Vài Truyện ngắn Tình yêu nổi tiếng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ĐÂy là tổng hợp Truyện ngắn Tình Yêu của các Tác Giả nổi tiếng trên thế giới

ANH YÊU

Người đàn ông đi đến chiếc ghế bành, một tay cầm cốc rượu. Anh đưa tay kia lấy tờ báo thì trông thấy tờ báo có chiếc phong bì. Rất ngạc nhiên, anh đọc thấy: "gửi chồng em". Một người vợ mà lại gửi thư cho chồng, kể cũng là chuyện mới mẻ. Nếu cô ấy muốn nói điều gì với chồng tại sao không nói trong bữa ăn? Anh mở phong bì, lấy ra một tờ giấy hồng nhạt gấp làm ba. Anh cầm cốc rượu, uống một ngụm, giở tờ giấy ra và bắt đấu đọc.

"Anh yêu, em biết anh sẽ ngạc nhiên và có thể anh còn bực mình vì hành động này của em. Em biết anh rất thích anh trong chiếc ghế bành êm ái đọc báo sau bữa ăn. Nhưng dù sao em vẫn muốn nói với anh đôi điều. Cuộc hôn nhân đã khá lâu của chúng ta - sắp chẵn hai mươi lăm năm - đó là toàn bộ cuộc đời em, vì em lấy anh năm em mới mười tám tuổi: ít ra cả quãng đời người lớn của em, em là vợ anh. Cùng với anh, em đã được hưởng những phút giây hạnh phúc. Những phút giây ngắn ngủi nhưng hạnh phúc. Cùng với nhau ngần ấy thời gian - trong cuộc sống như thế có những lúc đi lên và những lúc đi xuống, mặc dù em không còn nhớ lần đi lên cuối cùng của chúng mình cụ thể nó như thế nào.

Em đã đếm số lượng từ chúng mình nói vớI nhau trong một ngày: nếu tính cả "chào buổi sáng" khi thức dậy và "chúc ngủ ngon" khi đi ngủ, thì mỗi ngày chúng mình nói nhau khoảng gần năm chục từ. Kể ra cũng hơi ít, phải không anh, nếu lưu ý rằng hàng ngày chúng mình ở bên cạnh nhau bốn, năm tiếng đồng hồ ngoài giấc ngủ. Dù sao em vẫn nghĩ nói chung như thế là bình thường. Hàng triệu cặp vợ chồng cũng sống y hệt thế thôi mà. Sự thật là suốt cuộc đời em bận rộn con cái, vì anh đi làm, em lo việc nội trợ, em chăm sóc mẹ của anh, lập kế họach chi tiêu, vì anh không chịu nổI những công việc ấy, nên rốt cuộc, em có thể chờ đợi một điều gì đó lớn hơn. Nhưng thói quen đúng là bản tính thứ hai, cái gì rồi chúng ta cũng quen dần đi. Như thế là bình thường, em tự nhủ. Một sự thật là đã mấy năm nay anh không rủ em đi ăn ở nhà hàng, đi xem phim hoặc xem kịch, vì buổi chiều anh đi làm về đã mệt mỏi nên anh thích ngồI bành xem ti vi hơn; là đã hai mươi năm nay, kỳ nghỉ nào chúng mình cũng về San- Bartotomeo để anh có gặp chị gái của anh: anh không còn thời gian nào khác để mà đến thăm chị; là trong bữa ăn trưa và ăn tối, chúng mình không nói chuyện với nhau vì trên ti vi có chương trình thời sự; là vào các ngày chủ nhật anh cũng không rời khỏi ti vi vì ở đó có chương trình thể thao..." Người đàn ông buông một tiếng thở dài.

Những lời lẽ lê thê này còn bao nhiêu nữa đây? Anh lật trang sau: không còn nhiều lắm. Bây giờ anh đã hiểu, tại sao vợ anh không nói chuyện này trong bữa ăn. Cô ấy biết là nếu thế, anh sẽ để cô ấy ngồi khóc một mình. Anh uống nốt cốc rượu rồi lại đọc tiếp những dòng chữ nhỏ li ti của vợ. "N hưng, em tự nhủ, hầu như tất cả các cặp vợ chồng đều như vậy. Về nguyên tắc, cuộc sống gia đình buồn tẻ thật đấy, nhưng còn có sự gắn bó, sự tôn trọng...

Tuy nhiên, cách đây một tuần lễ đã xảy ra một chuyện làm thay đổi hẳn ý kiến của em về hai chúng ta. Em trải lại giường đệm và ở dưới sàn, bên cạnh chiếc bàn đêm của anh, em thấy một bức thư em cầm lên đọc. Vì tò mò thôi, anh biết đấy điều đó cũng bình thường... "Không anh không biết điều đó! Không bao giờ anh tự cho phép mình đọc thư gửi người khác. Sao vợ anh có thể xử sự thấp kém như thế? Anh tức sôi lên. Anh đã chực ra mắng cô ấy, nhưng một điều gì đó giữ anh lại. Phải xem cô ấy rút ra những kết luận gì đã.

Vả lại, để hình dung được phản ứng của cô ấy cũng không cần tưởng tượng nhiều. "ôThọat tiên em nghĩ đây là thư một trong những bạn gái của thằng Serdjo nhà mình. Trong thư nói về những đêm không thể nào quên, những ngày trên bờ biển, những cuộc dạo chơi bằng xe đạp. Ở đó có cả lời như "người tình cuồng nhiệt", "những nụ hôn đằm thắm" và "chiếc giường bốc lửa". Sau đó em đọc thấy tên anh và hiểu rằng mặc dù thật khó tin, nhưng người tình cuồng nhiệt chính là anh. Em nhớ lại những đêm đã rất xa xôi của chúng ta và người đàn ông tẻ nhạt thiếp ngay đi chỉ hai mươi giây sau chuyện chăn gối.Thời gian không đủ để hút hết lấy một điếu thuốc lá.

Em cũng không biết anh lại yêu nghệ thuật và quan tâm tới các cuộc triển lãm đến thế. Em chợt nhớ ra rằng lần cuối cùng chúng ta tới viện bảo tàng là lần đưa thằng Serdfo đi xem bảo tàng tự nhiên học. Năm ấy nó lên bảy,

Bây giờ nó đã làm xong nghĩa vụ quân sự..."

Người đàn ông ngày càng cảm thấy bức bối. Anh gần như ngột thở. Con giận dữ và bối rối tạo nên một hỗn hợp khủng khiếp. Anh đưa tay ra nhưng thấy cốc đã hết rượu. Anh đứng dậy và cảm thấy chóng mặt. Anh đến tủ rượu để rót thêm rượu. Sau đó anh quay lại ghế bành và tiếp tục đọc. "Em tự nhủ; chả lẽ đó lại đúng là chồng mình. Một con người tẻ ngắt, cẩn thận đến mức tỉ mẩn, một con người đo các cây bút chì cắm trong hộp đựng bút sao cho không cây nào cao hơn cây nào quá một mi- li- mét và ngồi hàng giờ trước bể cá chăm chú nhìn như bị thôi miên.

Một con người luôn luôn vẫn làm một việc ấy, vào vẫn một giờ ấy, tính không một chút phóng túng, không một chút mạo hiểm. Nhưng dù sao, người được nói đến trong thư chính là anh. Đột nhiên em hiểu ra cả những ngày thứ bảy anh nói đến chỗ mẹ anh vì mẹ anh không khoẻ, cả sự yêu thích bỗng dưng trỗi dậy ở anh đối với các cuộc dạo chơi bằng xe đạp và do đó anh đi vắng tất cả các chủ nhật. Em sẽ không tả lại cho anh gì em đã cảm thấy. anh sẽ không hiểu được đâu, dù một nghìn năm nữa. Không phải nỗi đau, mà là sự sỉ nhục uất ức và ghen tị.

Đúng vậy, em ghen tị với người đàn bà đã được anh như là am chnẳg những chưa từng biết anh như thế, mà còn không thể hình dung ra anh như thế, vớI người đàn bà đã nếm trải được cùng anh những phút giây hoàn toàn hạnh phúc. Trước mắt em lướt qua những năm tháng bên anh, và em nghĩ đến sự hiu quạnh của cuộc đời mình, đến những hy sinh, những ngày đơn điệu giống hệt nhau. Em biết trong sự việc này một phần cũng là lỗi ở em. Em đã toàn tâm toàn ý đóng vai trò người vợ mẫu mực, đôi khi vai trò này em còn thấy thích.

Em quán xuyến nhà cửa, lập kế họach chi tiêu, sinh con đẻ cái. Đó chính là những điều em không nào tha thứ cho em: em đã làm cho mình một cái lồng, vứt các chìa khoá đi và tự nhủ rằng mình là bà chủ. Đọc hết bức thư kia, em là một bà già không có cơ may nữa. Là một con bạc đặt cược tất cả vào một con lừa trong khi lẽ ra phải đặt vào con tuấn mã thuần chủng.

Lỗi tại bản thân em cả. Nhưng xót xa biết mấy khi hiểu rằng trong mấy chục năm vừa rồi anh chỉ dành cho em cái phần tồi tệ nhất của anh. Anh đã buộc em phải ngẫm nghĩ. Thọat tiên em định nói với anh, rồi em định phản bội anh, rồi em định bỏ đi. Nhưng trong các giải pháp ấy, không phải giảI pháp nào làm em thoả mãn. Rồi em nhớ lại anh như thế nào lúc ở nhà, nhớ lại các thói quen của anh - bao giờ cũng vẫn những thói quen ấy, vẫn những thói quen ấy.

Em biết tới lúc này anh đã uống hết suất rượu bao giờ anh cũng uống sau bữa ăn, ngồi dễ dãi trong ghế bành với tờ báo trên tay. Còn bây giờ chắc hẳn anh đã rót thêm, rót nhiều hơn một chút, - như mọi khi, lúc anh bồn chồn căng thẳng. Trong trường hợp như thế, tốt nhất anh nên biết rằng cảm giác ngột ngạt ở anh không phải chỉ do sự tức giận gây nên. Em hy vọng anh đã hiểu. Vợ anh"

NÀNG ĐI MẤT RỒI!

- Ai đấy? - cô ta vừa đi khuất, Shahid đã tò mò hỏi.

- Tớ không biết, - tôi vừa thờ ơ đáp vừa mở cặp giấy ra.

Trước khi đi Delhi, anh tớ có để lại mảnh thư cho một cô sinh viên của anh ấy. Chắc cô ta vừa đến lấy đó - Tôi lại cúi xuống đống giấy tờ. - Chà, nàng đến là kháu! - Shahid buông một tiếng thở dài và mơ màng nhìnvào khoảng không.

Sau đó, cậu ta thở dài não nuột lần nữa: - Nàng đi mất rồi! Lời lẽ của nàng là mùi thơm của các bông hoa. Sự hiện diện của nàng làm cho cả căn phòng này ngát hương... Nghe những lời hoa mỹ của Shahid, bất giác tôi hít một hơi rõ sâu.

Đúng là trong phòng có thoang thoảng hương thơm thật. Thường thì ở đây chỉ có mùi những cặp giấy cũ, bởi vậy tôi thường phải vặn chiếc quạt máy cho chạy nhanh thêm, mà chiếc quạt này thì luôn có chuyện trục trặc, giống như bác tuỳ phái Sundaram của chúng tôi.

"Hương thơm gì dễ chịu thế nhỉ? Của ai nhỉ? Mùi này mình thấy quen quen. Tiếc thật, giá mình nhìn cô ta một cái!" - Nàng có đôi mắt to như một con nai tơ! Nàng đã tới đây... Shahid cảm phục thốt lên, tay vẽ lên cặp giấy hình một con nai. - Đã bao giờ cậu thấy đôi mắt như thế chưa? - Tớ không nhìn cô ta, - tôi ngượng nghịu thú thật. - Cậu không nhìn nàng? - Shahid ngạc nhiên.- Sao cậu lại nói dối, hả? Cậu vừa mới nói chuyện với nàng trước mặt tớ cơ mà! Nàng nhìn cậu với cặp mắt trìu mến. Tớ nói thật đấy! - Shahid vẽ đôi mắt to của con nai.

- Ừ, nhưng tớ không nhìn kỹ vẻ ngoài cô ta -

Tôi nói thật trăm phần trăm. Khi Sundaram vào báo có một phụ nữ đến lấy giấy tờ gì đó, tôi mời cô ta vào và đưa cô ta mảnh thư. Có thể tôi có đưa mắt nhìn cô ta, nhưng không hiểu sao gương mặt cô ta không gây hứng thú gì cho tôi. Sở dĩ như thế có lẽ vì các thanh tra thuế vụ buộc tội hãng chúng tôi nhiều điều nghiêm trọng, khiến tôi vô cùng chán nản. Chắc do vậy nên tôi đã không chú ý đến một cô gái xinh đẹp nhường ấy

"Sao mình sơ ý thế nhỉ? Ngay Shahid còn kịp nhìn rõ đôi mắt cô ta". Shahid thì rành những chuyện như thế này lắm. Hễ ở phòng này vừa xuất hiện một cô gái dễ coi, là cậu ta lập tức giải quyết công việc cho cô nàng ngay. Và chỉ vài phút sau, trên bàn đã có coca- cola hoặc cậu ta đã bảo căng tin bưng trà lên. - Tớ rất ghét màu vàng, nhưng tấm xa-ri màu vàng của nàng đã làm được một điều tưởng như không thể làm nổi, - Shahid nói tiếp. Còn tôi, tôi cắm cúi trên cặp giấy lật giở hết tài liệu nọ đến tài liệu kia. - Tớ cứ tưởng đó là người nhà của cậu.

Nếu không, tớ đã tìm cách kéo nàng sang xem phòng làm việc của tớ. Shahid ngồi xuống cạnh tôi, châm thuốc hút, nhưng lại dập ngay điếu thuốc đi và bỏ vào cái gạt tàn. - Thôi tớ đi làm việc đây. Nếu nàng có đến lần nữa, thế nào cậu cũng kiếm cớ gọi tớ nhé. Shahid đứng lên về phòng làm việc của cậu ta. Tôi hít thật sâu lần nữa.

Hình như trong không khí vẫn còn chút hương thơm. Tôi cố nhớ lại: "Trông cô ta thế nào nhỉ? Lúc ấy, cô ta đứng trước mặt tôi, chìa tay ra nhận lấy mảnh thư tôi đưa. Cô ta có nói gì đó với tôi thì phải. Hình như cô ta không tin em trai giáo sư Azam có thể là giám đốc một hãng lớn thế này. Hay có lẽ cô ta ngạc nhiên về vẻ ngoài của tôi? Anh tôi da rất sáng. Nhiều người không tin rằng tôi, da ngăm ngăm đen thế này, lại là em trai của Azam. Nhưng màu da thì là cái gì? Mẹ tôi bảo đường nét mặt tôi đẹp hơn ở anh tôi rất nhiều".

Tôi đứng bật dậy chạy sang phòng toa- lét "Quả thật mặt mình không hề xấu." Thêm nữa, áo mình lại đẹp, quần lại bằng vải đắt tiền... Tóc mình mới chỉ hơi thưa đi. Cô ta đứng, còn mình ngồi. Tất nhiên cô ta nhận thấy đầu mình đang bắt đầu bị hói. Còn một điều ngu ngốc nữa: lẽ ra mình phải đứng lên. Để tỏ ra tôn trọng phụ nữ. Sao lúc ấy mình lại không chú ý gì cả nhỉ? Ngay đôi mắt nai to tròn của cô ta mình cũng không nhận thấy".

Tôi nhìn đâu cũng như thấy tấm xa- ri màu vàng của cô ta. Tôi chỉ muốn sự việc lặp lại lần nữa. "Nếu Sundaram báo tin cô ta đến, mình sẽ lập tức gạt tài liệu giấy tờ sang một bên và đứng dậy chào đón cô ta. Mình sẽ không gọi Shahid. Cậu ta rõ là một tay tán gái xấu xa! Đã có vợ đẹp, hai đứa con, mà hễ thấy gái là cứ bám lấy...". Tôi làm giám đốc mới được một tháng, cho nên tôi rất muốn tỏ ra cực kỳ bận rộn. "Ai bảo cứ hống lên ra vẻ ta đây,- tôi tiếc rẻ nghĩ! - Đã thấy tác hại chưa: một cô gái xinh đẹp đứng trước mi, mà mi cũng không nhìn kỹ". Shahid bảo mắt cô ta đẹp như mắt nai. Còn da cô ta thế nào nhỉ? ...

Điều này, Shahid không nhắc tới, nhưng chắc hẳn da cô ta rất trắng, nếu không, cô ta đã không vừa ý một kẻ háo sắc như Shahid. Rất có thể cô ta cũng trắng như Zahida. Nhưng vẻ ngoài Zahida thì rõ chán: cao lênh khênh, mà lại gầy. Mẹ mình chỉ ham nước da trắng của cô ấy. Thế nên bây giờ mình mới phải đau khổ suốt đời. Còn về chuyện quần áo thì Zahida đến là thô kệch. Cho tới nay, chưa lần nào cô ấy mặc một tấm xa- ri màu vàng".

Chuông điện thọai reo. Ở đầu dây đằng kia là Nagheshvar. Bốn giờ có cuộc họp, còn bây giờ là ba rưỡi. "Không, tôi không dự họp được đâu, tôi không được khoẻ". Tôi đưa hai tay lên ôm đầu và ngả người ra ghế bành. Chốc chốc, khi thì Sundazam, khi thì Vakar, khi thì Shahid lại ghé vào phòng tôi. Họ cố đọc những giấy tờ nằm trước mặt. Nhưng nhìn đâu, cô ta cũng thấy nhảy nhót những mảng màu vàng, còn trong lòng tôi, rộn lên một nỗi luyến tiếc. Chuông điện thọai reo. Zahida vợ tôi nói: - Đến giờ xem phim rồi đấy. Anh về nhà nhanh lên!

Hôm qua, chính tôi đặt mua vé, nhưng bây giờ, nghe tiếng Zahida, tôi cảm thấy bực bội. - Nếu đã đến giờ thì em xem một mình đi. Hôm nay anh bận đến nỗi không ngẩng đầu lên đây này... - Nhưng ... Tôi quẳng ống nghe xuống. "Trời! Lại bắt đầu than vãn, nào là hôm nay không làm việc này, nào là hôm nay chưa làm xong việc nọ. Hôn nhân làm con người ta đến khổ?". Tôi châm thuốc hút và tìm tập giấy tờ khẩn, nhưng chẳng thấy đâu. Ngày mai đã phải gửi đến sở thuế "Nó lẫn đâu rồi nhỉ?" Tôi hếch mũi cố hít lấy hương thơm nọ, nhưng ngoài mùi đôi bít tất của tôi, tôi chẳng ngửI thấy gì. "Nàng đi mất rồi! - Trong lòng tôi cơn giận dữ lại sôi lên.-

Hôm nay mình đến là ngu! Cô sinh viên của anh trai mình đến, lẽra mình phải chú ý đến cô ta một chút chứ". Cửa mở, cô thư ký Delphin đung đưa cặp mông đi vào phòng tôi. Mùi nước hoa của cô ta ngào ngạt. Mỗi lần khi cô ta xuất hiện, căn phòng như sáng sủa, bao giờ cô ta cũng cố gắng sao cho chiếc áo có cổ xẻ sâu và mùi nước hoa toả từ cô ta ở sát ngay bên tôi. Bởi vậy tôi luôn bỏ qua cho cô ta những sai sót đầy rẫy, những buổi nghỉ việc vô cớ và những trò đổng đảnh. Còn khi cô ta xuất hiện, lập tức chúng tôi tán gẫu về những bộ phim mới, những chương trình văn hoá và chuyện tình cảm của các nhân viên trong hãng.

Nhưng hôm nay, khi cô ta đưa tôi giấy tờ và cúi xuống sát tôi, tôi ngoảnh đi và khiển trách: - Cô Delphin, cô bắt đầu phạm quá nhiều lỗi khi đánh máy. Cô đem về đánh máy lại đi! - Giọng tôi khiến cô ta cực kỳ ngạc nhiên. Ngay sau khi cô ta ra ngoài, tôi nhấn chuông ra lệnh: - Bảo Vakar vào gặp tôi. Vakar, nhân viên văn phòng của tôi, bước vào. - Tài liệu thuế lợi tức đâu? Tôi phải chờ bao lâu nữa? - Tôi tức giận gạt đống giấy tờ trên bàn. Vakar kinh ngạc nhìn tôi, rồi cúi xuống nhặt giấy tờ. Sau đó, cậu ta xếp lại, khép nép đặt trước mặt tôi. - Thưa, đây ạ.

Tôi giật tập giấy khỏi tay cậu ta và gằn giọng: - Cậu có thể đi được rồi! Vakar về chỗ của cậu ta và thì thào gì đó với cô Delphin. Cả hai che miệng cười khúc khích. "Bọn vô lại,- tôi nghĩ thầm. - Phải cho chúng một trận mới được. Lũ lườI biếng, dốt nát... Mà mình thì cũng có ra gì: hôm nay, mình đã xử sự thật ngu: cô gái xinh thế, mà mình không nhìn kỹ; thế là cô ta đi "mất". Tại sao lúc ấy mình lại có cảm giác cô ta không đáng chú ý nhỉ?".

Tôi nhìn qua tập giấy tờ Vakar vừa đưa mà không sao hiểu nổi cậu ta ghi những gì trong đó. Tôi không thể nào làm việc được. Tôi mặc áo vét vào " Ngày mai, mình phải đến trường đại học hỏi anh mình xem cô sinh viên ấy là cô nào mới được. Còn bây giờ, có lẽ mình đến câu lạc bộ tán gẫu với Shahid. Ít nhất mình cũng sẽ cố dò hỏi xem nước da cô ta như thế nào". Tới quảng trường Chiến Thắng, khi xe chạy ngang qua sân vận động, tôi chợt nhớ ra rằng hôm nay câu lạc bộ đóng cửa. "Chán quá!" - tôi miễn cưỡng cho xe chạy về nhà.

Trên bãi cỏ. Zahida, mẹ tôi và lũ con tôi ngồi trong ghế bành. Trông thấy tôi, Zahida sa sầm mặt, đứng phắt dậy ngúng nguẩy đi vào nhà. Lũ con tôi đang vui vẻ nói gì đó cũng im bặt. - Sao thế? Có chuyện gì vậy? - Tôi ngồi xuống cạnh mẹ tôi. - Zahida nó rất giận con.

Nó vừa phàn nàn với mẹ về con đấy, - mẹ tôi giảI thích - Con không đi xem phim với nó. Nó đến hãng gặp con để lấy mảnh thư hộ một cô gái nào đó, nhưng con không buồn cả nói với nó đôi lời. Nó bảo: "Đúng là anh ấy đang nghĩ đến cô gái nào", - mẹ tôi kể tiếp. Tôi giật mình nhìn về phía hàng hiên. Trên người Zahida là tấm xa- ri màu vàng, còn trong đôi mắt to như mắt nai của nàng long lanh giọt lệ.

CHÚC ANH VUI

Quả thật tôi không thích điều này. Cô vợ sau của tôi cũng ngủ theo kiểu như cô vợ đầu tiên của tôi. Đó là kiểu một con chó săn mệt lử: cuộn tròn ngườI lại, dưới tấm ga, đầu vùi vào chỗ hõm của cánh tay.

Ban đêm tôi thường thức giấc chằm chằm nhìn các hình thon dài quen thuộc ấy mà tưởng như lúc tôi đang ngủ, Anna đã lại quay về trườn vào giường và từ nay mọi chuyện lại ổn thoả, tất cả lại như xưa. Đúng thế, khi trong bóng đêm tôi nhìn thấy tấm than cuộn tròn của Maria, bao giờ tôi cũng nghĩ đến tấm thân của Anna. Đương nhiên điều đó khiến tôi hơi khó chịu. Tôi ra vườn hút một điếu thuốc hoặc ngồi xuống cỏ bên cạnh con chó.

Cách ấy chẳng giải quyết được gì các vấn đề của tôi, nhưng ít ra cũng giữ cho tâm trạng bối rối của tôi cách xa Maria một khoảng nhất định. Tôi còn hay tự nhủ rằng đúng vào lúc ấy, ở một chỗ kín đáo trong ngôi nhà của nàng có lẽ Anna đang ngẫm nghĩ về đời nàng, về quá khứ của nàng, và chắc hẳn đang nghĩ đến tôi. Tôi đã sống với Anna hai mươi năm.

Thời gian trôi thật là nhanh. Tôi và nàng đã cùng nhau dùng cũ bốn chiếc ôtô, đã bầu ba tổng thống nước Cộng hoà, đã sinh thành hai đứa con và đã xây được một ngôi nhà. Ở với nhau đã được lâu như thế, tôi tưởng chúng tôi sẽ có một tương lai vững chắc. Cho tới cái ngày sự tình cờ đã run rủi tôi trông thấy vợ tôi ngồi bên bàn ăn trong một nhà hàng, cùng với một người đàn ông râu ria cạo không kỹ đang cầm tay nàng.

Nói thật ra, người bạn trai của nàng không phải là cạo râu không kỹ, mà có lẽ là anh ta để râu như vậy thôi. Vẻ mặt người đàn ông hết sức dịu dàng, đôi mắt anh ta lim dim khiến ta nghĩ tới mắt một con chó được nuôi dưỡng tốt, trong khi những ngón ta rụt rè của anh ta trìu mến vuốt ve bàn tay Anna. Lúc ấy, tôi thấy cử chỉ đó có vẻ lố bịch. Tôi không hề cảm thấy thù địch, cũng không tức giận, không ghen tuông chút nào.

Tôi chỉ thấy cảnh ấy khó coi quá. Tôi như bị thôi miên trước hình ảnh cặp nam nữ mà tôi thấy rất khập khiễng ấy. Tôi không nghĩ được rằng người đàn bà mặt mày rạng rỡ mà người ta đang vuốt ve một cách rất trong trắng kia lại là vợ tôi. Có lẽ vì mới trước đó vài tiếng đồng hồ tôi còn trông thấy nàng không một mảnh vải trên người. Vì tôi biết mùi thân thể nàng, tình trạng hàm răng của nàng, từng phần nhỏ nhất của làn da nàng, chứng kiến con trai nàng chào đời và khi nhìn nàng đi từ phòng nọ sang phòng kia, tôi có thể biết chắc nàng đang nghĩ gì.

Ít ra tôi cũng tin là như vậy. Sau mấy phút sững sờ trước cái cảnh rất riêng tư ấy, cái thời điểm quá thân mật ấy, tôi mau chóng cảm thấy mình thật tò mò. Quan sát cặp nam nữ kia mà họ không hề hay biết, tôi có cảm giác như đang đọc một lá thư không phải gửi cho tôi. Thế là, như một kẻ mắc lỗi, tôi chuồn lẹ. Một phản ứng như thế kể ra không thích hợp lắm, chí ít cũng kỳ lạ, vừa thiếu can đảm lại chẳng đàn ông chút nào. Nhưng tôi đã xử sự thế đó, tôi đâu có biết ghen.

Những ngày tiếp sau tôi không tìm cách gặng hỏi Anna, cũng không nhận thấy những thay đổi đáng kể trong thái độ của nàng. Tôi không đếm số lần nàng vắng nhà nữa, cũng không thẩm tra những giờ nàng đi đâu đó. Có ai coi vợ là vật sở hữu mới hành động như vậy chứ.

Về phần tôi, tôi nhìn nhận mọi sự khác lắm. Tôi nghĩ rằng thế giới đầy nghĩ người có râu, với những tham vọng về hạnh phúc ngang bằng như tôi, họ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào để đòi phần của họ. Thế là bình thường. Một ngườI chồng cũ kỹ, nhẵn nhụi, thì là cái gì so với những lời hứa hẹn mới mẻ và ngây ngất của những cái râu ria bờm xờm kia? Không là cái gì cả.

Tuyệt đối không là cái gì cả. Có chăng, tôi cũng chỉ khiến nàng nghĩ tới quá trình cuộc đời đã làm cho tôi cũng nhụt đi, tới những lần liên tiếp tôi từ chối nàng, tới thân hình béo nhão mà xưa kia, lâu lắm rồi, tôi đã thề là không bao giờ để người ngợm mình tồi tệ đến mức như vậy.

Tôi thường nói những gì với Anna mấy năm gần đây? Chúng tôi chỉ toàn nói về tỷ lệ hồng cầu trong máu của tôi, về độ chuyển hoá glucide trong các sản phẩm sữa nàng vẫn ăn, về cách bổ sung vitamin E cho cả hai vợ chồng. Những câu chuyện ấy thật nhạt nhẽo. Thời gian biến tôi thành kẻ ăn nói chán ngắt.Gã rậm râu kia chiếm lấy chỗ của tôi kể cũng phải.

Tôi đang nén nhịn vả hối tiếc, ân hận như thế thì hai tháng sau, Anna cho tôi "nghỉ" luôn. Nàng xử sự theo một cách thức không chấp nhận nổi: gửi cho thường một bức thư ngắn có ba trang, vừa để báo cho tôi biết là nàng ra đi, vừa để thu xếp một số chi tiết trong cuộc chia tay của chúng tôi. Không một lời nào về bạn trai của nàng. Bức thư ấy, và đây là điều tôi sẽ không bao giờ quên, kết thúc như sau: "Chúc anh vui, Anna". Lạ chưa! Làm sao có thể chung sống 20 năm với một người đàn ông, biết hết về người đó, nhoáng một cái đã bỏ ngườI đó vì một tay rậm râu và kết thúc bức thư vĩnh biệt ấy bằng mấy chữ "Chúc anh vui" đến là khó tin?

Làm sao những lời khuôn sáo đầy khinh thường và xa cách lại có thể xảy ra trong đầu Anna? Thú thật lúc ấy tôi đã ngờ đó là những lời do "người kế nhiệm" tôi gợi ý cho nàng. Một điều tôi chưa từng biết đã xảy ra: tôi sôi máu lên. Mấy chữ: "Chúc anh vui" chẳng những đã làm tôi phát hiện ra rằng tôi cũng ghen như ai, cái cảm giác rất ngứa ngáy ấy, mà tôi còn có một cảm xúc tàn phá: tôi thấy mình bị sỉ nhục. Tôi đọc đi đọc lại thư của Anna không biết bao nhiêu lần, vừa đọc vừa tự hỏi tôi đã làm gì để đáng chịu như vậy.

Tôi tưởng tượng vợ tôi trong ngôi nhà mới của nàng, sung sướng và trần truồng trước mặt gã rậm râu. Lúc ấy, tôi chỉ muốn tim nàng ngừng đập. Hôm Anna bỏ đi, tôi chỉ muốn cắn xé gì đó như một con chó dại. Hoàn toàn vì mấy chữ đó, vì những lờI không thể nào chấp nhận đó. Những tôi không nói gì hết, không gọi ai hết, thậm chí tôi không ra khỏi căn hộ của tôi. Tôi thích ở nhà hơn, một mình thôi, và không thay đổi chút nào các thói quen của tôi. Tôi tắm vòi hương sen một lúc lâu, hâm lại bát mì rồi vừa ăn vừa xem ti- vi. Sau đó tôi hút một điếu thuốc. Nhưng tôi vẫn cứ muốn cắn xé một cái gì đó mới hả... Ở tình trạng này ai mà chịu nổi?

KẺ CHIA RẼ

Khó mà kiểm tra được, nhưng nghe nói rằng câu chuyện này do chính Eđuarđô, một trong hai anh em Ninxen khi thức canh quan tài Crixchian, ngườI anh trai đã chết, một cái chết bình thường ở khu Môrôn vào năm một nghìn tám trăm chín mươi mấy đó. Nhưng chắc chắn là trong cái đêm cài dằng dặc ấy, bên ấm matê đắng ngắt để giết thời gain, có người đã nghe ai đó kể, sau đó lại kể cho Sanchiagô Đabôvê, chính ông này đã thuật lại cho tôi.

Nhiều năm sau tôi lại được nghe chuyện này ở Turđêra, nơi đó đã xảy ra. Lần thứ hai tỉ mỉ hơn và căn bản đúng với lời kể của Sanchiagô, tuy có được biến đổi và thêm bớt chút ít, đó là chuyện bình thường. Bây giờ, tôi kể lại chuyện ấy, vì nếu tôi không nhầm, trong đó, giống như trong một tấm gương, phản ánh rõ ràng chất bi thảm của tính chất dân chúng xưa kia ở ngoại ô thủ đô. Tôi cố gắng truyền đạt chính xác, mặc dù đã cảm thấy rằng mình sẽ bị văn chương cám dỗ mà nhấn mạnh hay thêm thắt những điểm không cần thiết.

Ở Turđêra người ta quen gọi họ là anh em Ninxen. Vị linh mục giáo xứ nói với tôi rằng, người tiền nhiệm của ông đã sửng sốt khi nhìn thấy trong nhà họ một quyển thánh kinh nhàu nát, bìa đen, với những kiểu chữ lô gích, trên trang cuối có những dòng viết tay đề tên tuổi và ngày tháng. Đó là cuốn sách duy nhất trong nhà. Những ghi chép lộn xộn của anh em Ninxen đã mục nát, cũng như tất cả rồi sẽ mục nát. Ngôi nhà đã tàn tạ, tường đất, có hai patiô (sân trong, kiểu nhà Tây Ban Nha): cái chính lát gạch đỏ, cái thứ hai nền đất.

Mà cũng ít có ai vào đó. Anh em Ninxen sống biệt lập. Họ ngủ trong những gian phòng trang trí sơ sài, trên những tấm phản gỗ. Niềm vui của họ là ngựa, yên cương, con dao lưỡi ngắn, những cuộc huyên náo chiều thứ bảy và thứ chất cay làm phấn chấn tâm hồn. Tôi được biết là họ cao lớn, tóc hung. Hai gã Criôlô này mang dòng máu Đan Mạch hoặc Ailen, những xứ sở mà thực ra họ cũng chưa nghe nói đến bao giờ. Cả vùng khiếp sợ hai gã tóc hung: có thể là họ đã giết ai đó. Một lần, hai anh em sát vai quần nhau với cảnh sát.

Nghe nói thằng em vì lý do nào đó đụng độ với Hoan Ibêra và đã qua mặt được hắn, theo những người từng trải thì điều này nói lên rất nhiều. Họ vừa chăn ngựa, vừa thuộc da, vừa là đồ tể, đôi khi còn đóng dấu đàn súc vật. Họ biết quý trọng đồng tiền, trừ những khi rượu mạnh hoặc cờ bạc bắt họ phải dốc túi. Không ai biết gì về họ, cũng không ai biết họ từ đâu đến. Họ có một chiếc xe với đôi bò đực. Về diện mạo, họ khác hẳn dân gốc ở ngoại ô, những người đã đặt cho vùng đất cái tên ngạo ngược là Bờ Khuấy Đảo.

Điều này, và cả điều chúng ta chưa biết, giải thích tình cảm bền chặt của hai anh em. Gây sự với một gã đồng nghĩa với việc biến cả hai thành kẻ thù. Anh em Ninxen chơi bời, nhưng những cuộc phiêu lưu tình ái của họ chỉ giới hạn sau cửa hàng xóm và nhà thổ. Vì thế, có không ít lời xì xầm khi Crixchian dẫn Huliana Burhôx về nhà. Gã dùng ả làm con ở, thực sự là thế, nhưng còn một điều nữa cũng đúng: gã tặng ả những đồ vật xinh xinh và dẫn đi dự những buổi dạ hội xoàng xĩnh của bà con hàng xóm, nơi mọi chuyện tán tỉnh đều bị loại trừ và những điệu nhảy vẫn còn đem lại niềm vui thú lớn lao. Huliana có cặp mắt hình hạnh nhân.

Chỉ cần ánh mắt của bất kỳ ai là đủ để ả mỉm cười đáp lại. Trong khu phố nghèo khổ, nơi đàn bà bị công việc và những nỗi lo toan vắt đến kiệt sức, trông ả thật hấp dẫn. Thời gian đầu, Eđuarđô có mặt cùng với họ ở khắp nơi. Sau đó, gã đột nhiên bỏ đi Arêxiphex, chẳng rõ để làm gì, rồi dẫn về một cô gái kiếm được giữa đường, nhưng mới được mấy hôm lại đuổi khỏi nhà. Gã đâm cau có hơn, một mình uống rượu trong anmaxen (hiệu tạp hoá đồng thời là quán rượu ở Argentina) và tránh mặt mọi người. Gã đã phải lòng ả bồ của Crixchian.

Cả khu phố biết điều đó có lẽ trước cả gã và khấp khởi đợi xem cuộc tranh chấp thầm lặng của hai anh em kết thúc ra sao. Một đêm khuya, Eđuarđô từ quán rượu trở về, trông thấy con ngựa tía của Crixchian buộc ở cột dưới mái hiên. Trong patiô, anh trai đang đợi gã, ăn mặc theo kiểu ngày lễ. Cô gái đi ra rồi bưng matê trở lại.

Crixchian bão Eđuarđô: - Tôi đến nhậu ở nhà Phariax, một mình. Huliana ở lại. Nếu thích cô ta, cứ xài.- Giọng gã thân thiện và đầy uy lực.

Eđuarđô đứng sững tại chỗ, chằm chằm nhìn anh, không biết phải làm gì. Crixchian đứng dậy, tạm biệt Eđuarđô, thậm chí chẳng ngó ngàng tới Huliana - ả chỉ là đồ vật - lên ngựa và chậm rãi ra đi. Từ đêm đó họ chia nhau cô ta. Không ai biết họ sống ra sao với mối quan hệ ô nhục đã phá vỡ nền nếp sinh họat ở ven đô. Ba tuần đầu trôi qua êm thấm, nhưng không thể kéo dài mãi như thế được. Ở nhà, hai anh em không nhắc đến Huliana, thậm chí cả đến lúc gọi ả, nhưng luôn luôn tìm - và tìm thấy - lý do để xích mích. Khi họ cãi cọ về chuyện bán những tấm gia súc vật nào đó thì cuộc cãi cọ hoàn toàn không phải vì những tấm da. Crixchian bao giờ cũng rất cao giọng, còn Eđuarđô nín thinh. Họ ghen với nhau, dù muốn hay không.

Trong khu phố với những định kiến ngặt nghèo, đàn ông không thú nhận, ngay cả với chính mình, rằng đàn bà có thể gây cho anh ta một tình cảm gì khác ngoài dục vọng và ham muốn chiếm đoạt, vậy mà cả hai đã phải phiền lòng. Điều này rõ ràng khiến họ nhục nhã. Một buổi tối, Eđuarđô gặp Hoan Ibêra trên quảng trường Lômax. Ông ta chúc mừng gã đã nẫng được người đẹp. Tôi nghĩ rằng chính khi đó Eđuarđô đã choảng Ibêra.

Trước mặt gã không có ai có thể nhạo báng Crixchian. Huliana phục vụ cả hai anh em với sự nhẫn nhục thú vật nhưng không thể giấu tình cảm đằm thắm hơn với thằng em, người không đặt ra cái trật tự này Một hôm, họ sai Huliana đặt hai chiếc ghế ngoài patiô chính, bảo ả không được ra đó vì họ có chuyện phải bàn. Chờ mãi cuộc nói chuyện không chấm dứt, ả ghé lưng ngủ trưa, nhưng chỉ lát sau đã bị gọi dậy. Họ bảo ả xếp tất cả đồ đạc vào bao, kể cả chuỗi hạt thuỷ tinh và cây gậy thánh giá mẹ để lại. Không một lời giải thích, họ đặt ả ngồi lên xe, đánh đi. Cuộc hành trình nặng nề và câm lặng. Đường xấu vì mưa, mãi năm giờ sáng mới tới Môrôn. Ở đó, họ bán ả cho một mụ chủ nhà chứa. Giao kèo được tiến hành tại chỗ.

Crixchian nhận tiền, trao cho em trai một nửa. Ở Turđêra, sau khi cuối cùng đã ngoi ra khỏi vũng lầy tình ái (đã biến thành sự tiêu vong của họ), anh em Ninxen định trở về với cuộc sống đàn ông trước kia của mình giữa đám đàn ông. Họ lại lao vào những cuộc ẩu đả, nhậu nhẹt, cãi cọ. Có thể một lúc nào đó họ đã tin vào sự giải thoát, nhưng thỉnh thoảng họ lạI đi vắng - mỗi người đều có việc riêng - với những lý do chính đáng hoặc hoàn toàn không chính đáng. Vào dịp cuối năm, thằng em nói rằng có việc cần đi Buênôx -Airex. Crixchian lên đường tới Môgôn.

Đến trước mái hiên ngôi nhà đáng nhớ kia, gã thấy con ngựa xám của Eđuarđô. Gã bước vào. Thằng em ở trong đó, đang ngồi chờ đến lượt. Crixchian bảo em: - Cứ thế này chỉ tổ mệt ngựa. Tốt hơn hết là giữ cô ta bên cạnh. Gã nói chuyện với bà chủ, rút tiền trong thắt lưng ra rồi hai anh em mang Huliana về. Ả đi với Crixchian. Eđuarđô thúc ngựa để khỏi nhìn thấy họ. Tất cả đâu lại vào đấy. Cách giải quyết vấn đề đê tiện như vậy không phải là lối thoát.

Cả hai đã tha hoá đến mức lừa dối lẫn nhau. Kẻ giết người đang lởn vởn ngay bên cạnh, nhưng tình cảm của hai anh em Ninxen rất sâu nặng - ai biết được họ cùng nhau vượt qua những khó khăn, nguy hiểm như thế nào - và từ bấy giờ cả hai trút mọi giận dữ của mình lên đầu kẻ khác - người, chó và ả Huliana đã chia rẽ họ. Đã cuối tháng Ba mà vẫn chưa bớt nóng. Một chủ nhật (vào chủ nhật người ta về sớm), Eđuarđô từ anmaxen về, thấy anh đang thắng bò. Crixchian bảo gã: - Lại đây. Ta phải đem mấy tấm da đến cho Parđô. Tôi đã xếp hàng rồi.

Nên đi lúc trời mát cho khoẻ. Kho hàng của Parđô hình như nằm ở phía Nam. Họ đi theo đường Lax Trôpax, sau đó rẽ sang một bên. Thảo nguyên về đêm trải ra trước mắt họ mỗI lúc một rộng hơn. Họ đi qua đầm lầy đầy cỏ lác. Crixchian ném điếu thuốc đang âm ỉ cháy xuống rồi thản nhiên nói: - Vào việc đi em. Rồi lũ chim ăn thịt thối sẽ giúp chúng ta. Sáng nay anh đã giết cô ta. Hãy để cô ta ở lại đây với đồ đạc của mình. Cô ta sẽ không còn làm hại gì được nữa. Họ ôm nhau, suýt phát khóc. Bây giờ họ còn gắn bó với nhau một sợi dây nữa: người đàn bà bị hy sinh một cách đau xót và một nghĩa vụ chung - cố quên lãng cô ta.

J YÊU V

Đối với Jérôme, đây chỉ là thêm một vụ việc nữa, nhưng hắn phải công nhận rằng ngay từ khi quan hệ thư từ với Véronica, hắn đã cảm thấy điều gì khang khác. Các bức thư kia đầy rẫy những lời than thân trách phận đến là mủI lòng.

Những cái đó không hề có trong thư của chị cũng thấm đậm nỗi buồn, nhưng đó là một nỗi buồn hướng về quá khứ, chứ không phải là một tình cảm sầu bi chán đời. Chẳng hạn như lá thư thứ hai: Jérôme thân mến của tôi,Tôi hy vọng anh tha lỗi cho tôi khi tôi gọi anh bằng tên thân mật, nhưng tôi có cảm giác kỳ lạ rằng mối quan hệ thư từ của chúng ta không phải chỉ chốc lát. Bởi vậy tôi mời gọi anh là Jérôme.

Tôi nghĩ tới anh tối qua, khi tôi chuẩn bị đi ngủ. Tôi đã quen cô đơn, chắc anh cũng thế. Chị Edna vợ anh, như anh nói trong thư, qua đời đã hai năm, anh James chồng tôi cũng đã mất 18 tháng. Ta phải quen dần với hoàn cảnh chứ biết làm sao, phải không anh?

Nhưng các bức thư của anh khiến tôi bối rối. Tôi biết số phận đã đưa chúng ta qua câu lạc bộ... Jérôme mỉm cười. Các lá thư của hắn đã đạt được mục đích là làm cho Véronica cảm động. Trong lá thư thứ nhất, hắn tỏ ra nhút nhát và ngượng ngùng.

Lá thư thứ hai thiết lập một bầu không khí tin cậy. Ở lá thư thứ ba, Hắn hy vọng sẽ có cuộc gặp gỡ trong tương lai. Đến là thư thứ năm thì hai người đã trao đổi ảnh cho nhau. Lá thư thứ sáu, hắn viết: Vérônica yêu quý của tôi, Tấm ảnh của chị đang ở trước mặt tôi, và như một cậu học trò, lòng tôi xốn xang vì tình yêu. Vâng. TÌNH YÊU! Bởi lẽ tôi sẽ tự dối lòng mình nếu tôi không nói hai tiếng đó. Nhưng than ôi, tôi không phải là cậu học trò, và cả hai chúng ta đều đã ở nửa sau của cuộc đời. Bây giờ mà thấy mình bị từ chối tình yêu, thì chẳng khác gì, bị từ chối cuộc sống. Tôi bay tới chỗ chị đây, Véronica của tôi. Tôi sẽ tới vào hôm thứ tư, lúc 17 giờ. Nếu tôi sẽ không được chào mừng, xin chị hãy cho tôi biết trước. Jérôme của chị. Chị đợi hắn ở sân bay. Hai người nhận ra nhau ngay.

Chị tươi cười tiến về phía hắn. Jérôme trông thấy Véroônica rất đẹp, đẹp từ chân những sợi tóc trắng đến bàn chân đi giày cao gót. - Jérome! - Véronica! Các ngón tay họ chạm nhau. - Chúng ta gặp nhau... mà cứ như tìm lại được nhau sau bao năm xa cách vậy - chị nói. Giọng chị dịu dàng và dễ chịu, ít thấy ở lứa tuổi của chị. - Đúng thế. Chúng ta đã gặp nhau lâu rồi, trong các giấc mơ của tôi. Nói xong, chính hắn cũng ngạc nhiên thấy mình nói có vẻ thành thật đến thế. Họ lên tắc xi về thành phố, tay trong tay. Chị thuê sẵn cho Jérôme một phòng trong khách sạn chị đang ở. Hắn cảm thấy nhẹ cả người.

Edna mất đã 2 năm, số tiền 30 ngàn đô la Edna để lại nay chỉ còn khoảng năm nghìn, mà hắn lại không bao giờ muốn sống thiếu thốn. Hắn mỉm cười lại gần cầm tay Véronica: - Tối nay chúng ta sẽ ăn mừng cuộc hội ngộ nhé! Hắn đã tính toán kỹ. Đếnôtí, lúc đang khiêu vũ hắn sẽ rất bình tĩnh và lịch sự thì thầm vào tai Véronica lời yêu cầu kết hôn... Họ tổ chức lễ cưới tại một nhà thờ nhỏ, không bạn bè, khách khứa. Chỉ có họ và ông mục sư.

- Em hạnh phúc quá, Jérôme - Chị thì thầm nụ cười rạng rỡ trên môi. - Em hạnh phúc quá.

- Anh cũng vậy, - hắn đáp, và hắn lấy làm lạ thấy mình nghĩ thế thật. Nhưng khi về khách sạn - bây giờ họ đã ở chung - thì cảm giác ấy hoàn toàn biến mất.

Nhìn ô cửa sổ, hắn nhớ tới Edna đã bị hắn đẩy từ trên tầng cao xuống đất chết. Trong những tuần đầu tiên sau khi lấy Véronica, Jérôme cảm thấy trẻ ra. Và khi một tháng trôi qua, hắn bắt đầu ngạc nhiên. Với những người phụ nữ trước, có mấy ai chung sống được một tháng... Có chăng, chỉ trường hợp Matilda, và chỉ vì hắn bị ốm nên hắn phải chờ đến lúc khỏi mới hành động được.

Nhưng khi tuần lễ thứ năm đã qua, hắn thấy hắn vẫn chưa có kế họach vpi71 Véronica. Chị ngày một đẹp hơn, dễ thương hơn và rất chiều hắn. Thời gian trôi đi êm ả, và thỉnh thoảng Jérôme tự nhủ phải quyết tâm hành động từ ngày mai. Nhưng cái ngày mai ấy dường như không bao giờ đến. Nhiều lúc hắn đã nghĩ đến chuyện gắn bó lậu dài với Véronica.

Hắn cảm thấy rất quyến luyến chị. Hết tháng thứ ba thì hắn thấy có thể sống suốt đời với chị, tay trong tay. Và đó là không phải là điều hắn muốn. Hắn phải ra tay. Đơn giản Véronica sẽ ngủ thiếp đi để rồi không bao giờ dậy nữa thôi mà. Tuần tiếp sau đó, sau buổi hai người đi nghe hoà nhạc, hắn nghĩ: đây là đêm lý tưởng để hành động.

Hôm nọ hắn đã kiếm được thuốc độc, và bây giờ, trong lúc Véronica chuẩn bị giường nệm, hắn sẽ đổ thuốc độc vào bình rượu porto mà hầu như bao giờ chị cũng uống một ly trước khi đi ngủ. Chị đang khẽ hát một giai điệu trong bản sonate dưới trăng.

Hắn gọi từ phòng khách: - Em có muốn một ly porto không, em yêu? -

Buổi hoà nhạc hay quá anh nhỉ. Đúng không anh? Anh vẫn yêu nhạc Bethoven lắm mà.

- Ừ. Buổi hoà nhạc tuyệt thật. Anh đem rượu porto cho em nhé?

- Cám ơn anh... Gượm đã... Không, không, tối nay em không muốn uống. Âm nhạc làm lòng em say. Hắn thấy nhẹ cả người. Vậy là còn được một ngày nữa. Trong bộ quần áo ngủ, Véronica xuất hiện ở cửa tươi cười.

- Em muốn làm cho anh món gà rán tối mai. Anh có thích không? - Thế thì tuyệt, em yêu, - hắn nói và đẩy bình rượu vào góc tủ. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ nữa ta hành động cũng được thôi, bây giờ ta tận hưởng cuộc sống cái đã, - hắn nghĩ.

Căn phòng có điều hoà nhiệt độ đúng là một cái ốc đảo sau cái nóng hầm hập ở nghĩa trang. Thế là xong. Mọi chuyện đã qua cả. Không cần phải nghiền ngẫm luyến tiếc, bởi công việc là công việc, và ở đâu đó có một người mới nữa đang chờ, chờ một bức thư thắm thiết tình cảm. Lần này bức thư mình viết chắc chắn sẽ còn bay hơn xưa. Kể cũng buồn cười. Véronica nghĩ và lật tấm mạng đen lên, tất cả bọn họ đều thích món gà rán... Chị ta lắc đầu để chút bỏ ý nghĩ linh tinh và tự nhủ: đã đến lúc làm một ly porto rồi đây, mình phải nhịn lâu quá mất rồi.

MỘT CÁI HÔN

Số hành khách đi toa hạng nhất không nhiều. Pie Giôli chọn một buồng toa không có ai. Anh ta hy vọng sẽ ngồi một mình suốt quãng đường. Nhưng khi đoàn tàu bắt đầu chuyển bánh, cửa buồng toa bật mở và một cô gái tóc vàng xinh đẹp bước vào, tay xách chiếc vali da.

Cô gái cố nâng cao chiếc vali đưa lên giá hành lý ở phía trên, nhưng rõ rang cô không đủ sức. Pie đỡ chiếc vali đặt lên đó và không phải là không thích thú khi được giúp cô gái. - Rất cảm ơn ông! - Cô gái mỉm cười và trong một khoảnh khắc, ánh mắt họ gặp nhau. Cái nhìn của cô gái khiến Pie có cảm giác cô sẵn lòng tiếp nhận đôi chút tán tỉnh.

Nhưng nếu quả đúng là như vậy thì cô đã không gặp may. Sau một ngày khá vất vả, Pie mệt rũ và chỉ mơ ước có một điều được ngủ vài tiếng đồng hồ, để khi tàu tới Liông, anh lấy lại được phong độ khoẻ khoắn. Pie hy vọng Viêcginia sẽ đón anh ở sân ga. Hai người không gặp nhau đã năm năm, và trong thời gian dài đằng đẵng ấy, anh rất nhớ nàng.

Cô gái tóc vàng ngồi xuống, châm thuốc hút và lấy trong xắc tay ra một cuốn sách. Pie thầm nhận xét rằng cô có cặp đùi tuyệt đẹp và hiển nhiên cô cũng rõ như thế. Sau đó, anh ngồi gọn vào một góc, tắt ngọn đèn ở mé ấy, rồi ngủ thiếp đi. Khi thức giấc, anh thấy cô gái tóc vàng đang lục lọi lung tung trong cái xắc tay của cô.

- Thôi chết rồi, - Cô kêu lên, - tôi mất ví tiền rồi! Biết làm sao bây giờ? Tôi chẳng còn xu nào, mà ôti lại cần hai trăm phơrăng để mua vé máy bay! Cô gái ngẩng lên nhìn vào mắt Pie. - Ông có thể cho tôi vay hai trăm phơrăng được không? Cô hỏi thẳng, cứ như cô đang nói về mấy que diêm vậy.

Pie hiện không có nhiều tiền. Và số tiền nằm trong túi anh, anh đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm ra được trong suốt năm năm vừa rồi.

- Không, - bởi vậy anh trả lời, - rất tiếc là không thể được.

Cô gái mỉm cười đầy quyến rũ. - Nếu đưa tôi hai trăm phơrăng, ông sẽ rất dễ dàng thoát được một vụ rắc rối. Pie nhìn cô gái. Vẻ không hiểu gì cả. - À, chẳng qua tôi muốn nói rằng tôi phải có được hai trăm phơrăng trước khi chúng ta đến ga Liong. Nhưng có lẽ ông không có hai trăm Phơrăng.

- Không phải, cô nói gì vậy, - Pie gật đầu, - tất nhiên tôi có. Nhưng tôi hoàn toàn chưa biết cô kia mà! Thậm chí cô đã tự giới thiệu đâu, cho nên một chuyện lớn như chuyên tiền nong thì... Trong vài giây, cô gái ngồi yên không nói lời nào.

Sau đó, cô hơi đưa ngườI về phía trước, cô bắt gặp ánh mắt của Pie. - Ông hình dung sự việc sẽ ra sao nếu bây giờ tôi gào toáng lên, tôi kéo phanh khẩn cấp của con tàu rồi tôi sẽ kể cho các nhân viên đường sắt trên tàu rằng ông định cưỡng hiếp tôi. Vì trước kia đã có trường hợp những người đàn ông đi tàu đêm một mình cùng buồng toa với các phụ nữ trẻ đã toan giở trò như vậy. Tất cả những lời tôi kể sẽ đem lại cho ông nhiều chuyện cực kỳ khó chịu. Nào cảnh sát, nào hỏi cung, nào nhiều nhà báo chuyên săn tin giật gân!

Để tránh một vụ xì căng đan như thế, tôi nghĩ ông sẽ không từ chối trả hai trăm phơrăng. - Cô bày ra chuyện này với tôi không xong đâu, cô gái thân mến ạ.

- Pie thản nhiên nói và và châm thuốc hút. - Ông nghe đây, - Cô gái mỉm cười đầy tự tin, - tôi thấy hình như ông chưa hiểu rằng tôi hoàn toàn không đùa đâu. Nếu tôi vò rối tóc tôi, xé áo trên ngườI tôi và vừa hét ầm ĩ vừa chạy ra hành lang, thì ông sẽ rất khó thuyết phục các hành khách là ông không liên quan đến vụ này.

Mà theo như tôi biết, đất nước này trừng phạt rất nghiêm khắc kẻ nào trên tàu giở trò xấu xa với một cô gái! - Cô thật là đê tiện... Cô gái ngắt lời Pie.

- Có lẽ nào không đáng bỏ hai trăm phơrăng để tránh những chuyện khó chịu ấy! Tôi thấy ông đeo nhẫn cưới. Vợ ông sẽ nói sao, nếu bà ấy đọc báo thấy chồng mình đã... - Cô thật là ghê tởm. Cô gái mỉm cười. - Nhưng không hoàn toàn như vậy! Tôi rất tử tế với ông. Vì tôi chỉ đòi ông có hai trăm phơrăng thôi, đúng không? Trong khi đó những trường hợp tôi mớI được nhiều hơn nhiều. Ví dụ năm trăm, một nghìn, có khi vài nghìn. Thiếu gì người sẵn lòng đưa tôi những món tiền lớn để ngăn chặn một vụ xì căng đan.

Tôi luôn nhắm trước con mồi và ước lượng giá cả. Ông, thì tôi định giá là hai - ba trăm, thậm chí năm trăm phơrăng, nhưng tôi chỉ đòi có hai trăm. - Thôi, cô im đi! - Pie đứng dậy, cầm chiếc vali của mình và định mau mau rời khỏi buồng toa. - Ông ngồi xuống, - Cô gái ra lệnh và lập tức chặn đường Pie, - Không tôi kêu lên đây này! Trò này tôi giỏi cực kỳ. Tôi có thể cam đoan với ông rằng tôi biết rõ việc tôi lắm! Pie quẳng vali xuống ghế rồi ngồi xuống.

Anh tin rằng cô ta sẽ thực hiện những đe doạ của cô ta nếu anh xô đẩy cô ta. Pie đưa mắt nhìn những đồ trang sức quý trên cổ tay cô ta. Đó là bằng chứng hiển nhiên cho thấy cô ta không cường điệu khi nói cô ta biết rõ công việc của cô ta.

Cô ta liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng của mình. - Năm phút nữa chúng ta sẽ tới Đigiông, tôi xuống ga đó - cô ta nói bằng một giọng lạnh lùng - tôi cho ôn đúng một phút để quyết định. Tôi thì cần vài giây để tự xé áo, vò rối tóc, cào mặt ông và kêu cứu. Tôi có thể kêu to đến mức... - Còn tôi, tôi sẽ kể ngay cho mọi biết mánh khoé ăn cướp của cô. Cô chớ tưởng rằng... Cô gái kinh bỉ "xì" một tiếng. - Bọn hiếp dâm bao giờ cũng nghĩ ra những lời bào chữa ngu xuẩn, nhưng ăn thua gì. Nhất là nhất là trong một vụ nghiêm trọng như thế này!

Pie đứng dậy, nhấn mẩu thuốc lá vào cái gạt tàn và trong vài giây, anh đứng lưỡng lự trước mặt cô ta. Cô ta vẫn đứng chắn cửa. Một tay cô ta đặt ở chiếc áo sơ mi trắng của mình, bất kỳ lúc nào cũng sẵn sàng xé toạc áo ra. Những móng tay nhọn hoắt đỏ chót của cô chắc chắn trong vài giây sẽ cào xước mặt Pie - để "tự vệ". - Được, - anh nói, nhún vai chịu thua và rút tiến ra, nhưng cô phải trả lãi phần trăm cho tôi. Bằng hiện vật.

- Bằng hiện vật? Thế nghĩa là sao? - Cô phải để cho tôi hôn để tôi có thể khoe rằng tôi đã hôn một cô hành khách trơ tráo nhất thế giới này! Cô nhận hai trăm phơrăng, còn tôi, một cái hôn, một cái hôn.Theo tôi như vậy là rất công bằng. Hay cô có ý kiến khác? Trong một khoảnh khắc, cô gái tóc vàng lưỡng lự. Sau đó, cô ta vơ lấy mấy tờ giấy bạc, còn Pie kéo cô ta lại, say đắm ôm hôn cô ta. Một cái hôn dài ơi là dài.

- Đủ rồi - cô ta nói và gỡ tay Pie ra. Đúng lúc ấy, đoàn tàu tới ga, và dừng lại. Cô ta cầm lấy chiếc vali của mình. Trong vài giây, Pie đứng ở cửa buồng toa hìn theo, khi cô ta đi dọc hành lang rồi xuống tàu. Sau đó, anh lại ngồi vào chỗ của mình, châm một điếu thuốc và lấy tờ báo ra. Chẳng mấy chốc, đoàn toàn đã chuyển bánh về phía Liông. - Con bé đến là giỏi, - anh lẩm bẩm không phải là là không cảm phục, - Nhưng nó không may mắn vì lại gặp đúng ta. Sau đó anh ta bỏ túi chiếc đồng hồ vàng và chiếc vòng đeo tay bằng vàng của cô ta, lật giở tờ báo, và cắt lấy bài báo trong đó nói rằng hôm nay, mãn hạn tù năm năm, vua móc túi là Pie Giôli đã được tự do. Vile Brâyhol (Pháp)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro