng tôi đang sa sút thảm hại, như chiếc xe hỏng phanh tuột trên con dốc đứng.

Từng lời nói mẹ mang hy vọng bao nhiêu, lòng tôi thêm nặng bấy nhiêu. Tôi xót xa quay lại nhìn. Mẹ quá đau đớn, buồn tủi, ngồi xệp xuống sàn, nghẹn khóc. Thoáng tôi thấy tay áo khoác bạc màu ướt nhàu nước mắt.

* * *

Tôi gõ tên và số báo danh của mình lên một trang tra cứu điểm thi đại học. Tôi được 22 điểm. Điểm chuẩn trường ấy là 25. Tôi trượt đại học. Trượt thật rồi.

Mẹ không thể khóc một tiếng nào nữa, không thể oán thương một lời nào nữa. Cái uất ức, cái tuyệt vọng đã chặn nghẹn. Ba đăm đăm nhìn thẳng tôi, đáy mắt sâu hằn mệt mỏi. Đoạn lặng lẽ đi theo sau lưng mẹ, không buồn nhìn tôi nữa. Hai bóng lưng gầy gò dần chìm khuất trong bóng tối. Im lặng. Im lặng nghẹt thở.

Bỗng bừng dậy, bàng hoàng. Mi mắt bật tung hối hả kéo tôi về thực tại.

Tôi mơ đúng không? Chỉ là mơ đúng không? Nhưng sao chân thực quá? Vì sao tôi có cảm giác mình vừa trải qua chuyện này?

Không thể ngủ được nữa, tôi trở dậy nhích ra mép giường. Đã quá nửa đêm. Bóng tối đặc quánh bao trùm. Hơi lạnh trời đêm xoa dịu trí óc tôi. Tôi dần tỉnh táo lại.

Ừ, chỉ là mơ, đúng rồi, chỉ là mơ. Một giấc mơ khiếp hãi tột cùng.

Còn khiếp hãi hơn cả xui xẻo rủi ro, tai nạn thảm khốc, bệnh tật quằn quại, ấy là thất bại. Đối với người khác mà nói, "thất bại là mẹ thành công". Nhưng tôi không còn tâm trạng nào mà tự an ủi như thế: hoàn cảnh không bao giờ cho phép tôi thất bại thêm một lần nữa. Chỉ con đường học mới cứu được tôi. Học là việc bắt buộc phải tiếp thu, tiếp thu để có hành trang kiến thức. Nếu hành trang không vững vàng, sớm muộn phải có ngày sụp đổ!

Đã ý thức như thế, sao giờ tôi sa sút?

Bởi môn hóa quá khó chăng? Không, tôi không muốn và cũng không có tư cách đổ lỗi cho hóa, cho may rủi, hay cho điểm số. Chung quy vì tôi không chịu học bài trong khi kiến thức càng lúc dâng cao đến không ngoi theo kịp. Nỗi hối hận điên cuồng giằng xé tôi. Đây chỉ là việc học. Tôi chỉ có việc học. Và gia đình cũng không bắt tôi làm gì nặng nhọc tới mức không thể học. Ba mẹ có buôn gánh bán bưng cực khổ vẫn cắn răng tự làm, đâu hề sai khiến tôi phải thức khuya dậy sớm đỡ đần. Tôi đã phụ lòng họ. Tôi đã là một con người lười biếng tệ hại kể từ khi còn được bảo bọc trong vòng tay gia đình. Vậy sau này, tôi sẽ ra sao? Làm sao tôi chịu được sự hà khắc xã hội mai này? Bước ra khỏi cổng trường, con đường đời đã trải ra ngay trước mắt. Khi ấy đã trưởng thành, thì dù muốn hay không, vẫn phải bước đi. Từ đây đến cuối cuộc đời, con đường dài đầy chông gai gió bụi, mình phải tự vượt qua, tự chịu trách nhiệm. Không còn ai dìu dắt, chở che nữa. Bạn bè không còn đơn thuần, chân thành, mà ngấm ngầm mưu lợi; càng thân thiết càng dễ phần bán đứng nhau. Mọi sự quy hết về chữ "tiền". Muốn có tiền phải giành vị trí tốt. Muốn ngoi lên phải dìm ai đó xuống. Kẻ ngây ngô khờ khạo bị nuốt chửng trước tiên. Muốn mình vững vàng phải nỗ lực bằng cả bản thân. Nỗ lực, nỗ lực... Đến chừng kiệt sức, ngã quỵ, người ta không những không quan tâm mà còn xem mình như con kiến, giẫm đạp lên tiếp tục đi. Như thế... Như thế mãi... Tiền bạc, việc làm. Đam mê, nghĩa vụ. Tình cảm, gia đình. Người thân, bạn bè. Ganh đua, nhường nhịn. Thành tích, áp lực. Sợ hãi, cô đơn. Thất bại, đớn đau. Hy vọng, tuyệt vọng. Xế chiều, bệnh tật. Sống và chết. Tôi, tôi sẽ và chắc chắn phải rơi vào vòng xoáy vô hạn tuần hoàn này.

Sẽ chẳng có gì đáng lo, nữa là phấn khích nếu con người tôi đủ tự tin, mạnh mẽ, nhiệt huyết. Nhưng không. Tôi đang lo và rất lo. Bởi đã từ lâu tôi nhận ra bản thân mình gần như là con số không: không tài năng, không ngoại hình, không ứng xử. Mà ngoại hình, có lẽ là thứ sẽ cản trở gần hết cuộc đời tôi sau này. Người ta bảo ngoại hình không quan trọng - lời sáo rỗng chỉ như tấm lụa, mát mịn dịu dàng mà trôi tuột đi, vô nghĩa, vô lực. Có ngoại hình đồng nghĩa được ưu ái, thì con người ấy dù có tài hay không, chắc chắn đường đời vẫn bằng phẳng hơn người khác.

Tôi vùi mặt vào lòng bàn tay. Bàn tay lần lên mái tóc, nắm nghiến lại. Đau đớn. Chỉ có cảm giác đau đớn mới giữ tôi tỉnh táo mà không bật khóc. Nhưng tôi không đủ sức chịu được nữa: đã giữa đêm, một mình, bừng tỉnh sau cơn ác mộng; nghĩ về nỗi sợ, áp lực, thất bại; nghĩ về viễn cảnh ảm đạm. Còn gì khó chịu hơn? Còn gì? Mọi cảm giác sợ hãi, mơ hồ, bức bách, tuyệt vọng, căm giận... đột ngột tràn về, bủa vây lấy cái hồn đang dần vụn vỡ. Không thể chịu đựng được nữa, tôi đành nghiến răng kìm tiếng nức nở chực bật ra, xiết chặt bàn tay chặn miệng, người run rẩy từng hồi...

* * *

Sáng chủ nhật này tôi không nằm dài ngủ tận trưa nữa. Đúng sáu giờ rưỡi dậy, bắt đầu ôn bài hóa. Tôi học bài lại, làm bài tập cho vững, lên mạng xem thêm phần chưa hiểu. Hóa xong, còn nhiều môn khác nữa, tôi phải lo bằng hết. Trước nhất tôi có nhiệm vụ hoàn thành thật tốt lần thi cuối học kỳ hai này.

Tôi gạo bài mà đầu óc rền rĩ xin thôi mãi. Đọc bài, chữ nào cũng giống chữ nào... Nhưng mệt mỏi mấy vẫn phải cố gắng thôi. Cố gỡ gạc chút đỉnh cho cuối năm nay, ba mẹ yên lòng đôi chút.

Trưa, mẹ dặn tôi dọn dẹp nhà kho. Đang lặn ngụp giữa mớ đồ vấy bụi, chợt tôi nhận ra một vật quen thuộc. Là lọ thuỷ tinh xếp đầy hạc, sao giấy và đạn dưới một lớp kim tuyến vàng óng, của anh tặng hồi tôi thi tuyển lớp mười, rất đẹp. Lúc ấy tôi nâng niu lắm, nhưng để trên bàn học qua mấy lần suýt làm rớt bể, tôi trưng chỗ khác. Mẹ thấy choán chỗ bèn dọn xuống kho. Tính tôi mau quên, một thời gian không thấy thì quên hẳn. Giờ còn tưởng chưa từng có món quà này.

Đêm trước thi, anh mua một bọc đầy đạn về chất vô lọ sao và hạc giấy đã làm xong từ lâu, rải thêm kim tuyến rồi đem tặng trước lúc tôi chui vô mùng ngủ sớm.

"Mai thi tốt, mày. Ráng học thiệt giỏi kiếm tiền nuôi tao!"

Anh đùa, nửa vui nửa buồn, trong lời nói đọng đầy nuối tiếc. Nuối tiếc vì mười hai năm của anh trôi qua trong vô dụng, không cố gắng hết mình. Anh tốt nghiệp loại trung bình nên hầu như không thiết tha đại học nữa. Sẵn sức khoẻ, anh quyết định làm công nhân hơn là tốn thêm tiền cao đẳng, nghề. Anh bảo sở dĩ anh học tệ, thứ nhất vì tố chất. Anh dùng lý do này biện hộ cho mình suốt thời đi học. Chừng tốt nghiệp, phiền muộn phân vân giữa ngã ba đường, anh đưa ra lý do thứ hai: không có ước mơ. "Nhưng ai không có ước mơ? Ít nhiều gì cũng có. Bộ xưa giờ anh chưa từng mơ mòng gì hết?" - tôi phản đối. "Thì có mơ làm bác sĩ, lớn lên chút muốn làm kĩ sư xây dựng. Nhưng mấy đó có dành cho hạng tầm thường như mình đâu! Tao mơ xa quá nên cứ ráng nằm mơ cho tới hoài, cái học dốt như me...". Ra anh vẫn có ước mơ, nhưng không rõ ràng, và nữa cũng không có ý chí biến nó thành hiện thực. Mà, có ước mơ nào là cao đến xa vời đâu? Anh ước giàu sang, cũng là một ước mơ. Con người có thể làm giàu không? Có. Ước như thế, có khả năng không? Có! Trừ khi anh ước không thở cũng sống được, không học cũng thành tài, không làm cũng có của ăn của để... thì hoàn toàn viển vông, không có cơ sở. Còn như ước làm bác sĩ, kĩ sư? Không ai muốn làm bác sĩ, kĩ sư, thì phải chăng người ta bệnh, nằm chờ chết; phải chăng người ta không có nhà, đào cái hang ở? Phàm, hễ ước mơ có khả năng thành hiện thực, thì không ai không được phép mơ. Có thành hiện thực hay không, tất cả đều tuỳ thuộc vào sự cố gắng từ chính người ấy.

Tôi đem tất cả điều này nói ra vào cái ngày trước lúc anh lên thành phố. Anh buồn buồn: "Đùa vậy chứ cũng đâu hứng thú kĩ sư kĩ ơ gì. Phải chi tao có ước mơ thật thì đâu bị vầy. Hồi nhỏ còn chê mấy ông phụ hồ trong xóm, giờ thân tao đâu hơn mấy ổng bao nhiêu... Có mày để ý anh văn thì còn biết đường đi. Tao thì không. Bởi vậy nhớ, học đừng có lơ là, không tao đập banh xác. Ở nhà học giỏi à nghe!"

Cẩn thận lau sạch bụi bằng khăn ướt, cái lọ lại mới như nguyên. Dưới nắng hè chói gắt, kim tuyến li ti loé lên vui mắt. Vừa tìm ra một vật tưởng chừng đã mất, nhớ lại chuyện cũ, đơn giản vậy mà lòng tôi nghe ấm áp lạ thường, như ngọn lửa ai vừa nhen. Chợt tôi thấy, người ta sẽ hạnh phúc không sao tả được khi bất ngờ gặp niềm vui giữa lúc mệt mỏi chán chường. Dù niềm vui mảnh nhỏ như sợi chỉ cũng hoá thành bản đàn hy vọng, thanh vang khắp chốn lặng thinh tịch mịch.

Tôi vui vì điều gì? Tôi vui vì có ước mơ, vui vì đã rõ con đường mình sắp cất bước.

Ước mơ của tôi là tiếng Anh và tự do viết lách.

Con đường tôi sẽ đi mang tên dịch thuật.

Khát khao lớn nhất đời tôi là viết ra một cuốn sách hay.

Những điều ấy như những bàn tay nhẹ vỗ vai khi tôi kiệt sức. Đúng vậy, tôi có cái để phấn đấu, có mục tiêu cần phải đạt. Giờ tôi không còn thời gian bi quan mà phải cố gắng. Cố gắng để có tương lai tươi đẹp. Mặc dù bản thân còn quá nhiều khiếm khuyết, nhưng thời gian sẽ dần gột giũa tôi. Nếu có năng lực, tôi không phải cúi đầu tự ti làm chi nữa!

Tương lai là một khái niệm rộng lớn. Không ai có thể định nghĩa, dự đoán, hay khái quát. Chỉ có thể trả lời. Và chính tương lai sẽ trả lời. Câu trả lời lại hoàn toàn tuỳ thuộc vào bản thân mình, hôm nay. Vậy nên, còn lý do gì mà không cố gắng, từ ngay bây giờ?

Một câu nói của giáo sư Nguyễn Ngọc Ký thoáng qua trong tôi: "Không có gì ngày mai không đạt được, nếu hôm nay ta biết học hết mình."

Kim tuyến ánh vàng, như chính tia sáng hy vọng vừa lóe lên trong tôi.

Vũ Khải.
Ngày 12 tháng 5 năm 2018.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro