tuyen tap truyen ngan HHT

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đứng lên và đi

1. Hà Nội ngày 39C

Mặt đất đang nóng như thế nào thì đầu Vũ cũng bừng bừng như thế. Thì đang ngủ, thằng Đạt gọi sang đòi mượn bằng được mấy cái đĩa breakdance. Để thằng bạn khỏi mất công đi một vòng tránh đường một chiều, Vũ vội ra ngã tư Giám-Tôn Đức Thắng đứng chờ, quên cả mũ nón. Chờ đến 15 mới thấy Đạt phóng xe tới.

- Thế nào, đẹp chứ! - Đạt cười, nhìn Vũ trố mắt ngắm con Nouvo mới cáu của nó

Chẳng cần thằng bạn khoe, Vũ cũng đoán được đấy là phần thưởng đỗ Đại học của nó.

- Lên đi, tao đèo về - Đạt tít mắt

- Khỏi! Tao chẳng đủ tiền trả xe ôm đâu. Đi bộ được rồi.

Nghe vậy, Đạt cũng chẳng khách sáo, bye bye thằng bạn rồi rồ ga phóng thẳng. Vũ nhìn theo, thở dài. Nó cũng đã từng suýt có một con Nouvo như vậy. Ba mẹ đã bảo chỉ cần nó đỗ Đại học, nó sẽ có. Nhưng có lẽ không phải năm nay, vì nó trượt.

Từ hôm biết điểm, cả chục ngày nay Vũ chẳng buồn ra khỏi nhà, suốt ngày ở nhà ôm cái PC, online suốt ngày nghe bọn bạn cùng cảnh ngộ ca cẩm. Hôm nay không phải thấy tội thằng bạn lóc cóc xe đạp đi xa thì nó đã chẳng nó đi bộ ra đây, nhưng giờ nó lại thấy tội nghiệp cho mình.

Trên đường về nhà, đi qua cổng Văn Miếu, bỗng Vũ thấy có một đám trẻ con đang đứng túm tụm lại. Vốn tò mò, nó cũng ngó đầu vào thì thấy có ba nhóc nước ngoài đang ngồi quanh ông lão làm tò he. Trên tay hai cô bé mắt xanh mỗi người cầm một con tò he, trong khi cậu bé còn lại đang khua chân khua tay cố gắng miêu tả cho ông lão hiểu con tò he cậu muốn ông làm. Với vốn tiếng Anh cũng khá khẩm, khiến Vũ hiểu cậu bé đang miêu tả Người nhện. Nhìn cậu bé đang cố diễn đạt đến toát mồ hôi, Vũ cũng thấy tội nghiệp, thế là nó thành phiên dịch viên bất đắc dĩ. Nghe cậu bé cao hơn nó cả cái đầu, tay cầm người nhện, nhìn nó nói câu “thanks” đầy biết ơn, tự nhiên Vũ thấy vui vui. Suốt quãng đường còn lại về nhà, thằng nhóc vừa đi vừa huýt sáo.

2 Nhà sách

- Hi! - Một bàn tay đập bộp vai làm Vũ giật nảy mình quay lại. Thằng nhóc mấy hôm trước gặp ở cổng Văn Miếu nhìn nó, hồ hởi:

- Lại gặp nữa rồi! Anh đi mua sách à?

- Ừ! – Vũ trả lời, trong bụng thầm nghĩ “đi đọc cọp thì có”. 

- À, đi mua bản đồ. Hà Nội nóng quá. Anh có khuyên gì bọn này không? - Thằng nhóc trả lời ánh mắt tò mò của Vũ. Hai cô gái cùng nhóm thấy thằng nhóc vẫy gọi cũng đã tiến lại chỗ nó đứng.

- Nếu chỉ đi ngắn ngày, các bạn nên lên Tam Đảo, trên đấy vừa mát mẻ mà không khí cũng trong lành. Đi đầu tuần sẽ đỡ đông…

Vũ giới thiệu một hồi, làm bọn kia đứng ngẩn mặt, chăm chú nghe. Bỗng thằng nhóc chen ngang:

- Vậy anh là hướng dẫn viên à?

- Không, suýt thôi! Nhưng anh cũng từng đến đó vài lần nên biết. 

Tụi kia quay sang bàn bạc gì đó với nhau còn Vũ quay ra đọc cọp tiếp cuốn truyện tranh.

- Nếu bạn rỗi thì đi cùng bọn mình nhé! – Cô bé tóc vàng, Larry, đề nghị - Dù sao bạn cũng biết hơn bọn mình, đi càng đông càng vui, phải không? Chi phí bọn mình chịu.

Vũ bất ngờ bởi lời mời, gật đầu, sau khi thòng thêm một câu:

- Chúng mình sẽ chia đều.

3. Nhật ký đi đường

Ngày…tháng….năm

Ban tối, mình nói với ba mẹ về chuyến đi. Ba mẹ đồng ý, hơi bất ngờ, cứ tưởng sẽ phải nói khó. Ba mẹ bảo muốn cho tâm lý mình thoải mái một tí, chứ cứ ngồi nhà dí mắt vào PC cũng chẳng hay ho gì. Vừa chuẩn bị đồ xong, một balô to uỳnh. Mình thường thấy trong phim và trên tiểu thuyết, trong mỗi chuyến đi khám phá người ta thường hay viết “Nhật ký đi đường”,  cũng hay hay nên mình cũng thử viết, để sau này có cái lưu truyền cho con cháu. Hehe. Nhưng nói thật hồi hộp quá, định đi ngủ sớm mà mãi cứ trằn trọc nên bò dậy viết vài dòng…

Ngày…tháng...năm…

Thế là bọn mình thành một nhóm, Tracy – tóc vàng, Larry – cao kều, Cathy – tóc ngắn và mình - thằng nhóc tuy lớn tuổi nhất nhưng lại thấp nhất đoàn. Bây giờ là 12h trưa, vừa mới lên. Ngồi xe bus mệt lử. Thế mà vừa vứt balô lên phòng nghỉ, tụi kia đã hỏi đường đi chơi rồi. Mình thì chỉ muốn duỗi thẳng cẳng ra giường, tiết trời man mát làm mắt mình díp cả lại, muốn ngủ lắm nhưng làm thế bất lịch sự quá. Thôi đành phải cố vậy.

Bây giờ là 12h đêm. Mọi người vừa ngủ. Hôm nay mệt thật đấy. Ban trưa, ăn xong, tụi kia kéo mình chỉ đường lên Thác Bạc, mình leo dốc thở hộc bơ mà bọn nó đi như không ý. Chơi mãi  đến gần 5h chiều mới về. Trên đường, nhìn những dàn su su xanh mướt, tụi nó cứ “oh, ah” mãi. Ngộ thiệt! Lúc về, mây ngang tầm với, cứ mịt mù, đứng gần nhau mà cứ thấy mờ mờ ảo ảo, cái cảm giác ấy thích thật đấy! Nhưng cũng vì thế mà hôm nay suýt lạc mất Tracy, cả bọn sợ, nên về sớm. Đi cả ngày mệt, không khí lại mát mẻ nên ai cũng ăn được nhiều, mấy nhóc kia có vẻ đang khoái khẩu món su su luộc chấm vừng.

Nhà trọ mình ở bé tẹo, nằm lọt thỏm so với mặt đường. Từ phòng mình và Larry, nhìn thẳng ra là mặt đường. Từ cửa sổ cách đường cũng chỉ mét rưỡi. Đôi khi nghĩ mấy con bò đang đi ngoài kia bỗng  nổi hứng phi thân qua cửa sổ, đủ làm mình ớn cả người, trong khi Larry bảo nếu thế thật nó sẽ thử vuốt ve mấy chú bò.

Mình bắt đầu thấy díp cả mắt, viết bằng ánh sáng đèn pin làm mình đau cả mắt. Ai bảo ban tối, hết trò chơi, mình rủ tụi nó thi kể chuyện ma. Thế là bốn đứa, trùm chăn, tắt đèn kể chuyện ma. Những câu chuyện trong quyển “Liêu trai chí dị” mà mình từng đọc, những tên cướp biển với những con tàu ma, lại còn tiếng gió vít những ngọn tre xào xạc bên kia đường nữa chứ. Báo hại cho Tracy, Cathy sợ không dám ngủ một mình, tụi nó ôm gối sang bắt mình với Larry nhường giường, trải chăn xuống đất mà nằm. Lần sau thì mình cạch… 

Ngày…tháng…năm…

Mưa từ đêm qua mãi chưa dứt. Thấy anh lễ tân bảo bão đang về. Chán. Cả bọn đành loanh quanh chơi trong nhà trọ. Larry chơi với con mèo tam thể, Cathy và Tracy, đứa nghe ipod, đứa ngồi nghịch mưa ở ngoài hiên, còn mình chẳng biết làm gì nên lôi nhật ký ra viết, nhưng cũng chẳng có gì để viết cả, chẳng bù hôm qua…Giá cứ được tất bật như thế lại hay. Thôi đành đi ngủ vậy. 

Ngày…tháng….năm…

Vẫn mưa. Có lẽ phải 3, 4 ngày nữa mới hết. Trò kể chuyện ma mãi cũng chán. Hôm nay dự định đưa mọi người đi đến đền Tây Thiên, chùa Can Bi… nhưng xem ra hỏng hết rồi. 

Ngày…tháng…năm…

Vẫn mưa. Mình vừa đi hỏi xem có xe về Hà Nội không, nhưng lễ tân bảo đoạn đường vào đây bị lở đất nên trong mấy ngày nữa chưa chắc đã có xe. Chán! Thế là bị giam chân ở đây sao? 

Ngày…tháng…năm…    

Mệt phờ! Quảng cáo Lifebouy cho mình một ý tưởng hay đến bất ngờ. Mưa đã ngớt. 7h sáng, mình lôi 3 đứa kia dậy, nói là đưa đến một nơi thú vị. Cả bọn đội mưa, đi bộ gần 5 cây số đến nơi bị lở đất và bắt đầu dọn dẹp… Có hơn hai chục người nữa làm với bọn mình, ban đầu họ ngạc nhiên khi thấy ba cô cậu nước ngoài cũng xách đất, nhặt đá… nhưng phải nói ba tên đấy làm trâu thật, mình chẳng quen với việc này lắm nên cứ hụt hết cả hơi. Nhìn họ hào hứng làm việc, những giọt mồ hôi trộn lẫn nước mưa lấm tấm đầy trên những khuôn mặt khiến mình cũng phải cố gắng mà theo, không thể để thua được… Chiều, mưa ngừng. Việc dọn dẹp đoạn đường đó đã xong, nhưng trời tối quá, không về được nhà trọ, bốn đứa ở tạm nhà của một gia đình gần đó. Ba đứa kia hí hửng chui xuống bếp nướng khoai, còn mình phụ trách nồi ngô luộc tranh thủ viết mấy dòng...

4. Những cuộc hành trình 

Ngày…tháng…năm…

Vừa tiễn tụi kia ra ga đi Huế. Trước lúc đi, Cathy đưa cho mình một quyển sổ to bự, nói là quà cảm ơn của tụi nó. Bất ngờ hơn nữa là những dòng tâm sự viết ở ngay trang đầu, mình đã đọc đến thuộc:

“ Cảm ơn vì chuyến đi.  Nói thật, bọn này chưa bao giờ nghĩ sẽ được tham gia một tour “trải nghiệm” được sống, làm việc với người dân bản địa như thế vì thường giá rất đắt. Thế nên rất cảm ơn! Bọn này biết anh vẫn viết sổ tay đi đường, nên tặng anh quyển sổ này, mong sẽ sớm đầy những lịch trình, những tour, những kỷ niệm…”

Vậy là họ lại lên đường, tiếp tục cuộc hành trình khám phá Việt Nam. Còn mình, sẽ tiếp tục cuộc hành trình khám phá bản thân, tìm cho mình một con đường để tiếp tục theo đuổi những mơ ước, đó có thể là một con đường vòng, cũng có thể là một con đường gập ghềnh, nhưng mình vẫn sẽ đi. Quyết thế!

Hễ đi là đến

Nó muốn nổ tung!

Không, không phải! Mà là nó muốn làm tất cả mọi thứ nổ tung trừ nó và “cậu bạn dễ thương” ấy! Ôi! Vui hơn nhiều so với cái cách một đứa trẻ ngồi khóc nỉ non rồi được bố mua cho một cây kẹo mút và nhảy tưng tưng - dù nó cũng vừa kết thúc màn nhảy tưng tưng tương tự giữa phòng của mình! “Không thể kiềm chế cái sự sung sướng ấy lại được!”

Nhưng vẫn phải kiềm chế thôi! Vì cái Vân không thể cứ nhìn nó hành động bất thường mãi được. Cái Vân bắt nó kể câu chuyện mà nãy giờ nó đã dùng những tính từ như “kịch tính, hồi hộp, thót tim...” để miêu tả. Tò mò khủng khiếp! Bị con bạn tóm lại bắt ngồi yên, nó bắt đầu hắng giọng lên xuống, uống tới vài chục ngụm nước để “xuôi xuôi niềm hạnh phúc” và trình bày bằng một cái giọng ngọt hơn trà sữa...

- Rõ ràng mày biết rằng tao đã bị sét xẹt trúng đỉnh đầu vào chủ nhật tuần trước. Ơ kìa, tròn mắt ra cái gì? Thì cái tên mà tao với mày gặp trên Highland ý!

Thật ra cái Vân đang bị nghẹn hột ômai nên mắt mũi mới tròn tròn dẹt dẹt, chứ ai mà quên được cái hôm đó.

- Ực! Rồi rồi! Cả buổi hôm đó mày cứ gào thét với tao về sự ấn tượng mà hắn để lại cho mày. Khiếp quá! Tao chả thấy hắn đẹp trai ở chỗ nào cả?

Nhi giãy nảy:

- Vấn đề không phải ở chỗ đẹp trai, mà là ở chỗ tao thấy hắn thật sự ấn tượng. Vừa nhìn thấy hắn tao đã nghĩ: "Một kẻ đáng để mình thử kết bạn". Sau hôm đó, (e hèm) mày biết tao đã làm gì không? (lại e hèm) Ngày nào tao cũng lên Highland vào tầm giờ đấy, ngồi đúng chỗ đấy, chả để làm gì cả ngoài việc chờ đợi. Tao lên đó đựơc đúng một tuần và đau đớn sao, tao chả thấy hắn đâu cả!!! 

Nhi vừa nói vừa nhăn nhó đúng kiểu người đi đào vàng mà đào mãi chỉ thấy toàn sỏi. Còn cái Vân thì vứt béng cả gói ômai ra sàn, ngạc nhiên cao độ:

- Hả? Mày bị điên à? Mỗi ngày mày ngồi đó bao lâu? Ba tiếng á? Mày điên rồi Nhi ơi! Tao không thể ngờ một đứa đi trên đường người ta chỉ nhìn thấy cằm như mày mà làm thế được! Trời ơi đất ơi con bạn mình sao thế này?

- Mày điên thì có! Đã nói là tao thấy đáng để thử kết bạn mà! Công nhận khổ thật! - Nhi tặc lưỡi - Mày cứ tưởng tượng cái cảm giác chờ đợi trong mơ hồ đó mà xem. Tao nhấp nhổm không yên. Mà kể cả lúc tao phải về nữa chứ, tao cứ nghĩ nhỡ đâu hắn ta sẽ tới sau 5 phút nữa thì sao... Khổ lắm mày ạ! Nhưng tao vẫn làm. Đấy mày phải thấy tao đã cố gắng thế nào... 

- Rồi rồi. Tao hiểu. Tao thấy. Sao nữa?

- Từ từ nào! Thì rồi sau đấy mọi sự cố gắng cũng phải đựơc đền đáp chứ sao! Một hôm nọ, tao với thằng em kết nghĩa rẽ qua đó để thám thính tình hình, nào ngờ thấy hắn lù lù. Hehe, tao cuống hết cả, không còn biết phải làm gì nữa. May có thằng em, tao ghi vội một bức thư ngắn ngắn rồi dùng tất cả nanh vuốt của mình bắt thằng đó mang vào cho hắn. Tự nhiên hôm đó thằng em kết nghĩa của tao cũng tốt,  hehe!

- Trời trời! Hay! - Vân vỗ sàn nhà đánh tét một cái, rồi nhăn nhó vì đau nhưng vẫn không ngừng tra hỏi - Vậy là hắn biết mày, làm quen với mày?

- (Lắc đầu) Thế thì dễ quá! Ông trời còn thử lòng người tốt nhiều lắm chớ! Nói chung là thằng em tao đưa cho hắn bức thư đó xong đồng nghĩa với việc hắn có số điện thoại của tao. Hehe, thằng em tao bảo lúc nó giơ bức thư ra, anh chàng ngạc nhiên đến mức không hiểu nó đang nói gì nữa. 

- Dĩ nhiên rồi! Tự dưng đang yên đang lành người ta nhận được quả bom nổ chậm thế ai chẳng sợ...

- Láo toét! Để tao kể tiếp. Tối hôm đó, mày có nhớ tao đi xem The Beatels không? Đó, chỗ đó mới là chuyện. Tao đang sung sướng nhún nhảy ầm ỹ vì mua vé hạng bét mà xin xỏ hai câu được lên hạng nhất ngồi, thì bỗng nhiên tao thấy người tao nhè nhẹ, thiêu thiếu...

- Á! - Vân lại định đánh sàn nhà thêm một cái nữa, nhưng nghĩ sao nó giơ tay được nửa chừng rồi... rụt lại - Điện thoại, đúng không? Hoá ra mày bị mất điện thoại ở đó hả? Trời, mà lại còn là tối cái hôm mày đưa bức thư? Ặc ặc, thảo nào tao thấy mày rên rỉ suốt, trong khi mất cả con bò mày cũng chỉ tiếc nuối mấy câu!

- Ừ, thì thế! Tao ức gần chết! Hì hụi đi làm lại cái sim thì còn gì dã man hơn, tao không thể nào nhớ nổi đúng 5 số hay nhắn tin nhất. Lúc đó tao tính nhảy xuống sông Tô Lịch cho xong, nhưng nghĩ thế nào, tao lại sợ mày khóc hết nước mắt vì mất đi một con bạn hoàn hảo như tao ... 

Vừa nói, Nhi vừa giả bộ xoắn xoắn vài sợi tóc. Cái Vân đã thuộc lòng điệu bộ này rồi, chứ người lạ thì chắc lăn ra sàn nhà mà cười không ra hơi. 

- Thôi lạy mày! Nói tiếp đi, rồi mày làm gì nữa mà bây giờ tươi roi rói thế hả?

- Hehe, người như tao không thể chấp nhận số phận được. Một hôm, cũng lâu rồi, khoảng 8 giờ tối, tao để ý thấy cái xe của anh ta đỗ ở Vạn Phúc, chỉ có điều là không thấy người đâu nên cho qua. Đó, thế là cái hôm sau ngày tao mất điện thoại- tức hôm kia, tao quyết định ra Vạn Phúc khoảng 8 giờ tối để chờ đợi cái... xe máy đấy. Nào ngờ, mày ơi, cái xe nó ở đấy thật! Vĩ đại không? Haha! Thế là dĩ nhiên tao phải dùng hết dũng cảm của mình ra để tiến tới cái xe, hỏi thăm cái chị đang ngồi trên xe về cái cậu bạn mà thỉnh thoảng cũng đi cái xe này... May sao chị ý lại rất nhiệt tình với đứa dễ thương như tao...

- Hả? Thật á? Rồi sao? Mày hỏi han gì, có được gì từ chị ý?

- Ừ thì tao cũng hơi ngại, nên không dám hỏi địa chỉ nhà hay số điện thoại gì. Tao chỉ nói kiểu như “Có cách nào để liên lạc với bạn ý không ạ?”. Hehe, nào ngờ chị ý rất tâm lý, rút điện thoại ra đọc cho tao số của hắn. Haha, phải nói là lúc đấy tao sướng đến mức chỉ muốn ôm luôn chị ý, trông chị ý dễ thương kinh khủng và giống hắn kinh khủng (chắc là chị gái, mày ạ!). Tao cảm ơn rối rít rồi đi về với số điện thoại của anh chàng...

- Tuyệt! Haha thảo nào hôm qua mày nhất quyết đi mua điện thoại cho bằng đựơc. Rồi tối qua mày đã nhắn tin hì hụi cho hắn ta phải không?

- Dĩ nhiên rồi! Haha, và mày biết không, hắn hết sức cởi mở và cá tính! Haha. Tao nhìn người không lầm! Đầu tư công sức đúng chỗ! Sướng dã man con ngan! Haha hehe hoho hihi...

- Haha rồi rồi, tao hiểu! Công nhận câu chuyện của mày kịch tính thật! Đáng phải lên phim! Rồi, tao ủng hộ mày nhiệt tình trong vụ này. Cố lên Chiaki! 

Cái Nhi cười lăn lộn. Nó đang hạnh phúc, chứ sao lại không! Nó nhớ lại cái lúc đứng trước chiếc xe của tên bạn lúc đó chưa quen, không biết có nên hỏi một cái gì đó hay không. Lúc đó nó đã rối lắm, vì làm như vậy chẳng ra sao cả, rõ ràng nó là con gái mà. Nhưng cuối cùng, nó sực nghĩ tới cái câu đã đọc được trên báo “Nhặt kiếm lên và đi vào rừng thẳm”. Vậy là nó đã quyết định, và chắc chắn đó là quyết định đúng, vì những ngày sau đó nó không thấy lại cái xe đó nữa, còn tên bạn mới quen nói rằng thật ra hắn năm thì mười họa mới lên Highland. Yeahhhhhh! Phải mạnh mẽ như thế, phải biết nắm chặt cơ hội trong tay như thế mình mới không bao giờ phải hối hận chứ! Cũng chỉ nhờ có thế nó mới có thêm một tên bạn mới hay ho tốt bụng mà nó luôn tự hào rằng “I got it myself!” Hehe.

- Tao khâm phục mày đấy Nhi ạ! Tao cũng để ý một cậu bạn bên lớp Anh, mấy tháng rùi lận, mà tao chưa dám làm gì bao giờ...

- Cố lên mày! Làm rồi thì mới thấy không quá khó. Làm xong rồi thì kết quả thật tuyệt vời! Mày có biết thế nào là nhặt kiếm lên và đi vào rừng thẳm không huh?

“Ơ, đúng!” - Vân chẳng may quên mất, lại vỗ sàn nhà đánh tét một cái. Nó tự nhủ một tuần nữa thôi, nó sẽ là đứa sung sướng như cái Nhi bây giờ! 

Những người bạn thân của chúng ta đều đã từng là một người lạ mà! Đừng bỏ lỡ dù chỉ một người bạn! 

Làm quen dù chưa kịp nói “xin chào”

Cho đến khi trước mặt là một đống vỏ trứng cút lộn cao ngất, Hà mới ngẩng phắt lên, mặt mũi cực kỳ nghiêm trọng:

- Thôi chết rồi…

- Sao? - Nguyên hốt hoảng. - Mày đừng có bảo mày đau bụng đấy!

- Đau gì mà đau. Hừ, Nguyên kiết xu tự nhiên dẫn đi ăn. Lại không thèm nói gì từ đầu đến giờ!

- Ơ thì… được ăn là tốt rồi còn gì!

- Còn lâu! Mày có nhớ cái hôm khủng bố Thành cong một bữa bét nhè, mày nói là bởi mày đang giữ một bí mật của nó!

- Đấy là nó thích mày! 

- Thế mà ăn xong mày mới nói, làm tao xấu hổ không để đâu cho hết! Nên sau đấy tao đã quyết định: trước khi ăn thì phải biết rõ là ai chủ chi và vì lý do gì! Mỗi tội lần này… hơi quên!

- Từ từ đã. - Nguyên đỏ mặt. - Tao sẽ nói mà!

- Tao nghi mày lắm. - Hà tiếp tục. - Suốt từ đầu năm đến giờ hôm nào mày cũng lải nhải bài Kachiusa từ đời các cụ, tao can không được. Đùng một cái sáng nay mày lại bảo từ giờ trở đi mày thích Mưa rơi cuối tuần của Hoàng Bách. Mà cái bài đấy thì cũng có từ đời tám hoánh nào rồi! 

- Thì là…

***

Nguyên có một lúc - được tính bằng thời gian Hà xơi hết 10 nem chua rán - để “thì là” vì sao nó thích bài Kachiusa cùng một vẻ mặt “theo dòng lịch sử”!

- Ngày xửa ngày xưa, từ hồi tao còn học… lớp 3, tao cực kỳ thần tượng anh lớp trưởng lớp 5A. Hm, theo từ ngữ bây giờ thì anh í được gọi là hotboy đấy: trông rất hay, học giỏi, đá bóng tốt, làm liên đội phó nữa! Chính lần thi Học sinh thanh lịch, anh í đã hát bài Kachiusa.

- Thế là mày thích bài í từ hồi đó? - Hà suýt nghẹn.

- Ừ! Tiếc là khi anh í lên cấp hai thì coi như bặt vô âm tín… 

- Này, mày đừng bảo tao đi tìm xem anh í ở cái xó xỉnh nào giữa gầm trời, nhá! - Hà nhìn nó đầy khiếp đảm.

- Không, tao chả rồ dại thế. Nhưng mày biết vì sao tao chuyển sang thích Mưa rơi cuối tuần không?

- Tao chưa đủ điên để hiểu một đứa như mày!

- Tại vì tao gặp một bạn giống hệt anh í!

- Ở đâu?

- Trường mình.

- Bao giờ?

- Từ… đầu năm.

- A… thế mày chết rồi, Nguyên ơi. Gần hết một năm học, dám giấu anh em à? Chị ơi, 10 bánh bao chiên. Cho chết, cái đồ… ăn mảnh! - Hà lườm nó. - Ơ, mà bạn í tên gì?

- Lớp trưởng - tạm gọi như thế!

***

10 bánh bao chiên - có thể coi là… cái giá để Hà ngồi nghe tiếp câu chuyện của Nguyên.

- Mày ạ, tao cũng không định nói ra đâu. Mà đúng ra là tao cũng sẽ… chẳng có gì đâu, nếu không phải dạo này tao thấy bạn í… hay nhìn tao. 

Hà phải tu nhân trần ừng ực để nuốt trôi miếng bánh. Nó tròn mắt nhìn Nguyên khiến con bé vội phân trần:

- Tao không tưởng bở đâu mà! Hôm tao với mày đang tung tăng học đánh cầu lông ở sân thể dục thì bạn í đi qua, quay lại nhìn tao. Lần tao đi qua lớp bạn í thì bạn í chạy ra cửa trông theo. Và bạn í ngó vào khi qua lớp mình.

Hà ngừng ăn, băn khoăn:

- Nguyên ơi, thế giữa chuyện mày thích bài hát kia và chuyện bạn Lớp trưởng này thì có liên quan gì đến nhau?

- Là như này: lúc trước tao chỉ biết rằng bạn í là lớp trưởng lớp C…

- Hử? Cái thằng cao, gầy, trắng xanh, mắt thâm quầng như con ma á?

- Đẹp trai thế mà mày bảo trông như ma! Mày có biết là tao cực kỳ ấn tượng cái mắt thâm quầng ấy không? Đó là con mắt của… học hành chăm chỉ! Phải thường xuyên thức khuya học bài thì mắt mới như thế. - Nguyên nói đầy tự hào. - Mà mày để tao kể tiếp đã. Tao thì trong sáng, mày biết rồi đấy (Hà lại phải tu nước), nên tao chẳng có ý định tìm hiểu gì cả. Tình cờ lúc sáng nay có thông báo cán bộ Đoàn các lớp đi dự lễ kết nạp đoàn viên mẫu ở lớp C! Trong bản tóm tắt nội dung chương trình, tao thấy ghi tên MC là Hoàng Xuân Bách…

- Mày dừng lại để tao kể nốt cho. Đấy chính là bạn Lớp trưởng?

- Đúng, sao mày biết? 

- Tóm lại là chỉ vì bài Mưa rơi cuối tuần là bài đinh của Hoàng Bách, mà Hoàng Bách thì trùng tên với bạn kia nên mày thích bài í?

- Chính thế!

- Nhưng không phải mày đãi tao một bữa tuý luý như này chỉ để nghe mày kể huyên thuyên thế chứ? 

Mặt Nguyên xị ra (một cân mặt - không kém):

- Bây giờ tao đang muốn làm quen với bạn í mà chẳng biết làm sao! 

- Ối mẹ ơi! - Hà rên rỉ. - Này, mày để tao tự trả xiền bữa này, nhá. Tao còn chả có mảnh tình vắt vai nào, làm sao mà quân sư cho mày được?

Đáp lại nó là một âm thanh như vừa khóc vừa hát:

- Ư ư… tao không biết đâu! Tao chỉ muốn làm bạn mà…

***

Tạm biệt chị Cút - Nem - Bao, hai đứa về trú ngụ ở tệ xá của Nguyên . 

- Tao nghĩ cứ thẳng thắn là tốt nhất! - Hà đang cố gắng để đúng với vai trò của một cạ cứng (Horoscope phán về nó với Nguyên như vậy) cũng như xứng đáng với… những gì nó đã xơi. 

- Ừm... rõ mười mươi là tao đâu có thể nói: tớ muốn làm quen với cậu vì… cậu giống cái anh tớ bồ kết thuở “ấu thơ trong tôi là”?

- Ờ, nghe như kiểu thế chỗ người iu cũ ấy! A, thế nào nó chả biết trò bóng banh! Mày giả vờ nhờ nó dạy dỗ cho vì “tớ phải đi thi đấu cho tuyển nữ lớp tớ”.

Nguyên chưa kịp phản ứng thì Hà đã lắc đầu quầy quậy:

- Không được, quá thất sách! Mày đá hùng hục như con trâu, nó sợ chạy mất dép. Phải là một cái gì lãng mạn vào!

- Dưng mờ tao e là tao không hợp với kiểu ví dụ như đâm sầm vào bạn í, rơi tung toé sách vở rồi “xin lỗi” e thẹn - nói chung là mấy trò “made in Hàn cuốc” tương tự. Vừa sến vừa chuối!

Hà gật gù. Đã dốt không phân biệt được giữa “lãng mạn” với “sến+chuối” thì tốt nhất đừng dây vào!

***

2h đêm. Dễ ngày mai bão to, vì “sâu ngủ” Hà vẫn đang chong đèn lục lọi hết đống báo cũ tìm những bài về làm quen kết bạn. Phải có cách nào giúp Nguyên chứ! Không phải tầm thường và thực dụng là vì bữa “nhậu nhẹt” kia, đây là một lý do vô cùng cao cả. Tội nghiệp Nguyên, ai lại đi tâm sự cùng cái đứa đã được mệnh danh “gà như Hà” trong phạm trù tim phổi! Hix, niềm tin của Nguyên làm nó cảm động quá. Nó không thể phụ một tấm lòng trong thiên hạ!

Bỗng mobile của Hà rung bần bật.

- Nguyên, sao gọi giờ này?

- Ôi mày ơi, tao đang làm Toán…

- Mày đừng có vòng vo Tam quốc…

- Hihi, tao nghĩ ra kế này rất hay. Tao sẽ bảo mời lớp í giao lưu với lớp mình nhân một dịp gần nhất là… ngày 1 tháng 6! Thế là tha hồ cơ hội làm việc chung.

- Nghe cũng sáng suốt phết!

- Thế mày nghĩ xem mình sẽ làm những trò gì, ha!

- Xời, đúng nghề tao rồi!

***

Tiết 5 sáng hôm sau, Nguyên lò dò sang lớp C dự lễ kết nạp Đoàn viên mẫu. Nó buồn ngủ rũ rượi vì đêm qua 4h nó mới đi ngủ.

Trong lúc mọi người lục đục đứng lên làm lễ chào cờ, Nguyên khe khẽ dòm bạn lớp trưởng. Trông đĩnh đạc và tự tin quá!

- Nghiêm. Chào cờ, chào!

- Quốc ca. 

Đoàn quân Việt Nam đi…

Bách mở đầu, để cả lớp hát theo. Lớp này phải hát chay vì không có băng đĩa thu sẵn. Cũng hay hay khi nghe đủ giọng cao thấp trầm bổng hoà vào nhau - rất hào hùng! 

- Đoàn ca. 

Vẫn là giọng trầm trầm của Bách cất lên và mọi người cùng hát:

- Cùng nhau ta đi lên theo bước đoàn thanh niên đi lên cố gắng xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ…

Ơ… đây là… Đội ca cơ mà! Mắt Nguyên đang díp lại chợt mở ra tròn xoe. Nó cười thành tiếng một cách không kìm chế, quên mất mình đang ở đâu!

Như một phản ứng dây chuyền, mọi người cùng hi ha cười theo. 

- Xin lỗi mọi người, tớ nhớ những tháng ngày quàng khăn đỏ quá. Mình có thể làm lại chứ? - Bách chữa cháy. Bản lĩnh đấy, dù tai cậu ấy đang đỏ ửng!

***

Mọi thứ về sau diễn ra nghiêm trang và suôn sẻ như mọi buổi lễ khác. Có điều sau màn cười đó, Nguyên tỉnh như sáo. 

Nhưng không có nghĩa là nó hoàn toàn tập trung theo dõi buổi kết nạp. Nó đang bứt rứt và tội lỗi vô cùng. Như thể nếu nó không phải là người bắt đầu thì mọi người đã chẳng cười dây chuyền vậy.

Tính Nguyên là thế: khi mắc lỗi với ai, nó chẳng thể làm gì cho đến khi người ta tha lỗi hay chí ít cũng hết giận mình. 

Nguyên phải xin lỗi Bách! Nguyên muốn xin lỗi Bách! 

Chờ mãi buổi lễ dài dằng dặc cũng kết thúc. Nguyên ra cửa, nấn ná đợi Bách. Đầu nó rối như mớ bòng bong. Khi mọi người đã về hết và Nguyên tưởng Bách cũng đã về mất từ lúc nào, thì nó thấy Bách đi ra từ cửa kia.

- Bách ơi… - Nguyên nghe giọng mình khang khác khi gọi một cái tên là lạ.

Bách quay lại. Thấy Nguyên, mắt cậu ấy mở tròn.

- Gì thế Nguyên?

- Tớ xin lỗi. Vừa nãy… tớ cười khi cậu hát nhầm. 

- Không sao mà!  

- Nhưng… hơi khổ thân MC.

- Hì, tớ không sao. Nó qua rồi mà, nhìn lại một cách lạc quan chắc là tốt hơn.

- Đấy, cậu cũng thú nhận là lúc đó có bối rối nhá! 

- Thế giả như cậu không cười, cậu tưởng không ai nhận ra để mà cười à? - Bách nghiêm nghị.

- Cậu đã nói vậy, tớ chỉ áy náy vì tớ cười… chẳng ra cái kiểu loại gì! - Nguyên thở phào. - Ơ, mà cậu biết tên tớ từ hồi nào thế?

Bách chợt ngẩn ra, tai đỏ bừng. Cậu lúng túng cười trừ, không biết nói gì. Nguyên cười theo rồi cũng ớ người ra: nãy giờ nó với Bách nói chuyện như thể đã quen nhau từ lâu! 

Thôi, thế là Nguyên quen Bách mất rồi!

Khổ, từ lúc gây ra tội lỗi, Nguyên đâu nghĩ cái gì khác ngoài việc phải sốt sắng tìm mọi cách xin lỗi? Giờ nó mới thấy má nóng bừng lên vì nhớ rằng Bách còn đang ở diện “đối tượng làm quen” của nó. 

Vừa đi vừa nói, nó với Bách đã xuống đến sân trường. Cảm giác lần đầu tiên đi dưới những tán xà cừ xanh biếc với một người không phải Hà khiến Nguyên ngượng nghịu. Nó không biết nói gì để phá tan sự im lặng. Nhưng có lẽ đâu cần nói gì nữa?

Nó với Bách vậy là đã thành bạn bè - đơn giản hơn bất cứ một tình huống nào mà cái đầu giàu trí tưởng bở của nó có thể nghĩ ra. Chậc, có ai quy định rằng kết bạn thì phải thế nào đâu?

Nguyên phì cười khi nghĩ đến Hà. Chắc con bạn vẫn đang vật vã với kế hoạch giao lưu 1/6. Đúng là gà như Hà, chẳng biết đường mà khuyên Nguyên, rằng: một khi cùng là dân teen, kết bạn là điều dễ nhất Quả Đất. Thậm chí, Nguyên chưa hề nói: “Xin chào!” với Bách thì hai đứa đã làm quen nhau xong rồi!

Lời thú nhận của mặt trăng

1. Tôi có một bà chị, chính xác là hai, nhưng cứ đề cập đến một đi đã. (Ui, một đã là... quá nhiều!!!) Số là từ hồi lên cấp 3, tôi đỗ trường chuyên và lên thành phố học, bà chị tôi lúc đó đang học năm thứ 2 Đại học. Và thế là nghiễm nhiên, 2 chị em về “góp gạo thổi cơm chung". Ngày 2 chị em đoàn tụ, bố mẹ mừng vui, chị em hớn hở, ríu rít đi sắm sửa bao nhiêu thứ trong nhà, cho một cuộc sống "có chị có em"

Nhưng than ôi, cái "hạnh phúc mong manh" ấy chỉ đến và trú ngụ trong căn phòng trọ của chúng tôi chưa đầy ba tháng. Tôi nhận ra tôi là mặt trăng, còn bà ấy là mặt trời. Bắt đầu là những mâu thuẫn "nho nhỏ như con thỏ", kiểu: 

- Bật đèn bàn mà học, mày để bóng neong chị không ngủ được. (Nhưng khổ nỗi là ánh vàng của đèn bàn làm tôi lờ đờ buồn ngủ chỉ sau 5 phút thì còn học nỗi gì???)

Rồi kiểu:

- Ra giặt quần áo đi kìa, ngâm một ngày rồi đấy!

Tại sao bà ấy lai nhăm nhe nói lúc tôi đang cáu vì giải bài Toán không ra? Thế là tôi xẵng giọng:

- Em đang bận, chị cứ để đấy, không phải giặt đâu mà lo.

Và thế là bà ấy cũng không vừa:

- À, lại còn thế, con gái gì mà… (Tất nhiên đằng sau chữ "mà" là vô số điều mà con gái không nên có!)

Rồi lại kiểu:

- Tại sao lại đi đầu trần dưới nắng thế kia? Muốn ốm phải không?

- Có mỗi một lần em quên mũ thôi mà. Chị làm gì mà nghiêm trọng thế?

Ngay lập tức:

- Có biết thương ai không hả? Ốm lăn ra đấy thì lại khổ chị, khổ bố mẹ... Lớn rồi mà không biết lo thân... blah blah...

Chưa hết:

- Tờ báo HHT em mua sáng nay chị có thấy đâu không?

- Tao cho cái Nga mượn rồi.

Đáng lẽ ra tôi cũng không "ki bo" đến mức phải hét ầm ĩ lên, nhưng đằng này, vấn đề không phải là cho ai mượn, vấn đề là bà ấy đáp lại bằng một giọng tỉnh bơ như không. Cứ như trêu ngươi ấy!

Mâu thuẫn được đẩy lên "cao trào" khi một hôm, sau một hồi quát tháo ầm ĩ về chuyện tôi bùng một tiết học ra ngồi net (để viết mail cho đứa bạn ở nhà. Lẽ nào bà ấy không có bạn ở quê nữa???) Thế là, không cần "thương xót" cái tài khoản còm cõi trong điện thoại, bà ấy phone ngay về papa&mama để "Đấy, bố mẹ xem, nó dám thế đấy…".

Hôm ấy, tôi tức tưởi khóc, không phải vì trận quát của bố mẹ ngay sau đó, mà vì tôi thấy tủi thân vô cùng. Chị em ở với nhau, ai lại đối xử với nhau như thế bao giờ?

Tôi trốn vào nhà tắm, vặn nước chảy thật to và rấm rứt khóc một mình. Tôi muốn được tự do. Tôi muốn "tự quyết" lấy cuộc sống của tôi. Ôi, tôi thật là ghen tị với mấy đứa bạn tôi, đi học xa nhà, chúng nó thuê một phòng trọ, tự ăn, tự ở, tự làm tất thảy những gì mình thích. Rồi trong lúc bi quan, tôi lại nghĩ đến câu nói tôi đọc được ở đâu đó và bây giờ nó "nhảy chồm" ra, cực kỳ hợp tình hợp cảnh: "Kẻ mạnh là kẻ làm được những gì mình thích, kẻ yếu là kẻ chỉ làm được những gì họ được cho phép làm". Ừ, bất hạnh thay, tôi là một kẻ yếu. Hic!

***

3. Vì thế nên hẳn mọi người sẽ hiểu tại sao nếu khi trước tôi sắp phát điên vì xì-trét thì bây giờ tôi suýt... điên thật vì SUNG SƯỚNG khi nghe tin bà ấy sẽ đi thực tập hẳn một tháng.  Ôi, tự do muôn năm, muôn năm tự do!

Tối hôm trước, lúc bà ấy chuẩn bị lên đường, tôi tíu tít xếp quần áo cho bà ấy, nói chuyện ríu rít. Bà ấy dặn dò tôi những gì, mà thú thực là bây giờ, tôi cũng chả nhớ nữa. Đại khái là không được bỏ bữa, không được bùng tiết, không được ngâm quần áo trong chậu lâu quá, rồi lại phải biết chi tiêu tiết kiệm... 

Một tháng tự do của tôi bắt đầu ngay sau đó.

Đầu tiên là tôi tha hồ tung tẩy sau mỗi buổi đi học về. Tôi đến nhà mấy đứa bạn, buôn chán rồi lại kéo chúng về nhà nấu nướng. Tôi có thể ngâm đồ đến lúc bắt buộc tôi phải giặt. Tôi thích ăn lúc nào thì ăn, thích ngủ lúc nào tôi muốn. Thích mua những thứ tôi thích. Nói tóm lại, Thích là Được!

Tôi cũng gần như "tuyệt giao" với bà ấy. Nhưng là tôi thôi. Còn bà ấy vẫn thường xuyên nhắn tin cho tôi, kiểu: "Ăn cơm chưa? Nấu cơm ăn hay đi ăn cơm bụi?", "Đi học thì nhớ mang mũ, lúc tối chị xem thời tiết thấy hôm nay Hà Nội nắng đến 36 độ", "Hết tiền tiêu chưa? Ngủ một mình có sợ không? Sợ thì cứ bật bóng neong mà ngủ…". Tôi vẫn có cảm giác là bà ấy… không chịu tha cho tôi dù đang cách xa nhau… 200km.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Chẳng có dấu hiện gì báo trước, đoàng một cái, tôi lăn ra sốt, chỉ sau một lần quên mũ. Tệ hại là đúng thời điểm thi đội tuyển quốc gia đang đến hồi nóng bỏng. Tệ hại nữa là, sau quãng thời gian tung tẩy kiểu "Thích là Được", "ngân quỹ" của tôi bị hao hụt nghiêm trọng, chỉ còn đủ tiền mua một ít thuốc và một ít hoa quả. Dế của tôi thì đã bị “đói pin” hơn ba ngày. Không hề có một sms được gửi đến, không có một cuộc gọi nào. Tôi không đến được lớp, và dường như bị cô lập trong căn phòng đầy ắp tự do của mình!

Buổi sáng, tỉnh dậy, dù đầu óc, mình mẩy đều đau nhức nhưng tôi vẫn đến trường để dự thi. Tôi ngán ngẩm nhận ra chậu quần áo tôi ngâm từ… tuần trước vẫn án binh bất động trong nhà tắm. Hết sạch quần áo, tôi liếc sang chiếc quần Jean và chiếc áo màu vàng nhạt của bà ấy. Đây là bộ quần áo mà hôm đi Lạng Sơn chơi, bà ấy đã xách về cho tôi, nhưng tôi chê xấu không mặc. Thế là bà ấy mặc luôn.

Tôi thử nguyên bộ quần áo ấy. Đứng trước gương và ngắm nghía. Tôi nghe mũi mình cay cay khi trong tích tắc nhận ra rằng, tôi và bà ấy giống nhau biết bao! Đôi mắt này, cái trán dô này, cả cái miệng hơi hếch lên bướng bỉnh… Không! Giờ thì thực sự tôi muốn có bà ấy bên cạnh mình, bất kể tôi có ốm hay không?!

Tôi không còn nhớ tôi đã như thế nào trong phòng thi với cái đầu nóng hơn 39 độ. Khi tôi lê bước về đến nhà, đã thấy bà ấy ngồi thu lu bên mâm cơm đã nấu sẵn, mắt nhìn chằm chằm vào chiếc di động. Thoáng thấy tôi, bà ấy bật dậy như một chiếc lò xo và… lại quát ầm lên:

- Mày làm sao mà cả tuần liền không nghe điện thoại? Sao không nhắn tin cho chị? Chị tưởng mày nửa đêm bị ma bắt đi rồi, mày không biết là chị mày lo cho mày thế nào à? Đồ vô tâm, vô duyên…

Tôi không chú ý đến âm lượng cũng như nội dung những gì bà ấy bắn ra. Tôi nhìn chằm chặp vào bà ấy, lắp bắp hỏi:

- Hơ, em quên xạc pin… chị… chị về sớm thế? Sao không báo trước… em tưởng… một tháng…

- Sao? Tiếc nuối vì tự do kết thúc sớm quá à? - Bà ấy hùng hổ - Hừm… thì đúng là một tháng thật, nhưng sốt ruột quá, lại lo không biết mày ăn uống kiểu gì, lại thi cử đến nơi… Phải cố làm nhanh báo cáo rồi xin phép về trước mấy hôm… - Giọng bà ấy tự nhiên nhỏ dần đều. Xong, nhìn tôi chòng chọc:

- Trời, mày ốm đấy à? Chết, sao mà nóng thế này….

- Không, em có bị làm sao đâu, ngủ một giấc là khỏe ngay… Thôi, em đi rửa mặt rồi vào ăn cơm…

Tôi nói nhanh, lại chạy ào vào nhà tắm, lại xả nước thật to và khóc cho đến lúc cánh cửa nhà tăm bị lay ầm ầm và tiếng bà ấy thánh thót chót vót "trên quãng tám":

- Làm gì mà chậm như rùa thế? Ra ăn cơm rồi tao mua lá xông cho, chiều xông….

***

4. Tôi đã trượt vào đội tuyển quốc gia. Nhưng tôi biết, tôi đã vượt qua "cuộc thi tìm hiểu… bà chị mình" với số điểm xuất sắc được tính bằng yêu thương. Nhiều lúc tôi lại lẩn thẩn nghĩ, nếu bà ấy không… chịu xa tôi gần một tháng, nếu tôi không tung tẩy đến mức ốm lăn ra... thì có lẽ bây giờ, tôi vẫn sẽ là mặt trăng, bà ấy vẫn là… mặt trời 

Bà chị khó tính ơi, có thể ngày mai, hai chị em mình vẫn chí choé, vẫn mặt nặng mày nhẹ với nhau, nhưng em biết rằng, có những thứ khi đã tìm được rồi sẽ không bao giờ mất đi được!

Chuyến tàu cuối năm

Nhờ ai đó trong những người đeo bám lủng lẳng ở cửa lên xuống kéo thốc cái thân thể mũm mĩm của Miu quẳng lên tàu, cô bé mới lọt vào được trong toa tàu chợ "dành cho phụ nữ và trẻ em" này. Nhìn trong đám người lố nhố hỗn độn xung quanh không thấy mẹ đâu, Miu hoảng hốt gọi to: "Mẹ, mẹ ơi!". Không có tiếng thưa. Nghe tiếng tàu kéo còi, cô biết nó sắp rời ga, cô gọi lạc giọng, tiếng méo hẳn đi "Mẹ! Mẹ ơi! Mẹ!". "Ơi, mẹ đây con!". Cô bé nháy thật nhanh chỗ mi mắt gặt nước mắt lan xuống, nhìn về phía nơi có tiếng mẹ. Mẹ cô đang chui 1/2 thân qua cửa sổ toa tàu, đang được những cánh tay kéo vài. Cô bé cuống cuồng trèo hối hả lên những bao gạo chất cao hơn đầu người cô, nhào về ôm lấy cổ mẹ, òa khóc.

Chao ôi là cái tuổi bám gấu váy mẹ. Đi đến một chốn xa lạ nào, hởi hơi mẹ ra là sợ lạc, sợ mất, giống như mẹ là một bà tiên bất mãn ở trần thế, hễ buông tay ra khỏi gấu áo là mẹ bay vụt lên trời. Sợ mẹ bỏ trốn khỏi mình, đi xin đứa bé khác về nuôi vì mình hư quá giống như lời mẹ vẫn doạ vào một cái ngày mình khóc nhè, ngang lẫy. Đâu có biết mẹ yêu mình biết bao, lạc mình mẹ hoảng loạn biết bao nhiêu.

Khi con tàu đã chạy lắc lư, hai bao đỗ đã yên tâm để hai mẹ con ngồi đè lên, cô bé mới hết khóc tủi. Cô thủ thỉ:

- Khi nãy con tưởng lạc mẹ rồi! Con sợ tàu bỏ mẹ lại. Con sợ quá mẹ ạ. Con muốn nhảy xuống ga mà không được.

Người mẹ vuốt ngược mái tóc ướt đẫm mồ hôi của con gái trong khi ngoài trời đang là đêm đông lạnh giá, lựa thế phẩy phẩy cái nón mà không đụng đến hành khách khác. Bà nói với con gái, giọng vỗ về: 

- Lạc răng (sao) được, con. Con ở mô mẹ ở đó mà.

- Sao lúc nãy mẹ đi đâu mà không lên cùng với con?

- Mẹ phải đưa được hai bao hàng lên trước đã chứ.

Miu quên khuấy ngay chuyên lúc nãy, bắt qua chuyện hai bao hàng:

- Ta đem hắn ra Hà Nội bán à, mẹ?

- ừ.

- Lời nhiều không, mẹ?

- ừ. Mẹ cũng không biết. Nhưng thế nào cũng có quần áo mới cho con mặc Tết.

- A... Cô bé reo lên mừng rỡ.

- Cả mẹ cũng có, cả bà cũng có nữa chứ, mẹ?

- ừ, nhưng mẹ không thích mặc quần áo mới, ngứa lắm.

- Hứ! - Miu chu mỏ, ý nói: Chán mẹ quá. Lại không thích mặc quần áo mới! - à, mẹ này.

- Chi con?

- Bán xong, có tiền lời mẹ nhớ mua cau tươi với rễ tươi cho bà nữa, mẹ nhá.

- ừ, mẹ nhớ.

- Mẹ cứ nói mẹ nhớ. Răng phiên chợ trước mẹ không mua cau tươi cho bà, lau nay con thấy bà toàn phải ăn cau khô với rễ khô, trầu úa vàng hoe. Bữa trước nhờ con đâm trầu, bà chép miệng nói ri nì "Ước chi có miếng cau tươi mà ăn một miếng trầu cho ra hồn, có chết ngay cũng sướng. Ăn cái thứ cau khô miền Nam ni, vừa cứng vừa lạt như nhai dái trâu".

- Rứa à con - người mẹ chép miệng - Khổ thân bà. Bà lại cứ nói bà không thích ăn cau tươi, để tiền mua cá cho con.

- Rứa à mẹ ? - Cô bé thấy nhớ bà, thôi không muốn nói chuyện nữa. Cô nhìn ra chút cửa sổ còn sót lại do đống bao gạo còn chừa ra, nghĩ lại xem trời tối như thế này thì ở nhà bà đang làm gì? Chắc bà đang gắp những cục than trộng trộng trong đống gộc vừa đốt sưởi cho vào trã đất, đút xuống gầm giường ngủ cho ấm. Chà, giờ mà được chui vô nách bà trên giường ấm sực hơi lửa ở nhà mà nghe bà kể chuyện ma nhát ông Nhương thì sướng.

Ngồi ê đít trên bao đỗ xanh, cô bé cựa quậy, lại sực nhớ đến chuyện hai bao đỗ.

- Mẹ. Cái nhà mà bữa trước ta lên mua lạc đỗ, bác chủ nhà bị làm răng mà bụng bác to như cái trống rứa, mẹ?

- ừ, bác nớ bị bệnh cổ trướng con ạ. Chắc rồi không sống qua được Tết ni, khổ thân bác.

Miu thở dài sống sượt, buồn:

- Còn bác trai thì bị gãy mất một cái răng mẹ ạ, khi bác cười con thấy.

- Không phải gẫy mô con. Chỗ đó trước là cái răng bọc vàng, hết tiền thuốc thang cho bác gái, bác nớ phải tự đập gãy răng mình, bán lấy tiền chạy chữa cho vợ. Khổ, biết là không sống được mà vẫn cứ cố.

Cô bé không nói chuyện nữa, đưa mắt sục sạo khắp mọi ngóc ngách toa tàu. Trên trần nhà có mấy ngọn điện tỏa xuống một thứ ánh sáng trông xấu xí, sáng tối, méo mó thế nào. Nói là toa "dành cho phụ nữ và trẻ em" nhưng phần lớn hành khách trong toa là thương binh và người đi buôn. Các chú thương binh mắc võng trên gác hành lý, nằm ngủ lắc lư kín dọc toa tàu. Ghế hành khách thì chất đầy các bao gạo, đỗ. Khách nằm, ngồi vạ vật trên những bao hàng ấy. Dọc toa treo lủng lẳng những buồng cau không xanh như cau bà ngoại mà quả tròn, to, đổ ứng, mãi sau này cô mới biết đó là một giống cau của miền Nam, gọi là cau lửa. Có một nhóm bốn chú bộ đội ngồi ở góc toa, các chú ngồi gục đầu, hai bàn tay ôm choàng lấy ba lô ngủ gà ngủ gật. Một chú có con búp bê to bằng em bé ngoài nửa thân trên khắp nắp ba lô, mở mắt tròn xoe, dang hai tay như đòi bế. Đây là điểm cô bé dừng mắt nhìn lâu nhất và thứ hai là những buồng cau lắc lư (cô nghĩ tới bà ngoại). Hai điểm này cô còn nhìn lại nhiều lần. Có vẻ như mẹ đã ngủ. Giật mình dậy thấy cô mở mắt nhìn thỏ lỏ trong đêm, mẹ giục: "Con nằm duỗi chân ra đây, gối đầu lên, lòng mẹ thế này này, thế, nhắm mắt lại ngủ đi. Còn đi tàu tha hồ lâu cho con nhìn".

- Lâu là mấy ngày, mẹ?

- Cũng chưa biết chừng. Nghe mấy chú bộ đội đi từ Sài Gòn ra đây mất cả tuần rồi.

***

Đó là chuyến tàu chợ của những năm đầu thập kỷ 80. Thời kỳ hậu chiến, miền Bắc thiếu gạo trầm trọng. Nhu yếu phẩm cũng thiếu. Ở miền Nam dồi dào hơn nhưng Nhà nước cấm tư nhân buôn bán gạo, thịt - nói chung là hàng hóa - từ vùng này  qua vùng khác. Mà người ta vẫn cứ buôn - và nếu thuế vụ bắt được thì tịch thu hẳn, mất trắng. Mỗi người đi tàu chỉ được mang theo 20 kg hành lý - cho nên mẹ của Miu một chuyến đi buôn Quỳnh Lưu - Hà Nội chỉ dám buôn 40kg - san ra làm 2 bao, nói dối với nhân viên nhà ga "mỗi đùm có 10 cân thôi". Vì được mẹ dặn trước nên Miu không cãi "Ứ, hai chục cân chứ, mẹ!".

Đây có lẽ là chuyến tàu cuối cùng về đến Hà Nội rồi quay về ga xuất phát còn kịp Tết. Những chuyến sau, chắc hành khách phải ăn Tết trên tàu hoặc ở các ga đợi tàu. Có một lần hai mẹ con Miu ra ăn Tết với bố ở Hải Phòng, nơi bố đóng quân - nhưng cuối cùng lại được đón xuân ở ga Thanh Hóa. Nhân tiện mẹ có mua một cặp chiếu Nga Sơn ra làm quà cho thủ trưởng của bố. Năm nay bố viết thư về báo tin "29 Tết sẽ về đến nhà (nếu tàu xe suôn sẻ). Cho nên mẹ mới lôi Miu đi buôn đỗ, bảo "để lấy tiền về ăn Tết thật to cho bố sợ".

Đâu như gần sáng. Con tàu tự dưng giảm tốc độ rồi chạy chậm hẳn. Mẹ Miu lại tưởng đến một ga nào đó (tàu chợ là tàu dừng ở tất cả các ga nó đi qua - phải tránh tất cả những con tàu mà nó có thể gặp phải) nhưng dân đi buôn chuyên nghiệp thì biết, lại đến một địa điểm ăn hàng mà người lái tàu đã ăn cánh với dân buôn.

Những tiếng la hét, chửi thề cùng những bao gạo bịch bịch ném qua cửa sổ quăng lên tàu cũng không làm thức nổi giấc ngủ say như chết của Miu. Cho đến khi mẹ cô nắm lấy tay giật lấy giật để:

- Dậy, dậy con, mau không hàng đè chết.

Choàng mắt dậy, cô đã thấy những người đàn ông trần trùng trục tràn lên toa, bám ô cửa sổ, cửa ra vào lôi ào ào những cái bao căng cứng loại 50kg đựng phân urê lên tàu. Dọc hai bên đường tàu người đứng lố nhố bên những bao hàng, người đứng dưới vứt ào ào lên cho người đứng đón. Họ tuồn đại vào toa, lăn mặc kệ. Đã mấy lần hai mẹ con hét lên khi những chiếc bao căng cứng kia lăn ào về phía mẹ con cô đứng. Các chú thương binh đã dậy, cầm nạng khua bạt mạng tất cả những ai xâm phạm vào khu vực hàng hóa và mắc võng của các chú. Một tí nữa thì mẹ Miu cũng lãnh được một nạng khi mẹ kéo cô nép vào đấy, lỡ đội đầu trúng vào võng chú.

Những bao hàng vẫn theo dọc đường tàu mà ném lên rào rào, đây đó trong toa có tiếng trẻ con khóc thét lên, tiếng người lớn gào gọi nhân viên tàu lửa, yêu cầu đóng các cửa sổ và cửa đi lại không cho hàng lên nữa. Miu vẫn khóc thút thít, mẹ xót xa, xoa xoa, thổi thổi bàn chân bé nhỏ sưng vù, tụ máu ở đầu ngón chân cái vì một góc bao hàng đè lên. Tưởng như cả mấy chục con người bị tấn côn và luùi bước, rồi sẽ bị chôn vùi trong đống bao gạo, đỗ, vừng, mỗi lúc một đầy thêm. Những buồng cau chao đảo, trái rụng lộp độp.

- Trời ơi, đè chết con tôi rồi.

Tiếng mẹ Miu la thất thanh trước đống hàng để chông chênh, choài đổ ụp lên tấm lưng non nớt của Miu. May thay, Miu thoát được như một phép thần kỳ, lòn qua chỗ kênh giữa những bao gạo, chui ra vẫn còn ngơ ngác.

- Trời ơi, khổ thân con. Tí nữa tàu dừng, tới ga nào mẹ cũng đưa con xuống, quay về, lả vô mà buôn với bán nữa, tiền không tiền thì thôi.

Chú thương binh lúc nãy suýt nữa quật cho mẹ Miu một nạng, thò đầu ra khỏi võng, nói dịu dàng:

- Chị cho cháu lên đây với tôi. ở dưới ấy không sống được với bọn chó ấy đâu.

Mẹ cuống quít cảm ơn, đỡ Miu lên. Cô bé dùng dằng vẫn muốn đứng lại dưới này với mẹ hơn, với lại dù sao cô vẫn hãi hãi vì khuôn mặt dữ tợn cùng cây nạng của chú ấy lúc nãy.

Cả toa tàu bước vào một cuộc chiến thật sự khi tàu dừng ở một ga cấp tỉnh nào đấy, hàng chục chiếc áo thuế vụ, quản lý thị trường (hay đại loại thế) ập lên toa đòi tịch thu "hàng buôn lậu". Những người thương binh, có người chân cụt tới bẹn, có người mất hẳn một cánh tay, tay cầm nạng, tay cầm thẻ thương binh (hoặc ngậm ở miệng) kéo sập cửa sổ, chốt lại, dàn hàng ngang chặn bít lối thông thương giữa các toa tàu và cửa lên xuống, giơ nạng đập chí chết bất kể người nào định xông lên toa. Họ phong tỏa toa tàu, không cho những chú mặc áo màu cỏ úa kia tràn lên kéo hàng của họ xuống. Công an cũng không làm gì được. Họ phanh tấm ngực lỗ chỗ sẹo ra, hét lớn:

- Bắn đi, tao thách chúng mình bắn đi. Đời chúng tao còn gì mà tiếc! Chúng mày cứ bắn bỏ bọn thương binh tàn phế này đi.

Miu sợ xanh mặt, nép sát vào mẹ, giật giật tay mẹ thì thầm:

- Mẹ ơi, chú thương binh lúc nãy sao tốt thế mà giờ trông chú hung hãn thế hả mẹ?

Mẹ cô nói như khóc:

- Biết làm sao được con ơi! Lớn lên con sẽ hiểu.

***

Khi toa tàu đã yên bình trở lại, lình xình chạy giữa ban mai thênh  thang trời đất. Miu đã ăn no bụng vắt xôi với đùi gà bà vắt theo cho, thì cô len lỏi giữa các bao gạo, bao đỗ, chui cả xuống dưới gầm ghế nhặt cao rụng, ọt vào áo, mừng rỡ nghĩ tới lúc trút cả chục quả cao tươi óng vào tay bà. Mẹ Miu quá mệt mỏi sau một đêm căng thẳng, ngủ thiếp đi. Cô len đến tận cuối toa.

- À, con bé này, ai cho mày lấy cau của bà ? Trả bà ngay.

Một bàn tay cứng như gọng cua kẹp nắm nghiến lấy cổ tay Miu. Cô bé đau đớn nhìn lên. Một bà to béo.

- Cháu không biết, cháu tưởng cau rụng không ai nhặt nên cháu nhặt về cho bà.

- Cau-rụng-không-ai-nhặt. Một quả cau một đồng bạc đấy con ạ. Trả đây!

- Của bác mấy quả ạ?

- Của tao hết. Trút cả vào nón đây cho tao.

- Có những quả cháu moi tít đằng kia cơ mà. Phải của bà đâu.

- Còn cãi à? Đã ăn cắp còn nỏ mồm.

- Này bà, sao bà lại nói con bé thế? Chú bộ đội có đeo con búp bê lên tiếng - Cháu nó chỉ nhặt mấy quả cau rụng mà to béo như bà, có muốn nhặt cũng không chui được xuống mà nhặt cơ mà?

- A, anh... tôi thì tôi kêu nhân viên đến đây cho họ làm việc với anh chứ tôi thì tôi không thèm nói chuyện với hạng người như anh đâu.

- Thế của bà mấy quả, tôi trả tiền?

- Của tôi tất.

- Cẩn thận chứ! - Buồng cau kia của tôi cũng rụng nữa đấy. Chú chỉ buồng cau treo trên đầu, trơ khấc mấy chẽ không quả. Xong chú lấy con búp bê ra cho Miu bế, khen Miu có mái tóc đen, mượt. Suốt thời gian ở trên tàu, Miu vẫn hay lẩn quẩn chơi chỗ "chú bộ đội có con búp bê", chú cũng qua chỗ mẹ con cô chơi. Đến khi xuống tàu, chú cho hẳn Miu con búp bê, bảo "Đợt này chú về cưới vợ, cháu biết không? Chú mua con búp bê này tận trong Sài Gòn cơ, để sau này cho con của chú chơi? Mà biết đâu, đến lúc ấy thì loại búp bê này đã ê hề ra ngoài Bách hóa Bờ Hồ, giá rẻ như bèo, cháu nhỉ?".

Ra khỏi ga Hàng Cỏ, hai mẹ con và hai túm đỗ lọt thỏm giữa đám người tay xách cân, tay xách bao như nhóm thóc lọt giữa đám gà rừng. Nghe nói ở chợ Đồng Xuân bán sẽ được giá hơn, lại không bị cân đểu, mẹ quyết liệt giằng ra  cho bằng được, quẩy hàng, lôi Miu lên tàu điện.

Cái tàu gì mà chạy chậm rì, không cần dừng người ta cũng xuống được. Người thanh niên ngồi gần Miu tự dưng đứng bật dậy, loi một bao đỗ đá hất xuống rồi nhảy theo, xách  chạy vào hẻm. Mẹ Miu kêu lên, tàu kéo chuông leng keng, chạy chậm lại, mẹ Miu nhảy ào xuống sau khi dặn "Con ngồi giữ bao đậu kia cho mẹ nhé".

Rốt cuộc mẹ trở lại, xách theo cả bao đỗ kia. Người mẹ run bắn, thở hồng hộc:

- Cha là trời! Người ta ăn cắp của mình mà mình lại run cầm cập. Lỡ mà khổ quá thì mẹ nhịn đói mà chết thôi, không dám đi ăn trộm đâu, sợ sợ là.

Đó là lần đầu tiên Miu ra Hà Nội và Miu kể mãi với chúng bạn:

- Ở Hà Nội có một loại tàu mà nó dừng lại ở giữa đường, chờ mẹ tớ lấy lại được bao đỗ đã bị ăn trộm lên rồi hắn mới chạy tiếp.

Cuối cùng hai mẹ con cũng bán được đỗ cho một cô trẻ mặc quần áo xanh công nhân. Cô bảo cô là công nhân làm ở nhà máy xe đạp Thăng Long, tranh thủ tan tầm ra đây mua đi bán lại kiếm thêm tiền mua cá cho con. "May chị gặp được em chứ chị mà bán cho bọn phe phẩy kia, bọn họ hóa một chốc là chị trắng tay đấy".

Rút cuộc xuân năm đó Miu cũng được đi chợ Đồng Xuân mua quần áo mới, được ăn kem Bờ Hồ và nhìn thấy Lăng bác. Nhưng về đến nhà, mẹ bảo tièn tàu xe đã nuốt hết cả lời và một phần ba vốn.

Tới nhà, bà mừng mừng tủi tủi, ôm Miu khóc, mắng: "Cha mi, bà từng ni tuổi mà chưa biết thị xã Vinh ở mô, mi nứt mắt đã ra tận Hà Nội, đã được thăm Lăng Bác Hồ rồi". Bố mắng mẹ cam công cam việc, hành xác cho khổ. Làm tội  bà ngày nào cũng ra đường tàu đứng ngóng. Bố từ hôm về (28 Tết) đến nay (sáng 30 Tết) ngày nào cũng đạp xe lên ga đứng chờ. Tết nhất chưa chuẩn bị được gì.

Tết năm đó, không kịp chợ búa, mua sắm gì, nhà Miu ăn Tết còn sơ sài hơn mọi năm. Chỉ có nửa cân bánh kẹo cứng với nửa cân bánh quy mua ngoài Hà Nội, một cân thịt mẹ nằn nì xin trả lại của dì Thoa.

Nhưng Tết năm đó là Tết vui nhất. Cả nhà ai cũng nhận thấy thế. Chỉ có Miu hay cằn nhằn "Con thấy Tết nhà người ta hắn tự tìm đến. Còn nhà mình, con với mẹ đi tìm Tết ở mãi tận đâu đâu, khổ chi là khổ!".

Bố cười bảo:

- Người ta đi tìm Tết cũng như đi tìm hạnh phúc, có khó nhọc nhiều mới thấy yêu nó một cách sâu sắc, con ạ.

Vịt ơi!

Cậu chủ tên là Long, theo tôi nghĩ, là một người quái đản. Bình thường, cậu vẫn gọi tôi là Hoa, nhưng thỉnh thoảng hứng lên lại gọi tôi là Vịt. Tôi mà là Vịt? Nếu cả hai mà cùng ở quê, tôi đã mắng cho cậu một trận nhớ đời, vì tôi đã từng là hoa khôi của lớp 10A trường huyện. Vậy mà lên Hà Nội, tôi lại biến thành Vịt, thế mới tức. 

Cậu Long năm nay học lớp 11, cũng chỉ bằng tuổi tôi. Tôi vì hoàn cảnh phải đi “giúp đỡ hai bác việc nhà” nên mới phải bỏ học, chứ không thì… đừng có mà hòng. Ở quê tôi, con trai con gái bằng tuổi nhau thì con trai cứ phải gọi con gái bằng chị. Còn ở Hà Nội, chỉ vì cậu Long là cậu chủ nên mới dám lên mặt như thế. 

Căn nhà này cũng quái đản nốt. Nó có cái gì khiến tôi thấy bức bối khó chịu mà không thể giải thích. Cả nhà đi biền biệt suốt ngày, ở nhà chỉ còn mình tôi, lau chùi, dọn dẹp, cho chó cho mèo ăn, giặt giũ cho cả nhà, đến bữa thì nấu cơm, rửa bát, nói chung tất tật công việc nội trợ. Càng gần đến ngày Tết tôi càng thấy lo hơn, như ở quê tôi, Tết là tối mắt tối mũi. Nhưng may thay, năm nay ông chủ quyền to nhất nhà là bác Phương đã tuyên bố “tiến hành cải cách triệt để” - là không gói bánh chưng, không làm mứt, không kho cá, không thổi xôi, tất cả ra siêu thị đem về! Tôi thở phào nhẹ nhõm. Buổi tối, tranh thủ lúc đổ rác, mấy cô ôsin châu mỏ vào nhau thông báo tin tức. Thì ra, cả cái khu nhà sang trọng này đều thế, đi siêu thị! Miễn gói bánh chưng!

Nhưng dù sao, lòng tôi đã quyết, đây là năm cuối cùng, Tết cuối cùng tôi ở với họ. Tôi đã thưa chuyện với hai bác chủ, từ ngày mai, tôi xin phép về với mẹ, xin phép thôi không làm "nội trợ" cho hai bác nữa. Tôi nhớ nhà, tôi muốn đi học trở lại...

***

Lúc này, tôi đang phải lau chùi bộ bàn ghế gụ to tướng ở phòng khách. Đến cái bộ bàn ghế cũng quái đản. Màu thì đen thủi đen thui. Chạm khắc thì cầu kỳ. Lưng tựa của bốn cái ghế chạm khắc bốn kiểu cây chẳng ra cây, cối chẳng ra cối, lá không ra lá, quả chẳng phải quả. Tôi phải vo tròn giẻ lau, đút vào những cái lỗ bé xíu, kéo đi kéo lại cho kỳ hết bụi. Dù sắp đi, nhưng tôi vẫn cố gắng làm thật tốt mọi việc. Tôi vừa lau, vừa lẩm bẩm: Bàn ghế ơi, đây là lần cuối cùng tao lau chùi cho chúng mày đây...

- Vịt!

Bất ngờ, cậu Long từ ngoài đường nhảy xổ vào, kêu to, làm tôi giật bắn người. Kiểu này là lại có chuyện gì đây. Bình thường, cậu Long trầm lặng, ít nói, nhưng cục tính, dễ cáu. Thỉnh thoảng cậu lừ lừ đôi mắt, nặng chịch khuôn mặt làm tôi phát khiếp. Nghe cậu gọi, tôi cứ lơ đi. Tôi ra vẻ ngoan ngoãn, vẫn chăm chú lau chùi. Cậu có gì đó đặc biệt, nhảy lò cò một vòng quanh tôi - đúng hơn là quanh bộ bàn ghế - rồi rút từ trong túi ra một gói nhỏ bọc giấy trang kim lấp lánh: 

- Này, Vịt, tặng ấy nhân ngày Tết. Mà, ấy định thôi không làm cho nhà tớ nữa à?

Cái gói trang kim lập lòe trước mặt, thật ngứa mắt. Tôi giơ tay cầm lấy, lẳng lặng vứt toẹt ngay vào xô nước bẩn bên cạnh. Đừng có mà coi thường tôi!

Cậu Long đần mặt. 

Đây không phải lần đầu tiên tôi với cậu "có chuyện". Hồi mới đến làm, được đúng hai tuần thì cậu lừa lừa lúc tôi đang ngủ cắt xoẹt ngay một bên đuôi sam của tôi. Tôi điên tiết, nhảy chồm chồm, định cho cậu ta một trận. Nhưng rồi tôi dằn lòng lại. Dù sao, tôi cũng là đứa đi làm thuê, còn cậu lại là con cưng của ông chủ. Đêm hôm ấy, tôi chẳng thể cầm được nước mắt vì nuối tiếc mớ tóc dài mượt, vì tức tối, vì tủi thân. Và còn vì cả hai tuần căng thẳng đầy thử thách. Và vì cả ba tháng vất vả và cực nhục trước khi bước chân vào cánh cửa nhà này...

Bố tôi mất sớm, đến giờ tôi cũng không rõ ông bị bệnh gì mà mất. Nhà chỉ còn mẹ, tôi và em gái bé bỏng. Việc gì cũng đến tay ba mẹ con, kể cả đào đất đá ong đóng gạch, trộn đất trát tường. Nhà tôi ở chân một quả đồi nhỏ vùng trung du, sau nhà là cả một rừng bạch đàn lúc nào cũng xanh mướt và thơm nức mùi dầu bạch đàn. Dù nhà nghèo nhưng tôi vẫn được đi học đến lớp 10. Buổi sáng, khi miệng giếng còn bốc khói mờ mờ, tôi đã dậy chuẩn bị rửa củ (quê tôi gọi khoai là củ), nấu cơm cho cả nhà, băm một rổ bèo, rồi mới leo lên cái xe đạp cà tàng đến trường. Còn em gái tôi dắt trâu đi chăn, mẹ nấu cám rồi ra đồng. Buổi trưa đi học về, lẽ ra đi đường thẳng ngắn hơn, nhưng tôi vẫn thích vòng một đoạn để đi theo bờ con sông đào lúc nào cũng ăm ắp nước, rồi qua cầu treo, rồi vòng qua một quả đồi rồi mới về nhà. Con đường đất đỏ kêu sào sạo dưới bánh xe nghe rất thích. Nhiều khi tôi dừng xe, tranh thủ leo lên sườn đồi cắt giàng giàng về làm củi đun, vừa cắt vừa liếc tìm xem đã có quả sim nào chín chưa... Giàng giàng đun sướng lắm, khi cháy lửa reo reo phần phật, vui tai vô cùng, và khi đó đôi má nóng ran ran... Lũ con trai rất hay nhìn trộm tôi, tôi biết, và đêm nào cũng hãnh diện thầm một mình.

Thế rồi mẹ tôi ốm. Nhà vẫn cứ phải ăn, phải thuốc men, phải mua cái này cái nọ. Ruộng thì chẳng ai làm. Có bác Hoành trên Hà nội về, thấy tôi khỏe mạnh ngoan ngoãn, bác bảo sẽ xin cho đi giúp việc một bà người quen trên ấy, tiền công tính ra còn hơn hẳn làm ruộng phập phù. Thế là tôi đi, vĩnh biệt học hành, sách vở gói lại, mọi việc nhà trông cậy vào con em gái mười hai tuổi và bà ngoại ở gần.

Bác gái ở nhà tôi giúp việc tính tình rất lạ lùng. Khi có khách hay khi ra ngoài, bà sởi lởi dễ thương dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ, ăn mặc son phấn đẹp đẽ, ấy thế mà khi ở nhà không có người lạ bà trở nên khác hẳn, suốt ngày cáu kỉnh và đầy nghi ngờ hết thảy mọi người, từ chồng đến con. Được cái, bà rất cẩn thận dạy tôi cách dùng máy giặt, cách là quần áo, cách nấu thức ăn, cách ăn nói nhỏ nhẹ. Nhưng tệ hại nhất là bà thường trực nỗi nghi ngờ tôi lấy một cái gì đó của bà mà chưa xác định được. Giúp việc cho bà ba tháng dài như ba năm. Rồi đùng một cái, đúng cái ngày tôi diện bộ quần áo đẹp nhất định ra phố mua quà về cho mẹ thì bà sa thải tôi.

May quá, bác Hoành lại ra tay kịp thời. Bác xin cho tôi giúp việc nhà khác, là anh con dì con già của bên thông gia nhà em con ông chú của bác Hoành, với danh nghĩa không phải là ôsin, mà là cô cháu gái nội trợ, oai không? Tuy lằng nhằng thế, nhưng cũng là họ hàng hang hốc, không sợ bị bắt nạt, thu nhập khá hơn. Và thế là tôi đã khăn gói đến nhà bác Phương...

***

Bác Phương to béo, có cái nhìn như thấu tâm can người ta. Mới đến, bác đã sai tôi giặt quần áo. Tôi lựa quần áo sáng màu để riêng, quần áo cậu Long giặt riêng, vì bẩn khủng khiếp, còn cái quần nhung của bác gái - tên là Lan - tôi vò tay giũ tay cho khỏi hỏng. Giặt xong, tôi lau chùi máy giặt cẩn thận. Suốt 2 tiếng đồng hồ, bác Phương kê ghế ngồi đọc báo gần đó. Xong xuôi, bác bảo bác đã từng trả về quê đến ba cô cháu gái chỉ vì không biết phân biệt màu quần áo, không biết lau sạch máy sau khi dùng. Tôi hú vía, thầm cám ơn cái bà đã sa thải tôi vì đã dạy tôi đủ điều.

Bác Phương buôn bán gì chẳng biết, đi suốt, bảy ngày thì sáu ngày không ăn cơm nhà, nhưng giàu lắm, thỉnh thoảng tôi thấy bác về ném cho bác Lan cục tiền to tướng, bác Lan lại cất vào cái két to tướng. Bác Lan là cô giáo, nhưng sao trông phiền muộn suốt ngày, chẳng có học trò đến thăm, ngay cả ngày 20 tháng 11 cũng vậy, và cũng ở trường suốt, tối mới về nhà. Cậu Long, suốt ngày mất mặt. Mà khi có mặt ở nhà là bắt đầu phá phách hết cái nọ đến cái kia. Cô út học lớp bảy mà cũng... đi học suốt ngày. Hai anh em mà như mặt trăng mặt trời. Thành thử cả cái nhà rộng mênh mông có mình tôi cai quản, được cái phòng nào cũng khóa, tủ nào cũng khóa, nên tôi thấy yên tâm. Tôi có một con chó và một con mèo làm bạn, chúng yêu quý tôi hơn chủ chúng nhiều. Cái đêm hôm tôi khóc ấm ức vì bị cậu Long cắt trộm một bên đuôi sam, con chó suốt đêm nằm dưới giường tôi, thỉnh thoảng rên ư ử như thông cảm với tôi, còn con mèo cuộn tròn trong lòng tôi, thỉnh thoảng lại xòe móng ra bấm nhẹ lên tay tôi.

Hôm sau, nhân lúc cậu Long về nhà, tôi lôi cậu xuống bếp - là nơi thân thuộc nhất của tôi, dễ nói chuyện nhất. Khổ thân cậu còi, con trai thành phố ẽo ợt như cỏ lau. Tôi chất vấn tại sao lại cắt tóc tôi. Cậu bảo tôi quê lắm, đi đường mà lủng lẳng đôi đuôi sam là dễ bị trêu ghẹo, dễ bị dụ dỗ bán lên biên giới, con gái bây giờ phải tóc ngắn, hiểu chưa? Tôi chẳng hiểu gì cả. Vậy cậu cắt tóc tôi là có lòng tốt à? Đương nhiên, cậu bảo, trông còn xinh lên nữa. Bất kể chủ hay tớ, tôi đã quại cho cậu một quả vào lưng, giống như hồi ở quê tôi đã cho một thằng cùng lớp ăn đấm vì hỗn láo. Cậu nhăn nhó mất mấy ngày, tôi lo lắng mất mấy ngày vì sợ mất việc, rồi mọi chuyện cũng qua. Dần dần, tôi thấy tóc ngắn cũng... xinh!

Đến tháng sau, cậu ta lại giở trò ma dọa tôi. Cậu lấy tấm ga trắng trùm kín đầu, nửa đêm mò xuống bếp gần chỗ tôi ngủ, ú ớ hoa chân múa tay. Tôi mở mắt, thấy vậy run hết cả người, nhưng sau phát hiện ra con chó nằm chân giường vẫy đuôi, thế là tôi biết tỏng trò nghịch của cậu. Tôi thầm thì: ôi con ma, khiếp quá, khiếp quá, rồi vớ lấy cái chổi quật lia quật lịa vào con ma, làm con ma chạy vù lên gác.

Dần dà, tôi phát hiện cậu Long là cả một mớ mâu thuẫn. Cậu bảo cậu căm thù chuyện học hành, nhưng có lúc lại học như điên. Mấy lần cậu xuống bếp, vớ lấy một cái bát hay một cái cốc đập vỡ tan tành rồi bỏ đi. Có lúc cậu bảo cậu đốt nhà cho cả nhà biết tay, nhưng có lúc lại đỡ đần tôi việc quét nhà. Gớm khiếp, ai cần cậu đỡ, bẩn vẫn hoàn bẩn, vẫn phải thân tôi đi quét lại.

Và hôm nay, lại còn giở trò tặng quà Tết nữa chứ! Không thấy tôi đang lau bàn ghế à, lau nhanh rồi còn xin phép về quê chứ! Còn phải lo cái Tết cho mẹ, cho em chứ! Hôm qua tôi đã nói với cô Lan chuẩn bị thanh toán tiền công cho tôi...

- Cậu không đi mua cành đào à? Thấy bác bảo đấy là việc của cậu? - Thấy Long vẫn đứng đó, tôi thấy động lòng, dù sao thì ngày Tết cũng không nên vứt quà của người ta vào sọt rác. 

- Không đi. - Long nhấm nhẳn.

- Sao thế?

- Nghe đây, Vịt. Tớ nghĩ kỹ rồi. Ấy mà đi thì tớ buồn lắm. Cái nhà này như cái nhà ma. Không có ấy, tớ thấy... thấy... cô đơn...

Tôi phì cười.

Cậu Long đi.

Tôi bắt đầu xắn tay áo lau cầu thang.

Buổi tối, mọi việc đã xong.

Đêm, mọi người đã đi ngủ hết, tôi đã gói ghém xong đồ, tiền công đã nhận, khoan khoái và nhớ nhà da diết. Lúc ấy, bất đồ cậu Long xuống nhà gặp tôi. Cậu đưa tôi một túi nylon đầy sách và khá nhiều vở mới, cả một gói to đầy bút bi.

- Hoa ạ, - cậu nói - tớ biết hoàn cảnh nhà ấy, nhưng bỏ học thì không nên. Con gái hiện đại tóc phải ngắn, đầu phải to, tức là chứa nhiều chữ. Tặng ấy sách vở. Nhớ là dù gì thì ấy cũng phải cố  đi học tiếp đấy.

Lần này, tôi nhận.

Sáng hôm sau, cậu Long đèo tôi ra tận bến xe. Trời đầy sương mù giăng giăng. Phố phường giáp Tết người đi lại đông nghìn nghịt.

Tôi lên ô tô, thò đầu ra nhìn cậu. Mãi đến khi xe chạy, tôi còn nghe thoảng tiếng gọi với theo:

- Vịt ơi, Vịt ơi...

Truyện cổ tích về đêm Cầu vồng

Viết cho My xinh và một cầu vồng nhỏ!

My ghét môn Lý, ghét cay ghét đắng đi được ý chứ. Ghét như kiểu sáng nào ngủ dậy cũng phải ăn bánh mì với sữa. Mà đôi khi người ta có thể ghét một thứ chẳng vì gì cả, như khi người ta có thể yêu quý một thứ chẳng vì lí do gì, đúng không? 

Dĩ nhiên là không đúng rồi, Quang chắc chắn sẽ trả lời như thế! Bởi đơn giản, Quang yêu môn Lý nhất. Đã mấy lần nó định lên giọng với cô bạn về tầm quan trọng của môn này, cũng như quan trọng không kém là việc My có thể trượt tốt nghiệp ngon ơ nếu không học Lý tử tế. Nhưng cái ước ao nhỏ nhoi mãi vẫn chưa thực hiện được, bởi Quang sẽ lại nghĩ ngay tới cái môn Văn cực kì ẩm ương của mình, nghĩ tới cái cảm giác “nhức đầu chóng mặt” mỗi khi phải học thuộc một bài thơ độ nửa trang sách giáo khoa. Và thế là nó lại thôi!

Thế nên hôm nay, khi bước vào lớp, cái nắng oi ả của ngày hè 37 độ chưa đủ shock bằng cái câu mà My đang nói rành rọt trước mặt nó: Tớ-bắt-đầu-thích-môn-Lý. “Cái gì, nói lại xem nào?” Lặp lại vẫn câu nói đấy, và vẫn bản mặt mà moi móc đâu cũng thấy độ chân thật cao. Thảng thốt, và ngạc nhiên… “Từ bao giờ thế?” “Từ mới hôm qua thôi”

Quang bắt đầu lục lại trí nhớ, hôm qua có sự kiện gì nhỉ? À hôm qua có tiết Lý, vẫn cô Thuỷ, vẫn một phong cách dạy có “độ ru ngủ cao” với những đứa không thực sự tha thiết với môn này. Học tiếp chương Quang hình, đến bài “Hiện tượng tán sắc ánh sáng”. Chả có gì lạ lùng cả. 

“Thế chính xác vì cái gì mà cậu thích nó?” “Vì tớ thích cầu vồng, vậy thôi!” Nói rồi, cô bạn bỏ lên bàn trên, để lại một chú bé đang ngồi “suy tư” rất chi là cụ Khốt.

***

Quang là bạn thân với My từ nhỏ, nhà hai đứa gần nhau, hai ông bố lại làm chung một cơ quan. Quang vẫn còn nhớ rất rõ một hình ảnh My từ rất lâu rồi, một con bé tóc dài, đanh đá, mồm to, luôn muốn chiến thắng trong mọi cuộc chơi. Quang thì ít nói, hiền lành, và hai đứa gần như là một sự bổ sung tính cách hoàn hảo cho nhau. 

Thời ấu thơ qua nhanh, nhưng Quang vẫn luôn khẽ cười một mình khi nhớ lại một buổi chiều sau cơn mưa, trên sân lớp mẫu giáo, con bé My đầu gấu mọi ngày bỗng đứng ngây ra trước một dải ánh sáng kỳ ảo cứ lấp lánh mãi trong không gian còn bàng bạc, ẩm ướt sau cơn mưa. 

Dường như để khẳng định “tình yêu bé” với môn Lý đã bắt đầu manh nha trong mình, ngay chiều hôm sau, My “hâm” kéo tuột Quang ra khỏi nhà để đi-xem-cầu-vồng.  

Quang kêu rầm lên: “Khá khẩm phết nhỉ! Nhưng vấn đề ở chỗ Hà Nội mấy ngày này, nhiệt độ toàn từ 27 đến 36 độ, gió Tây Nam cấp 3 và độ ẩm là 60%, lấy đâu ra mưa mà có cầu vồng.” 

Nhưng nhìn cái mặt hớn hở của My, Quang đành nín nhịn. Hai đứa chung một xe đạp, phóng như bay trên đường Hoàng Diệu, đâm ra phố Phan Đình Phùng, thẳng tiến vườn hoa Hàng Đậu.

Hai đứa gửi xe, rồi My kéo Quang ra chỗ vòi phun nước, líu ríu: “Làm theo tớ nhé, nheo mắt vào, nhìn qua làn nước này” Quang làm theo, chỉ đến khi trước mắt Quang hiện ra loang loáng một vệt sáng nhiều sắc, Quang mới hiểu đấy là nguyên nhân tại sao bạn mình lại bảo đấy là cầu vồng. “Hay nhỉ!” – Cậu lầm bầm. “ừ, dĩ nhiên, bản chất của nó là hiện tượng tán sắc ánh sáng mà, khi ánh sáng đi qua màn hơi nước…” – My cười. Ái chà, tình yêu (dù là với một môn khá là khô khan như Vật lý) có thể làm người ta thay đổi kinh khủng như thế đấy. 

Những ngày ôn tập cho kì thi cuối cấp nóng bỏng cuốn hai đứa mệt nhoài. Trò chơi đi tìm cầu vồng gần như trôi vào lãng quên. Kì thi tốt nghiệp rồi cũng qua. Cả lớp được bố mẹ động viên cho một chuyến đi picnic 2 ngày. My ngồi đối diện với Quang trên xe, nhưng đã... thiu thiu ngủ từ lúc nào, nét mặt bình yên, cái miệng bĩu bĩu ngộ nghĩnh. 

Đêm đốt lửa trại, tụi bạn chơi bời đập phá rồi ôm nhau ngủ ngon lành. Mưa rào một trận rồi tạnh ngay, đột ngột như khi bắt đầu. “Đi dạo không Quang?”- My nổi hứng “du lịch mạo hiểm”. “Ừ, đi!” – Quang gật gù. Hai đứa vẩn vơ nói đủ chuyện trên trời dưới đất, cả những ước mơ về một trường Đại học như mong muốn. Sau cơn mưa, rừng còn ngai ngái mùi hơi nước, mùi lá mục. Lòng vòng chán chê, My kêu mỏi chân. Hai đứa ngồi bên nhau một tảng đá bằng phẳng ngay giữa khoảng trống trong rừng. My khẽ dựa đầu vào vai Quang, nghe cậu bạn hát khe khẽ rồi ngủ lơ mơ... Chưa bao giờ Quang trải qua trạng thái ấy, một cảm giác lạ lùng - trong trẻo và bình yên. Đột nhiên, cậu nhìn lên trời, câu hát im bặt. 

Có tin được không, khi cái dải lụa ánh sáng vắt ngang nền trời đêm lúc ấy chính là... cầu vồng. Chắc chắn thế, không lẫn vào đâu được - một cầu vồng lung linh hiện ra giữa nửa đêm. 

Quang chỉ muốn gọi My dậy, hét to lên rằng: "Cầu vồng kìa! My ơi!". Nhưng, một chút ích kỷ làm cậu lừng chừng, vì cậu rất không muốn phá vỡ cái khoảnh khắc kỳ diệu có lẽ chẳng bao giờ lặp lại này - My ngủ ngon, hiền lành trên vai mình. 

Mà thôi, bao giờ My thức, Quang sẽ kể cho My nghe, rằng cầu vồng đã xuất hiện nửa đêm đấy, rất đẹp và lung linh đấy. Dù rất có thể cô nhỏ sẽ chun cái mũi hếch và bảo rằng: "Cậu giả vờ tớ!" Nên ngay bây giờ đây, giữa rừng già, có một cậu bạn vừa qua tuổi 18,  đang ngẩng đầu lên trời cao ngắm nhìn cầu vồng nửa đêm, dựa vào bờ vai còn mảnh dẻ của cậu là một cô bạn nhỏ đang ngủ ngon lành đầy tin cậy. Cậu thấy mình tự tin và trưởng thành lên nhiều lắm.

Thực ra My chỉ mơ màng một chút mà thôi. Cô bạn lặng lẽ mở mắt từ lâu rồi, và cô ngạc nhiên không thốt nên lời khi thấy cầu vồng nửa đêm. Nhưng My không cho Quang biết, bởi cô vừa phát hiện ra một điều còn đặc biệt hơn. Ở khoảng trống trong rừng này, dưới ánh sáng mờ ảo của trăng non mới mọc sau mưa này, khuôn mặt Quang có vẻ gì đó thật lạ, vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, vừa mảnh dẻ vừa vững chãi... đẹp hơn bất kì ánh sáng cầu vồng nào mà cô từng biết. Không gian tựa hồ như đông lại để My giữ mãi khoảnh khắc ấy, giữ mãi nụ cười ấy, giữ mãi ý nghĩ đáng yêu của riêng mình: rằng khi được ở bên người bạn mình yêu quý, sẽ thấy bình tâm và êm dịu lắm ý, một cảm xúc tuyệt đẹp như khi mình được chứng kiến cầu vồng lấp lánh vậy.

Trong một đêm cổ tích…

* Có thể bạn không tin, nhưng cầu vồng thực sự có thể xuất hiện vào ban đêm. Dĩ nhiên là cực kì hiếm và cần rất nhiều điều kiện thuận lợi. Nhưng đã có rồi, ở trên sông Volga (Nga) cách đây đã rất lâu, người ta thấy được tận 9 cầu vồng, và hẳn nhiên, vào nửa đêm. 

Đêm trắng

23h: 

Mẹ gắt ầm nhà, giọng cao vút đau tai: “Vô ý thức! Ngày ngủ đến 9h, đêm lục đục không cho ai yên!”. 

Đâu nào! Ừ thì mẹ hôm nào cũng ngày đi làm, tối đi học tại chức, nhưng lỗi tại Bộ giáo dục, ai bảo Bộ cho học sinh nghỉ hè?! Nghỉ hè phải khác trong năm học chứ!

Thôi thì theo “Quy tắc của bố” (1: mẹ luôn đúng. 2: mẹ không bao giờ sai!), cứ im thin thít đóng cửa, tắt đèn tuýp, lọ mọ bật đèn bàn rồi khe khẽ đánh răng.

23h30: 

Nửa tiếng xoay sở một chỗ ổn thoả giữa đống hộp các tông để giăng bốn góc màn. Giữa núi lôm côm ấy, không phải mắc màn là tuyệt nhất! 

“Khi cơn buồn ngủ kéo đến và người ta chỉ muốn lăn quay ra, không còn gì đáng căm thù hơn là phải bò dậy chăng màn! Vì mắc xong thì thôi, tỉnh như sáo!”. Đấy là quan điểm của con chị. Còn mẹ á? “Muỗi đốt cho bệnh tật lại khổ thân tôi!!!”.

Nên mới như… bi hài kịch, bốn dây màn: một ngoắc vào đinh trên tường, một tròng vào tay cầm tủ quần áo, một buộc qua cánh tủ TV và một vắt vẻo thành ghế!

23h45: 

Không muốn ngủ, hai chị em chat với nhau… trên giấy đủ chuyện nhí nhố. Nhà trống hoác từ trong ra ngoài mà tai mẹ cực thính: Không được thì thào đã đành, tờ giấy đưa qua cấm được phép sột soạt lấy một tiếng!

Chat thế cũng hay! Mỗi tội đã nóng thì chớ, lại được mùi khói rơm rạ ngoài cánh đồng bay vào, thành thử hai cái quạt chạy hết cỡ vẫn chẳng mát! 

“Nhưng như thế mới thiên nhiên, chị ạ. Cố mà tận hưởng. Chả mấy khi…”.  Con em an ủi. Tất nhiên, trên giấy.

0h15: 

Mặt con chị méo xẹo: 

-    Ý tưởng, có một ý tưởng!

Cái nghề “dàn dựng kịch bản cho những phi vụ cấp vườn” của nó là thế: có gì phải gõ lại ngay, không là thôi rồi đời luôn! Vấn đề là lúc này, nó không dám mở PC. Tội lỗi tại cái bàn phím cũ zỉn lọc xà lọc xọc. Mama nghe thấy là teo! 

Đành ngoáy tít mù trên giấy, như con em đang làm với một “tứ thơ” nảy ra trong đầu. Dân văn, chấp gì!

0h20: 

Bố lục đục dậy.

-    Điều khiển TV đâu? Nóng quá, không ngủ được!

-    Hehee, bố hồi hộp chờ sáng mai í mà! - Con chị nhấm nháy.

Nhưng kỳ diệu thay, bố của con! Bố mở TV xem film! 

Choáng…! 

Không thể có phát đại bác khơi mào nào hoành tráng hơn => Alez, bật PC! Gì chứ máy tính sao “hình ảnh sắc nét” và “âm thanh sống động” bằng TV?

Vừa nhấn Power đã thấy mẹ cau có chui ra khỏi màn. Hai chị em nhìn mẹ, cười cầu hoà. Cụ vờ vào WC để “dạo quanh phố phường” xem bố con nó làm gì. Xong lại cau có về giường.

-    Cứ thức khuya rồi ốm hết lượt cả bố lẫn con…

Mẹ ơi, nốt đêm nay thôi mà…

0h30: 

Tén ten: film hết. Khổ thân bố, xem được có 10!

Bố bật cái đèn trước cửa WC rồi tìm tìm kiếm kiếm. Tưởng làm gì, thì ra bố kiếm cái bàn gấp để ngồi đó… lôi tài liệu ra làm. Hix, nhà hoàn cảnh quá:  hai cái đèn bàn, một cái vừa về hưu, cái kia con em đang chiếm dụng. Bố… sợ mẹ “dỗi”, không dám bật đèn tuýp!

Lúc này, tưởng tượng nhà là bốn khoang tàu. Khoang 1: mama (coi là) đang ngủ ở giường cạnh cửa sổ và gần cửa ra vào. Khoang 2: con chị gõ keyboard lách cách. Khoang 3: con em cắm cúi viết dưới ngọn đèn bàn. Khoang 4: dừng lại trước cửa WC, bố lúi húi với những con số.

Đang hăng say, con chị dừng lại, quơ vội một tờ báo, quạt lấy quạt để trong-im-lặng. Nhà chỉ có ba cái quạt bàn, “phân phối” cho các khoang 1, 2, 4. Khoang 3 của con chị được “hẳn” cái quạt trần. Nhưng giữa đêm, nó có dám bật cái thứ kêu cành cạch như công nông ấy lên không? Mama với đôi tai “45 năm vẫn chạy tốt”, thật là… ác chiến!

0h50: 

Con em hãi hùng giơ lên xác con cào cào chết bẹp. Con chị viết giấy: “Nó sống ở đây ba ngày là đủ rồi!”.

May là bố không nghe được! Nếu không bố sẽ mắng nó ở bẩn cho xem. Nhưng cào cào tự nhiên chui vào nhà chứ  nó có bắt vào đâu? Tại người ta đốt rơm ngoài cánh đồng í! 

“Nó cứ nhảy lung tung như con điên, cho chết!”

“Sao chị dã man thế? Có nó không phải nhà… vui hơn à? Hôm trước em còn nghịch với nó… Ôi, đốm xanh bé nhỏ lách chách giữa đồ đạc toàn một màu buồn tẻ…”.

2h: 

Bố tắt đèn, cất bàn, nhường quạt, về khoang 1. Con chị nhìn bố, thấy thương thương người đã bị nó… tát nước theo mưa!

Cơ sở hạ tầng được cải thiện (có quạt!!!), văn chương con chị lai láng ghê! Quên béng phải giữ im lặng, nó gõ lạch xạch như thể căm hờn cái keyboard lắm! Chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng trở mình, nó mới lè lưỡi, tròn mắt hoảng hốt và nhè nhẹ tay được một lát. Rồi đâu vẫn vào đấy!

4h30:

Con em “thôi việc” từ lâu. Con chị vẫn bám lấy PC khi cả nhà chìm trong giấc ngủ (hoặc là nó tưởng thế!). Lúc này nó ngừng tay gõ. Vươn vai cho những đốt xương kêu răng rắc, nó nhìn quanh nhà. 

Trên bức tường trắng hằn rõ từng vệt ố vàng chạy dài từ trần nhà xuống đất. Có gì lạ đâu, cứ như nói dương là phải có âm, nói cái nhà này thì không thể nào không nói về mưa! 

Dột. Mà không phải vì mái thủng! Nếu là mái thủng, huy động xô, chậu, cùng lắm là nồi niêu xoong chảo vào hứng là xong. Đằng này nó dột ở cạnh tường. Nước cứ từ đó mà ri rỉ chảy xuống, mỗi lần mưa lau dọn thôi rồi, chưa kể việc chạy hết hơi để quăng tất cả đồ đạc đang ở trên sàn nhà lên chỗ cao hơn (sau lại… quăng về chỗ cũ!). Đấy, “ấn tượng khó phai” với những vệt ố vàng!

Nhà còn bị nó ghét bởi thông thống từ ngoài vào trong. Nó không thể tự do làm những việc nó muốn vào đêm khuya. Ngủ ngày cày đêm, đấy là cái kiểu của nó. Nhà chả ngăn cách gì mà mẹ tai thính quá chừng, cộng thêm tật khó ngủ nữa. Bật cái đèn bàn cũng phải e dè, che chắn hết hơi!

Di chân trên nền nhà… sạn ngấm ngầm, nó nhớ hình như bốn tháng nay nó mới lau nhà… ba lần và số lần quét nhà cũng đếm được trên đầu ngón tay. Mẹ mắng nó lười với bẩn , nhưng lỗi càng không phải do nó! Ai bảo đồ đạc lung tung, gạch nền thì xấu; có lau cũng chả thấy nó sáng sủa hơn được mấy tí nên chả có… động lực! 

Rõ cái nhà… vớ vẩn!

Chưa hết, nhà còn gắn với… thèm-ăn-đồ-tự-làm! Không có bếp nên chẳng có nấu nướng gì. Thích bún chả thì đi bún chả, thích canh riêu thì đi canh riêu… Món duy nhất có thể làm ở nhà là mì ăn liền.

Sao lại có cái nhà lạ thế? Mọi người trong nhà cũng kỳ quặc nốt!

Vì đấy là một ngôi nhà ở ngoại thành, nhà nó ở tạm suốt bốn tháng, trong lúc nhà cũ đập đi xây lại.

Và vì sáng nay, cả nhà sẵn sàng dọn về nhà mới. 

Chậc, sao tự nhiên than thở trách móc xong lại thấy “thế nào ấy” với cái nhà này thế nhỉ?

4h45: 

Trời hưng hửng sáng. Ánh sáng hắt vào qua cái cửa sổ chấn song vàng tươi và rèm cửa vàng nhạt. Đó chắc là thứ đẹp nhất trong nhà này. Nó đã rất thích những buổi chiều nắng rọi vào khung cửa ấy. Nó sẽ đem đủ thứ ra phơi: cái túi cói hay bị mốc; mấy cuốn sách mưa dột ướt lem cả chữ…

Trên chấn song còn lủng lẳng “hình nhân cầu nắng” nó treo từ hồi lớp đá bóng, rồi lười, cứ để nguyên. Hình nhân gục đầu xuống, miệng vẫn cười toe. Nó biết, vì chính nó vẽ cái miệng răng thỏ.

Cạnh cửa sổ là cửa ra vào, làm bằng thứ gỗ kỳ quái vênh ngược vênh xuôi, mỗi lần đụng vào lại rít lên ầm ầm như thở than đau đớn lắm! Ngâm cứu mãi hai chị em nó mới tìm ra cách bịt mồm sinh vật ấy: mở siêu tốc, đóng thật nhanh. Hết than với thở!

Ngoài cửa có khoảng sân nhỏ, được hưởng ké cây hoa giấy nhà bên. Ké mà có vẻ sướng hơn sở hữu cái cây đầy gai ấy! Không cần giàn, những cành hoa vươn dài và rủ xuống rất tự do. Những bông hoa trắng, hồng xen nhau, rung rung trong gió. Thích ơi là thích!

Nó ấn tượng nhất khoảng sân này với… (suỵt!) lần đầu tiên nó tắm mưa. Hồi nhỏ thì mẹ sợ bị cảm, bị khớp, bị… sét đánh và đủ thứ khác nữa nên giữ kè kè. Lớn lên thì vì nữ tính và ý tứ con gái, không thể làm thế.

Nhưng ngôi nhà nằm trong một cái ngõ vừa nhỏ vừa sâu, trong một xóm chỉ có ba nhà và hai nhà kia suốt ngày đi vắng, cửa đóng im ỉm. Ui, chao ơi là… thiên nhiên!

Tắm mưa! Ngồi bệt giữa sân, ngửa cổ cho mưa đập vào rát mặt, bao bức bối chất chứa trong lòng như gột sạch và trôi tuột theo mưa (dù đổi lại là trận ốm hai ngày)!

Bỗng dưng thấy lưu luyến và yêu thân “cái nhà vớ vẩn” này quá! Nghĩ buồn cười cái cửa gỗ than thở, lại bần thần: “Mình còn thở than nhiều hơn!...”.

5h:

Trời tang tảng sáng. Chợt giật mình nghe tiếng cọt kẹt giường gỗ. Con chị vội vã chui vào màn, vờ ngủ. Mẹ biết nó thức đến giờ này sẽ ca cho một bài no đến trưa! 

Mắt đã khép nhưng nó không buồn ngủ. Từ hồi ở nhà này, đây là lần đầu tiên nó thức qua đêm. Nên nó cũng không muốn ngủ, để đêm trắng… toàn tập!

Thế là dù mắt nhắm, tai nó vẫn căng ra nghe ngóng. 

Có tiếng giở màn sột soạt sau đó là tiếng chân đi rất nhẹ. Vậy là mẹ đã dậy.

Một lát, có tiếng cọt kẹt cửa gỗ. Tiếng cọt kẹt chầm chậm và nhè nhẹ ít ồn ào hơn cả kiểu “mở siêu tốc, đóng thật nhanh” của chị em nó, khiến nó không nén nổi tò mò mà xoay mình, mở mắt ti hí để được “mục sở thị”. Hai tay giữ chặt cánh cửa, chân để sát vào mép cửa; thêm một miếng giẻ nhét vào cạnh cửa. Và mẹ nó, đang thật chậm, thật kiên nhẫn làm từng ấy thao tác, cốt để cho cánh cửa khỏi kêu. 

Mẹ đi đâu ra ngoài vào lúc sớm thế này? 

Nó chun mũi đăm chiêu rồi thốt nhiên khựng lại. Phải rồi, những bữa sáng mỗi hôm một kiểu cho ba bố con; những đồ ăn chống đói lúc nào cũng đầy tủ lạnh… Mẹ có thể đi chợ lúc nào, nếu không phải sáng sớm? 

Nhưng nếu chỉ chợ búa, mẹ có cần dậy sớm thế này không? Chợ gần nhà, 20 là quá đủ!

Trở mình băn khoăn. Từ cái gối êm thật êm toả ra mùi thơm của nắng. Nó sực hiểu. Máy giặt không dùng được ở đây. Những chậu quần áo to tướng hàng ngày đều do một tay mẹ giặt rồi phơi trước sân “cái nhà vớ vẩn”. Cũng chính tay mẹ thu và gấp. Để nó đi giảng giải cho bọn ở lớp đầy vẻ sành sỏi: mặc quần áo giặt tay, hong khô bằng gió với nắng thì thích hơn quần áo giặt rồi sấy trong máy nhiều!

Khẽ khàng, một giọt nước tròn, to và trong veo rơi bộp trên gối, khi nó bỗng nghĩ đến cái câu người ta thường nói, mà nó vẫn cho rằng quá ư trừu tượng: “Ta chẳng biết ta có gì cho đến khi mất nó, cũng chẳng biết ta thiếu gì cho đến khi có nó.”…

Bay như mảnh lá lộc vừng.

04:15 AM. Sớm tinh mơ, tờ mờ. Thế mà nỡ lũng nào, Hiếu gừ muốn vỡ kớnh cửa sổ căn phũng tầng thượng của nhà hàng xúm (mà nú đó hỡ hục trốo sang). Ấy là “đại bản doanh” của lỏng tỏi lỏng giềng mười bảy năm cú lẻ. Để rồi “nạn nhõn” ngỏp ngắn ngỏp dài mở cửa, dụi mói quầng thõm trờn mắt:

- Chuyện gỡ thế? Ngồi xuống cho bỡnh tĩnh cỏi!

Ngồi bệt. 

5 phỳt trụi qua trong yờn lặng.

10 phỳt trụi qua trong yờn lặng.

Trang (chủ nhà) ngửa cổ nhỡn lại cỏi cửa sổ (mà bờn trong là căn phũng ấm ỏp thụi rồi của nú), xong hất hàm:

- Thế là quỏ đủ! 

- 2 AM: Tao nhắn tin tỏ tỡnh, à, “bày tỏ tỡnh cảm” với nú. 15 sau nhận được tin nhắn từ chối. 4 AM: chuyện đến tai 2 người nữa. Giờ là mày.

Hiếu bỡnh thản như đọc nội dung chương trỡnh tivi sắp phỏt súng. Trang – tất nhiờn: hỏ hốc mồm, đờ đẫn.

- Mày đó làm gỡ thế? – Trang thỡ thào cứ như vừa nghe một vụ trọng ỏn, mà bị can là thằng bạn mười bảy năm cỏi “bỏnh đa mỏ vịt” chia đụi. – Mày điờn à?

***

Trang, học chuyờn ngữ. Cỏ tớnh, học hành tanh tưởi và .v.v. điểm cộng. 2 điểm trừ duy nhất: vụng về kinh hoàng và… mự net toàn tập!

Tất nhiờn, phải hiểu, đõy là Trang-khỏc: Trang CNN. Khụng phải là Trang hàng xúm (vốn “tốt bụng” cả nghĩa đen lẫn nghĩa búng).

Thõy kệ! Quan trọng là, sau một vài năm cấp hai học cựng nhau, một vài năm tiếp theo cựng ở trong nhúm bạn bố thường xuyờn tụ tập và từng ấy thời gian rất ớt cảm tỡnh với một đứa con gỏi khụng biết (lẫn khụng chịu) làm gỡ cả, thỡ: Vào hồi 13h ngày 13 thỏng 10 năm 2006, trờn đường từ nhà cỏi Linh đến Trung tõm chiếu phim quốc gia (17 Lỏng Hạ!), trỏi tim Hiếu bỗng ngõn lờn một bài ca chưa bao giờ như thế – trước Trang CNN!

Mất thờm một vài ngày Hiếu khoỏc cỏi bề ngoài ương ương dở dở, ngu ngu ngơ ngơ những mong đào sõu chụn chặt “khối tỡnh”, thỡ 6 ngày trước, hàng xúm mới “được” rừ đầu đuụi cơ sự.

- Tao phải làm gỡ đõy? Tao biết làm thế nào bõy giờ? Tao sắp đi rồi! Nhỡ đến lỳc tao về nú… đó... ấy... thỡ sao???

- Cho tao nghĩ đó. Mày bỡnh tĩnh, chuyện này khụng thể vội được!

Thế, Trang (hàng xúm) thỡ vẫn lụi cụi ngày ngày mài quần ở trường rồi lớp học thờm. Bự đầu. Chỉ biết rằng sẽ khuyờn Hiếu đừng núi, nhưng phải khuyờn thế nào để nú nghe cỏi rụp? 

Trong khi Hiếu chỉ ở nhà chờ ngày lờn đường “tõy du… học”, chờ… cõu trả lời của Trang. ễi, thảo nào! Nhàn cư vi bất thiện đõy mà! Khổ lắm!

***

- Nguyờn văn, mày đó núi gỡ hả Hiếu?

- Con Linh đó bảo tao núi vừa phải thụi, khụng sau này khụng nhỡn mặt nhau được nữa thỡ… bỏch nhục! Tao núi bỡnh thường, đại khỏi là quý nú.

- Rồi nú núi với mày là: “tớ bất ngờ, tớ cỏm ơn vỡ ấy đó dành tỡnh cảm cho tớ, nhưng tớ khụng thể…” 

- Con Linh kể với mày à? Hay thằng Cường?

- Khụng! Tự tao biết! Tao kinh nghiệm đầy mỡnh, mày hiểu chưa?

Hiếu khụng cần hiểu, cũng như chẳng muốn hiểu vỡ sao, thế nào mà Trang “hàng xúm” lại đầy mỡnh kinh nghiệm. Cũn Trang CNN, sao nàng lại từ chối nú?

Cỏi mặt thẫn thờ, gà mờ và lờ đờ của Hiếu làm thui chột bất cứ ý tưởng thụng thỏi nào chấp chới loộ lờn trong đầu Trang. Cỏi nhỡn xa xăm của nú làm Trang mủi lũng. Chẹp, khụng nhớ “first love” của mỡnh cú thế khụng nhỉ?

- Bõy giờ mày đang thế nào hả Hiếu? Mặt mày như phủ một màn sương bớ hiểm, quả thực là từ hồi mày kết nú, tao chả hiểu mày nghĩ gỡ trong đầu?

- Tao nghĩ gỡ? Tại sao tao lại thớch nú? Tại sao… Trời lại quỏ đỏng thế? Tao đang đi học cơ mà, tao định học xong về rồi mới yờu cơ mà! Sao tao lại thớch nú, sao lại vào lỳc này và sao lại là nú chứ khụng ai khỏc?

Hiếu cỏu kỉnh đầy… bất lực. Cỏi đầu tự nhiờn của nú khụng chấp nhận bất cứ một cõu hỏi nào khụng lời giải hoặc đỏp ỏn nhập nhốm. Ngụ là ngụ, và khoai phải là khoai (trừ khi chớnh tay Hiếu đõy “chế tạo” ra cỏi cõy nửa khoai nửa ngụ!).

Trang mủm mỉm, lắc đầu. 

- Mày nghe tao đọc thơ khụng?

Hiếu rầu rầu, định bảo Trang vui vẻ gỡ mà thơ với thẩn. Kệ, Trang chậm rói:

- Dẫu sao con trai cũng là đỏng quý

Mỗi người sinh ra đó hướng sẵn một chõn trời

Việc hụm nay họ khụng để ngày mai

Họ lượng sức, lượng đường “đi phải đến”.

Đầu úc họ đó quen tớnh toỏn

Mỗi khoản trong đời đều xếp thành ngăn:

Ngăn làm thơ, ngăn đỏnh giặc, gia đỡnh

Tỡnh yờu nữa cũng trong ngăn của họ

ễi con trai thật kỳ lạ! Thơ viết cho mỡnh và những người con gỏi khỏc – Xuõn Quỳnh

Cõu cuối cựng vỳt cao và Trang quay sang Hiếu:

- Khụng phải kỳ lạ, mà là quỏi đản! Lập trỡnh cả tỡnh yờu! Này, sao mày khụng biết nõng niu cỏi cảm xỳc lần đầu tiờn trong gần mười tỏm năm sống trờn cừi đời này mày mới biết đến, đồ ngốc?

- Thế cứ đầu tiờn là mày nõng niu? Thứ hai, thứ ba thỡ sao? Thất bại ờ chề thế thỡ nõng niu cỏi nỗi gỡ?

- Ahhhhh! Thế mày xem film lần 3 cũng giống lần 1 à? Tất nhiờn mỗi lần mỗi khỏc, nhưng lần đầu tiờn luụn cú ấn tượng đặc biệt! Tất nhiờn, tao nõng niu tất cả! Và núi chung, kết quả khụng quan trọng, cảm xỳc mới là đỏng quý. Mà mày vừa núi gỡ? Thất bại à?

- Đỳng. Tao đang chơ vơ như kẻ thua trận. Thảm quỏ! Nản quỏ! ức quỏ! Sao nú lại từ chối tao?

Hiếu đọc thấy cỏi gỡ gần như bức bối và ngựn ngụt tức giận trong mắt Trang đang nhỡn nú khụng chớp. Chả hiểu gỡ cả. Nú cú núi gỡ sai đõu?

***

Đoạn độc thoại của Trang. Hơi bị phi thường vỡ kể cả là mama mắng thỡ Hiếu cũng phải cố chen vào vài cõu cự nự! 

- Thật sự thỡ mày nghĩ gỡ thế? Tỡnh iu là cuộc chinh chiến, trận quyết đấu hay trũ chơi, mà thắng thua lại là chuyện để cay cỳ? Nào, thế nếu nú gật đầu, thỡ rồi sẽ thế nào nữa? Chỳng mày tỏch ra đi chơi riờng chăng? Huống chi, người bị tổn thương và được quyền bực mỡnh là cỏi Trang chứ khụng phải mày! Nú quỏ quỏ quỏ bất ngờ. Đang cú 1 thằng bạn chơi được, tự dưng nú bảo thớch mỡnh! Nghỉ chơi nú khụng xong, mà “hồn nhiờn” như xưa để nú tiếp tục bồ kết thỡ chết à? Thật là ớch kỷ, chỉ nghĩ đến cảm xỳc của mỡnh! Mày cú lỗi, lỗi to như hai con bũ! Ai cho mày cỏi quyền kờu ca, rầu rĩ và bức xỳc?

Hiếu im im, khụng rừ ngấm đũn hay bức bối. Trang thở phự một cỏi lấy hơi, chỉ để cũng im lặng đăm đăm nhỡn mấy cỏi cõy nho nhỏ.

Chợt Hiếu phỡ cười.

- Con Linh với thằng Cường biết chuyện, toàn khuyờn tao kiểu “thua keo này ta bày keo khỏc”, “Hiếu ơi cố lờn”. Bú tay! Đấy, tại chỳng nú mà tao như thế chứ!

Trang gật gự. Bỗng nú nghiờng đầu, tay khum khum ỳp vào cạnh tai để nghe cho rừ. Và mắt nú dần dần bừng lờn rạng rỡ.

- Mỏy bay! Hiếu ơi!

Trang kộo tay Hiếu. Hai đứa vội vàng trốo lờn núc cỏi phũng tầng thượng của Trang. Từ đõy, Trang nghển cổ, đưa mắt tỡm nơi phỏt ra tiếng ỡ ỡ. Trời vẫn nhỏ nhem. Chỉ thấy những nhấp nhỏy những vệt đốn trờn thõn mỏy bay.

Trang hồ hởi:

- Mày cú nhớ hồi mỡnh đi mẫu giỏo khụng?

Chẳng đợi Hiếu trả lời, nú bắc loa tay lờn miệng (khụng màng rằng kha khỏ người cũn chưa bỡnh minh!):

- Chỳ phi cụng ơi! Xuống đõy chơi!!!

- Hỳhỳ! Chỳ phi cụng ơi! Xuống đõy chơi!

Hiếu cũng gào lờn theo Trang. Bỡnh thường nú đó chạy mất dộp, bảo những trũ tương tự “xả stress” (theo ngụn ngữ của Trang) là hõm đơ, rồ dại! Nhưng trong Hiếu, vừa tươi sỏng, vừa ấm ỏp hỡnh ảnh hai đứa nhúc con hoa tay mỳa chõn nhặng xị và cố kờu thật to. Tin tưởng một ngày nào đú chỳ phi cụng sẽ nghe thấy, và cỏi mỏy bay to tướng sẽ đỗ trờn núc nhà!

Thật may khi Trang vẫn cũn giữ những cảm giỏc và thúi quen nguyờn sơ thơ ấu mà đụi khi, nú ẩn sõu khiến Hiếu quờn mất nú từng là một phần, rất sõu sắc của mỡnh. Điều gỡ làm Trang vừa trẻ con, vừa người lớn hơn Hiếu và Hiếu, cũng vừa người lớn mà vẫn vừa trẻ con hơn Trang? Lạ lựng và kỳ diệu thay!

- Chuyện này thật khụng thể vội được!

- Cỏi gỡ cơ? Việc chỳ phi cụng xuống đõy ỏ? – Hiếu ngơ ngẩn.

Trang phỏ lờn cười.

- Sao mày cú thể nghĩ thế nhỉ? Tao đang núi chuyện iờu đương của mày đấy!

***

Nhà Trang cú một cõy lộc vừng xự xỡ, trong cỏi chậu to và nặng trịch, lỳc nào cũng ngập ứ nước (theo đỳng “mốt” chơi cõy năm đú!) Mựa này, lỏ lộc vừng cũn lơ thơ trờn những nhỏnh nghều ngoào cũng đó khụ cong queo. Giú vự vự. Lỏ ru ru.

- Tao biết chỳ phi cụng chẳng bao giờ xuống đõy. Chỳ ớ bay cú lịch trỡnh rồi. – Trang tẩn mẩn.

- Thế à?

- Nhưng bay thế “nhõn tạo” lắm. Tao thớch những gỡ tự nhiờn! Nhỡn kỡa!

Rất khẽ khàng, một mảnh lỏ bứt mỡnh theo giú. Trang đưa tay ra chờ. Lỏ xoay xoay rồi rơi ngay trờn tay.

- Mày đem về, giữ lại ngày hụm nay. Nhớ lỏ lộc vừng bay ra sao. Khi nào thấy “đủ” thỡ tự nú xoay vũng, tự nú trụi. Chuyện này và những chuyện tương tự của mày, lỳc nào đến sẽ đến. Khụng vội được mà cũng chẳng thể lập trỡnh! Đừng cố gồng mỡnh cũng như đừng chạy trốn!

***

Moscow, những ngày đầy tuyết. 

Trong chiếc lọ thuỷ tinh trong veo, cũn nguyờn một mảnh lỏ lộc vừng khụ giũn. Khụ xỏc đến cựng kiệt, nhưng vẹn nguyờn chứ khụng vỡ vụn.

Mảnh lỏ ấy, từ cõy lộc vừng thõn xự xỡ trong cỏi chậu to và nặng trịch, lỳc nào cũng ngập ứ nước (theo đỳng “mốt” chơi cõy năm ngoỏi). Nhưng là cõy lộc vừng ấy ở nhà Trang. Trờn sõn thượng nhà Trang, một buổi sỏng lộng giú…

Nghe bởi trái tim

Ấy biết không, có một công việc part time rất thú vị, rất đơn giản, rất… có thu nhập, và lại vẫn giúp mình có thêm trải nghiệm – “sau này ra đời đỡ bỡ ngỡ”. Ấy có muốn thử không? Tớ sẵn sàng chia sẻ!

Thành thật… khoe: Tớ đang làm một trong các nhân viên trực điện thoại của tổng đài có tên là “Nghe bởi trái tim”. Dù là công việc part time, nhưng tớ có thể làm cả ngày. Vì tổng đài “xịn” đến mức nhân viên không phải ngồi ịch một chỗ đâu: mỗi người có một mobile riêng, và đấy, muốn tung tăng đi đâu thì đi, miễn là khách hỏi gì thì đều trả lời được (tất nhiên, trong một phận sự và giới hạn nhất định thôi. Mình có phải bách khoa toàn thư đâu?).

Nào, bây giờ ấy hứng thú hơn rồi chứ? Bắt đầu nhé!

***

Đầu tiên, ấy không phải lo lắng một milligam nào về “vấn đề chiều cao, vấn đề cân nặng”. Ngay cả đòi hỏi “giọng chuẩn, không nói lắp, không nói ngọng” cũng không cần thiết!

Ấy cũng đừng lo rằng mình: ngố, nhí nhố, trẻ con, lơ nga lơ ngơ chẳng biết gì .v.v. Tớ đây là một ví dụ điển hình cho tất cả những thứ đó gộp lại. Mà tớ, vẫn làm việc tốt đấy thôi?

Cực kỳ đơn giản, ở vòng phỏng vấn, ấy sẽ được đề nghị thử tư vấn một ca xem thế nào!

Sau đây, tớ sẽ trình bày nguyên xi ca tư vấn của tớ .

***

Cầm trong tay cái điện thoại rất xinh. Nó im lìm, trong khi tim tớ rung bần bật.

Và, khi nó kêu inh ỏi, rung bần bật, thì tim tớ - dường như đứng yên. Thu hết… dịu dàng, giọng tớ run run:

- Tổng đài Nghe bởi trái tim xin nghe!

- Alô. Cô, tôi muốn hỏi, có những chỗ nào tương tự như… hừm, nói lịch sự là trung tâm điều trị tâm thần, còn thẳng toẹt ra là… nhà thương điên?

- Xin lỗi cô… cháu không hiểu?

- A, thế nào nhỉ… à, hay như này: chỗ của các cô là ở đâu? Tôi muốn đến để được tư vấn… nội trú luôn! Tôi ăn ở ngủ nghỉ ở đấy luôn!

- Xin lỗi cô, tổng đài của cháu không cung cấp dịch vụ nào như vậy ạ. Nhưng, cô có thể nói rõ ràng hơn mọi chuyện, có lẽ cháu sẽ giúp cô được điều gì chăng?

- Giúp thế nào? Tôi điên mất thôi! Giời ơi! Muốn vào trại tâm thần cũng khó thế đấy!

Cụp! Một âm thanh khô khốc vang lên.

Liệu… có nhầm lẫn gì không? Tớ vừa nghe tiếng “cụp” hay “pằng” thế nhỉ? Mặt tớ méo xẹo nhìn Sếp tuyển dụng. Ngạc nhiên, thấy Sếp cười:

- Chờ đã!

- Dạ?

- Em hãy đợi một tẹo!

Tớ không hiểu Sếp có ý gì.

- Cho người ta một cơ hội, em hiểu không? Để họ một chút tĩnh tâm, rồi họ sẽ gọi lại. Nhưng em phải đợi. Chắc chắn, phải đợi!

Hơi ngạc nhiên với khẳng định như đinh đóng cột ấy, tớ gật đầu, ngồi đợi. Đợi y như chờ một cuộc hẹn.

Và không sai. Khoảng 3 sau, mobile tớ lại rung lên. Vẫn số máy khi nãy.

- Xin lỗi cô, vừa nãy tôi hơi không phải!

- Dạ, không có gì ạ. Giúp được cô tẹo nào là cháu vui rồi. Cô cứ gọi cháu bằng “cháu”, chắc cô cũng tầm tuổi mẹ cháu!

- Cám ơn cháu. Cô điên cả người với con bé nhà cô, mới nghĩ vào béng trại tâm thần! Nhưng vào đó cũng chả giải quyết vấn đề gì. Thôi thì, ờ, biết đâu cháu cũng tầm tuổi con gái cô, có lẽ cháu hiểu hơn chăng?

- Vâng, thế thì cô cứ nói đi ạ, cháu xem thế nào.

“Được lời như cởi tấm lòng”, cô ấy bắt đầu tuôn ra một tràng và tớ cố kiên nhẫn nghe hết, không chen vào nửa lời. Dù nghe thì cũng hơi ức chế. ấy có biết chuyện gì không? Cô ấy… dỗi con gái vì cô bạn này “béo như con heo, mẹ bảo phải giảm cân thì không thèm nghe!” (Nguyên văn lời cô ấy!)

***

Tớ mủm mỉm cười. Hình như các bà mẹ đều giống nhau thì phải. Cô này, nói y hệt… mẹ tớ!

- Cô ơi, thế cô khuyên bảo bạn ấy, cũng y như là cô vừa nói với cháu ạ?

- Ừ. Cô nói rõ ràng, đầy đủ thế đấy. Mà nó có nghe đâu!

- Cô à, thực ra thì những điều cô nói, tụi cháu biết hết. Có những điều tự tụi cháu nhận thức được, cô không phải lo lắng quá thế đâu! Cái chính là dẫu có biết, thì nhiều khi mình hơi thiếu động lực để thực hiện. Nên, thay vì ra rả khuyên can, cô hãy nghĩ xem có thể giúp bạn ấy có động lực như thế nào.

- Cháu nói rõ hơn đi?

- Thực ra, cháu cũng là một đứa có chỉ số BMI hơn mức bình thường…

***

Tớ thích bóng đá là một, nhưng thích đá bóng thì phải là mười! Từ hồi còn bé như cái kẹo, tớ đã lê la bóng bánh với tụi con trai (sau đó còn rủ rê được một hội con gái đá cùng!). Nhưng đến khi lớn lớn một chút, đám con trai không cho đá chung nữa. Và hội con gái ngày xưa, giờ cũng mỗi đứa một ngả. (À, tớ chợt nghĩ: có thể tại lâu không được đá bóng, tớ nhớ quá, nên mới “tròn y chang quả bóng”!)

Đợt vừa rồi, trường tớ tổ chức giải bóng đá nữ. Khỏi nói tớ vui đến thế nào! Nhất là khi lại tập hợp được một đội hình rất chi là ổn từ đám con gái (mà mình nghĩ rằng rất là tiểu thư) trong lớp.

Như một con tàu phá băng, đội tớ đánh bại từ đàn chị, đàn em, đến những đồng chí bằng vai phải lứa. Tớ quen và yêu vô cùng cái cảm giác mệt mỏi sau mỗi lần thắng cuộc. 

Nhưng, có một trận – tớ đá dở chừng thì bỏ, cho dù không phải tại tớ mệt hay bị đau đến không đá nổi.

Đó là một lớp đàn em, rất nhiệt tình, rất hết mình thi đấu. Nhưng chỉ thế thôi, không một tẹo “kiến thức chuyên môn”. Thay vì đỡ bóng bằng đầu, các em ấy để bóng đập vào mặt (tất nhiên là rát thôi rồi). Đôi khi, chẳng va chạm gì, các em ấy loay hoay tự làm mình ngã!

Trong một lúc, tớ có bóng và đang lao đi, một đàn em xông ra ngăn cản. Và đáng ra có thể cản bằng cách khác, thì em ấy đâm thẳng vào tớ. Uỵch! Hai đứa cùng ngã. Nhưng em ấy không biết cách ngã, và đau hơn tớ nhiều. Lại chưa có kinh nghiệm chịu đau, thế là tèm lem nước mắt.

Dẫu không phải là lỗi của mình, nhưng tớ ân hận vô cùng. Nếu như tớ gầy hơn, va chạm hẳn không khủng khiếp đến thế!

Tớ quyết định mình phải gầy đi thôi.

***

- Đấy là bí quyết giảm cân không có trong bất cứ sách vở nào, của riêng cháu!

Tiếng cô ấy cười trong điện thoại:

- Thế con cô không thích bóng banh gì thì sao?

- Thì cũng có nhiều cách để bạn ấy nhận ra. Chân lý vẫn là chân lý, là cái mà mình hướng đến và mình nghe theo, nhất là với teen chúng cháu, đâu có ai bảo thủ! Mà chẳng riêng chuyện mấy kilô cân nặng, trong chuyện học hành, thi cử… nhiều lúc, tụi cháu cũng có những động lực rất kỳ cục và trời ơi như thế. Hơn nữa, chúng cháu lại hơi trái khoáy, không thích cảm giác mình phải làm theo ý ai. Đã biết A đúng, B sai, nhưng nếu cứ có người chỉ bảo mãi rằng đây là sai và thế kia là đúng, thì tụi cháu vẫn cứ nhắm mắt chọn sai cơ!

***

Kết cục thế nào ấy cũng biết rồi: Tớ được vào làm. Tất nhiên! Tớ đã thuyết phục được cả một phụ huynh cơ mà !

- Không, đó không phải là lý do chúng tôi nhận em! – Sếp tớ cười.

Tớ nhăn trán. Chợt mắt sáng lên, đầy hiểu biết:

- Vì em đã nghe bởi trái tim!

- Đúng. Và đã nói, cũng bởi trái tim. Thế là đủ!

Tất cả chỉ đơn giản vậy thôi, ấy ạ. Thu nhập của tổng đài là nụ cười và niềm vui của mọi người và mỗi lần lắng nghe là một lần trải nghiệm.

***

Nếu ấy muốn là một nhân viên như tớ, hãy nhớ: Nghe bởi trái tim và Nói bởi trái tim. Còn nếu muốn liên lạc với bất cứ ai ở tổng đài này, hãy quay số Mở lòng ra, ấy nhé! 

À, thể nào ấy cũng ngạc nhiên cho mà xem. Vì có rất nhiều người xung quanh – mà ấy không ngờ, cũng là nhân viên của tổng đài này đấy!

I'm online

12 giờ đêm.

Màn hình vẫn sáng. Những icon bên cạnh nik chat vẫn mỉm cười. Nhưng những dòng chữ kêu réo mà không có ai trả lời.

Chiếc đèn bàn màu đỏ ấm toả sáng lên mặt bàn, nơi một cậu nhóc đang ngủ gục. Hơi thở đều, mắt nhắm nghiền, tay đặt khẽ lên chuột như thể đang cầm tay... người yêu. Cậu đang ngủ - và cũng đang “online”

BUZZ!!!

Màn hình rung lên dữ dội. Có lẽ là linh cảm đã làm cậu nhóc choàng tỉnh. Một gương mặt khoảng 16 tuổi, đeo chiếc kính cận viền đậm màu đen, đầu tóc bù xù. Tay nhắp chuột lia lịa, nhận ra file truyện mình load từ nãy giờ đã xong từ khi nào rồi. 

- Sao tao goi khong tra loi? 

- Tao dang ngu. 

- Ngu gi ma lam the. 

- Buon ngu lam roi. Di ngu di. 

- Khong co hung. Tao goi nay gio may khong nghe a? 

- Tao khong deo phone. 

- Deo vao di, chat the nay moi tay qua. 

Cậu bé lục cục đeo headphone vào, mắt nhắm mắt mở bật voicechat. Thằng bạn ở đầu kia của thế giới rú rít ầm ĩ về việc nó vừa kiếm được file nhạc Endlessly cực hay của anime Tsubasha. Để chia sẻ “may mắn cực kì may mắn đó”, thằng bạn send cho nó file nhạc đã nén. Nó vừa save file, vừa nhìn cái gạch xanh xanh bắt đầu chạy. Còn 1% nữa là xong.

RẦM!

Màn hình… Không, không phải, mà là máy tính rung lên. Không phải vì ai buzz nữa. Vì cái bàn để máy vi tính đang rung lắc dữ dội.

Và mặt đất cũng đang rung lên!

Cậu bé kính viền đậm hoảng hốt đứng phắt dậy. Nhưng đứng cũng không vững nữa. Không gian rung lên, chung chiêng, vỡ vụn. Những tiếng thét thất thanh từ nhà hàng xóm. Đồ vật rơi vỡ tạo thành hàng ngàn âm thanh kì quái. Leng keng! Loảng xoảng! Ầm ầm! Két két!

ĐỘNG ĐẤT!

Cậu bé sững sờ. 

Rồi tất cả tối sập. Không gian vẫn tiếp tục chao nghiêng! 

***

Cậu bé chat hoảng loạn cực độ. Bạn thân của cậu, cậu bé đeo kính viền đậm, đã kẹt trong một vụ động đất, khi cậu đang share file Endlessly cực hay cho bạn. Có lẽ cậu bạn vẫn chưa kịp nhận file nhạc đó, có lẽ cậu vẫn chưa kịp nghe. 

Những âm thanh cuối cùng cậu bé chat nghe được là tiếng la hét kêu cứu, tiếng đổ vỡ đồ đạc. Nhưng chẳng có chút tiếng nói nào của bạn cậu. Cậu bé chat đã lục tung tất cả các tờ báo trong thành phố ra vào sáng sớm hôm sau, tìm những bài có viết về vụ động đất. 300 người còn mắc kẹt. Chỉ mới cứu được 20 nạn nhân. 12 người xác nhận đã chết. Cậu bé đeo kính viền đậm nằm trong tập hợp số nào? 300? 20? Hay 12? Báo chí ở đây không đăng cụ thể danh sách. Cậu bé chat không cách nào biết được.

Cậu tìm đến net. Cậu không biết nik Y! của cha mẹ bạn mình (cậu đâu nghĩ là mình phải biết chuyện đó). Cậu cũng không biết người ta đăng danh sách nạn nhân ở đâu. Ngoài chat, chơi game, load truyện, nghe nhạc, thỉnh thoảng tìm vài thông tin bổ sung cho bài học; cậu đâu biết làm gì nữa đâu. 

Cậu không biết chút gì về bạn nữa. Chỉ có duy nhất một thứ khiến cậu nhói cả tim khi online. Đó là cái nik của cậu bé đeo kính viền đậm, nó màu xám như đang ngủ dài, giống như khi bạn cậu chạy ra ngoài đi chơi, đi học... 

- May co sao khong? Gưi offline cho tao nhe! Tao lo cho may qua!

Cậu bé chat vẫn tiếp tục chat như thể là cậu biết chắc bạn mình vẫn còn sống, bởi đó cũng là cách duy nhất giúp cậu tiếp tục hy vọng.

***

- Mấy hôm nay không ngủ sao mắt thâm thế? – cô bé tóc cột cao đập đập vào vai cậu bé chat

- Không! Busy!

- Mày mà busy gì?

- Tao không biết… không biết bạn tao còn… sống không?

Cô bé tóc cột cao im bặt, rồi ngó lơ đi chỗ khác. Cô là bạn thân của cậu bé chat. Cô chưa bao giờ gặp cậu bé đeo kính viền đậm, dù thỉnh thoảng có nghe cậu bé chat kể. Trong hình dung của cô, đó là một người dễ mến, hay cười và hơi... ngốc một chút. 

- Rồi giờ sao? – cô bé lí nhí hỏi

- Tao vẫn chẳng biết gì cả - cậu bé chat cắn chặt môi, ngăn thứ chất lỏng mằn mặn khỏi mắt – nó không online. 

Rồi cậu chuyển tông như đang nói với chính mình: “Nó không lên net. Chỉ là nó không lên net nữa thôi. Nhưng vì sao nó không lên? Nó hay lên lắm mà. Nó chưa nhận file Endlessly mà. Rồi còn nhận file hình Midou Ban hôn Amenaga tao định send tiếp cho nó nữa chứ.”

Cô bé tóc cột cao lắc lắc vai thằng bạn:

- Chắc nó không sao đâu. Bên đó người ta vẫn đang kiếm mà.

- Ừ! – cậu bé chat gục gặc đầu, mắt nhắm nghiền. Ngày ngày cậu chăm chỉ theo dõi chương trình thời sự quốc tế, đọc báo, lục lọi trên net để theo dõi tiến trình cứu hộ cứu nạn. Cậu căng mắt ra tìm một ai đó đeo cặp kính cận viền đậm màu đen.

***

“Chính phủ nước X ước tính tổn hại từ trận động đất thành phố Y lên đến hàng nghìn USD. Trong số hơn 300 nạn nhân, hiện giờ chỉ có 50 người được cứu sống. Số còn lại đã mất trong bệnh viện hoặc còn mắc kẹt trong đống đổ nát. Sau hai tuần xảy ra thảm hoạ, cảnh sát vẫn tiếp tục tìm kiếm, nhưng hy vọng còn rất mong manh”

Cậu bé chat với tay tắt phụt màn hình tivi, lăn ra giường và trùm kín chăn lại. Hai tuần rồi. Ai có thể sống sót dưới đổng đổ nát ấy. Cậu với tay lấy chiếc laptop, khởi động và lại onl. Hồi hộp đọc những offline message, khi không thấy có offline nào từ cậu bé đeo kính viền đậm, cậu lại tắt máy. Vài giờ sau lại onl tiếp. Cậu đã mơ mình nhìn thấy nik chat của cậu bạn thân toả sáng trong một nụ cười ấm áp. Và khi tỉnh dậy, biết chỉ là mơ, cậu đã khóc dấm dứt như một cậu bé con. 

***

Một tháng trôi qua. 

Kế hoạch cứu hộ đã ngừng. Những bản tin về trận động đất cũng thưa dần. Cậu bé chat click file nhạc Endlessly trong máy của mình lên. Bản nhạc cậu đã phải load rất lâu từ Gendou.com, chỉ mong được send cho cậu bé đeo kính viền đậm. Giờ thì không còn ai nghe chung với cậu nữa rồi. Nửa vòng Trái đất có thể cùng nhau nghe một bản nhạc, thật tuyệt khi ta có một người bạn ở rất xa mà có thể chia sẻ với ta nhiều thứ đến vậy. 

***

Hai tháng.

Tin nhắn cuối cùng: “May con online day chu?” gởi đi trong vô vọng. Cậu bé chat lôi ra tất cả những gì thuộc về hai đứa. Chiếc vé xem bóng đá, vỏ trái banh bị lủng chưa kịp vá, một chồng truyện góp tiền mua chung, mấy tấm sticker manga, những thứ hai đứa đã cùng chia sẻ trước khi cậu bạn thân đi xa cùng bố mẹ v.v… Hằng ngày đối mặt với những thứ đó, cậu chịu không nổi. Cô bé tóc cột cao đến giúp cậu dọn dẹp, đóng vào thùng carton. Cô bé cũng im lặng không nói gì, chỉ đôi khi thở dài. Cậu bé chat không hiểu nó dành cho cậu bé đeo kính viền đậm cô chưa hề gặp, hay dành cho cậu, người bạn thân trong lớp.  

Cô bé tóc cột cao cầm chiếc laptop lên, ngước mặt hỏi cậu bé chat:

- Còn cái này thì sao hả mày?

Cậu bé chat ngẩn người. Ừ! Cái laptop thì đắt, không bỏ được. Nhưng trên nắp laptop là hình sticker hai đứa chụp chung, bàn phím dán hình Hanamichi-chan của hai đứa. Từng phím chữ cậu đã kì cạch type cho cậu bé đeo kính cận cái mail đầu tiên khi cậu bạn cùng gia đình chuyển đi, rồi những cuộc trò chuyện xuyên quốc gia, xuyên đêm. Với cậu, laptop cũng chính là một phần của cậu bé đeo kính viền đậm. Voicechat là tiếng nói, webcam là khuôn mặt, và biết bao điều khác nữa.

- Thôi, để tao bán nó.

- Ừ! – cô bé gật đầu, lẳng lặng đặt nó vào thùng carton. Nghĩ sao, cô bé lại lôi nó ra trở lại - Thế thì bán cho tao. Tao cũng đang cần một cái laptop.

- Thế thì mày cứ cầm! Vào tay mày còn dễ chịu hơn là bán cho một người dưng.

***

Một ngày nọ…

Cậu bé chat đang ngủ, giấc ngủ không yên kể từ khi người bạn của cậu ra đi. Tiếng chuông điện thoại bỗng réo vang lên. Cậu bé bật đèn, nhìn đồng hồ: 1 giờ sáng. Ai lại gọi vào giờ này nhỉ? Cậu nhấc ống nghe lên:

- Alô! 

- Mày đấy à? - giọng cô bé tóc cột cao vang lên ở đầu dây. Gấp gáp!

- Ừ! - giọng ngái ngủ phát ra từ miệng cậu bé chat

- Tao đang online

- Mày kêu tao dậy onl luôn với mày à?

- Không! Tao chỉ muốn hỏi nik caubekinhviendam có phải là của cậu bạn mày không thôi?

- Sao? Mày nói gì – cơn buồn ngủ trôi tuột đi đâu mất. Vì sao cô bé lại hỏi câu này.

- Nik của mày vừa nhận được tin nhắn từ nik caubekinhviendam. Tin nhắn là “Im online”

Cậu bé chat đã cài chế độ remember Y!ID mà không hề nhớ. Cậu đã đưa chiếc laptop đó cho cô bạn của mình. Và cô bạn cậu, ngày ngày online bằng nik của cậu bạn thân, để thay cậu bé nuôi hi vọng về tin nhắn từ một người. Và hi vọng mong manh đã trở thành hiện thực kỳ diệu.

ở nơi nào đó trên trái đất này...

Có một cậu bé hay chat ngày ngày gởi tin nhắn cho một người bạn

Có một cậu bé đeo kính viền đậm vừa từ bệnh viện trở về đã vội vã lên net.

Có một cô bé vẫn nuôi hi vọng về sự sống cho một người cô chưa thấy mặt. Chỉ vì người đó rất quan trọng với bạn của cô.

Vì sao ư?

Vì họ là những người bạn của nhau - họ mãi mãi là của nhau. 

Were online ^.^

nguon:http://select.hoahoctro.vn/

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#chungdo