Vội Vàng- Xuân Diệu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xuân Diệu là một nhà thơ khát khao giao cảm với đời đến cuống quýt, cuồng nhiệt và say mê. Thơ ông có sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, nhưng đậm và sắc hơn thì lại là chất hiện đại. Và chính bài thơ "Vội Vàng" đã bộc lộ rõ nhất phong cách ấy của ông.

Bài thơ "Vội vàng" được rút từ tập thơ Thơ xuất bản năm 1938. Được thể hiện trong tác phẩm là những khát vọng táo bạo, những cảm nhận độc đáo và lời giục giã sống vội của Xuân Diệu trước khung cảnh mùa xuân.

Đề tài mùa xuân không chỉ Xuân Diệu mà các nhà thơ khác cũng đều đã rất quen thuộc, quả thật, mùa xuân là một cái gì đó rất cuốn hút của thi ca. Mùa xuân là mùa cỏ hoa đất trời xinh tươi, tràn trề nhựa sống, nó đã tạo cảm hứng cho biết bao nhà thơ, gợi bao suy nghĩ về cuộc đời, về con người: 

         "Trong làn nắng ửng khói mơ tan
           Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
          Sột soạt gió trêu tà áo biếc
          Trên giàn thiên lí bóng xuân sang"
                                           (Hàn Mặc Tử)

Nhưng cái đặc biệt của Xuân Diệu là ông đã đưa vào bài thơ xuân của mình tất cả cái nồng nàn, rạo rực, say đắm của tình yêu với một cảm xúc, một cường độ mãnh liệt nhất.

Và với bốn câu thơ năm chữ đầu tiên, khát vọng táo bạo của Xuân Diệu được thể hiện một cách trực tiếp:

             "Tôi muốn tắt nắng đi
               Cho màu đừng nhạt mất
               Tôi muốn buộc gió lại
               Cho hương đừng bay đi"

Đoạn thơ trên có sử dụng phép điệp, lại kết hợp với những câu thơ năm chữ sóng đôi, có tác dụng nhấn mạnh khát vọng và ước muốn táo bạo của Xuân Diệu trước mùa xuân.

Xuân Diệu muốn tắt nắng, muốn buộc gió, cũng có nghĩa là ông muốn đoạt quyền của tạo hóa, làm ngưng quy luật chuyển dời của tự nhiên, bắt tự nhiên phải dừng lại để ông có thêm thời gian tận hưởng cái đẹp, hạnh phúc của cuộc sống mùa xuân.

Nắng là hiện hữu của sắc màu, thi nhân muốn tắt nắng tức ông muốn giữ lại những màu sắc đẹp nhất của tiết trời, của cuộc đời để riêng mình thưởng thức. Gió là một phạm trù của tự nhiên, có tác dụng bung tỏa mùi hương của hoa, Xuân Diệu muốn buộc gió, nghĩa là ông muốn hương vị của cuộc đời không bao giờ bị bay đi mất, sẽ còn mãi mãi lắng đọng ở trong không gian này.

Những ước muốn ấy của Xuân Diệu có phần vô lí,  nhưng chính sự vô lí ấy đã thể hiện khao khát sống mãnh liệt, thể hiện tình yêu đắm say trước cuộc đời. Giọng thơ có dáng dấp như một lời tuyên bố dõng dạc, chắc nịch, có tác dụng nhấn mạnh tình yêu đời, yêu sống đến cuống quýt, cuồng nhiệt và sy mê.

Với những dòng thơ tiếp theo, Xuân Diệu đã bày tỏ niềm say mê của mình trước một khu vườn mùa xuân:

      "Của ong bướm này đây tuần tháng mật
        Này đây hoa của đồng nội xanh rì
        Này đây lá của cành tơ phơ phất
       Của yến anh này đây khúc tình si
       Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
       Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
      Tháng hiêng ngon như một cặp môi gần
      Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
      Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân"

Đoạn thơ trên, tác giả đã sử dụng tần số cao các điệp từ "này đây". Điệp từ này khi thì đặt ở đầu câu, lúc lại đặt ở giữa câu, kết hợp với phép liệt kê, có tác dụng phô bày ra trước mắt chúng ta tất cả những gì đẹp nhất của một khu vườn khi đất trời vào xuân. Bằng con mắt háo hức, mê say, mùa xuân hiện lên thật cụ thể, nồng nàn, quyến rũ với các hình ảnh, âm thanh và hương sắc.

Mùa xuân hiện lên trước tiên thông qua các hình ảnh, đó là hình ảnh của ong bướm đang đi tìm hoa kết mật ngọt cho đời. Đó là hình ảnh của hoa, của lá đang ở độ tươi non mơn mởn, đó là hình ảnh cánh đồng cỏ xanh mướt tới tận chân trời. Lẫn trong những hình ảnh rất đồng nội ấy là những con chim yến ríu rít trên những cành cây từng đôi, từng cặp. Tất cả những hình ảnh ấy như bừng tỉnh dậy trong tiết trời mùa xuân ấm áp. Một điểm dễ nhận thấy trong thơ Xuân Diệu là mọi vật được miêu tả đều có đôi có cặp, quấn quýt giao hòa, mơn mởn trẻ trung, căng tràn sức sống. Nó khơi dậy trong lòng người niềm hạnh phúc, rạo rực, đắm say. Trước bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp ấy, dường như tác giả đã căng mở các giác quan để tận hưởng những vẻ đẹp của trần thế.

Âm thanh mùa xuân là những âm thanh rạo rực nhất, nồn nàn nhất của chim chóc chuyền cành. Đó không phải là tiếng hót đơn chiếc của những chú chim lạc bầy trong cuộc di cư mùa đông, mà là tiếng hót của tình yêu đôi lứa. Nghe tiếng chim, thi nhân ngỡ tưởng mình đang được thưởng thức một khúc ca say đắm. Không chỉ có âm thanh, sắc màu, mùa xuân còn được cảm nhận có vị ngọt của mật hoa, vị ngọt ấy được tạo ra từ tình yêu đời say mê và niềm khát sống. Mùa xuân còn có hương thơm ngào ngạt của trăm hoa đua nở, là ánh sáng trinh nguyên dịu dàng của mặt trời mùa xuân. Ánh sáng ấy không chỉ chiếu tỏa trên vạn vật mà còn đọng lại trên đôi mắt của con người. Trong quan niệm thẩm mĩ của Xuân Diệu, người thiếu nữ mang vẻ đẹp chuẩn mực nhất. Vẻ đẹp của mặt trời và vẻ đẹp của con người cùng cộng hưởng, tạo nên một mùa xuân lãng mạn, tràn ngập tình yêu.

Những cảm xúc nơi đáy lòng được Xuân Diệu bộc lộ một cách rất chân thực:

    "Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
     Tháng giêng ngon như một cặp môi gần                        
     Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
    Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân."

Nếu như ở nhưng giai đoạn khác, nhà thơ ít nhiều còn có những cảm xúc âu sầu, buồn bã, thì tới giai đoạn này, ông thấy mỗi ngày được sống là một ngày vui. Ông tưởng tượng, mỗi sáng sớm, mở cánh cửa là đã có một vị thần Vui đến ban phát hạnh phúc cho mình. Trong niềm vui sướng ngập tràn ấy, ông nảy sinh khát khao chiếm lĩnh vẻ đẹp của cuộc đời trần thế. Ông muốn "cắn" vào tháng giêng vì tháng giêng rất ngon- đó là ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, nó đem kết hợp với so sánh "như một cặp môi gần" có tác dụng nhấn mạnh quan điểm thẩm mĩ mới mẻ và tình yêu đời cuống quýt mê say của Xuân Diệu. Tình yêu ấy mạnh mẽ đến mức, ông không thể giấu được ở trong lòng. Nên ông phải reo lên "Tôi sung sướng.  Nhưng vội vàng một nửa", câu thơ có hình thức biểu hiện độc đáo với một dấu chấm ở giữa câu, chia cảm xúc thi nhân ra làm hai nửa: nửa kia là sung sướng vô biên; nửa còn lại là ai hoài nuối tiếc, âu lo, sợ mùa xuân đẹp rồi mùa xuân sẽ qua. Trong nỗi lo sợ về thời gian ấy, tác giả đã chủ trương một lối sống vội vàng- sống nhiệt tình, sống hết mình, tanh hưởng và tận hiến để khi mùa xuân qua, mùa hạ tới ta không phải tiếc nuối.

Tóm lại, mười ba câu thơ trên, tác giả đã bày ra một bữa tiệc trần gian. Trong khi nhiều người lại muốn đi tìm niềm vui và cái đẹp như ở chốn thiên đường, thì Xuân Diệu đã tìm thấy cái thiên đường ấy ngay ở trên mặt đất. Qua đây ta thấy, Xuân Diệu là người rất yêu đời, yêu sống đến độ cuống quýt, cuồng nhiệt và say mê.

Ngoài khát vọng và niềm say mê mãnh liệt với mùa xuân của tác giả, đến với những câu thơ tiếp theo, Xuân Diệu đã có những cảm nhận độc đáo về thời gian mùa xuân. Đoạn thơ mở đầu, tác giả đã sử dụng phép điệp khiến lời thơ có dáng dấp như một khái niệm, như một sự cắt nghĩa về thời gian:

  "Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua
    Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
   Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất"

"Xuân" là một từ có tính đa nghĩa, vừa chỉ mùa xuân của đất trời, vừa ẩn dụ chỉ dòng chảy của thời gian, chỉ tuổi trẻ com người. Xuân Diệu như đang nhìn thấy từng bước xuân đang tới, rồi ông đem đồng nhất nó với xuân đương qua. Với ông, hôm nay xuân còn non, nhưng chỉ ngày mai thôi xuân sẽ già. Việc đồng nhất những khái niệm bội phần vô lí ấy chứng tỏ thi sĩ là người có tâm hồn nhạy cảm, có lòng yêu đời, có khát khao giao cảm với đời mãnh liệt. Cũng vì lo lắng trước dòng chảy của thời gian, nên ông nhận ra quy luật cuộc đời thật khắc nghiệt. Với ông, khi tuổi trẻ qua đi là cuộc đời mất đi nhiều ý nghĩa. Nói vậy đủ biết Xuân Diệu trân quý thời gian của tuổi trẻ đến nhường nào.

Vì nuối tiếc thời gian trôi nhanh, nên nhà thơ đã sinh ra dỗi hờn và trách móc tạo hóa:

    "Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật
      Không cho dài thời trẻ của nhân gian
      Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
      Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
     Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi
     Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời"

Trước tiên, thi nhân trách tạo hóa vô tình, trách lượng trời quá chật, không hiểu cho nỗi lòng của nhân gian, không cho kéo dài thời trẻ. Không chỉ dừng lại ở việc trách cứ, nhà thơ còn dỗi hờn cùng tạo hóa rằng tại sao xuân của đất trời thì tuần hoàn còn tuổi trẻ của con người thì chẳng thắm lại lần hai. Thái độ trách cứ và dỗi hờn với tạo hóa ấy cho thấy nhà thơ đang bất lực trước dòng chảy thời gian vô cùng, vô tận.

Vì bất lực trước dòng chảy thời gian nên thời gian đã trở thành nỗi ám ảnh rất lớn đối với thi nhân:

      "Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
       Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt"

Đối với nhiều người, thời gian là vô hình, nhưng đối với Xuân Diệu, thời gian cụ thể đến mức có thể ngửi thấy mùi và nếm thấy vị. Trong mỗi giác quan của Xuân Diệu, thời gian đều có vị của sự chia phôi, đó là vị mặn mòi, đắng cay khi chúng ta đang phải chia li từng giọt thời gian của cuộc đời. Nói thế đủ biết, Xuân Diệu là người yêu đời, yêu sống và quý trọng thời gian.

Cũng vì quý trọng thời gian, cũng vì lo lắng trước bước đi của thời gian nên ông đã nhìn mọi vật đâu đâu cũng thấm đậm tâm trạng của con người:

         "Con gió xinh thì thào trong lá biếc
          Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi
          Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
          Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa"

Bốn câu thơ trên gợi chúng ta nhớ đến một khu vườn mùa xuân, nhưng nó không phải là thiên đường hạnh phúc như những hình ảnh tươi vui rộn ràng của những dòng thơ trên, mà nó lại là một khu vườn buồn u ám. Nhìn gió lùa trên lá, nhà thơ tưởng nó đang buồn bã nói lời chia biệt trước khi dỗi hơn bay đi. Nghe tiếng chim đang rộn ràng, bông ngưng tiếng hót, tác giả ngỡ tưởng chúng đang lo âu về sự phai tàn sắp sửa của mùa xuân. Những câu thơ mượn truyện của gió, của lá, của chim được tác giả sử dụng nhằm nói lên tâm trạng của chính mình rằng ông đang mang nỗi buồn nuối tiếc thời gian.

Đoạn thơ thứ hai kết thức bằng một lời than nghe như tiếng kêu bất lực và tuyệt vọng:

   "Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa"

Tiếng kêu than ấy xuất phát ở chỗ ông nhận ra chẳng bao giờ ông có thể níu giữ được thời gian, chẳng bao giờ ông kéo lại được tuổi trẻ. Chính trạng thái bất lực ấy chứng minh: ông là người rất yêu đời, luôn khát khao giao cảm với đời, khác hẳn với tâm trạng và suy nghĩ của Chế Lan Viên.

Nếu ở đoạn thơ thứ hai, thi nhân mang trong lòng nỗi buồn, âu lo, thảng thốt khi ông ý thức được đầy đủ bước đi của thời gian, thì sang đoạn thơ này, giọng thơ trở nên sôi trào gấp gáp vì  đó là lúc ông đã tìm ra chân lí sống cho mình:

   "Mau đi thôi ! Mùa chưa ngả chiều hôm"

Trong câu thơ trên, tác giả đã giục giã chính mình rằng có một cách để níu kéo quy luật của thời gian- đó là sống vội vàng, sống gấp gáp, khi tuổi trẻ còn, xuân lúc còn xanh. Sống vội vàng theo quan điểm của Xuân Diệu là sống nhiệt tình, sống hết mình, sống có trách nhiệm với cuộc đời để vừa cống hiến cho đời, vừa tận hưởng hạnh phúc mà cuộc đời đem đến. Đây là một quan điểm nhân sinh rất mới mẻ, đúng đắn và tiến bộ.

Khi đã tìm ra cách ứng xử trước quy luật của thời gian khắc nghiệt, tác giả đã viết những câu thơ có giọng điệu hối hả, dồn dập:

               "Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây bay và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nên thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi"

Ta dễ dàng nhận thấy cách sử dụng đại từ xưng hô có sự đổi ngôi từ "tôi" chuyển thành "ta". Sự thay đổi ấy được giải thích bởi nhiều lí do. Trước tiên, ta có thể hiểu rằng Xuân Diệu đến thời điểm này, bản thân ông đã tự tin, vững chãi hơn trước cuộc đời, đã tìm ra chân lí sống, không còn âu sầu, lo lắng trước những quy phạt của tạo hóa, của cuộc đời. Ngoài ra, sự thay đổi cách xưng hô ấy là để hướng đến nhiều người trong xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ. Xuân Diệu muốn giục giã thanh niên cùng mở rộng lòng ra để sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Đoạn thơ tuy ngắn nhưng tác giả đã sử dụng với tần số cao các động từ mạnh và được liệt kê theo hướng tăng cấp: ôm, riết, say, thâu, cắn. Tất cả những động từ này làm cho đoạn thơ sôi trào tưng bừng để diễn tả cảm xúc của thi nhân say đắm, nồng nàn khi được sống giữa tuổi trẻ và mùa xuân. Có thể nói đây là cách diễn đạt rất táo bạo, chưa từng thấy trong thơ ca truyền thống. Cách diễn đạt táo bạo ấy có thể được ảnh hưởng từ lối thơ tượng trưng của Pháp khiến bài thơ "Vội vàng" mang một vẻ đẹp hiện đại.

Để hiểu rõ hơn về những cảm xúc nồng nàn và đắm say trong thơ Xuân Diệu, ta đi chiết tự các động từ mạnh được sử dụng dày đặc trong đoạn thơ. "Ôm" cả sự sống tức là nang niu những vẻ đẹp của đất trời, của cỏ cây, hoa lá; "riết" cũng là ôm nhưng nó bao hàm sự ghì giữ để mọi thứ trong vòng tay không bị tuột mất. Mây ở tầng cao, gió trong không khú, việc tác giả muốn ôm, muốn riết đã thể hiện khát khao cháy bỏng, có lẽ ông muốn cho thời gian ngưng đọng để đất trời và con người luôn ở thế xuân sắc xuân thì.

"Say" là trạng tháu chếnh choáng đã đầy trước vị ngọt ngào, quyến rũ của tình yêu. "Say" thể hiện lòng yêu đời đến cháy bỏng. Vì say đời, nên tất cả những món ăn giản dị nhất như mây, gió, cỏ, hoa cũng trở thành một bữa tiệc trần gian lộng lẫy và đầy hương sắc.

Ngoài sử dụng các động từ mạnh, đoạn thơ trên còn sử dụng các tính từ giàu chất gợi hình gợi cảm: no nê, mơn mởn, chếnh choáng, đã đầy. Các tính từ giúp ta cụ thể hóa về hình hài của một con người đang ngấu nghiến, say sưa, đang hưởng thụ một bữa tiệc trần gian.

Câu thơ kết thúc đoạn thơ là tiếng gọi tha thiết "Hỡi xuân hồng!", trong đó, xuân hồng là hình ảnh ẩn dụ, vừa chỉ thời gian của đất trời, vừa chỉ tuổi trẻ của con người. Tác giả gọi nó, tức là đã nhân hóa nó, biến nó thành một thực thể sống đầy khát khao để rồi ông "cắn" mạnh vào nó. Đây là động từ được sử dụng với cương độ mạnh nhất, thể hiện khát khao muốn chiếm lĩnh. Ông muốn tất cả những cái tuyệt vời ở ngoài kia đều biến ảo để thu vào trong lòng mình. Đây không phải là tư duy ích kỉ, mà là lòng yêu đời, là khát khao được giao cảm với đời.

Đoạn thơ mang đến cho người đọc một cảm nhận mới, một hơi thở cuộc sống mới. Xuân Diệu đã thực sự tạo ra một bầu sinh khí mới cho tuổi trẻ. Xuân Diệu đã giúp ta thức tỉnh cái tôi cá nhân còn đang trì trệ, khơi lên khát vọng sống và khát vọng cống hiến.

Bài thơ "Vội vàng" mới lạ nhưng táo bạo, độc đáo ở giọng điệu và cách dùng từ, và đặc biệt là cảm nhận chân thực về cuộc sống bằng tất cả các giác quan. Bài thơ đã thể hiện một cảm quan nghệ thuật rất đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

"Vội vàng" đúng là một thi phẩm tiêu biểu của một thi sĩ luôn khát khao giao cảm với đời. Và bài thơ cũng giúp cho người đọc biết yêu cuộc sống trần thế, biết tận hưởng niềm hạnh phúc được sống, được tồn tại trên đời, và biết quý trọng thời thanh xuân một đi không trở lại, để không bao giờ phải ân hận, xót xa bởi những năm tháng sống hoài phí.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#văn11