Cảm nhận cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhà văn hào Lev Tolstoi từng viết : "Những tài liệu viết về cái đẹp chất lên như núi, tuy nhiên, cái đẹp vẫn là một câu đố giữa cuộc đời". Và người nghệ sĩ chính là những kẻ lãng du bước đi trên hành trình của cuộc đời để tìm kiếm cái đẹp và làm rực sáng cái đẹp ấy. Nguyễn Tuân chính là một người nghệ sĩ tài hoa như vậy, một nhà văn duy mĩ hướng tới cái đẹp, ngợi ca cái đẹp, tôn thờ cái đẹp. Ông đã đem đến cho cuộc đời, cho nền văn học Việt Nam những quan niệm sáng tác lớn lao đầy triết lý. Ngòi bút của ông luôn hướng đến cái cao cả, lý tưởng và uyên thâm, làm cho nó cháy sáng như ngọn đuốc tỏa ra những miền nghệ thuật. Những tác phẩm của ông có giá trị cốt lõi trong cuộc, là sự lên tiếng của nghệ thuật. Những điều ấy như đã được chiếu vào một truyện ngắn xuất xắc "Chữ người tử tù" trong tập "Vang bóng một thời". Người đọc có thể nhận ra những nét đẹp đặc sắc của cảnh cho chữ độc đáo của thiên truyện qua ngòi bút tài hoa bậc thầy ấy.

<Trích: Đêm hôm ấy... Kẻ mê muội này xin bái lĩnh>

"Chữ người tử tù" được cho rằng là một trong những bộ truyện ngắn hay nhất của "Vang bóng một thời" được Tự Lực Văn đoàn trao giải, giá trị của tác phẩm nằm chủ yếu tập trung nhất ở cảnh cho chữ. Đó là người tử tù cho chữ một viên quan ngục. Huấn Cao là người tử tù được Nguyễn Tuân sáng tạo từ nguyên mẫu có thật trong lịch sử - người anh hùng khởi nghĩa Mĩ Lương, nhà thơ, nhà thư pháp tài hoa Cao Bá Quát. Y là người có tài viết chữ đẹp còn viên quản ngục là người say mê chữ đẹp. Hai người gặp nhau trong hoàn cảnh đặc biệt là nơi tù giam ngục tối đầy dơ bẩn đen đúa. Trên bình diện xã hội, họ là kẻ thù không cùng chung một chiến tuyến, một kẻ phản nghịch triều đình và một người phục vụ cho triều đình. Thế nhưng trên bình diện nghệ thuật, họ như hai người bạn tri ân tri kỉ từ lâu đều yêu cái đẹp. "Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ". Huấn Cao đã xem quản ngục là một tấm lòng, một tri âm. Vì thế trước khi chuẩn bị ra pháp trường chịu án, y quyết định cho chữ ông. Sự hợp nhất của tài hoa khí phách đã làm sáng lên vẻ đẹp của Huấn Cao. Và cảnh cho chữ đã được Nguyễn Tuân dồn hết bút lực để tái hiện lại tình huống phi thường này, nếu nói như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh: "Nguyễn Tuân là nhà văn của những tính cách phi thường, những tình cảm, cảm giác mãnh liệt" thì có thể nhanh chóng nhận ra rằng cảnh cho chữ đó hội tụ tất cả những nét vượt trội ấy. Là một khung cảnh đặc biệt mà chính người phác họa lên nó cũng phải khẳng định rằng đó là "một cảnh tượng trước nay chưa từng có".

Cảnh tượng ấy quả là lạ lùng, bởi việc cho chữ thanh tao có phần đài các lại diễn ra trong bối cảnh mà "xưa nay chưa từng có". Cho chữ chính là thú vui tao nhã của người xưa, thường cho chữ khi thư nhàn, thong thả, trong ánh sáng của buổi mai ấm áp. Vậy mà ở đây, người ta cho chữ vào ban đêm một cách vội vã, chạy đua với thời gian, gấp rút tránh ánh mắt của bọn lính đến phiên canh buổi sáng và tránh cái công văn oan nghiệt giải người về kinh thụ án. Đây là đêm cuối cùng của một con người tài hoa, khí phách Huấn Cao tồn tại trên cõi đời. Vào thời khắc ngắn ngủi quí giá ấy, con người ta thường dành để nghĩ về những điều thiêng liêng, để sống cho riêng mình. Nhưng Huấn Cao lại dành đêm cuối cùng cho người khác, cho việc sáng tạo cái đẹp. Xưa nay, người ta thường cho chữ ở những nơi thư phòng tao nhã, nơi trăng thanh gió mát. Còn cái cảnh "chưa từng có" lại được diễn ra tại nhà tù tỉnh Sơn - nơi ngự trị của bóng tối, tội ác và những thứ thù địch với cái đẹp. Nguyễn Tuân chọn nơi này để khiến cái đẹp chào đời. Đây là một trong những trang viết đẹp nhất đời văn của ông, mà từng câu từng chữ được "chưng cất tới mức trong suốt". Ngòi búi tài hoa của nhà văn đã tạo nên một khung cảnh đầy kịch tích. Đó là sự tương phản giữa bóng tối nhà lao tối tăm bẩn thỉu và một bên là thứ ánh sáng bó đuốc tẩm dầu cháy rừng rực, từ mày trắng lụa bạch. Có thể nói đây là lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, cái đẹp của thư pháp lại được khai sinh từ một không gian ẩm thấp, bẩn thỉu trên mảnh đất bạo tàn như thế. Nhà tù vốn là nơi bóng tối ngự trị, giờ đây lại trở thành thế giới rực rỡ ánh sáng. Nhà tù thực dân là biểu tượng của cái ác, của cái chết, giờ đây lại trở thành mảnh đất cho sự sống và cái đẹp nảy mầm. . Cổ - kim - đông - tây cũng chưa từng có chuyện một người nghệ sĩ trổ tài viết chữ đẹp trong khi cổ đeo gông, chân vướng xiềng chỉ sớm mai chịu án chém.

Cảnh tượng lạ lùng chưa từng thấy lại là hình ảnh tên tử tù cho chữ nổi bật lên vẻ uy nghi lộng lẫy, còn người nhận chữ, một kẻ đại diện cho xã hội lại khúm núm run rẩy. Bình thường, người cho và nhận chữ là những tri ân tri kỉ đến độ "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", luôn toát ra sự an nhiên điềm tĩnh của bậc túc nho. Đúng là trong ngòi bút của Nguyễn Tuân lại là một cảnh tượng "xưa nay chưa từng có" bởi một tên tử tù, kẻ mất đi tự do về thể xác lại là người nghệ sĩ tự do về mặt tinh thần sáng tạo cái đẹp. Ta không hề thấy trong y mang vẻ sợ sệt của một kẻ sắp bị hành hình mà chỉ thấy phong thái ung dung đĩnh đạc, thậm chí có phần hiên ngang. Y bình thản tận hưởng mùi thơm của mực giấy, đắm chìm trong thú chơi chữ. Ta dường như thấy được trong Huấn Cao chính là cốt cách của một người nghệ sĩ tài hoa. Đúng là "chưa từng có" bởi viên quan ngục nắm trong tay mọi quyền uy lại bỗng chốc trở thành kẻ khúm núm. Quyền uy lại thuộc về người đã bị tước mất mọi thứ quyền đó chính là Huấn Cao. Mọi trật tự ở đây bị đảo lộn là do cái đẹp. Tất cả đều đang sống đẹp, và hành động theo tiếng gọi thiêng liêng của cái đẹp. Cái đẹp của nhân cách tài hoa, tạo ra sự hòa hợp đến vô cùng của người sáng tạo nghệ thuật và người thưởng thức nghệ thuật. Ranh giới của tội phạm và cai tù bị xóa bỏ chỉ còn là những người bạn tri kỉ đang quy tụ quanh cái đẹp của tình người và nghệ thuật. Kẻ xin chữ, người cho chữ cùng nhau phá vỡ cái nghịch lý của đời thường để tìm đến sự thuận lú mang chất văn học nhân bản. Cuộc cho chữ này thực chất là cuộc nổi loạn của cái đẹp để chứng tỏ quyền năng của nó.

Cũng với "cảnh tượng xưa nay chưa từng có" ấy người tử tù đang đi vào cõi bất tử, bất tử trong vẻ đẹp của cái hoài bão tung hoành cả cuộc đời và cũng là qua lời di huấn của y. Đó là lời di huấn thiêng liêng về nhân cách, về lẽ sống, về đạo lí làm người trong cái thời vàng thau lẫn lộn. Người tử tù ung dung đường bệ khuyên quản ngục hãy thay chốn ở, hãy giữ thiên lương cho vững kẻo "nhem nhuốc" mất cả cái đời lương thiện. Bởi vẻ đẹp có thể nảy mầm từ chốn ngục tù những không thể "lớn lên" ở nơi ấy. Nó cần một nơi chốn thanh tao để phát triển. Và hơn thế con người với cái sở nguyện cao quý cũng không thể sống mãi trong cảnh tăm tối ấy được. Trong môi trường cái ác, cái đẹp khó có thể bền vững, chữ nghĩa và thiên lương không thể chung sống với lũ người quay quắt chốn ngục tù đen tối. Viên quản ngục chắp tay bái lĩnh - xin nhận. Có sự đảo lộn vị thế ghê gớm giữa hai nhân vật, điều gì đã làm nên sự đảo lộn ấy? Không phải là quyền lực hay sức mạnh mà chính bởi cái đẹp của tài năng khí phách, cái đẹp của thiên lương. Có những cái cúi đầu làm cho con người trở nên nhỏ nhen, hèn hạ. Nhưng cũng có cái đầu làm cho con người trở nên cao cả, sang trọng hơn. Đó là sự cúi đầu trước cái đẹp, cái khí phách. Trước đây, Cao Bá Quát đã có một câu thơ rất hay: "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa"- "Một đời ta chỉ biết cúi đầu trước hoa mai, một biểu tượng của cái đẹp". Quan điểm nghệ thuật Nguyễn Tuân dường như được chỉ rõ qua ý nghĩa của lời di huấn: cái đẹp có thể nảy sinh trong lòng cái ác nhưng không thể tồn tại song song với cái ác. Ông đã đặt cái đẹp lên trên mọi thứ ở đời, đó chính là cái đẹp duy mĩ - cái tôi ngông. Chúng cũng hé mở sự phản kháng, và phủ nhận thực tại xã hội mà trong văn học lãng mạn chỉ nói chung chung, không hề nói rõ ràng.

Qua khung cảnh cho chữ nói riêng và thiên truyện nói chung, ta càng thấm thía điều mà Vũ Ngọc Phan đã nói: "Văn Nguyễn Tuân không phải là thứ văn để người nông nổi thưởng thức". Thật vậy, càng đọc, ta càng nhận thấy tài năng của ông, chỉ riêng cái "cảnh tượng xưa nay chưa từng có" ta cũng có thể nhận ra những phong cách nghệ thuật tiêu biểu. Nếu nhìn cảnh cho chữ bằng con mắt xã hội học, không khó để thấy ngay mầm mống phản loạn ở đó: những thứ không cần thiết lại được đem vào biệt giam, người cầm quyền trong tù lại "khúm núm", "run run" trước tử tù. Tuy nhiên, là một nhà văn luôn nhìn sự vật hiện tượng dưới góc độ văn hóa thẩm mĩ và nhin con người ở góc độ tài hoa nghệ sĩ. Ông đã nhìn thấy đây là một cảnh tượng phi thường, mọi trật tự xã hội dung tục đã bị đảo lộn, chỉ có cái đẹp thống lĩnh, cái đẹp cao cả, cái đẹp lên ngôi cứu rỗi tâm hồn con người. Ngoài con mắt văn hóa thẩm mĩ, ngôn ngữ của ông, ngôn ngữ của ông sử dụng ở đây độc đáo và giàu chất tạo hình, có sắc thái biểu cảm cao. Chúng có nhịp điệu chậm rãi, trang trọng với những từ Hán Việt, gợi hồn xưa đất nước. Đây cũng chính là điều mà Tự lực văn đoàn ngạc nhiên khi đọc tập truyện này, điều làm nên cái riêng của Nguyễn Tuân. Dù nhìn ở góc độ nào, ta cũng đều thấy được nét đặc trưng của Nguyễn Tuân qua cảnh cho chữ, có thể thấy rằng bút lực của nhà văn tài hoa đã tập trung ở cảnh này.

Chữ người tử tù kết thúc bằng một bức tranh đầy ấn tượng, cảnh tượng "xưa nay chưa từng có" kết tinh tài năng tư tưởng và phong cách nghệ thuật của ông. Người ta thường đặt cho Nguyễn Tuân danh hiệu: "Người đi tìm cái đẹp". Nhưng thế nào là đẹp? Đối với Nguyễn Tuân, cái đẹp phải là những gì đập mạnh vào giác quan nghệ sĩ. .Bức tranh kết thúc Chữ người tử tù quả là đã gây được ấn tượng mạnh mẽ đúng như yêu cầu thẩm mỹ của nhà văn. Nguyễn Tuân đã khẳng định, giữa chốn nhà lao tù ngục, không phải những kẻ đại diện cho quyền lực thống trị mọi thứ mà chính người tử tù với tài năng và cốt cách làm chủ. Qua đó, ông cũng ngầm khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp, cái tài hoa và nhân cách cao đẹp với cái xấu xa, độc ác, tàn nhẫn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro