Cá Quỷ - Thanh Hồ Tiên Nhân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Người dịch: Thuy Nga (Hoa Ngữ Nhất Tâm)

Thể loại: Truyện kinh dị

*** Trích đoạn ***

Mùa hè đó, ông cố tôi cẩn thận chăm sóc ông lão nuôi ong hơn một tháng trời. Một tháng sau đó, lão mới nói thật với ông cố tôi.

Ông lão nói, lão là người của Bát Đại Môn trong giang hồ.

Ông cố tôi lúc trẻ cũng từng lang bạt giang hồ, ông cố cũng hiểu việc của Bát Đại Môn. Trong hiểu biết của một số người, Bát Đại Môn chính là tám cách kiếm sống khác nhau, lại có thể nói là tám môn phái khác nhau. Nhưng ông cố tôi biết, Bát Đại Môn thực ra chính là một môn phái, chỉ có điều môn phái này phân thành những chi khác nhau bao gồm: kinh, bì, phiêu, sách, phong, hỏa, tước, yếu tổng cộng tám thứ. Ngoài ra còn có gì mà Nội Bát Môn, Ngoại Bát Môn...

Đại Bát Môn này nói theo cách khác, có thể gọi là Hồng Môn. Ở trong nước, không có ai nói mình là đệ tử của Hồng Môn, tất cả đều nói là người của Bát Đại Môn nhưng ra nước ngoài thì lại xưng mình là người Hồng Môn. Điều này thực ra có lý do cả.

Có người nói Thanh Bang có liên quan đến Bát Đại Môn, nhưng không chính xác, Thanh Bang có nguồn gốc từ Tào Bang, thuộc một hệ khác, bọn họ không đọ được Đại Bát Môn.

Đại Bát Môn không giống Thanh Bang, bất luận là đời nào cũng phải theo sư phụ. Tuy nhiên bởi vì Đại Bát Môn quả thực quá lớn, mối quan hệ ở đây cũng rất phức tạp, không phân rõ được cũng là dễ hiểu. Tuy đủ các chi nhánh chằng chịt nhưng tổ chức của Đại Bát Môn rất chặt chẽ, có Tổng Đường Trung Nghĩa, Nội Bát Môn, Ngoại Bát Môn... thực sự là vô cùng rắc rối.

Ông cố tôi sau khi biết thân phận ông lão nuôi ong cũng vô cùng bất ngờ, ông cố không ngờ rằng Trung Quốc đi vào thời kì kiến quốc mười mấy năm trời mà lại vẫn có thể gặp người trong giang hồ. Lão nuôi ông giải thích với ông cố tôi, bây giờ các bang phái trong nước đều đã tan rã, người thực sự trong giang hồ không còn nhiều nữa. Sau đó ông lão nuôi ong giải thích với ông cố tôi lý do lão giả bộ câm điếc.

Lão nói tuy rằng người trong giang hồ không còn nhiều nhưng vẫn là còn, hơn nữa những nhân sĩ này trong thế cuộc loạn lạc sống đều rất khá, có người làm quan, có người đi bộ đội, có người làm kinh doanh.

Bởi vì là nhân sĩ giang hồ có nghĩa là có ân oán tình thù. Lão nuôi ong nói, trước đây lão và các huynh đệ đồng môn có xảy ra tranh chấp, bọn họ muốn ép lão đến chỗ chết, bất đắc dĩ lão mới phải già vờ câm điếc bao nhiêu năm qua. Lão nói đến đây tỏ ra vô cùng ngại ngùng.

Ông cố tôi lại hỏi, vậy ông nửa đêm không lo ngủ, đi ra sông làm gì?

Lão trầm mặc một lúc mới nói với ông cố tôi, mấy năm trước lão nhận được tin, sông Nghi Hà có người cá, lão đến đây là để bắt người cá.

Ông cố tôi nghe xong liền ngớ người ra: " Người cá? Không phải bọn chúng sống ở biển sao? Sông Nghi Hà này sao lại có người cá được? Tôi sống ở đây mấy chục năm trời chưa bao giờ gặp."

Ông lão nuôi ong cười nói: "Việc này thì anh không hiểu rồi, có người cá sống ở ngoài biển, cũng có người cá sống ở Nghi Hà này. Người cá sống ở Nghi Hà gọi Cá Quỷ, bị đuổi từ Hoàng Tuyền ra đây. Loại Cá Quỷ này đã sống ở đây mấy ngàn năm rồi, nhưng đây là một bí mật, xưa nay rất ít người biết được."

Nói đến đây, lão cẩn thận từ dưới giường lấy ra một thứ đưa cho ông cố tôi, nói: "Đây anh xem đi, tôi có chứng cứ."

Ông cố tôi đón lấy, tỉ mỉ xem tới xem lui, không rõ thứ đàn hồi dính dính trên tay này là cái gì?

Lão nuôi ong nói với ông cố tôi: "Đây là thứ tối qua tôi đi bắt Cá Quỷ nhổ ra được từ trên người nó, đây chính là một cái vẩy cá đó."

Ông cố tôi hỏi lão: "Ông trăm phương ngàn kế muốn bắt Cá Quỷ để làm gì?"

Lão nuôi ong bám giường ngồi dậy nói: "Nước mắt của người cá là trân châu, vậy ông biết nước mắt của Cá Quỷ là thứ gì không?"

Ông cố tôi tuy thấy nhiều biết rộng nhưng thật sự không biết nước mắt của Cá Quỷ là thứ gì.

Lão nuôi ong thần thần bí bí nói: "Nước mắt của Cá Quỷ chính là dạ minh châu."

Lão nuôi ong nói xong câu này, đột nhiên nghe thấy tiếng động bên ngoài lều. Lão bị dọa một trận, lớn tiếng hỏi: "Ai?"

Ông cố tôi chạy ra ngoài xem, nhìn cái bóng đang chạy, ông cố tôi đoán ra, có lẽ là thằng bé được cứu hôm trước.

Ông cố tôi đi vào, nói lại với lão nuôi ong. Lão im lặng một chút rồi nói: "Nếu như nó biết thì phiền phức rồi đây."

Ông cố tôi bảo: "Mạng của nó là do ông cứu về, chắc là không đâu."

Lão ta lắc đầu nói: "Việc này không chắc được, lòng người khó lường lắm."

[...]

Vốn dĩ ông cố tôi cho rằng, đám người đó bao gồm cả cha tôi nữa chỉ là ngồi thuyền lượn lờ làm loạn trên sông mà thôi, còn bắt Cá Quỷ hả? Có nằm mơ mới dễ dàng như vậy.

Ai ngờ chỉ vài hôm sau, từ Nghi Hà truyền đến tin tức, nói thật sự là có người bắt được Cá Quỷ rồi. Nghe thấy tin này, ông cố tôi bị dọa nhảy dựng lên, quần mặc được một ống đã vội vàng chạy đi. Đến bên bờ sông ông cố tôi nhìn một cái, đây nào phải Cá Quỷ gì, đây là một con Cá Kì Nhông lớn.

Nhưng rốt cục sao con Cá Kì Nhông to vật này lại đến sông Nghi Hà thì chẳng ai biết. Thời đó cũng chẳng có ý thức bảo vệ động vật quý hiếm gì, con Cá Kì Nhông này bị mọi người xẻ ra chia nhau, mỗi người một miếng.

Việc về con Cá Kì Nhông này còn chưa kết thúc, vài ngày sau, dưới Nghi Hà truyền tới một tin, lần này mọi người thực sự bắt được Cá Quỷ rồi. Ông cố tôi lại quần chưa kéo qua đầu gối đã vội vã chạy đi, sấp ngửa chạy tới bờ Nghi Hà mới phát hiện, lần này bắt được là một con cá chép lớn sắp thành tinh. Con cá này dài phải đến hai mét, mười mấy người kéo lưới mới kéo được nó lên.

Ông cố tôi khuyên bọn họ, con cá chép này tu hành đến được thế này không dễ dàng gì, tha cho nó đi.

Mấy người trong thôn cười rộ lên, nói có ai mà nhìn thấy con cá chép lớn thế này bao giờ, thả cái gì mà thả, thịt đi mà ăn.

Tội nghiệp, con cá chép này hai chân trước đã mọc cả ra rồi, kết quả còn chưa tu tới nơi đã thành món ăn trên đĩa nhà người ta.

Lần này ông cố tôi không thèm nói nữa, cha tôi muốn đi lãnh một phần về ăn, bị ông cố tôi đá cho lộn xuống sông, chửi cho một trận: "Cái gì mày cũng muốn ăn, mày đã đói trợn mắt lên chưa mà gì cũng đòi ăn?"

Bị đánh, bố tôi không dám hó hé nửa lời nữa.

Nhưng chính vào buổi tối hôm đó, Nghi Hà nổi gió lớn, mưa vần vũ. Có một người phụ nữ đi từ dưới sông lên, gõ cửa từng nhà một, nói muốn tìm con trai của bà ta.

Sau đêm mưa gió bão bùng ấy, những người ăn cá chép trong thôn, trên người đều mọc ra vảy cá. Mới đầu, những vảy cá ấy rất nhỏ, nhưng nếu đi tắm rửa kì cọ hay cố rửa sạch, những vẩy cá li ti ấy theo thời gian dần dần cũng lớn lên.

Những ngày đó, khắp thôn xóm đều ngập những tiếng khóc lóc thảm thiết. Tất cả người dân trong thôn đều bóc những vẩy cá trên người họ xuống, sau khi bóc xuống đều nhìn thấy chỗ đó để lại một vết thương khủng khiếp.

[...]

Tối hôm đó vẫn là một buổi tối gió mưa vần vũ. Nửa đêm, một người phụ nữ mặc đồ đen gõ cửa nhà hai vợ chồng nọ. Hai người sợ run cầm cập, ngồi trong nhà hỏi vọng ra: "Ai vậy?"

Người phụ nữ mặc đồ đen nói: "Tôi đi tìm con trai tôi."

Họ nghe thấy thế liền mở cửa cho người phụ nữ đồ đen, sau đó bế cháu nội của họ ra nói với người phụ nữ: "Bà xem, con trai bà ở đây này."

Người phụ nữ nhìn đứa trẻ trong lòng bọn họ, vội vàng đón lấy hỏi: "Con trai tôi sao lại đến chỗ các người thế này?"

Hai người theo lời lão Hạ dạy bọn họ, nói mình nhìn thấy đứa trẻ chơi bên bờ sông một mình, thấy tội nghiệp nên đón về cho nó ăn.

Người phụ nữ đồ đen cám ơn bọn họ, rồi cứ thế ôm đứa trẻ đi mất.

Vợ chồng người nọ ngẩn ngơ, sao cháu nội họ lại bị bế đi mất rồi, sao mọi việc xảy ra lại không giống như lão Hạ nói nhỉ?

Sáng sớm ngày hôm sau, bọn họ kéo nhau đến nhà lão Hạ. Lão Hạ hỏi họ: "Các người nói với người phụ nữ ấy như thế nào?"

Hai người bèn đem đầu đuôi kể lại với lão. Lão Hạ vừa nghe xong, vỗ đùi cái đét hỏi: "Ô hay, các người ngu thật hay giả thế? Tôi bảo các người nói với bà ta cho đứa trẻ nhận các người làm người thân, câu này các người có nói không?"

Hai người nọ nghe thấy thế lập tức mới nhớ ra câu mà lão Hạ dặn dò, con người phụ nữ kia là con cá chép sắp tu thành người, bà ta cũng không biết con mình thành người sẽ thành hình dạng thế nào, mọi người ăn rồi thì phải đưa cháu nội ra thế chỗ mới may mà giữ được mạng cho nó. Nhưng đến nước này thì thật hết cách rồi, cháu nội bọn họ chưa kịp nhận bọn họ là người thân đã để người phụ nữ đồ đen bế đi mất rồi, sau này chắc khó gặp lại. Bọn họ nghe thế đột nhiên khóc nức nở ầm ỹ lên

Lão Hạ an ủi hai người: "Đây có lẽ là duyên phận của đứa trẻ đó, cũng coi là chuyện tốt."

Đương nhiên rồi, hai người chỉ còn cách thất thểu đi về.

Người phụ nữ ấy ngày ngày lấy nước mắt rửa mặt, cho đến một hôm, bà ta mơ một giấc mơ, một đứa trẻ trên đầu mọc một cái sừng nói với bà ta: "Bà nội ơi, bà dừng buồn nữa. Ở đây cũng tốt lắm." Nói xong còn cho người phụ nữ sờ cái sừng trên đầu của nó, đứa trẻ nói bây giờ nó đang tu hành rồi, sau này sẽ bảo vệ cho họ.

Người phụ nữ tỉnh giấc ngồi bật dậy, lúc này mới phát hiện đầu giường nhà mình có hai vệt nước hình dấu chân trẻ con.

Mọi việc đến đây là rõ, hơn nữa không chỉ người phụ nữ nằm mơ, chồng bà ta cũng nằm mơ, con dâu của họ tức mẹ của đứa bé cũng nằm mơ. Sau khi bọn họ kể lại, người dân trong thôn lập lên một cái miếu nhỏ bên bờ sông, gọi đó là miếu thờ Tiểu Long Nhân.

Người ta đồn rằng xin có con ở cái miếu Tiểu Long Nhân này vô cùng linh nghiệm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro