Vài dòng về ngày lễ Vu Lan

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày còn bé, làm sao tôi hiểu được vì sao người ta nói : “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng bảy”. Lớn lên, mới hiểu rằm tháng bảy là lễ Vu Lan, là ngày "xá tội vong nhân", với ý nghĩa "Một lòng thờ mẹ kính cha / Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con". Vậy mà, đâu phải lúc nào tôi cũng hiểu cặn kẽ những điều ấy. Thật tệ lắm thay. Nghĩ mình chưa chăm sóc, giúp đỡ cha mẹ được bao nhiêu, tâm sự với bạn bè, thì ra nhiều người cũng vậy. "Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ". Câu nói của người xưa vừa là lời tổng kết, vừa là lời răn bảo mỗi người, dù đang làm cha làm mẹ cũng cần giữ gìn chữ hiếu của đạo làm con.

Tôi đọc được ở đâu đó (có thể là trên mạng) Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện được nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ ra sao nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sinh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Nhưng do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình để tránh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp. Vì vậy khi bát đưa lên miệng, thức ăn đã hóa thành lửa đỏ. Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó". Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Không biết tích này có đúng hay không?. Nhưng có lẽ từ truyền thuyết này mà hình thành nên lễ Vu lan. Hằng năm, cứ đến ngày rằm tháng bảy, mọi người lại cùng nhau bày tỏ tình cảm, lòng tri ân đối với công ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Ðó là báo hiếu đối với công ơn của người sinh thành, là đạo hạnh đứng đầu trong "tứ ân" của nhà Phật. Như kinh Phật viết: "Ân đức cha mẹ vô cùng, kể không bao giờ hết", "tột cùng điều thiện, không gì bằng hiếu. Tột cùng điều ác, không gì bằng bất hiếu"... Vậy là khi lời của Ðức Phật về một yếu tố của đạo lý làm người, gặp gỡ với tâm thức, với tình cảm của dân tộc đã "hóa thân" để ra đời một phong tục văn hóa "Tu đâu cho bằng tu nhà - Thờ cha, kính mẹ ấy là chân tu". Nên bao đời nay, Vu lan trở thành một ứng xử nhân văn trên đất nước Việt Nam, góp phần duy trì và củng cố đạo lý trong gia đình, trong dòng tộc mọi người, đề cao chữ hiếu để nhắc nhở đạo làm con. Hơn thế nữa, chữ hiếu trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá con người, mà nếu không thành tâm, nghiêm túc thực hành sẽ bị dư luận lên án, cộng đồng chê cười.

Là người Việt Nam, tôi luôn thuộc lòng và vẫn thường nhắc nhở những đứa cháu của mình : "Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Công sinh dưỡng của cha mẹ là vô tận. Mỗi người sinh ra và trưởng thành, đối với cha mẹ bao giờ cũng là niềm tự hào đồng thời là kết quả của những nỗ lực vượt qua bao nhiêu khó khăn vật chất lẫn tinh thần. Công cha - nghĩa mẹ thấm sâu vào mỗi con người, mỗi gia đình, dòng họ, thấm sâu vào nền nếp sinh hoạt của cộng đồng, nên phải ứng xử sao cho xứng đáng. Vì thế từ ngàn xưa, qua lời ru của bà, của mẹ, qua điệu hát câu hò, đạo hiếu là bài học đạo đức đầu tiên được truyền lại trong mỗi gia đình và đến ngày nay, văn hóa Việt Nam vẫn bảo lưu, gìn giữ những câu tục ngữ, ca dao khẳng định và bày tỏ lòng thành kính với bậc sinh thành: "Lên non mới biết non cao / Nuôi con mới biết công lao mẫu từ"; "Bao giờ cá lý hóa long / Ðền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa"; "Thờ cha mẹ, ở hết lòng / Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường"; "Mẹ già ở tấm lều tranh / Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con"; "Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Ngó về quê mẹ, ruột đau chín chiều",... Không chỉ thế, với những ai xao lãng đạo làm con hoặc mượn việc "báo hiếu" để làm điều sai trái, tiền nhân cũng nhắc nhở, chê bai : "Cá không ăn muối cá ươn / Con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư"; "Mẹ già hết gạo treo niêu / Mà anh khăn đỏ, khăn điều vắt vai"; "Sống thì con chẳng cho ăn / Chết thì xôi thịt, làm văn tế ruồi"...

Nhân ngày Lễ Vu Lan, tôi viết ra đôi dòng suy nghĩ, âu cũng là tự răn dạy cho mình. Với người Việt Nam, ngoài việc “báo hiếu” ra, Vu lan còn là ngày cảm thương đồng loại, để mọi người đều hướng tới những điều thiện, những việc tốt lành. "Trẻ cậy cha, già cậy con", báo hiếu là chuyện hằng ngày, ở tấm lòng, ở việc làm cụ thể. Thông qua ứng xử của cha mẹ với ông bà, tổ tiên để trở thành tấm gương răn dạy con cháu. Xem nhẹ yêu cầu này, không ai khác, cha mẹ sẽ chịu hậu quả. Mưa ngâu rả rích, tiết trời bắt đầu sang thu. Một mùa Vu lan đã về, các ngôi chùa lại được sửa sang đón khách hành hương. Các bà, các chị lại chuẩn bị lễ chay cúng cha mẹ, ông bà và các "vong nhân". Cũng cầu mong không vì nặng “hiếu lễ” mà mọi người bị cuốn theo sự lãng phí, cầu may, lơ là với hành vi báo hiếu thiết thực. Vì nếu thật lòng hiếu lễ, thì mỗi ngày sẽ phải là một ngày Vu lan.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#huongkute