Chiếc lược ngà

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đề bài: Đóng vai bé Thu kể lại truyện "Chiếc lược ngà" (có sử dụng yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận)

Lưu ý:

- Bài viết hoàn toàn mang tính chất tham khảo.

- Nếu mà có gì đó khác với cách giảng dạy, hướng dẫn của giáo viên trường mọi người thì tốt nhất là làm theo ý của họ. 

- Bắt buộc dùng xưng hô (trong những đoạn hội thoại) theo tiếng địa phương: ba - má.

- Độ dài: 3890 chữ - tương đương 4,5 đến 5 đôi giấy kiểm tra (giấy vở bình thường, dựa trên cỡ chữ vừa vừa của tớ).

Bài làm

     Thu là một trong bốn mùa của thiên nhiên vũ trụ, là một mùa lãng mạn, trữ tình với bầu trời xanh, mặt hồ trong vắt và có lá vàng rơi khắp ngõ. "Thu" đến là khi tiết trời lành lạnh, tinh tế gieo rắc vào lòng người nhiều cảm xúc bâng khuâng, hoài cảm nhất. Khi đặt tên cho tôi, ba mẹ cũng nghĩ đến những ý nghĩa đẹp đẽ, thanh lịch ấy - cô bé kháu khỉnh vừa chào đời với ước muốn của mọi người sẽ mang một tương lai yên bình, an lành. Mùa thu mang những kỷ niệm mãi không bao giờ quên và bản thân tôi cũng từng ngày ấp ủ dòng hồi ức đong đầy – hồi ức về người ba đáng kính và chiếc lược ngà nhỏ xinh tràn ngập nỗi thương nỗi nhớ.

      Trở về đơn vị với các anh em đồng chí sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi lấy từ trong túi áo xanh rêu đã bạc màu một chiếc lược làm từ ngà. Tôi giữ nó trong lòng bàn tay, mân mê, ngắm nghía mãi mới khiến lòng nhẹ nhõm một phần. Chuyện là khi đi dẫn đoàn cán bộ vượt qua con suối, tôi ngã nên làm rơi chiếc lược gắn liền bên mình ra ngoài. May mắn là anh cán bộ bên cạnh kịp thời phát hiện và nhặt giúp, không thì khi trở về tôi sẽ đau khổ và dằn vặt lắm. Đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu như thế, khó mà có thể quay lại để tìm kiếm đồ vật thất lạc. Tôi thở phào rồi đứng lên tìm đến ba lô của mình rồi cất chiếc lược vào một ngăn nhỏ bên trong để sau đó cùng sinh hoạt cùng các đồng chí trong đơn vị. Người bạn của tôi hỏi rằng vật dụng để chải tóc ấy có gì mà quan trọng đến thế. Tôi chỉ biết mỉm cười nhẹ và đáp rằng: "Chiếc lược như thay ba ở bên tôi và tiếp động lực cho tôi từng ngày". Đúng vậy, chiếc lược nhỏ bé tuy thô sơ nhưng được tôi cất giữ cẩn thận, kỹ càng bởi nó chính là món quà vô giá của cuộc đời tôi. Ngậm ngùi nhìn món quà ấy và lắng nghe câu hỏi vô tình của người bạn, trí óc tôi lại kéo về hàng loạt những hình ảnh kỷ niệm lần cuối cùng tôi được ở bên ba tựa một thước phim dài. Câu chuyện ấy có lẽ đến khi tôi đầu bạc vẫn không thể nào phai nhòa trong ký ức của tôi – một câu chuyện để tôi tưởng nhớ về người ba đáng kính vô cùng.

      Còn nhớ, nhà tôi khi đó ở gần vùng cửa kênh nhỏ đổ ra sông Cửu Long. Các thanh niên trai tráng trong vùng đều phải đi tham gia chiến đấu chống quân xâm lược, tất nhiên là không ngoại trừ ba tôi. Mẹ bảo rằng ba thoát ly đi kháng chiến từ đầu năm 1946 khi tôi chưa đầy một tuổi để bảo vệ Tổ quốc. Lúc ấy, những đứa trẻ trong xóm đều có ba và anh trai đi đấu tranh, chẳng thấy bóng dáng người đàn ông trụ cột trong gia đình. Vì thế, mỗi khi nhìn ba của cô cậu bé nào gần nhà trở về thăm gia đình, tôi đâm ra thèm lắm. Nhìn thấy cảnh ba của họ về cùng nét mặt vui tươi, hớn hở ôm chầm lấy con nhỏ mà lòng tôi khẽ xôn xao, liên tục hỏi mẹ về ngày gia đình mình đoàn tụ. Tôi lấy làm tò mò và mỗi ngày một mong ngóng để gặp lại người ba của mình mà trước giờ tôi chỉ có thể ngắm nhìn ông qua vài tấm ảnh đen trắng đã phai nhòa theo năm tháng. Mẹ lấy từ một hộp gỗ dưới gầm giường ra biết bao nhiêu là ảnh của ba - ảnh ba chụp cùng mẹ từ khi chưa có tôi và cho đến khi tôi nằm trọn trên vòng tay ấm áp của ba, bức ảnh cuối cùng chính là khi ba khoác lên mình bộ đồng phục trước khi ra chiến trường gian khổ. Liệu nhiều năm xa cách thì ba có còn nhận ra mình không? Và liệu ba là người thế nào, có hiền từ như trong hình ảnh không nhỉ? Chao ôi, thật khó đoán và hồi hộp quá!

     Sau bao nhiêu mong đợi và hy vọng, cái ngày mà tám năm ròng tôi vẫn luôn trông chờ đã thực sự đến. Tôi còn nhớ về bầu trời xanh trong lạ thường ngày hôm ấy, những đám mây kéo đến có đủ hình dạng làm bọn trẻ con chúng tôi cứ mải ngước mặt lên ngắm mãi rồi thán phục. Tôi mặc chiếc áo bông đỏ cùng quần đen ống rộng thùng thình mà mẹ mua tặng tôi từ dịp Tết để ra sân chơi cùng đám nhỏ trong xóm. Đang nghịch ngợm, cười đùa vô tư, vài cô cậu bé hiếu kỳ vội chạy ra xem xuồng cập bến, tôi bèn tò mò thập thò cùng ra xem thử. Trong đám đông đang dần đứng lùi ra, một người đàn ông cao to trong bộ đồng phục xanh rêu tiến về phía tôi cùng đôi tay dang rộng chào đón và đôi mắt long lanh mong chờ điều tích cực:

- Thu! Con gái của ba!

      Ông ấy gọi to làm tôi ngạc nhiên mà mở tròn đôi mắt, bất giác lùi một bước nhỏ rụt rè. Người đàn ông đang khom người dần co tay lại, dáng vẻ thất vọng và lo lắng, tưởng chừng như đôi mắt phía dưới hàng lông may rậm đã sắp khóc. Lúc này tôi mới để ý đến vết thẹo đỏ ửng, to bằng cả ba ngón tay bé nhỏ của mình đang giần giật bên má phải của ông ấy. Nó rất đáng sợ và càng khiến đôi chân không tự chủ của tôi lùi thêm hai ba bước nữa. Nhưng ông ấy vẫn kiên trì, vẻ mặt kiềm chế cảm xúc, từng bước chân chầm chậm tiến đến gần tôi hơn cùng tông giọng trầm ấm, liên tục:

- Ba đây con! Ba đây con!

      Tôi hãi, hoảng hốt trước một loạt những hành động kỳ lạ của người đàn ông với vết thẹo đáng sợ trên khuôn mặt rám nắng, lập tức chạy thẳng vào nhà gọi mẹ cầu cứu. Mẹ đang nấu ăn ở trong bếp nghe tiếng tôi gọi liền quay ra lo lắng hỏi han. Thế nhưng, vừa trông thấy người đàn ông ban nãy lò dò vào gian nhà trong, mẹ liền mừng rỡ chạy ra chào đón. Mẹ bảo đó là ba của tôi, người mà tôi trông chờ suốt bao lâu qua. Đó chính là ba của tôi sao? Tôi thảng thốt, xen lẫn là sự ngơ ngác và lập tức chạy ra ngoài sân trốn khỏi sự thật ấy. Từ giây phút "đoàn tụ" ấy, người đàn ông lạ mặt xưng là ba của tôi đã luôn vỗ về, cố gắng mở chuyện và bên cạnh tôi. Tuy nhiên, tôi chẳng bao giờ để tâm đến sự kiên trì của ông, cũng chẳng bao giờ đáp trả ông ấy, lại càng không bao giờ chịu gọi một tiếng "ba" thân thương. Có lần mẹ bảo gọi ba vào ăn cơm, tôi một mực từ chối nhưng vì sợ mẹ đánh nên đã nói trổng: "Vô ăn cơm! Cơm chín rồi!". Có hôm tôi phải ở nhà trông nồi cơm đang nấu dở vì mẹ chạy đi mua thức ăn. Đột ngột nước sôi, cơm sắp nhão mà nồi lại hơi to so với cơ thể bé nhỏ của tôi nên chắc chắn là tôi không thể nhắc xuống để chắt nước được. Giây phút ấy, tôi vô tình nhìn sang người đàn ông có vết thẹo trên má ấy với đôi mắt cầu cứu nhưng vẫn không dám ngỏ lời. Tôi nhìn dáo dác mãi vì đã bị dồn đến bước đường cùng nên mới miễn cưỡng kêu lên:

- Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái. – tôi la to nhưng vẫn không có sự phản hồi.

- Con gọi một tiếng "ba" đi rồi ba sẽ giúp con. – bạn của ba tôi nói giúp một câu như thế chỉ làm tôi thêm bối rối và khó xử.

- Cơm sôi rồi, nhão bây giờ!

      Tôi chán chường nhưng vẫn không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc nhờ sự trợ giúp bằng cách nói trổng. Mặc kệ bác Ba – người bạn về cùng người đàn ông kia khuyên nhủ nhưng tôi vẫn nhất quyết không gọi một câu nhờ cậy tử tế, lễ phép. Nồi cơm sôi lên sùng sục cũng như lòng tôi đang sôi sục, rối bời. tôi bất chớt nghĩ đến cảnh mẹ về sẽ cho tôi một trận đòn, vì sợ hãi nên tôi đáo để dùng cái vá múc từng vá nước trong nỗi sợ hãi và đôi mắt sắp ngấn lệ. Mẹ về, tôi sắp đặt mâm cơm cùng đĩa rau muống và cá chiên. Ông ấy gắp rồi đặt lên bát cơm của tôi một cái trứng cá to vàng ươm. Hành động vừa dứt, tay phải gắp thức ăn của ông còn đang trên không trung chưa kịp trở về vị trí bát cơm của mình thì tôi đã nhanh chóng hất văng cái trứng ra, từng hạt cơm có phần nhão do hút nhiều nước lập tức tung tóe cả mâm. Người đàn ông ấy có lẽ đã dồn nén cảm xúc trước sự thờ ơ của tôi rất nhiều và giờ đây, cơn giận dữ bao trùm không để ông kịp suy nghĩ thấu đáo, lập tức hung hăng vung tay đánh tôi thật đau, thật đáng sợ rồi hét to lên:

- Sao mày cứng đầu quá vậy hả?

     Hàng loạt những suy nghĩ chạy thật nhanh trong trí óc của tôi lúc bấy giờ, chỉ cần ba mươi giây đã khiến mọi hành động tiêu cực của tôi ngừng bặt lại. Tôi không khóc, không hét lên như thường khi, không giẫy, không đạp đổ mâm cơm dở dang của gia đình và cũng không cư xử lỗ mãng với người đàn ông đã đánh mình. Tôi giữ không cho nước mắt chảy ra, liền gặp miếng trứng cá trở lại vào bát, nhặt từng hạt cơm văng khắp sàn và rồi thẫn thờ bước ra khỏi mâm cơm trước sự hoài nghi, bất ngờ của mọi người. Tôi chạy ra bến, nhảy xuống xuồng rồi lấy dầm bơi qua bờ sông. Tôi chạy đến nhà ngoại và lúc ấy mới dám để cho nước mắt vô tư giàn giụa. Ngoại đang khâu chiếc áo rách nhưng thấy tôi liên bỏ hết công việc lại, đến bên tôi ân cần vỗ về. Tôi kể ngoại nghe rằng đã có những chuyện gì xảy ra suốt hai hôm qua, rằng tôi đã suy nghĩ và khó xử đến nhường nào. Bà ngoại nhẹ ôm tôi vào lòng, âu yếm, trìu mến, khẽ khàng vuốt mái tóc ngắn ngang vai của tôi và nhỏ nhẹ hỏi:

- Ba con, sao con không nhận mà lại hành xử như thế?

- Không phải là thế ạ!

Bà vẫn hiền dịu như bà tiên trong giấc mơ từ nhỏ xíu đến giờ, kiên trì lắng nghe câu trả lời của tôi sau một khoảng yên ắng lạ thường. Tôi thút thít:

- Vì đó không phải ba con. Ba con trong ảnh má đưa làm gì có vết thẹo như thế!

     Bà bật cười nhẹ vì đã hiểu lý do rồi kể cho tôi nghe chuyện ba ở chiến trường tàn khốc. Đầu óc non nớt lúc ấy của tôi chỉ nhớ đến bây giờ rằng, ba đi đánh Tây mà Tây bắn bị thương nên mới có vết thẹo đỏ ửng đáng sợ ấy. Ba đã vượt qua bi kịch của chiến tranh để rồi tình phụ tử thiêng liêng của ba vẫn còn được thắp sáng mãi. Bao nhiều ngày ba cố gắng chiến đấu chống quân địch chính là bấy nhiều ngày khiến nỗi nhớ của ba thêm chất chồng. Nỗi nhớ ấy chẳng thế nguôi ngoai nhưng chỉ có thể được bù đắp nhờ một vài tấm ảnh của tôi mà mẹ gửi mỗi lần lên thăm ba. Vì có nỗi nhớ ngày một được vun đắp ấy, tình yêu thương ba dành cho tôi ngày một nhiều song, mong ước một ngày được gặp lại con gái lại càng thêm to lớn. Nằm nghe bà kể đủ thứ chuyện về ba, nghe bà đôi lời giải thích, tôi mới ngờ ngợ ra và cảm thấy hối lỗi vì một chuỗi những hành động sai trái của mình suốt mấy ngày vừa rồi. Đêm ấy, tôi trằn trọc không thể say giấc nồng như bao ngày thơ bé qua. Sáng hôm sau, tôi bảo bà chở tôi về nhà – hôm ấy cũng là buổi cuối cùng để ba nói lời chào tạm biệt cả nhà để một lần nữa ra mặt trận chinh chiến. Ba tất bật lo chuyện tiếp khách, mẹ tôi thì lo chuyện gói ghém đồ đạc đủ đầy cho ba nên chẳng còn ai quan tâm đến tôi nữa. Tôi cảm thấy như bị bỏ rơi, cảm giác lạc lõng ấy có lẽ cũng tựa như khi tôi chẳng thèm nhìn lấy ba một lần trong những ngày đầu tiên ba trở về. Tôi đứng tựa lưng vào bức tường cũ mèm ở góc nhà quan sát mọi người bận bịu việc riêng của mình. Tôi buồn, nước mắt đêm qua chảy nhiều đến mực bây giờ chẳng thể rơi nữa. Ba giận tôi rồi chăng? Ba không còn chấp nhận một đứa con hư hỏng như tôi sao? Tôi ngồi ở một góc nhà ấy thẫn thờ cho đến khi nghe giọng nói ấm áp của ba cất lên chào mọi người lần cuối, tôi liền bật dậy nghe ngóng tình hình. Song, bốn con mắt chạm nhau, tôi nhìn ba cũng là lúc ba đưa ánh mắt trìu mến nhìn tôi tràn ngập sự thương yêu nhưng cũng không kém phần buồn rầu. Có lẽ ba sợ tôi giẫy, sợ tôi ruồng bỏ nên đôi chân đã không nhấc nổi để đến ôm tôi, dỗ dành tôi mà chỉ dám đứng ở phía xa ấy, nhẹ giọng từ biệt:

- Thu! Ở nhà chăm ngoan, phụ giúp bà và má nghe! Ba đi nhé con!

     Kết thúc câu nói, ba vẫn chôn chân tại chỗ với ánh nhìn hướng đến mỗi mình tôi như chờ đợi điều gì đó. Nhưng mãi vẫn thấy tôi rụt rè đứng yên trong góc, ba đành quay gót đi.

- Ba... a... a... Ba!

      Ngay lúc này đây, tưởng chừng như tình cha con của tôi và ba đã được hàn gắn một cách thật diệu kỳ. Tôi chẳng thể chần chừ thêm một phút giây nào nữa, lập tức tôi chạy khỏi góc khuất. Tôi nhảy phắt lên ôm chặt lấy cổ của ba, dụi đầu vào người ba như chẳng hề muốn có bất kỳ sự chia ly đau đớn nào. Và rồi tôi nấc lên trong tiếng khóc:

- Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!

     Ba ngạc nhiên lắm chứ nhưng lý do khiến tôi thay đổi không còn là điều quan trọng với ông nữa. Ông liên tục vuốt lưng, vỗ về tôi. Mỗi một cái vuốt ve là một tiếng "ba thương, ba thương" như muốn để tôi níu chặt ông lại hơn nữa. Tôi thỏ thẻ vào tai ba:

- Con xin lỗi ba...

      Một lời xin lỗi mong được tha thứ, tôi khó khăn lắm mới có thể thốt thành lời nhưng cho đến tận sau này, tôi vẫn cảm thấy đó là câu nói tuyệt diệu nhất – một câu nói có thể khiến ba hài lòng, nhẹ nhõm và lòng tôi bớt được phần nào áy náy. Tôi càng ôm chặt lấy ba hơn. Tôi hôn ba, hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nữa. Ba rút khăn lau nước mắt, hôn lên mái tóc ngắn của tôi rồi vỗ về:

- Ba yêu bé Thu của ba.

      Ba hứa rằng ba đi rồi ba sẽ về với tôi nhưng tôi vẫn một mực không chiu, hai tay lại càng siết chặt lấy cổ ba hơn. Tôi không cho ba đi vì sợ rằng ba sẽ đi mất, sợ sau này ba về mình không còn nhận ra ba thì đau khổ lắm. Vừa cố gắng ôm ba thật chặt, vừa không ngừng gọi "ba ơi" và khóc thảm thiết, nước mắt tôi từ khi nào đã ướt đẫm cả hai vai áo của ba. Mọi người cố gắng khuyên nhủ, dỗ dành tôi giúp ba. Mẹ thì bảo cứ để ba đi, rồi thống nhất ba sẽ sớm trở về với gia đình. Bà nói thêm:

- Thu, để ba cháu đi rồi khi ba về thì ba sẽ mua cho cháu một cây lược.

      Nghe đến cây lược như một lời thề hẹn, như một vật giá trị minh chứng cho sự trở về đầy hứa hẹn của ba trong tương lai gần, tôi đành suy nghĩ lại. Ba đi là vì dân, vì nước, vì hòa bình muôn năm nên không thể níu kéo được mãi, tôi hôn má ba lần cuối rồi tuột xuống:

- Ba đi rồi ba về nhớ cho con một cây lược thật xinh nhé!

     Tôi năn nỉ trong làn nước mắt và mũi đã sụt sịt mãi. Ba cúi xuống hôn lên mái tóc tôi, xoa đầu nhẹ nhàng rồi cười hiền: "Ba hứa!". Tình thương con của ba là thiêng liêng, là ấm áp, cao cả vô cùng. Thương con, lo lắng về tương lai của con gái nên ba mới quyết định tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước, giữ thái bình cho quê hương với một chút hy vọng nhỏ bé về việc thắp sáng lên con đường sau này của tôi. Ba rời xa gia đình khi tôi còn chưa đầy một tuổi nên khi có dịp trở về thăm nhà sau tám năm ròng rã thì có lẽ ba đã háo hức và nôn nao nhiều lắm. Ấy thế mà, đáp lại sự mong chờ của ba khi được về thăm tôi chính là cảm giác hụt hẫng truớc thái độ xa lánh của tôi. Với ba, nỗi đau thương tật để lại trên mặt không đau bằng nỗi đau tinh thần – nỗi đau khi con gái của ông không nhận ông làm ba. Nhưng ba đã không hề để nỗi thất vọng lấn át tình thương ba trao cho tôi. Suốt ba ngày phép, ông luôn ở cạnh bên tôi để vỗ về, mong được nghe tiếng "ba". Tuy nhiên, trái ngược với sự quan tâm hết mực ấy chỉ là sự phản kháng, lạnh lùng và những lời nói trổng của con gái khiến ông vô cùng đau khổ. Cho đến phút giây cận kề sự chia ly, chính lòng thương con đã khiến ba nhẫn nại, kiên trì giúp ba được đền đáp xứng đáng lại tấm lòng ấy bằng sự hạnh phúc dâng trào khi tôi gọi một tiếng "ba" thân thương. Dù ở gần con hay ở xa con, dù ở ngoài chiến trường hay ở bên con, tình thương con của ba vẫn luôn luôn tràn đầy.

      Tình yêu của tôi dành cho đấng sinh thành vẫn còn chất chứa trong tim, chắc chắn là không bao giờ phai nhạt. Ấy vậy mà, chưa để tôi một lần nữa được gặp lại ba, được báo hiếu thì ba đã mãi mãi rời xa tôi để giờ đây tôi chỉ còn có thể gặp lại và mỉm cười với ông trong những giấc mơ đầy xúc cảm. Ba bị viên đạn bắn vào ngực và đã hy sinh trong một trận càn lớn của Mĩ. Bà và mẹ đã sốc đến mực mất ăn mất ngủ một năm trời mới có thể bình tĩnh đối diện với sự thật mất mát. Còn tôi, khi nghe tin báo về, tôi chỉ biết một mình trốn ra ngoài bụi cỏ, ôm đầu gối khóc một mình. Nước mắt cứ thế tuôn rơi kéo theo là tất thảy các ký ức về lần đầu tiên tôi được gặp ba chạy quanh trí óc của tôi. Tại sao mình không nhận ra ba sớm hơn? Hỡi ơi, tại sao mình đã không trân trọng những ngày ngắn ngủi được ở cạnh bên ba? Tôi nhớ về giây phút được ôm ba, được hôn ba, được ba khẽ khàng vuốt lưng và nghe ba hứa hẹn. Ba đã hứa trở về bên tôi mà không phải sao? À, nhưng ba hy sinh là vì công cuộc kháng chiến, công cuộc bảo về Tổ quốc mà. Tự khuyên nhủ mình là thế nhưng nhiều khi tôi lại bất giác để những giọt lệ không ngừng tuôn rơi, kể cả là lúc ăn cơm hay đi chơi vì tâm trí lại ùa về hình bóng của ba và vết thẹo dài trên má phải của ông. Hai tháng trước, một lần tình cờ tôi đã gặp lại bác Ba – bạn thân của ba tôi. Bác kể tôi nghe về chuyện của ba và trao tặng cho tôi chiếc lược ngà thay cho người ba đáng kính. Theo lời kể của bác Ba, ngày ấy, mỗi khi rảnh ba đều toàn tâm toàn ý để cưa chiếc ngà thành từng răng nhỏ tỉ mỉ, khéo léo và thận trọng. Cuối cùng chiếc lược làm từ ngà đã được hoàn thành với dòng chữ được ba khắc cẩn thận: "Yêu nhớ tặng Thu con của ba". Chiếc lược khi ấy còn chưa một lần chải trên tóc tôi, chỉ mới được ba ôm ấp, giữ gìn trong lòng. Thế mà ba đã hy sinh, để rồi với ba, tôi chỉ còn chiếc lược ngà là vật kỉ niệm duy nhất. Giờ đây, mỗi khi khẽ chải mái tóc, tôi lại cảm nhận được sự mềm mại và êm dịu như cách ba ôm tôi lần đầu cũng như lần cuối vào cái ngày chia ly xa xưa ngập tràn trong sự xúc động và nuối tiếc.

      Giờ đây tôi đã lớn khôn, trưởng thành và được kết nạp vào giao liên, phục vụ cho cách mạng, phục vụ cho Tổ quốc. Vì ba, tôi thêm yêu dân tộc, yêu hòa bình và ghét chiến tranh bởi vết tích trên má ba chính là dấu tích của chiến trường để lại, hằn sâu thêm sự hiểm nguy khôn cùng. Được gặp ba một lần duy nhất trong đời cũng đã đủ làm tôi hãnh diện và quyết tâm sống tốt, sống có ích để ba ở thế giới bên kia nhìn thấy mà vui lòng. Tôi thương ba, thương chiếc lược ngà nhỏ xinh và thương cả vết thẹo chất chứa sự dũng cảm ấy.

Hết

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro