tùy bút

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

38) Đây không phải là một bài viết để khoe mẽ hay cố tô vẽ bản thân, cũng không phải là để giới thiệu hay quảng cáo với mục đích cá nhân.

Nói trước như vậy là bởi vì cũng sẽ có một vài đứa bạn thân của tôi sẽ đọc bài viết này, nói thẳng ra bài nào của tôi bọn nó cũng đọc, là đọc vì cái đam mê và sở thích khốn nạn của bọn nó. Sẽ nói rõ ngay đây.

Khả năng dùng bút  của bọn nó thì không cách nào rượt kịp tôi, nhưng khả năng moi móc, soi mói, châm chọt, gièm pha, bịa đặt, vu oan giá họa, bơm đểu, nói xấu, nói thêm, đâm sau lưng... các thứ cùng thể loại... thì tôi buộc phải chào thua bọn nó. Thứ phẩm chất đạo đức đó tôi không dám học và cũng không cách nào học được.

Trên đời không có ai rãnh rỗi và ti tiện tới mức, vì thấy một lỗi dùng từ mà lại viết hẳn một bài luận mấy ngàn chữ rồi đăng công khai khắp nơi, còn nói hai chữ 'khốn nạn' là vì trong bài luận đó nó tốt bụng ẩn dùm danh tính, để rồi cuối bài nó chèn link gốc dẫn qua đây. Còn tệ hơn nữa là cái bọn thú vật giả vờ ngây thơ không biết gì, không biết link gốc của ai.. vào bình luận rồi bới cho tung tóe ra, chửi như chửi một người xa lạ. Cảm ơn, chân thành cảm ơn, bạn tốt. (Đã bất nhân, thì đừng trách sao người khác bất nghĩa.)

***---***
***---***

Lần đầu đi làm từ thiện.

.
Quan điểm của tôi về việc làm từ thiện khá rõ ràng, hiểu cơ bản là "cho cái cần câu chứ không cho con cá". Vậy nên các hoạt động mang tính biểu trưng tôi gần như không tham gia. Ví dụ như năm xưa, khi bạn bè tham gia tình nguyện 'mùa hè xanh', thì tôi đạp xe về nhà, dọn dẹp nhà, quét vườn, múc nước tưới rau, cho gà vịt ăn, sửa lại cái ghế dựa cho cha, rảnh nữa thì ngồi vào bàn học...

Hoặc khi công ty tổ chức đoàn phát gạo cho người nghèo, thì ngay lúc xuống xe tôi đã xin liền hai bao gạo, lội xuống đèo để đưa cho những người già đang sống neo đơn một mình, và không đủ sức đi tới chỗ treo băng rôn khẩu hiệu kia để giành giật. Lần đó đi được hai vòng thì gục luôn, (gạo 1 bao 20kg, 2 bao là 40kg, không nhẹ đâu) may sao có ông chú đánh xe bò chở tôi quay lại điểm tập kết.

Trước đây cũng có một lần tôi làm từ thiện với tư cách cá nhân, là khi trời lũ lụt, làm thanh niên kéo xuồng đưa người già trẻ nhỏ lên chỗ cao hơn, cũng như vận chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết. (Tôi không biết bơi, không biết chèo xuồng, và cực kỳ sợ nước, cũng như vô cùng sợ con rắn bơi trong nước, lần đó là một trong những việc đáng tự hào nhất trong đời mà tôi từng làm.)

Còn lần này là có một người mà tôi vô cùng kính trọng vừa qua đời, tôi và ông từ rất lâu trước đây, đã có một thỏa thuận. Về những việc mà người này sẽ làm cho người kia, khi một trong hai qua đời. Và tôi là người còn sống, nên thỏa thuận đó đã bắt đầu có hiệu lực.

Năm ngày nay, tôi đã làm được hai việc trong thỏa thuận đó, một là để ông và vợ bay theo gió cùng nhau. Và hai, là gặp vài người thân, nói vài câu xin lỗi.

Vậy là còn tám điều.

Có một điều hay là, cả một đời khi ông còn sống, ông chưa từng áp đặt hay mong muốn tôi phải làm một cái gì, là tất cả, từ việc nhỏ đến việc lớn.

Ví như năm tôi học lớp hai, buổi sáng đó tôi nói với ông rằng tôi không muốn đến trường để thi học kỳ, bởi trước sau gì nhà trường cũng tổ chức một buổi thi lại cho những học sinh bỏ lỡ, mà thi lại thì ít người, và yên tĩnh hơn nhiều. Ông ừ rồi đạp xe lên trường đưa giấy xin phép cho tôi.

Hay như khi tôi nói với ông rằng tôi sợ lạnh, vài ngày sau ông chuyển nhà đến một vùng đất có nhiều nắng và gió hơn.

Có lần tôi hỏi thử xem ông muốn sau này tôi sẽ làm công việc gì, sẽ trở thành người như thế nào. Ông chỉ nói đơn giản "đừng chết trước ta là được."

Để rồi khi ông qua đời, mới là lần đầu tiên ông muốn tôi làm điều gì đó cho ông.

Tôi biết, đây là bài học cuối cùng ông dành cho tôi, tất cả đều là vì ông lo lắng cho tôi, trong những ngày không còn ông bên cạnh. Món quà tình yêu cuối cùng của một người cha.

***

Dừng lại chuyện đó, đằng nào sau này tôi cũng sẽ đưa vào trong tiểu thuyết.

Bây giờ để tôi nói về một điều trong danh sách tám điều còn lại. Đó chính là làm một ông giáo làng, ở một vùng quê heo hút, nơi đồi núi với những đôi chân trần, hướng dẫn cho nhiều người nhất có thể trong ngôi làng đó, biết cách đọc và viết.

Tôi biết chủ tâm của ông, chính là muốn tôi gắn kết nhiều hơn, dành nhiều thời gian hơn, biết quan tâm và rộng lượng hơn..với con người.

Đúng là tôi cũng có tấm bằng sư phạm thật, nhưng lâu nay tôi chỉ dùng nó để nghiên cứu và viết luận án. Chủ yếu là về sư phạm giáo dục, nghiên cứu về cách xây dựng nền móng nhận thức tối thiểu cần có cho mỗi cá nhân. Thỉnh thoảng cũng có lên giảng đường để làm khó người khác.

Còn việc kêu tôi cầm tay chỉ dạy, chu mỏ tạo khẩu hình đọc, uốn lưỡi mô phỏng cách phát âm, gõ thước khắp mọi nơi, và mỉm cười khi bọn nhỏ khóc...cha tôi đúng là một người vô cùng thâm sâu, đó là chưa nói tới việc ông đã chuẩn bị kế hoạch này từ hơn 20 năm trước.

Dạy học không phải là một công việc, nó là sự nghiệp, là sự nghiệp cao quý nhất trên cuộc đời này. Sư phạm mầm non, sư phạm tiểu học, là những người ươm mầm, chăm sóc và vỗ về những hạt giống đó, để rồi đến một ngày, nó sẽ lớn và đủ khỏe mạnh để xanh tốt hết mức có thể.

Còn vài việc nữa tôi cần thu xếp trước khi bắt đầu, là về những vấn đề cá nhân cần lo cho ổn thỏa. Bởi vì một khi đã bắt đầu, thì cần phải toàn tâm toàn ý, cây có thể thiếu lá, nhưng chữ thì không thể thiếu nét, và người thì không thể thiếu một bài trong tiết đạo đức.

Tôi đã tự mình tìm hiểu, là từ lâu rồi, bởi tôi biết sớm muộn gì thì đó cũng là việc tôi phải làm.

Khó lắm, khó lắm..

Nơi đó, vùng đất đó, trẻ con cũng phải đi kiếm ăn, còn cha mẹ thì không muốn con mình biết chữ, vì sợ rằng nó biết chữ rồi thì sẽ nói mình ngu. Khoảng 40 dân, gần 10 đứa trẻ. Trường gần nhất cũng khá xa, coi như là một điểm trống cô lập không có giấy và bút đi.

Tôi dự định có lẽ mình nên bắt đầu bằng một công việc, bán phân bón và thu mua lẻ nông sản ..cho tới khi họ đủ tin tưởng để mời tôi vào nhà.

Chính là tôi đang lo lắng khi bắt đầu một công việc, mà bản thân cha của tôi đã làm trong gần nửa cuộc đời mình.

Ví dụ như mấy thằng bạn khốn nạn đang chửi tôi đó, bọn nó đều gọi cha tôi bằng thầy, có đứa trong đó tôi nghe kể lại rằng, năm xưa không có phòng học hay bàn ghế, cha đứng còn nó thì ngồi bệch dưới đất để học, rồi nó tiêu chảy ị luôn trong quần, cha giặt cái quần đó rồi phơi giùm nó. Nhưng nó vẫn chưa hết tiêu chảy, cảnh đó mô tả ngắn gọn lại là "ngồi trên đống "kít " để mà học, rồi lê lết khắp nơi, cà mông vào đất hòng phi tang, trong một buổi học nặng mùi.

(Viết xong rồi, tới lúc đi làm vài việc, nhưng trước đó cần phải suy nghĩ thử xem, là nên đăng bài ở đâu, và tag đứa nào vào, ví dụ như cái thằng bình luận hăng hái nhất, nhiệt tình nhất kia. Biết ta 'tốt tính' rồi, mà còn dám đụng, lãnh hậu quả nha con.)

***

Trương Lang Vương.

Có bạn nào muốn làm một cái gì đó ý nghĩa, giúp đỡ theo một cách nào đó, hãy liên lạc, tôi sẽ hồi âm. Mục đích là tặng chữ, chứ không phải tặng gạo, là tặng một lần, rồi bọn nhỏ sẽ mang theo suốt đời. Cha có những người bạn của mình, chỉ là ông giỏi kết bạn, còn tôi thì không. Đó cũng là một bài học mà bản thân đang cố gắng để thực hành.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro