Sóng 🌊🌊🌊

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Bài văn trích trong cuốn sách chuyên sâu nâng cao 2 trong 1 "CHINH PHỤC KỲ THI HSG & TN-ĐH" năm 2020.
---------
Có người đã từng nói: "Thơ là những gì làm bạn khóc, cười, đau khổ, câm lặng, làm các ngón chân của bạn lấp lánh, làm cho bạn muốn làm mọi điều hoặc chỉ ngồi yên một chỗ. Khiến bạn thấy rằng mình không cô độc trong thế giới, rằng hạnh phúc khổ đau của riêng mình sẽ được mãi mãi sẽ chia." Quả thật, kể từ khi thơ ca xuất hiện, cái giọt "tinh hoa" của nhân loại ấy đã mang đến hơi thở ấm áp cho hành tinh xanh xanh và điệp trùng những cánh rừng tươi thắm của chúng ta. Sinh ra từ tâm hồn và trái tim con người, thơ trở thành tri âm của bao thế hệ, là tình yêu mong manh và bất diệt của những người yêu văn chương. Thơ đến với ta bằng sự đồng điệu của những tấm lòng, bằng tiếng nói "đồng ý, đồng chí, đồng tình". Đến với thơ, người đọc không quên nó là tiếng nói của cảm xúc là ngôn ngữ của tâm hồn. Trong thơ, "tình là gốc" (Bạch Cư Dị). Thơ phải sinh ra từ những sắc thái chân thật nhất của trái tim, bởi thơ kỳ diệu nên làm thơ cũng là việc hao tâm khổ trí, vất vả nhưng cũng vinh quang biết bao. Thơ chỉ bật lên khi cảm xúc "đủ chín", tấm lòng "đủ nặng" và trái tim "đủ ấm" với đời. Bởi thơ không giả dối nên cảm xúc trong thơ chẳng thể cưỡng cầu gượng ép, chắp vá  đơn điệu mà giống như Thanh Thảo tâm sự :" Kỳ lạ,là thơ. Lúc ta cất công tìm nó thì nó chạy đi đâu, lúc tình cờ ta chợt nghe trong mình một tiếng nói,cứ như ai mượn ta hay nhập vào ai, không rõ bắt đầu, không định kết thúc. Cây không không thể thiếu gốc, thơ ca cũng không thể thiếu được cái cốt tủy của mình. Người cho thơ cái gốc cũng như kẻ đang ươm mầm hạt giống của sự sống, cần phải có một tâm hồn dạt dào, trù phú để thơ đâm chồi, bám rễ. Vì thế những vần thơ lay động được trái tim người đọc là những vần thơ đã được thốt lên từ chính cảm xúc và rung động chân thực nhất của trái tim thống khổ và đầy tình yêu. Nhận định của Thanh Thảo đã phản ánh đúng vai trò của cảm xúc trong thơ ca, từ đó nêu lên sức mạnh của nhà thơ. Đây là ý kiến vô cùng sâu sắc, đúng đắn, đã tác động lên những ai đã, đang và sẽ trở thành nhà thơ. "Hãy đập vào tim anh, thiên tài là ở đó." - Tố Hữu
"Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu."
Xuân Diệu - ông hoàng thơ tình đã phải thốt lên như vậy khi lý giải về tình yêu. Bởi tình yêu đặc biệt khi nó không được quyết định bởi lý trí, mà bị chi phối bởi con tim. Chỉ khi đến với thơ, cái độc đáo của tình yêu mới được thể hiện rõ ràng, đầy đủ cung bậc. Và khi nhắc đến thời tình yêu, có lẽ Xuân Quỳnh là nữ hoàng trong việc truyền tải và bày tỏ cảm xúc trong tình yêu. Tiếng thơ Xuân Quỳnh là tiếng thơ của một trái tim phụ nữ đầy xúc cảm, tinh tế và cũng đầy lo âu, sợ hãi.

Trái tim đó luôn mong ước được sẻ chia, đồng cảm với những xúc cảm đời thường. Nhà thơ ấy đã từng đổ vỡ, bất hạnh nhưng thơ bà luôn chân thành. Mỗi một trang thơ đều phơi bày một tình cảm, một suy nghĩ, một trái tim đầy yêu thương. Và một tác phẩm đã góp phần làm nên tên tuổi của Xuân Quỳnh là bài thơ "Sóng". Bài thơ được trích trong tập "Hoa dọc chiến hào" đã thể hiện nét riêng cùng những trăn trở trong tình yêu của Xuân Quỳnh.

Nhà thơ Raxun Gamzatop đã từng nói:" Thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng và những giọt nước mắt cay đắng." Thơ là cây đàn muôn điệu được gảy lên từ những cung bậc cảm xúc của con người, là biểu hiện của những tình cảm thầm kín, hồn nhiên nhất. Tâm hồn con người ta không đơn giản chỉ là những cảm xúc yêu ghét, giận hờn, nó còn là cảm quan, cách đánh giá và cái nhìn của mỗi người vào cuộc sống này. Đặc biệt hơn nữa, đối với người nghệ sĩ, đó còn là nơi khởi sự xuất phát của mỗi tác phẩm mà mình viết ra, là nền tảng để tạo ra các gốc vững chắc cho tác phẩm nghệ thuật của mình. Vậy nên, "Kỳ lạ, là thơ. Lúc cất công tìm nó thì nó chạy đi đâu". Khi người thi sĩ gò ép câu chữ, gượng gạo để tìm ý nghĩa, chắp vá những cảm xúc nhỏ bé vụn vặt thì đó là những cảm xúc không chân thật. Sản phẩm viết ra chỉ mang tính hô hào, cổ động, đó chỉ là những sản phẩm mang hình thức thơ thiếu cảm xúc hoặc cảm xúc nhạt nhẽo, vô vị, người ta đọc rồi quên ngay. Đó chỉ là những xác chữ vô hồn nằm thẳng đơ trên trang giấy. Mà thơ ca, theo Chế Lan viên phải sôi động dạt dào:
"Câu thơ phải luôn bất ổn và xôn xao
Không thể nằm yên mà ngủ được nào."
Thơ ca với Xuân Quỳnh cũng vậy, chỉ những trái tim rung động chân thật nhất mới tạo nên những vần thơ lay động độc giả nhất. Bởi sản phẩm của trái tim chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim. Vậy nên, "lúc tình cờ ta chợt nghe trong lòng mình một tiếng nói, cứ như ai mượn ta hay nhập vào, không rõ bắt đầu, không định kết thúc." Thơ đến bất chợt trong giây phút, thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút viết, viết như một sự hối thúc mà không biết đã bắt đầu như thế nào, kết thúc ra sau cảm xúc dào dạt thăng hoa. Đó là những khoảnh khắc xuất thần của nhà thơ tạo nên những sáng tác. Theo Tố Hữu, đó là lúc "mỗi khi có gì chất chứa trong lòng, không nói ra, không chịu được thì lại cần thấy làm thơ". Đó là khi quy luật của thế giới nội tâm chiếu ứng với những vòng sáng cảm xúc chân thực, điển hình và mãnh liệt dội vào câu chữ. Người xưa nói thơ ưa đạm không ưa nồng, nhưng là cái đạm sau khi đã nồng, thơ ưa phác không ưa xảo, nhưng là các phác sau khi đã xảo. Bởi vậy, tình sâu là  sức đẩy chứa bên trong để tạo hồn cốt cho ngôn từ và cái thần của người làm thơ. Nhận định của Thanh Thảo đã khẳng định bản chất của thơ ca, thơ chỉ bật lên từ sâu thẳm tâm hồn, nuôi dưỡng bằng trái tim cháy bỏng của người viết và cảm xúc rực rỡ thăng hoa khi đặt bút trên trang giấy. Vậy tại sao cảm xúc lại là linh hồn của thi ca tại sao làm thơ phải có tình cảm mới làm được câu thơ hay có sức gợi?
Lưu Hiệp trong "Văn tâm điêu long" từng nói:" Tình cảm là sợi dọc của văn. Còn lời văn là sợi ngang của tư tưởng. Cái sợi dọc có ngay thẳng thì cái sợi ngang mới kết thành được." Quả thật vậy, nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng và sản phẩm của cảm xúc. Cảm xúc trong thơ là mạch nguồn dẫn dắt mạch ý, thông điệp của tác giả. Điều này có căn nguyên sâu xa từ đặc trưng của thơ ca. Thơ ca là giai điệu của cảm xúc, vì thế làm sao thi sĩ sáng tác về nỗi đau khi tâm hồn vô cảm trơ trọi như sỏi đá? Làm sao họ viết lên giai điệu mùa xuân khi họ ghét mùa xuân? Thiếu tình cảm là thiếu sót không thể nào bù đắp trong sáng tạo nghệ thuật. Nhà văn hay thi sĩ chỉ có thể sáng tạo nên thi phẩm khi cảm thấy bức xúc trước cuộc đời một điều gì đó hay họ cảm thấy có điều gì thôi thúc mãnh liệt con tim. Không phải vô cớ mà Lê Quý Đôn cho rằng "thơ khởi phát trong lòng ta." Hay Lép tôn-xtôi từng nói:" Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu, tình yêu con người và ước mơ cháy bỏng về một xã hội công bằng, bình đẳng, bác ái." Tôi chợt hiểu vì sao trong "Thư gửi một nhà thơ trẻ", để trả lời cho câu hỏi có nên làm thơ hay không Renkle đã có một lời khuyên chân tình rằng, anh hãy đối diện với lòng mình vào đêm khuya thanh vắng để tự trả lời câu hỏi: ta có thể viết được hay không? nếu không viết được ta có chết không? Chỉ khi nào trả lời được câu hỏi đó, anh hãy viết. Điều đó nói lên rằng tình cảm mãnh liệt ấy chính là tố chất đặc thù của người làm thơ, là điều không thể thiếu trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.
Từ ngàn xưa, Việt Nam đã dùng thơ ca để nói lên những hỉ nộ ái ố, tâm tư tình cảm thầm kín trong lòng mình. Ta chiêm ngưỡng thơ Xuân Diệu, sẽ thấy dạt dào cái khao khát được sống, được yêu mãnh liệt, cuộn trào trong nhà thơ trẻ này:
"Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi."
Bởi tấm lòng ham sống, ham yêu hết mình mà Xuân Diệu có những vần thơ đầy xúc cảm. Hay nhà thơ Thanh Hải đến phút cuối nơi giường bệnh vẫn khát khao cống hiến cho đời những giọt xuân trong trẻo:
"Ta làm con chim hót.
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến."
(“Mùa xuân nho nhỏ”)
Làm sao lòng ta không rạo rực được trước sức sống mãnh liệt, dạt dào của một nhà thơ yêu đời, yêu người tha thiết đến nhường ấy? Nhà thơ đã vượt qua chính mình để làm một nốt trầm lặng lẽ. Để mình có ích giữa muôn vàn âm thanh sôi động của cuộc đời muôn màu muôn vẻ này.
Nhà thơ Ngô tlThì Nhậm từng nói:" Tình cảm dồi dào thì thơ nảy sinh." Cảm xúc trong thơ đến bất chợt, tình cờ, không cô ấy sắp đặt, bởi cội nguồn của thơ ca là cảm xúc mãnh liệt của nhà thơ khi va chạm với cuộc đời. Nhưng những cảm xúc bất chợt đó không phải là những tình cảm dễ dãi mang tính bản năng, mà là tình cảm được lắng đọng qua cảm xúc thẩm mĩ. Đó là những phút tỏa sáng khi tâm hồn nghệ sĩ đạt đến độ chín nhất:" thơ là sự chín đỏ trong cảm xúc." Đọc một bài thơ mà ta cảm thấy đau đớn, vui sướng, xúc động hay nghẹn ngào thì tác giả đã thành công trong việc truyền tải cảm xúc đến bạn đọc. Mà những vần thơ có sức lay động mạnh mẽ như vậy chỉ xuất hiện khi cảm xúc của nhà thơ đạt đến cao trào, khi tim họ bùng cháy, nói như lép tôn-xtôi :"có những đêm rất khổ, không ngủ được, mắt rực cháy, trái tim thổn thức, khi đó tôi viết. Sức sống của thơ Xuân diệu phải chăng là cái sống động như nhảy múa của từng câu chữ, cái "băn khoăn rạo rực" ấy sẽ là gì nếu không phải là niềm khao khát hạnh phúc mạnh mẽ, vồ vập đang tuôn trào trong cảm xúc tác giả:
"Hãy sát đôi đầu hãy kề đôi ngực
Hãy trộn vào nhau đôi mái tóc ngắn dài
Những cánh tay hãy quấn riết đôi vai
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt"
(“Lời kỹ nữ”)
Chính những giây phút thăng hoa đã làm nên sự bất tử của thơ Xuân Diệu. Thơ ca chân chính không phải để mua vui nhất thời, giải trí đơn điệu, nó không chấp nhận những giáo điều khô khan, những khuôn chữ hình thức, sáo mòn. Thơ ca đích thực dẫn con người tới cõi chân - thiện - mỹ, làm giàu thêm tâm hồn, là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn con người phát triển.Lê Đạt từng viết:
"Mỗi công dân đều có một dạng vân tay
Mỗi người nghệ sĩ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ
Không trộn lẫn."
Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, nhà làm thơ cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Để thơ thực sự trở thành thơ, không ai đòi hỏi khuôn mẫu cho nghệ thuật, cũng không ai dạy nhà thơ phải phản ánh thế nào, xúc động ra sao, vì đó là công việc của nhà thơ. Bởi "sáng tác thơ là việc do cá nhân thi sĩ làm, một thứ sản xuất đặc biệt và cá thể", bởi làm thơ là việc không thể cưỡng cầu hay bẻ cong cảm xúc, nên tiếng thơ là tiếng lòng, "thơ khởi phát từ lòng người" là vì vậy. Cá tính sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ thể hiện qua cảm xúc, mà cảm xúc lại biểu hiện qua ngôn ngữ. Khi xưa Nguyễn Du đã giết chết biết bao nhân vật chính nhờ tính hàm súc của ngôn ngữ thơ ca. Chỉ một chữ thôi nhưng cả bản chất lại ra với một chữ, đó là cái tài mà chắc chỉ có Nguyễn du mới làm được:
"Ghế trên ngồi tót sổ sàng"
Chữ "tót" đắt giá đã làm đậm nét bản chất của Mã Giám Sinh. Thế là bao công sức trau chút vẻ ngoài của hắn xem như đổ sông đổ bể. Người ta nhìn ngắm "mùa thu vàng" của Levitan, ai cũng trầm trồ khen ngợi, nhưng có ai nghe thấy tiếng:
"Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô".
(Lưu Trọng Lư)
Cá tính sáng tạo được thể hiện qua từng câu từ "độc nhất vô nhị". Ta như choáng ngợp trước sức sáng tạo của hàng trăm nhà thơ, những bộ ốc thiên tài trong việc sử dụng ngôn ngữ đã tạo nên chất riêng, tạo nên phong cách riêng cho mình. Một lần nữa ta khẳng định nhận định của Thanh Thảo là vô cùng đúng đắn, đã nói lên được những yêu cầu của người làm thơ, cũng như nhắc nhở mỗi nhà thơ cần nuôi dưỡng mạch cảm xúc, mạch thi hứng để mỗi bài thơ đều tỏa sáng độc đáo.
Trở lại với những trang thơ của Xuân Quỳnh, cái tôi của Xuân Quỳnh là cái tôi đầy nữ tính, rất thành thật và giàu đức hi sinh, vị tha. Ở Xuân Quỳnh, khát vọng sống, khát vọng yêu đến mãnh liệt nhưng gắn với cảm thức của sự lo âu, phai tàn, mong manh. Bà thuộc những thi sĩ làm thơ người đàn bà phải sinh con, như cây cối phải đơm hoa, kết quả. Ta thích thơ Xuân Quỳnh vì cái vẻ giản dị, đôn hậu của nó. Phải chăng mọi bài thơ của thi sĩ đều như những lời tâm sự tự nhiên chân thành nhưng đầy ắp những ưu tư. Ta đọc thơ của Xuân Quỳnh mới cảm nhận rõ ràng cái gọi là "thơ của một cánh chuồn chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi giông bão cuộc đời":
"Chỉ có thuyền mới hieu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ."
Hình thức thơ giản dị, nó đi vào lòng người đọc và lắng sâu thành khúc hát tình cảm. Xuân Quỳnh rất ít khi câu nệ hình thức nhưng người đọc vẫn bị lôi cuốn, ấn tượng với thi sĩ, chân thành mộc mạc như tiếng lòng của một người phụ nữ:
"Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ."
Những cặp tính từ đối lập nhằm miêu tả trạng thái của sóng. Xuân Quỳnh không dùng từ "nhưng" để tô đậm nhưng lại dùng từ "và" để kết nối câu đem đến cảm giác đó là của những con sóng luôn hàm chứa trong nhau, mọi lúc, mọi nơi. Sắc điệu trữ tình của bài thơ được gợi lên từ hình tượng sóng. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình xôn xao trong lòng người con gái đang yêu khi đứng trước biển ngắm nhìn những con sóng vô hồi, bất tận. Sóng là một hình tượng ẩn dụ, đó là sự hóa thân của cái tôi trữ tình của nữ sĩ, lúc thì hòa nhập, lúc là sự phân thân của "em". Tính khí của người con gái đang yêu cũng như sóng vậy thôi, lúc mãnh liệt nồng nàn, khi lại dịu êm sâu lắng. Và cũng như sóng, trái tim người con gái đang yêu không chịu chấp nhận sự tầm thường nhỏ hẹp họ luôn vươn tới cái lớn lao, kiếm tìm tình yêu đích thực, đồng điệu:
"Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể"
Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của tâm hồn người phụ nữ nhiều trắc ẩn, vần Thơ của bà vừa chân thành, đằm thắm vừa nồng nàn mãnh liệt và hơn hết luôn bật lên khát vọng da diết về hạnh phúc bình dị đời thường. Xuân Quỳnh là nhà thơ của hạnh phúc đời thường nhưng bà lại gặp nhiều trắc trở, đổ vỡ trong tình yêu. Dẫu vậy, chị vẫn dành trọn tim mình để yêu hết lòng:
"Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức."
Nỗi nhớ về anh của người con gái trong bài thơ thật dữ dội, cồn cào, say đắm hơn cả những con sóng của đại dương. Nỗi nhớ bao trùm cả không gian, "sóng dưới lòng sâu", "sóng trên mặt nước", nỗi nhớ ngập bờ, ngập bến và nhớ về anh còn kéo dài sang cả thời gian "ngày đêm" nhớ đến nỗi không ngủ được. Nỗi nhớ nó chiếm trọn tiềm thức, suy nghĩ của trái tim em. Xuân Quỳnh vô cùng tinh tế khi mượn một hình tượng rất động để diễn tả nỗi niềm của người phụ nữ khi yêu. Sóng muôn đời vẫn thế, có bao giờ thôi vỗ sóng, có khi nào chẳng cồn cào, có khi nào thôi ngừng hành trình đến bờ dù muôn vời cách trở. Sóng là vậy, dù lặng im dưới lòng biển hay dữ dội trên mặt đại dương thì ngàn đời vẫn khát khao tìm về bến bờ tĩnh tại. Chưa đến được bờ thì nhớ thương, thương nhớ, thì thao thức một nỗi niềm vì nhớ bờ bởi "hôn mãi ngàn năm không thỏa /bởi yêu bờ lắm lắm em ơi"(Xuân diệu). Nên con sóng đã hành trình vượt qua không gian bao la và thời gian xa thẳm. Nó bất chấp cả thời gian "ngày đêm" để quyết tâm hướng vào bờ cho thỏa nỗi niềm mong nhớ.
"Rào rào tiếng những bầy ong
Chuyên cần là tiếng cái tằm nhả tơ
Mẹ còn đang bận đưa ru
Cái hoa bận đỏ cái hồ bận xanh
Hạt cây đang bận nảy mầm
Con quay quay có một mình ngoài kia
Ngủ đi con hãy ngủ đi
À ơi cái ngủ đang về cùng con."
( lời ru trên mặt đất)
Những cảm xúc vui buồn, những tình cảm gắn bó thân thương được nói đến nhiều trong thơ Xuân Quỳnh. Từ lối thơ lục bát nhẹ nhàng như lời ru êm dịu trong "lời ru trên mặt đất" đến lối thơ năm chữ trong "lòng" hay "thuyền và Biển", nó đều thu hút và làm hấp dẫn với người đọc. Thế nhưng, điều làm nên sức sống lâu bền, giá trị trong thơ Xuân Quỳnh là ở giá trị tư tưởng,xúc cảm trong thơ. Đó là niềm thương cảm của người em gái với chị ở phương xa trong "tháng 3 viết cho chị", là lòng biết ơn với người mẹ chồng tần tảo trong "mẹ của anh", là giây phút hồi hộp hạnh phúc của người phụ nữ khi bắt đầu làm mẹ, là trạng thái muôn màu của tình yêu nam nữ. Mọi cung bậc cảm xúc xuất hiện trong thơ của Xuân Quỳnh, cái đức hạnh trong thơ thi sĩ chính là phẩm chất quý giá của một người phụ nữ khát khao bộc lộ, giải bày tất cả nồng nàn tha thiết đắm say mà vẫn dịu dàng nữ tính. Xuân Quỳnh đã mang cuộc sống đời thường giản dị vào trong thơ một cách tự nhiên nhưng vô cùng sâu sắc. Đó là lòng ham sống, khát khao được sống hết mình, sống trọn vẹn.
"Thơ là nghệ thuật lấy ngôn ngữ làm cứu cánh" ( Jakobson). Và "làm thơ là tạo ra một hành tinh thứ hai bằng ngôn ngữ" (Chế Lan Viên ). Vì vậy, nhà thơ có phong cách phải sáng tạo ra một tiếng nói riêng, một giọng điệu riêng, một lối dùng chữ riêng trong thế giới nghệ thuật của mình. Yếu tính của việc làm thơ là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, một tín hiệu thẫm mỹ thể hiện tài năng của nhà thơ. Nói như Lê Đạt: " Chữ bầu lên nhà thơ". Vì :"Người làm thơ không phải làm bằng ý mà bằng chữ." Đây cũng là quan niệm của Xuân Quỳnh khi chị cho rằng ngôn ngữ thơ là điều ám ảnh thường trực trong tư duy sáng tạo của nhà thơ. Và bởi "Ngôn ngữ trong tay người làm thơ cũng giống như những cây que, những chiếc vòng...trong tay trẻ nhỏ. Chúng có thể biến hóa nên bao trò chơi, mà trò chơi nào cũng chóng chán, cũng đòi người chơi phải bày ra trò mới khác đi." Nên bằng tâm hồn đa cảm yêu thương, Xuân Quỳnh đã phổ trọn vẹn cái chất đằm thắm ấy vào tác phẩm của mình.
Trải qua thời gian, vẻ đẹp của thơ ca ngày càng phát triển và hoàn thiện tựa như những nguồn nước  trong nảy sinh từ cội nguồn sáng tạo sau thẳm vô tận. Chính vì vậy, thơ ca không phải là vẻ đẹp của đồ trang sức hay đồ chơi phiếm mà là vẻ đẹp tỏa ra từ tâm hồn, và ánh lên từ cuộc sống thông qua sự mà giữa và tinh luyện của nhà thơ. Nhà thơ không ngừng sáng tạo để tạo nên giá trị nghệ thuật, tạo nên ngôn ngữ thơ. Sáng tạo cảm xúc trong thơ ca chính là yếu tố đầu tiên và là mắt xích quan trọng nhất để gắn độc giả với tác giả. Chỉ có những nghệ sĩ chân chính mới có thể tạo nên những áng thơ ca bất diệt.
---------

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro