Vĩ Dạ 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Hiện lên như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời thi đàn văn học Việt Nam với cái đuôi chói loà, rực rỡ của mình" như Chế Lan Viên đã từng nhận xét , Hàn Mặc Tử đến với thơ, với đời bằng tình cảm tha thiết, chân thành của một kẻ sĩ đứng giữa hai bờ sinh tử, chơi vơi giữa cõi thực và cõi mộng. Gã làm thơ khi đã nếm trải đủ mùi vị đau thương trong chốn vốn chẳng có gì là vĩnh hằng. Bao giờ cũng vậy, Hàn Mặc Tử muốn thoát li hiện thực, tìm về một cõi xa xăm nào đấy để ôm ấp những nỗi sầu u oải, mơ hồ. Và có lẽ "Đây thôn Vĩ Dạ" đã bước ra từ sự quằn quại, đau đớn để góp vào vườn thơ Hàn "rộng không bờ bến" một cõi hư vô rợn ngợp khiến thi nhân không khỏi thổn thức. Và ngay ở khổ thơ đầu, thi sĩ đã tạo nên một nét đẹp hài hoà giữa thiên nhiên và con người - một khung cảnh vừa như thật mà cũng vừa như mơ:

"Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền"

Nhìn vào khổ thơ đầu, ta có thể nhận ra địa điểm được nhắc đến trong khổ thơ nói riêng và bài thơ nói chung. Thôn Vĩ là thôn Vĩ Dạ - một làng cổ ở cố đô Huế, nằm ngay bên bờ sông Hương êm đềm, thơ mộng. Huế được xem như là quê hương thứ hai của Hàn Mặc Tử, ông yêu Huế như cách mà những người con sinh ra từ xứ sở thơ mộng này yêu nó. Với Hàn Mặc Tử, Huế như là nhà, Vĩ Dạ như là nhà. Hơn cả, trên chốn thôn quê này, có hình bóng của người ông tương tư, mong được tái ngộ. Với ông, Vĩ Dạ hay Huế dường như đã trở thành ẩn ức, trở thành một phần máu thịt mà ông mang nặng suốt cả cuộc đời. Có lẽ vì vậy mà "Đây thôn Vĩ Dạ" đã trở thành một tuyệt tác thi ca trong sự nghiệp của Hàn Mặc Tử, trở thành nét chấm phá để hậu thế mãi mãi không quên rằng, có một người thi sĩ đã yêu chân thành và dang dở đến thế, đã rút cả hồn cốt của mình để yêu Vĩ Dạ và yêu người đến thế. Xuất phát từ tình yêu ấy, bức tranh thiên nhiên ban mai thôn Vĩ Dạ cùng con người nơi đây tại khổ thơ đầu lại trở nên đẹp đẽ hơn bao giờ hết.

Mở đầu bài thơ không phải câu kể, câu tả cảnh, mà lại là một câu hỏi tu từ với nhiều thanh bằng khiến câu thơ trở nên nhẹ nhàng, êm ái:

"Sao anh không về chơi thôn Vĩ?"

Câu hỏi tu từ mở ra mang theo âm hưởng thật nhẹ nhàng bâng khuâng da diết, gợi cho ta nhiều cách hiểu khác nhau. Ở lớp nghĩa thứ nhất, ta có thể hiểu đó là lời trách móc dịu dàng của người con gái thôn Vĩ "Thôn Vĩ đẹp sao anh chẳng về chơi?". Ta cũng có thể hiểu rằng đó là sự phân thân của nhân vật trữ tình, thi nhân tự vấn lòng mình "Sao lâu quá rồi mà chưa một lần về thăm thôn Vĩ?" như nhắc nhở đến một việc cần phải làm mà chẳng biết giờ đây còn có cơ hội để thực hiện nó nữa không, ấy là về thăn thôn Vĩ, về thăm lại chốn xưa. Chỉ với một câu hỏi mang nhiều ý hiểu, sự phân thân ở đây có thể là một lời trách móc hoặc một lời nhắc nhở. Đây cũng là một nét đặc trưng trong trường thơ loạn. Nhà thơ dùng hai chữ "về chơi" bởi nó mang sắc thái thân mật, gần gũi thay vì chỉ mang vẻ xã giao, có khoảng cách như hai chữ "về thăm". Chẳng phải vô tình mà nhà thơ viết "không về chơi", "không về" khác hoàn toàn với "chưa về". Nó dường như khép lại mọi nẻo đường về thôn Vĩ, cộm lên bao xót xa vì giờ đây thôn Vĩ chỉ còn trong hoài niệm của quá khứ xa vời. Hố sâu ngăn cách giữa Hàn Mặc Tử với thế giới ngoài kia chính là căn bệnh hiểm nghèo khiến người thi nhân vô cùng cô đơn, tuyệt vọng. Câu thơ đa thanh với chiều sâu là tiếng lòng của Hàn Mặc Tử, thể hiện sự băn khoăn day dứt trong tâm trạng của thi nhân. Câu thơ còn được xem như một lời mở đầu, một cái cớ để nhà thơ có thể đưa hồn mình về với thôn Vĩ một cách thật tự nhiên.

Và chính câu hỏi đầy ẩn ý đã giúp nhà thơ mở ra khung cảnh thiên nhiên thôn Vĩ tinh khôi, sống động, căng tràn sức sống trong ba câu tiếp theo:

"Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền"

Cảnh vật hiện lên đầy sống động trong một buổi sáng bình minh thật đẹp. Nhìn từ xa, những ngọn cau, tàu cau hiện lên dưới màu"nắng mới lên" rực rỡ. Khi nhắc đến Vĩ Dạ thôn, hình ảnh hiện lên đầu tiên trong tâm trí nhà thơ là hàng cau, bởi chúng là hình ảnh quá đỗi quen thuộc với người dân thôn Vĩ và làng quê Việt Nam. Tuy vậy, ấn tượng sâu sắc hơn cả còn đọng lại trên từng câu chữ có lẽ là không gian ngập tràn sắc nắng. Câu thơ với điệp từ "nắng" mở ra trong mắt người đọc một không gian tràn ngập sắc nắng. Không phải là "nắng rừng" trong làn sương mờ tan, càng không phải "nắng chang chang" dọc suốt theo bờ sông trắng, nắng ở đây là thứ "nắng mới". "Nắng mới" của Hàn Mặc Tử không huyền hồ, ảo diệu, không đậm màu đậm hương mà trong trẻo và tinh khiết đến lạ. Nắng đổ xuống hàng cau, cau hướng lên nhẹ nhàng đón ánh nắng, nắng và cau hiện hữu trong khu vườn được gọt sạch bởi sương đêm tạo nên khung cảnh thật thơ mộng, hữu tình. Có thể ta từng bắt gặp một vẻ đẹp khác của "nắng mới" trong thơ của Lưu Trọng Lư:

"Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi"

Câu thơ như một cái ngước nhìn đầy thú vị. Nắng ban mai êm dịu xen giữa những thân cau thẳng tắp lá còn ướt đẫm sương đêm tạo ra cho cảnh vật một nét đẹp rất thơ mà cũng rất đời thường.

Khi nhớ đến thôn Vĩ, nhớ đến xứ Huế mộng mơ, người ta không thể không nhắc đến những khu nhà vườn xinh đẹp dưới ánh nắng ban mai:

"Vườn ai mướt quá xanh như ngọc"

Câu thơ đã gợi ra một không gian thiên nhiên Vĩ Dạ, cái màu xanh mượt mà, mỡ màng của hàng cây khiến cho người đọc cảm nhận được một sức sống tràn trề mơn mởn. Tác giả dùng màu xanh như ngọc để diễn tả sức sống, vẻ đẹp của thiên nhiên thôn Vĩ, một màu sắc cao quý, lấp lánh và trong trẻo. Sắc màu ấy cũng từng đi vào thơ Xuân Diệu:

"Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến nơi nơi động tiếng huyền"

Thủ pháp nghệ thuật so sánh"xanh như ngọc", màu xanh trong đi liền với ánh sáng nhưng không chói chang khiến người đọc hình dung vẻ đẹp của viên ngọc đính giữa bầu trời xứ Huế. Cùng với đại từ phiếm chỉ "ai" gợi ra sự mơ hồ, tạo nên một cảnh sắc trước mắt nhưng lại chẳng biết được của ai. Câu thơ như một lời trầm trồ, thán phục, ngợi ca vẻ đẹp xứ Huế.

Không chỉ thiên nhiên, con người cũng hoà vào cảnh đẹp xứ Huế qua câu thơ cuối cùng:

"Lá trúc che ngang mặt chữ điền"

Hình ảnh con người hiện lên với nét đôn hậu, dịu dàng cùng với hàng trúc biểu tượng của thôn Vĩ Dạ. Trong tâm tưởng thi nhân bất chợt hiện lên khuôn mặt chữ điền lấp ló sau hàng trúc. Lá trúc thì mảnh mai, mặt chữ điền gợi sự vuông vắn, phúc hậu. Tất cả tạo nên vẻ đẹp hài hoà giữa con người và cảnh vật, đã làm cho xứ Huế trở nên thơ mộng và thú vị hơn. Ta thấy được hình ảnh thôn Vĩ hiện lên trong tâm tưởng của nhà thơ với tất cả tình yêu mến. Bằng việc miêu tả vẻ đẹp thôn Vĩ, Hàn Mặc Tử đã thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng thiết tha đằm thắm đối với cảnh và người xứ Huế. Tất cả chứa một sự nuối tiếc, một niềm khát khao trở về thôn Vĩ yêu thương.

KQ cuối

KB

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro