Tuyển tập Vũ Trọng Phụng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Lấy vợ xấu.

Lấy vợ xấu

Vũ Trọng Phụng

Vì có "việc quan", bữa ấy tôi phải vào tòa xứ Hà Ðông. Tôi bước chân vào công đường lúc 9 giờ sáng, phải ngồi khoanh tay đợi trên một chiếc ghế dài mãi cho đến 11 giờ. Cụ phán buồng giấy ấy, theo những thông lệ thiêng liêng của nước Việt Nam cố hữu, đã tiếp tôi bằng sự nhăn nhó, sự gắt gỏng, để mà, sau cùng, bảo tôi đến chiều thì quay trở lại để cụ tiếp một lần nữa. Tôi đã vâng vâng dạ dạ như một người công dân hiểu rõ cái quyền hạn vô hạn của một quan phán đầu tòa là thế nào.

Khi ra khỏi vườn hoa của tòa sứ, tôi phải đành đi tìm một hàng cao lâu. Và, tại đó, tôi đã tình cờ được gặp anh Doãn, một người bạn đồng học cũ ở lớp nhất một trường sơ học.

Anh ta có bộ âu phục rất chải chuốt. Xưa kia, lúc còn cắp sách, anh ta cũng đã có tính làm đỏm như một cô con gái, và mãi cho đến bây giờ, tính ấy cũng không thay đổi, sau một chặng đường mà anh ta đã đi trong mười năm. Cái cổ áo không xộc xệch một tị, đôi mũi giầy không có một hạt bụi, cái ca vát rất hợp thời trang, với cái khuy áo cài vào tử tế, đủ tỏ rằng anh thận trọng y phục lắm. Chính anh Doãn nhận được ra tôi là ai, và đã đến bên bàn tôi, giơ tay ra, kính cẩn như người ta muốn hỏi chuyện một khách lạ chưa quen biết một lần nào.

- Thưa ông, ông chắc còn nhớ tôi, tôi là Doãn, trường Sinh Từ...

- à à! Anh Doãn! Vẽ chuyện lắm! Việc gì còn xưng hô kiểu cách...

Mới có đến đấy, một người đàn bà to lớn đã bước vào, ngơ ngác đứng sau lưng anh. Doãn bèn quay lại, giới thiệu tôi là bạn; giới thiệu người đàn bà là vợ. Sau khi kéo ghế ngồi rồi, vợ anh Doãn gọi ngay một ấm chè Long Tỉnh, thạo đời như một người đàn ông "cơm hàng cháo chợ, vợ cô đầu". Tôi nhìn người đàn bà ấy, thấy đó là một sự trái ngược với người bạn cũ. Thật vậy, đó không phải là một cặp vợ chồng tốt đôi. Tức thì tôi nhớ lại tất cả những đức tính buổi xưa của Doãn.

Anh ta vốn thông minh, lại rất có óc mỹ thuật. Không kể về y phục của Doãn xưa kia đã được cả trường khen là sang trọng, ngay đến một cái bút chì, một hộp thuốc vẽ của anh, cũng đều là những đồ dùng đắt tiền và lọc lõi vô cùng. Ngoài cái chức là một thiếu niên sành sỏi, Doãn hồi ấy lại còn được chúng tôi gọi là một chàng Don Juan. Thật thế, anh có tài ngôn ngữ, có tài văn chương, nên chim gái rất thạo. Những thiếu nữ si mê anh phần nhiều là những gái đẹp có tiếng, vì cô nào không là hoa khôi thì anh ta không thèm bắt chim! Anh đã thường khoe chúng tôi những giấy viết thư tình của anh với những cái phong bì kiểu cách, đáng bảy xu một chiếc. Trong những lúc ấy, trước sự kính phục ghê gớm của chúng bạn, anh Doãn thường đứng ưỡn ngực, chỗ cái xe đạp Peugeot grand luxe khác của anh mà rằng: "Chúng mày xem! Phi hơn người thì thôi, tao không thèm chơi".

Bây giờ thấy anh ngồi với một người vợ không có "mỹ thuật" chút nào cả, lại thấy cái tính cầu kỳ của anh vẫn không thay đổi, tôi chợt nhớ ngay đến câu phương ngôn: "Sướng lắm thì khổ nhiều". Ðó là một sự nhãn tiền quả báo.

Vợ anh, thật vậy, là một người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp giai. Hai con mắt nhỏ, đôi gò má cao, cặp môi phàm phũ, dáng người thô tục, những ngón tay tròn và dài như những quả chuối ngự. Như vậy mà lại đi ăn mặc tân thời! Răng trắng nữa, trời ạ! Cái áo dài lượt thượt mầu xanh, cái quần nhiễu trắng trai lơ, đôi giầy cao gót có quai kiểu gái nhảy, với mẩu khăn vành dây, ngần ấy thứ lại càng làm lộ cái mỹ miều của sự thô tục, lại càng làm tăng cái choáng lộn của sự kệch cỡm. Ðã thế, trong khi chuyện trò, thỉnh thoảng lại chêm vào một vài câu tiếng tây, ra ý khoe khoang mình vốn là nữ học sinh. Tôi bỗng có cái cảm tưởng man mác rằng người đàn bà này, những lúc nhà vắng, hẳn đã huýt còi như một ông lính tây say rượu, hoặc là đã hát ầm ĩ bài J ai deux amours, bài Les gars de la marine... vân vân.

Tôi không ngạc nhiên ở chỗ anh Doãn lấy vợ xấu. ở đời, tôi đã từng thấy cái câu "thánh nhân hay đãi khù khờ" hiện ra nhiều sự thực và càng những thằng "thiên tinh địa quỷ" như Doãn mới lại càng... chết; anh ta muốn chừng như cũng đoán nổi cái ý nghĩ kín đáo ấy trong lòng tôi.

Trong khi còn nói những chuyện nắng mưa theo khách sáo, chưa kịp gọi món ăn nào cả, vợ anh Doãn đã làm ngay một câu:

- Thôi, tôi đói lắm, cho tôi xin bát mì, rồi tôi còn đi đằng này! Hai ông xơi rượu thì cứ việc mà kề cà...

- Vâng, xin mời bác cứ tự nhiên cho tiện công việc.

Thế rồi người đàn bà ấy ăn uống nhồm nhoàm, và ho, và ợ nữa, như một người đàn ông bình dân xứng đáng. Lúc ăn xong bát mì, người đàn bà cầm hai cái đũa quệt ngang cặp môi như một bà lão nhà quê!

Sau khi vợ anh ra phố mua bán, Doãn bèn hỏi tôi:

- Chắc anh rất ngạc nhiên khi thấy một người như tôi mà lại đi lấy một người vợ như thế ấy?

Tôi vội vàng ngừng đũa, làm ra vẻ ngạc nhiên:

- Sao? Sao anh lại hỏi tôi thế nhỉ?

Có lẽ sự vờ vĩnh của tôi không được tự nhiên mấy nên anh Doãn mỉm cười mà rằng:

- Chà! Cái thằng mới sính đóng kịch làm sao! Thôi, trong chỗ chúng ta, tôi cho phép anh cứ việc nói thẳng những điều anh nghĩ.

Tôi bèn nói:

- Vợ chồng là duyên số. ở đời này không phải hễ mình muốn thì là được và không muốn thì là thoát.

Doãn gật đầu:

- Thật thế. Và, tôi xin kể vì lẽ gì mà tôi lại lấy nhà tôi.

Tôi giơ tay ngăn lại:

- Khoan đã! Thế anh có yêu vợ anh không? Vợ chồng anh có được hưởng hạnh phúc không? Nếu không, xin đừng kể chuyện.

- Có chứ! Chúng tôi yêu nhau và hưởng hạnh phúc cũng như những cặp vợ chồng chẳng biết hạnh phúc và ái tình là cái gì.

Từ đây trở đi là lời anh Doãn:

- "Trên một chuyến tàu từ Lào Cai về Hà Nội, cách đây hai năm... Cũng như số đông thiếu niên, mỗi khi đi xe lửa, tôi dạo một lượt từ toa đầu đến toa cuối cùng với cái hy vọng trông thấy một mỹ nhân để mình bắt chuyện làm quen, ngỡ hầu quên được cái vô vị của mấy trăm cây số phong cảnh với những tiếng bánh xe xình xịch nghiến trên đường sắt nó khiến ta mệt mỏi vô cùng, buồn ngủ vô cùng. Cả chuyến hỏa xa ấy, than ôi, chỉ có một người đàn bà là đẹp nhưng mà lại có chồng cùng đi theo. Còn thì phần nhiều là dân quê cả.

Tôi chán nản kiếm một chỗ rộng rãi, rồi thấy... nhà tôi trước mặt tôi. Hồi ấy, người đàn bà ấy còn ăn mặc lối cổ: khăn nhung, giầy láng kiểu mõm nhái, có đuôi gà, và có ba trăm hột vàng ở cổ. Cái "nhan sắc" của người ấy thì như anh vừa trông thấy đó, ta chẳng rườm lời mà làm gì. Tôi nghĩ đến đám phụ nữ có nhan sắc, được đời kính trọng... Tôi đã bảo tôi: "Tạo hóa thật là bất công. Những người xấu như thế này, hẳn sẽ không bao giờ được hưởng ái tình. Xưa nay ta yêu người đẹp đã nhiều để mà nhận thấy rằng sự yêu đương của họ cũng nhiều khi vô vị lắm. Âu là ta thử yêu một người xấu xí xem ra làm sao!" Thế là tôi đến ngồi bên cạnh người ấy, lân la hỏi chuyện.

Sau nửa tiếng đồng hồ, tôi được biết rằng đó là con gái một nhà buôn bán khá giầu ở Lào Cai. Cô ả có việc về Hà Nội chừng độ một tuần lễ, và khi về Hà thành, sẽ đến ở nhà một người trong họ. Như thế, nếu chúng tôi muốn có một cuộc giăng hoa, cô ả rất có đủ thời gian! Và tôi lại nhận thấy ở người đàn bà này một sự thông minh, một sự từng trải, nhiều duyên thầm, mà tôi chưa từng thấy ở những phụ nữ có nhan sắc. Ðó không phải là điều quái lạ. Người con gái đẹp chỉ trông thấy chung quanh mình những kẻ nịnh hót mà thôi. Vì anh nào cũng hiếu sắc nên bọn đàn ông chúng ta thường thấy những đức tính ở bọn gái đẹp mà chính họ không có. Cho nên chúng ta hết sức chiều đãi họ, nâng niu họ, khiến họ chẳng phải chịu khó nhọc mảy may trong mọi cuộc phấn đấu với đời, thành ra người đàn bà đẹp dễ trở nên quá đỗi kiêu ngạo, tưởng mình không có điều gì khuyết điểm nữa; do đó, những cái xấu, những cái khó chịu, mà chúng ta thấy ở những mỹ nhân, những khi ta thấy chán yêu. Trái lại, người đàn bà xấu bao giờ cũng giữ gìn và cư xử thế nào để cho một khi người đàn ông nào đã đem lòng yêu mình thì không thể nào chán được mình nữa. Vợ tôi chính thuộc vào hạng đàn bà xấu ấy. Cho nên, về sau, tôi được hưởng của vợ tôi những sự săn sóc mà tôi đã phải đem cung cho bọn gái đẹp, những khi tôi yêu... Xưa kia tôi đã thấy cái thú vị trong sự nâng niu đàn bà thì, bây giờ, được đàn bà nâng niu, tôi càng thấy nhiều thú vị hơn nữa.

"Hôm ấy, về đến Hà thành, chúng tôi đã cùng nhau ăn một bữa cơm ở một khách sạn, điều ấy dĩ nhiên! Rồi chúng tôi lại vào một căn phòng trọ nữa, than ôi, điều ấy cũng lại dĩ nhiên! Và, khi thấy người đàn bà ấy đã dâng cái tân tiết cho tôi, tôi cảm động lắm. Tôi đã hôn đi hôn lại vào cái mặt xấu xí ấy mấy lần, với một vài ngấn lệ ở mặt tôi. Và sự xúc cảm mạnh ấy không đủ ngăn chúng tôi yêu nhau hai ngày liền nữa.

"Lúc đầu, tôi không hứa si tình cũng như không hứa hôn sự. Cô ả đã yêu tôi trong một cơn rạo rực của xác thịt, cũng như tôi, tôi đã yêu cô ta sau một phút điên dại, vô lý của linh hồn. Cho nên, trước khi chia tay nhau, tôi hỏi: "Này em, nếu rồi em... có mang thì làm thế nào?" Tôi đã có thể hỏi một câu sống sượng như thế như hỏi một ả giang hồ, hay một "chị em" dễ dãi, vì sự thực, một người xấu, chẳng khi nào được hưởng cái ái tình thành thực của tôi. Nghe thấy thế, cô ả bỗng tái xám cả mặt. Thì ra cô ả không hề nghĩ đến sự có mang! Nhớ ra thì quá muộn! Cái ấy không lạ gì: thời buổi nào cũng có hàng mấy triệu phụ nữ quên rằng có thể có mang được, sau khi đã phó thác thân thể mình cho một anh đàn ông.

"Những giọt nước mắt bắt đầu chảy ra. Cô ta bưng mặt khóc, khóc, và khóc... Sau cùng, chỉ biết thổn thức nói: "Nếu thế thì... họ hàng sỉ vả, bố mẹ đuổi khỏi nhà, rồi nhục nhã, rồi khổ, phải, rồi khổ!" Thì ra cô nàng nhũn nhặn đến bực không dám có hy vọng lấy tôi nữa, và cũng không dám thử hỏi một câu để có được một hy vọng bâng quơ nguy hiểm ấy nữa. Cô biết mình xấu xí, không đáng lấy một người như tôi, và không dám cả nghĩ đến sự đòi bồi thường sau cái thiệt hại do tôi gây ra. Dễ thường cô ả coi cái phút ngứa ngáy xác thịt của tôi như là một thứ đặc ân cho mình nữa. Tôi lại hỏi: "Sao lại tin tôi đến như thế? Tôi đã là đứa không ra gì, cô cũng lại hư đốn nữa!". Cô ả thở dài, đáp: "Nếu không yêu anh thì thôi chứ cả một đời em, chắc rồi cũng chẳng ai thèm yêu đến thứ em. Thôi thì thà rằng sẽ phải khổ một đời vì đã quá yêu một phút!". Tôi đã cảm động về sự thành thực ấy một cách rất sâu xa như là chưa bao giờ tôi cảm động đến thế.

"Cuộc ái ân chốc lát ấy, rồi sau tôi cũng quên đi, và chỉ thỉnh thoảng nó mới lại đến ám ảnh tôi như một chút ký ức nhỏ mọn trong một giây phút mà thôi. Tôi tưởng không bao giờ còn gặp cô gái Lào Cai ấy nữa.

"Năm tháng sau, một hôm tôi nhận được một phong thư như thế này: "Thưa ông, tôi chờ ông ở hiệu cao lâu Ðông Hưng, vào khoảng 11 giờ ngày 20. Tính mệnh tôi ở trong tay ông, xin ông bỏ chút thời giờ quý hóa đến cùng một kẻ khốn khổ". Tôi ngạc nhiên lắm, vì tôi không nhớ đến cô gái Lào Cai nữa. Nhất là cách xưng hô ông tôi lại làm cho tôi tưởng người viết thư là đàn ông. Tôi rùng mình, nhớ đến những ông bạn cũ nghiện hút muốn làm tiền mình. Rồi tôi đến chỗ hẹn.

"Ðó là cô gái Lào Cai!

"Cô nàng lúc ấy đã có một cái bụng to một cách đáng kính trọng lắm. Chúng tôi vào ngồi trong quầy. Cô ả chỉ dám gọi tôi là ông chứ không dám xưng hô anh em, như hồi xưa".

"Cô ta nước mắt chan hòa, nói ấp úng trong khi tôi ngồi thản nhiên cắn hạt dưa. Cô ta vẫn nhũn như trước, vẫn sợ hãi tôi như trước, vẫn ôm một mối tình vô hy vọng như trước: "Thưa ông, nếu ông là người đại lượng thì ông nên cứu sống lấy tôi, vì đứa con bé trong bụng này chính là con ông... Nếu không tôi phải tự tử, đứa bé phải chết, vì bố mẹ tôi đã biết, họ hàng tôi sắp biết, mà nếu họ hàng biết thì tôi không sống được nữa, vì bố mẹ tôi nghiêm lắm! Xin ông làm phúc cứu lấy một người khốn khổ nhất đời! Làm lẽ thứ mười, tôi cũng xin vâng, miễn là họ hàng nhà tôi được nhận trầu cau của ông! Vả lại tôi cũng không đến nỗi ăn hại ông...".

"Tôi xua tay, chán nản. Tôi nghĩ: Hạng gái hư hỏng ấy thì mình lấy sao được! Nó ngủ được với mình thì nó sẽ cũng ngủ được với thằng khác! Mình không làm nó chửa hoang thì thiên hạ cũng sẽ làm cho nó chửa hoang! Thế thôi!

"Nhưng đứa bé trong bụng... con tôi! Cứ như sự kêu khóc ấy, cứ như lòng thành thực ấy, người đàn bà này mà nói đến sự tự tử đó chẳng là lời dọa nạt! Do thế, tôi nghĩ lại... Nếu ai cũng lý luận như tôi thì trong đời chẳng còn ai lấy nhau vì tình, chẳng làm gì có những cuộc tiền dâm hậu thú nữa, bởi có kẻ bạc tình nào cũng đã lý luận y như tôi! Phải chăng người đàn bà nào đã quá tin một anh đàn ông không thể khác được! Trong một phút mà linh trí tôi sáng suốt khác thường, tôi đã thấy mình hèn mạt, ích kỷ, khốn nạn! Tuy nhiên, tôi còn thử thách: "Có chắc rằng đứa bé ấy chính là con tôi không?" Ðến đây, cô ả nức nở, buông xuôi hai tay, hoàn toàn thất vọng: "Giời ơi, nếu ông hỏi thế thì thôi, tôi chỉ còn có một cách là tự tử!". Cái thành thực ấy khiến tôi không còn phải nghi ngờ lôi thôi.

"Tôi còn hỏi vặn nhiều câu, nhưng lần nào, cô ả dại dột ấy cũng chỉ tỏ ra là người thành thực cực điểm.

"Ấy thế là... một người cầu kỳ, khó tính như tôi, đã cam đoan rằng nếu không lấy được cô gái đẹp nhất Hà thành thì xin thề là sẽ không lấy vợ, mà tôi, sau cùng đi lấy phải cô gái xấu xí nhất Bắc kỳ!"

Câu chuyện nói xong thì bữa rượu cũng vừa tàn. Chúng tôi bước ra, tôi để đi đến tòa xứ Hà Ðông, Doãn để đi đến nhà ông cậu vợ mà vợ anh chờ anh tại đó.

Tôi an ủi:

- Thôi, đó cũng là duyên số, không cần thiết phải lấy vợ đẹp, chỉ cần có nhân ngãi đẹp. Vả lại, như anh đã nói, đáng lẽ anh phải nâng niu vợ thì mới thấy thú vị, thì bây giờ anh lại được thấy cái thú vị ở chỗ vợ anh nâng niu anh. Thế cũng đủ là hạnh phúc.

Nhưng anh Doãn bĩu mồm:

- Bẩm không ạ! Thưa ông, nó chỉ chiều đãi tôi có mấy tháng đầu mà thôi. Bây giờ, có con với nhau rồi, vợ tôi chẳng cần gì nữa. Nó đã bắt đầu nặng lời với tôi, nghe chị em ăn mặc rất lố lăng, và ghen lắm, ồ! Ghen lắm, hễ tôi đi chơi khuya là thế nào cũng đập phá đồ đạc chạy ra đường kêu cứu "ông bà hàng phố", ăn ở rõ ra một vị đức phụ chính thất có nhiều quyền và biết tự trọng!

2.

Cái ghen đàn ông

Vũ Trọng Phụng

Chờ cho người ấy trổ tài hùng biện đã chán chê đi rồi, Giao Đài mới bỏ tờ tạp chí xuống bàn và nói:

- Không, người ta chẳng nên thật thà, nhất là khi người ta yêu nhau.

Tuy rằng chẳng ai lại hoàn toàn thật thà với ai bao giờ, điều ấy thì ai cũng thừa biết, vậy mà người nào cũng cứ ao ước sẽ có kẻ thật thà với mình thì có lạ không. Khôi hài nhất là khi ta thấy ai có vẻ hơi thật thà với ta, chỉ hơi hơi thôi, ta cũng lấy làm sung sướng lắm! Những kẻ đương lăn lóc trong tình trường cũng vẫn có cái ảo tưởng là đôi bên hoàn toàn thật thà với nhau... tựa hồ sự thực làm cho ta sung sướng như ta trúng số độc đắc! Này, các anh, thôi đừng ai nên để cái lòng thật thà của người ta yêu đi kèm với hạnh phúc! Nó tai hại lắm. Nó chỉ phá hoại chớ chẳng kiến thiết bao giờ.

Nghe đến đây, Lê Văn Thư, một người lúc nào cũng lạc quan, bèn nổi giận mà rằng:

- Chà! Một người đàn bà như Giao Đài mà lại để ở miệng thốt ra những lời lẽ đáng buồn đến như thế nữa ư? Này, chị Giao Đài, coi chừng kẻo mà chị sẽ trở nên một thứ quái vật!

Giao Đài chỉ cười nhạt, lại khoan thai nói thêm:

- Nghĩa là cũng như mọi người, phải không, các anh? Người ta ai không là một thứ quái vật?

Không để ý, Lê Văn Thư lại sốt sắng tiếp:

- Chết nỗi! Nếu lại không có sự thật thà cứu vớt thì nhân loại còn có gì nữa! Thì làm gì có những ái tình, làm gì có cái tình bằng hữu, làm gì có những tính tình tốt đẹp và những dây liên lạc mà người ta bảo là thiêng liêng! Mà làm gì còn có hạnh phúc nữa!

Giao Đài lại cười rộ, coi anh Thư như một đứa trẻ ngây thơ. Rồi nói:

- Coi chừng đó, anh ạ. Yêu nhau là một việc mà thật thà với nhau lại là một việc khác.

Một người bèn hỏi:

- Vậy thì khi đã yêu nhau, người ta có nên thật thà với nhau không?

Giao Đài chẳng cần nghĩ đáp ngay:

- Không! Không! Chẳng bao giờ, và chẳng nên một tí nào!

Sau cùng, Giao Đài khoan thai kể lại câu chuyện dưới đây để dẫn chứng cho cái thuyết ấy.

+

+ +

Các anh, các chị đây hẳn còn nhớ vợ chồng anh giáo Hiển đấy chứ? Chị ấy vì hậu sản mà thiệt phận năm ngoái ấy mà! ấy đó, một người đàn bà đáng quý và đáng thương. Kẻ ngoại cuộc là các anh, các chị, ngồi đây hẳn phải tưởng cặp vợ chồng ấy sung sướng cực điểm. Thưa không ạ! Anh Hiển, chi Hiển là hai kẻ đau khổ nhất đời. Lúc buông tay nhắm mắt, chị ấy còn phải đem theo xuống suối vàng một thứ mà ta quen gọi là "hận nghìn thu". Lúc khâm liệm cho vợ, anh giáo Hiển cũng vẫn còn là kẻ không chút đỉnh lương tâm nào nữa!

Chỉ tại sự thật thà!

Tôi sở dĩ được rõ mọi điều vì chị Hiển coi tôi là bạn thân hơn hết. Những chuyện gia đình, những điều tâm sự, những cái éo le, khuất khúc mà không ai dám nói với một người thứ hai nào nữa, thì chị Hiển đã có kể lể cả với tôi. Việc đôi lứa ấy vì ái tình mà lấy nhau, rồi ăn ở với nhau vẻ bề ngoài ra làm sao, chẳng cần nói, các anh, các chị cũng thừa rõ...

Sau ngày cưới được năm hôm, chị Hiển đã đến chơi với tôi.

Cứ như những lời chị nói, cứ trông những cử chỉ của chị, cũng đủ hiểu chị bằng lòng cuộc trăm năm đến có thể hoá điên vì sung sướng. Chồng chị là người quân tử, có nhiều đức tính, lại yêu quý vợ nồng nàn hơn ai. Nếu cứ theo nhịp ấy mà đi, thì giữa cái loài người khốn khổ này, anh Hiển, chị Hiển, là một cặp vợ chồng tiên.

Mấy hôm sau nữa, khi lại thăm bạn vào lúc anh Hiển vắng nhà, tôi thấy chị ấy có cái vẻ mặt của người hối hận vì đã trót làm điều gì tai hại mà không còn phương gì cứu chữa nổi nữa. Mà quả vậy! Luôn mấy năm sau trong cặp mắt ngây thơ vốn đầy những ánh sáng của chị, tôi thấy hình như có một thứ bóng tối nó ám ảnh, nó làm thần thái của chị Hiển lu mờ như mặt trời bị lấp bóng mây. Chị đã kể lể:

- Chị Đài ơi! Có lẽ từ nay mà đi, tôi đành cam phận là người đàn bà khổ sở nhất đời rồi! Tôi đã nhỡ tay để hạnh phúc của tôi vỡ ra làm trăm nghìn mảnh. Từ nay mà đi, tôi không còn dám màng tưởng đến những ngày mà tôi đã thấy cuộc đời là có nghĩa lý là đáng sống như những ngày mới bước chân về nhà chồng nữa. Thôi, thế là xong!

Nói thế rồi, chị Hiển buông xuôi hai bàn tay như người thất vọng trước những mảnh vụn của một cái lọ quý giá mà mình đã vô ý đánh vỡ vậy. Chỉ một cử chỉ ấy cũng đủ khiến tôi xúc động lắm, và đủ đoán nổi cái hệ trọng của việc đã xảy ra. Tôi vội đứng lên, ra khép chặt cửa phòng rồi quay vào nghe chuyện.

- Chị ạ, mấy ngày tân hôn, nhà tôi không nói những lời nào khác những lời của một kẻ si tình, say mê, yêu quý tôi. Nhà tôi đã có những lời lẽ ngây ngô vô cùng, những lời mà tôi tưởng không ai biết nói như thế... Tôi đã sung sướng bao nhiêu, bây giờ lại hối hận bấy nhiêu. Là vì đêm vừa qua, khi lên giường chung gối chung chăn, không hiểu bởi những duyên cớ khốc hại gì, bởi thứ ma quỷ độc địa nào nó xui giục, mà nhà tôi lại chợt hỏi: - Anh hỏi thế này em đừng cho là lẩn thẩn nhé? Trước khi biết anh, em có hề yêu một người nào không?

Tôi ngạc nhiên thì ít, mà nổi giận thì nhiều. Bèn làm bộ bình tĩnh hỏi lại:

- Sao anh lại hỏi thế nhỉ?

Chồng tôi vội vàng cắt nghĩa:

- Không! Anh hỏi thế không có gì là can hệ! Nếu em ngạc nhiên là vì em chưa hiểu rõ nghĩa chữ yêu mà anh muốn nói. Yêu đây chẳng phải là thư từ, đi lại, rồi làm những điều mà đức hạnh phải kết tội đâu. Yêu đây có nghĩa trong sạch hơn, bi đát hơn, có thi vị hơn, vì yêu đây là ngưỡng mộ, là kính trọng, là yêu vụng, giấu thầm, là "để ý", là vắng mặt thì khao khát mà gặp mặt thì không dám ngỏ bầu tâm sự... Nói nôm na thì yêu đây nghĩa là có ý muốn người ta hỏi mình làm vợ.

Ngừng một lát, chồng em lại tươi cười mà tiếp:

- Không can hệ, thật thế! Cũng như anh chẳng hạn... Trước khi biết em và lấy được em, anh đã yêu không biết bao nhiêu người đàn bà, yêu theo cái nghĩa đã nói trên. ừ, thế đi nữa thì có sao đâu! Việc gì có thành sự thực hiển nhiên thì mới đáng kể, và nếu anh nói thế, chính là vì đối với em anh muốn xử sự đặc biệt, nghĩa là cho em được hưởng cái lòng thật thà, có một không hai của bọn đàn ông phần nhiều ích kỷ, gian ngoan.

Ngây ngô em hỏi lại:

- Sao bỗng dưng anh lại thật thà như thế?

- Là vì anh đoán anh biết. Anh hiểu rằng nhiều khi em thấy trong óc thoáng qua cái ý tò mò muốn biết ấy cũng như đại đa số phụ nữ đối với chồng. Nếu em chưa hỏi là vì chưa tiện dịp, và thế nào rồi cũng có phen em muốn thử hỏi thế một câu chơi. Đã thế thì liệu rồi anh có giấu được em không? Giấu sao được, em tin sao được. Chẳng khi nào một người đàn ông ngoài ba mươi tuổi mà trước khi lấy vợ lại chẳng hề "để ý" đến một người đàn bà nào khác bao giờ! Nếu quả trên đời này có hạng đàn ông ấy thật, đó phải là một hạng kỳ dị!

Em ngây mặt ra nghĩ, càng nghĩ càng thấy chồng nói đúng sự thật lắm.

Chợt chồng em lại nói:

- Thí dụ như em chẳng hạn... năm nay em đã 24 tuổi rồi. Vậy mà ái tình đến với người thiếu nữ rất sớm. "Nữ thập tam nam thập lục" thật đúng như lời cổ nhân. Tạo hóa đã an bài ra thế, không một người con gái nào lại vượt qua được cái công lệ ấy. Vậy thì vào tuổi dậy thì, người ta phải mơ mộng, phải khao khát lòng yêu, phải để ý đến đàn ông. Anh nói chuyện đây là dựa vào khoa học chứ không nói hồ đồ, vu vơ gì. Đã thế thì không thể nào em lại không hề để ý đến một người đàn ông nào, trước khi là vợ anh, trong cái thời hạn từ mười tám đến hai mươi tư tuổi. Vì rằng không phải ở đời này chỉ có một anh là người đàn ông đáng yêu thôi, có phải thế không?

Trước những lý luận đanh thép của một người có khối óc tỉ mỉ sáng suốt như thế, tôi biết là chối cãi thì không được, biết chối cãi thế nào? Có ai lại đủ nghĩa lý để chối cãi một chân lý hay không?

Vả chăng, chồng tôi đã bảo là "không can hệ". Mà muốn yêu chồng một cách hoàn toàn, tôi tưởng không còn cách nào khác là đem lòng thật thà của mình mà dâng lên.

Chỉ nghĩ được có thế, tôi chẳng ngại đáp:

- Anh nói đúng đấy. Năm mười bảy tuổi, em cũng đã có yêu một người, yêu theo những cái nghĩa anh đã phân giải lúc nãy. Không biết người ấy có để ý đến em không! Người ấy không hề hỏi em làm vợ, và giá có chắc hẳn cũng không được nào. Bây giờ thì người ấy cũng đã lấy vợ, cũng đã có con...

- Thế rồi sao nữa?

- Thế rồi... chả có gì nữa.

- Sau người ấy thì không để ý đến ai khác nữa?

Em thật thà cả cười:

- Thì đến anh, và lấy được anh, thế thôi.

Nhà em ngẫm nghĩ một lát, phê bình:

- Thế nghĩa là em đã yêu người ấy lắm, yêu lắm. Đến nỗi phải chán đời cho đến lúc lấy chồng, nghĩa là trong bảy năm không còn sức để ý đến một ai nữa, nếu không có anh.

Tôi không đáp. Chồng tôi thở dài, khiến tôi phải hỏi:

- Anh vì thế mà buồn đấy à? Sao anh ác thế? Sao anh lại bắt em phải thật thà với anh để rồi làm em phải đau đớn?

Nhưng nhà tôi đứng lên, thản nhiên:

- Việc gì mà buồn! Có người đàn bà nào mãi cho đến lúc lấy chồng mà cũng còn nguyên cái trinh tiết tinh thần bao giờ! Tôi chỉ cần sau khi lấy tôi rồi thì vợ tôi không tư tưởng đến ai nữa. Thế thôi!

Rồi chúng tôi nói những chuyện khác, mãi cho đến lúc cả hai cùng ngủ. Nhưng mà, ba giờ đêm, chợt thức dậy, tôi thấy nhà tôi, chị ạ, nhà tôi ngồi ở bàn, hai tay bịt lấy thái dương. Tôi vùng dậy, hỏi một cách run sợ:

- Anh? Anh nghĩ ngợi đấy à?

Tôi muốn thà nhà tôi nói nặng còn hơn chỉ thản nhiên đáp một cách độc địa thế này:

- Có thế!

Lúc ấy tôi bực lắm. Bao nhiêu nỗi phẫn uất của giống đàn bà đã mấy nghìn năm bị áp chế, bị bó buộc vào vòng nô lệ của giống đàn ông ích kỷ hình như dồn cả vào óc tôi. Tôi bèn nói:

- Thế tại ai gây ra chuyện ấy? Anh đã thật thà với em thì em cũng phải thật thà với anh. Anh nghĩ xem, em chối có nổi không? Vả lại như ai đã nói, điều ấy cũng chẳng can hệ gì.

Chồng tôi rền rĩ:

- Không! Chẳng can hệ gì cả!

ấy cái ghen của đàn ông là như thế đấy. Họ tò mò, họ bắt mình cung khai sự thật, để họ phải đau khổ, và làm mình cũng đau khổ. Họ có hàng trăm cô nhân tình, họ ngủ với hàng nghìn con đĩ thì không sao. Vợ họ mà để ý một người nào trước khi biết họ, thế cũng đủ họ muốn tự tử. Chồng tôi lại đứng lên, đau đớn nói:

- Bây giờ thì tôi đã rõ sự thật, đã rõ rằng cái hạnh phúc của tôi không hoàn toàn, và chỉ có giới hạn mà thôi.

Tức thì tôi hiểu ngay rằng thế là xong, vợ chồng mà đã thế thì không thể nào có hạnh phúc được nữa. Tôi bưng mặt ngồi khóc như đứa trẻ không có tội mà bị cha mẹ đánh mắng, chị có biết trong bao lâu không? Ngót một tiếng đồng hồ! Tuy rằng không ai to tiếng với ai, song đêm ấy quả thật có một tấn kịch vô cùng thảm đạm. Sau cùng thì chồng tôi đứng lên, ra vuốt ve tôi.

- Thôi, nín đi, em ạ. Anh xin lỗi em. Anh sẽ quên đi, và anh cam đoan là sẽ quên được. Thật ra, trong việc này, em chẳng có một phần lỗi mọn nào.

Tôi đã phải tìm nhiều lời lẽ an ủi chị Hiển, và tôi đã cầm tay chị lôi lên miệng tôi mà hôn một cách đau thương như hôn một người yêu trong một cảnh ngộ xót xa.

Năm sau, vì có giấy bổ tôi đi Thái Nguyên, tôi không được cùng anh giáo Hiển dạy một trường, và do thế, phải cách biệt chị Hiển. Thỉnh thoảng lắm mới lại có một lá thư trao đổi tin tức cho nhau. Không bao giờ quên những tâm sự của mình, có khi chị Hiển gửi tôi những lá thư dài sáu trang, tám trang, và tôi đã phải nhiều phen tùy chuyện kể trong thư mà hoặc vui hoặc buồn cho bạn.

Một lần tôi rất vui vẻ vì chị Hiển báo tin rằng đã tìm thấy cái hạnh phúc tưởng đã mất tích. Lời lẽ trong thư đại khái rằng:

- "Chị Giao Đài ơi, em hồi hộp báo tin mừng rằng có lẽ chồng em đã không còn muốn làm một người vô nghĩa lý nữa. Nhà em đã biết nói đại khái như thế này: "Theo ý tôi, một cuộc tình duyên hoàn toàn tốt đẹp phải là: Hai người, trước khi yêu nhau đều chưa để ý đến người thứ ba hay là người thứ tư nào cả, và sau khi đã ăn đời ở kiếp với nhau rồi, tất nhiên cũng phải giữ chung tình như trước, nghĩa là vợ cũng như chồng không ai được có một phút điên rồ, mặc dầu là chỉ trong một phút, ngoại tình bằng tinh thần. Như thế cho đến lúc chết.

Vì lẽ người đời không ai lại vợ chồng cùng chết cả một lúc, tất nhiên phải còn lại một người góa vợ hoặc một người góa chồng. Vậy thì các người sống lại ấy cũng không bao giờ mơ tưởng đến một người thứ ba. Mãi cho đến lúc chết nốt! ấy đó. Nhưng mà trên thế gian này, làm gì có cuộc tình duyên nào lại duy nhất, lại tự nó chịu những sự kiềm chế như thế được. Vậy ta có thể kết luận rằng không có cuộc tình duyên nào lại hoàn toàn cũng như không ai được hưởng cái "không thể có được" thì chỉ là điên.

Nói thế rồi, chồng em kết luận rằng không quan tâm đến cái điều của em mà xưa kia chàng coi như một cái tội lỗi. Em sung sướng vô cùng".

Tôi để ý đến cách phân tích nghĩa lý cuộc "tình duyên hoàn toàn" của anh giáo Hiển thì nhiều, và mừng cho người bạn gái thì ít. Nhân một dịp nghỉ, tôi về, đến chơi người bạn đồng nghiệp hiếu sự và điên ấy, thấy hai vợ chồng đều vui tươi như hai cái hoa. Tôi đã toan đem cái ghen của anh Hiển ra làm đầu đề câu chuyện mà chỉ vì sợ nhắc lại chuyện cũ thì không tốt cho vợ chồng người ta lúc đương yên lành, nên lại thôi.

ấy thế mà một tháng về sau, tôi lại nhận được một bức thư của bạn trong đó bạn khóc lóc rầm rĩ, lại khổ sở đau đớn. Rõ sốt ruột làm sao! Thật là chuyện trẻ con! Anh Hiển nhất định buồn rầu, vì cho rằng chỉ có sự trinh tiết của tinh thần mới là đáng quý, và, chị Hiển đã yêu một người khác trước khi lấy anh ấy, thế là đủ không còn trinh tiết nữa rồi, và anh ấy tất phải khổ sở! Chị Hiển viết dưới cuối thư:

"Trong khi nói là quên, chồng em đã dùng hết thời giờ, hết cả tâm trí để nhớ, để buồn rầu!".

Cái ghen của anh Hiển có một thứ thế lực ở tâm giới anh đến nỗi khiến anh hóa ra tầm thường, hóa ra đê hèn, hóa ra "bất thành nhân dạng".

Năm ngoái, chị Hiển sinh được một mụn con gái rồi lại bỏ mất. Có lẽ vì phiền não quá nhiều. Chị đã lâm sản mà thiệt phận. Vì nhằm vào ba tháng hè nên tôi thường ở bên giường chị ta. Lúc thở hắt ra, chị cũng lại có tôi để chứng kiến cái khổ của chị, và tôi cũng không hiểu tại một lẽ huyền bí gì của tạo hoá mà lại cứ tình cờ phải nhìn thấy tất cả những cái đau đớn của người bạn khốn khổ ấy.

Khi thấy ông đốc tờ đã lắc đầu thất vọng ở một góc phòng rồi, biết rằng cái giờ cuối cùng của mình đã đến, chị Hiển bèn gọi chồng vào để "rối răng". Tôi đứng lên bước ra cửa thì chị bảo cứ ngồi lại. Trước mặt tôi, chị Hiển kéo hai bàn tay của chồng về lòng, run rẩy nói bằng một thứ giọng kỳ lạ:

- Em chết rồi, anh ơi! Quan đốc chẳng nói thì em cũng biết! Chẳng còn bao lâu nữa! Em kiểm soát lại cuộc đời thì thấy rằng cũng không đến nỗi thiếu thốn gì mấy, mà cũng đã hưởng nhiều thứ lắm, nhất là lại được làm vợ anh để tự do yêu quý anh!... Em có thiếu thì chỉ thiếu cái lòng yêu của anh, không phải cái yêu thương nhưng mà cái yêu hoàn toàn của anh, mà thôi... Xin anh cho em được mang cái lòng yêu hoàn toàn ấy, cái ái tình bất vong bất diệt ấy, xuống cửu tuyền! (Vì sắp chết nên chị nói văn chương kiểu cách lắm). Từ khi em ốm nặng đã nhiều lần anh an ủi em là quên hẳn chuyện xưa. Bây giờ xin anh cam đoan lần nữa trước mặt người bạn thân của em đây, cho linh hồn em được thỏa. Anh nói đi, cho em nhờ!

Vào trường hợp này, trí người ta thông minh sáng suốt lắm. Vì rằng khi thấy chồng ôm đầu nghĩ ngợi thì chị nói một cách xót xa:

- Giời ơi! Thì ra anh không yêu em, anh chưa quên hẳn chuyện xưa! Anh còn phải nghĩ lâu như thế cơ mà!

Tôi rùng mình run sợ vì thấy anh Hiển đáp:

- Phải, anh đã nghĩ. Bây giờ nói thế nào, chắc em cũng không tin đâu! Đấy em xem: anh không thể thật thà với em được!

Người vợ đáng thương ấy nấc lên mấy cái thì người chồng chữa một cách đã quá muộn:

- Tuy vậy anh cũng vẫn yêu em, vì anh còn có bổn phận của một người chồng.

Chị Hiển nấc lên một cái cuối cùng. Thế là tắt nghỉ. Và cách đấy một phút chị còn ai oán nhìn tôi. Cái nhìn ấy phân vua với tôi về những sự thống khổ của một linh hồn phải ôm một mối hận để lên cái thế giới của những linh hồn.

+

+ +

Giao Đài thuật chuyện xong thì im lặng để chờ mọi người bình phẩm.

Một người trong bọn chúng tôi đứng lên bực tức nói:

- Tội nghiệp! Một cuộc tình duyên như thế mà để đến nỗi một điều nhỏ mọn vô nghĩa lý như thế phá hoại được.

Một người khác nói tiếp:

- Vì ái tình là một vật mỏng manh, chóng hỏng và dễ vỡ.

Người thứ ba thở dài mà rằng:

- Cái anh chồng trẻ con đáng khôi hài như thế mà không ngờ là một tác giả của tấn thảm kịch như thế!

Người thứ tư nói:

- Tôi, tôi muốn nói rằng người vợ ấy không thật thà với chồng ngay từ lúc mới bước chân về nhà chồng.

Nhưng anh Lê Văn Thư đứng lên hậm hực:

- Nhưng mà tôi thì tôi muốn cái thằng chồng khốn nạn ấy không nên thật thà với vợ nó nữa vào lúc vợ nó đã thở hắt ra!

Giao Đài mỉm cười phân vua cả bọn:

- ấy đấy! Anh Thư bây giờ đã phản đối cái anh Thư lúc tôi chưa kể chuyện rồi đấy nhé! Sao anh không chủ trương cái lòng thật thà mãi đi!

Tưởng chừng không ai phê phán gì nữa, sắp nói sang chuyện khác, thì chị giáo Bích - một người từ nãy chưa nói gì - đứng lên cầm cái chặn giấy gõ xuống bàn như lúc ra lệnh im lặng cho học trò và hỏi cả bọn:

- Các anh các chị nghĩ về anh giáo Hiển ấy thế nào? Một người đàn ông mà tầm thường như thế ư? Mà khi người ta đã ghen đến như thế thì liệu người ta còn có biết được cái hạnh phúc nữa không? ừ, ghen đến thế thì cuộc đời có thấy sướng gì nữa không?

Vì chị giáo Bích cũng sắp lấy chồng nên người ta mỉm cười nhìn nhau một cách kín đáo và nói lảng sang chuyện khác.

3

Ăn mừng

Vũ Trọng Phụng

Bữa nay cụ Phán Uyên, đã được hiểu rõ cái gì là cái vinh quang, những đồ mừng quý giá, những tấm câu đối đỏ treo la liệt khắp tường, đã đủ an ủi về số tiền bỏ ra. Cái cảnh "ăn uống ầm ầm" hai hôm nay không khiến cụ sốt ruột nữa. Đọc những chữ chúc mừng rất văn chương bằng dạ đen trên nền đỏ, cụ mới khám phá ra rằng: chao ôi thì ra mình xưa nay vẫn có nhiều đức tính mà chính mình không biết, để mà sướng như một kẻ chết được lắm câu đối khóc có thể được thỏa cái vong hồn... Thật là linh đình, và vui vẻ. Thật là vinh dự cho tổ tiên.

Trong hai ngày ăn uống thì hôm qua để cho họ hàng và con cháu trong nhà. Chính hôm nay mới là để mời khách ở tỉnh. Đây, bàn các bạn đồng sự của cụ, phần nhiều là nhà nho, số đông đã có nhiều phẩm hàm, huy chương. Tô điểm cho dăm đám người ấy có một quan Bố và một quan Phủ, họ bên nhà vợ của cụ, và đã làm cho cụ tăng thêm sĩ diện. Kia là bàn các ông cũng tai to mặt nhớn thuộc tân học, bạn hữu của "anh tham" nghĩa là vào hàng con cháu cụ mà thôi. ở buồng xép bên cạnh thì các cô đốc, cô giáo, bạn hữu của con gái cụ vậy. Ai cũng về dự tiệc vui vẻ và đông đủ. Thì phải biết cái cách xử thế xưa nay cụ là tròn trĩnh thế nào! Một khi cụ đã về làng thì cũng phải thế nào cho đẹp mặt với người làng! Khách tỉnh về tới tấp hết lượt này đến lượt khác, phần nhiều bằng xe nhà, và có cả hai chiếc xe hơi đỗ ngoài cửa đình nữa! Nghĩ như thế, cụ lại kiêu ngạo như một đứa bé con...

- Chúng mày đâu cả rồi! Rõ thế đấy! Ngần ấy con người để sai bảo mà gọi lấy thêm có một ít dấm nữa cũng không đứa nào đi lấy được đấy!

Lời gắt của cụ lẫn lộn mất vào tiếng đàn, tiếng trống, tiếng hát, tiếng phách... Cụ nhìn trước nhìn sau, lắc đầu thở dài... Vì có ba tên người nhà thì hai đứa đương bưng những bát cỗ mới hâm cho những bàn ở xa, còn một đứa thì đương chới với, buộc bánh pháo dài vào ống máng. Cụ toan tiến bước xuống phía nhà bếp thì chợt một bàn tay nắm cụ lại, trước một câu nói sốt sắng thế này:

- Cụ ơi, cụ hãy vào đây với con!

Đó là một khách trẻ tuổi, mà cụ không nhớ rõ tên, âu phục chải chuốt khiến cụ kính nể lắm.

- Con tấp tểnh cũng làm được một bài hát để mừng cụ, chẳng biết hay dở như thế nào, xong cũng xin mạn phép các quan khách đây một phen...

Người ấy mời cụ ngồi xuống ghế, đưa ra một bài thơ bằng mực đen giấy trắng, lại nhét luôn cả cái dùi trống vào tay cụ nữa, nói tiếp:

- Bài hát mừng cụ thì xin cụ thưởng thức mấy tiếng trống cho chúng con cùng nghe.

Thẹn quýnh cả người, cụ Phán Uyên đẩy cái trống ra, ấp úng:

- Văn chương của ông... thì xin... để phần ông, vì thật tình, tôi cũng không biết đánh trống cô đầu.

Rồi cụ giương mục kỉnh lên đọc bài hát nói ấy; xong mỗi câu lại thấy mặt cụ vui tươi thêm lên. Sau cùng, cũng không biết bình phẩm dài lời, cụ chỉ đưa trả tác giả bài hát với cái dùi trống và từ chối:

- Hay lắm! Nhưng mà tiếc rằng tôi không biết đánh trống, để xin ông cho nghe... Văn hay lắm!

Khi đưa cho đào nương mảnh giấy, cụ rất hổ thẹn, thấy rằng mình quê mùa một cách đáng giận, và thú ả đào quả thật là một thứ văn chương tao nhã thật, chứ không phải chỉ là những trò bậy bạ như người ta vẫn nói xưa nay.

Cố nhiên, tác giả những câu hát nói kia nhất quyết chối từ. Cuối cùng, danh dự thưởng văn về tay người cao chức nhất bàn tiệc, là quan Bố Chánh, ông anh họ nhà vợ của cụ chủ. Quan Bố gọi cụ Phán đến ngồi bên mình, rót một cốc rượu nhỏ để trước mặt cụ, giao hẹn bằng một thứ tiếng đồng sang sảng, nghiêm nghị và đáng sợ như những lệnh ban ra giữa công đường:

- Đây, cứ mỗi tiếng chát thì ông lại cạn một cốc rượu, vì mỗi tiếng chát của tôi không những là thưởng một câu văn mà thôi, nhưng còn đồng ý với tác giả để ca tụng cái cảnh phú quý, an nhàn của ông nữa.

Mọi người vỗ tay, rồi có đến hàng mấy chục người nữa vỗ tay theo. Bên buồng xép ở tận trong kia, đám phụ nữ cũng bỏ đũa bát để đứng thấp thoáng trong mành nhìn ra, chú ý đến cái đại sự ấy nó làm tăng phần trang trọng cho cuộc vui tuy vậy trước vẫn tẻ ngắt. Cụ Phán Uyên xoa tay xin lỗi một cách hiền lành đáng tức cười:

- Bẩm, mỗi tiếng chát lại một cốc rượu thì có lẽ cũng nhiều quá, vậy xin cho xong bài thì hãy cho một cốc.

Tuy có một vài cụ phản đối lại cụ phán để về bè với quan Bố nhưng sau cùng các quý khách cũng biết nể cái sức khỏe của mái tóc hoa râm. Rồi thì cô đào e hèm dọn giọng, rồi bác kép vặn lại dây đàn, rồi quan Bố tom tom tom cho khách ngừng đũa lắng tai nghe để trở nên một cử toạ nghiêm chỉnh.

Cành mai hạc đậu thêm xinh,

Bốn mươi năm nữa, khang ninh còn dài,

Ngày xuân cảnh thế tươi cười,

Đào nguyên há để riêng người ngày xưa!

Gia nhân chinh cát,

Trên tiệc đào kẻ trước dắt người sau...

Cuộc trăm năm trời có hẹn ai đâu?

Con hạc trắng bấy lâu về bến Nhuệ,

Mai cốt cách mai già mai vẫn thế

Đào nhởn nhơ đào thắm vẻ thêm xuân.

Lắng tai nghe tiếng chúc lẫn cung đàn,

Cất chén cúc mừng người trên thọ tịch,

Khách bạch ốc nào ai tiên trích

Xin dang tay "giật phịch" quả đào tiên...

Cõi trần cũng có Đào nguyên.

Quan Bố ngất ngưởng đánh luôn: tom tom tom chát tom!

Đoạn cụ gật gù nói rõ to:

- Hay thật đấy chứ! Văn chương như thế mới gọi là tân thời... "Xin dang tay giật phịch quả đào tiên". Thế có lẳng lơ không? Chuyến này thì cụ phán nhà tôi sẽ vì câu thơ ấy mà cải lão hoàn đồng!

Quan Bố ngừng một lát, trông trước nhìn sau, rồi vẫy tay gọi một cô trong bốn cô đào rượu mải tiếp cho các quan khác gần đấy:

- Này, cô kia! Cô áo đỏ kia! Lại đây đỡ hộ chén rượu cho chủ nhân cạn hộ đi.

Khi cô đào trẻ tuổi đến đứng bên cụ phán, bẽn lẽn nâng cốc rượu thì nhanh như cắt, quan Bố đã nắm lấy một bên cánh tay cụ phán mà quệt một cái vào ngực cô ả, để rồi cười nức nở cắt nghĩa:

- Này thì đây: xin dang tay giật phịch quả đào tiên! Các ngài đã thấy chưa?

Lúc ấy cụ Phán Uyên đương mải hớp chén rượu, cho nên khi cụ vội lôi được tay ra, cái cử chỉ bó buộc kia cũng đã xong hoàn toàn. Cụ thẹn đỏ cả mặt, sung sướng, đến ứa nước mắt, vì lúc ấy, cử toạ khen cụ sốt sắng như khi họ đi xem đá bóng mà gặp lúc có quả vừa sút vào gôn. Cụ vội vàng đứng lên chạy tuy không biết định chạy đi đâu, như người muốn đi trốn. Sau cùng, cụ đánh trống lảng bằng cách gọi đầy tớ ra mà mắng:

- Lấy thêm ít dấm tây vào bàn này! Sao mày đốn thế, mày để tao gào rát cả cổ!

Tuy nhiên giọng gắt của cụ thật tình lúc ấy cũng không dữ tợn là mấy, vì cụ vẫn còn thấy rõ cái cảm giác dịu dàng về một bên ngực cô đào trẻ nó chưa tiêu tan hẳn mà lại còn như đọng quyện lại ở cả năm đầu ngón tay già nua đã mấy chục năm rồi chẳng còn biết gì là mùi xuân.

Chợt thấy quan Phủ gọi cụ rồi nói một hồi dài:

- Này chủ nhân ơi! Nhà nho là thâm lắm đấy nhé! Thôi xin các ngài cũng đừng ai nỡ ép duyên ông anh tôi nữa. Ông anh tôi đã trình bày cái cảnh ngộ éo le, khó xử, của ông anh tôi, ra với thiên hạ rồi! Đấy các cụ xem: quan Bố tôi vừa mới ép duyên xong thì ông anh tôi tức khắc gọi người nhà lấy thêm dấm. Chao ôi, thế thì ông anh tôi đã đủ thâm trầm hay chưa? Vì rằng trong Kiều có câu: Dấm chua lại tội bằng ba lửa nồng!

Rất nhiều người lại vỗ tay ran, cười to đến vỡ nhà vỡ cửa. Một cụ bảo cô đào non áo đỏ:

- Này em ơi, thôi thế thì em cứ cam chịu ở trầm luân khổ hải thôi chứ người quân tử chẳng vớt em đâu!

Một người trẻ tuổi đứng lên nói:

- Thưa các cụ trăm điều chẳng qua chỉ tại tác giả cái bài hát nói ấy.

Ông khách âu phục trẻ tuổi từ nãy ngồi lặng im vừa thẹn vừa kiêu ngạo về cái bài văn của mình, đương lắng tai nghe xem có ai thì thào chỉ trích gì không, bấy giờ đành phải đứng lên, đón đỡ:

- Bẩm các cụ, chúng tôi không ngờ rằng cụ Bố tôi đây ngài lại hiểu bài văn ấy một cách kỹ đến thế để mà đem lý thuyết thực hành ngay như thế.

Quan Bố cười khà khà, lên râu bảo thiếu niên:

- Thế thì đôi ta tri kỷ lắm chứ còn gì nữa! à quên, xin các cụ thưởng một cốc cho tác giả bài văn hữu tình. Chị áo đỏ đâu, chị lại mời ông ấy cho tôi một cốc nữa.

Lại vỗ tay...

Nhưng chợt một ông khác, cũng trẻ tuổi, mặt đỏ nhất tất cả, đứng lên trịnh trọng nói:

- Bẩm trên các cụ, dưới các ông...

Mọi người giật mình lắng tai nghe biết là sắp có chuyện. Ông kia tiếp:

- Quan Bố chánh thưởng tác giả bài hát nói ấy cốc rượu là vì nó có tính cách hữu tình. Tôi cũng xin hoan nghênh. Nhưng mà xong rồi thì tôi xin các cụ và các ông cho tôi phạt nhà thi sĩ ấy ba chén vì đó là một nhà thi sĩ tham lam! Vì sao? Vì cụ phán nhà tôi đây bữa nay chỉ có khánh thành nhà mới thôi, vậy mà bài hát mừng có câu mừng cả tiệc thượng thọ nữa, thì, cái lối "tiện dịp" như thế là có hại cho tôi, vì sang năm đúng sáu mươi mà cụ phán tôi không khao thượng thọ nữa thì là lỗi ở nhà thi sĩ ấy. Vậy thì phải phạt.

Tác giả bài hát nhìn quanh một lượt thấy trong dăm chục quan khách có một số đông gật gù biểu đồng tình với ông phản đối kia, thì rất lấy làm lo, bèn cãi:

- Tôi xin uống ba chén rượu ông phạt! Nhưng nếu sang năm cụ Phán tôi lại khao thượng thọ nữa, thì ông sẽ đáp tôi ra sao? Và có lẽ ông chưa nghe kỹ bài hát!

Ông kia gân cổ lên, hùng hồn chẳng kém:

- Tôi cho ông phạt trước tôi ba chén nữa, sau khi ông uống ba chén mà các cụ phạt ông!

Nhiều người lên tiếng xôn xao, không chịu nhận trách nhiệm về ba chén rượu phạt ấy, ông kia lại nói:

- Sao tôi lại chưa nghe kỹ! Ông chả có câu: "Cất chén chúc mừng người trên thọ tịch" là gì! Vậy ông thử đọc tất cả câu đối đây xem có ai mừng thọ tịch không?

Có một người cãi hộ:

- Nhưng mà thọ tịch ở đây là ý phụ không phải ý chính!

Tham Châu vỗ vai ông kia, khẽ gắt:

- Thôi đi, tôi van ông nữa, ông đừng gây sự thế! Ông say lắm rồi! Và ông uống ít chứ!

- Thưa chú, tôi chưa say, và trước mặt công chúng thế này, xin chú đừng mắng tôi! Chú còn là đàn em biết chưa!

Ông ấy vừa nói được có thế thì đã đưa tay lên giữ cổ, khòm lưng xuống, rồi nôn ồng ộc ngay ra đấy như một cái ống máng! Thiên hạ ghê tởm quay nhìn đi chỗ khác và nhà thi sĩ thì khẽ so vai một cái hả hê. Đầy tớ mau quét dọn, trong khi Tham Châu nhăn nhó ôm xốc ông quý khách ấy vào bàn đèn thuốc phiện:

- Các ông mau tiêm cho ông ấy một điếu cho giã rượu... Rõ khổ quá, cứ uống như một cái phễu!

4.

Bà Lão Lòa

Vũ Trọng Phụng

76 tuổi đầu, mỗi bữa thất thểu ăn một lưng cơm, bà lão lòa ở nhờ một đứa cháu họ, thật đã lắm phen cực nhục. Cháu bà, một bác đánh giậm, với vợ, một chị mò cua bắt ốc, khốn thay, dưới nách hai đứa con mọn, cũng đã lắm phen nhăn nhó vì chẳng đủ ăn.

Hai mươi năm về trước, bà lão lòa này còn là người có của trong làng. Con trai bà nó chơi, nó phá, nó bán ruộng, cầm nhà rồi nó bỏ bà nó đi, chẳng biết đi đâu, lòng mẹ đối với con tuy có giận mà vẫn có thương, bà khóc lóc một mình đến nỗi lòa cả mắt. Trong thời bà còn giàu có, ngoài những việc cúng tiền tô tượng đúc chuông, bà còn năng giúp đỡ kẻ nghèo khó; trong họ ngoài làng, nhiều người đã được nhờ bà mà đến khi gặp bà bước khốn cùng thì chẳng ai thương cả. Cũng vì xưa kia đã nhiều phen ngửa tay nhận lấy đồng tiền cứu giúp của bà, bác đánh giậm đành cắn răng, vuốt bụng, nhắm mắt nuôi cô trong lúc hoạn nạn.

Nhưng vốn bị ma nghèo ám ảnh, mới nuôi cô được độ ba năm, bác đánh giậm đã thấy nản lòng. Cái cảnh túng bấn nó thường đẩy người ta vào chốn bùn nhơ, nó thường buộc người vào vòng tội lỗi, đối với bác đánh giậm, ác hơn, nó làm bác quên bỏ cả lương tâm. Quên hẳn cái ơn ngày trước, bác ta chỉ còn biết xót ruột khi bà lão lòa lò rò ngồi vào mâm, cướp cơm của vợ, của con nhà bác.

Buổi chiều hôm ấỵ..

Trước túp lều tranh xiêu vẹo như chỉ còn chờ một trận gió to là đổ ụp xuống, cái sân đầy những bã mía, lá khô, một mâm cơm bát đàn đũa mộc trong để đĩa cá rô kho chuối với đĩa cá đen sịt đen sì, cầm trên tay mấy bát cơm ngô vàng ói, bà lão lòa, bác gái và hai đứa bé chỉ còn chờ bác trai rửa mặt rửa chân tay, ngồi vào là cùng cầm đũạ Đàn ruồi vù vù bay lung tung như đánh trận, hết bâu đầy vào mấy nốt mụn chốc trên đầu thằng cu con lại bay xuống đặt mình vào đĩa cá.

Bác trai, người mảnh khảnh, đen như củ súng, trán răn, má hóp, mắt kèm nhèm, mặc cái áo vải vá đã đến năm mười miếng mụn, đóng khố, vừa ngồi xổm xuống đất cầm lấy bát cơm, vợ đã vội hỏi:

- Bố nó hôm nay kiếm được bao nhiêu tất cả...? Ấy tôi chỉ được có bốn sóc cua hai xu với một mẹt tôm riu năm xu là bảy đấy thôị Gạo ăn bữa mai hết rồị..

- Hôm nay được thêm mẻ lươn thì, ác quá, gặp đứa nào cũng trả rẻ, lang thang khắp chỗ, mãi đến chiều chẳng thấy ma nào hỏi lại phải bán tống bán tháo đị.. cả ếch cả cá cũng chỉ được ngót hai hàọ

Vợ nhìn chồng thở dài rồi lại nhìn đến niêu cơm. Thằng cu lớn xới một bát nhường cho em, còn mình thì cầm cái đũa cả, gắp những hột còn dính lạị Bà lão lòa, ăn hết một lưng, tay lẩy bẩy chìa bát ra toan xin ít nữa, chưa kịp nói, bác gái đã quát:

- Hết rồị..! Còn đâu nữa mà chìa mãi bát rạ.. Đến tôi đây quần quật suốt ngày, đã ốm cả xác mà cũng chỉ được có ba lưng thôi đấỵ.. Bà không phải làm gì, ngồi nhà ăn ít cũng được.

Bà lão giật mình, đớ người ra một lúc rồi đứng lên đi vào trong nhà, ngồi xuống bậu cửa, lấy cái tăm gài trên mái tóc xuống xỉa răng.

Mặt trời sắp lặn, còn xiên qua lũy tre xanh, tầu lá chuối mà rọi ánh sáng đỏ đó vào gian nhà. Dưới những đám mây thiên hình vạn trạng mầu cá vàng chăng dọc chăng ngang phủ kín một bầu trời, một đàn sếu xếp hàng chữ nhân bay từ Bắc về Nam, vươn cổ kêu oang oác. Trên mấy ngọn tre gió thổi ngả nghiêng, dăm ba con chèo bẻo tung tăng chuyền cành này sang càng khác, còn đua nhau hót như muốn cất giọng chào mặt trời truớc khi vào tổ.

Bà lão lòa ngồi trầm ngâm chống tay lên trán, nhân hôm ấy chiều trời êm ả, gió thổi hây hây, chim kêu xào xạc mà một mảnh đời dĩ vãng như một luồng chớp nhoáng, trong trí bà lại thấy hiện ra:

Ngoài cổng, một ông lão ăn mày lụ khụ đến ăn xin. Con vện con vàng đang nằm trong sân bỗng nhảy xổ ra cắn xa xả. Tiếng một bà ngồi trên sập gụ bên trong quát thằng nhỏ ra mắng chó, giắt ông lão ăn mày vào thết một lưng cơm.

Bác nhiêu B, vừa bị nạn hỏa, rủi đâu, vợ lại hậu sản mà chết. Trong gian nhà lụp xụp, thằng cu lớn, cái đĩ con ngồi mã la mã lệnh với thằng cu mới đẻ, cuộn tròn trong cái tã nâu, nằm ngay cùng giường cái xác mẹ nó. Tiếng ba đứa trẻ khóc như rị Cả đêm hôm trước, bố chúng nó ôm đầu mà khóc, sáng hôm sau mới bảnh mắt đã thấy đội nón ra đi, mặt trời lên đến đỉnh đầu rồi mà chưa thấy về, bụng chúng nó đói cào như muối xát. Bỗng thấy ai nói văng vẳng như tiếng bác nhiêụ Thằng cu lớn quệt nước mắt, lủi thủi bước rạ.. Quái thay! Một bà khách lạ nào miệng bỏm bẻm nhai trầu, váy sồi, áo lụa, xệ nệ trên đôi dép da cong, bước vào nhà ôm lấy thằng cu con mà kêu: tội nghiệp! Rồi thấy bà khách cởi hầu bao, lấy ra một cuộn giấy bạc, bác nhiêu đưa hai tay nhận lấy, dòng dòng nước mắt tạ ân.

Giữa chợ gần chỗ hàng gà, hàng cá, mùi hôi tanh xông lên nhức đầu, một đám đông xúm quanh một người đàn bà ăn mặc rách rưới, tay ôm đứa bé chừng bốn năm tháng.

- Thưa bà, cháu chỉ lấy có năm đồng thôi đấy ạ.

- Thôi, chả của đâu mà trả đến năm đồng. Trông gầy thế kia, biết rồi có sống được không? Ba đồng đấy, bằng lòng đi!...

Người nọ xô người kia, chen nhau len vàọ Có người đứng ngoài, không hiểu chuyện, tưởng họ mặc cả gà, khi kiễng chân, nghển cổ nhìn vào mới rõ. Giọng nói phều phào một bà cụ già lụ khụ:

- Rõ tội nghiệp chưa! Tôi mà có năm đồng thì tôi trả ngaỵ..!

Bỗng có một bà ăn mặc lụa là, người trông phúc hậu, len lỏi vào cất tiếng dõng dạc hỏi:

- Này nhà bác kia! Làm gì mà đến nỗi phải bán con đi thế?

- Thưa bà, nhà con phải bệnh, liệt giường liệt chiếu đã hơn nửa tháng nay, không có tiền thuốc thang gì thì chết mất. Con phải bán cháu đi để cứu lấy nhà con, mất đứa này còn mong đẻ đứa khác chứ để chồng chết thì rồi tất chết cả mạ con cháụ

Nước mắt chảy xuống dòng dòng, nỗi thương đưa lên nghẹn cổ, người đàn bà không nói được nữa, gục đầu xuống mặt con mà khóc nức nở.

- Nàỵ..! Cứ ẵm cháu về, đừng có bán nó đi mà phải tội đấy! Năm đồng đây tôi xin giúp. Hãy cầm về mà liệu thuốc men cho bác traị

Người kia ngạc nhiên ngơ ngác nhìn lên, mãi chưa dám tin là thật, bàng hoàng như đang lúc chiêm bao, giơ tay ra nhận tiền, rồi không biết nói thế nào với vị ân nhân của mình, phục ngay xuống đất mà rưng rức khóc. Đám người tản mát, có kẻ thì thào: người đâu mà phúc đức tệ!

Ấy đó, đổi lại bao nhiêu điều thiện xưa kia ông trời cay nghiệt nay đều trả bà bằng hai con mắt lòa với một cảnh ăn gửi nằm nhờ cực kỳ khổ sở. Cho rằng kiếp xưa tiền oan nghiệp chướng chi đây, nghĩ thương mình, thương đứa con bất hiếu, thương vợ chồng con cái bác đánh giậm, bà lão lòa thổn thức, trên hai gò má răn reo lại thấy mấy giọt nước mắt chảy ròng ròng. Bà lão gục đầu xuống gối tỉ tê khóc không ra tiếng, chỉ thấy sụt sùi hậm hực, khiến thằng cu con lò rò bò đến với bà, không hiểu ra sao bỗng cũng khóc thét lên. Bác gái chạy vào bực mình xỉa xói:

- Này bà! Bà đừng làm sốt ruột...! Bà ăn xong bà đã chẳng làm được việc gì thì cứ ngồi yên một chỗ hay ẵm cháu giúp tôi, bà đừng có sụt sùi khóc lóc, đây không ai chết mà bà phải khóc...

Giọng nói day dứt mà lanh lảnh như từng nhát búa bổ vào thành sắt vang động bên tai, bà lão hoảng hốt trong hai con mắt lòa trợn trạo cầm nước mắt cho khỏi chảy ra, trông rõ đôi tròng trắng đảo đi đảo lạị..

- Trời làm đói kém thế này, vợ chồng chúng tôi không thể nuôi bà được nữa đâu, bà phải liệu mà giúp đỡ chúng tôi mới được. Rồi từ mai trở đi, để thằng cháu nó giắt bà ra đầu đê, bà ngả nón dưới bóng cây gạo mà ngồi, thấy tiếng người chợ búa qua lại thì bà chìa rá ra xin, nếu có được mỗi ngày một vài xu cũng là đỡ được cái mồm bà rồi đấỵ..

+

+ +

Đã được nửa tháng nay, sáng nào cũng thấy thằng cu lớn dắt bà ra ngồi đầu đê rồi chiều đến lại dắt về. Trong bọn những người chợ búa qua lại con đường cái quan, tạt vào đường đê, thấy một bà lão lụ khụ, hổn hển thở, ngẩng đầu chìa nón kêu van, cũng đôi khi có người vứt cho một vài đồng kẽm. Chẳng may, nếu hôm nào về tay không thì vợ bác đánh giậm - cháu bà - lại nghiến răng xỉa xói thậm tệ:

- Hôm nay chẳng ai thí cho bà đồng nàọ..! Bà có biết thế là bà lại ăn phần cơm của thằng cu lớn đấy không? Từ mai, bà liệu mà kêu to lên mới được... Hay tại bà ngồi dưới bóng cây mát mà ngủ thiếp đị..? Bà liệu đấỵ..!

Bát cơm ngô điểm quả cà thiu, bà lão lòa trước khi và vào mồm đã chan đầy như canh bằng nước mắt.

Một ngày kia, trời tháng ba nắng gay gắt, bà lão lòa dưới gốc cây gạo, ngồi từ sáng đến quá trưa, bụng đã đói mềm mà chẳng thấy nguời khách đi đường nào vứt cho lấy một đồng trinh. Trên cành cây, thỉnh thoảng lộp độp rơi xuống đường đê một vài bông hoa gạo, mỗi khi quạ cái tha mồi về tổ cho con lại đập cánh sập sè vươn cổ kêu: quà! quà...! như gợi một mối thương cho người ngồi dưới gốc.

Xa xa, trong cánh đồng bát ngát một màu xanh, mấy người làm ruộng nhễ nhại mồ hôi, chẳng ai buồn nói chuyện với aị Một đàn chim vành khuyên trong bụi rậm kia đang chuyền cành này sang cành khác cũng không con nào kêu hót, kiếm ăn một cách rất lặng lẽ. Phong cảnh dường như mệt mỏị Những tiếng vang động đều bị sức nóng mặt trời át mất hẳn đị Trên con đường cái quan, thỉnh thoảng thấy tiếng một cái xe hơi như một mũi tên bay, vo vo chạy qua rồi biến mất vào trong đám bụi mù xa tít,... bốn bề im lặng như tờ. Hai cánh tay khẳng khiu ôm lấy bụng mà nhăn nhó, cố quật lại với cái đói nó cào xé ruột gan, bà lão lòa thở hổn ha hổn hển.

Chợt có tiếng người dẫm lạo xạo trên đống lá khô, đi về phía mình bà lão vội chìa ngay nón:

- Lạy ông đi qua, lạy bà đi lạị..! Cứu cho thân tôi lấy một miếng cơm...

- Tôi đâỵ..! Phải ai đâu mà lạy với lục...? Bà được đồng nào chưa thì đưa đây cho tôị..

- Đã được đồng nào đâụ..? Chẳng thấy ai đi qua đây cả... Mẹ nó có dắt tôi về thì dắt, tôi đói lắm rồị..!

- Bà đói à? Bà đói thì dễ tôi no à? Bà hãy ngồi đấy xem sao, buổi chợ chiều nay, rồi họ về qua đây nhiềụ.. chốc nữa, tôi sẽ bảo thằng cu nó ra nó dắt...!

Rồi bác ta thoăn thoắt bước đi, cái váy cũn cỡn để lộ hai ống chân trùng trục, đen thui, giỏ cua đeo sau lưng cũng theo nhịp từng bước mà lắc đi lắc lạị.. Về đến nhà, sung sướng thay đã thấy bác trai ngồi phì phèo thổi lửa làm cơm dưới bếp. Nghĩ thầm hẳn bố nó hôm nay được mẻ phát tài, bác ta rửa chân tay xong, vào hú hí ngay với con.

Bỗng trên trời mây kéo đen nghịt tối sầm hẳn lại, rồi nổi một cơn giông. Bác đánh giậm chạy vội ra sân vơ quần áo đem vào nhà, giục thằng cu lớn mau mau chạy ra để dắt bà về kẻo mưa to gió lớn. Nghe câu ấy, bác gái ngồi ôm con một góc giường cau mày ngẫm nghĩ: thật vậy! Ba bốn năm nay, bác ta đã nhịn như nhịn cơm sống ấy rồi, quá lắm thì không chịu được. Mặc kệ bà ấy! để bà ấy chết quách đi cho rảnh mắt...!

Rồi hiện ra lần lượt trong trí bác những ngày trở trời trái gió, những ngày lửa hạ chang chang, ruộng khô đồng nứt, kiếm chẳng ra tiền, hai đứa bé bò nheo bò nhóc, một niêu cơm ngô chia khắp cả nhà, bụng mẹ đã chẳng được no, còn lấy đâu ra sữa nuôi con... Mà bà lão lòa kia thì, ngày kiếm được một vài xu cũng như ngày không kiếm được đồng nào, chẳng nhịn được bao giờ, cứ đến bữa là ngồi vào mâm, chìa bát ra cho thằng cu sớị Không, không! Không thể thế được...! Bà lão ấy chỉ là một bà cộ.. mà lại là cô họ một người chồng, có lẽ nào báo hại mãi nhaụ..?

- Kìa! Thằng cu! Tao bảo thế nàọ..? Không bỏ bếp đấy mà ra dắt bà về à? Ông lại đét cho bây giờ.

Bỗng bác gái đặt phịch con xuống giường, quặn mình nhăn nhó:

- Ối trời dất ôị..! Ối trời dất ôị..!

- Chết chửạ.. làm sao thế? Sao thế hở mẹ nó?

- Sao mà bụng tôi cứ thấy đau xoắn lại thế này! Ối trời dất ôi, đau thế này thì đến chết mất thôị..

- Chết chửa! Kìa thằng cụ.. ẵm em dỗ đị.. dỗ đi cho nó nín đi rồi dậy đấm cho u mày một chốc... để tao đi nướng hòn gạch mà chườm bụng vậỵ.. Rõ khổ chửả

Bên ngoài mấy hạt mưa bắt đầu ném vào mái tranh lộp độp rồi trời đổ cơn xuống rào ràọ Dần dần mưa càng to, gió càng mạnh, mỗi lần một luồng gió thổi trên không nghe ào ào là một lần nước đổ như trút xuống sân. Trời tối mịt. Thấy mẹ đã ngủ được yên, thằng cu bước xuống đất, phong phanh trong tấm áo vải, ra tựa cửu đứng nhìn.

Tiếng sấm động ù ù, mỗi khi chớp nhoáng chớp nhoàng nó lại nom rõ thấy giữa những vũng bong bóng phập phồng, những dây nước ròng ròng từ mái tranh rỏ xuống. Rồi thỉnh thoảng lại đánh "đoành" một cái, những tiếng sét vang trời đánh nhịp, hòa theo với tiếng mưa rả rích, tiếng sấm hục hặc, nổi sôị..

Chợt nghĩ đến bà nó ở ngoài đầu đê không biết ra sao, quay lại nhìn thì bố nó vẫn lúi húi dọn cơm, nét mặt thản nhiên như không, thằng cu phụng phịu nét mặt, hỏi gắt:

- Kìa thày! Thế bà ở ngoài đầu để

Nó chưa nói hết câu, bố nó đã như bị một luồng điện giật, nẩy người ra, mắt tròn xoe, mãi mới nói được.

- Chết chửa! Biết làm thế nào bây giờ? U mày đau bụng, kêu rối rít lên, làm tao cũng quên bẵng đi mất...

- Thế thì chắc bà chết rét mất rồị.. Còn gì nữạ..

Nghĩ đến cái chết của bà lão lòa ở ngoài đầu đê - tình cháu đối với cô - bác đánh giậm rùng mình, rợn tóc gáỵ Nhưng bác tự dối lương tâm, bác đáp lại con:

- Ôi già... chả việc gì phải sợ... dễ bà lại không biết lần mò đến một cái quán nào đấy mà ẩn hay saọ..?

Rồi bác gọi vợ con dậy ăn cơm. Bữa ấy bác gái tuy kêu đau bụng mà cũng cố ăn được đến bốn năm lưng, mặc dầu hai đứa bé không thấy bà nó đâu, thường nhắc đi nhắc lạị

Trời vẫn mưa, lúc to lúc nhỏ, rả rích suốt đêm.

Sáng hôm sau, ánh sáng mặt trời xé những đám mây bay tan tác, chiếu xuống, trông lại càng tươi càng đẹp. Trên mặt đường đê, nước đóng từng vũng, những người đàn bà gồng gánh ra chợ phải xắn váy vén quần, lội bì bõm, hễ ai hơi trượt chân muốn ngã là cả bọn lại khúc khích cườị Những đám cỏ bấy lâu phơi nắng xám cả màu, sau một trận mưa rào đã trông thấy ngay cái vẻ tươi tốt. Trên mấy cây bàng, một đàn chim sâu, con ngửa cổ uống nước, con đập cánh rũ lông, kêu hót vang taị Vệ đường loáng thoáng thấy cành cây rơi rải rác...

Phong cảnh trông có vẻ khoan khoáị Cái khoan khoái của phong cảnh sau trận mưa rào cũng như cái khoan khoái của người sau khi tắm gộị

Bác đánh giậm hôm ấy dậy rất sớm, đóng khố, cài rổ, vác vợt ra đị.. Mon men ở dưới chân đê, lội lõm bõm qua mấy vũng bùn lầy xa xa, phía dưới cây gạo - chỗ bà lão lòa vẫn ngồi, bác thấy giữa ruộng, trong một đám mạ xanh tươi tốt, một đàn quạ, con bay con liệng, kêu sào sạc rồi đậu xúm xít vào một chỗ. Bụng tưởng hẳn là một tổ rắn chi đây, bác ta vác ngay một vợt tre lên mặt rồi phăm phăm chạy lạị Đàn quạ vùng bay lên rồi tản mác đị.. Chao ôi! Bước vừa đến nơi thì bỗng bác ta rú lên một tiếng, trợn mắt rít răng mà ngã phục xuống cạnh một cái xác, cái xác một người đã bị quạ mổ nát nhừ, xác bà lão lòa bị gió thổi xuống ruộng đêm hôm trước.

5.

Con người điêu trá

Vũ Trọng Phụng

Nhà văn sĩ T.L. một hôm kể lể với tôi:

- Một đời tôi, tôi chỉ yêu có một người. Trong hai năm giời tôi cùng người ấy ăn ở với nhau, tình yêu thật là thiết tha, đằm thắm, tôi được sung sướng đến cực điểm.

Tôi phải thú thực rằng sở dĩ tôi có cái danh dự ngày nay là nhờ nàng cả, vì, được gần gụi nàng thì cầm tới bút, tôi mới mong được thấy cảm hứng chứa chan. Mới gặp nàng lần đầu, tôi đã tưởng tượng ngay rằng nàng vẫn là người yêu của tôi tự bao giờ ấy! Dung nhan diễm lệ và đức tính của nàng thực làm thỏa lòng tôi quá, khiến tôi đến phải mê tơi.

Con người ấy không bao giờ bỏ tôi, chẳng phải hạng ăn xổi ở thì, đã... đã từ trần trên giường tôi nằm, trong cánh tay tôi ôm ấp, thực đến lúc chết mà vẫn yêu tôi, rõ thảm!...

ấy thế mà mỗi khi chợt nghĩ đến nàng thì tôi giận lắm! Nếu lúc nào tôi cố lục tìm trong trí nhớ, cố tưởng tượng cho thấy trong óc cái hình dung yểu điệu, thướt tha của con người ấy, cái đường ngôi lệch, lời nói dịu dàng thỏ thẻ, cặp mắt rất say sưa, nếu lúc nào tôi lại được thấy trong trí tưởng tượng con người nõn nà nghiêng nước nghiêng thành đã cũng tôi ăn ở non vợ chồng mà già nhân ngãi ấy thì chỉ cốt để tôi được chau mày, chau mặt mà thét lớn rằng: "Tao ghét mày!...".

Tên nàng, nàng bảo: Bích Nga. ở nhà một bà bạn mà chúng tôi được cái hân hạnh gặp nhau, người ta gọi nàng là bà tham Ngọc, bà tham Ngọc đã góa chồng, chồng bà, một ông tham tá công chánh, đã dắt vợ đi khắp thâm sơn cùng cốc ở cõi Đông Dương, rồi vì nước độc đã bỏ mặc vợ mình bơ vơ trên cõi thế.

Mà hình như nàng cũng đã đi lắm nơi xa thì phải. Khi trò chuyện, có lúc thốt nhiên nàng nói "... một buổi chiều, ở cổ viện Đế Thiên, Đế Thích..." hay "... sáng sớm tinh sương hôm ấy trên bờ sông Cửu uốn khúc tại kinh thành Luang Prabang...". Ngoài ra, không có sự gì tỏ rằng con người ấy đã đi nay đây mai đó, trong vẻ người, giọng nói, không một nét nào chứng thực được cái vội vàng, hấp tấp những lúc khuya sớm, đi, về. Nàng vốn là gái Huế. Cứ trông lối y phục thanh tao, dáng người bệ vệ ấy thì không ai dám bảo nàng đã là vợ một người luôn luôn nay đó, mai đây.

Khi tôi hiểu rằng tôi đã quên ăn bỏ ngủ vì nàng thì điều trước nhất của tôi là muốn xin cưới ngay nàng làm vợ. Tôi nhờ bà bạn gái kia đem lời cầu hôn khẩn khoản nói giúp tôi nhưng, thất vọng thay! Nàng kêu là nàng đã giập tắt lửa lòng, không đời nào còn mong tái giá.

Thế là tôi phải tìm đường gìn giữ, sao cho khỏi gặp mặt nàng. Nhưng nào có được? Lòng yêu chuộng xưa kia đã khiến tôi vì nàng mà quên ăn, bỏ ngủ thì sự thất vọng ngày nay làm tôi chẳng còn khối óc làm lụng được một việc gì, nên, lẩn thẩn, tôi nghĩ cách... đi xa.

Tôi đang sửa soạn hành trang, lòng buồn tê tái, đứng trông mấy chiếc hòm và chiếc va ly há rộng miệng ra nuốt những áo quần với đồ lặt vặt của kẻ đi xa thì chợt cánh cửa hé mở từ từ; để lộ ra vẻ mặt âu sầu của bà tham Ngọc.

Phải, chính Bích Nga đứng đó, thỏ thẻ nói rằng:

- ... Nghe như ông định thu xếp vào Sài Gòn làm ăn thì phải...

- Vâng! Tôi chưa kịp lại biệt chào bà.

Thấy tôi chỉ nói đủng đỉnh, lạnh lùng, Bích Nga bấy giờ vừa run vừa hỏi:

- Mình... (phải, nàng gọi ngay tôi là mình!), mình định đi thật đấy ư? Tôi vẫn biết, khổ lòng lắm, mình ạ. Mình vì yêu tôi nên phải tìm cách xa tôi, còn tôi, tôi cũng xin thú thực rằng đối với lòng yêu chân thật của mình, tôi rất lấy làm cảm động. Nhưng, khốn nỗi, tôi, tôi không phải... góa chồng!!!

Thế là đến tận bây giờ, cái tiểu sử đau đớn của nàng tôi mới được nàng kể rõ cho nghe.

Thực là một cuốn tiểu thuyết trường thiên về tình yêu, tình phụ. Chồng nàng rượu chè be bét, thường đánh đập nàng, ba năm nay rồi, hai người đã bỏ lửng nhau. Nàng bồ côi cha mẹ từ thuở ngây thơ nên được một ông chú thương yêu lắm lắm. Ông chú ấy hiện giờ làm quan tại Huế, nhưng vì đã ép duyên nàng nên nàng cũng giận từ độ ra ngoài Hà Nội này, nàng chẳng hề có lấy một chữ gửi thăm. Chị ruột nàng lấy kế ông phủ Vĩnh Tường mà cậu nàng thì hiện giờ là một ông giáo, người đã cao niên, dạy học trong một trường công ở ngay Hà Nội. Vì xưa kia trong nhà có chuyện hiềm khích nên dù nàng là cháu mà nàng cũng chẳng hề đến cửa bao giờ. Còn Bích Nga, buồn vì thân thế, mấy năm nay đã ăn ở ra con người liêu tịch, cố lấy cái vỏ ngoài điểm trang lòe loẹt để giấu kín một trái tim đau khổ bên trong.

Nhưng nàng tuy bơ vơ một mình mà chẳng phải luỵ ai, vốn có tài về nghệ thuật nữ công nên vẫn sống một cách thảnh thơi, phú quý. Hiện giờ, mấy cô tiểu thư nhà mấy ông quan lớn đang cầu nàng đến dạy cho thêu thùa, bánh trái và cả ca hát, địch đàn.

Thiên lệ sử ấy, nàng kể tôi nghe rất là cảm động, dẫu rằng trong khi trò chuyện, nàng thường nói đi nói lại mãi chẳng nên lời, một cái kém hèn của bọn phụ nữ ngây thơ.

Chúng tôi bèn thuê một căn nhà rất đẹp, rất xinh ở con đường Hàng Cỏ. Cứ chiều chiều, chúng tôi cùng nhau sánh vai ra ban công hóng mát, nhìn hai rặng cây lá xanh tươi tốt, con đường vắng vẻ, vỉa hè cỏ mọc um tùm mà tưởng tượng như mình ở cảnh Bồng Lai.

Trong một năm tròn, tôi cứ muốn được luôn luôn quấn quýt lấy Bích Nga để ngắm nàng tha thướt ra vào, để nghe nàng ngây thơ cười nói, mặc quách cả những anh em, nếu nàng không giục tôi mau mau trở về toà soạn. Nàng luôn luôn nhắc tôi chớ hững hờ với cây viết để nàng cũng đem ngón nữ công, đàn địch ra dạy bọn tiểu thư vẫn hết lòng mong đợi nàng kia. Suốt ngày, chúng tôi phải cách xa nhau, gặp nhau chỉ chờ đến chiều, đến tối.

Từ tòa báo trở về căn nhà chúng tôi nương náu, mỗi bước chân đi đối với tôi là trút được một ít nặng nề, vô vị của đời, tới nhà phải đợi nàng thì nóng lòng sốt ruột quá chừng, nhưng nếu thấy nàng đã tựa cửa chờ mình thì sung sướng bằng mở cờ trong bụng. Thỉnh thoảng nàng lại mua về một cụm hoa tươi. Cũng có khi tôi ép nàng nhận một vài cái quà quý giá nhưng nàng đều nhất nhất chối từ. Nàng kêu giàu có hơn tôi nhiều, vả lại, cứ suy lối ăn mặc toàn lượt là, gấm vóc của nàng, cứ tính những đồ xa xỉ nàng thường dùng như phấn, sáp, nước hoa thì đủ hiểu là bọn học trò kia trọng đãi nàng lắm lắm. Cho nên tôi rất lấy làm cảm kích tấm lòng quảng đại của nàng, nó chẳng như "trái tim" vẩn đục của bọn bom xu1. Nàng yêu tôi mà chẳng phải luỵ tôi, con người tự lập, khẳng khái ấy đã lắm khi khiến tôi đem cái nghèo của mình ra đọ với ái tình mà tự thấy âm thầm hổ thẹn.

Kể ra thì nghề nàng cũng chẳng có gì là vất vả.

Bọn học sinh kia, con quan, con các nhà tư bản, toàn là những công nương phong phú, yêu vì tài, trọng vì nết, coi nàng như một đóa hoa. Một lần nàng phô với tôi một đôi vòng vàng một chiếc "nhẫn đồng hồ" lấp lánh kim cương, kêu là của học trò tặng làm kỷ niệm.

Chúng tôi chẳng hề xa nhau nửa bước, ngoài cái thời giờ bận việc hàng ngày. Duy chỉ chủ nhật nào là nàng cũng xin phép tôi lên phủ Vĩnh Tường thăm bà chị và chơi với cháu, mỗi tuần lễ chỉ ngày chủ nhật mà thôi.

Thì cứ sáng sớm tôi ra ga lấy vé cho nàng bước lên xe lửa, cầm mù xoa vẫy theo ngơ ngẩn rồi đến chiều lại ra ga để đón nàng về. Lắm khi, tôi hẹn đón nàng ở một vài ga khác, như Yên Viên, Xuân Kiều, Đông Khê chẳng hạn, rồi những cảnh quê xinh đẹp, êm đềm, chúng tôi cùng nhau thăm thú, lúc thì vào một quán hàng ăn bún riêu cua, bánh đúc, lúc thì trên những con đường vắng vẻ chúng tôi cười cười, nói nói, ném mắt đuổi theo con chích chòe tha mồi vào tổ, vừa đi vừa gặm mỗi người một chiếc bánh đa.

Nàng kể lại tôi nghe cảnh gia đình rất vui vẻ, êm đềm của bà phủ Vĩnh, vừa trên xe bước xuống, con bé cháu đã lon ton chạy lại đón đi, quan anh thường thường say "khướt cù đèn" nhưng mỗi khi diễu cợt, làm hề thì đố ai nín cười được đấy, bà chị tuy cấm cẳn, xấu ăn xấu nói nhưng nói sau quên trước, cũng chẳng "bụng dạ" gì.

Nghe lời nói có duyên một cách lạ lùng, tôi tuy mỉm cười, nhưng thực đau đớn, âm thầm trong dạ. Phải, tôi đau đớn lắm vì thấy cái đời hoa trôi bèo dạt của nàng, chẳng hề được hưởng hạnh phúc chân chính của gia đình như những ai ai.

Sung sướng quá, không bao giờ tôi đem lòng nghi ngờ nàng cả. Nhưng điều nàng nói tự nhiên đến thế, thực thà đến thế, ngây thơ đến thế, bảo ai mà chẳng phải tin?

Nhưng nàng phải cái tật cứ nói rườm lời khi kể chuyện lại những nhà mà nàng lui tới, những nhà của học trò nàng thì hình như nàng cố bày đặt cho ra những sự không đâu. Tôi đây, tôi là người đem tấm chân ái tình ra thương yêu, kính mến nàng, muốn trong cặp mắt nàng chỉ có riêng một mình tôi thì nàng lại cứ để trí vào những sự không đâu ra đâu sất cả!...

Nhưng đối với những người còn xanh mái tóc mà đã trải qua đủ mùi đau khổ như nàng, mà cuộc đời từ lúc bé tới giờ chỉ là một thiên lệ sử, thì cái tật mọn ấy, tôi cũng vẫn bỏ qua đi cho.

Chỉ độc một lần là tôi ngờ vực, hơi hơi ngờ vực.

Tối chủ nhật ấy, nàng lên phủ Vĩnh mà chẳng thấy về.

Tôi thất vọng quá!... Làm thế nào đây? Đáp ngay tàu lên phủ Vĩnh tìm nàng chăng? Nếu thế thì cuộc tình duyên kín đáo kia lộ mất. ấy thế mà sau một đêm trằn trọc, tôi quyết định ra ga đáp tàu lên phủ Vĩnh thì Bích Nga đẩy cửa, mặt mày xám ngắt, bước vào. Bà phủ, chị nàng, mệt nặng!...

Nàng nói thế nào tôi cũng cho là lọt tai tất cả, cũng chẳng để ý rằng hễ tôi hơi hỏi qua đến lẽ gì một tí là nàng liến thoắng đáp lại một thôi. Việc cần nàng chẳng nói ngay, cứ luẩn quẩn vào những điều tỉ mỉ: những là thuê xe ra ga phải thằng phu kéo chậm, lúc trả tiền lại còn kỳ kèo lôi thôi, em bảo thế này, nó cãi lẽ thế nọ, lấy vé nhiều người chen quá, suýt nữa bị kẻ cắp xẻo mất túi, lúng túng... nhỡ tầu!

Rồi, tuần lễ ấy, nàng lại lên phủ Vĩnh ở luôn 4, 5 ngày mới về, kêu chị mình, nhờ có mình săn sóc, thuốc thang chỉ ít lâu thì bình phục.

Khốn thay, chưa được bao lâu thì lại đến lượt nàng cũng ốm. Đốc tờ mời lại, bảo người yêu tôi mắc chứng đau phổi, bấy lâu ngấm ngầm, nay mới phát ra. Không còn thuốc nào chữa khỏi!

Bấy giờ tôi đau khổ quá, đã đến phát điên lên mất, vì nàng sắp phải từ trần. Rồi tôi nghĩ ra rằng đã đến lúc này thì bao nhiêu họ hàng, thân thích của nàng, mặc lòng xưa kia giận dữ với nàng, nay tôi cũng gọi đến. Cả gia tộc rất danh giá ấy tôi phải lo sao gọi cho đủ mặt để trong khi hấp hối, nàng được cùng những người thân yêu thứ tội, và ngộ có dặn lại gì chăng.

Thế là chẳng kịp ngỏ ý với người yêu, tôi vội viết ngay hai lá thư, một cho bà phủ Vĩnh Tường, một cho ông quan tai to tại Huế. Rồi hôm sau, tôi chỉnh tề khăn áo, tìm đến nhà ông cụ giáo, cậu ruột Bích Nga.

Tôi cũng không còn nhớ lúc đến nhà ông cụ ấy vào độ mấy giờ. Hình như ông cụ đang vào bữa cơm trưa, hay cơm chiều thì phải. Thấy dáng điệu tôi vội vàng, hấp tấp, ông cụ vội quăng đũa, bát, tiếp ngay.

- Thưa cụ, ở đời này, cũng có lúc mà những chuyện hờn giận trong gia đình phải vứt bỏ đi, mà tha thứ cho nhau mới phải...

Bộ mặt bình tĩnh đáng kính ấy bỗng quay lại nhìn tôi một cách ngạc nhiên.

Tôi - lố thật! - Tôi vẫn cứng cỏi thêm rằng:

- Thưa cụ, cô cháu ruột cụ đã đến lúc hấp hối rồi, bây giờ chỉ còn chờ có cụ...

- Cháu ruột tôi, ông bảo?... Thì nào tôi có đứa cháu gái nào đâu?

- Thôi đi, con xin cụ, cụ đừng cố chấp thế. Tội nghiệp lắm. Cháu ruột cụ, người sắp qua đời là bà tham Ngọc, thuở trẻ cụ vẫn gọi là: cháu Bích Nga.

- Thôi, dễ ông lầm nhà rồi! Cô Bích Nga hay bà tham Ngọc là ai, nào tôi có biết!!!...

Rồi ông cụ từ từ đẩy tôi ra khỏi cửa, chắc rằng trong bụng cho tôi là một thằng hoá dại. Cái mặt một thằng đã mất trí khôn, bấy giờ hẳn giống mặt tôi thì phải. Cơ sự xảy ra đến thế này thì thực bất ngờ quá đỗi, hay là Bích Nga lừa dối tôi chăng?

Nhưng sao lại phải bày đặt ra đến thế?

Bất thình lình, óc tôi chợt nảy ra một ý: đến hỏi vị tiểu thư Bích Nga vẫn bảo là cô học trò giỏi nhất về cả thêu thùa, bánh trái, ca hát, địch đàn.

Giựt chuông xong, tôi hỏi tên bồi ra mở cửa.

- Bà tham Ngọc?

- Không phải đây!...

- Vẫn biết thế rồi, nhưng bà ấy vẫn lại đây dạy con gái cụ lớn học tập nữ công...

- Cụ lớn nhà tôi làm gì có cô nào? Lạ thật! Không biết ông định hỏi việc gì mà... lại thế!

Rồi nó đẩy sầm cánh cửa vào mũi tôi một cách bất bình. Thì ra tôi đánh thức nó dậy lúc ấy đúng một giờ đêm.

Tôi tất tả ra về, không còn định đi đâu hỏi nữa. Chắc rồi ai cũng đáp mình đến thế chứ gì? Bước chân vào nhà, tôi thấy dưới đất vứt một phong thư, thư trả lời của bà phủ Vĩnh. Tay bóc thư mà lòng đã biết trước, ông phủ Vĩnh rất lấy làm lạ vì bà vợ ông chẳng hề có cô em gái gọi là Bích Nga hay bà tham Ngọc bao giờ!

Thì ra trong hai năm giời ăn ở với nhau, mỗi lời nói của người yêu quý của tôi là một lời bịa đặt. Trăm nghìn mối ghen mới đua nhau dày vò tôi lúc ấy, tôi cũng chẳng biết mình định làm gì, đẩy cửa bước đến gần giường bệnh, mắt nhìn chòng chọc, muốn chỉ dùng đôi mắt căm hờn, đau đớn để hỏi bệnh nhân.

Bao nhiêu điều xưa nay làm khổ tôi mãi, trước mặt người yêu bấy giờ tôi mới đem trút xuống:

- Này cô, những ngày chủ nhật, cô làm gì mà lên phủ Vĩnh Tường?... Những buổi tôi ngồi cặm cụi trong toà báo thì cô đi nhảy những đâu? Những đêm vừa rồi, cô ngủ những đâu... mà ngủ với ai??? Ô hay! Mau lên, trả lời đi cho tôi biết chứ!

Rồi tôi cúi mặt xuống nhìn, nhìn bộ mặt vẫn còn đẹp đẽ, say sưa ấy, cố ép nàng phải đáp. Nhưng nàng vẫn thản nhiên, tỉnh trí, chẳng hề hé cặp môi son.

Tức quá đi mất, tôi lại vỗ ngực, bứt tóc, rít lên rằng:

- Mày có đi dạy học ai đâu? Mày tuy thêu thùa giỏi thật, nhưng nữ công, nữ hạnh gì mày? Tao đã đi hỏi khắp nơi rồi, không một ai biết mày là người ở đâu sất cả! Vậy thì những đồ trang sức kia ở đâu mà đến, tiền bạc mày ăn tiêu phung phá, mày lấy đâu ra?

Nàng chỉ nhìn tôi một cách rất đỗi đau đớn, buồn rầu, ấy thế! Giá tôi cứ để nàng được tĩnh tâm mà nhắm mắt có lẽ phải hơn.

Khốn nỗi! Tôi rất yêu nàng, yêu quá đi mất. Lửa ghen vẫn mạnh hơn lòng xót, nên tôi chẳng nhịn được lời.

- Mày đã lừa dối tao trong hai năm giời, trong hai năm giời tao ăn ở với mày, ngày nào mày cũng lừa tao, lúc nào mày cũng dối tao. Đời tao có những chuyện gì là mày biết tất mà đời mày thì thật là tối tăm, bí mật, tao chẳng được biết một tí ti gì... Cả đến tên mày là gì, tao cũng không biết nốt!... Phải, tên mày tao cũng không được biết vì Bích Nga hay bà tham Ngọc là chuyện mày bịa đặt, có phải không? Giời ôi! Người đâu có người man trá, lọc lừa! Trong hai năm nay nó dan díu với tôi mà bây giờ nó chết trong cánh tay tôi, tôi cũng không biết tên nó là gì, thảm chửa?! Này mày là ai? Hở? Mày ở đâu mà đến dan díu với tao? Đời tao chỉ có thế đấy thôi, mày quyến rũ tao để định làm cái trò gì? Nào! Ơ hay! Nói đi, nói mau lên cho tao biết chứ???...

Công toi cả! Đáng lẽ đáp những lời tôi dày vò, đay nghiến, nàng chỉ khẽ quay mặt vào tường, hình như sợ để tôi nhìn mãi cặp mắt nàng còn mở thì đoạn đời bí mật của con người ấy tôi khám phá ra chăng.

ấy thế là con người đáng ghét mà cũng đáng thương ấy chết, chết mà còn để lộ tiếng là con người gian dối, con người đã cùng tôi hai năm dan díu ấy, mà đến bây giờ tôi cũng không được rõ gốc tích và tên tuổi là gì!...

6

Người có quyền

Vũ Trọng Phụng

Đứng ngắm trước gương, anh ta cài khuy cổ áo, vuốt lại hai tà áo nhăn nheo, đội lại cái khăn lượt cũ cho chữ nhân đúng ở giữa trán. Anh ta nhìn vào gương một lần nữa, thấy mình "không ai chê vào đâu được", bèn ung dung ra đi. Chợt nhìn xuống đôi mũi giày Gia Định anh lại hấp tấp quay vào gầm giường cúi tìm đến rỏ mồ hôi tai mới thấy cái bít tất cũ. Anh lau mũi giầy, vui mừng rằng đã không quên một việc có thể rất có hại cho danh dự của anh. Chứ gì! Anh mà lại đi đôi giầy bụi bậm ra phố thì thiên hạ cười chết!

Qua gian nhà cầu, thấy bà mẹ đương ngồi cân tơ, lưng quay vào tường, anh rón rén gót chân như một tên trộm. Anh thở dài sung sướng vì mẹ không biết, không gọi lại hỏi, không căn vặn, để mà, sau cùng, đay nghiến là anh lêu lổng, là ăn hại, và bắt quay trở lại, bỏ khăn, áo ra.

Ra đến cửa hàng, cô Loan, em gái anh, lúc ấy đương có mấy cô bạn, trông thấy anh thì thảy đều ngồi im một cách kính cẩn. Các cô đương bàn chuyện mặc "soóc" để chiều chiều, lên diện ở Hồ Tây... Thấy em gái đương chuyện như pháo ran mà trông thấy mình lại vội im bặt, anh ta vừa ngạc nhiên, vừa sung sướng, không hiểu tại sao bỗng dưng cô em lại sợ mình đến như thế.

Ngoài phố, đèn đã sáng. Một ít giai gái đã bắt đầu đi nghễu nghện hai bên hè, tìm những cái thú ăn chơi của ban đêm. Anh tránh cái hè đông người, bước sang hè bên kia. Anh đi đến phố Cửa Đông, Đường Thành...

+

+ +

Nhưng mà đến chợ Hàng Da, đương đi thẳng, anh bỗng dừng chậm đà chân, rồi tiến thẳng về phía Ngõ Trạm. Anh ta tự hỏi: "Ta có nên đến đấy ngay bây giờ không? Ta lại hai bàn tay không như thế này mà đến chỗ ấy ư?" Thế rồi anh liên miên nghĩ đến bà mẹ ác nghiệt, người anh cả hiện đã là một ông phán, "vinh thân phì gia", thằng em giai hiện đã đỗ tú tài mà chỉ giỏi hát lối Tino Rossi và đi đêm với bọn vũ nữ, cô em gái út rất tân thời, được bà mẹ nuông hết sức mà mãi chẳng "thấy ma nào nó rước"... Bỗng đâu anh oán giận tất cả ngần ấy người... Hôm nay, anh đã là cha một đứa trẻ con! Vợ anh đã đẻ được một đứa con giai kháu khỉnh vậy mà anh phải hai bàn tay không đến nhà hộ sinh! Mà gia đình anh tịnh không ai biết!

Nghĩ đến đấy, anh đứng dừng hẳn lại, rất ngạc nhiên để tự hỏi mình như một người qua đường: "Thế có tức không? " Vì lẽ không ai đáp, anh lại cắm đầu cắm cổ đi, đi mãi, cũng chẳng biết có nên tức hay là không nên tức.

Vợ anh? - à, mà cái đó đã cố nhiên, thế là nó đã là vợ tôi, đứa bé kia là đứa con tôi, thưa các ngài! Đó là một người đàn bà góa chồng rất trẻ, cũng vui vẻ, nhí nhảnh như số đông những người góa chồng khác, mà anh đã gặp trong một cuộc chắn cạ, mà anh đã chim... Đã chim...? Bẩm chính như thế đấy ạ! Nói thế chắc hẳn chẳng ai tin đâu, nhưng mà sự thực ấy là thế. Người xưa nói "Tâm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi" - Phải biết! Hạnh phúc là một thứ quà của sự tình cờ nó thường cũng có khi rơi vào giữa mồm cái thằng đại lãn nằm dưới gốc sung, hay là nó thường rơi vào tay những quân ngu dại. Người xưa cũng đã nói cả rằng: "Ngu phúc xuẩn thọ". Nhưng mà chính anh ta thì, thật tình, anh chẳng biết mình là một người ngu.

Thấy anh mà cũng có nhân tình, có một người hỏi nửa thật nửa bỡn:

- Ô kìa, ông hai! Làm thế nào mà khéo thế, gớm! Cái món ấy kháu đấy nhỉ? Thế đã nước gì chưa?

Đối với một người vô nghề nghiệp thì có một cô nhân tình cũng như là có một chức nghiệp. Anh ta vui vẻ đáp lia lịa:

- Chứ ông tưởng! Cái món ấy nó yêu tôi thì còn oan cái nỗi gì!

Thật vậy. Là vì anh không hiểu rõ cái giá trị của anh. Chỉ biết rằng có một bà mẹ là một cụ cử hẳn hoi, có một ông anh phán sự ngoại ngạch, có một cậu em tú tài, có một cô em gái hết sức "a la mốt" thì là danh giá chán, anh ta chưa hiểu rằng tuy vậy, anh cũng chẳng là "cái quái" gì cả. Nhưng mà thiên hạ lại chẳng ai nhìn anh bằng cái thứ mắt mà anh nhìn anh. Người ta chỉ trông thấy anh là một kẻ "thằng không ra thằng, ông không ra ông", văn dốt, vũ dát, hai mươi bảy tuổi đầu còn ăn bám vào mẹ, cả ngày đi tìm những gia đình nhàn cư vi bất thiện để gạ đánh cờ không ăn tiền hay là chầu rìa tổ tôm. Mà, rõ khổ! Đã thế, thỉnh thoảng lại còn đi nhầm giầy nữa! Trong phố, người hiền lành nhất đời cũng bình phẩm anh là: "Rõ cái anh chàng đến vô vị!". Còn người độc ác thì lại kêu: "Cái thằng ấy có chó lấy!". Cả đến chính bà mẹ của anh nữa cũng không bao giờ nghĩ một cách thận trọng đến việc lấy vợ cho anh. Bà chỉ ngong ngóng xem người nào ế chồng, nhiều tuổi hơn anh hoặc là đã góa chồng rồi, thì mới dám mong không bị từ chối.

+

+ +

Bởi thế cho nên anh... đi chim! Bởi thế, anh phải có nhân tình! Mà có rồi ạ, rồi ạ!

Anh tự nhủ:

- Mẹ ta không muốn cưới vợ cho ta chỉ vì không muốn mất ba trăm bạc. Thì ta sẽ lấy vợ không mất một xu nào! Cho mà xem!

Anh lấy vợ thật: người đàn bà ấy ăn ở với anh non vợ chồng mà già nhân ngãi... Tại sao người ấy lại yêu anh ta nhỉ? Rõ khổ lắm, thì còn ai hiểu được lòng người, nhất lại là lòng người đàn bà. Trong một buổi chắn cạ có sự thân mật, có sự kề đùi kề vế, anh ta vô tình mà cảm được một người đàn bà góa chồng có trong lòng bao nhiêu giây đàn mà đã từ lâu không có tay tiên nào gảy đến. Tức khắc, người ấy yêu anh. Một lần, hai lần, những tưởng giải trí qua loa thôi, không ngờ cái tình bắt đầu phai thì cái nghĩa nó cũng sắp sửa thấm. Nói cho cùng, người đàn bà ấy trót nhỡ mà yêu anh. ấy sự đời là thế: có thứ đàn bà lấy chồng hoặc theo giai y như người ta trót nhỡ đánh vỡ mất một cái chén vậy.

Về phần anh thì anh chẳng tốn kém một đồng xu. Vợ anh tuy cô độc, tuy nghèo, song cũng có một nghề độ thân. Vợ anh bán guốc trên chợ, thuê một căn nhà nhỏ trong ngõ Hàng Hành. Sớm đi tối về, cơm đèn hai bữa. Trong những lúc ái ân, anh đã hứa:

- Mình cứ an tâm. Rồi tiện dịp, tôi nói với bà lão nhà tôi thì mình cũng được về nhà tử tế. Rồi chúng ta xin bà lão trăm bạc làm cái vốn riêng.

Người đàn bà kia gật đầu. Tuy anh chẳng có nghề gì, nhưng cũng "con nhà danh giá". Em ông phán, anh cậu tú, con cụ cử. Bẩm phải ạ, vậy các bà cứ thử nghĩ xem!

Ngót một năm trời, anh đủ sống sung sướng. Tuy ban ngày chỉ đi gạ đánh cờ không tiền hay chầu rìa ván tài bàn, nhưng mà, tối đến, từ 9 giờ đến 11 giờ thì anh lại căn phòng nhỏ với người yêu. Xong cuộc anh về nhà trình diện mẹ, bị đánh chửi là đêm nào cũng đi, như một người con chí hiếu ở thế kỷ hai mươi vậy. Chỉ có một lần là anh phải ngờ vực cái người chung tình có một của anh. Mười giờ đêm hôm ấy, sau khi ốm liệt giường liệt chiếu mất một tuần lễ, bất thình lình anh khỏi, và đến với vợ. Thì vừa lúc anh gặp một ông to béo ăn mặc như một quan hàn, từ buồng vợ đi ra, dáng điệu mỏi mệt, lừ đừ. Anh đã nghi, nói xa xôi, bóng gió, hỏi thật, thì vợ anh thét lên: "Cậu người ta đấy, khỉ ạ!" từ đấy anh không gặp mặt cậu vợ ở nhà vợ nữa, và được yên tâm.

Mãi đến bây giờ, vợ anh đến nhà đẻ, nằm phòng ba chục một tháng.

+

+ +

Anh ta lại từ Ngõ Trạm quay về phố Cửa Đông. Vì anh ta đã nghĩ: "Tuy bây giờ ta không có xu nào trong túi, nhưng mà nay mai hẳn phải có tiền giúp được người yêu... Miễn sao cái khai sinh gửi ra tòa Đốc lý! Thế là quan Đốc lý ngài nhận thực rằng ta là chồng nó, là cha đứa bé. Mà lão có muốn phá cũng không kịp nữa: quan trên nhận thực rồi!".

Sau khi lý luận ngây thơ như thế, anh gõ cửa nhà hộ sinh. Vợ anh trông thấy anh thì sưng mặt lên, không nói gì cả, song anh cho đó là cái oẻ hoẹ, cái khó tính của gái đẻ. Người nữ khán hộ giơ đứa bé con giai ra nói:

- Con giai hẳn hoi! Giống ông như đúc?

Anh nhìn đứa bé, chẳng thấy nó giống mình mấy (vì trẻ mới đẻ đứa nào chả thế) nhưng cũng nói:

- Vâng, nó giống tôi.

Cô khán hộ lại tiếp:

- Đây này: cái tai dầy chính là tai ông, cái nhân trung dài chính là nhân trung ông!

Anh ta gật đầu:

- Cám ơn bà, bẩm chính thế đấy ạ.

Rồi ngồi im như phỗng, hưởng cái sung sướng có vợ, có con. Khi cô khán hộ ra khỏi phòng, anh mới hỏi người yêu:

- Khai sinh cho con chưa thế, hở mợ?

Người yêu của anh, đến đây, ngồi lên, rầu rĩ nói:

- Thôi, tôi cũng không thể dấu anh được nữa, vậy tôi dằn lòng phải nói... Người kia nhất định khai sinh cho nó rồi.

Anh ta lặng hẳn người đi như mó phải dây điện. Vừa thở hồng hộc vừa hỏi:

- Thế nào? Nói gì thế? Người kia là đứa nào? Đứa nào là người kia?

Người vợ chung tình chép miệng làm gọn một câu:

- Cái lão mà anh đã gặp, mà tôi đã nhận là cậu tôi, chứ còn đứa nào!

Anh ta đứng hẳn ngay lên, nắm tay lại. Những người hiền lành hay cục, những kẻ ngu vẫn quen hung hăng. Nhưng người đàn bà ấy điềm tĩnh:

- ấy thế mới phiền chứ!

- Sao mày đã thề với ông?

- Ai bảo anh đi tin thế?

- á à! Gớm nhỉ! Mày nói cái mồm mày cứ gọn thon lỏn đi thôi! Chuyện dễ nghe nhỉ? Ông lại chém cổ... mày đi bây giờ...

Anh ngưng lại để mà ngạc nhiên về cái phũ mồm của mình lần đầu trong đời, anh đã nói nặng người yêu. Nhưng người đàn bà cũng nổi nóng chẳng kém:

- Thôi đi, anh câm đi! Anh ngu lắm? ừ, thử hỏi, trong một năm nay, tôi có tệ bạc gì với anh không, anh có cho tôi được lấy một đồng xu nhỏ nào không? Cái bộ mặt anh mà lại đòi có tiền à! Này tôi bảo thật, cái buồng ba chục một tháng này, tiền lão ấy đấy, cái buồng ba chục đồng ở ngõ Hàng Hành, tiền lão ấy đấy, cơm tôi ăn cũng tiền lão ấy, con sen tôi nuôi cũng tiền lão ấy, anh nghe ra chưa?

Anh ta tái người đi vì cái "lão ấy" sao nó lắm tiền thế! Anh ngồi im lặng nửa giờ để rồi tìm ra được mấy câu này:

- Mặc kệ chứ? ừ thì như thế, nhưng mà hỏi rằng đứa bé này là con nó hay con ông?

- Anh thử nhìn xem? Anh vội tin cô đỡ thế à? ấy là người ta nhầm, người ta nịnh anh. Cái mũi này mà là cái mũi anh à? Cái mồm này mà là cái mồm anh à? Hai con mắt này mà là cái mắt anh à?

Anh ta nhìn lại đứa bé mà người đàn bà giơ ra. Anh chỉ có thể biết đó là một đứa trẻ mới đẻ thôi, chứ giống chỗ nào thì anh không sao biết nổi! Tuy nhiên anh cứ nói bướng:

- Đích thị nó là con ông! Nó giống ông như đúc!

Người đàn bà xua tay:

- Thôi không phải rườm lời! Anh muốn còn tình còn nghĩa thì anh câm đi! Chứ đến luật pháp cũng không có quyền buộc tôi có bổn phận gì với anh cả! Mà người ta nhất định đứng tên trong giấy khai sinh rồi... Vả lại, anh có chắc đấy là con anh không?

Trước một lý luận cứng như thế, anh ta ngồi im như một con cóc. Thật thế, anh không có tiền, chẳng có quyền, cũng không dám tin đứa bé chính là con anh.

Anh đâm nản.

+

+ +

Anh còn ngồi ỳ ra đấy như một người đáng ghét thì người đàn bà nhìn qua cửa sổ một cách sợ hãi, nói:

- Chết chửa kìa! Người ta đến kia rồi! Anh đi đi!

Lúc ấy, ở sân nhà hộ sinh thấy có một người béo lùn - chính người anh đã gặp - hai tay ôm lễ mễ hai đống tướng những: hộp sữa, rượu bổ, lê, táo, khăn mặt bông, bí tất mới.

Tức thì anh ta thấy sợ, sợ như sợ một người cậu bên nhà vợ. Anh đứng lên đi lối cửa sau. Ra ngoài, anh lẩm bẩm: "Được, cứ nuôi cho nhớn! Để đấy! Bao giờ ông có tiền ông mới đi kiện, bắt thử máu cho mà xem!".

Sau cùng, thấy trong túi có hai hào, anh đến một tiệm thuốc phiện để giết cái buồn cũng như số đông những kẻ khổ sở khác.

7

Một đồng bạc

Vũ Trọng Phụng

Tặng Vũ Mỹ Lương

Thời xưa, khi loài người chưa đến nỗi phải sống chen chúc nhau trong những căn nhà rộng như hang chuột của cái thế kỷ tiến bộ này, cổ nhân cũng đã có những câu như "trạch lân xử" và "bán anh em xa mua láng giềng gần" để thuyết minh về cái liên lạc hệ trọng giữa những người sống gần gũi nhau, đề phòng những lúc nguy nan, tối lửa tắt đèn, hoạn nạn, dễ cầu cứu nhau.

Ngày nay, nhờ nạn nhân mãn, những thuế thổ trạch quá nặng, bọn người ít tiền chúng ta đã không còn biết cái tình liên lạc của "láng giềng", để mà hiểu rõ cái gì là cái hệ trọng của người "ở chung" đối với ta, lại thân mật hơn ông láng giềng thuở trước. Vì những lẽ cần kính trọng nhau, để dễ cần dùng lẫn nhau, cần lấy lòng nhau vào nhiều dịp, nhất là không thể giấu giếm, đậy điệm những cái xấu đi, cho nên những gia đình kim thời phải ở thuê chung nhau một nhà, đối với nhau quả là thân thiết hơn cả họ hàng nữa.

Nói thế rồi, bây giờ tôi mới xin kể một chuyện của tôi đối với một gia đình đã "trạch lân xử" với gia đình nhà tôi. Đọc rồi, độc giả nên sẽ tha thứ cho tôi, vì tôi đã là một kẻ khốn nạn.

*

* *

Kể từ khi ấy đến nay, tính ra đã bốn năm tròn. Nghĩa là sau khi sống chung đụng nhau một thời gian khá dài, hai gia đình chúng tôi mỗi bên dọn nhà đi một phương, đã bốn năm nay cách biệt hẳn nhau. ở cái thời buổi mà ai cũng sống hấp tấp, vội vàng này, những điều thiêng liêng đáng ghi nhớ thế nào đi nữa, thì rồi người ta cũng dễ quên khuấy ngay đi... Có phải thế không? Cho nên bốn năm trời xa nhau, tôi chẳng còn nhớ gì đến người ta nữa, mặc lòng xưa kia tôi đã cư xử và được đáp lại như anh em ruột thịt, tưởng chừng cái thân tình quý hóa ấy sẽ sống trường cửu trong ký ức của đôi bên mãi mãi.

Còn về phần người ta, liệu người ta có nhớ gì đến chúng tôi chăng? Có lắm. Bởi cớ nếu không, ắt đã chẳng có câu chuyện này...

Chỉ phiền một nỗi là khi người ta làm cái việc để tỏ rằng còn nhớ đến chúng tôi, thì người ta đã túng bấn, nghèo khổ, chẳng còn được như trước nữa. Vả lại, theo thường lệ, sở dĩ loài người ăn ở tử tế được với nhau, ấy chỉ là vì chưa làm gì đến nỗi để cho quyền lợi xung đột nhau mà thôi. Nếu cả hai bên ai cũng theo đuổi được cái điều kiện nay ăn miếng chả mai trả miếng bùi, một bên có đi thì bên kia cũng phải có lại để cho được toại lòng nhau, thì làm gì xã hội lại sẽ chẳng cứ mãi mãi là cảnh Bồng lai? Than ôi, cái áo rách nó mới đắc tội làm sao, và khi người ta tìm đến chúng tôi, thì chẳng may cái áo người ta đã rách!

Những tư tưởng ái nhân như kỷ cũng đôi khi làm rung động lòng tôi, lúc ấy nó mới biến mất đi đâu, để nhường chỗ lại cho cái tính đa nghi, cân nhắc, cái ích kỷ tổ truyền!... Vì chưng nghĩ đến mình, chỉ nghĩ đến mình và quyền lợi của mình, sự ấy nó cũng tự nhiên và có nhiều thú vị riêng của nó, thí dụ nói xấu và vu oan là một cách giồng cây đức của nhiều nhà làm báo chân chính chẳng hạn, cho nên khi người ta mặc áo rách và mang trên mặt tất cả những nét lo âu của sự túng bấn thì tôi chỉ còn kịp so vai một cái để lẩm bẩm rằng: "Lại tống tiền là cùng đây chứ gì!" y như một tay nhà giàu đã thấy phiền và chán nản ở cái sự cứ phải bỏ tiền ra thi ân...

Nhưng, bạn đọc đại lượng ơi, hãy khoan một chút, để tôi được thuật ra đây ít ra một vài điều gì nó tỏ cái thân tình của chúng tôi ngày trước đã.

*

* *

Người chồng là một thiếu niên đồng tuế với tôi. Địa vị trong xã hội thì thường thường bực trung, vì là một thư ký nhà buôn lương tháng độ bốn chục. Lối đánh giá con người vào thời buổi bây giờ chỉ là lục lọi đến số tiền lương tháng nhiều hay ít, chứ có phải kể đến học thức, nhân phẩm gì đâu! Nhưng nếu phải giới thiệu ông láng giềng của tôi kỹ hơn nữa, thì tôi xin nói đó là một người học thức trung lưu, đạo đức trung lưu, tài sản trung lưu; nghĩa là, nói tóm lại, là một người chẳng đủ làm cho ai sợ nhưng cũng chẳng để cho ai khinh được.

Còn người vợ, thì rất xứng đôi với chồng: nhan sắc bình thường, nhân phẩm trung đẳng, còn học thức thì, theo như công lệ, cố nhiên là không có chút nào rồi.

Cặp vợ chồng ấy rất tương đắc với vợ chồng chúng tôi. Tình lân lý của đôi bên cứ theo thời gian mà càng ngày càng thêm bền chặt bằng cách biếu xén nhau mọi của ngon vật lạ, mời mọc, thết đãi nhau luôn luôn, và cả hai bên đều lấy thế làm thỏa mãn, dẫu rằng sau khi tôi thấy vợ tôi được nhận một thứ thực phẩm đầu mùa hoặc hóa vật kỷ niệm gì, thì tôi lại giật mình đánh thót một cái, băn khoăn kiếm cách đền lại. Và khi được trả lại, tôi cũng chỉ thấy họ tươi cười cảm ơn mà nhận, ra vẻ sung sướng một cách rất thành thực, thế thôi. Thật vậy, những trò giả dối ấy, chúng tôi vui lòng tự mình lừa dối mình để coi nó là những hành vi chân thật. Không bao giờ chúng tôi lại chịu thú nhận rằng thế là đã làm khổ nhau, và chỉ có thể tử tế được bằng cách cứ làm khổ nhau mãi mãi mà thôi. Điều chẳng cần nói ra đây, là sau những cử chỉ rất anh hùng ấy, thì cả hai bên đều mắc nợ, vì lương tháng hai bên cố nhiên không đánh thăng bằng được cột thu và cột chi.

Do những lẽ ấy, trước còn xưng hô nhau: thưa ông, thưa bà. Rồi, sau một thời kỳ "bác bác tôi tôi" đến cách gọi nhau là anh chị, như ruột thịt chân tay. Cuối cùng, hai thằng nam nhi chúng tôi lại thân mật đến "mày tao" với nhau nữa, những khi không có mặt hai người đàn bà. Ký Bích - tên người bạn - với tôi tưởng chừng đã có thể từ đó sẽ sống chết có nhau.

Tôi còn nhớ rõ như mới hôm qua, một lần phát tài, vợ chồng ký Bích mời vợ chồng chúng tôi đi lễ chùa Hương mà anh thì có bộ Âu phục màu gỗ hồng rất đúng mốt, mà chị thì nhờ cái áo nhung đỏ mới may, tự nhiên xinh đẹp khác thường như là đột nhiên biến thành cô tiên, tuy đó có thể chỉ là một tiên nga trung lưu. Chúng tôi đã đủ sung sướng, hả hê vì thấy được quý hoá, để hai tháng sau phải lo méo mặt thết lại bạn thân ba ngày nghỉ mát Sầm Sơn rồi mới ăn ngon, ngủ yên được.

Nhưng mà... cảm động và đáng nhớ hơn nữa, là thái độ của anh và chị Bích đối với con tôi, đứa con gái đầu lòng. Chị Bích thường chểnh mảng cả việc bếp nước để lên giúp vợ tôi, hoặc kiên tâm ngồi ẵm con tôi như một người vú em có lương. Khi con tôi đến lúc biết hóng chuyện, những khi đi làm việc, anh Bích đã nhiều phen để nguội cả cơm canh vì mải lên "yêu cháu một lát". Bao giờ tôi lại quên được những lời thông thường rất thi vị mà anh "nói ngọng" sau khi quệt ngón tay trỏ vào má con bé, đại khái những:

- Cháu gái tôi, ồ là, tôi "êu" nó lắm cơ! à, cháu tôi cười rồi! Bác "êu" cái má bánh "đúng" này này! Bác "êu" cái miệng bé bé này này! Bác "êu" cái cằm quả táo này này! Bé ơi, bé êu êu quí quí của bác ơi!... A hà cười! Thích quá, thích quá!

Rồi anh ký Bích hôn hít con bé mãi không thôi, làm nó cứ cười toe toét, và làm cho tôi cảm thấy cả cái hạnh phúc của một thằng đã là "bố trẻ con" mà con gái lại trông hay hay, mẫm mụi, nghĩa là tóm lại theo một câu nói riêng thì là "trông cứ như con chó Cún".

Những lúc như thế, tôi đã rõ rằng tình bằng hữu, tình lân lý của con người ở đời, dẫu sao, cũng chẳng phải chỉ là những danh từ điêu trá của văn chương đâu!

*

* *

Thế rồi, ngày hôm ấy...

Giữa lúc tôi đương đứng cạo râu trước gương, sắp sửa để đến chỗ hẹn với một người bạn ở tỉnh xa về chơi mà tôi có bổn phận tiếp đãi thật long trọng, thì chị Bích bước vào nhà. Vợ tôi lúc ấy lại đi đâu vắng...

Chị Bích làm cho tôi giật mình... Thật là bất ngờ quá đỗi! Cái áo the nâu của chị, vừa rách lại vừa bạc, trông mới thảm hại làm sao! Đôi guốc mòn gót, quai cao su lốp ôtô lộn ngược mà chị kéo lê sền sệt, cả gót chân thừa ra ngoài, trông mới khổ sở làm sao! Thật là khác hẳn bà ký Bích ngày xưa, bao giờ ra phố cũng áo lụa hoặc áo nhung rất lịch sự.

Tôi ngạc nhiên đến nỗi cứ ngẩn mặt ra, quên cả cạo râu, quên cả mời khách ngồi. Tưởng bị tôi khinh, chị ta sau khi hỏi rằng vợ tôi có nhà không, cũng đứng đấy, mặt cúi xuống để lúng túng, để bẽn lẽn và có lẽ để khổ sở nữa. Tôi bèn đẩy ghế mời chị ta ngồi, và không gọi pha nước mới, tôi chỉ rót ra đấy một chén nước chè cũ pha đã hai lần. Tôi bực mình cũng như bao nhiêu người đương lúc vội ra đi mà bị có khách đến ám. Rồi tôi cứ tự do cạo râu trước gương, sau khi hỏi qua loa một câu vô duyên:

- Thế nào, dạo này hai bác có phát tài không?

Thấy chị Bích hổ thẹn đáp cũng vô lý như câu hỏi:

- Không dám ạ, cảm ơn bác.

Đến lúc ấy tôi mới nhớ ra không biết ai đã nói với tôi rằng vợ chồng ký Bích, từ khi không còn ở chung với tôi, đã lâm vào cảnh khổ sở, và đã có hai con... Chồng thì đương làm ăn yên lành bỗng bị sở loại, vợ thì cứ ốm luôn, hai đứa con cũng lại hay sài... Nghe đồn hình như bây giờ cái gia đình ấy đem nhau ra nheo nhóc ở một gian nhà lá ngoài bãi Phúc Xá, và anh ký Bích bây giờ phải bán bánh tây cà phê ban đêm, và chỉ ban đêm thôi: Anh hổ thẹn, sợ cắp thúng và xách lò đi ban ngày gặp bạn hữu, họ mạc... Phải, phải chính thế, tôi nhớ ra rồi! Người đã thuật chuyện ấy là bạn của cả Bích, lẫn tôi. Và nói thế là để thương hại chứ không phải để nói xấu...

Nhớ lại như thế, tôi bỗng lại giật mình. Tôi tự nhủ: "Liệu hồn! Lại bị tống tiền rồi đây!" Rồi tôi thấy phiền quá, vì chị Bích làm cho tôi sợ hãi quá, nhất là không biết đến bao giờ mới để tôi ra đi cho thoát.

Khổ thật! Râu cạo mãi cố nhiên cũng phải đến lúc hết nhẵn, tôi đành cất dao đi, và quay lại, ngồi xuống ghế đối diện chị ta. Và chẳng nhẽ lại không nói gì, tôi đành mở mồm:

- Mời bác xơi tạm chén nước.

- Dạ, vâng.

Đáp xong, chị Bích uống chén nước một hơi, y như một người đương đói lắm. Chẳng phải là một kẻ vô lương tâm hoàn toàn, tôi bỗng thấy hổ thẹn về cái lãnh đạm của tôi. Và thay đổi thái độ:

- Thế ít lâu nay hai bác làm ăn ra sao? Tôi chẳng biết nhà đâu mà đến chơi! Mà hai bác cũng không năng đến chơi với chúng tôi, thì tôi còn biết gì được!

Mắt chị ta bỗng quắc lên vì sung sướng và hy vọng. Than ôi, con người ta khi đã lâm vào cảnh nghèo, có ai mà lại không hèn! Cái hạnh phúc của chị ta, lúc ấy nó có được chỉ vì thấy tôi nói một câu giả dối ra vẻ săn sóc, là chẳng kém một cung phi đã già đời nằm dài trong lãnh cung mà một hôm được thấy cái xe dê của vị quân vương. Đối với chị ta, lúc ấy tôi là một vị thiên phúc chi tinh vậy! Bây giờ chị mới đủ can đảm ngập ngừng kể lể:

- Thưa bác, một hôm em gặp bác gái ở Đồng Xuân, nói rõ phố và số nhà rồi hẹn lại chơi, cho nên hôm nay em mới dám đến đây... Thưa bác, từ dạo ấy thì nhà em mất việc vì sở loại bớt người... Từ đấy tìm mãi việc làm không được. Em thì cứ hay ốm yếu luôn, lại đẻ được hai cháu, mà hai cháu cũng cứ sài đẹn luôn luôn... Hiện giờ thì túng kiết khổ sở lắm. Xưa kia, ở chung với bác, được trăm phần thì nay không được lấy một phần... Chẳng dám nhìn mặt ai nữa, chẳng dám tìm đến ai nữa. Nếu bác gái không bảo lại đây thì em cũng không dám đường đột lại đây thế này đâu. .. Dạ bẩm thế bao giờ bác gái mới về ạ?

Tôi đáp cho phải phép:

- Đến chiều nhà tôi mới về... Chết nỗi, thế mà tôi không biết rằng hai bác vận hạn nhiều thế.

Chị Bích giương to đôi mắt đăm đăm nhìn mãi tôi. Có lẽ đương cầu Trời cho tôi bảo cứ ngồi đấy mà đợi vợ tôi vì thấy tôi thắng bộ vào như thế, chị rất hiểu là tôi sắp ra đi có việc.

Còn tôi, lúc ấy, thì tôi nghĩ gì?

Tôi có nhớ đến cái tình chung chạ nặng hơn hàng xóm láng giềng của chúng tôi khi xưa không? ừ, cái thân tình gần như ruột thịt những ngày vui cũ, tôi có còn nghĩ gì đến hay không?

Tuy cũng có đấy, nhưng nhớ để rồi quên ngay. Vì tôi còn bận tâm lo bạn tôi đương vì đợi tôi mà sốt ruột, bận tâm giận vợ tôi sao lại hẹn nguy hiểm thế, và nhất là bận tâm vì áy náy không biết khu xử ra sao... Tiền! Than ôi, lại chỉ những chuyện tiền!

Bao nhiêu cái gì là ích kỷ, là đê hèn, là chó má, là tàn nhẫn, lúc ấy đều thức dậy cả trong cái tấm lòng khốn nạn của tôi. Cúi đầu xuống, tôi bĩu môi nghĩ về vợ chồng ký Bích: "Sướng lắm thì khổ nhiều!" ấy thế là những sự thù tạc, biếu xén, quà bánh, thết đãi của vợ chồng ký Bích khi xưa đã làm cho tôi thấy là vinh dự, đáng quý hoá, thì bây giờ chỉ khiến tôi thấy đó là kiểu cách, lôi thôi, phiền phức, giả dối, khó chịu, và nhất là tai hại, hầu như là đã khiến cho vợ chồng tôi vì đối đáp lại những cái ấy mà đã có hồi khuynh gia bại sản nữa! Tôi thấy họ đáng kiếp, không đáng thương tí nào.

Nhưng mà vợ tôi đã gọi người ấy đến; rõ mới tội nợ!

Thì... không mất tiền không xong! Tôi đành hỏi ngay:

- Bác cần tiêu bao nhiêu?

Cố nhiên là chị Bích nghĩ mãi mới đáp:

- Nếu được bác giúp cho độ ba đồng bạc thì cháu bé cũng sống mà vợ chồng tôi cũng đỡ phải lo trong một tháng.

Lúc ấy, túi tôi có thừa năm đồng. Nhưng mà, như trên đã nói, tôi còn phải thết đãi người bạn. Ngay bây giờ, chúng tôi rất cần đi ăn, đi chơi! Nếu không, tôi sẽ chẳng ra giống người, vì ông bạn tỉnh xa của tôi đã đối với tôi chu đáo, ân cần lắm! Thế rồi đáng lẽ đưa ra cho chị Bích vay hai đồng thì, không hiểu sao tôi chỉ đưa ra có một đồng. Và tôi bỗng nói khác hẳn như đã muốn:

- Thôi đây này, có đồng bạc cho cháu ăn quà, bác cầm lấy... Chúng tôi tuy vậy dạo này cũng túng, chẳng có gì đâu... Đây là tôi cho cháu nhé, chứ không phải chuyện nợ nần gì cả.

Tôi đã dùng cái lối rất cổ điển: cho hẳn, để mà "rào đường". Vì tôi sợ nhất cái chuyện sẽ bị quấy nhiễu về sau! Vì cho thì một đồng đã là to: còn cho vay thì lại là ít quá, không được tử tế như cho hẳn.

Chị Bích cầm tiền, cảm ơn, bẽn lẽn ra về.

Chị hài lòng chưa? Đủ sướng rồi hay còn cho là ít? Tôi cũng không biết.

Chỉ biết hôm ấy, tôi đã tự đắc như một nhà từ thiện, vì lẽ cố nhiên tôi coi đồng bạc ấy của tôi là rất to!

Quả như vậy, từ đấy trở đi, không bao giờ chị Bích còn dám bén mảng đến cửa nhà tôi nữa. Tôi đã rất thành công trong cái sự rào đường một người bạn nghèo. Rồi thì, chẳng cần phải lâu ngày, chuyện ấy cũng chóng bị quên đi... Nhưng về phần chị Bích thì không. Chưa có nghìn vàng dễ thường không bao giờ chị ta dám nghĩ đến sự đền ơn bát cơm Siếu mẫu, dẫu rằng người thi ơn kia, quả thật đã chẳng có cái từ tâm của Siếu mẫu.

Vài tháng sau đó...

Bữa ấy nhằm một buổi sáng chủ nhật, tôi cùng mấy người bạn đã lên một toa xe điện chạy từ Bạch Mai về Bờ Hồ. Khi đến chợ Hôm, chợt thấy chị Bích ẵm con, bước lên. Đêm trước chúng tôi vừa mới thực hành cái truỵ lạc chủ nghĩa. Vừa đem thi thố mấy ngón tài hoa, như nốc rượu, hút thuốc phiện, đùa gái, văng tục, và nói xấu những người bạn thân vô phúc đêm ấy không có mặt tại một tổ quỷ nào đó ở xóm Vạn Thái, cho nên sáng hôm nay, mặt chúng tôi đều bơ phờ, hốc hác, thiên hạ cứ thoáng nhìn cũng đủ rõ là bọn này đã từ cái chốn ác hại nào mà chui ra... Lại thêm lúc chi tiền, chúng tôi đã bị một ả đào lè nhè xin thêm mãi, cho nên lúc ấy tôi đương bực mình cực điểm, thấy rằng cuộc đời đã bị đầu độc, mà chưa biết bao giờ mới có một cuộc vui nào khác nữa đến tẩy độc cho... Âu cũng là nhằm ngày đen đủi của chị Bích vậy.

Trông thấy chị lên xe, tôi lại giật mình, nhưng không thể lánh mặt được, tôi đành ngả mũ chào chị, và cố nhiên cái vẻ mặt lúc ấy là phải lãnh đạm. Cái áo the nâu của chị lại rách hơn trước một chút nữa. Và bây giờ thì chân chị - hai bàn chân xưa kia xinh và trắng - xéo lấm, vì chắc đôi guốc đã không còn dùng được rồi. Còn đứa con chị ẵm trong tay thì xanh xao, gầy quá, đầu thì lấm tấm có mụn trốc, cặp môi thì đã thâm như của một dân bẹp tai! Lúc chị Bích sắp nâng một bên vạt áo lên để giới thiệu con, tôi bỗng có cái cảm tưởng lạ lùng y như người ta lúc sắp được thấy, trong cuốn sách phóng sự, bao nhiêu điều xấu xa bí mật sắp bị phơi ra dưới ánh sáng vậy. Thật thế, không gì thất vọng bằng một cái mặt trẻ con mà lại không đủ cái hay, cái kháu, để mời chào ta một cái hôn... Tuy vậy, tôi cũng nhớ ngay đến thời xưa, khi con gái tôi mới đẻ, nó đã được chị Bích quý hóa như thế nào. Và tôi đã hỏi mấy câu qua loa về đứa bé, để rồi ngắt chuyện, xin diêm thuốc các bạn hữu cùng ngồi quanh đấy, ý muốn cho chị Bích mau lấy áo đậy con lại.

Xe điện chạy chậm quá thật! Mười cây số mỗi giờ, giữa một tỉnh to như Hà Thành! Thật là một cái hổ thẹn của văn minh! Vì rằng, than ôi! Tuy tôi đã im lặng lờ hẳn đi, nhưng chị Bích đã bắt đầu kể lể!... Chị nói rõ về cảnh nheo nhóc, mọi điều tai biến, mọi sự đói khát, đau khổ, mà cái số phận ác hại đã hành hạ gia đình nhà chị từ bấy đến nay... Tôi thở dài. Tuy chị không kết luận bằng cách xin giúp đỡ, nhưng tôi cũng đủ thông minh để hiểu lắm.

Lúc bấy giờ thì tôi phẫn uất đến cực điểm. Tôi cho tôi như một con giun, ai xéo lắm ắt tôi cũng biết quằn! Đi hát, lúc chi tiền bị kè nhè là đồ keo, lúc về giữa đường lại bị có kẻ muốn tống tiền, tôi tưởng như vậy thì từ tâm đến bằng Đức Phật Tổ cũng phải cáu, dẫu rằng Phật Tổ không đời nào đi hát... Đáng lẽ có thể bảo chị Bích là không biết điều, ở chỗ "cứ thấy bở thì đào" như một kẻ bất nhã nào khác, tôi chỉ muốn nhắc cho chị đừng quên cái đồng bạc trước của tôi. Chẳng nghĩ xa xôi, tôi hỏi thẳng:

- Từ lần ấy, bác có gặp nhà tôi nữa không?

Vô tình chị đáp ngay:

- Dạ, có gặp một lần ạ.

- Bác không nói gì cho nhà tôi biết về cái đồng bạc tôi giúp bác đấy chứ?

Chị Bích ngơ ngác nhìn tôi mãi như ngạc nhiên vì sợ tôi lại nỡ ngờ cái lòng thực thà hoặc biết nhận ơn của chị. Rồi chị tức khắc đáp:

- Dạ, có đấy ạ. Tôi có nói ngay rằng đã được bác cho vay một đồng.

Tôi sung sướng lắm, và cau mặt hỏi nữa:

- Bác đã nói là tôi cho vay à?

Chị Bích liền gật đầu:

- Bẩm vâng.

Tôi tắc lưỡi, cau mặt hơn nữa, khẽ nói tha thiết:

- Rõ khổ quá! Thì sao bác lại không nói là tôi cho hẳn cháu? Mà tốt hơn nữa thì bác đừng nói gì, có hay không! Chẳng nói bác ắt cũng thừa biết đấy, bụng dạ đàn bà nhỏ nhen như cái lỗ kim... Thế là rồi nhà tôi nó sẽ không bao giờ quên là bác đã nợ nó cái đồng bạc ấy.

Tôi kết luận bằng cái so vai, và một cái thở rất dài.

Từ đấy, chị Bích có một nét mặt ủ rũ đặc biệt nó khiến chị ta không ngồi thẳng lên được nữa, như một con chim bị đạn. ắt đó là chị hối hận, tiếc rẻ cái lòng nhân đức ghê gớm của tôi, và phân vân lo sợ về cái "bụng dạ lỗ kim" của vợ tôi.

Đến chợ Đồng Xuân, chị ẵm con bước xuống. Trong cả thời gian ngồi cạnh nách tôi, chị ta tịnh không dám bén mảng đả động đến chuyện tiền.

*

* *

Cách đấy sáu tháng nữa, quả vậy, đúng sáu tháng.

Nhằm lúc cuối năm, vợ chồng tôi đi lên chợ Đồng Xuân mua vài giò thuỷ tiên... Đương lúi húi mặc cả trước một bàn hoa, tình cờ lúc nghển lên, chúng tôi trông thấy chị Bích đương đi từ cổng chợ ra, cách chỗ chúng tôi đứng độ mươi thước. Tức thì vợ tôi vui vẻ gọi:

- Bác Bích! Bác Bích ơi!... Bích!

Một tay bế con, một tay cắp cái rổ trong đó có vài cây dưa cải và một cái mũ thổ công đáng giá hai xu, tuy chỉ có thế thôi, chị Bích cũng quay lại một cách rất khó khăn, chỉ vì buổi chợ quá đông người. Đến khi nhìn thấy rõ chúng tôi rồi, thì...

Thì chị Bích lại vờ như không nhìn thấy nữa, ôm con và ôm rổ cúi đầu quay đi thẳng, trước còn bước chậm, sau thoăn thoắt rõ nhanh, và sau cùng, thì chạy hẳn!

Than ôi, chỉ vì một đồng bạc! Cái đồng bạc nhân đức rất đắc tội ấy! Chị Bích lẩn mặt, chạy trốn, sợ bị đòi tiền.

Một đồng bạc! Chỉ vì nó, mà một người đã có cái can đảm chạy trốn một người, sau khi cả hai người, vào lúc còn như nhau, đã sống bao nhiêu năm trời chung đụng với nhau, rau cháo có nhau, yến tiệc có nhau, thân thiết với nhau hơn ruột thịt, tay chân!

*

* *

Bạn đọc ơi, viết đến dòng này, tôi lại thấy cả tấm lòng khốn khổ và khốn nạn của tôi nôn nao lên... Chính thế đó, vì trước bàn giấy của tôi có một cái gương Psyché, và khi tôi chợt ngưng bút để nhìn cái hình thù và cái người ngợm của tôi trong gương, thì tôi buồn nôn, thì tôi ghê tởm cả cho chính tôi, vì rằng, trừ một bọn nịnh sằng vẫn gọi tôi là danh sĩ, là văn hào, thì, trong thiên hạ, than ôi lại vẫn có một số người đứng đắn kia nỡ lòng khen tôi là "một người tử tế".

Tôi hối hận lắm, tôi khổ sở lắm, vì rằng từ đấy, không bao giờ chúng tôi còn dịp nào gặp vợ chồng Bích đâu nữa, và nhất là vì giữa cái hôm chị ta chạy trốn vợ chồng chúng tôi ấy, thì lại nhằm vào một bữa hãn hữu mà vợ tôi đã nói: "Rõ tội nghiệp chị Bích quá nhỉ? Cậu ạ, em chỉ định tâm hễ gặp chị ấy thì thế nào cũng giúp thêm chị ấy vài đồng, nhất là vào dịp Tết này".

Nhưng mà từ bấy đến nay, thời gian đã đem đến cho lòng người cái gì là cái quên. Sự gì thì rồi ta cũng có ngày quên đi, cho dẫu là ái ân, cho dẫu là đau thương, cho dẫu là hối hận.

Bởi cái cớ ấy, cho nên tuy lương tâm tôi đã mang nặng một vết thương tình cảm để đôi khi bứt rứt hàng giờ, mà từ đó, tôi cũng chẳng làm nổi một việc thiện nào thiện hơn cái việc ác này, tuy rằng nếu cố gắng tinh thần thêm chút nữa, tôi chẳng thiếu gì những dịp để thực hiện rất nhiều cái đức ái nhân như kỷ mà tôi có thể có được, hơn ai...

Vì sao? Vì khi ta có tiền thì ta chẳng nghĩ đến cái nhân, và khi phải nghĩ đến cái nhân, thì ta lại chẳng có tiền. Cho nên sự đời chung qui chỉ là những vòng chạy trong đèn cù, luẩn quẩn, loanh quanh, vì ta không thể nào khác được, nếu không cứ việc sống thản nhiên để mà tầm thường và khốn nạn.

8.

Lòng tự ái

Vũ Trọng Phụng

Trông thấy chồng về, chị vội vàng hỏi:

- Thế nào cậu? Dì nó đã đỡ chưa? Liệu có qua khỏi được không?

Phạm Quang đứng thở lử khử như người vừa mới phải đi bộ mười cây số, tuy chàng chỉ đi có từ một nhà ở cuối phố về. Chàng từ tốn gác mũ lên cái sừng hươu, cởi bộ áo ngoài, rồi nằm dài ngay ra sàn. Mãi mới đáp:

- Nguy lắm. Không biết nó có sống được không?

Vợ chàng ngừng hẳn đường kim mũi chỉ, cau lông mày lại hỏi:

- Thế dì ấy hiện giờ thế nào?

Quang uể oải đáp như người đương lúc nửa thức nửa ngủ:

- Cả một đêm, hôm qua li bì nói mê nói sảng mà lúc nào tỉnh thì lại tỉ tê khóc lóc. Bác Dần mách rằng lúc mê sảng nó cứ gọi tên tôi. Không khéo thì hỏng mất. Thôi thế mà ra tôi đã mắc một tội ác: giết một người đàn bà!

Chưa hiểu rõ đầu đuôi, tôi bèn hỏi chị Quang:

- Các bác nói đến ai thế?

- Dạ chúng tôi nói đến một người em họ của tôi đấy.

Một câu cắt nghĩa quá gọn ấy chỉ khiến tôi lại càng ngạc nhiên hơn nữa, lại càng không hiểu gì nữa. Cái gì nhỉ? Chồng chị Quang lại có can đảm nói những câu như thuộc về một thiên bi tình khi nhắc đến một người em họ của vợ, lại trước mặt vợ như thế nữa ư?

- Thưa bác, tôi vẫn chưa hiểu gì cả?

Đến đây chị Quang nhìn tôi một cách láu lỉnh, nhìn chồng một cách ranh mãnh, đằng hắng một cái rồi mới mỉm cười đáp tôi:

- Thưa bác, bệnh nhân ấy tức là em họ tôi, cô Oanh. Trước kia khi chưa lấy tôi thì nhà tôi đã phải lòng cô Oanh chết mê chết mệt. Đến lúc hỏi thì cô Oanh lại không thuận, ấy thế mới buồn chứ! Rồi nhà tôi hỏi tôi. Rồi cô Oanh đi lấy chồng. Nhưng mà chẳng may cho cô Oanh lại lấy phải người chồng xấu, không ra gì, chơi bời đủ ngón, lại hành hạ vợ một cách vũ phu nữa. Hiện giờ thì chẳng rõ anh chàng bỏ cả vợ con ở nhà đi theo con đĩ nào. Cô Oanh buồn quá đâm ốm. Có lẽ vì nhớ tiếc người cũ, vì hối hận nên cô mới nhắc đến tên người đã phải lòng cô, người mà cô đã không lấy, tức là nhà tôi, như nhà tôi đã thuật mà bác cũng được nghe.

Có lẽ Phạm Quang hổ thẹn cho rằng vợ nói chuyện không phải lúc nên chàng giơ tay lên bưng lấy trán, thành thử muốn phản đối vợ như thế thì kín đáo quá và làm ra bộ thản nhiên thì lại thành ra hớ hênh quá.

Nhưng chị Quang là người rất thông minh tức khắc hiểu ngay ý chồng, chị vội nghiêm giọng đứng đắn hỏi:

- Thế cậu sang thăm vừa rồi thì có gì là đáng để tâm không?

Anh Quang vùng ngồi lên đăm đăm nhìn tôi để khỏi phải ngượng ngùng khi đáp vợ:

- Tôi kéo ghế ngồi ở đầu giường thì dì ấy mở chăn ra nhìn tôi. Chao ôi! Cặp mắt ấy có ngụ bao nhiêu nỗi khuất khúc của một linh hồn đương đau khổ! Trong những tia sáng quắc một cách kỳ lạ ở đôi mắt của người đang ốm nặng, tôi thấy như có sự hối hận, sự hy vọng, cái lo lắng phân vân. Rồi nó (anh ta vừa gọi bệnh nhân là dì ấy, lại vừa gọi là nó) ấp úng hỏi tôi: "Anh! Anh vẫn yêu em như xưa đấy à? Anh lại không giận em chút nào à?" - Tôi không biết gật đầu hay lắc đầu, cũng không biết nên đáp ra sao. Lúc ấy bác Dần đang ẵm thằng Chắt, đứa con chúng nó ở ngoài sân. Tôi bèn cầm hai tay nó kéo lên ngực tôi một cách âu yếm lắm. Một lúc nó ngơ ngác nhìn tôi nghi hoặc đoạn rút tay ra quay mặt vào tường. Sau cùng nó lại khóc, khóc tỉ tê, khóc hậm hực, khóc mãi. Tôi không có can đảm ngồi nữa, loạng choạng đứng lên về đây. Giời ơi, biết làm thế nào bây giờ?

Chị Quang ngây mặt ra một lúc, có vẻ buồn rầu một cách rất thành thực, đoạn thở dài và ngậm ngùi nói:

- Rõ tội nghiệp! Dì Oanh nó thật là một người đáng thương.

Thái độ của chị khiến tôi lại càng phải kinh ngạc. Chúng ta thử đặt mình vào địa vị người đàn bà có người chồng như thế xem cái ghen, cái giận, cái uất nó sẽ ghê gớm như thế nào! Nếu ta có một người vợ mà lại đau đớn vì một mối tình cũ như thế liệu cái mặt của chúng ta sẽ tươi bưới ra làm sao! Vậy mà chị Quang đã chẳng những không ghen chồng, lại còn ngậm ngùi thương xót cô em họ nữa!

Tôi thấy cái cần ghê gớm phải khen:

- Chị Quang! Chị thật là một người vợ hoàn toàn!

Bạn tôi thật có cái diễm phúc lớn mới được làm chồng một người như chị. Tuy chỉ là một văn sĩ nghèo, anh ấy cũng có thể tự phụ được là người sung sướng nhất trần gian. ở đời có được một người bạn tri kỷ của anh Quang lại đồng thời là người bạn trăm năm của anh nữa thì thật quả bạn tôi đã cướp được hết hạnh phúc của loài người.

Tôi tưởng khuây khỏa được bạn bằng cách vỗ vai bạn mà rằng:

- Anh này! Anh đã là một người sướng mà có lẽ anh không biết.

Chị Quang hớn hở hỏi tôi:

- Nào có gì lạ mà bác khen nhiều quá thế.

- Tôi cho là lạ lắm! Ghen tuông là cốt tính của người đàn bà! Muốn sung sướng người ta tưởng phải yêu một cách hằn học đến bậc hóa ra ghen tuông. Thế mà chị không ghen! Thế mà chị vẫn sung sướng.

Chị Quang mỉm cười khoan thai cắt nghĩa:

- Vì tôi là người đại lượng, có thế thôi. Nếu tôi đại lượng thì vì lẽ gì tôi lại cấm nhà tôi làm một người đại lượng. Hai nữa dì Oanh nó chỉ là một người lầm và đáng thương. Vì hỏi dì Oanh nó không được nên nhà tôi mới hỏi tôi... Bác để ý cho: Tôi thì giầu mà Oanh thì là con nhà nghèo; dẫu rằng không là bắt buộc tôi, tôi cũng thiết nghĩ: trong cái hạnh phúc của chúng tôi bây giờ, dì Oanh nó cũng có một phần công lao! Chứ không ư? Nếu Oanh đã nhận lời thì chúng tôi còn lấy nhau làm sao được. Cho nên tôi vẫn có cảm tình với Oanh. Người đàn bà khác chắc phải ghen về trước, phải đề phòng về sau, phải ghét Oanh, phải thấy Oanh khổ sở thì mới sung sướng. Nhưng tôi thì không thuộc hạng người ấy. Hiện giờ thì đích thị là Oanh hối hận. Cái đó dễ hiểu lắm. Mà nguy nhất cho người ta là khi đã mất lòng tự kiêu, tự ái. Đau đớn vì oán giận kẻ khác thì chẳng nói chứ chính mình lại phải oán giận mình thì còn ai biết cứu chữa ra làm sao! Oanh đã lâm cảnh ngộ đáng thương ấy thì tôi còn nỡ lòng nào ghen tuông với nhà tôi làm gì. Ghen ghét Oanh mà làm gì! ấy cái nhẽ tôi là thế chứ không phải chúng tôi là chị em họ.

- Phải lắm! Đã ghen thì chị em ruột cũng có thể đâm chém nhau được nữa là chị em họ.

Chen vào giữa chúng tôi, anh Quang nói một cách căm tức:

- Mà tôi chẳng hiểu hiện Oanh đang ốm như thế nào? Mấy ông lang băm nói huyên thuyên loạn xạ cả lên để cho không ai hiểu cả. Ông thì bảo đau phổi, ông thì đau óc, ông thì lại kêu đau tim! Có là Giời cũng không hiểu!

Chị Quang nhìn chồng cười gằn:

- Mình rõ thật là gàn! Tất nhiên bệnh ấy là tâm bệnh thì dẫu đã đau các cơ quan khác trong người, quả tim cũng chẳng phải là không đau! Theo ý tôi Oanh mắc cả hai thứ bệnh: đau trong người và đau trong ý nghĩ. Có muốn chữa chạy thì mình cứ việc chữa chạy cho cả quả tim, chứ cậy mấy cụ lang hủ lậu, thì ăn thua gì!

- Mợ nói đâu ra đấy. Thế thì mợ thử giải quyết cho tôi một phương cứu chữa xem sao? Nói không thì ai mà chả giỏi được.

Chị Quang chỉ tôi phân vua:

- Ơ kìa! Nói lạ nhỉ! Việc của mình chứ việc của em đấy à?

Tôi bênh vực bạn:

- Thì bác cứ làm phúc thử nghĩ hộ bác giai xem có phương kế gì không?

Từ đấy trở đi chị lại cúi đầu trên đường kim mũi chỉ, mắt có vẻ tư lự lắm. Tôi không hiểu đó là chị nghĩ phương kế cứu người đàn bà khốn khổ mà chị đáng lẽ phải coi như kẻ tình địch hay là chị đã tiếc cái đại lượng phi thường của mình chỉ vì lời khen ngợi sốt sắng của tôi. Cái điều ấy có thể lắm vì trong đời vẫn có một số đông những người bướng bỉnh, những người mà ta muốn thấy làm một việc gì thì ta phải ngăn ngừa hay là ta muốn họ không làm việc gì thì ta lại phải hết lời xúi giục.

Chỉ biết rằng, đêm ấy bạn tôi giục tôi vào phòng ngủ để thuật lại tỉ mỉ cho tôi nghe chuyện cái cô Oanh ấy, thì người vợ cứ chong đèn ngồi khâu rất khuya.

*

* *

Sớm hôm sau, lúc bạn tôi gọi tôi ra bàn dùng thức điểm tâm, thì người vợ ít có ấy vui vẻ hỏi chồng:

- Thế nào? Cậu đã nghĩ ra cách gì chưa?

Quang nhăn mặt gắt một cách khôi hài:

- Lại còn nghĩ ra được cái gì nữa!

Chị Quang đưa mắt nhìn tôi mỉm cười rồi nói với chồng bằng một giọng chế giễu:

- Rõ tội nghiệp! Kìa, nghĩ cả một đêm như Ngũ Tử Tư, đầu tóc sắp trắng xóa ra rồi kia kìa.

Bạn tôi lại lấy tay bóp trán và cử chỉ ấy không hiểu tại sao, tôi thấy là hệ trọng lắm. Tôi thấy như là người vợ chế giễu chồng được một câu như thế thì sung sướng lắm, có lẽ người vợ bắt đầu không còn là người đàn bà phi thường nữa, vì đã biết ghen. Nhưng chị Quang đã lại hỏi chồng:

- Có thế thôi mà mình cũng không nghĩ ra à?

Bất giác tôi thấy xấu hổ lắm. Câu nói ấy không những cho bạn, mà còn như cho cả tôi cũng phải nghe. Sự thực thì, cả một đêm tôi cũng bâng khuâng nghĩ hộ bạn mà không nghĩ ra phương kế gì cả. Cái lòng tự ái của giống đàn ông xưa nay vẫn khinh thường đàn bà mà lại bị một người đàn bà chê bai một cách gián tiếp là ngu dốt lúc ấy bị thương nặng và biến ra thành một sự bất bình sôi nổi trong lòng tôi.

Nhưng chị Quang vốn là người rất thông minh. Thấy bạn chồng lại đỏ mặt hơn chồng, chị bèn nói chữa:

- Phải lắm, như mình, thì chỉ bận tâm lo buồn thôi, chứ nghĩ sao được giữa lúc tâm hồn bối rối. Tôi tuy chẳng giỏi giang gì, song tôi gần như là kẻ ở ngoài cuộc, cho nên trí não tôi cũng có phần sáng suốt hơn.

Quang ngơ ngác nhìn lên, ngoan ngoãn hỏi vợ:

- Theo ý em thì nên như thế nào?

Trước khi đáp, người vợ còn cúi đầu ngẫm nghĩ, ý chừng để giãi bày cho khôn khéo. Có lẽ muốn giấu cái hổ thẹn của mình nên chưa nghe vợ đáp, Quang đã thở dài mà rằng:

- Buồn nhất là cơ sự này, tôi đã đoán được rằng không sớm thì chầy, thể nào rồi cũng có lúc xảy ra... Hiện giờ, thằng chồng theo đĩ mà bỏ lửng vợ, mà vợ thì đương nghĩ đến việc đệ đơn xin ly dị tại tòa. Cho mãi đến bây giờ, tôi cũng chưa hiểu vì lẽ gì xưa kia Oanh lại từ chối lời cầu hôn của tôi! Từ chối giữa lúc cả làng cho việc tôi hỏi Oanh làm vợ là may mắn cho Oanh lắm. Thế mới lạ chứ, vì rằng chính nhà tôi đây, hồi ấy cũng phải ngạc nhiên về sự từ chối ấy. Hay là tại hồi ấy, Oanh đã yêu ai rồi? Có phải cặp vợ chồng ấy đã vì ái tình mà lấy nhau không? Oanh đã kiêu ngạo hay đã chung tình? Dù sao mặc lòng, xưa kia tôi đã chung tình thì nay Oanh phải hối hận!

Chị Quang, một cách rất có ý tứ đáp lời cho câu hỏi lúc trước của chồng:

- Mình tìm cách nào cho cô ấy không phải hối hận nữa, tôi dám chắc bệnh sẽ khỏi ngay.

Bạn tôi vội nói:

- A! Tôi hiểu rồi đấy.

- ừ! Đã thế, mình còn chờ đợi gì nữa?

- Nhưng mà... nếu thế... nếu thế thì Oanh lại oán ghét tôi mất!

- Điều ấy cố nhiên...

Quang nghĩ hồi lâu để rồi lắc đầu:

- Không! Không thể được! Hiện giờ, Oanh đương hối hận, nghĩa là đương yêu tôi... Oanh yêu tôi! Yêu nồng nàn, yêu thiết tha! Có nên làm mất cái tình cảm tốt đẹp hiếm có ấy trong lòng một người đàn bà mà tôi đã yêu xưa kia không? Phải đến như thế nào... Oanh bây giờ mới có tình cảm ấy với tôi chứ? Đã thế thì tôi không thể nói dối được! Xưa kia, tôi bị người lãnh đạm, nhưng lòng tôi đã được tự do yêu. Nếu nay tôi phải làm một việc để, do thế, tôi ghét người ta thì chẳng những bỗng đâu tôi vứt cái tự do yêu người ta của tôi đi, mà rồi người ta lại còn ghét thêm tôi nữa!

Vợ chàng giơ tay khuyên nhủ:

- Phải hy sinh! Phải có can đảm! "Yêu người yêu mình chỉ là tự yêu"! Vẫn biết mình nói dối Oanh thì Oanh tất nhiên sẽ phải ghét mình, nhưng mà tôi xin mình, cứ thử một mình mình biết, một mình mình hay, mà yêu kẻ ghét mình tôi xem nào!

Nghĩ một lát nữa, rồi Quang nhăn nhó lại lắc đầu:

- Không! Tôi không thể làm cho Oanh đến nỗi phải ghét tôi được. Tôi xin lỗi mình, mình là người đại lượng mình hiểu biết. .. Sự thực, tôi vẫn còn thương Oanh lắm.

Chị Quang nổi nóng, gay gắt phân trần:

- Thế nhưng mà khi ông không chịu nói dối thì nghĩa là ông vẫn dang tay vò nát quả tim đã bị thương của người ta! Ông không muốn bị căm hờn! Phải, ông chỉ ích kỷ! Để cho người ta chết thì rồi ông thương xót một thể!

Phạm Quang ngã ngồi xuống ghế như một cái cây đổ. Chàng gần như khóc:

- Thà để Oanh chết là hơn! Nếu chẳng may thế, tôi sẽ ấp mồ Oanh mà khóc! Chết như thế, Oanh cũng được hả về phần hồn! Còn sống như em đoán trước, xác thể không những tiêu mòn, mà cả đến linh hồn của Oanh cũng chẳng mát mẻ nữa, vì rằng sự căm hờn đã đến chiếm chỗ trong tim.

Chị Quang lại cười gằn mà rằng:

- Thế thì mình nhầm! Sự căm hờn chỉ nuôi chứ không giết. Sự căm hờn đẻ ra lòng tự kiêu, tự ái, mà lòng tự ái chính là một sức mạnh để tự vệ. Chỉ có sự hối hận, sự tự mình phải giận mình, là giết mà thôi!

Quang vẫn thổn thức:

- Khốn nhưng tôi không muốn giết cái mối yêu ấy trong lòng Oanh. Căm hờn là một cái xấu không nên có trong hồn một người đàn bà đã lầm trong một phút, và do thế, mới đáng thương! Thà Oanh hối hận, thà Oanh tuyệt vọng! Thà để Oanh chết vì ái tình! Để cho ái tình ấy đi theo linh hồn là cái bất vong bất diệt, ái tình sẽ hóa ra cũng bất vong bất diệt!

Chị Quang run rẩy khẽ nói:

- Bảo Oanh chết, ờ thì được! Nhưng còn thằng Chắt? Nó mới có 6 tuổi! Mà nó là cháu tôi, cháu mình? Giết mẹ nó là giết nó! Mình không được phép giết thêm một đứa trẻ vô tội!

Anh Quang ngạc nhiên nhìn vợ hồi lâu rồi mạnh bạo ra đi. Anh đi đến nhà Oanh. Nửa giờ sau, về, mặt nhăn nhó, anh kể:

- Thế là xong, tôi đã đóng một vai trò tàn nhẫn hét sức!

- Thế nào?

- Tôi đã bảo Oanh như thế này: "Tôi chỉ còn thương hại cô mà thôi! Cô hỏi tôi có giận cô không? Có yêu đâu mà giận! Sao xưa kia, cô đã khinh tôi như thế? Bây giờ khổ sở, cô mới hối hận, mới quay lại yêu tôi... Cái yêu như thế, hỏi có giá trị gì? Có ai lại vớt lại một bát nước mà ta đã hắt xuống đất?" Oanh xúc cảm quá mạnh nên không nói được gì cả. Oanh nấc lên một cái thì tôi bỏ mặc ra về.

Chị Quang so vai, hài lòng:

- Có thế, Oanh mới sống được.

Rồi chị ấy bảo tôi:

- Bác hãy chịu khó ở chơi đây ít lâu nữa mà xem. Việc này rồi phải có kết quả tốt.

*

* *

Một tuần lễ qua...

Bữa ấy, chợt vợ chồng Quang gọi tôi ra cửa sổ. Thì Oanh đã ẵm con dong chơi ngoài đường! Bấy giờ tôi mới biết mặt người đàn bà ấy. Nàng có một vẻ mặt bình tĩnh một cách lạ, đủ biết trong lòng cái hối hận, cái nhớ tiếc duyên xưa không còn nữa. Nước da tuy còn xanh, nhưng dáng đi đã có vẻ cứng cáp lắm rồi. Tôi có cái cảm giác là người đàn bà ấy không thể chết được nữa. Oanh ẵm con một cách âu yếm như đã quên, quên hết mọi sự để mà chỉ nuôi con.

Quang cầm hai tay vợ:

- Anh cảm tạ mình! Em đã dạy anh biết hy sinh và đã cứu nổi hai mạng.

Tôi châm một điếu thuốc lá để tự thưởng, vì tôi đã hiểu rõ cái lòng tự ái, kiêu ngạo, nó vừa làm đau khổ và vừa nâng cao phẩm giá người đàn bà.

Muốn nhìn lại lần nữa, thì bóng Oanh đã thoáng khuất sau một hàng rào găng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro