TẠI SAO PHẢI NIỆM KINH?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

*****

Trên một ngọn núi cao có một ngôi chùa nhỏ, trong chùa có một chú tiểu có pháp danh là Nhuệ Tâm.

Tiểu hòa thượng Nhuệ Tâm rất thông minh, năng động và trong sáng. Năm xưa cậu được một vị sư phụ nhặt được dưới chân núi, không có nôi, nằm đá, trên thân quấn một mảnh vải mỏng rách tươm.

Trong chùa ai cũng yêu quý Nhuệ Tâm, sư trụ trì thấy cậu có ngộ tính phi thường hơn người nên lại càng yêu thích, từ lúc Nhuệ Tâm còn chập chững, trụ trì đã đích thân truyền dạy cho Nhuệ Tâm những tri thức của Phật môn. Nhuệ Tâm cũng không phụ lòng của trụ trì, cậu học một biết mười, kinh văn dù khó đến đâu chỉ cần nghe một lần là thuộc. Câu đầu tiên mà cậu nói ra trong đời cũng là trích từ kinh văn.

Dân làng dưới chân núi, những người hay đến chùa dâng hương cúng bái cũng đã sớm quen thuộc với Nhuệ Tâm, có người vì quá yêu thích mà gọi Nhuệ Tâm là Tiểu Phật, lâu dần đó cũng trở thành một tên gọi khác của cậu.

Có một lần năm Nhuệ Tâm mười hai tuổi, lúc đang trong giờ tụng kinh thì cậu lại thấy đói bụng. Khi cậu xin phép nghỉ tụng thì đại sư huynh không đồng ý. Nhuệ Tâm thấy vậy mới hỏi đại sư huynh rằng :

- Bạch sư huynh, tại sao đệ phải niệm kinh?

Đại sư huynh trả lời :

- Vì phải niệm xong kinh thì mới được ăn cơm.

Nhuệ Tâm không đồng ý với câu trả lời đó, vậy nên cậu chỉ ngồi yên chờ hết buổi chứ không niệm kinh nữa. Khi xong rồi thì cậu không liền vào nhà ăn mà lại đi tới hỏi sư thầy quản niệm :

- Bạch thầy, tại sao con phải niệm kinh?

Sư thầy quản niệm trả lời :

- Niệm kinh là để thuộc kinh.

Nhuệ Tâm hỏi tiếp :

- Vậy tại sao phải thuộc kinh?

Sư thầy quản niệm lại đáp :

- Thuộc kinh thì mới có thể hiểu kinh.

Nhuệ Tâm lại hỏi :

"Vậy hiểu kinh để làm gì?"

Sư thầy quản niệm thấy vậy, mới giảng cho Nhuệ Tâm :

- Kinh là lời Phật, hiểu kinh là hiểu được lời Phật, hiểu thì mới có thể làm theo, làm theo thì sẽ đến được cõi Phật, đến được cõi Phật thì sẽ thành Phật. Vậy nên niệm kinh là để thành Phật.

Nhuệ Tâm lại hỏi :

- Đó là nhị bảo, còn một bảo quy y tăng nữa, tại sao tăng lại muốn con niệm kinh?

Thầy quản niệm lại đáp:

- Tăng là người đi xa hơn con trên hành trình thành Phật, kêu con niệm kinh là họ đang dắt lối cho con.

Nhuệ Tâm cảm ơn sư thầy quản niệm rồi ngồi đó nhắm mắt nhập định. Thời gian trôi qua, cậu chỉ có thể đốn chứ không thể ngộ. Khi trời đã khuya, Nhuệ Tâm quyết định đến thỉnh thị vị tăng đi xa nhất trên con đường thành Phật mà cậu biết, chính là sư trụ trì.

Nhuệ Tâm hỏi sư trụ trì :

- Bạch thầy, có phải niệm nhiều kinh là sẽ thành Phật?

Trụ trì trả lời :

- Niệm kinh là để thành Phật, nhưng chỉ niệm kinh thì không thể thành Phật.

Nhuệ Tâm hỏi tiếp :

- Vậy phải làm thêm gì nữa mới có thể thành Phật?

Trụ trì đáp:

- Chỉ có thành Phật, chứ không có Phật thành. Chỉ có Phật giảng, chứ không có giảng Phật. Ta không phải Phật, nên không thể giảng cho con cách thành Phật. Chỉ có thể hướng dẫn cho con việc niệm kinh.

Nhuệ Tâm lại hỏi :

- Vậy trụ trì sắp thành Phật chưa?

Trụ trì trả lời :

- Thân ta đang cố gửi ý của ta đến cõi Phật, tâm ta chưa có đủ niệm để thành ta thành Phật.

Nhuệ Tâm hỏi tiếp :

- Nếu như trụ trì đã niệm kinh lâu đến như vậy mà vẫn chưa thể thành Phật, thì con niệm có ích gì? Niệm mấy cũng đâu hơn được kinh, đâu qua được trụ trì?

Lần này sư trụ trì không trả lời, chỉ nhắm mắt nhập định, tiếp tục giờ niệm kinh buổi tối.

Từ đó, Nhuệ Tâm vốn đã thuộc làu hết kinh văn nên mỗi lần đến giờ niệm kinh, cậu chỉ ngồi đó để tự nghĩ suy về nghi vấn trong lòng mình, đó là :"Tại sao phải niệm kinh?"

Rồi đến một ngày kia, có một vị cao tăng đắc đạo đến chùa để đăng đàn giảng pháp. Cao tăng đó được người đời xưng tụng là Phật tại nhân gian, nổi tiếng là đại thiện, đại đức, đại trí, đại tâm. Đạo hạnh của ngài có thể xem là cao nhất trong giới Phật tăng, Phật học đương thời, số việc tốt ngài từng làm, số chúng sanh được ngài thức tỉnh, số tăng nhân được ngài dẫn dắt nhiều không sao đếm được. Từ lâu tất cả đã có một nhận định chung về ngài, gói gọn chỉ trong bốn chữ : "Phật tại nhân gian".

Lúc đó trong đại điện, khi ngài đang giảng pháp thì Nhuệ Tâm mới xin được thỉnh pháp, vẫn là một câu hỏi đó:

- Bạch đại đức, tại sao con phải niệm kinh?

Vị cao tăng kia nghe vậy thì nhìn Nhuệ Tâm hồi lâu, sau mới gọi cậu tới gần xoa đầu hiền từ hỏi lại:

"Vậy tại sao ta phải niệm kinh?"

Nhuệ Tâm đáp:

- Vì người muốn thành Phật.

Vị cao tăng lắc đầu nói tiếp:

"Phật vì nhân, ta vì quả, ngươi vì quả, nên ta sẽ vì nhân."

Nói xong thì cao tăng nhắm mắt nhập định, lát sau ngài viên tịch. Lúc ngài rời khỏi cõi trần trong mắt thế nhân bỗng có một vòng hào quang rực rỡ. Mọi người biết rằng ngài đã thành chính quả, nhân gian Phật đã trở thành Phật.

Lúc thế gian đang hân hoan, thì cõi lòng của Nhuệ Tâm lại trĩu nặng u sầu. Cậu không thể hiểu được điều mà cao tăng giảng, là Nhuệ Tâm cố cố để đốn, nhưng tiểu tâm lại không không thể ngộ. Tại nơi thanh tịnh nhưng cõi lòng không thể tịnh, Nhuệ Tâm quyết định đến nơi xao để gửi cái động của tâm mình.

Trong một đêm mưa gió, Nhuệ Tâm quyết định xuống núi, từ tăng nhân trở thành tục nhân.

*

Trong nhân gian có một người tên là Mãnh Tâm, tuổi còn trẻ nhưng lại ngang ngược phi thường. Mãnh Tâm lăn lộn từ tầng đáy, qua vài năm thì thống nhất hết đám trộm cắp xin ăn xung quanh, tự phong mình làm đầu lĩnh. Khẩu hiệu của Mãnh Tâm chính là :"Ta xin người, người không cho ta, thì ta sẽ lấy của người."

Các hành khất bình thường chỉ cầm theo gậy và bát, băng nhóm của Mãnh Tâm thì có cả dao găm và dây thừng. Dưới sự lãnh đạo của Mãnh Tâm, băng nhóm ngày càng dạn dĩ, lâu dần cũng không cần tới bát để kiếm ăn. Từ xin của người đã hoàn toàn biến thành lấy của người.

Năm kia hạn hán đói khổ, ăn mày tràn lan khắp nơi, từ xin miếng cho đã trở thành cướp cả miếng xin, băng nhóm của Mãnh Tâm lại càng thêm bạo lực.

Một lần kia khi đang điều khiển đàn em đi trộm cắp, Mãnh Tâm chợt thấy bên đường có một hòa thượng đang khất thực. Có lẽ vì quá đói và mệt nên vị hòa thượng đó chỉ ngồi yên dưới đất, tấm thân gầy gò nhưng gương mặt thanh tịnh đến bất ngờ, bình lặng trong cơn đói mà niệm kinh.

Mãnh Tâm thấy thế thì lòng chợt tức giận, lao tới nắm áo mà mắng hòa thượng đó rằng :

- Tại sao ngươi lại niệm kinh? Niệm kinh thì sẽ giúp cái bụng của ngươi hết đói à? Đồ ăn mà người ta phải vất vả mới kiếm được, hà cớ gì phải cho không ngươi? Ta thấy ngươi đây là giả từ bi để lường gạt người đời, đem kinh Phật ra để mua chuộc nhân tâm, lấy thương hại để kiếm lợi cho mình. Ta bình sinh căm ghét nhất chính là những kẻ chỉ biết lường gạt xin xỏ như ngươi. Từ nay ta cấm ngươi ở trước mặt ta mà niệm kinh.

Mãnh Tâm đã nói xong mà hòa thượng kia vẫn bình thản niệm kinh như trước. Mãnh Tâm cả giận liền lao vào đấm đá hòa thượng liên hồi, hòa thượng đó mặt mày đầy máu me nhưng miệng vẫn không ngừng niệm kinh. Mãnh Tâm thấy vậy lại càng tức giận, kêu thuộc hạ cùng nhau xông lên đánh hòa thượng, nói là phải đánh tới khi nào hòa thượng không niệm kinh nữa thì mới được dừng tay.

Mãi một lúc sau thuộc hạ mới tới báo là hòa thượng đó bị đánh đến hộc máu nên đã ngừng niệm kinh rồi. Mãnh Tâm nghe vậy mới hả hê bước ra, ai ngờ đến nơi lại thấy hòa thượng đó ngồi xếp bằng trong vũng máu, hai tay chấp trước ngực, xương hàm đã bể nát nhưng vẫn môi vẫn không ngừng mấp máy niệm kinh.

Mãnh Tâm bạo nộ, rút dao ra đâm liên tiếp vào nhục thân của hòa thượng, vừa đâm vừa không ngừng hét lên :

"Tại sao ngươi lại niệm kinh? Tại sao ngươi lại niệm kinh?... "

*

Trong kinh thành có một thương nhân giàu có tên là Vượng Tâm. Hắn ta nhờ gặp thời nên chuyện làm ăn phất lên như diều gặp gió, sau lại khôn khéo cấu kết hối lộ với quan lại các cấp nên giàu càng giàu thêm.

Nguyên tắc làm giàu của Vượng Tâm rất đơn giản, chính là "tiền nằm trong thiên hạ, muốn kiếm được tiền thì phải giành với thiên hạ. Tiền không sai, thiên hạ không sai, cho nên chuyện kiếm tiền cũng không bao giờ là sai."

Ngoài chuyện giàu nứt đố đổ vách ra, Vượng Tâm còn là một người có tầm nhìn xa. Năm kia nhân lúc nội bộ triều chính rối ren, hắn liền dùng tiền để mua được một chức quan không nhỏ. Sau lại tiếp tục dùng tiền để thăng tiến trên quan lộ, chẳng mấy chốc đã đứng trong hàng ngũ trọng thần của triều đình. Chức quan càng cao thì càng kiếm được nhiều tiền, càng kiếm được nhiều tiền thì chức quan lại càng cao.

Vượng Tâm lúc này có thể nói là muốn tiền có tiền, muốn chức có chức, giàu sang phú quý đủ cả, coi như đã đạt đến đỉnh cao trong nhân sinh của người đời.

Một ngày kia Vượng Tâm thân đảm nhiệm chức khâm sai đại thần, theo lệnh vua mà đi thị sát các châu, phủ. Tiền hô hậu ủng, đi đến đâu cũng có quan viên các cấp túc trực theo sau, có quân lính đi trước mở đường, có hầu cận che lọng bên trên, có dân đen quỳ lạy bên dưới. Thanh thế, là phi thường thanh thế.

Bỗng dưng có một lần khi kiệu đang đi qua giữa phố đông, khâm sai Vượng Tâm hé rèm nhìn ra. Giữa hai hàng dân đen đang bái lạy ven đường chợt xuất hiện một tên hòa thượng khất thực, thản nhiên đi bộ, vừa đi vừa lẩm bẩm niệm kinh, không có một chút gì là kính sợ khâm sai.

Vượng Tâm kêu binh lính kéo hòa thượng kia tới, bắt hòa thượng phải quỳ lạy mình. Hòa thượng không quỳ, ông ta cho lính đánh bể xương đầu gối ép hòa thượng phải quỳ.

Vượng Tâm bắt hòa thượng phải lạy mình, hòa thượng không lạy, ông ta cho lính đánh gãy xương lưng bắt phải lạy.

Rồi Vượng Tâm kêu hòa thượng phải tế bái mình, hòa thượng không tế, ông ta kêu lính đánh cho đến khi nào chịu tế.

Đánh mãi mà hòa thượng vẫn không chịu tế bái, miệng cứ lẩm bẩm niệm kinh. Vượng Tâm tức giận, cảm giác mặt mũi của bản thân đã bị tên hòa thượng kia làm cho mất sạch, mắng rằng :

- Ngươi niệm kinh để làm gì? Niệm kinh thì có ích gì? Có sinh ra được tiền tài không? Hay là binh giáp? Bọn hòa thượng các ngươi chẳng giúp đỡ được gì cả, thiên hạ này là do triều đình cai quản, mọi việc đều là do triều đình sắp xếp. Mà ta chính là đại diện của triều đình, ngươi là cái gì mà không chịu bái lạy ta?

Lũ các ngươi chỉ giỏi mê hoặc dân chúng, không giúp được gì mà lại tự cho bản thân thanh cao. Mọi thứ ta có đều là tự ta giành lấy, còn của ngươi đều là dụ hoặc mà có được. Hôm nay ta phải trừng trị ngươi, để ngươi biết bản thân ngươi hèn yếu thế nào. Xem thử ngươi còn có thể niệm kinh tới bao lâu?

Nói xong thì quan khâm sai Vượng Tâm kêu lính cưỡi ngựa giẫm đạp lên hòa thượng, còn đoàn người thì tiếp tục khiêng kiệu đi. Được một đoạn khi quay đầu nhìn lại, thấy nhục thân của hòa thượng đã gần như nát bét, Vượng Tâm hồ nghi lẩm nhẩm không ngừng :

- Tại sao hắn cứ niệm kinh? Tại sao hắn cứ niệm kinh?...

*

Năm đó chiến loạn, quần hùng các cứ nổi lên khắp nơi, đi đến đâu cũng là chiến trường, đi đến đâu cũng là khói lửa. Chính sự không yên, thì lòng dân không yên, lòng dân không yên, thì chính sự càng rối rắm.

Trong những đám quân loạn đó có một đầu lĩnh loạn quân tên là Dã Tâm, hắn ta khởi đầu là tài phiệt, sau thành quân phiệt, cuối cùng là bạo loạn xưng vương. Trong các lộ chư hầu Dã Tâm không phải là mạnh nhất, nhưng tuyệt đối là hung hãn và tàn bạo nhất.

Khẩu hiệu của quân chủ Dã Tâm chính là:" Thế gian loạn thì ta loạn, ta đã loạn thì thế gian phải loạn theo ta, trong loạn lạc thì không cần phân chính tà, người thắng sẽ là người nắm quyền chính nghĩa."

Đội quân của Dã Tâm chỉ có cướp phá và cướp phá, không quan tâm phải giết ai hay giết bao nhiêu, chỉ quan tâm đến tài bảo cướp được và quân lính chiêu mộ được. Quân của Dã Tâm như châu chấu, tràn đến đâu thì tan hoang đến đó, mỗi lúc lại một đông thêm. Chẳng mấy chốc đội quân của Dã Tâm đã trở thành lộ quân có thực lực nhất nhì trong việc phân chia thiên hạ.

Lúc này hắn đã tự phong cho mình làm vua, ban cho tướng lĩnh làm chư hầu. Quyền lực trong thiên hạ Dã Tâm coi như đứng nhất, từng có lúc hắn nói rằng nếu có đường để lên trời, thì hắn cũng kéo quân lên trời để đánh.

Đất đai Dã Tâm chiếm được là rộng nhất, nhưng lại ít dân nhất, dân chúng phần vì chết, phần vì sợ hãi mà bỏ đi. Người xưa nói lấy dân làm gốc, nay gốc không còn nên kẻ đứng trên ngọn như Dã Tâm cũng lao đao. Thời cuộc xoay chuyển, các chư hầu khác cùng hợp lại để thôn tính Dã Tâm.

Binh bại như núi đổ, lúc tàn cuộc chỉ còn một mình Dã Tâm một người một ngựa bôn tẩu. Đuổi theo phía sau là chư quân đang lùng tìm hắn để lấy đầu lập công. Tình thế của Dã Tâm ngày một hung hiểm, bốn phương trời đất không có chỗ nào cho hắn dung thân.

Ngày kia Dã Tâm lưu lạc đến một ngôi miếu nhỏ, trong miếu chỉ có duy nhất một hòa thượng tĩnh tu. Hòa thượng đem nước và thức ăn cho Dã Tâm, còn thu xếp chỗ nằm cho hắn. Lúc ăn cơm, nhìn thấy hòa thượng đang xếp bằng niệm kinh, Dã Tâm chợt nổi giận, vừa ăn vừa mắng rằng :

- Ngươi niệm kinh thì có ích gì? Có làm loạn dân chết đi sống lại hay không? Có khiến quân sĩ buông đao cởi giáp? Có khiến bọn họ tha mạng cho ta? Thời loạn lạc không có đúng sai, chỉ có chết trong loạn hay là sống qua loạn. Ta không sai, thậm chí ta còn làm đúng, là giúp giết bớt những kẻ loạn như ta. Để khi không còn kẻ loạn nữa thì tự khắc sẽ hết loạn. Đúng vậy, ta không sai!

Còn hòa thượng ngươi thì làm được gì chứ? Chỉ biết núp trong cái am này để giữ được mạng của mình! Ngươi niệm gì đó? Có phải là niệm để ăn mừng việc ngươi vẫn còn sống hay không? Lũ hòa thượng các ngươi không chỉ lừa gạt, mà còn là một lũ hèn lẩn trốn. Cái gì mà nương nhờ? Ta thấy đó chính là vì sợ mà lẩn trốn.

Mắng mỏ xong Dã Tâm cơm no mắt híp nên nằm lăn ra đó ngủ, lúc ngủ còn ôm đao giữ chặt trên tay. Lúc nhập mộng hắn ta lại thấy cảnh mình giữa chiến trường đâm đâm chém chém, sát khí còn đông đặc hơn máu khô. Đến khi giật mình tỉnh dậy thì mới nhận ra bản thân đã một đao đâm xuyên thân của vị hòa thượng kia rồi.

Đúng lúc này thì lại thấy bên ngoài có động tĩnh, là quân truy đuổi đang tới gần. Dã Tâm xảo quyệt, liền lập tức dùng đao xuống tóc, mặc tăng y mà đóng giả hòa thượng của am. Lúc kẻ thù đến thì hắn đóng giả nạn nhân, ôm thi hài của hòa thượng kia khóc lóc, nói là kẻ thủ ác vừa rời khỏi không được bao lâu, cố tìm cách dẫn dụ kẻ thù đi nơi khác.

Nhưng không ngờ là ngay giữa lúc hung hiểm đó, khi quân lính truy đuổi vẫn còn mấy phần hồ nghi, thì vị hòa thượng kia vẫn chưa chết, ngài gượng dậy với những hơi thở cuối cùng.

Dã Tâm tuyệt vọng, lúc đó hắn đã thấy được cái kết cục của mình, chỉ cần một lời của vị hòa thượng kia thốt ra thì mọi thứ sẽ bại lộ, cũng ngay lập tức sinh mạng của hắn đến lúc tận tuyệt.

Vậy mà, khi hòa thượng kia ngồi dậy được, ngài nhìn quân lính rồi nhìn Dã Tâm, gương mặt của ngài vẫn bình thản không có chút u nộ hay thù oán gì. Ngài chỉ ngồi đó tiếp tục tĩnh tâm niệm kinh, cho đến khi ngài trút hơi thở cuối cùng.

Dã Tâm thoát được kiếp nạn, hắn đứng sững nhìn cảnh tượng đó, cứ mãi lẩm bẩm không ngừng :

- Tại sao ngài vẫn niệm kinh? Tại sao ngài vẫn niệm kinh?...

*

Năm đó khi đất nước đã thái bình, hoàng đế trong buổi lễ tế thiên, đã phong cho một vị hòa thượng đức cao vọng trọng làm quốc sư, là người đứng đầu tín ngưỡng trong thiên hạ. Người cao tăng đắc đạo đó có pháp danh là Tuệ Tâm.

Công tích của Tuệ Tâm đại sư nhiều không kể siết, tấm lòng từ bi độ lượng của ngài đã giúp nhân gian xua tan rất nhiều oán khí từ thời loạn ly tích tụ. Ở nơi nào ngài đặt chân đến, lòng dân lại an yên, người người có thêm thiện tâm để xây đắp thái bình.

Phật pháp của Tuệ Tâm đại sư cũng phi thường xuất chúng, sự uyên thâm của ngài đã được tất cả những cao tăng khác công nhận. Thậm chí từng có rất nhiều cao tăng từ các nước xung quanh đến xin ngài chỉ giáo, bọn họ đều chân thành cảm tạ ngài, ai cũng cùng chung nhận định, là nhờ có Tuệ Tâm đại sư, bọn họ đã được giải khai rất nhiều khúc mắc trong kinh Phật.

Sự khổ hạnh của Tuệ Tâm đại sư là phi thường trong sáng. Dù ở vị trí cao nhưng các giới luật của ngài đều cẩn nghiêm. Có lúc hoàng thượng thấy ngài quá khổ hạnh mà thương tâm, đã ban ra chiếu chỉ tăng phúc cho ngài, nhưng Tuệ Tâm đại sư đều khiêm nhường mà từ chối. Mỗi lần có bệnh ngài luôn căn dặn người bên dưới, thuốc sắc cho ngài hãy chọn loại thường thôi, thuốc tốt hãy để dành cho người khác.

Tuệ Tâm đại sư là người thông thuộc nhiều kinh Phật nhất trên đời. Không chỉ đọc xuôi mà ngài còn có thể đọc ngược, không chỉ đọc ngược mà ngài còn có thể kết hợp đọc song song bổn thể với diễn biên. Đó là việc không một vị sư thầy nào khác có thể làm được.

Trên đời này vượt ra khỏi công danh lợi lộc, chính là sự thành kính của thế gian. Tuệ Tâm đại sư chính là người đứng trên đỉnh của sự thành kính đó. Người đời từ lâu đã sớm truyền tụng về ngài, chính là "Phật tại nhân gian". Đó là việc mà không có một ai cần phải nghi ngờ.

Chỉ duy có chính bản thân Tuệ Tâm đại sư, tự ngài biết rõ bản thân mình không phải là Phật, càng không phải là nhân gian Phật. Ngài nhiều lắm cũng chỉ là giả phật mà thôi. Một chữ giả kia chính là vì ngài vẫn chưa thấy được Phật trong mình.

Phật tại tâm, nhưng trong tâm ngài vẫn chưa có Phật...

Cho đến một ngày khi đăng đàn giảng pháp tại một ngôi chùa nhỏ trên đỉnh núi, Tuệ Tâm đại sư nghe thấy câu hỏi của một tiểu hòa thượng, một câu hỏi chạm đến căn nguyên của Phật pháp mà ngài đang thiếu :

"Tụng kinh để làm gì?"

Đó là lúc Tuệ Tâm đại sư đạt được sự giác ngộ trong vô thức và hữu thức của mình.

"Tại sao ta phải niệm kinh?

Ta niệm kinh vì ta muốn thành Phật, nhưng kinh đến từ Phật, vậy tại sao Phật đã là Phật rồi mà vẫn niệm kinh?

Phật không niệm kinh để Phật thành Phật, kinh là thứ Phật để lại sau khi Phật đã thành.

Kinh là để dắt lối nhân gian thành Phật, Phật không niệm kinh cho mình, là Phật niệm cho nhân gian.

Vì là niệm cho nhân gian, nên kinh mới vô lượng hải hà. Vì là dẫn dắt cho nhân gian nên Phật pháp mới vô biên.

Căn tu là của mình, nhưng chân tu là vì người.

Giả Phật là vì muốn bản thân thành Phật.

Chân Phật là vì muốn dẫn Phật cho nhân gian.

Đó là lý do Phật niệm kinh, đó là lý do người tăng nhân đó niệm kinh. Chính là cho chúng sanh đó, mà ta là chúng sanh.

Cũng như bây giờ ta niệm kinh, sẽ là ta niệm cho người.

Phật tại tâm là vì trong tâm có Phật, cũng như tâm Phật chứa nhân gian. Tâm nào chứa đựng được nhân gian thì tâm đó sẽ thành Phật tâm. Đem tâm gửi Phật thì tâm sẽ thành nhân gian, đem tâm gửi nhân gian thì tâm sẽ thành Phật.

Đó chính là nhân quả tuần hoàn của Phật đạo."

Đại đức Tuệ Tâm sau khi giác ngộ thì viên tịch, vầng hào quang ngài tỏa ra chính là ánh sáng từ đạo quả của ngài. Chính là ngộ được cái cốt lõi của chân kinh.

"Phật là nhân, ta là quả, ngươi vì quả, nên ta sẽ là nhân."

Chính là Tâm Kinh – Kinh tha nhân – Kinh vì mọi người, kinh khởi nguồn của giác ngộ.

*

Trương Lang Vương.

*

Phật pháp cần sâu dày.

Phật tính cần rộng mở.

Phật giáo cần chuyên tâm.

Phật điều cần khổ hạnh.

Còn Phật tâm, chính là khi trong tâm chứa đựng được chúng sanh, khi tâm thấu hiểu được nghiệp tu là để cho chúng sanh thành Phật.

Chỉ đốn ngộ cho riêng mình thì sẽ thành giả phật.

Giả phật vô căn sẽ khởi thời mạt pháp.

Mạt pháp sẽ thương hại đến chúng sanh.

Nam mô Phật. Là tâm ta đang niệm cho người.

*

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro