Vai trò của các đảng phái chính trị

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi những người sáng lập nền cộng hòa Mỹ soạn thảo và phê chuẩn Hiến pháp Mỹ năm 1787, họ không trao cho các chính đảng một vai trò nào cả. Thực vậy, bằng cách xây dựng nhiều quy định hiến pháp như phân chia quyền lực hành pháp, lập pháp và tư pháp; xây dựng chế độ liên bang; và bầu tổng thống gián tiếp thông qua cử tri đoàn (xem dưới đây) - họ muốn nền cộng hòa mới không chịu tác động của các đảng phái chính trị.

Bất chấp ý định của những người sáng lập nền cộng hòa, nước Mỹ năm 1800 trở thành quốc gia đầu tiên phát triển các chính đảng non trẻ trên toàn quốc nhằm thực hiện việc chuyển giao quyền hành pháp từ đảng này sang đảng khác thông qua bầu cử. Sự phát triển và mở rộng các đảng phái chính trị sau đó gắn kết chặt chẽ với việc mở rộng quyền bầu cử. Trong thời kỳ đầu của nền cộng hòa, chỉ những người đàn ông có sở hữu tài sản mới được đi bầu cử. Tuy nhiên, quy định đó bắt đầu được nới lỏng vào đầu thế kỷ XIX do làn sóng nhập cư, sự phát triển của các đô thị và các lực lượng dân chủ hóa khác, chẳng hạn như quá trình mở rộng đất nước về phía tây. Trải qua nhiều thập kỷ, quyền bầu cử đã được mở rộng cho nhiều người hơn nữa vì những quy định về quyền sở hữu tài sản, chủng tộc và giới tính đã bị bãi bỏ. Khi thành phần cử tri được mở rộng thì các đảng chính trị mở ra để vận động số lượng lớn cử tri như một phương tiện kiểm soát chính trị. Các đảng chính trị đã được thể chế hóa để thực hiện nhiệm vụ cơ bản này. Do vậy, các đảng ở Mỹ xuất hiện như một phần của quá trình mở rộng dân chủ và vào đầu những năm 1830, các đảng phái chính trị đã được củng cố vững chắc và đầy quyền lực.

Ngày nay, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa - cả hai đều kế thừa các đảng tiền nhiệm từ thế kỷ XVIII và XIX - chi phối tiến trình chính trị. Trừ những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, hai chính đảng này thay nhau nắm giữ chức tổng thống, các chức vụ trong Quốc hội, thống đốc và cơ quan lập pháp bang. Ví dụ, từ năm 1852 các tổng thống đều là người của Đảng Cộng hòa hoặc Đảng Dân chủ, và trong thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, tỉ lệ phiếu phổ thông bầu tổng thống của hai chính đảng trung bình là gần 95%. Trong số 50 bang, hiếm khi có bang nào mà thống đốc không phải là người của Đảng Dân chủ hoặc Đảng Cộng hòa. Rất ít thành viên Quốc hội hoặc thành viên các cơ quan lập pháp bang là người của đảng thứ ba hoặc thành viên độc lập.

Trong những thập kỷ gần đây, ngày càng có nhiều cử tri tự nhận mình là các cử tri độc lập và họ được phép đăng ký bỏ phiếu ở nhiều bang. Tuy nhiên, theo các cuộc thăm dò dư luận, ngay cả những người nói rằng họ là những cử tri độc lập nhìn chung vẫn có xu hướng ủng hộ đảng này hoặc đảng kia.

Tuy nhiên, ở cấp địa phương vẫn có trường hợp ngoại lệ, cụ thể là ở các thành phố và thị trấn nhỏ, vì ở đó các ứng cử viên có thể không phải tuyên bố họ thuộc đảng nào hoặc họ có thể tham gia chạy đua tranh cử với những người cùng chung chí hướng theo một sáng kiến cụ thể của địa phương như xây dựng lại khu trung tâm thành phố hoặc xây dựng trường học.

Mặc dù hai chính đảng này tổ chức và chi phối chính quyền ở cấp trung ương, bang và địa phương, nhưng về ý thức hệ họ lại không gắn kết và có hệ thống bằng các đảng phái ở các nền dân chủ khác. Khả năng các chính đảng thích nghi với những diễn biến chính trị của đất nước dẫn đến sự chi phối mang tính thực dụng của họ đối với tiến trình chính trị.

Tại sao lại hình thành hệ thống hai đảng?

Như đã đề cập ở trên, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã chi phối nền chính trị bầu cử từ những năm 1860. Thành tích không gì sánh được này của cả hai đảng - liên tục chi phối nền chính trị bầu cử của một quốc gia - phản ánh những khía cạnh mang tính cấu trúc của hệ thống chính trị Mỹ cũng như những nét đặc thù của các đảng.

Quy định đối với việc bầu thành viên các cơ quan lập pháp bang và liên bang ở Mỹ là hệ thống khu vực bầu cử một thành viên, theo đó ứng cử viên nhận được đa số phiếu bầu (tức là, số lượng phiếu bầu lớn nhất ở khu vực bầu cử cụ thể) sẽ thắng cử. Mặc dù ít bang yêu cầu ứng cử viên phải giành được đa số phiếu bầu trong cuộc bầu cử, nhưng hầu hết những người nắm giữ chức vụ đều được bầu lên với đa số tương đối.

Không giống với hệ thống tính theo tỉ lệ phổ biến ở nhiều nền dân chủ, quy định khu vực bầu cử một thành viên cho phép chỉ một đảng giành thắng lợi ở một khu vực bầu cử cụ thể. Vì vậy, hệ thống khu vực bầu cử một thành viên tạo ra động lực hình thành các đảng có cơ sở rộng rãi trên toàn quốc, với kỹ năng quản lý hiệu quả, có các nguồn lực tài chính và sức cuốn hút để giành được đa số tại các khu vực bầu cử Quốc hội trên cả nước. Theo hệ thống này, ứng cử viên của các đảng nhỏ và đảng thứ ba bị bất lợi. Những đảng có nguồn lực tài chính ít ỏi và không có được sự ủng hộ của công chúng hầu như không có được đại diện nào. Do vậy, các đảng mới khó mà có được mức độ đại diện theo tỉ lệ và giành được sức mạnh trên toàn quốc, vì quy định người thắng được tất trong hệ thống bầu cử Mỹ. Tại sao lại là hai chứ không phải ba đảng trên toàn quốc có nguồn tài chính dồi dào? Một phần là vì người ta cho rằng hai đảng đã mang lại cho cử tri đủ sự lựa chọn, một phần là vì về phương diện lịch sử người Mỹ không thích những thái cực chính trị và một phần là vì cả hai đảng đều tiếp thu những ý tưởng mới (xem dưới đây).

Cử tri đoàn

Còn một động lực nữa thúc đẩy sự hình thành hệ thống hai đảng, đó là hệ thống Cử tri đoàn bầu chọn tổng thống. Theo hệ thống Cử tri đoàn, về kỹ thuật, người Mỹ không bỏ phiếu bầu trực tiếp tổng thống và phó tổng thống. Thay vào đó, họ bỏ phiếu trong phạm vi từng bang để bầu lên một nhóm đại cử tri - những người cam kết sẽ bầu cho ứng cử viên tổng thống này hoặc ứng cử viên tổng thống kia. Số đại cử tri tương ứng với số thành viên Quốc hội ở bang đó, tức là bằng số hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ của bang đó. Để giành được chức tổng thống đòi hỏi ứng cử viên phải giành được đa số tuyệt đối trong tổng số 538 phiếu đại cử tri của 50 bang. (Con số đó bao gồm ba phiếu đại cử tri của Thủ đô Washington, D.C., đây không phải là một bang và không có đại diện bỏ phiếu tại Quốc hội).

Quy định đa số tuyệt đối khiến ứng cử viên của đảng thứ ba khó có thể giành được ngôi vị tổng thống vì phiếu đại cử tri của từng bang được phân bổ theo hình thức người thắng được tất (với hai ngoại lệ). Điều đó có nghĩa là, nếu một ứng cử viên giành được đa số phiếu phổ thông tại một bang - dù là đa số sít sao - thì sẽ giành được tất cả phiếu đại cử tri của bang đó. Tại Maine và Nebraska, người giành đa số phiếu phổ thông trên toàn bang giành được hai phiếu đại cử tri và người giành chiến thắng ở khu vực bầu cử Quốc hội được một phiếu đại cử tri. Giống với hệ thống khu vực bầu cử một đại diện, Cử tri đoàn khiến các đảng thứ ba bị bất lợi, ít có cơ hội giành được phiếu đại cử tri ở các bang, chứ nói gì đến việc giành thắng lợi ở đủ số bang để trở thành tổng thống.

Các nhà lập quốc đã xây dựng hệ thống Cử tri đoàn như một phần trong kế hoạch nhằm chia sẻ quyền lực giữa các bang và chính phủ trung ương. Theo hệ thống Cử tri đoàn, phiếu phổ thông bầu tổng thống không có ý nghĩa quyết định. Do vậy, lá phiếu đại cử tri giành được thông qua bầu cử tại các bang có thể cho một kết quả khác so với bầu cử phổ thông trên toàn quốc. Trên thực tế đã có 17 cuộc bầu cử tổng thống trong đó người thắng cử không giành được đa số phiếu phổ thông. Người đầu tiên trong số này là John Quincy Adams trong cuộc bầu cử năm 1824, và gần đây nhất là George W. Bush năm 2000. Một số người cho rằng hệ thống Cử tri đoàn đã lỗi thời, trong khi những người khác vẫn thích nó bởi vì nó đòi hỏi các ứng cử viên tổng thống phải tranh cử ở nhiều bang, chứ không chỉ ở những bang đông dân nhất.

Những rào cản khác đối với các đảng thứ ba

Theo thời gian, với xu hướng tiến tới xây dựng hệ thống hai đảng trên toàn quốc, và thực tế là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát bộ máy chính quyền, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi họ tạo ra những quy định bầu cử khác có lợi cho họ. Ví dụ, để một đảng mới có tên trên lá phiếu của một bang là một công việc khó khăn và rất tốn kém, vì nó đòi hỏi đơn kiến nghị với hàng vạn chữ ký và phải có khả năng giành được một tỉ lệ phiếu bầu tối thiểu trong các cuộc bầu cử sau đó để giữ được tên trên lá phiếu.

Quá trình chỉ định ứng cử viên đặc thù của Mỹ là một rào cản mang tính cấu trúc nữa đối với các đảng thứ ba. Trong số các nền dân chủ trên thế giới, Mỹ là trường hợp đặc biệt vì dựa chủ yếu vào các cuộc bầu cử sơ bộ để chỉ định ứng cử viên tổng thống, chạy đua vào các vị trí tại quốc hội và bang. Như đã đề cập, theo hệ thống chỉ định ứng cử viên này, các cử tri kiên định (luôn ủng hộ một đảng) trong cuộc bầu cử sơ bộ sẽ bầu chọn người của đảng mình tham gia tổng tuyển cử. ở hầu hết các nước, việc chỉ định ứng cử viên do các tổ chức đảng và lãnh đạo đảng thực hiện. Nhưng ở Mỹ hiện nay, cử tri là những người đưa ra quyết định cuối cùng ai sẽ là người đại diện cho Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ tham gia tranh cử.

Mặc dù hệ thống này khiến nội bộ các tổ chức đảng lỏng lẻo hơn so với ở hầu hết các nền dân chủ khác, nhưng quá trình chỉ định ứng cử viên giúp Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa chi phối nền chính trị bầu cử. Việc giành được đề cử của đảng thông qua bầu cử sơ bộ giúp các thành viên chống đối hoặc các ứng cử viên chủ trương cải cách có thể hợp tác trong nội bộ các đảng để tiến gần hơn tới tổng tuyển cử và tăng cơ hội chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử mà không phải tổ chức các đảng thứ ba. Do vậy, quá trình chỉ định ứng cử viên thông qua bầu cử sơ bộ có xu hướng làm cho hai chính đảng bất đồng và nhìn chung là ứng cử viên chống đối không phải vất vả để thành lập một đảng thứ ba. Hơn thế nữa, các đảng và các ứng cử viên của họ có xu hướng áp dụng các chiến lược bầu cử để tận dụng thông điệp của các ứng cử viên độc lập và của đảng thứ ba, những người có vẻ thu hút được sự ủng hộ rộng rãi.

Cơ sở ủng hộ rộng rãi

Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đều tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi và muốn thu hút sự ủng hộ của cử tri thuộc mọi thành phần kinh tế và các nhóm nhân khẩu học. Ngoại trừ cử tri người Mỹ gốc Phi và người Do Thái - đa số những cử tri này thường bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thổng của Đảng Dân chủ - cả hai đảng đều thu hút được sự ủng hộ đáng kể của hầu hết các nhóm kinh tế -xã hội lớn. Các đảng cũng biểu lộ sự linh hoạt về lập trường chính sách và nhìn chung không trung thành tuyệt đối với một ý thức hệ hay một tập hợp các mục tiêu chính sách nào cả. Thay vào đó, theo truyền thống, trước hết họ tập trung vào việc giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử và kiểm soát các nhánh chính quyền có bầu cử.

Với cơ sở kinh tế - xã hội ủng hộ lớn và nhu cầu hoạt động trong một xã hội nhìn chung là ôn hòa về ý thức hệ, nên các đảng ở Mỹ về cơ bản đều có lập trường chính sách ôn hòa. Như đã đề cập, về mặt chính sách, các đảng đều tỏ ra rất linh hoạt. Vì cách tiếp cận không cứng nhắc này nên Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ chấp nhận sự đa dạng lớn trong hàng ngũ của họ, và giúp họ có khả năng lôi kéo các đảng thứ ba và các phong trào phản đối khi các đảng và các phong trào này xuất hiện. Nhìn chung, Đảng Cộng hòa được xem là đảng bảo thủ vì nhấn mạnh các quyền sở hữu và tích lũy của cải cá nhân, còn Đảng Dân chủ được coi là thiên tả, ủng hộ các chính sách kinh tế và xã hội tự do. Nhưng trên thực tế, khi hai đảng nắm quyền, cả hai đều tỏ ra thực dụng.

Cấu trúc đảng phái phi tập trung hóa

Bên cạnh sự linh hoạt về ý thức hệ, đặc trưng của hai chính đảng ở Mỹ là cấu trúc phi tập trung hóa. Khi đã nắm quyền, tổng thống không thể trông đợi các thành viên của đảng mình tại Quốc hội sẽ là những người ủng hộ trung thành đối với các sáng kiến của tổng thống. Ngay cả các nhà lãnh đạo đảng tại Quốc hội cũng không thể mong chờ thành viên của đảng mình đồng loạt bỏ phiếu ủng hộ. Những cuộc họp kín của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ (gồm các nghị sĩ đương nhiệm) rất độc lập và họ có thể theo đuổi các chính sách trái với chính sách của tổng thống, dù tổng thống là người cùng đảng. Tương tự, việc gây quỹ bầu cử của đảng cũng được tách riêng. Các ủy ban vận động tranh cử thượng nghị sĩ và Quốc hội của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa hoạt động độc lập với các ủy ban đảng toàn quốc, các ủy ban này chỉ tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống. Bên cạnh đó, ngoại trừ việc thực hiện thẩm quyền đối với thủ tục bầu chọn đại biểu đi dự các đại hội toàn quốc đề cử ứng cử viên, các tổ chức đảng toàn quốc hiếm khi can thiệp vào công việc của đảng ở các bang.

Việc phi tập trung hóa về mặt tổ chức phản ánh hệ quả của hệ thống chia sẻ quyền lực theo quy định của Hiến pháp - phân quyền giữa các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp cả ở cấp bang và liên bang. Hệ thống quyền lực được phân tầng này có thể chỉ tạo ra động lực hạn chế giúp các nghị sĩ và chủ tịch đảng đoàn kết với nhau. Điều này là hoàn toàn đúng khi chúng ta bàn về mối quan hệ giữa các thành viên Quốc hội và chủ tịch đảng của họ hay mối quan hệ tương tự giữa các nghị sĩ bang và thống đốc của họ.

Hệ thống phân cấp chính quyền liên bang, bang và địa phương là một động cơ nữa thúc đẩy sự phi tập trung hóa của các đảng vì nó tạo ra hàng nghìn khu vực bầu cử cho các công chức ở cấp liên bang, bang và địa phương. Như đã đề cập ở trên, việc tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ để chỉ định ứng cử viên cũng làm suy yếu các tổ chức đảng vì không cho các đảng có khả năng kiểm soát việc bầu chọn ứng cử viên của đảng. Do vậy, cá nhân các ứng cử viên được khuyến khích xây dựng các tổ chức vận động tranh cử và lực lượng ủng hộ của riêng họ, trước hết là giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ và sau đó là chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử.

Lo ngại của công chúng

Mặc dù trong hệ thống chính trị Mỹ có biểu hiện rất rõ và lâu dài về tinh thần đảng phái có tổ chức, nhưng trong nền văn hóa công dân Mỹ vẫn còn một thành tố thâm căn cố đế đó là sự bất tín ngày càng tăng đối với các đảng phái chính trị. Việc xây dựng và phát triển hệ thống bầu cử sơ bộ chỉ định ứng cử viên của bang và Quốc hội là bằng chứng về tâm lý theo chủ nghĩa dân túy, thậm chí là tâm lý chống đảng phái trong công chúng. Người Mỹ hiện đại hoài nghi việc lãnh đạo các tổ chức đảng của họ thực thi quyền lực lớn đối với chính phủ của họ. Các cuộc thăm dò dư luận liên tục cho thấy phần lớn dân chúng cho rằng đôi khi chính các đảng làm phức tạp thêm vấn đề và cho rằng sẽ tốt hơn nếu không có dấu hiệu của đảng nào trên lá phiếu cả.

Vì vậy, các đảng phải đối phó với vấn đề là một số lượng lớn cử tri không còn mặn mà lắm với việc xác định mình thuộc đảng nào. Một biểu hiện của thực tế này là tỉ lệ tuồn phiếu. Ví dụ, một cử tri có thể bỏ phiếu cho ứng cử viên tổng thống của đảng mình và bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng kia tại khu vực bầu cử Quốc hội của mình. Vì vậy, trong kỷ nguyên chính quyền phân cấp, các tổng thống thường phải cố gắng điều hành mà không được đa số ủng hộ trong một hoặc cả hai viện tại Quốc hội. Việc hai đảng thay nhau kiểm soát nhánh hành pháp và lập pháp là điều bình thường của cả chính quyền trung ương lẫn chính quyền ở 50 bang. Một vài nhà quan sát cho rằng thậm chí cử tri thích quy định này vì nó cản trở những đề xuất lớn của chính quyền có thể khiến cử tri thấy phiền phức.

Các ứng cử viên độc lập và của các đảng thứ ba

Bất chấp các trở ngại nêu trên, sự xuất hiện của các ứng cử viên độc lập và các đảng thứ ba là một đặc điểm có tính định kỳ trong nền chính trị Mỹ. Họ thường đưa ra những vấn đề xã hội mà các chính đảng không giải quyết được để công chúng bàn luận và đưa các vấn đề đó vào chương trình nghị sự của chính phủ. Tuy nhiên, hầu hết các đảng thứ ba thường chỉ phát triển trong một cuộc bầu cử và sau đó tan rã, hoặc bị sát nhập vào một trong hai chính đảng. Kể từ năm 1850, duy nhất một đảng mới là Đảng Cộng hòa hình thành và giành được vị thế của một chính đảng. ở thời điểm đó có một vấn đề đạo lý bức xúc khiến đất nước chia rẽ, đó là tình trạng nô lệ. Vấn đề này là cơ sở để lựa chọn ứng cử viên và huy động cử tri.

Bằng chứng cho thấy các đảng thứ ba có thể tác động mạnh đến kết quả bầu cử. Ví dụ, việc Theodore Roosevelt - ứng cử viên của đảng thứ ba - ra tranh cử năm 1912 đã khiến phân hóa phiếu bầu cho Đảng Cộng hòa và cho phép Woodrow Wilson là người của Đảng Dân chủ thắng cử khi chưa giành đủ đa số phiếu phổ thông. Năm 1992, ứng cử viên độc lập H.Ross Perot đã thu hút được sự ủng hộ của các cử tri mà từ những năm 1980 chủ yếu bầu cho Đảng Cộng hòa, khiến cho tổng thống đương nhiệm của Đảng Cộng hòa Geogre H.W. Bush thất bại. Trong cuộc chạy đua cực kỳ sít sao năm 2000 giữa Geogre W. Bush của Đảng Cộng hòa và Al Gore của Đảng Dân chủ, nếu ứng cử viên của Đảng Xanh Ralph Nader không giành được phiếu tại bang Florida thì Al Gore có thể đã giành được phiếu đại cử tri của bang này và trở thành tổng thống.

Các cuộc điều tra dư luận kể từ năm 1990 liên tục cho thấy tỉ lệ ủng hộ đảng thứ ba rất cao. Trong thời gian trước khi diễn ra cuộc bầu cử năm 2000, một cuộc thăm dò dư luận của Viện Gallup cho thấy 67% người Mỹ ủng hộ một đảng thứ ba mạnh có các ứng cử viên chạy đua tranh cử tổng thống, chạy đua vào Quốc hội và bang cùng với các ứng cử viên của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Nhờ sự ủng hộ đó, cộng với các khoản chi tiêu hào phóng cho vận động tranh cử, đã giúp tỷ phú bang Texas Ross Perot giành được 19% phiếu phổ thông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992, tỷ lệ cao nhất dành cho một ứng cử viên không thuộc các chính đảng kể từ thời Theodore Roosevelt (Đảng Tiến bộ) giành được 27% năm 1912.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tro#vai