MONA LISA VÀ GIẤC MỘNG CỦA NHỮNG KẺ SỐNG CÒN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Tôi thấy tôi của thỉnh thoảng thường mang trong lòng cảm giác thù địch với thiên nhiên và thời tiết, nhất là khi mà tôi muốn tận hưởng vẻ trong lành của một buổi chiều yên ả nhưng ông trời lại không ủng hộ khi mà cứ mưa rả rích suốt cả ngày. Những lúc như thế tôi cũng chán ghét luôn cả chính bản thân mình.

Bây giờ, tôi đang ở trong một ngôi nhà xa lạ. Tôi không biết tại sao mình lại có mặt ở đây và thế quái nào tôi lại chẳng muốn biết hay truy tìm lý do cho sự cố ngoài mong muốn này. Có thể tôi là đứa ưa ngắm nghía cho nên thay vì tìm-hiểu-thứ-nên-tìm-hiểu thì tôi lại bị thu hút bởi lối trang trí bắt mắt bên trong căn nhà.
Có lẽ đây là phong cách gây ấn tượng nhất đến tôi. Chất liệu chính của căn nhà là gỗ, màu sắc tổng thể của căn nhà được pha trộn từ màu ghi, nâu đất, be, xám. Một chút nét cổ điển pha lẫn hiện đại càng dễ khiến con người ta, nhất là người đến từ hiện tại ngợi ca nỗi buồn vì đem lòng nhớ về quá khứ. Chết được. Tôi ước gì các bạn ở đây mà xác nhận rằng không gian, nội thất, vật dụng cùng cách bài trí bên trong căn biệt thự rất dễ làm xao xuyến những ai lần đầu bước chân vào (hoặc chỉ mình tôi thấy thế, dẫu vậy tôi cũng sẽ không phàn nàn gì khi ai đó có mặt ở đây cùng tôi ngắm nhìn nhưng lại chẳng thấy ấn tượng như tôi đâu.)
Rồi hồn tôi bỗng lạc nhịp, gần như bị thôi miên sâu vào mê hồn trận của những vật dụng mang đậm dấu ấn thời gian này.
Tạm gác lại những lắng lo, tôi rảo bước trên tấm thảm lông trùng màu với sàn gỗ nâu trầm, ngắm một lượt các vật dụng có tính hoài cổ được đặt đối xứng và xen kẽ với một vài thiết bị hiện đại tinh tế như đèn chùm, đồng hồ, máy chạy đĩa thang... thật ra những thứ đó chỉ mới là bước đệm ban đầu, có gì đó thu hút tôi hơn, ở phía trước.

Tôi vô thức men theo gần lối đi lên cầu thang gỗ rồi dừng lại trước những bức tranh trừu tượng. Cách 3 bậc sẽ có một bức tranh được đặt đối xứng trên tường. Mặc dù không hiểu thông điệp mà những bức tranh này truyền trao nhưng tính hiếu kỳ trong mình buộc tôi phải lần mò đến bức tranh cuối cùng. Tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi 3 bức tranh chép đặt kế nhau nằm chính giữa bức tường gỗ ngăn cách 2 căn phòng trên lầu 1. Chúng là ba bức hoạ sơn dầu được chủ nhà chép lại tinh vi đến từng chi tiết. Thỉnh thoảng chúng được linh hoạt và biến đổi theo ý niệm riêng của người tái hiện. Hai hoạ phẩm vĩ đại có tên "Mona Lisa" và bức "Bữa ăn tối cuối cùng" của thiên tài toàn năng Leonardo da Vinci gánh một bức hoạ mà tôi chưa từng được biết đến trước đó. Đó là hình ảnh một ông lão đan tay vào nhau và siết chặt lấy cây gậy với khuôn mặt khắc khổ nhưng ánh mắt sắc bén thậm chí có phần dữ tợn, sau lưng ông là vùng biển nữa gào thét, nữa tĩnh lặng.

Một lần nữa, tôi dò tìm ký ức xem thử mình đã từng đọc hay lướt qua bức ảnh này trước đó chưa. Thật sự là chưa. Nó rất kỳ quái với tôi
"Nó có tên là Old Fisherman*, một ấn phẩm mang tên tuổi của hoạ sĩ Tivadar Kosztka nổi tiếng người Hungary tiếp cận đến đông đảo công chúng vào năm 1902." - Người đàn ông không biết từ đâu đột ngột xuất hiện và lên tiếng.
Nỗi sợ nhân lên gấp bội vào đúng lúc con mèo mun với đôi mắt rực vàng nhảy bổ từ trên bức tường xuống bậc thang chỗ tôi đang đứng cùng lúc với giọng nói trầm đầy tự tin vừa dứt lời. Anh ta phớt lờ cảm xúc của tôi, tập trung vào bức tranh.
Ra chiều hiểu biết, anh ta tiếp tục:
"Ở bản gốc nếu đặt gương phản chiếu vẻ mặt bên trái, khuôn mặt ông ấy sẽ trở nên chan hoà, hiền dịu hơn và vùng biển phía sau cũng tĩnh lặng. Nhưng nếu đặt gương phản chiếu vẻ mặt bên phải, ngay lập tức, ông ấy trở nên dữ dằn với ánh mắt trấn áp cùng sóng biển cuộn trào phía sau. Bố tôi đã chép lại cả hai vẻ mặt ấy theo ý niệm của ông và đưa tôi xem lúc nhỏ. Nhưng giờ tôi không rõ ông ấy để chúng ở đâu."
"Vậy theo bố anh ông lão là đại diện cho phần thiên thần và ác quỷ bên trong mỗi con người?"
"Có thể...theo số đông...nhưng không cụ thể. Ông ấy còn ẩn sâu ở khía cạnh khác. Điều đó thì tôi chẳng muốn tìm hiểu làm gì."
Thay đổi tư thế, cho 2 tay vào túi, mắt anh bắt đầu đảo qua bức tranh kế bên - chân dung nàng Mona Lisa. Anh cất giọng hỏi:
"Tuỳ vào mức độ nhận thức và tâm ý của người xem ngay thời khắc mà họ chiêm ngưỡng sẽ cho ra những nhận xét khác nhau. Nếu là cô, cô sẽ thấy gương mặt với nụ cười ẩn ý của bà ta theo khía cạnh nào?"
"Mặc dù bà ấy mỉm cười nhưng không phải là nét cười vui tươi... bà ta đang đau khổ....um... hay là bất cần đời...chán đời ..."
Vì chưa thật sự có câu trả lời ưng ý, tôi ngập ngừng.
Anh ta nhếch môi cười, đầy ẩn ý
"Theo anh thì sao?" - Tôi hỏi
"Câu trả lời của tôi thì có gì mà hay ho. Tuy tôi không đặt cược niềm tin của mình vào một góc nhìn, nhưng tôi lưu tâm đến sự phân tích của GS. Margaret Livingstone đến từ ĐH Harvard. Vào năm 2003, nhà nghiên cứu khoa học thần kinh này đã cố gắng làm sáng tỏ bí ẩn về nụ cười nổi tiếng nhất trong hội họa này. Ông ấy cho rằng, sở dĩ người xem có ảo giác này là tranh của Leonardo sử dụng hai phần của võng mạc để đánh lừa đôi mắt."
Anh ta trở nên hào hứng hơn khi chỉ tay lên những mảng tối sáng mà anh sắp nói đến.

" Thực tế rằng mắt của con người nhìn thế giới theo hai cách rất khác nhau. Với cách nhìn thứ nhất, mắt con người sẽ vận dụng rất tốt hố trung tâm của võng mạc ( fovea) để nhìn trực tiếp vào một thứ gì đó trong điều kiện được chiếu sáng. Lúc này ánh sáng rơi trực tiếp vào hố trung tâm của võng mạc. Cách còn lại, khi nhìn vào một vật gì đó nằm ngoài tầm mắt*, ánh sáng rơi vào phần ngoại vi của võng mạc, phần này hoạt động tốt hơn khi mắt nhìn vào những vật tranh tối tranh sáng. Dựa trên những cuộc phân tích cho thấy danh họa vĩ đại này đã khéo léo sử dụng bóng đổ kéo từ xương gò má đến phần miệng tối hơn những phần còn lại của Mona Lisa. Do đó, nụ cười của Mona Lisa xuất hiện rõ ràng hơn khi mọi người nhìn vào đôi mắt vì họ đang nhìn nó trong tầm nhìn ngoại biên. Khi mọi người nhìn vào phần tối của bức tranh tức nhìn trực diện vào phần miệng, sẽ khó thấy nụ cười của bà ấy hơn khi ta nhìn trực tiếp vào mắt ( phần sáng)."
Anh ta dừng lại, liếc sang tôi, một chút thôi, như để dò xét biểu cảm của tôi lúc này. Tôi đang chăm chú áp dụng điều anh ta vừa nói lên bức tranh nên đành cất lại ánh mắt hoài nghi của mình- "Ừm...còn điều này nữa..." - Anh ta tiếp tục rồi lại dừng phắt đi. Sự lấp lửng đủ thuyết phục tôi rời mắt khỏi bức tranh, quay sang nhìn anh ta
"Tôi vẫn đang nghe đây"
"Vào năm 1852, một họa sĩ trẻ người Pháp vì quá ám ảnh trong việc phân tích ẩn ý trong bức họa đã nhảy bổ từ cửa sổ tầng bốn của một khách sạn ở Paris sau khi viết rằng: "Suốt nhiều năm tôi đã vật lộn trong tuyệt vọng với nụ cười của nàng ta." Và ông ta đã chết ... ừm... nếu cô không muốn ám ảnh đến mức như thế thì thôi cái kiểu tập trung đó đi."
Tôi không hiểu ẩn ý của anh ta và điều đó làm tôi bắt đầu khó chịu. Không lẽ anh ta thông tin điều đó với tôi như ám chỉ tôi cũng sẽ là nạn nhân tiếp theo nếu cố nghiên cứu về nụ cười của nàng Mona Lisa.
"Anh đang nói đùa phải không?"
"Nếu không muốn chết ở đây thì sau 5 phút nữa cô phải ra khỏi căn nhà này."

Anh ta biến mất trước khi tôi kịp phản hồi.

Còn tôi thì choàng tỉnh giấc.


Ảnh: Atlantis
1: Tạm dịch: Ông lão đánh cá
2: Tầm nhìn của mắt là 200 độ, khi chúng ta dùng cả hai mắt thì sẽ nhìn được 120 độ, mỗi mắt nhìn độc lập thêm được một góc 40 độ được gọi là tầm nhìn ngoại biên.

"Mona Lisa Và Giấc Mộng Của Những Kẻ Sống Còn" là câu chuyện về giấc mơ của nhân vật chính. Một giấc mơ sống động khiến ta phải liên hệ thực tế và đặt ra nghi vấn cho chính mình. Liệu rằng vạn vật đang diễu qua đôi mắt của chúng ta có phải đúng như bản chất của nó đang là? Hay chỉ là những diễn dịch thô ráp của một tâm trí giới hạn bởi những định nghĩa và khái niệm?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro