Túp Lều Bác Tôm - Harriet Beecher Stowe (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thể loại: Tiểu thuyết

Người dịch: Đỗ Đức Hiểu (Nhà xuất bản Văn học 2006)

Túp Lều Bác Tôm kể về cuộc đời thống khổ của một người nô lệ da đen là bác Tôm với chuỗi ngày đen tối, đầy tủi nhục. Bác phải lìa bỏ vợ con, bị bán từ nơi này sang nơi khác, bị đánh đập tàn nhẫn. Cuối cùng để bảo vệ nhân phẩm của mình, bác bị đánh chết trong đồn điền trồng bông khủng khiếp ở miền Nam nước Mỹ, đây cũng là nơi chôn vùi bao cuộc đời lầm than giống như cuộc đời bác.Tác phẩm cũng kể về số phận của Êlida cùng đứa con bỏ trốn. Đó là một người mẹ đã hy sinh tất cả để cứu đứa con khỏi rơi vào tay một tên buôn nô lệ tàn ác.

Tác phẩm là lời ca ngợi những nô lệ da đen trung thực, biết tôn trọng phẩm giá con người như bác Tôm, những người mẹ dũng cảm như Êlida, những thanh niên cương nghị, tha thiết với tự do như Gioócgiơ. Đồng thời, tác phẩm cũng lên án một cách đanh thép chế độ nô lệ với những chủ nô, các tay sai, các con buôn tàn bạo; lên án luật pháp nước Mỹ khi đó đã bênh vực chế độ nô lệ, cho phép đánh đập xiềng xích, giết chết những người da đen vô tội và trừng trị những ai che chở bảo vệ nô lệ. Túp lều Bác Tôm đã góp phần vào công cuộc giải phóng nô lệ ở nước Mỹ.

*** Cảm nghĩ cá nhân ***

Ngày 02/09/2024: Nửa đầu truyện đọc rất chán, cứ lan man thế nào ấy. Nửa cuối truyện mới bắt đầu hấp dẫn. Mình đọc truyện này 1 lần đầu đủ với thêm 1, 2 lần gì đó lướt đọc những đoạn ưa thích thôi. Dù là tác phẩm văn học kinh điển nhưng mình thấy truyện cũng không hay lắm.

*** Trích đoạn ***

.: Chương 9: Một ngài thượng nghị sĩ cũng chỉ là một con người :.

Người thiếu phụ từ từ mở mắt, lơ láo nhìn chung quanh. Mặt chị lộ vẻ khiếp sợ; chị vùng đứng dậy, thét lên:

- Hari! Chúng nó đã bắt Hari chưa?

Thằng bé nhảy xuống đất, chạy lại rúc vào lòng mẹ. Người thiếu phụ quay lại phía bà Bớc, kêu lên như điên như dại:

- Bà ơi! Xin bà che chở cho chúng cháu! Đừng để chúng nó bắt mất thằng bé.

Bà Bớc nói:

- Ở nhà tôi đây, không ai làm hại chị đâu, tội nghiệp. Chị đang ở một nơi yên ổn, chị đừng sợ gì cả.

Sự tận tình của bà Bớc làm chị yên lòng ngay, người ta kê tạm một chiếc giường bên ngọn lửa. Một chốc, chị ngủ say, ôm con trong ngủ cũng không sao bế thẳng bé ra được để đặt nó nằm thoải mái hơn.

Trở về phòng khách, bà Bớc lấy một cái áo sợi, còn ông Bớc giả vờ đọc báo. Sau, ông đặt tờ báo xuống nói: Không hiểu chị ta là ai nhỉ.

Vợ trả lời:

- Chốc nữa chị ta dậy, trong người dễ chịu hơn, ta sẽ biết rõ.

Ông Bớc lại mải mê đọc báo: nhưng một lúc sau ông phải ngưng đầu lên, hỏi:

- Không biết, chị ta có mặc vừa áo của em không. Phải lai cho dài thêm, vì hình như chị ta cao hơn em nhiều.

Một nụ cười vui sướng nở trên khuôn mặt rạng rỡ của bà Bớc. Bà khẽ nói:

- Để rồi xem...

- Em còn có cái áo khoác, em vẫn choàng cho anh lúc anh đi ngủ trưa. Có thể cho chị ta được. Chị ấy cần sống áo.

Lúc bác Đina bước vào báo tin người thiếu phụ đã tỉnh dậy, muốn nói chuyện với bà chủ, ông bà bước xuống bếp; hai đứa con lớn nhất theo xuống; những đứa nhỏ khác đã đi ngủ. Người thiếu phụ ngồi bên bếp lửa, nhìn ngọn lửa, dáng tuyệt vọng, bình tĩnh khác hẳn cái vẻ hoảng hốt lúc nãy.

Bà Bớc dịu dàng hỏi:

- Chị muốn nói chuyện với tôi à? Chị thấy trong người dễ chịu hơn chưa?

Để trả lời, chỉ là một tiếng thở dài. Chị đưa con mắt cầu khẩn nhìn bà, khiến bà rơm rớm nước mắt. Bà vội nói để chị yên lòng:

- Chị đừng sợ gì hết. Chị đang ở một nơi yên ổn. Chị nói cho tôi biết chỉ ở đâu đến đây, bây giờ chị muốn gì?

Chị nói thật:

- Tôi ở Kentoki sang.

Ông Bớc lúc ấy mới quyết định tự mình lấy khẩu cung:

- Chị sang lúc nào?

- Lúc chập tối.

- Chị sang bằng cách nào?

- Tôi nhảy trên những tảng băng!

- Trời ơi, trên những tảng băng!

- Vâng... họ đuổi sát theo sau, không có cách nào khác.

Nhưng băng có vỡ ra chứ - bác Cútgiô kêu lên thế. - Những tảng băng trôi lềnh bềnh trên dòng sông kia mà!

Êlida đáp:

- Tôi biết thế! Nhưng tôi đã vượt qua được. Tôi cũng không bao giờ nghĩ có thể sang được tới bờ bên này. Nhưng nếu không sang được, tôi chỉ còn có cái chết.

Ông Bớc hỏi:

- Chị là một người nô lệ à?

- Thưa ông vâng. Tôi thuộc một ông chủ ở Kentoki.

- Ông ta có độc ác không?

- Thưa ông, không, ông ấy tốt lắm.

- Thế bà chủ, bà ấy không tốt à?

- Thưa ông, bà chủ đối với tôi bao giờ cũng tử tế.

- Thế sao chị lại bỏ trốn đi, dấn thân vào nguy hiểm như thế?

Người thiếu phụ ngước con mắt sắc nhìn bà Bớc, chị thấy bà bận đồ tang. Bỗng chị hỏi:

- Thưa bà, bà đã mất đứa con nào chưa?

Câu hỏi bất ngờ như gợi vết thương gần đây: cách đây chưa đầy một tháng, bà vừa mất một đứa con. Ông Bớc quay đi, bước ra phía cửa sổ, còn bà Bớc thì nức nở khóc. Khí bà nói được lên tiếng, bà trả lời:

- Tại sao chị lại hỏi tôi như thế? Tôi vừa mất một đứa con.

- Như vậy, bà sẽ hiểu tôi. Tôi mất liền hai cháu. Hai cháu chôn bên kia sông. Tôi chỉ còn lại thằng bé này. Thưa bà, người ta định cướp nó đi, bán nó về phương nam, một đứa trẻ chưa hề xa mẹ bao giờ! Thưa bà, tôi không chịu được cảnh ấy. Khi tôi biết giấy tờ đã ký xong, tôi liền mang nó chạy trốn, giữa đêm khuya. Cái người mua thằng bé cùng với mấy người làm nhà ông chủ đuổi theo tôi. Tôi nghe thấy tiếng họ nói, tôi vượt qua sông, trên những tảng băng. Làm sao tôi có thể vượt qua được, tôi cũng không biết. Đến lúc có người đỡ tôi lên dốc đê, tôi mới biết là tôi đã qua được con sông.

Chị không khóc. Nhưng những người chung quanh, mỗi người tỏ mối xúc động của mình một cách. Hai đứa trẻ tìm mùi xoa trong túi nhưng không thấy - mẹ chúng thừa biết chúng nó chẳng bao giờ có mùi xoa trong túi áo - liền nấp sau váy mẹ. Bà mẹ cầm mùi xoa ôm lấy mặt. Bác Đina và bác Cútgiô khóc to hơn. Ông thượng nghị sĩ quay lưng lại, đứng bên cửa sổ, ông hắng giọng, lau đôi mắt kính, kín đáo xỉ mũi, để cho mọi người khỏi biết. Bỗng ông quay lại, nghẹn ngào hỏi:

- Thế sao chị lại bảo ông chủ của chị tốt?

- Ông ấy tốt, thật thế. Cả bà chủ nữa, cũng tốt. Ông ấy mắc nợ. Tôi không biết nói thế nào, cái người kia đã nắm chặt được đằng chuôi, ông bà ấy bắt buộc phải chịu. Tôi đã nghe được câu chuyện; bà chủ bênh vực tôi nhưng không được. Thế là tôi bế con bỏ trốn.

- Chị không có chồng ư?

- Có, nhưng anh ấy lại thuộc một người chủ khác, một người tàn nhẫn, đã dọa bán anh ấy về phương nam. Tôi lo không bao giờ được gặp lại chồng nữa.

Chị kể bằng một giọng bình thản, tưởng chị chẳng lo lắng gì, nhưng trông con mắt khủng khiếp của chị thì khác hẳn. Bà Bớc hỏi:

- Tội nghiệp, thế bây giờ chị tính đi đâu?

- Sang Canada, nhưng tôi cũng chẳng biết Canađa ở đâu. Chắc là xa lắm, phải không ạ?

Bà Bớc nói:

- Xa, xa lắm, chị khó mà tưởng tượng được. Nhưng để xem chúng tôi có thể làm gì giúp chị được. Bác Đina, bác kê giúp chị ấy cái giường trong buồng bác ở gần bếp, rồi ngày mai, xem sao. Chị ạ, chị đừng sợ gì cả; chị hãy tin ở Chúa, Người sẽ phù hộ cho chị.

Hai vợ chồng ông Bớc trở về phòng khách. Bà Bớc ngồi tư lự trong ghế bành, còn ông thượng nghị sĩ đi đi lại lại trong phòng lẩm bẩm một mình: "Thật là xấu xa!" Sau cùng, ông đến bên vợ, khẽ bảo:

- Em ạ, phải cho chị ấy đi khỏi nơi đây, ngay đêm nay. Sáng sớm mai, cái thằng cha kia sẽ theo hút chị ta đến đây. Nếu chỉ có một mình chị ta, thì chị ta có thể ẩn náu cho đến khi hết tai nạn. Nhưng thằng bé kia, trời cũng không thể giữ yên nó một chỗ được. Chỉ cần nó ló mặt ra cửa sổ hay cửa ra vào! Nếu anh bị bắt vì giấu hai mẹ con người đó, vào lúc này, thì anh biết ăn nói làm sao! Phải đưa hai mẹ con họ đi ngay đêm nay.

- Ngay đêm nay! Đi làm sao được? Người ta biết đi đâu?

Ông thượng nghị sĩ vừa xỏ chân vào đôi ủng, vừa nói:

- Anh biết có chỗ cần phải đưa họ đi.

Ông ngừng lại, nghĩ ngợi, hai tay ôm lấy đầu gối. Ông kết luận:

- Một việc xấu xa. Nhưng mặc, cứ phải làm.

.: Chương 20: Tốpxi :.

Một buổi sáng, cô Ôphêlia đang làm việc nhà, thì nghe tiếng Ôguyxtanh gọi từ dưới cầu thang:

- Chị Ôphêlia, có cái này hay lắm.

Cô Ôphêlia, kim chỉ còn cầm trong tay, chạy xuống hỏi:

- Cái gì thế cậu?

- Tôi mua cho chị con bé này đây - vừa nói, anh vừa chỉ một con bé chừng tám, chín tuổi.

Con bé đến lạ lùng; hai con mắt tròn và lấp lánh như hai hòn ngọc, liếc nhìn khắp phòng.

Miệng nó hé mở, vì ngạc nhiên trước đồ đạc kỳ diệu bày trong phòng khách của ông chủ mới, để lộ hai hàm răng trắng tỉnh. Mớ tóc xoăn tết thành từng bím lởm chởm trên đầu. Nết mặt nó vừa dịu dàng vừa sắc sảo, lại có vẻ trang nghiêm và ảo não. Nó khoác độc một cái bao tải bẩn thỉu rách bươm, tay khoanh trước ngực. Toàn thân con bé toát ra một cái gì dị ảo trông nó như thằng lùn trong câu chuyện thần tiên. Cô Ôphêlia, sau này bảo là cô chưa thấy cái gì thô lỗ đến thế, lúc đó quay lại phía Ôguyxtanh:

- Mang cái của này đến dây làm gì thế cậu?

- Để chị bảo ban, dạy dỗ nó theo những nguyên tắc giáo dục của chị. Tôi nghĩ con bé này là một loại trẻ con rất đặc biệt... Nào! Tốpxi... - anh vừa gọi nó vừa huýt sáo như gọi một con chó con. - Hát một bài xem thử, rồi múa xem có giỏi không nào.

Đôi mắt u buồn của con bé bỗng ngời sáng, tinh ranh; nó ca một bài dân ca châu Phi bằng một giọng trong trẻo. Chân và tay nó đập nhịp; nó xoay người đập hai đầu gối vào nhau. Đó là một điệu man rợ, kỳ lạ. Thỉnh thoảng nó thất lên một vài tiếng khàn khàn từ cuống họng, đó là đặc điểm của âm nhạc dòng dõi người châu Phi. Sau cùng, nó nhảy mấy cái, rít một hơi như tiếng còi xe lửa rồi nằm sóng sượt trên thám; nó nằm im, hai tay chắp lại, nét mặt vừa dịu dàng vừa trang nghiêm. Nhưng hai con mắt láu lỉnh, ngó ngược ngó xuôi, làm mất hết cái vẻ trang trọng của cảnh múa hát.

Cô Ôphêlia ngạc nhiên đến sững cả người. Thấy thế. Ôguyxtanh rất thú vị. Anh bảo Tốpxi:

- Tốpxi, đây là bà chủ mới của mày. Liệu mà ở cho ngoan, rõ ngoan vào.

Tốpxi vẫn chắp hai tay, vẻ đau khổ nhưng đôi mắt lấm lét:

- Thưa ông chủ, vâng ạ.

Cô Ôphêlia phản đối:

- Thế nghĩa là thế nào, cậu? Nhà đã đẩy tụi nhóc, đi đến đâu vướng cẳng đến đấy. Sáng nào dậy, tôi cũng thấy một đứa nằm trước cửa buồng, một đứa chui dưới gầm bàn, một đứa nằm kênh trên thảm chùi chân; ở cầu thang thì vô số, nào leo trèo, nào hò hét, chẳng đâu không thấy chúng nó, có đứa nằm lăn dưới sàn bếp nữa... Thế mà cậu còn rước thêm về, để làm gì?

- Để chị dạy dỗ nó, tôi chẳng bảo chị rồi là gì. Lúc nào chị cũng nói đến việc giáo dục, tôi tưởng nên tặng chỉ một chiếng đất còn nguyên vẹn, để chị thử xem sao. Chị thử nuôi nấng nó theo lý thuyết của chị xem.

- Tôi không cần, không cần mà; hiện vô khối việc tôi chưa kham nổi, nữa là...

- Đấy, người theo đạo Giatô như thế đấy. Các ông, các bà thành lập một hội để tìm một thầy dòng, đưa đi sống cùng với những kẻ tà đạo. Nhưng giả thử một mười trong các ông, các bà mang ngay một kẻ tà đạo về nhà và thử cải hóa nó thành một người ngoan đạo, như thế có hơn không? Làm như vậy, các ông, các bà lại kêu chúng nó bẩn quá, khó chịu quá, vẽ vời chuyện nọ, chuyện kia vân vân.

Cô Ôphêlia , giọng dịu đi:

- Kìa cậu, tôi có đề cập đến khía cạnh ấy đâu. - Ôphēlia nhìn con bé Tốpxi bằng con mắt hiền dịu hơn. - Được, cũng gắn như công việc của một thấy dòng.

Ôguyxtanh đã biết nhìn nhận. Cô Ôphêlia là một người có lương tâm, nhưng cô vẫn nói thêm:

- Tôi thấy không cần mua con bé này. Trong nhà thiếu gì trẻ để tôi chăm sóc và nuôi nấng.

Ôguyxtanh kéo chị ra một chỗ, nói nhỏ:

- Chị ạ, đứa bé này khác. Bố mẹ nó say rượu suốt ngày: hai vợ chồng mở một quán ăn bẩn thỉu, ngày nào tôi cũng đi qua. Bố mẹ nó đánh chửi nó, nó la hét om lên. Nó có vẻ tinh ranh đến hay, tôi nghĩ có thể rút ra ở cuộc đời nó một cái gì. Thế là tôi mua nó để tặng chị. Chị thử giáo dục nó theo đạo Cơđốc như ở Nuven Ăngglơte xem sao, là sẽ chờ đợi kết quả. Tôi không có ý thức gì về vấn đề giáo dục, nhưng tôi muốn được thấy chị thử nghiệm lý thuyết của chị.

Cô Ôphêlia nhận lời:

- Tôi sẽ cố hết sức.

Cô đến bên con bé, thận trọng như ta đến gần một con nhện đen, với ý định tốt lành. Nhưng cô không khỏi bật lên tiếng kêu:

- Nó bẩn thỉu quá, gần như trần truồng...

- Chị cho nó xuống nhà, bảo ai kỳ cọ rồi thay áo quần cho nó.

Cô Ôphêlia dắt Tốpxi xuống dưới bếp. Bác Đina ngạc nhiên thấy có con bé mới đến:

- Ông chủ cần đến con bé da đen này làm gì nhỉ? - Rồi bác lạnh nhạt nhìn con bé: - Tôi không muốn nó quẩn ở chân tôi đâu.

Rôda và Gian thì ra vẻ ghê tởm, kêu lên:

- Khiếp! Tránh xa chúng tao ra nhé. Tại sao ông chủ lại rước cái con quái da đen ấy về nhỉ?

Bác Đina chạnh lòng nói:

- Mấy đứa chết treo! Con bé này không đen hơn cô đâu, cô Rôda ạ. Cô tự cho mình là người da trắng à? Cô chẳng ra đen cũng chẳng ra trắng. Tôi thích một là đen, hai là trắng cho phân minh.

Chẳng cần thiết phải kể tỉ mỉ quần áo của một đứa con gái bị bỏ rơi và bị hành hạ khốn khổ. Sự thật, hàng vạn người phải sống và phải chết trong hoàn cảnh khiến cho họ phải đau xót. Cô Ôphêlia là một người phụ nữ thực tiễn, có nghị lực và kiên quyết. Cô can đảm làm mọi việc, kể cả những việc bẩn thỉu, nhưng cô không thể không tỏ vẻ kinh tởm, phải nói thật tình như thế. Tuy vậy khi trông thấy lưng và vai con bé có những vết máu tím bẩm, những vết da thành chai, những dấu tích không thể phai mờ của một sự giáo dục mà con bé đã phải chịu đựng, thì cô mủi lòng xót thương.

Gian chỉ những vết sẹo:

- Trông kìa! Rõ ràng là một con quỷ con. Sao tôi ghét bọn nhóc da đen thế, thật tởm! Thế mà ông chủ cũng mua lạ thật!

"Con quỷ con" nghe những lời bình phẩm ấy, có vẻ nhẫn nhục, khổ não, như thường ngày. Nhưng con mắt sáng quắc của nó lấm lét nhìn đôi hoa tai của Gian. Khi nó đã ăn mặc tỉnh tươm, đầu tóc cắt gọn gàng, cô Ôphêlia có vẻ hài lòng. Cô bảo trông nó ra dáng ngoan đạo hơn một tí rồi đấy. Và cô bắt đầu suy nghĩ đặt một kế hoạch giáo dục. Cô ngồi trước mặt nó, hỏi:

- Cháu mấy tuổi rồi?

Thưa bà, cháu không biết, con bé láu lỉnh vừa đáp vừa nhăn nhở để lộ hai hàm răng trắng.

- Hử! Cháu không biết tuổi cháu à? Không ai bảo cho cháu biết ư? Thế mẹ cháu đâu?

- Không có mẹ - con bé lại nhăn nhở.

- Không có mẹ! Cháu nói gì mà kỳ thế? Thế cháu sinh ở đâu.

- Không sinh bao giờ.

- Cháu không được trả lời nhát gừng như thế, ta không đùa đâu. Cháu sinh ở đâu, bố mẹ cháu đâu nói đi.

Con bé đĩnh đặc đáp:

- Cháu sinh bao giờ, chẳng bao giờ có bố mẹ, chẳng có gì hết. Một nhà buôn nuôi cháu cùng một lũ trẻ khác. Bác Xu nuôi chúng cháu.

Rõ ràng là nó nói thật. Gian nói chen vào:

- Thưa bà, vô số trẻ như thế. Những nhà buôn mua chúng nó từ thuở nhỏ tí, để rồi đem bán.

- Cháu ở nhà ông chủ, bà chủ được bao lâu?

- Thưa bà, cháu không biết.

- Một năm à? Hay hơn, hay kém ?

- Thưa bà, cháu không biết.

Gian lại nói:

- Trời ơi! Thưa bà, bọn da đen dốt nát ấy có biết gì đâu Chúng nó không biết thời gian là gì đâu, bà ạ. Chúng nó không biết thế nào là một năm, cũng không biết tuổi chúng nó đâu.

- Tốpxi, cháu có nghe nói Đức Chúa bao giờ không? Con bé có vẻ ngạc nhiên, nhưng nó vẫn nhăn nhở.

- Cháu có biết ai sinh ra cháu không?

- Không ai cả, cháu biết có thế.

Bỗng nó bật cười; hình như nó thú vị với cái ý này lắm; mắt nó long lanh, nó nói tiếp:

- Cháu nghĩ cháu mọc lên một mình; chẳng ai sinh ra cháu cả.

Cô Ôphêlia nghĩ nên đặt những câu hỏi cụ thể hơn:

- Cháu đã học khâu bao giờ chưa?

- Chưa ạ.

- Thế cháu biết làm gì? Ông chủ, bà chủ cháu bắt cháu làm những gì?

- Múc nước, rửa bát, chùi dao và hầu hạ mọi người.

- Ông chủ bà chủ đối với cháu có tốt không?

- Tốt ạ. - Tốpxi nói vậy, con mắt liếc nhìn cô Ôphêlia có vẻ ngờ vực và dò la.

Ôphêlia thôi không hỏi nữa, có đứng dậy và thấy Ôguyxtanh đứng dựa vào lưng ghế của cô.

- Chị ạ, chị có một mảnh đất còn nguyên vẹn, chị hãy gieo những hạt giống tư tưởng của chị, không cần làm cỏ lắm đâu.

Ý kiến của cô Ôphêlia về vấn đề giáo dục, cũng như mọi ý kiến khác của cô, rất rõ rệt, đâu ra đấy. Có thể tóm tắt ngắn ngọn như sau: dạy cho trẻ biết nghe lời, giảng giải những vấn để đại cương về giáo lý, dạy khâu vá, đọc chữ. Khi trẻ nói dối thì phải đòn. Ít lâu nay, "ánh sáng mới" đã tỏa ra nền giáo dục như những con suối, thành ra lý thuyết của cô Ôphêlia đã trở thành lạc hậu. Nhưng cô Ôphêlia không công nhận một nền giáo dục nào khác. Cô nhất định sẽ giáo dục con bé hư hỏng của cô theo phương pháp của cô.

.: Chương 29: Không người che chở :.

Chị đưa cho cô Ôphêlia một cái lệnh do tay Mari viết, giấy gửi lão chủ một nhà trừng giới; người mang giấy bị mười lăm roi.

Cô Ôphêlia hỏi:

- Tại sao thế?

- Thưa cô, tính cháu không thuần, cô đã biết; cháu cũng biết như vậy là xấu. Lúc ấy, cháu thử áo cho bà, thì bà tát cháu. Thêm cháu nóng lên, cháu nói hỗn... Xong rồi, bà chủ viết cho cháu tờ giấy này, bảo cháu mang ra đấy. Thà giết cháu còn hơn. Thưa cô, bà chủ hay cô đánh cháu thì không sao; nhưng đưa cháu vào tay một người đàn ông - cái thằng ghê tởm ấy. Nhục cho cháu quá!

Cô Ôphêlia biết cái tục đưa đàn bà, con gái ra nhà trừng giới; họ bị giao vào tay những đứa đàn ông đủ bỉ ổi để làm cái nghề này. Nhưng trước khi thấy Rôda rũ rượu dưới chân mình, chưa bao giờ cô chú ý đến cái thực tế đen tối ấy. Cô đỏ mặt lên vì tức giận, cái tức giận của một người vùng Nuven Ăngglơte vốn độ lượng và yêu tự do. Nhưng cô là người thận trọng, làm chủ được mình, nên cô nén được cơn giận. Cô cầm tờ giấy nhàu trong tay bảo:

- Chị ngồi đây. Để tôi sang xin bà chủ cho.

Ôphêlia thấy Mari đang ngồi ở ghế bành; bác Mami chải đầu và Gian bóp chân cho chị. Cô Ôphêlia hỏi:

- Hôm nay, mợ có được khỏe không?

Để trả lời, Mari thở dài não ruột và nhắm mắt lại. Nhưng rồi chị lấy một cái mùi soa viền đen giụi mắt, nói:

- Tôi cũng không biết nữa. Hoàn cảnh tôi như thế này, tôi cũng cố mà phải khỏe thôi.

Ôphêlia hắng giọng, như người ta thường làm để vào một đề khó khăn:

- Tôi gặp mợ để nói chuyện với mợ về con bé Rôda.

Tức thì, Mari mở rõ to cặp mắt, đôi má vốn tái xanh đỏ lên; chị the thé hỏi:

- Cái con ấy nó muốn gì?

- Nó hối lỗi.

- Thật à? Nó còn ở đây thì nó còn hối lỗi nữa. Nó hỗn láo, tôi chịu đựng từ lâu lắm rồi. Để rồi tôi cho nó phải tàn phải hại với tôi.

- Mợ có thể trừng phạt nó cách khác, cho nó đỡ nhục hơn không?

- Đúng là tôi muốn làm cho nó phải nhục. Nó làm ra vẻ ta đây bà lớn, nó quên nó là thứ người gì! Tôi phải cho nó một bài học đích đáng.

- Mợ ạ, nếu mợ làm cho con bé trong trắng ấy bị sỉ nhục, như vậy là mợ hủy hoại đời nó.

Mari cười khinh bỉ:

- Trong trắng! Cái tiếng mới phù hợp với hạng người ấy làm sao! Tôi sẽ dạy cho nó biết rằng, mặc dầu nó làm ra vẻ bà lớn, nó không hơn con mẹ da đen khó rách áo ôm hạng bét ở ngoài phố.

Cô Ôphêlia nói gắt:

- Mợ tàn ác như thế, mợ sẽ phải tội với trời!

- Tàn ác? Làm thế có gì là tàn ác cơ chứ! Tôi chỉ bảo cho đánh mười lăm roi nhẹ. Tôi thấy chẳng có gì là tàn ác cả.

- Tôi tin chắc là người con gái nào cũng thà chết còn hơn.

- Đó có thể là ý nghĩ của những người có cảm nghĩ như chị. Nhưng bọn này đã quen lắm rồi, chỉ có một cách ấy là trị được chúng nó. Tôi đã nhất định làm cho chúng nó phải ê chề. Tôi dạy chúng nó biết rằng bất cứ đứa nào ở cái nhà này ăn ở hỗn láo, là tôi đưa ra nhà trừng giới.

Nghe những lời ấy, Gian cúi mặt xuống; chị biết là lời dọa nạt ấy nhằm trực tiếp nói chị. Cô Ôphêlia hình như sẵn sàng nổ bùng lên. Nhưng, biết rằng tranh luận với loại người như thế là vô ích, có cắn môi, đứng dậy, bước ra ngoài.

Cô Ôphêlia thấy khổ tâm phải nói với Rôda, cô không giúp gì được chị ta cả. Một lát sau, một người nô lệ đến dẫn cô gái lai ra nhà trừng giới, mặc dầu chị khóc lóc, van xin thảm thiết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro