Hai đứa trẻ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hai đứa trẻ" - Thạch Lam

Hệ thống câu hỏi 2 điểm: Truyện ngắn “Hai đứa trẻ'

Câu hỏi 1: Trình bày hiểu biết về tác giả Thạch Lam

Trả lời:

-         Thạch Lam ( 1910 – 1942 ), là thành viên của Tự lực văn đoàn

-         Sinh tại Hà Nội, nhưng nhiều năm tháng tuổi thơ sống ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương à Bản thân Thạch Lam có những sự trải nghiệm chân thực tại không gian lỡ cỡ nơi phố huyện, và có lẽ đây cũng chính là một trong những động lực để ông viết về những con người nơi đây, về cuộc sống tẻ nhạt cùng những cung bậc cảm xúc đáng trân trọng trong tâm hồn của họ. Dường như đối với Thạch Lam, cái nghèo về vật chất không đáng sợ bằng cái nghèo về tinh thần.
-         Sáng tác bao gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, nhưng đặc sắc nhất vẫn là truyện ngắn
-         Phong cách nghệ thuật: Truyện thường không có cốt truyện, nhưng lại giàu tâm tình, tâm trạng, lời văn bình dị mà gợi cảm. Thạch Lam từng nói: “Xét cho cùng, ở đời này ai cũng khổ. Người khổ cách này, người khổ cách khác. Bí quyết là biết tìm cái vui trong cái khổ..” Có lẽ vì quan điểm vậy mà Thạch Lam viết về cái khổ, nhưng luôn nhặt nhạnh những niềm vui trong cái khổ của đời người, để rồi trân trọng người, để rồi thiết tha đời..

=> Truyện Thạch Lam thường mở ra một thế giới thầm kín bên trong con người với biết bao cảm tưởng, cảm giác mơ hồ, mong manh, tinh tế, … và cũng làm đọng lại trong lòng người đọc thật nhiều dư vị.

Câu hỏi 2: Ý nghĩa nhan đề truyện ngắn “Hai đứa trẻ”

Trả lời

-         Tên nhân đề giới thiệu được hai nhân vật trung tâm trong tác phẩm, đó là Liên và An. Cũng với mục đích này, tác giả hoàn toàn có thể đặt nhan đề là “Hai chị em”, “Liên và An”, vv…; hay có những cái tên khác như “Phố huyện nghèo”, “Ánh sáng và bóng tối nơi phố huyện”, vv…; tuy  nhiên lựa chọn sau chót của Thạch Lam vẫn là “Hai đứa trẻ”.

+ Với những nhan đề như “Hai chị em” hay “Liên và An”, dù giới thiệu được hai nhân vật trung tâm của tác phẩm, tuy nhiên không đem lại ý nghĩa biểu tượng cao. Cái tên “Hai chị em” sẽ nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa hai đứa trẻ, còn “Liên và An” lại khiến nhân vật trở nên quá cụ thể, rõ ràng, khó lòng gợi dậy cảm xúc đồng điệu nơi người đọc cùng không gian êm dịu đẫm chất thơ mà truyện sở hữu.

+ Những nhan đề như “Phố huyện nghèo” hay “Ánh sáng và bóng tối nơi phố huyện”, thì đều quá tập trung vào không gian phố huyện mà bỏ quên đi những con người nơi đây. Cái tên “Ánh sáng và bóng tối nơi phố huyện” nghe có vẻ trừu tượng và giàu ý nghĩa biểu tượng, thể hiện đúng sự xuất hiện liên tục của ánh sáng và bóng tối trong tác phẩm, tuy nhiên lại gợi cảm giác về một sự “giành giật”, đấu tranh giữa những mảng sáng tối ở đời, trong khi ngòi bút Thạch Lam lại khẳng định một điều: ánh sáng và bóng tối là không thể tách rời, điều quan trọng là trên cái nền ngập đầy bóng tối, chúng ta đừng bỏ quên những hạt sáng nhỏ nhoi.

-         Nhan đề “Hai đứa trẻ” vừa giới thiệu được hai nhân vật trung tâm của tác phẩm, vừa thể hiện được không gian truyện đầy êm dịu qua cái nhìn trẻ thơ. “Hai” là một số đếm cụ thể, trong khi danh từ “đứa trẻ” lại gợi nhắc đến không chỉ hình hài mà còn cả tâm hồn non nớt của trẻ con. Nhan đề nhấn mạnh vào thế giới trong ngần mà những đứa trẻ sở hữu, gợi nhắc mỗi chúng ta về những gì tinh khôi nhất mà mỗi người chúng ta đều từng có, bởi lẽ ai chẳng một lần mang tâm hồn trẻ thơ? Có lẽ cũng chính vì thế mà “Hai đứa trẻ” đem lại cảm giác đồng điệu nơi người đọc, khi ôm ấp một cuộc hành trình trở về những gì trong trẻo nhất của mỗi người.

-         Nhan đề “Hai đứa trẻ” đem lại giá trị nhất định cho tác phẩm:

+ Giá trị nội dung: Góp phần thể hiện nội dung chủ đạo của tác phẩm, đó là tấm lòng thương cảm sâu xa của Thạch Lam đối với những kiếp sống tối tăm, mòn mỏi và thái độ nâng niu, trân trọng của ông đối với những tâm hồn trẻ thơ nơi phố huyện.

+ Giá trị nghệ thuật: Nhan đề góp phần khẳng định ngòi bút giàu tâm tình, bình dị mà gợi cảm của Thạch Lam, đồng thời cũng thể hiện sự trân trọng của ông đối với tâm hồn non nớt trẻ thơ nơi phố huyện nghèo.

Câu 3: Bức tranh phố huyện được nhìn qua con mắt của ai? Điều này có ý nghĩa gì? 

Trả lời:

-         Bức tranh phố huyện được nhìn qua con mắt của Liên. Tất cả những thay đổi trong giờ khắc của ngày tàn: khung cảnh phố huyện khi các nhà đã lên đèn cả, “những hòn đá nhỏ một bên sáng một bên tối”, hay hình ảnh mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi và nhặt nhạnh bất cứ thứ gì dùng được của các người bán hàng để lại,… đều được nhìn và cảm nhận dưới góc nhìn của Liên.

-         Giả sử không đặt vào góc nhìn của Liên, tất cả những hình ảnh trên sẽ chỉ đơn thuần được khắc họa dưới con mắt khách quan, đầy khô khan và có phần tẻ nhạt, nhàm chán. Đây là những hình ảnh lặp đi lặp lại mỗi ngày, không có gì khác biệt, không có gì thay đổi. Hôm nay giống hôm qua, ngày mai cũng sẽ không khác những gì hôm nay đang tiếp diễn. Nếu không phải là Liên nhìn và cảm, người đọc sẽ chỉ cảm nhận được những hình ảnh rời rạc và buồn tẻ nơi phố huyện nghèo mà thôi.

-         Có thể nói, cái nhìn của Liên đã khiến cho bức tranh phố huyện nghèo nàn được tô điểm bởi những màu sắc khác nhau do chính lăng kính đặc biệt của tâm hồn Liên mang lại. Điều này cũng đem lại ý nghĩa cho câu chuyện:

+ Điểm nhìn của Liên là điểm nhìn trong trẻo của một đứa trẻ, là cái nhìn chưa qua những “gạn đục” cuộc đời, là cái nhìn không hoài nghi tính toán, dẫu có vương vất buồn bã đến thế nào.

+ Điểm nhìn sẽ tác động đến suy nghĩ và tình cảm. Qua cái nhìn của một đứa trẻ như Liên, Thạch Lam đã khiến chúng ta cùng suy nghĩ và cùng xúc cảm như một đứa trẻ. Điểm nhìn này đã đem lại cho chúng ta những rung động tinh khôi nhất về con người, về cuộc sống. Và có lẽ cũng chính vì thế, khi được nhìn qua con mắt của Liên, bức tranh phố huyện nghèo nàn tẻ nhạt nhưng vẫn đáng trân trọng và là một phần không thể phủ nhận của cuộc đời. 

+ Điểm nhìn không chỉ khiến bức tranh phố huyện đáng trân trọng hơn, mà còn khiến chính tâm hồn Liên được khắc họa rõ hơn với những cung bậc cảm xúc đầy thiết tha với đời.

-         Điểm nhìn góp phần thể hiện nội dung và khẳng định nghệ thuật của tác phẩm:

+ Với điểm nhìn của Liên, nội dung chủ đạo câu chuyện được thể hiện một cách trọn vẹn hơn, đó là tấm lòng thương cảm sâu xa của Thạch Lam đối với những kiếp sống tối tăm, mòn mỏi và thái độ nâng niu, trân trọng của ông đối với những tâm hồn trẻ thơ nơi phố huyện.

+ Điểm nhìn cũng cho thấy nét tinh tế trong nghệ thuật tả cảnh, tả tâm trạng và cách tạo không khí truyện trong tác phẩm; khẳng định ngòi bút dung dị đầy chất thơ của Thạch Lam.

Câu 4: Trình bày khái quát về tình huống truyện và kiểu nhân vật truyện trong tác phẩm “Hai đứa trẻ”.

Trả lời:

-         Khái quát kiến thức:

+ Tình huống truyện: Có thể hiểu là hoàn cảnh, bối cảnh tạo nên câu chuyện. Xét đến cùng, nó là một sự kiện đặc biệt có tính chất bước ngoặt trong truyện, tác động đến diễn tiến câu chuyện cũng như từng nhân vật. Có tình huống truyện, nhân vật mới có cơ hội để bộc lộ tính cách của mình.

Có thể phân loại TH truyện thành 3 dạng cơ bản: tình huống hành động, tình huống nhận thức, và tình huống tình cảm. 

+ Kiểu nhân vật: Có thể phân loại một số kiểu nhân vật cơ bản trong truyện ngắn, ứng với các dạng tình huống, đó là kiểu nhân vật hành động ( nhân vật chủ yếu được khắc họa qua hành động ); kiểu nhân vật tư tưởng (  nhân vật chủ yếu được khắc họa qua quan điểm, suy nghĩ, nhận thức ); và kiểu nhân vật tình cảm ( nhân vật chủ yếu được khắc họa qua tâm trạng, qua những cung bậc cảm xúc ).

-         Đối với truyện ngắn “Hai đứa trẻ”:

+ Nếu men theo cách phân loại TH truyện như 3 dạng cơ bản trên kia, có thể dễ dàng nhận thấy TH truyện trong “Hai đứa trẻ” thuộc dạng thứ 3: tình huống tình cảm, tức là tình huống đẩy nhân vật vào những biến động trong đời sống cảm xúc, hoặc, chính những rung động của nhân vật tạo nên tình huống.

+ Tương tự, nhân vật trong “Hai đứa trẻ” cũng thuộc kiểu nhân vật tình cảm. Hai đứa trẻ đến với người đọc và ghi dấu ấn trong lòng người đọc không phải với những hành động quả quyết, không phải với những nhận thức sâu sắc về cuộc sống, mà đơn giản, với rung động tinh khôi trước những gì diễn ra xung quanh mình.

-         Tình huống truyện quả thật đã tạo nên được kiểu nhân vật tương xứng. Là một câu chuyện không có cốt truyện, tình huống truyện của Thạch Lam trong tác phẩm này không phải một sự kiện đặc biệt cụ thể, mà là một sự duy trì tuần hoàn về không gian thời gian. Chính không gian và thời gian trở đi trở lại trong câu chuyện đã là một “tình huống”, một cơ sở, một nền tảng gợi dậy những rung động khe khẽ của hai đứa trẻ trước cuộc đời. Giả sử không gian không êm ả như thế, giả sử thời gian chẳng buồn bã là vậy, hai đứa trẻ chắc cũng không có cơ hội lắng lòng mình lại để lắng nghe tiếng đời một cách hồn nhiên.

-         Tình huống truyện đã góp phần thể hiện nội dung chủ đạo của tác phẩm và ngòi bút tinh tế của Thạch Lam.

Câu 5: Ý nghĩa hình ảnh đoàn tàu trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ”.
 

Trả lời:

-         Trước hết, đó là hình ảnh xuất hiện ở gần cuối tác phẩm, hay cũng là gần cuối ngày tàn nơi phố huyện. Đó là những gì mà Liên và An ngày  nào cũng mong mỏi như một thói quen, là thứ ánh sáng rực rỡ mà đêm đêm hai đứa trẻ háo hức đợi chờ.

-         Đây là một hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng:

+ Đoàn tàu là một trong những hình ảnh đem lại ánh sáng rực rỡ nhất cho câu chuyện, tuy nhiên cũng lại là thứ ánh sáng không thuộc về nơi phố huyện nghèo. Nó nhanh chóng, vội vã, đến rồi đi chỉ trong khoảnh khắc. Cũng giống như những thứ ánh sáng qua xa vời, nó chỉ là một “vị khách” lấp lánh ngày nào cũng ghé qua nhưng không bao giờ ở lại với phố nghèo. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Thạch Lam để hình ảnh đoàn tàu xuất hiện trong đêm tối. Chuyến tàu đêm đã thắp lên được một thứ ánh sáng nhất định, đã đẩy lùi được bóng tối phủ đầy dẫu chỉ trong giây lát.

+ Đoàn tàu biểu trưng cho quá khứ lung linh tại Hà Nội, cho một tuổi thơ đã từng no đủ êm ấm và vui tươi, cho những gì đối lập với phố huyện nghèo tẻ nhạt, cho niềm vui trọn vẹn nhất ngày của Liên và An, cũng bộc lộ khao khát chưa nói nên lời của hai đứa trẻ về một miền tràn ngập ánh sáng.

+ Liên và An luôn chờ đợi được nhìn thấy đoàn tàu mỗi đêm, nhưng chưa một lần, dù chỉ trong ý nghĩ, Liên và An muốn bước lên trên đoàn tàu ấy để trở về với Hà Nội, với thứ ánh sáng “rầm rộ” đầy “huyên náo”. Đoàn tàu có thể là ước mơ, nhưng nếu là ước mơ thì nó quả thực xa vời. Gần gũi và chân thực hơn, đoàn tàu thể hiện nỗ lực hướng về ánh sáng và trân trọng ánh sáng của hai mảnh tâm hồn.

+ Đoàn tàu với những phác họa về nó cũng là hình ảnh cho một cuộc sống đang lụi tàn. Đây vốn dĩ là hình ảnh đem lại niềm hi vọng cho người dân phố huyện nghèo về một tương lai tốt đẹp hơn, nên thật ra trong thâm tâm ai cũng mong đợi nó mỗi khi đêm về. Thế nhưng, cái biểu tượng của cuộc sống no đủ và tốt đẹp đó cũng đang dần trở nên đìu hiu đến đáng thương: “Mấy năm nay buôn bán kém nên người lên người xuống ít, có khi hai chị em đợi chờ chẳng thấy ai. Trước kia, ở sân ga, có mấy hàng cơm mở đón khách, đèn sáng cho đến nửa đêm. Nhưng bây giờ họ đóng cửa cả rồi…” Vậy là trớ trêu thay, hình ảnh đại diện cho những gì tiên tiến văn minh nhất, lại trở thành một  minh chứng cho cuộc sống đang lụi tàn cả về vật chất lẫn tinh thần.

-         Hình ảnh đoàn tàu góp phần quan trọng trong việc thể hiện nội dung chủ đạo của tác phẩm, đồng thời khẳng định ngòi bút tinh tế sâu sắc của nhà văn.

Câu 6: Bức tranh phố huyện nghèo trong “Hai đứa trẻ”.

Trả lời: 

-         Đó là một bức tranh của cuộc sống đang tàn lụi, với chiều tàn, ngày tàn, và người tàn.

+ Chiều tàn: “cái buồn của buổi chiều quê” , êm ả như ru, không ngày nào không trở lại, nhưng cũng chẳng ngày nào không khiến người ta buồn man mác.

+ Ngày tàn”: cái giờ khắc của ngày tàn, khi phố huyện lác đác lên đèn

+ Sự vật: “chiếc chõng nan lún xuống và kêu cót két”: “cái chõng này sắp gãy rồi chị nhỉ?”; “chợ họp giữa phố vãn từ lâu”, …

+ “Người tàn”: “mấy đứa trẻ con nhà nghèo..”; chị Tí chép miệng “Ối chao, sớm với muộn mà có ăn thua gì.”; bà cụ Thi “đi lần vào bóng tối, tiếng cười khanh khách nhỏ dần”; vv…

-         Ý nghĩa của bức tranh phố huyện nghèo: Thạch Lam đã lựa chọn những chi tiết nhỏ như những mảnh ghép lộn xộn của cuộc sống, để rồi tỉ mẩn ngồi lắp ghép chúng thành một bức tranh của cuộc sống đang ngày càng lụi tàn. “Chiều tàn” – “ngày tàn” chỉ là cái lụi tàn của không gian thời gian, sự vật thưa thớt ọp ẹp có thể chỉ là sự cũ kĩ của đời sống vật chất, nhưng “người tàn” thì quả thực là một sự lún sâu về tinh thần. Miêu tả phố huyện nghèo, Thạch Lam không muốn nhấn sâu vào cái nghèo khổ về vật chất, mà muốn chỉ rõ sự nghèo nàn về thế giới nội tâm bên trong mỗi con người.  

ð Bức tranh phố huyện đã trở thành một không gian, một “cái nền” phù hợp với câu chuyện, góp phần thể hiện nội dung chủ đạo của câu chuyện và khẳng định ngòi bút tinh tế của nhà văn.

Câu 7: Phân tích ý nghĩa chi tiết giấc ngủ của Liên ở cuối câu chuyện.

Trả lời:

-          Vị trí: Là chi tiết kết thúc truyện ngắn, khép lại câu chuyện về tâm hồn trong ngần của hai đứa trẻ nơi phố huyện nghèo, cũng khép lại mọi giấc mơ về ánh sáng và những ám ảnh về bóng tối ngập đầy.

“Nhưng Liên không nghĩ được lâu, mắt chị nặng dần, rồi sau Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối.”

-          Giá trị chi tiết:

+ Giá trị nội dung: Là một câu chuyện có sự xuất hiện liên tục của ánh sáng và bóng tối, như một sự giành giật giữa những hạt ánh sáng le lói với cả một miền tối phủ đầy, và đương nhiên lợi thế thuộc về bóng tối, không quá lạ khi đến cuối cùng, câu chuyện lại trở về với bóng tối, về với sự yên tĩnh đến tẻ nhạt của phố huyện nghèo. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa những nỗ lực trông về ánh sáng của hai đứa trẻ không còn nữa, mà ngược lại, ở một khía cạnh  nào đó, chúng lại càng được tô đậm sắc nét hơn.


Đây là một cái kết êm dịu, êm dịu như những gì cả câu chuyện đã mang lại qua ngòi bút đậm chất trữ tình của Thạch Lam. Dù chìm vào bóng tối như đêm trong phố, nhưng giấc ngủ của Liên nhẹ nhàng, không chút gò bó, như một lẽ đương nhiên rằng con người ta sẽ buộc phải chìm vào giấc ngủ sau một hành trình dài, và với Liên là một hành trình về tinh thần sâu sắc.


Bóng tối lại một lần nữa phủ đầy câu chuyện, những hạt ánh sáng le lói bé nhỏ cũng chẳng còn, nhưng thứ ánh sáng dịu nhẹ và không gì có thể dập tắt trong tâm hồn Liên thì vẫn còn ở đó. Đấy là thứ ánh sáng mà bản thân người đọc đã tự cảm nhận được qua từng cung bậc nhẹ nhàng của câu chuyện, cũng là thứ ánh sáng trẻ thơ mà Thạch Lam tỉ mẩn tìm kiếm và trân trọng ở đời. Nói cách khác, câu chuyện kết bởi bóng tối, nhưng bóng tối không chiến thắng, chỉ là Thạch Lam tin rằng bản thân câu chuyện đã gieo được vào lòng người đọc một thứ ánh sáng dìu dặt mà thôi. Thứ ánh sáng ấy không được thể hiện qua hình ảnh, nhưng rực rỡ một cách dịu dàng trong trái tim của mỗi người.


Liên “không nghĩ nhiều” và “ngập vào giấc ngủ yên tĩnh”, không có nghĩa tất cả những ước mơ trước đó của Liên không còn. Một đứa trẻ thường ấm ức rất nhiều khi không có được thứ nó muốn, nhưng cũng một đứa trẻ, sẽ biết quen dần và không đòi hỏi với một ước mơ luôn thường trực. Ước mơ của Liên là một “ước mơ thường trực” như thế. Nên nhớ, đây chỉ là một ngày trong chuỗi ngày của Liên nơi phố huyện. Ngày hôm sau khi chiều buông xuống, Liên sẽ lại tiếp tục cẩn trọng tìm kiếm từng hạt ánh sáng khi bóng tối đang phủ đầy.  Liên ước mơ mà không rõ mình đang ước mơ, Liên nghĩ về ánh sáng và trân trọng ánh sáng như một thói quen lặp đi lặp lại từng ngày, đến mức không còn gì phải trăn trở quá nhiều về nó. Chị em Liên ngày nào cũng chờ đoàn tàu, nhưng chưa một lần có ý nghĩ bước chân lên đoàn tàu ấy để trở về miền ánh sáng rực rỡ năm nào. Đó đơn giản là những mong mỏi tha thiết trong tiềm thức của những đứa trẻ, nên chúng không bận tâm về nó.

-          Giá trị nghệ thuật:


Thể hiện ngòi bút nhẹ nhàng, đậm chất trữ tình và đẫm chất thơ của Thạch Lam.


Là một sự giăng mắc ám ảnh trong một câu chuyện không có cốt truyện


Thể hiện sự trân trọng của Thạch Lam đối với những tâm hồn trẻ thơ nơi phố huyện nghèo

Câu 8: Chi tiết ngọn đèn con nơi hàng nước chị Tí có ý nghĩa gì ?

Trả lời:

-          Đây là một chi tiết xuất hiện khá nhiều lần trong tác phẩm, dưới cái nhìn của Liên: “quầng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí”, ngọn đèn chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ…

-          Ý nghĩa:

+ Về nội dung:


Là ánh sáng có thật và thuộc về phố huyện nghèo, thứ ánh sáng mà không ngày nào không được thắp lên, nhưng chẳng ngày nào thôi buồn bã, bởi lẽ nó bé nhỏ, le lói, chìm nghỉm vào bóng đêm ngập đầy dần.


Ánh sáng từ ngọn đèn của chị Tí thể hiện sự nỗ lực duy trì cuộc sống của những người dân phố huyện nghèo, là những điểm sáng nhỏ nhoi trong một câu chuyện nhiều bóng tối, tuy nhiên chỉ là bằng một cách yếu ớt, mỏi mệt. Ánh sáng ấy được thắp lên như một thói quen, nhưng là một thói quen không được gửi gắm nhiều ước vọng cuộc đời.


Ánh sáng ấy biểu trưng cho cuộc sống thực tại nơi phố huyện: mòn mỏi, lay lắt, quẩn quanh, bế tắc,…; cho kiếp người vô danh sống lam lũ vật vờ. Cái khổ của họ không phải bởi họ là những người vô danh, mà bởi cuộc sống của họ đang trôi qua một cách vô nghĩa.


Ánh sáng từ ngọn đèn của chị Tí xuất hiện nhiều trong suy nghĩ của Liên, gần như ám ảnh Liên về cuộc sống đang ngày càng tàn lụi. Và dường như, sự tàn lụi của cuộc sống nơi phố huyện nghèo không phải bởi họ không thể thắp lên ánh sáng, mà bởi họ thiếu niềm tin vào thứ ánh sáng mình sở hữu mỗi ngày. “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hàng ngày của họ.”, tuy nhiên họ chỉ mong đợi vậy, chứ không hề biết rằng bản thân họ có thể tạo nên một cái gì đó “tươi sáng” cho chính mình.

+ Về nghệ thuật: Chi tiết ngọn đèn con nơi hàng nước chị Tí đã khẳng định ngòi bút dung dị mà tinh tế của Thạch Lam.


Đó là sự phát hiện những “niềm vui” trong cái khổ ở đời người, là sự tỉ mẩn nhặt nhạnh những hạt ánh sáng bé nhỏ trên cái nền bóng tối


Thể hiện ngòi bút trữ tình nhẹ nhàng đẫm chất thơ


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro