TỔNG HỢP PHẦN I

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




VỢ TÔI GIẢM BÉO

Tôi không bao giờ có ý định sẽ nói với vợ rằng: "Em béo quá! Giảm béo đi!", bởi đơn giản tôi là người đàn ông tế nhị, và rất sợ vợ. Một người đàn ông tế nhị sẽ không bao giờ nói cái điều mà anh ta biết chắc rằng sẽ làm vợ mình buồn; còn một người đàn ông sợ vợ thì càng không bao giờ nói cái điều mà anh ta biết chắc rằng sẽ làm vợ mình nổi khùng và nhiều khả năng sẽ quay ra hành hung, đánh đập mình. Bởi vậy, tôi im lặng và chờ đợi cái ngày mà vợ tôi tự ngộ ra điều đó!

Rồi cái ngày ấy cũng đến! Đó là hôm vợ chồng tôi đang đi dạo trong công viên thì có một thằng đẩy cái máy cân đo điện tử đi qua, kèm theo cái âm thanh rất quen phát ra từ cái loa rè rè: "Hoan nghênh đo chiều cao, cân nặng, đo huyết áp, thử sức kéo...". Tôi gọi thằng cân đo dạo quay lại, rồi chầm chậm bước lên bàn cân. Và lại là cái âm thanh phát ra từ cái loa rè: "...chiều cao một mét bảy sáu, nặng sáu bảy ki-lô-gam. Thân hình quá hoàn hảo! Đề nghị cẩn thận giữ gìn".

Tôi bước xuống cân, gật gù thỏa mãn, rồi quay sang vợ: "Em cân không?".

Vợ ngập ngừng, nhưng cũng run rẩy bước lên, rồi hồi hộp, nín thở chờ kết quả từ cái loa rè. Thế nhưng, cái loa ấy chỉ phát ra được những tiếng lè nhè, méo mó, nghe như tiếng rên của một con chó ăn phải bả. Thứ âm thanh ấy làm tôi nhớ lại tuổi thơ, khi nhà tôi có cái đài cát-sét chạy bằng ắc quy, lúc điện trong ắc quy sắp cạn, cái băng từ nó sẽ quay rất chậm và kéo dài cái giọng của ca sĩ ra...

– Nó léo nhéo cái quái gì thế? – Tôi hỏi thằng cân dạo.

– Anh thông cảm! Cái cân này hơi cũ, nên cứ quá tải là nó giở chứng vậy! Giống như anh đang yếu người mà đột nhiên bị một bao thóc nặng gần tạ đè lên ấy! Chỉ ú ớ thôi chứ nói sao được ạ!

Vợ tôi khi ấy không nói gì, chỉ cúi mặt lầm lì...

Đối diện nhà tôi là nhà của một cặp vợ chồng mới cưới. Và tôi thường xuyên mất ngủ bởi những âm thanh phát ra từ phòng ngủ của vợ chồng nhà đó, vì cái phòng ngủ của vợ chồng nó gần ngay phòng ngủ của tôi, chỉ cách nhau mỗi cái hành lang bé tẹo.

Sáng hôm ấy, đang ngủ ngon thì tôi bị đánh thức bởi những tiếng huỳnh huỵch, phành phạch, rồi tiếng thở dốc hổn hển, phì phò như bò – tất nhiên là của vợ chồng thằng hàng xóm mới cưới đó chứ còn của ai?! Tôi bắt đầu thấy khó chịu rồi đấy! Đành rằng mới cưới thì ai chẳng ham hố, nhưng cũng vừa phải thôi! Cày đêm chưa đủ hay sao mà mới sáng sớm đã lôi nhau ra cày?

Tôi lồm cồm bò dậy, nhẹ nhàng mở cửa, dỏng tai lên nghe ngóng. Và tôi chợt giật mình, bởi hình như những tiếng phành phạch, huỳnh huỵch, hổn hển ấy đang phát ra từ phía ngoài hành lang, chứ không phải là từ phòng ngủ của vợ chồng nhà đó. "Lũ biến thái! Hết trò rồi hay sao mà chúng nó lôi nhau ra hành lang làm cái chuyện đồi trụy này?". Tôi đẩy cửa nhao ra, và sững người: không phải vợ chồng thằng hàng xóm, mà là vợ tôi đang huỳnh huỵch nhảy dây, chân đạp phành phạch xuống nền gạch, và mồm thở phì phò như bò...

Rồi chiều tối hôm đó, tôi mua một con gà luộc về để hai vợ chồng ăn. Lúc bước vào nhà, thấy vợ đang ngồi thu lu một góc, tôi nhăn mặt, chun chun mũi, rồi bảo vợ:

– Em kiểm tra xem có phải thằng cu nhà mình vừa ỉa đùn không? Anh thấy mùi gì như mùi cứt ấy!

– Không phải cứt đâu anh! Là mùi sữa giảm béo của em đấy! Từ giờ, em sẽ uống sữa này thay cơm!

À! Vậy là đợt này vợ tôi quyết tâm giảm béo thật rồi đấy! Tôi nghĩ vậy, và đành xẻo cái đùi gà ngồi ăn một mình, còn lại thì cho vào tủ ăn dần. Bình thường, con gà này đủ cho vợ chồng tôi ăn một bữa, nhưng giờ, chỉ còn mình tôi ăn, chả biết bao giờ mới hết.

Ngay sau hôm ấy, tôi phải đi công tác hai ngày, và không theo dõi được tình hình giảm béo của vợ. Nhưng tôi tin, với quyết tâm cộng với kế hoạch giảm béo khoa học như thế thì không có lý gì mà vợ tôi lại không thành công.

Buổi tối hôm đi công tác về, tôi lại thấy vợ ngồi thu lu ở bàn...

– Em đang uống cái gì đấy?

– Sữa giảm béo mà anh!

– Sao anh không thấy mùi cứt?

– À! Em cho thêm sữa Vinamilk vào cho thơm, dễ uống!

Sáng hôm sau, tôi dậy, vẫn thấy vợ ngáy khò khò. Tưởng vợ quên, tôi hối hả lay vợ:

– Dậy! Dậy nhảy dây em ơi!

Vợ tỉnh, nhưng ngáp liên hồi, và mắt vẫn chưa thể mở, may mà vợ vẫn gắng gượng hé được cái mồm ra mấp máy:

– Em mới sơn móng chân, chưa khô, nếu nhảy sẽ bong sơn hết! Đợi hôm nào sơn khô thì mới nhảy được!

Vợ đã nói vậy thì tôi cũng đành để cho vợ ngủ. Rồi tôi lặng lẽ ra bếp, nấu mì ăn sáng, chuẩn bị đi làm. Chợt nhớ ra còn con gà luộc trong tủ lạnh. Mì mà cho thêm thịt gà vào thì quá tuyệt. Nhưng khi tôi mở tủ ra thì con gà đã biến mất tiêu...

– Em ơi! Con gà luộc đâu rồi?

– Em ăn rồi!

– Em đang giảm béo mà!

– Giảm béo thì càng phải ăn! Phải ăn thì mới có sức mà nhảy dây, mà giảm béo chứ!

Buổi chiều đi làm về, tôi thấy vợ ngồi trong buồng, mặt buồn thiu...

– Sao vậy em? – Tôi hỏi vợ.

– Cái váy em mới mua hôm thứ 3 ngoài chợ hàng Da, lúc mua mặc thử rất vừa, vậy mà giờ đã chật rồi, lòi hết cả bụng ra...

– Vậy em xem trong khu, ai mặc vừa thì cho người ta đi kẻo phí!

– Cho là cho thế nào! Cứ để đó, khi nào người em mảnh mai, thon thả, em sẽ mặc!

Tôi nghe vậy thì cười khùng khục trong cổ họng, hệt như con gà trống bị hóc bánh đúc. Ít khi tôi cười kiểu ấy lắm! Và khi tôi cười kiểu ấy nghĩa là tôi vừa được nghe thấy điều gì đó rất viển vông, hoang đường, và đầy tính hư cấu...


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~



THƯ GỬI EM TRƯỚC KỲ THI ĐẠI HỌC

Còn vài tháng nữa thôi, em sẽ bước vào kỳ thi đại học cực kỳ quan trọng. Với kinh nghiệm 3 năm liền đi thi đại học (dù chưa lần nào đỗ) của mình, anh tin là anh sẽ cho em được những lời khuyên bổ ích.

Trước tiên, là về việc chọn trường, chọn ngành. Đừng buồn nếu em không thể thi đỗ vào vào cái trường mà em thích, vào cái ngành mà em đam mê, bởi sau này ra trường, em vẫn có thể làm việc trái ngành được mà! Bạn bè anh làm trái ngành nhiều lắm: người học Ngân hàng xong giờ đi phát tờ rơi; đứa học Thủy Lợi thì đi đánh giày; thằng học Hàng Hải hiện đang bán trà đá. Chỉ có đúng 3 đứa may mắn được làm đúng chuyên ngành đào tạo: đó là một đứa học Giao Thông Vận Tải, giờ đang chạy xe ôm; một thằng học Xây Dựng giờ đi phụ hồ; và đứa nữa học Nhạc viện, giờ đi hát dạo bán kẹo cao su.

Về tài liệu ôn thi thì em khỏi lo, anh sẽ tặng lại cho em bộ tài liệu ôn thi của anh ngày trước. Đây là bộ tài liệu do các giáo sư, giảng viên nổi tiếng của các trường đại học hàng đầu biên soạn nên rất chuẩn, dễ hiểu, bám sát nội dung thi. Cả 3 năm đi thi đại học trước đây anh đều dùng bộ tài liệu này đấy! Trong quá trình luyện thi, em nên bảo quản, giữ gìn bộ tài liệu ôn này thật cẩn thận vì biết đâu năm sau em lại phải dùng đến nó.

Khi lên Hà Nội đi thi, em nhớ lúc nào cũng phải mang theo ô hoặc mũ, vì cây Hà Nội bị chặt gần hết rồi, đường rất nắng. Khi tham gia giao thông, ngoài quan sát đằng trước, đằng sau, bên trái, bên phải, em còn phải quan sát cả trên cao nữa, đề phòng cần cẩu, bê tông, cốt-pha, hoặc sắt thép nó rơi vào đầu. Tắm rửa thì về chỗ trọ, hoặc cùng lắm là để dành về quê tắm, đừng thấy công viên nước họ cho tắm miễn phí mà ham hố leo rào vào. Nước ở đó tuy trong xanh, nhưng rất dễ làm cho người ta hoen ố.

Việc ăn uống trong những ngày thi cũng rất quan trọng. Nhớ lần thi đại học đầu tiên, anh hồi hộp không ăn được gì, lúc vào phòng thi đói hoa mắt đến nỗi không thể nhìn được bài thằng bên cạnh. Hôm sau thi, anh rút kinh nghiệm, ăn một bát bún ốc thật to, no oạch. Nhưng chắc do ăn phải ốc thiu để từ mấy hôm trước, nên khi giám thị phát đề cũng là lúc anh bắt đầu đau bụng. Anh vội vàng xin phép chạy ra nhà vệ sinh, vừa đọc đề vừa ỉa. Rồi sau, anh còn phải chạy ra nhà vệ sinh vài lần nữa. Thời gian ngồi trong phòng thi còn ít hơn cả thời gian ngồi ỉa.

Một điều nữa, thuộc về vấn đề tâm linh, đó là trước mỗi môn thi, em hãy thắp hương khấn xin thổ công, thổ địa và thần linh phù hộ cho em làm bài tốt. Em đừng cười nhạo và cho rằng đây là trò mê tín. Không hề mê tín đâu, linh nghiệm lắm đó! Suốt 3 năm đi thi, chưa có môn nào là anh quên không khấn!

Nói chung, vào phòng thi, em hãy thật bình tĩnh và thoải mái, trượt thì sang năm ta lại thi tiếp. Xác định được tư tưởng vậy rồi thì đến lúc trượt thật em sẽ bớt sốc hơn! Tất nhiên là trượt đại học thì ai cũng sẽ buồn. Nhưng chỉ là năm đầu thôi, nếu thi năm thứ 2, thứ 3 mà vẫn trượt thì lúc đó cũng quen rồi, sẽ bớt buồn đi! Hãy luôn tâm niệm trong đầu một điều rằng: thi đại học không khó, đỗ đại học mới khó!

Còn nếu thi mãi mà vẫn không đỗ thì về chăn vịt với anh. Sáng lùa vịt ra sông cho chúng nó đạp nhau, tối lùa về chuồng cho chúng nó đẻ trứng, sáng hôm sau dậy sớm nhặt trứng, rồi lại lùa ra sông cho chúng nó đạp nhau. Vui lắm!


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~



VÁN BẠC CỎN CON

Đắn đo, suy xét mãi, cuối cùng tôi cũng đã chọn được một studio để chụp ảnh cưới. Tôi quyết định chụp ở đó phần vì giá cả hợp lý, phần vì bởi trên website của nó, tôi thấy đăng cái ảnh cưới của vợ chồng Beckham chụp trên cầu Long Biên. Nhà Beckham khá khó tính và có gu thẩm mĩ cao, vậy mà họ chịu bay từ Anh qua tận đây, tìm tới tận studio ấy để chụp thì đủ hiểu rồi...

Địa chỉ đã có, nhưng tìm ra được nó lại khá khó. Đúng phố, đúng số nhà đây rồi, nhưng không phải là một studio ảnh cưới, mà lại là một cửa hàng bán quan tài và đồ thờ với lổn nhổn những bát hương lớn nhỏ, cả những ông địa, những ông thần tài đứng, ngồi, rồi nằm ngổn ngang, nghiêng ngửa...

Thấy chúng tôi ngác ngơ, chị bán hàng đã nhanh nhảu:

– Hai em mua quan tài hả? Vào đây! Vào đây chị tư vấn cho! Cửa hàng chị vừa có mấy mẫu mới về, đẹp lắm! Nhập nguyên chiếc từ Nhật luôn! Nằm rất mát và yên tĩnh!

– Dạ không! Vợ chồng em chụp ảnh cưới. Thấy ghi địa chỉ này, nhưng...

– À! Chụp ảnh cưới thì lên Studio ở trên gác nhé! Lên đó ngồi đợi chồng chị một lát. Anh ấy sắp về rồi!

Vợ tôi có vẻ nản, kéo tay tôi, ý muốn quay về. Nhưng tôi động viên vợ là đã mất công đến đây rồi, cứ lên xem sao. Vậy là tôi dắt vợ len qua những chiếc quan tài, rồi rón rén leo cầu thang đi lên...

Trên này đúng là có cái studio thật, vì thấy ảnh cưới bày la liệt. Góc phòng treo mấy bộ váy cô dâu màu cháo lòng (không biết màu bẩm sinh hay do quá trình sử dụng mà nó chuyển thành như thế), rồi cả mấy bộ vest chú rể, cái nào cũng rộng thùng thình, hôi rình, và kiểu dáng thì cũ rích – giống hệt mấy bộ vest mà anh Xuân tóc đỏ, cậu Văn Minh, hay ông TYPN vẫn mặc trong bộ phim Số Đỏ mới phát trên tivi gần đây.

Ngồi đợi một lát thì anh chủ hiệu ảnh về. Anh xin lỗi đã để vợ chồng tôi phải đợi. Anh giải thích là vì đêm qua đầu phố có người chết đột xuất, họ đặt mua quan tài gấp để tổ chức tang lễ ngay. Thế nên sáng nay anh phải chở quan tài qua đó, rồi chụp ảnh luôn cả lúc khâm liệm, lúc phát tang, lúc đưa người chết vào quan tài. Chụp xong, anh phải gửi file ảnh mềm cho gia đình tang chủ, họ sẽ chọn những bức ảnh họ thích nhất, đẹp nhất, ý nghĩa nhất để phóng to, tặng cho con cháu treo trong nhà làm kỷ niệm.

Tôi hỏi anh là mỗi lần chụp ảnh đám ma như vậy thì anh được bao nhiêu? Anh bảo không được đồng nào, vì nó nằm trong gói khuyến mại khi mua quan tài – giống như khi khách chụp ảnh cưới thì sẽ được khuyến mại cho mượn bộ váy cô dâu để mặc trong đám cưới ấy! Tôi lại hỏi: "Chụp ảnh cưới và chụp ảnh đám ma có gì khác nhau?". Anh bảo: "Không khác nhau! Đều là nghệ thuật nhiếp ảnh, là sự săn lùng và truy đuổi cái đẹp, chứ nghệ thuật không phân biệt vui buồn, sướng khổ!". Tôi lại hỏi anh: "Sao anh lại làm cùng lúc hai công việc chẳng liên quan đến nhau là chụp ảnh cưới và bán quan tài?". Anh bảo: "Nghe qua thì thấy không liên quan, nhưng ngẫm kỹ thì nó lại rất liên quan, bởi việc lấy vợ, lấy chồng, nếu không cẩn thận mà chọn sai, chọn lầm, thì cũng chẳng khác nào đâm đầu vào chỗ chết".

Tôi đã nghĩ, và tôi chắc rằng mọi người cũng đều nghĩ, rằng việc chụp ảnh cưới thật là một trải nghiệm thoải mái, dễ chịu, sung sướng và thú vị. Nhưng thực tế không hề như thế!

Tôi và vợ gần như phải bêu ngoài nắng ròng rã suốt từ sáng đến tối (không mũ, không ô), và hầu như là đứng; lúc hiếm hoi được ngồi thì phải ưỡn lưng, vặn sườn, tạo dáng rất mỏi: khi thì chổng mông, bò soài trên bãi cát bỏng rát, lúc lại xách váy, cầm hoa đuổi nhau chạy hồng hộc trên đồi, mướt mát mồ hôi, chân tay rã rời. Có thời điểm tôi gần như bị say nắng, hoa mắt, chóng mặt, tưởng như sắp ngất...

Trong lúc thợ ảnh đang chụp mấy kiểu vợ tôi tạo dáng một mình thì tôi bò vào một gốc cây gần đó ngồi nghỉ, ngửa cổ, dốc chai nước tu ừng ực, thở phì phò...

Có một đôi vợ chồng cũng đang chụp ảnh, và họ khiến tôi phải chú ý. Bởi cả hai đều đã ngoài 40 tuổi, chồng thì gầy nhẳng, loẻo khoẻo như cái cẳng gà, còn vợ thì to béo, đồ sộ như cây đa. Tình yêu quả thật kỳ diệu, nó không phân biệt địa vị, tuổi tác, giới tính, và trọng lượng.

Bà vợ thấy cái xe bò vứt bên vườn cỏ thì nhảy luôn lên, đứng ra phía đầu xe, dang hai tay ra, rồi nũng nịu gọi chồng:

– Anh lên đây đi! Anh làm Dắc, em làm Râu! Mình chụp vài kiểu!

– Dắc với Râu là đứa nào? – Anh chồng hỏi.

– Trời ạ! Dắc với Râu trong phim Ti-ta-líc ấy!

Ông chồng có vẻ chưa hiểu, nhưng vì chiều vợ nên cũng nhảy lên cái xe bò, vợ bảo gì cũng ngoan ngoãn làm theo. Cả hai tạo dáng trên xe bò thật lãng mạn: Dắc xanh xao, hốc hác, ôm lấy Râu to như con trâu, phốp pháp. Trong phim Titanic, khi tàu bị chìm, Dắc đã chết để nhường phao cho Râu, còn ở phiên bản Ti-ta-líc xe bò này, nếu xe bị lật, thì nhiều khả năng Dắc sẽ chết vì bị Râu đè.

Chụp xong kiểu Ti-ta-líc, bà vợ lại thì thầm, lôi chồng ra sau chỗ bãi cỏ, chắc bà ấy lại vừa nghĩ ra kiểu tạo dáng mới. Quả vậy thật, tôi thấy bà ấy ngồi nhấp nhổm, vén váy cao lên gần đùi rất gợi cảm, còn ông chồng thì cởi áo vest, phanh rộng ra, choàng quanh đùi vợ. Tôi rất phục sự sáng tạo của bà vợ, bởi tôi đã xem nhiều ảnh cưới, nhưng chưa thấy kiểu tạo dáng nào hay và độc đáo như thế! Anh thợ chụp ảnh cũng vội vã đi theo, bấm máy lia lịa. Thấy vậy, bà vợ gào lên:

– Đừng chụp nữa! Người ta đang đái mà cũng chụp!

Rồi cũng tranh thủ lúc vợ đang chụp một mình, ông chồng cũng bò vào chỗ gốc cây, ngồi cạnh tôi để tránh nắng. Tôi đưa chai nước về phía ông ấy, chủ động bắt chuyện:

– Anh lập gia đình muộn nhỉ!

– Đâu! Anh cưới lâu rồi! Hôm nay vợ chồng đi chụp lại ảnh thôi! – Vừa nói, ông chồng vừa cầm chai nước vã lên mặt.

– Vợ chồng anh tình cảm quá! Thế đợt trước cưới chưa chụp hả anh?

– Chụp rồi! Nhưng cứ cãi nhau là vợ anh nó lại lôi ảnh ra xé hết, đốt hết! Anh đi chụp lại lần này là lần thứ 3 rồi đấy! Mà anh khuyên chú là nên chọn làm album bìa mềm, đừng làm bìa cứng!

– Sao vậy anh? Em thấy hai cái bìa đó giá cũng tương đương nhau mà!

– Giá tương đương, nhưng độ sát thương là khác nhau. Nhìn đây này...

Vừa nói, anh vừa chỉ lên vết sẹo to tướng trên mặt anh, kéo dài từ mép đến tận mang tai, rồi chầm chậm tiếp lời:

– ...Vợ anh nó ném cái album vào mặt anh đấy!

Nghe anh nói, tôi bỗng giật mình! Vậy ra những người đã, đang, và sẽ chụp ảnh cưới lại là những người dại dột bỏ tiền và bỏ công bỏ sức cho một thứ mà có thể sẽ là vũ khí làm tổn thương mình trong tương lai sao? Như thế thì mạo hiểm quá, khác nào đánh bạc? Nhưng nghĩ lại thì mới thấy, rằng việc lấy vợ, lấy chồng đã là canh bạc lớn nhất, mạo hiểm nhất của cuộc đời rồi, vậy mà người ta vẫn dám chơi, thế thì cái việc chụp ảnh cưới cũng chỉ là ván bạc cỏn con thôi, sá gì...


~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~

Thằng Phóng


Phóng là thằng em cùng xóm trọ hồi sinh viên với tôi. Tôi nghĩ, bố mẹ Phóng chắc đã phải trăn trở, nghiên cứu, nghiền ngẫm và xin ý kiến của rất nhiều các thầy cúng, thầy nho, thầy đồ, thầy tướng số thì mới đặt được cho nó cái tên hay đến thế! Một cái tên vừa mạnh mẽ, nam tính, vừa gợi hình, gợi cảm, lại vừa lột tả được chân thực cái trạng thái thăng hoa tột đỉnh, đầy đam mê, khao khát của loài người (và của cả một số loài súc vật).

Thằng Phóng người nhỏ thó, loắt choắt như con chuột nhắt. Từ đầu đến chân nó, mọi thứ đều toát lên vẻ già nua, duy chỉ có mấy sợi râu tơ lún phún phun ra từ cái cằm mum múp của nó là khiến cho người ta liên tưởng được tới sự trẻ trung, mà là sự trẻ trung của mấy em gái đương tuổi dậy thì.

Hom hem như con mèo đi kiết, nhưng rượu nó uống hàng lít. Nó có cái tật là không uống thì thôi, nhưng đã uống thì uống tới bến, uống đến say, chứ không bao giờ uống kiểu giữ kẽ, cầm chừng (nói là "không uống thì thôi" cho hào hùng, chứ kỳ thực suốt mấy năm quen nó, tôi thấy có đúng một lần nó chê rượu: đấy là hôm nó bị đau răng, sưng húp má, mồm không há ra được, uống sữa còn phải dùng xilanh hút rồi lách khéo qua khe răng mà xịt vào, mà phải dùng xilanh cỡ nhỏ nhất – cái loại chuyên để tiêm phòng dịch cho gà vịt).

Có lần, tôi cùng nó về Hà Nam dự đám ma ông nội thằng Việt – bạn cùng xóm trọ. Lúc ăn cơm trưa, Phóng rót hai bát rượu đầy, một bát nó cầm, một bát đưa cho Việt, bảo: "Cạn bát nhé! Thay cho lời chia buồn của tao gửi tới gia đình mày!". Thằng Việt, không biết vì nể Phóng, hay vì đang quá đau buồn, thương nhớ ông, mà cũng cầm bát lên nốc cạn. Xong, Phóng lại rót thêm bát nữa, lại đưa cho thằng Việt, lại bảo: "Cạn bát nhé! Thay cho nén nhang thơm chúc ông mày yên nghỉ nơi suối vàng!"...

Cứ thế, tôi không nhớ là thằng Phóng đã mời Việt bao nhiêu bát, với bao nhiêu lý do chính đáng khác nữa, chỉ biết rằng lúc tàn cuộc, thằng Phóng nằm luôn tại mâm, còn thằng Việt bò đi đâu không biết. Đến chiều, lúc đưa ma, thằng Việt vẫn chưa hết say. Nó đi trước xe tang cầm vòng hoa mà mắt vẫn cứ đờ đờ, chân lảo đảo, người xiêu vẹo, nhìn rất tội. Mấy bà con xóm giềng thấy vậy thì trầm trồ khen ngợi: "Thằng đó nó thương ông lắm! Chắc cả đêm qua nó không ngủ, quỳ bên quan tài ông, khóc hết nước mắt, nên giờ mới kiệt sức và mệt mỏi đến thế!".

Lúc ra đến bãi tha ma, bà con quây tròn quanh cái huyệt đã được đào sẵn để chuẩn bị đưa quan tài xuống. Thằng Việt cũng bon chen lách đám đông, len vào nghiêng ngó, rồi chẳng hiểu loạng quạng, liêu xiêu kiểu gì mà ngã lộn cổ xuống huyệt. Mọi người tưởng nó lưu luyến ông quá, muốn đi theo ông thì mới ra sức lôi nó lên, vừa lôi vừa khuyên ngăn, an ủi: "Thôi con ơi! Người chết cũng đã chết rồi! Con càng như vậy thì hương hồn ông càng khó siêu thoát!".

Đó là rượu, còn thuốc lá, nó cũng là một con nghiện có số má. Mồm nó lúc nào cũng khét lẹt, nghi ngút khói, như cái đít xe công nông đầu ngang chở hàng quá tải đang leo dốc. Thế nhưng ai bảo nó là thằng nghiện thuốc lá thì thằng Phóng cãi ngay, rằng: "Nghiện là phải hút suốt ngày, liên tục, còn nó thì chỉ lúc nào rảnh nó mới hút". Tôi thấy nó cãi cũng đúng! Chỉ có điều, với một thằng sinh viên xa nhà, không người yêu, không làm thêm, thường xuyên trốn học như nó thì liệu có lúc nào không rảnh? Hay nói một cách dễ hiểu hơn: nó rảnh suốt ngày!

Trong khi các phòng khác trong xóm đầy chuột, gián, và nhung nhúc kiến, ruồi, thì riêng phòng thằng Phóng lại không có một mống nào. Lý do vì sao thì chưa ai rõ, nhưng có giả thuyết cho rằng chúng đã chết vì ung thư phổi, hoặc bỏ đi hết vì biết rằng nếu cứ ở phòng đó thì sớm muộn cũng chết vì ung thư phổi. Có lần, cả xóm xúm vào, dẫn ra những tác hại, hậu quả của thuốc lá, rồi khuyên nó nên bỏ. Nó ngồi nghe rất chăm chú với vẻ rất tiếp thu. Sáng hôm sau, vừa ngủ dậy, nó đã chạy sang phòng tôi, khoe:

– Nhờ sự giảng giải, phân tích của mọi người, em đã hiểu ra, và đã bỏ được thuốc lá rồi anh ạ!

Tôi nghe cũng mừng cho nó. Thế nhưng đến trưa, lúc tôi đi học về, đã lại thấy nó ngậm điếu thuốc phì phèo...

– Mày bảo bỏ thuốc rồi mà? – Tôi hỏi.

– Dạ! Em chỉ hút ban ngày thôi, tối đi ngủ em lại bỏ!

Ngoài rượu, thuốc lá, thằng Phóng cũng rất yêu lô đề. Lô đề thì không chỉ có nó mà xóm trọ tôi nhiều người ham lắm. Đặc biệt là anh Tuấn – chồng chị Phương. Anh Tuấn có tài giải mã giấc mơ thành số khá chuẩn. Ngày nào anh ấy cũng gõ cửa từng phòng rồi hỏi từng người là đêm qua mơ gì, rồi bảo kể lại cho anh nghe, càng chi tiết càng tốt.

Hôm ấy, khi tôi đang ngồi chơi bên phòng vợ chồng anh Tuấn – chị Phương, thì con bé Lan ở phòng cuối chạy xộc vào:

– Anh Tuấn ơi! Em vừa mơ em bị ỉa chảy!

– Ỉa nhiều không? Phân hình gì?

– Ỉa chảy mà anh, sao có hình được?!

– Ừ, quên! Thế có nhớ màu phân không?

– Màu xanh nõn chuối anh ạ!

Anh Tuấn nghe xong thì gật gù, đăm chiêu suy tính, rồi cẩn thận ghi số 66 vào cuốn sổ đề của anh. Tôi thấy vậy liền hỏi:

– Sao lại là 66 hả anh?

– Ỉa chảy tức là phân sống, sống là ngược lại với chín, mà ngược lại với 9 là 6. Bên cạnh đó, phân có màu xanh, xanh là lục, lục là 6.

Anh phân tích hay và tài tình quá, tôi phục anh sát đất! Tôi bỗng thấy cuộc đời này bất công quá! Tại sao một người tài giỏi như anh mà vẫn phải đi thuê phòng trọ tồi tàn, ở cùng với đám sinh viên nghèo nàn như chúng tôi? Đang ưu tư suy nghĩ thì tôi thấy thằng Phóng từ phòng nó chạy sang, giọng hối hả:

– Anh Tuấn ơi! Em vừa mơ em hiếp dâm!

– Hiếp ai? – Giọng anh Tuấn sốt sắng.

– Dạ...

– Hiếp ai?

– Em hiếp vợ anh!

– Đù! Xóm này bao nhiêu gái không hiếp, sao lại hiếp vợ anh?

– Thì mơ nó thế! Em biết đâu!

– Hiếp ở chỗ nào?

– Hiếp toàn thân luôn!

– Không! Ý anh là địa điểm nơi xảy ra vụ hãm hiếp ấy!

– Ở ngoài giếng, lúc chị đang rửa bát!

– Rửa bát à? Bát tức là 8. Thế đã xuất chưa?

– Chưa! Mới chuẩn bị thôi! Nhưng đột nhiên em nghĩ đến anh! Thấy tội lỗi quá, nên dừng lại kịp lúc!

– Chưa xuất! Chưa xuất...nghĩa là vẫn còn thẳng đứng, vậy là số 1 rồi!

Ấy thế mà tối hôm đó lô về cả 66 và 81 thật! Anh Tuấn mua thịt chó, vịt nướng, với cả bia về khao xóm tưng bừng. Lúc ngồi xuống mâm, anh Tuấn gắp cái đùi vịt béo ngậy bỏ vào bát em Lan, bảo: "Ăn đi em! Nhờ em ỉa chảy mà xóm ta được bữa no nê, hoàng tráng". Rồi anh quay sang rót bia đầy vào cốc thằng Phóng, nói: "Uống đi em! Nhờ em hiếp dâm vợ anh mà xóm mình được uống bia xả láng".

Phàm những thằng đã thích rượu bia, thuốc lá, lô đề, thì hiếm khi chúng nó không thích gái. Tôi nhớ, có lần ngồi trà đá với tôi và anh Tuấn, thằng Phóng kể rằng trường nó đang tổ chức phong trào sinh viên tình nguyện, lên tận trên Sơn La, nhưng nó không tham gia, vì nó bảo không thích đi xa, và cũng không thích mấy cái hoạt động kiểu như thế. Tôi nghe vậy thì động viên nó: "Anh nghĩ em nên tham gia. Những hoạt động đoàn ý nghĩa như vậy sẽ giúp em có thêm các mối quan hệ, mở rộng tầm hiểu biết, làm hành trang để mai sau bước vào đời". Nó nghe xong thì thở dài: "Em học hành kiểu này chắc không lấy được bằng, nên xác định học xong về quê đi phụ xe lam chở khách với ông già. Xe chạy nội tỉnh, sáng đi chiều về nên đi người không cũng được, cần gì hành trang đâu anh".

Anh Tuấn nghe vậy thì phụ họa thêm: "Không đi là phải! Sơn La buồn bỏ mẹ! Đợt trước anh công tác trên ấy mấy tháng, chỉ muốn bỏ quách về! Có mỗi thú vui duy nhất là chiều chiều ra bờ suối rình trộm gái dân tộc tắm. Công nhận, con gái Thái đứa nào da cũng trắng mịn, nần nẫn từ đầu tới chân, mà lại toàn mấy em trẻ, chỉ từ 16 đến 20 tuổi, vừa tắm chúng vừa nô đùa, đuổi nhau chạy nhông nhông..."

Hôm sau, tôi thấy nó khoác ba lô qua phòng chào tôi để đi tình nguyện trên Sơn La. Tôi hỏi: "Quyết định đi rồi hả?". Nó bảo: "Vâng! Em còn trẻ nên những hoạt động đoàn ý nghĩa như vậy sẽ giúp em có thêm các mối quan hệ, mở rộng tầm hiểu biết, làm hành trang để mai sau bước vào đời".

Cách xóm trọ bọn tôi một đoạn xa xa, có một quán rửa xe, và thằng Phóng rất thích rửa xe ở đó. Lý do không phải bởi quán ấy rửa sạch hay giá rẻ, mà bởi quán đó là của một chị rất xinh. Phải công nhận chị ấy xinh thật: mặt đẹp, dáng chuẩn, khúc nào ra khúc nấy. Đặc biệt là vòng một thì thôi rồi: tròn trịa, bầu bĩnh, nhìn rất khó giữ được bình tĩnh. Đặc biệt hơn nữa: chị ấy rất thích mặc áo hai dây. Đến đây chắc các bạn hiểu rõ hơn rồi chứ ạ? Rửa xe máy mà: bắt buộc phải cúi!

Thằng Phóng nghiện rửa xe ở quán đó. Trước kia, cả tháng nó không thèm rửa xe lần nào, kể cả khi cái xe đã bẩn như trâu, vậy mà đợt ấy, có ngày nó rửa hai lần. Đi rửa xe cùng nó nhiều, tôi phát hiện ra một điều: cứ khi nào chị xinh ấy rửa xe là nó giả vờ nghe điện thoại, rồi đi đi, lại lại ở cái đoạn trước mặt chị. Cái này cũng dễ hiểu thôi, bởi nếu ngồi một chỗ thì không thể nhìn được nhiều; nhưng nếu cứ chị ấy xoay hướng nào mà nó cũng lật đật xoay theo hướng đó thì lộ liễu quá. Bởi thế, nó mới phải dùng đến cái điện thoại. Nhờ điện thoại, nó có lý do để đi loăng quăng bất kì chỗ nào nó muốn. Khi ấy, những bước chân được quyền trở nên vô định bởi đầu óc của chủ nhân nó còn phải bận tập trung vào cuộc trao đổi, thương lượng căng thẳng và gay gắt đang diễn ra trên điện thoại.

Có lần, trong lúc chị xinh rửa xe, và thằng Phóng, như thường lệ, đang đi đi lại lại bàn công chuyện với đối tác, thì chồng chị ấy mới lại gần tôi và hỏi:

– Bạn em chắc làm ăn lớn hả? Lần nào đi rửa xe cũng thấy điện thoại túi bụi không hà!

– Dạ vâng! Nó là sinh viên, nhưng chịu khó và năng động lắm! Ngoài giờ học ở trường và tự học trên thư viện, nó còn làm cộng tác viên cho một tổ chức phi nhân đạo của Liên Hợp Quốc!

Thằng Phóng vẫn rủ tôi đi rửa xe cùng nó ở quán đó đều đều cho tới khi chị rửa xe xinh đẹp ấy có bầu và ở nhà nghỉ đẻ. Đương nhiên, chị nghỉ đẻ thì nó cũng nghỉ rửa. Bẵng đi phải gần một năm, thằng Phóng không rửa xe ở đó nữa. Cho đến một hôm tôi với nó ngồi ở quán trà đá đầu ngõ và vô tình gặp chồng chị ấy. Anh chào chúng tôi rất niềm nở như người quen, rồi hồ hởi khoe: "Đầu tháng tới vợ anh nó gửi con đi nhà trẻ và lại ra phụ giúp anh rửa xe đấy! Hai em quay lại quán ủng hộ vợ chồng anh nhé!".

Vẫn là chuyện gái, lần ấy, anh Tuấn trúng rất đậm (nhờ mấy giấc mơ bệnh hoạn của thằng Phóng), anh Tuấn sướng phát rồ và mời anh em trong xóm đi đá phò ở một quán phò tự chọn (tức là thích em nào thì chọn em đấy, giống như ăn búp-phê hay bóp-phê gì ấy!). Anh Tuấn ưu tiên thằng Phóng được quyền chọn phò trước. Mấy anh em khác dù khá hậm hực (vì nó chọn trước, nhỡ nó chọn đúng cái em ngon nhất mà mình đã chấm thì sao?) nhưng không ai dám ý kiến, bởi nếu không nhờ công thằng Phóng thì sao có buổi phò bóp-phê hôm nay?!

Công nhận là phò ở quán đó xinh, đặc biệt có một em nhìn qua cứ tưởng Ngọc Trinh. Nhưng trong hơn chục em xinh ấy không hiểu sao lại lòi ra một em béo ục uỵch, người nung núc thịt, nặng phải tám chín chục cân là ít. Em ấy mới chỉ cười, chưa nói gì, nhưng vẫn khiến tôi có cảm giác rằng nếu em ấy mở lời thì câu đầu tiên sẽ là: ụt à ụt ịt.

Tôi không nghĩ là sẽ có thằng khùng nào bỏ tiền vào đây chơi gái mà lại chọn em ấy, và việc người ta đưa em ấy đứng vào hàng không phải để kiếm khách mà có lẽ là vì một lý do nào đó: tâm linh chẳng hạn (họ kiêng số 13, nên gọi em vào cho thành 14); cũng có thể em ấy là người nhà, người quen của chủ quán, vào được đây là nhờ ô dù, quan hệ, và đứng vào hàng chỉ cho có lệ (giống mấy đứa con cháu sếp, không biết và không làm được việc mẹ gì nhưng ngày nào cũng đến cơ quan ngồi, chờ cuối tháng lĩnh lương).

Vậy nên lúc thằng Phóng nói rằng nó chọn cái em ục uỵch đó thì ai cũng sững sờ (vì bất ngờ), rồi thở phào (vì nó đã không chọn cái em mình thích), và cuối cùng là lo lắng (cho sự an toàn của Phóng, vì Phóng thì lèo khèo như cái thước, còn em ấy thì lù lù như vại nước). Về sau, tôi có hỏi Phóng lý do tại sao lại chọn em ấy thì Phóng bảo: "Em thích cái cảm giác một đứa to gấp đôi, gấp ba mình mà phải quằn quại chịu trận dưới chân mình! Đã lắm anh ạ!".

Từ đó, mỗi lần đi ăn bóp-phê phò, em nào to béo, đồ sộ nhất thì mặc định là của thằng Phóng, không ai dám tranh!

Sau khi ra trường (không lấy được bằng), Phóng về quê đi phụ xe cùng bố. Tôi mừng cho nó vì đã thực hiện được hoài bão ấp ủ từ thời sinh viên! Lâu không liên lạc, bỗng hôm trước nó gọi điện mời tôi về đám cưới nó. Thường khi nghe thế, người ta sẽ hỏi: Cô dâu quê đâu? Bao tuổi? Làm gì? Còn tôi lại hỏi: "Cô dâu nặng bao nhiêu?". Nó bảo: "Em chưa cân, nhưng chắc không thua cái em ở quán phò bóp-phê". Tôi lại mừng cho nó. Bởi làm thằng đàn ông, chỉ cần lấy được vợ có một nét gì đó mà mình ưng thôi, vậy cũng là may mắn lắm rồi!

~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~

Ngu


Đám cưới xong, anh con trai chuyển ra nhà riêng để sống cùng vợ. Sau ngày đầu tiên, anh ấy nhắn tin về cho bố:

"Bố ơi! Có vợ thật tuyệt vời! Chúng con suốt ngày quấn lấy nhau không rời. Cô ấy ngoan ngoãn và dịu dàng như một con mèo, khiến con ngỡ mình như một con mãnh hổ đang dang vòng tay ra che chở. Những lúc nghỉ giải lao giữa hiệp, con và vợ lại mở cửa sổ phòng ngủ ra ngắm đất trời bao la, ngắm những chú bướm đùa giỡn cùng những cánh hoa! Thích lắm bố ạ!".

Bố nhắn lại: "Ờ! Mừng cho con!"

Hai hôm sau, anh ấy lại nhắn cho bố: "Bố ơi! Con thấy hơi mệt! Tại mấy hôm nay hoạt động quá sức mà lại toàn phải ăn mì tôm. Vợ hỏi con: "ăn mì tôm có nóng ruột không?', con đành phải trả lời: "Không! Chỉ cần được ở bên vợ thì ăn gì cũng ngon".

Bố nhắn lại: "Ờ! Mừng cho con!"

Vài hôm sau, anh ấy lại nhắn cho bố: "Con ăn mì tôm cả tuần rồi bố ơi! Từ hôm cưới đến nay chưa được miếng cơm nào vào mồm. Vợ con nó hiện nguyên hình rồi! Nó bảo nó không biết nấu cơm, ai thích ăn thì đi mà nấu. Giờ những lúc nghỉ giải lao giữa hiệp, con cũng không được ngồi trên giường ngắm bướm, ngắm hoa nữa mà phải đi lau nhà, giặt quần áo, cọ bồn cầu. Nó còn vào danh bạ điện thoại của con, thấy số nào của mấy em trẻ trẻ là nó xóa hết. Nó bảo thà xóa nhầm còn hơn bỏ sót, có vợ rồi, đừng hòng mà đú đởn. Thẻ ngân hàng của con nó cũng cầm. Giờ muốn ăn gì, mua gì thì phải xin ý kiến nó, nó nghe thấy hợp lí thì mới cho tiền. Con giờ như thằng ô-sin rồi! Khổ quá bố ơi!".

Bố nhắn lại: "Ờ! Mừng cho con!".

Anh ấy lập tức trách móc: "Bố vô tâm lắm! Con trai bố khổ sở mà bố không động viên được một câu!".

Bố cũng không kém phần gay gắt: "Động viên à? Thế bao nhiêu năm nay, tao cũng làm ô-sin cho mẹ mày, cũng khổ như mày, mày đã động viên tao được câu nào chưa? Bố mừng cho mày vì cuối cùng cũng đã nhận ra được cái điều mà lẽ ra mày phải nhận ra từ lâu rồi! Mày có một tấm gương lù lù trước mặt là bố mày đây, sao mày không soi vào, sao mày không rút được kinh nghiệm? Đời mày rồi cũng khổ như đời bố mày thôi! Ngu! Ngu thì chết con ạ!

~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~

Kém Tắm


Tôi là người bảo vệ cự kỳ nghiêm khắc của cái công viên nước này, nhưng hôm qua, khi chứng kiến cảnh người ta hì hục, hăm hở trèo rào, rồi cả trăm thanh niên cởi trần, mặc quần đùi la hét hỗn loạn, quây tròn lấy một cô gái trong bể bơi, rồi té nước, rồi sờ ngực, rồi bóp mông, thì lần đầu tiên tôi đã khóc.

Tôi khóc không phải vì sợ, mà vì những cảnh tượng tắm miễn phí đó như đã cho tôi một vé về với tuổi thơ, khi lần đầu tôi được xem phim Tây Du Ký (họ làm tôi nhớ lại cảnh lũ khỉ ở Hoa Quả Sơn trèo cây và đuổi bắt nhau trên dòng suối. Chỉ khác nhau ở chỗ: lũ khỉ chúng hái hoa quả, còn đám thanh niên ấy thì bóp hoa quả).

Đừng gần tôi, ngay dưới chân hàng rào, cũng có một chàng thanh niên trẻ đang ôm đầu gào khóc. Tôi thấy vậy thì lại gần hỏi thăm:

– Cháu cũng thích xem Tây Du Ký? Cũng đang trở về tuổi thơ hả?

– Dạ không! Cháu và bạn gái quyết giữ gìn trinh tiết cho nhau đến đêm tân hôn, nhưng vừa rồi bạn gái cháu trèo rào, bị thanh sắt chọc vào, rách mất rồi chú ơi!

Cách đó vài mét, lại một cô gái trẻ khác ngồi cạnh bể bơi cũng đang khóc tu tu. Tôi tới gần, hỏi:

– Sao vậy cháu? Sao không xuống bơi?

– Cháu vừa trèo rào, bị rách sơ-lít, rách miếng bằng bàn tay, hở ra gần nửa rồi! trong khi, cháu chỉ biết mỗi kiểu bơi ngửa!

– Vậy thì mặc quần áo vào rồi về đi! Ngồi đó khóc ích gì?

– Cũng không được chú ơi! Cháu mặc váy ngắn lắm, mà lại đi mô-tô phân khối lớn!

Tôi thở dài bất lực, rồi nhìn sang một chị trung niên bên cạnh, cũng đang khóc:

– Sao? Chị bị rách gì?

– Dạ không! Em bị mấy thằng kia sàm sỡ!

– Thôi chị ạ! Mấy đứa con gái mới lớn, chúng nó còn ngây thơ, còn hồn nhiên, thì chúng sợ, chúng khóc, chứ chị, tầm này tuổi rồi mà cứ làm như là...

– Không phải! Bình thường thì em thoải mái! Nhưng em mới đi bơm ngực về, gần trăm triệu bạc, bác sĩ bảo phải giữ gìn, đến chồng mà em còn không cho động vào, vậy mà mấy thằng mất dạy kia... Hu! Hu!

Chán nản và bất lực trong việc ngăn cản đám người liều lĩnh và hung hãn đó, tôi bỏ ra một góc khuất ngồi. Thế nhưng lại nghe thấy tiếng khóc sụt sịt. Tôi quay sang, thì ra là một bà cụ, năm nay phải gần 90 tuổi. Tôi há hốc mồm kinh ngạc, đang định hỏi thăm thì bà cụ đã cất lời trước:

– Không phải như anh nghĩ đâu! Tôi khóc vì nhớ lại ngày xưa thôi!

– Cũng Tây Du Ký hả cụ?

– Không! Là nạn đói năm 1945. Chỉ khác là ngày đó, người ta giành giật nhau hớp cháo, củ chuối, củ khoai vì thiếu ăn, thiếu đói, còn giờ, họ chen lấn, giành giật nhau vì thiếu lòng tự trọng, vì thiếu văn hóa...

Cũng chiều hôm qua, lúc đi làm về, tôi thấy tấm bảng thông báo treo trước cổng công viên thành phố: "Ngày mai, từ 8h đến 10h, nhà vệ sinh trong công viên sẽ mở cửa để mọi người vào ỉa miễn phí". Tôi thở dài, và chợt thương cho cái hàng rào sắt nhọn hoắt bao quanh công viên.

~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~

Ẩm Ẩm Ương Ương


Thời tiết độ này thật khó hiểu: mới chiều qua còn nóng nực, mồ hôi nhoe nhoét, tóe loe, thế mà sáng nay trời đã trở rét, lạnh se se. Tôi gọi cái kiểu thời tiết này là kiểu ẩm ẩm ương ương, tức là nó rất vớ vẩn, chả ra làm sao!

Rồi ngẫm lại mới thấy, đâu chỉ thời tiết, mà cuộc đời cũng còn đầy những chuyện ẩm ẩm ương ương, tức là nó cũng rất vớ vẩn, chả ra làm sao!

Thì đó, tôi có bà cô ở quê làm ruộng, vất vả, lam lũ lắm! Mùa gặt chổng mông lên gặt; mùa cấy chổng mông lên cấy; không gặt, không cấy thì chổng mông nhổ cỏ, vạc bờ, tóm lại là chổng mông quanh năm. Thế nhưng đứa con gái mới lớn của bà ấy thì lại ham chơi, lười học, lười làm, không chịu đỡ đần mẹ. Bà ấy mới chửi mắng nó thì nó bảo: "Được rồi! Con sẽ lên thành phố làm ăn, kiếm tiền về báo hiếu mẹ!".

Và thế là nó lên thành phố làm ăn thật! Một tháng sau, nó trở về quê, dúi vào tay mẹ cục tiền to như bịch Kotex, bảo: "Từ giờ, mẹ không phải vất vả chổng mông ngoài ruộng nữa, đã có con chổng rồi! Con chổng một lúc bằng mẹ chổng cả năm". Tưởng bà ấy sẽ vui, ai ngờ bà ấy lại chửi nó, rồi vật vã, khóc lóc sụt sùi.

Ô hay! Nó ham chơi thì chửi nó ham chơi! Nó đi làm mang tiền về cũng chửi nó xơi xơi là sao? Đành rằng cái nghề nó làm còn bị người đời chê bai, dè bỉu, nhưng nó cũng phải mỏi mồm, nhăn mặt, ê mông, khản cổ, rát họng, mất công, mất sức mới kiếm được chứ có phải nó đi ăn cướp, đi móc túi đâu? Và so với những đồng tiền mà mấy ông quan to quần là áo lượt kiếm được bằng cách tham nhũng, nhận hối lộ, rồi bòn rút của dân, thì đồng tiền mà đứa con gái bà ấy mang về vẫn còn sạch sẽ chán! Vậy thì tại sao bà ấy phải khóc sụt sùi, trong khi những kẻ đáng phải khóc, đáng phải xấu hổ thì lại đang ngửa mặt lên trời cười ông ổng?

Thật là ẩm ẩm ương ương!

Rồi nữa, hôm trước đi đường, thấy người ta đang quay phim trên vỉa hè, tôi cũng tò mò dừng lại xem. Đó là một cảnh quay rất lạ: đôi trai gái yêu nhau, đuổi nhau chạy quanh một cái hố sâu, miệng hố nham nhở, ngổn ngang gạch đá. Lúc đầu, tôi tưởng chàng trai đó đang muốn vồ người yêu quăng xuống hố để chôn sống, nhưng khi hỏi đạo diễn thì ông ta giải thích rằng đây là một cảnh quay rất lãng mạn, chàng trai và cô gái sẽ đuổi nhau quanh gốc cây, sau đó hôn nhau. Nhưng hôm qua cái cây đã bị chặt đi rồi, chỉ còn cái hố thôi. Vì ngại phải đi chọn lại bối cảnh nên ông ấy quyết định vẫn quay, và cho đôi tình nhân chạy quanh hố. Đến đoạn cuối, thay vì đôi trai gái sẽ hôn nhau rồi từ từ dựa vào thân cây thì ông ta sẽ cho đôi tình nhân hôn nhau rồi từ từ lăn xuống hố.

Thật là ẩm ẩm ương ương!

Rồi hôm trước nữa, ngồi trong quán thịt chó, tôi tình cờ nghe được cuộc điện thoại của một anh bàn bên cạnh:

"Alo! Đang ở đâu vậy? Qua đây ăn thịt chó với tao! Nay vớ được con chó non, thịt giòn và thơm phức! Sao? Bận rồi à? Ừ! Thôi để khi khác vậy! À, mà tối qua mày có xem tivi không? Nó quay cảnh bắt trộm chó, vận chuyển chó, rồi giết thịt chó, thật là dã man! Tao xem mà nước mắt cứ chảy ròng ròng vì thương lũ chó, rồi giận run người vì lũ sát cẩu tàn bạo. À, mà có cái trang web bảo vệ chó đấy! Mày vào đó ký tên bảo vệ chó đi, tao vừa ký xong rồi! Hả? Địa chỉ web hả? hoặc nhé! À, mà tao nghe nói cũng vừa có một trang web bảo vệ lợn đấy, mày vào đó đăng ký luôn đi. Địa chỉ web hả? hoặc nhé!".

Xong, anh ấy nhét điện thoại vào túi rồi gọi chủ quán: "Cho thêm bát rựa mận nữa đê anh ơi!".

Thật là ẩm ẩm ương ương!

Rồi lại chiều qua, đang đứng ở cửa thì gặp bà chị hàng xóm đi mua sắm về, tay xách hai túi quần áo to uỳnh, mồm cười toe toét. Tôi hỏi:

– Mua gì mà nhiều thế chị?

– Sơ-lít chú ạ! Để đợt tới đi công viên nước miễn phí thì mang theo cả túi luôn! Rách lại thay!

Thật là ẩm ẩm ương ương!

Có một sự thật khó cãi rằng chúng ta đang là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Nhưng cũng có một sự thật khó tin rằng chúng ta đang là một trong những nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới (ai chưa rõ mời gõ Google).

Khỏi cần phải nghiên cứu sách văn học, rồi tiểu tuyết, rồi sách triết lý về cuộc sống, chỉ cần nhìn vào hai cái sự thật tôi vừa nêu trên đây thôi thì có thể khẳng định rằng: Tiền bạc không bao giờ mang lại hạnh phúc! Ấy thế mà ở ngoài kia, sao người ta vẫn vì tiền mà chửi cha mắng mẹ, đâm anh chém em, lừa thầy phản bạn, dối vợ gạt chồng?

Thật là ẩm ẩm ương ương!

Đọc đến đây, chắc nhiều bạn sẽ chửi: Mịa thằng Tòng, viết cái bài này rõ vớ vẩn, chả ra làm sao! Thì đúng rồi! Thằng Tòng cũng bị ẩm ẩm ương ương mà!

~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~

Chàng Lãng Tử


Ở quê tôi, nhà ai có con gái đến tuổi lấy chồng thì lúc nào cũng nườm nượp trai làng vào ra tán tỉnh. Ấy vậy mà nhà tôi lại chẳng có ma nào thèm tới lui, dù tôi cũng đã đến tuổi lấy chồng từ hơn chục năm nay rồi! Bởi thế, bố mẹ tôi rất lo tôi ế!

Về hình thức thì kể ra tôi cũng hơi xấu: người lùn một mẩu, đầu tròn như dưa hấu, mặt sần sùi toàn mụn, nhìn như bị thủy đậu. Đã vậy tính tôi lại đầu gấu, đứa nào chỉ hơi nói đểu hay nhìn đểu là tôi nổi cáu, rồi nhảy vào cào cấu. Ngoài xấu ra thì tôi còn khá lười, học dốt, và đần độn. Bố mẹ tôi suốt ngày kêu ca rằng tôi chẳng được cái nết gì. Tôi thì không nghĩ vậy, ngược lại, tôi thấy mình có rất nhiều ưu điểm, chỉ có điều những ưu điểm đó là gì thì tôi chưa phát hiện ra.

Bực hơn nữa là ngay sát nhà tôi có con bé Lành, rất xinh xắn, thông minh, nên mấy anh thanh niên trong xã đến chơi rất nhiệt tình, đông như đi công viên nước. Chứng kiến cảnh đó, bố mẹ tôi không khỏi ngậm ngùi, còn tôi, lại càng thêm buồn tủi. Đã vậy mẹ con Lành – là bà Bôn, có vẻ như rất thích chọc vào nỗi đau của gia đình tôi. Ví như sáng qua, bà ấy sang nhà tôi, hỏi mượn mẹ tôi cái nồi to. Mẹ tôi hỏi mượn nồi to làm gì thì bà ấy bảo là để về đun nước chè mời khách, vì đám thanh niên đến tán con Lành nhà bà ấy đông quá, trong khi cái nồi nhà bà ấy thì nhỏ, nấu nước không có kịp! Bà ấy còn bảo cứ như bố mẹ tôi đâm ra lại nhàn, chả phải lo nước non, khách khứa gì!

Một hôm, bà Bôn bảo tôi:

– Cháu qua nhà cô hái mồng tơi về mà nấu canh! Chả hiểu sao không chăm bón gì mà nó cứ tốt um, xanh mơn mởn!

– Tốt um là phải! Vì khách nhà cô đông quá, lại uống nước nhiều, xong anh nào cũng ra đái vào giậu mồng tơi. Có hôm cháu còn thấy cả chục anh xếp hàng đái cùng một lúc cơ!

– Chắc không phải đâu! Vì nếu đái thì mồng tơi sẽ có mùi khai, chứ đằng này, mồng tơi rất ngọt! Nhà cô vừa ăn trưa nay xong!

– Ngọt thì chắc là trong số các anh đó, có một vài anh bị tiểu đường đấy cô ạ!

Nói thì nói vậy thôi, chứ buồn thì vẫn rất buồn. Dù luôn kiên định trong lòng câu phương ngôn rằng: "FA – già nhưng không ế", thế nhưng nỗi buồn thì chẳng hiểu cứ từ đâu kéo đến...

Chiều qua, mẹ tôi bất chợt từ ngoài chạy vào, giọng thều thào:

– Có một thằng khá bảnh bao, mặc sơ mi phanh cúc nhìn rất lãng tử, cứ thập thò ngoài đầu ngõ nhà mình. Hình như, nó muốn vào tán tỉnh con, nhưng còn ngại. Con thử ra dò la xem sao?

– Người ta là trâu, con là cọc! Sao cọc lại phải đi tìm trâu?

– Ai chả biết! Nhưng đợi hơn chục năm rồi mới thấy một con trâu tới, nên mẹ lo...

Vậy là sau một hồi bàn bạc, tôi và mẹ đã thống nhất được kế hoạch tiếp cận anh chàng nhút nhát ấy. Theo đó, tôi sẽ ra tắm ở chỗ góc ao ngay đầu ngõ, gần chỗ anh chàng lãng tử ấy đang thập thò, rồi thì tùy diễn biến thực tế mà bắt chuyện, làm quen. Thực sự là dù chưa một lần gặp gỡ, chuyện trò, nhưng tôi rất trân trọng những người đàn ông yêu không vì nhan sắc, không vì trí tuệ, không vì tiền bạc như anh ấy (bởi những thứ đó tôi đều không có).

Chàng lãng tử ấy đã nhìn thấy tôi, nhưng ngượng ngùng quay mặt đi, rồi lại thẹn thùng nép sau bụi chuối. "Đàn ông gì mà nhát thế chứ!" – Tôi nghĩ thầm, rồi từ từ trầm mình xuống làn nước ao mát lạnh dù cơ thể đang hừng hực, râm ran. Bình thường khi tắm ao, tôi hay bơi ùm ũm như chó, rồi chổng mông trồng cây chuối lộn nhào. Nhưng hôm nay thì không vậy được, bởi tôi biết, anh ấy đang núp ở đó, âu yếm dõi theo tôi. Thế nên tôi rất khẽ khàng, dịu dàng vốc từng cục nước rưới lên cổ, lên vai, xuống ngực, bàn tay tôi mềm mại miết trên da thịt, kì cọ nhẹ nhàng. Bên bờ ao, mấy bụi hoa cứt lợn đang nở bung, tỏa hương nghi ngút, càng làm cho khung cảnh thêm tình tứ, mơ màng...

Một đàn bướm từ chỗ mấy bụi hoa cứt lợn ấy bay vụt ra, dập dờn, chao liệng trên mặt ao. Tôi đưa tay vồ lấy một con bướm, rồi cứ thế lấy ngón tay khều khều, mơn mơn, nghịch bướm đầy thích thú...

Bỗng tôi nghe thấy có tiếng ư ử, ư ử! Tôi đã nghĩ đó là tiếng của anh chàng lãng tử. Nhưng về sau tôi mới biết là không phải, bởi ngay sau đó tôi nghe thấy tiếng mẹ tôi chạy huỳnh huỵch từ trong nhà ra, vừa chạy vừa la thất thanh: "Trộm chó! Bớ người ta trộm chó! Đánh chết mẹ thằng trộm chó đê!".

Tức thì, người từ khắp các ngõ, các ngả túa ra hối hả! Tiếng chân rầm rập, tiếng gậy gộc lộc cộc, rồi sau đó là tiếng hò hét, đánh đập, chửi bới, loạn xạ. Lúc tôi lên bờ, mặc quần áo xong và chạy tới được chỗ đám đông thì vụ đánh đấm đã xong. Thằng trộm chó nằm đó, rúm ró, nhăn nhó. Chiếc áo sơ mi phanh cúc te tua, lấm lem bùn đất càng làm cho anh ấy thêm vẻ lãng tử, phong trần. Hóa ra, tiếng ư ử hồi nãy không phải là tiếng anh ấy mà là tiếng của con chó, đó là lúc con chó bị anh lãng tử siết cái thòng lọng vào cổ. Và tôi cũng hiểu, anh ấy thập thò ở đầu ngõ không phải vì tôi, mà là vì con chó.

~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~

Đoán Tuổi


Bình thường vợ tôi rất dễ ngủ, nằm xuống là ngáy như bò, thế mà đêm hôm đó vợ cứ trằn trọc, lăn lóc mãi. Tôi hỏi: "Sao thế?". Vợ bảo: "Lúc tối mới ăn được có 3 bát thì con nó quấy, nên giờ đói quá, không ngủ được!". Tôi lại bảo: "Thế thì dậy ăn tạm cái gì đi để còn ngủ". Vậy là vợ lóc cóc bò dậy, mở tủ lạnh. Tôi chẳng biết vợ đang ăn cái gì, nằm giường chỉ nghe thấy tiếng tồm tộp, tồm tộp. Giá có thêm tiếng ụt à ụt ịt, thì tôi chắc chắn sẽ tưởng mình đang lạc vào một trang trại chăn nuôi, đúng giờ ăn.

Lát sau, thấy vợ ì ạch bò lên giường. Tưởng hết đói rồi sẽ ngủ ngon, ai ngờ vẫn thấy vợ lăn lóc, trằn trọc. Tôi hỏi: "Sao thế?". Vợ bảo: "Em ăn no quá! Giờ bụng căng lên, khó chịu, không ngủ được!".

Khả năng ăn xuất sắc là thế, nhưng vợ tôi lại rất sợ béo. Cứ vài hôm vợ lại nhảy lên cái cân một lần, và lần nào bước xuống khỏi cái cân, mặt vợ cũng ỉu xìu, than thở:

– Lại tăng thêm 2 lạng nữa rồi!

Tôi – dù đã biết trước kết quả, nhưng vẫn cố hỏi han, quan tâm, an ủi:

– Cụ thể là bao nhiêu em?

– Là tám chục cân hai!

Thấy vợ buồn, tôi cũng thương. Nhưng thương vợ một thì tôi thương cái cân mười. Hôm mua về, cái cân mới coóng, bóng bẩy, chắc chắn là thế, vậy mà chỉ một thời gian ngắn phục vụ vợ tôi, nó đã xập xệ, xuống cấp và oặt ẹo.

Sau đấy, vợ tôi không thích dùng cái cân nhà tôi nữa, mà hay sang mượn cân hàng xóm. Lý do, theo vợ tôi, thì là vì cái cân nhà hàng xóm chính xác hơn, rằng vừa mới cân ở nhà mình là 80 cân, nhưng khi sang cân bằng cân hàng xóm thì chỉ còn 75 cân. Tôi thì tôi không nghĩ là cân nhà tôi sai, ngược lại, cân nhà hàng xóm mới là cân sai. Bởi vợ chồng nhà hàng xóm chuyên thu mua đồng nát, chúng nó phải chỉnh cân thiếu, cân điêu để ăn bớt của người ta.

Nhưng rồi cũng chỉ được vài hôm thì cái cân của vợ chồng thằng thu mua đồng nát cũng hỏng – không biết có phải tại vợ tôi không? Vợ tôi buồn thiu vì chưa biết phải cân nhờ ở nhà ai. Thấy vậy, tôi bảo vợ:

– Em thử qua nhà lão Bải ở đầu ngõ xem. Nhà đó có cái cân to phết đấy!

– Cái cân đó chuyên dùng để cân lợn thôi mà anh!

– Anh biết! Thế nên anh mới bảo em qua!

Không biết béo có liên quan đến già hay không, nhưng vợ tôi toàn bị mọi người trong khu chê là già trước tuổi, rằng vợ tôi nhìn như bà ngoại, trong khi tuổi vợ còn chưa tới ba mươi. Tất nhiên, nghe những lời như thế, vợ tôi rất không vui. Chiều qua, tôi vừa đi làm về, đang lúi húi nhặt rau, thổi cơm thì thấy vợ từ ngõ chạy vào, cười toe toét:

– Anh lên ghế ngồi xem tivi, nghỉ ngơi đi, để đó em làm cho!

– Sao hôm nay lạ thế? – Tôi hỏi đầy ngỡ ngàng.

– Con bé bên hàng xóm vừa cho em xem cái phần mềm đoán tuổi của Microsoft. Cái phần mềm ấy nó đoán em 20 tuổi đấy anh ạ!

À, ra vậy! Trước giờ, toàn bị chê già, nay tự nhiên có người bảo 20 tuổi, ai mà chả vui! Thấy vợ vui, tôi cũng vui lây...

– Không biết cái phần mềm đó có chính xác không anh nhỉ? – Vừa nhặt rau, vợ vừa quay ra hỏi.

– Chính xác chứ em! Microsoft là một tập đoàn lớn, sao dám nói láo?! Hơn nữa, ông Bill Gates – chủ tịch của Microsoft, cũng có tuổi rồi, nên hẳn là ông ấy rất cẩn trọng khi đưa ra phán đoán.

– Vậy được rồi! Để em sang nhà con Trinh, cho nó sáng mắt ra!

Dứt lời, vợ tôi đùng đùng ôm laptop lao đi. Cái cô Trinh này là người thường xuyên chê vợ tôi già, nên vợ tôi rất cay cú. Giờ, vợ tôi có phần mềm này rồi, có Microsoft, có Bill Gates lên tiếng bảo vệ cho rồi thì cô Trinh sao còn dám mở lời chê bai nữa.

Nhưng lát sau, vợ quay về, mặt hằm hằm, bực bội...

– Sao vậy em?

Nghe tôi hỏi, vợ hậm hực:

– Lúc em đưa cái ảnh Microsoft đoán em 20 tuổi ra, cả nhà con Trinh cười hô hố. Rồi nó cho em xem ảnh của chị em nhà nó, toàn có chồng con hết rồi, có bà đã đẻ 4 đứa, mãn kinh rồi, vậy mà thằng Microsoft vẫn đoán chỉ khoảng 15, 16 tuổi. May là nhà nó cuối cùng cũng có người bị đoán là 22 tuổi, già hơn em.

– Là ai vậy?

– Là bà ngoại nó!

Thế rồi vợ tôi bỏ vào giường nằm, còn tôi không được xem tivi nữa, phải nhặt rau, nấu cơm. Tự nhiên tôi thấy coi thường Microsoft, một tập đoàn lớn mà làm ăn chả ra làm sao. Cả lão Bill Gates nữa, già rồi mà còn ăn nói, phán đoán lung tung, vớ va vớ vẩn...

~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~

Anh Bướu Cổ


Tôi trôi đi trong một cái hang tối om, sâu hun hút, ẩm ướt và nhoe nhoét – hệt như cái ống trượt ở công viên nước, rồi ngã bịch xuống một khoảng không gian mờ ảo, đỏ đỏ, xanh xanh, rờn rợn đến lạnh người. Tôi lồm cồm bò dậy, rảo mắt nhìn quanh khắp một lượt cái khung cảnh xa lạ, ám ảnh và âm u ấy...

Quan sát kỹ, tôi thấy cách chỗ tôi một đoạn không xa, có lác đác những bóng người, và thêm một vài bóng người khác nữa rải rác ở những góc khuất đâu đó. Tất cả đều nhạt nhòa, lặng lẽ, im lìm, và nếu nhắm mắt lại, tôi không thể biết rằng họ đang tồn tại.

Tôi tiến lại chỗ cái bóng người đàn ông áo trắng gần tôi nhất, giọng rụt rè:

– Xin hỏi...đây là đâu vậy ạ?

Gã áo trắng quay lại. Tôi sững sờ, bởi cái mặt hắn xanh lét, nhợt nhạt, mớ tóc lòa xòa rủ xuống phơ phất. Hắn nhìn tôi bằng ánh mắt lạnh toát và mở miệng khè khè:

– Mới chết hả? Thằng nào mới chết xuống đây cũng hỏi câu y chang vậy!

Tôi rùng mình! Vậy ra đây là âm phủ, và tôi đang nói chuyện với ma. Còn những cái bóng đang lang thang, lẩn khuất quanh đây cũng là ma nốt. Vốn sợ ma từ bé nên đột nhiên toàn thân tôi co rúm lại, run lẩy bẩy và hoảng loạn tột độ. Gã ma áo trắng thấy vậy thì cười hềnh hệch:

– Khùng à! Mày cũng là ma rồi, còn sợ ma gì nữa!

Ừ nhỉ! Đúng vậy thật! Giờ tôi cũng là ma rồi, làm sao phải sợ ma nữa? Cái này giống với một câu truyện ngụ ngôn rằng có một con thỏ xin bà tiên biến nó thành một con sói để khi ra đường gặp sói nó không sợ bị ăn thịt nữa. Ấy thế nhưng khi gặp sói thật, nó vẫn cuống cuồng bỏ chạy, và quên mất rằng mình đang là sói.

Còn một câu chuyện nữa mà tôi được nghe từ hồi bắt đầu có quy định bắt buộc khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, rằng có hai anh đi xe máy va chạm với nhau, một anh hăng máu mới xông tới đấm anh kia. Chắc thấy chỉ đấm không thì không đã, nên anh ấy loay hoay tìm thêm vũ khí để đập cho sướng. Anh ấy đã định dùng giầy, nhưng lại thôi (chắc sợ sờn da), và cũng đã tháo thắt lưng, nhưng cũng rụt lại (chắc quần rộng, sợ tụt quần). Cuối cùng, có một khán giả đứng xem đã mách nước: "Mũ bảo hiểm trên đầu kia kìa, lấy xuống mà đập". Anh ấy nghe vậy thì reo lên: "Ờ! Đúng thật! Thế mà không nhớ ra!".

Còn về phía cái anh bị đánh, do biết mình yếu thế, nên anh ấy cứ co quắp lại, hai tay ôm đầu chịu đòn, mặc cho anh kia đang cầm mũ bảo hiểm tới tấp phang xuống. Rồi lại nghe giọng một khán giả đứng xem mách nước: "Đừng ôm đầu nữa, ôm chỗ khác đi! Đầu có mũ bảo hiểm rồi, ôm làm gì!". Anh chàng bị đánh nghe vậy thì lập tức làm theo, đưa tay xuống dưới ôm chỗ khác. Hồi ấy người ta hay nhắc nhở nhau rằng: "Ra đường nhớ đội mũ bảo hiểm, và càng phải nhớ rằng mình đang đội mũ bảo hiểm".

Kể vậy để thấy cái việc tôi sợ ma cũng không phải là quá khó hiểu. Bởi người ta có thể lập tức thay đổi được vẻ bề ngoài, hình thức, hay trang phục, nhưng những suy nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức, đã in hằn trong tâm trí thì không thể ngày một ngày hai mà thay đổi được...

– Tại sao mày chết vậy?

Câu hỏi của anh ma kéo tôi về với thực tế phũ phàng rằng tôi đang ở dưới âm phủ, và đang là một con ma...

– Em cũng không rõ ạ! – Tôi trả lời.

– Vậy mày có nhớ những sự việc ở thời điểm gần nhất trước khi chết không?

– Dạ có! Lúc đó, em đang cùng bạn gái dạo phố thì có mấy thằng cởi trần, toàn thân xăm trổ, cười hô hố, đi qua và thò tay bóp mông bạn gái em. Lúc đầu em không biết, nhưng lát sau nghe bạn gái nói, em mới điên tiết, để bạn gái đứng đó rồi đuổi theo bọn chúng. Đuổi một hồi thì bắt kịp. Em từ phía sau xông tới, đạp một thằng ngã sõng soài ra đất, rồi lao vào giữa vòng vây của bọn chúng, tả đâm, hữu chọc, né trái, đánh phải, ra đòn liên tiếp...

– Hay quá! Kết cục thế nào?

– Em cũng không rõ nữa! Vì lúc tỉnh dậy, mở mắt ra thì em đã xuống đây rồi! Thế còn anh? Chắc chết vì bướu cổ hả? – Tôi vừa hỏi vừa đưa tay sờ sờ lên hai cái khối u ác tính sưng tấy trên cổ anh ma.

– Không! Anh chết vì bị ngã thọt dái lên cổ!

Tôi và anh ma cứ thế trò truyện rất vui vẻ. Anh bảo làm ma thích lắm, vì được tàng hình, người sống không nhìn thấy được mình. Muốn xem gái tắm thì không phải lén lút, vụng trộm, cứ đàng hoàng bay vào nhà tắm mà xem. Muốn xem phim sex cũng không cần phải lên mạng, chỉ cần nửa đêm bay vào phòng ngủ của cặp vợ chồng trẻ mới cưới thì xem tha hồ: hình ảnh sắc nét, âm thanh trung thực, nếu ngồi gần, còn cảm nhận được độ rung, mùi vị, thậm chí còn có nước bắn lên mặt, hệt như xem phim 5D ở rạp Quốc Gia.

Nhưng anh ma cũng bảo rằng tàng hình là con dao hai lưỡi. Bởi khi ấy, ta có thể sẽ phải chứng kiến người mà ta tin yêu làm những việc mà bấy lâu họ vẫn làm lén lút sau lưng ta. Để rồi chỉ khi chết đi, ta mới có cơ hội biết rằng, những lời thề nguyền thủy chung sắt son chỉ là trò lừa gạt, và những huynh đệ, tình thâm đến với ta, hóa ra chỉ là vì tiền bạc...

Tôi và anh ma đang nói chuyện thì bỗng một vầng sáng chói lòa bùng lên trước mặt. Khi vầng sáng ấy tắt đi, tôi thấy xuất hiện một thằng da đen thui, cầm cái dùi cui, hằm hằm tiến về phía tui. Thấy tui hoảng sợ thì anh ma bướu cổ lập tức trấn an:

– Đừng lo! Thằng này là Viêm Dương – tay sai của Diêm Vương. Mày mới chết nên nó tới giải mày đi trình diện Diêm Vương thôi. Nhớ kỹ lời anh dặn: khi Diêm Vương hỏi lúc sống đã gây nên những tội lỗi gì thì mày cứ chối bay đi cho anh. Nhớ đấy! Không nhận tội gì cả thì sẽ được thả!

Thằng Viêm Dương đen thui cầm dùi cui đi trước, tôi lầm lũi theo sau. Nó đưa tôi qua một địa đạo nhỏ và âm u (gọi tắt là âm đạo), cái địa đạo âm u ấy lại dẫn chúng tôi tới một mê cung đầy tử khí (gọi tắt là tử cung)...

Rồi tôi thấy một cái cũi sắt khổng lồ, trong đó nhốt rất nhiều những người đàn ông, và tất cả họ đều bị chọc mù mắt. Tôi quay ra hỏi thằng Viêm Dương:

– Tại sao những người kia lại bị chọc mù mắt vậy?

– À! Đó là những thằng lúc sống thường nhìn trộm phụ nữ tắm, cả những thằng ra đường hay ngắm mông, ngắm ngực đàn bà con gái nữa, nên giờ, chúng phải chịu hình phạt!

Tôi rùng mình! May mà anh ma bướu cổ đã dặn trước, chứ nếu không lát nữa vào, tôi thật thà thú tội hết với Diêm Vương thì mắt tôi cũng sẽ bị chọc mù giống bọn họ.

– Tại sao những người kia lại bị chặt tay vậy? – Tôi hỏi khi nhìn thấy một cái cũi sắt khác.

– Đó là những thằng lúc sống hay quay tay!

– Còn những người kia? Tại sao lại bị chặt chim vậy?

– Đó là những thằng lúc sống hay đi hiếp dâm!

Ôi trời ơi! Thật là khủng khiếp! Tôi đội ơn anh ma bướu cổ nhiều lắm! Nếu không có anh ấy dặn dò trước thì khả năng tôi trở thành một con ma mù mắt, cụt tay, và cụt chim là điều khó mà tránh khỏi.

Rồi tôi thấy hai khu nhà kề sát nhau, một khu đẹp long lanh, lịch sự, sang trọng, như khách sạn 5 sao, còn một khu thì lụp xụp, rách nát, ẩm thấp, như mấy cái chuồng xí ở những vùng nông thôn. Điều kì lạ là cái khu nhà rách nát như chuồng xí ấy thì rất đông người ở, chen chúc, ngột ngạt vô cùng, còn bên khách sạn 5 sao thì lại vắng hoe hoắt, lác đác có một hai người. Tôi thắc mắc thì thằng Viêm Dương giải thích:

– Khu khách sạn 5 sao là dành cho những bác sĩ mà lúc sống chưa từng nhận tiền đút lót của người nhà bệnh nhân!

– Vậy còn khu chuồng xí?

– Cái đó thì tự nghĩ đi! Còn phải hỏi nữa sao?

Thế rồi tôi lại thấy hai khu nhà khác, cũng một long lanh, lịch sự, như khách sạn 5 sao, và một cũng lụp xụp, rách nát như chuồng xí. Bên chuồng xí cũng đã chật kín người, còn bên 5 sao vẫn vắng hắt hiu. Không biết hai khu nhà này là để dành cho những đối tượng nào đây nhỉ? Tôi thắc mắc vậy thôi, chứ không dám hỏi thằng Viêm Dương, vì tôi biết nếu hỏi thì chưa chắc nó đã dám nói, vì sợ phiền phức. Vậy nên tôi đành tự tìm câu trả lời cho mình. Còn các bạn, cũng tự tìm cho mình câu trả lời đi nhé!

Cuối cùng thì tôi cũng tới được chỗ Diêm Vương. Xem trên tivi, thấy các đạo diễn thường xây dựng nhân vật Diêm Vương rất xấu xí, dữ tợn, nhưng giờ mới biết là mấy thằng đạo diễn ấy toàn làm liều, bởi Diêm Vương thật khá là đẹp trai, một vẻ đẹp rất khó diễn tả: ông ấy có chút gì thư sinh, baby như Long Nhật; thêm vẻ cổ quái, liêu trai của Tùng Dương; còn cả sự thánh thiện, hiền lương như Bao Chửng. Chỉ khác cái là Bao Chửng ở giữa trán có xăm cái hình trăng khuyết (biểu tượng cho sự thanh cao, liêm khiết), còn Diêm Vương thì lại xăm hình cái quan tài, dài dài, ở giữa hơi phình ra, nhìn như miếng Kotex, rất hài!

Diêm Vương yêu cầu tôi quỳ xuống, rồi cất giọng lạnh lùng:

– Người kia, lúc sống đã gây ra những tội lỗi gì, hãy thành thật khai báo!

– Dạ bẩm Diêm Vương! Con ở nhà thì vâng lời mẹ cha, đến trường vâng lời cô giáo, đi làm vâng lời sếp, ngày ngày ăn chay niệm phật, rèn cho tâm nhẹ tựa mây trên núi, hồn thanh cao như nước biển khơi, chả có tội lỗi gì đâu ạ!

Diêm Vương nghe vậy thì gật gù hài lòng, rồi hỏi tiếp:

– Ngươi có rượu chè không?

– Dạ không!

– Có lô đề, cờ bạc không?

– Dạ không!

– Có gái gú không?

– Dạ không!

– Đù! Đàn ông không cờ bạc, không rượu chè, không gái gú! Vậy sao ngươi không xuống đây cho sớm, ở trên đó làm cái quái gì không biết! Thôi, thả ngươi ra ngoài cho ngươi lang thang, làm ma tự do!

Vậy là thằng Viêm Dương lại dẫn tôi quay trở ra, và lại đi qua chỗ mấy cái cũi sắt với những kẻ gây tội đang bị trừng phạt. Tôi thật quá may mắn! Lát ra, gặp anh ma bướu cổ, tôi phải quỳ xuống mà tạ ơn anh ấy! Rồi tôi cười khinh mấy thằng đang ở trong cũi kia đã ngu si mà nhận tội. Tôi cười cả cái thằng Diêm Vương đần độn, tôi nói gì nó cũng tin luôn, chẳng buồn truy xét! Không hiểu sao một thằng dốt nát, kém cỏi như nó mà lại leo lên được cái chức to như thế, mà lại nắm trong tay quyền sinh quyền sát của bao nhiêu mạng người?

Tôi chợt nhìn thấy một cái cũi sắt nữa, trong ấy có rất nhiều những người đàn ông bị trói chân tay, nằm ngửa trên nền đất. Mỗi người đàn ông đều bị một con chó nhảy chồm chỗm trên bụng, dùng móng chân cào cào lên ngực, rồi mấy con chó ấy còn tè cả vào mặt của những gã đàn ông ấy. Tôi lại hỏi thằng Viêm Dương:

– Sao mấy gã kia lại bị hình phạt như vậy?

– Đó là những thằng lúc sống làm nghề trộm chó! Giờ chết đi, chúng phải bị chó hành hạ để trả giá cho tội lỗi chúng gây ra.

Đi thêm một đoạn, tôi lại thấy một cái cũi sắt khác, trong đó cũng có rất nhiều đàn ông bị trói chân tay, nằm ngửa trên nền đất. Mỗi người người đàn ông đều bị một cô gái trẻ mặc áo hai dây hở hang, váy ngắn cũn cỡn, ngồi đè lên bụng. Thi thoảng, các cô gái trẻ ấy lại nhảy cồ cồ như đang cưỡi ngựa, rồi áp chặt ngực vào mặt mấy người đàn ông đáng thương như muốn làm cho họ bị ghẹt thở. Tôi lại quay sang hỏi thằng Viêm Dương:

– Sao mấy gã kia lại bị hình phạt như vậy?

– Đó là những thằng lúc sống hay đi chơi cave, giờ chết đi, chúng sẽ bị cave chơi lại để trả giá cho tội lỗi chúng gây ra.

– Liệu tao có thể quay lại gặp Diêm Vương được không? – Tôi hỏi thằng Viêm Dương đen thui.

– Để làm gì?

– Tao muốn thú tội lại!

Vậy là thằng Viêm Dương dẫn tôi quay lại gặp Diêm Vương. Tất nhiên là cái thằng Diêm Vương ngu si ấy chấp nhận lời thú tội của tôi, và ra lệnh cho thằng Viêm Dương đưa tôi đi chịu hình phạt dành cho những thằng đã từng chơi cave. Tôi phấn khởi đi theo thằng Viêm Dương đen thui. Đến chỗ cái cũi sắt – nơi có những ả váy ngắn, áo hai dây đang ưỡn ẹo trên bụng những gã đang nằm dưới nền đất, tôi tưởng thằng Viêm Dương sẽ mở cửa tống tôi vào, những không, nó lại lôi tôi đi tiếp tới một căn phòng tối om, đầy mùi thuốc sát trùng và những tiếng la hét hoảng loạn. Tôi ngạc nhiên hỏi:

– Đưa tao tới đây làm gì? Sao không nhốt tao vào cái cũi sắt để cho mấy em cave ấy trừng phạt tao đi?

– Cái đó để lát nữa! Giờ vào phòng này trước đã!

– Vào phòng này làm gì?

– Quên chưa nói với mày, trước khi nhốt vào cũi sắt thì phải đi thiến trước! Đây là phòng thiến!

Tôi há hốc mồm đau điếng, tinh thần hoàn toàn suy sụp. Thằng Diêm Vương khốn nạn, nó chơi tôi rồi! Đang lê từng bước tuyệt vọng vào trong phòng thiến, chợt tôi nghe có tiếng ai đó gọi tôi. Quay lại, thì ra là anh ma bướu cổ. Không hiểu sao nhìn thấy anh ấy, nước mắt tôi cứ chảy ra nghẹn ngào...

– Anh ơi! Em xin lỗi! Xin lỗi vì đã không nghe lời anh!

– Không sao! Anh dặn thì dặn vậy thôi! Chứ anh biết là với hầu hết những thằng đàn ông, ở vào trường hợp đó, hoàn cảnh đó, đều không thể làm khác được. Khi ấy thì ngay cả đến lời hẹn thề với vợ con bọn chúng cũng quên béng, chứ nói gì là lời dặn dò của anh. Anh đã dặn gần 5 trăm thằng rồi, nhưng chưa thằng nào chịu nghe lời anh cả!

– Nhưng anh lại thoát được đó thôi? Anh được thả ra ngoài lang thang, làm ma tự do mà! Anh có bí quyết gì không?

– Bí quyết cái con khỉ! Là anh may mắn bị thọt dái lên cổ lúc chết thôi! Chứ nếu không thì giờ cũng thành ma thái giám rồi! Thôi, vào đi em! Vào sớm, ra sớm!

~~~~~~~~~~~***~~~~~~~~~~~  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro