Cái tôi triết lí trong thơ Hữu Thỉnh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Trong số các nhà thơ trực tiếp tham gia chiến đấu và trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, Hữu Thỉnh là một nhà thơ có phong cách riêng khá độc đáo. Cái riêng ấy thể hiện một phần ở tính triết lý dung dị ông gửi vào tác phẩm. Trước 1975, tính triết lí còn thấp thoáng; sau 1975, nó đã hiện hữu thành cái tôi triết lí không thể trộn lẫn trong thơ ông.

Cái tôi triết lí đã làm nên nét nổi bật của Hữu Thỉnh đồng thời cũng làm rõ hơn đặc điểm thơ ca Việt Nam thời kì đổi mới cả trước và sau 1975.  Dù trước hay sau 1975, chất triết lí của thơ Hữu Thỉnh đều gắn với cái nhìn hướng thiện, sự giản dị và cảm nhận tinh tế về tạo vật. Nó làm thơ ông mang nét riêng: triết lí mà vẫn gần gũi, không lên gân như nhiều người vẫn gặp phải.

Tuy nhiên, trước 1975, cái tôi triết lí xuất hiện còn mờ nhạt. Mục đích của nó là làm rõ cảm hứng anh hùng và niềm tin không lay chuyển về tương lai trong niềm vui tất thắng chứ không nhằm giãi bày những tâm tình riêng tư, nỗi buồn thế sự. Nó thường xuất hiện qua hai hình tượng: người chiến sĩ và người mẹ (người chị) trong chiến tranh. Triết lí xuất hiện chỉ để làm nổi bật những hi sinh và những đóng góp thầm lặng cho cuộc cách mạng. Ở hình tượng người mẹ (và người chị), Hữu Thỉnh thường chú ý ở phương diện đau thương, bất hạnh, những thiệt thòi hi sinh... Cái tôi ấy không có nét riêng mà bị ảnh hưởng bởi xu hướng tổng kết chiến tranh thời bấy giờ.

Ở giai đoạn sáng tác sau, cái tôi triết lí xuất hiện đậm đặc và trở thành một đặc điểm lớn trong thơ Hữu Thỉnh. Có điều đó bởi bối cảnh xã hội thay đổi, quan niệm sáng tạo của nhà thơ đã có những chuyển biến sâu sắc: thay vì quan niệm thơ như một hoạt động tuyên truyền chính trị, giờ đây thơ được nhấn mạnh, đề cao trước hết với tư cách là một hoạt động sáng tạo – nhận thức; thơ không được phép quay lưng trước những vấn đề nóng bỏng của hiện thực đời sống, thơ phải gắn liền với thời đại và thời cuộc, thơ phải là tiếng nói trách nhiệm và ý thức xã hội tỉnh táo, trung thực của nghệ sỹ. Nhận thức đời sống trong chiều sâu triết lý chính là một đặc điểm nổi bật của Hữu Thỉnh. Thơ có thể bàn về nhiều vấn đề đa dạng của hiện thực song cách thể hiện phải giàu tính tư tưởng, hướng thơ trở về với đời thường, với số phận cá nhân, đào sâu vào tiếng nói nội tâm, đi sâu phân tích, lý giải thế giới cảm xúc, tâm linh sâu kín bí ẩn. Đây là những đổi mới hết sức sâu sắc và nhân bản trong quan niệm, tư tưởng nghệ thuật của tác giả và nhiều nhà thơ khác cùng thế hệ với ông.

Nếu trước đây, điều quan tâm lớn nhất với Hữu Thỉnh nói riêng và các thi sĩ chống Mỹ nói chung là tâm niệm "Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình", thì ở chặng sau, cái nhìn của nhà thơ mang tính hướng nội rất sâu. Những mảnh vỡ tâm trạng, những lo âu khắc khoải, những bể dâu cuộc đời được nói đến một cách riết róng qua góc nhìn đời tư. Không còn ở đây cái nhìn của chúng tôi mà là cái nhìn của "chính tôi". Cái tôi vì thế trở nên đa diện mà mặt trội của nó là những suy tư về cõi người. Đó không phải là cái tôi hiện lên trong quầng sáng sử thi mà là hiện lên trong chính cuộc sống thô ráp thường ngày.

2. Trong hành trình thơ ca, Hữu Thỉnh đã nhiều lần soi rọi nội tâm và rút ra những triết lí riêng. Đó là triết lí của cái tôi tự ý thức cao độ và luôn muốn đào sâu vào bản thể.

Trong chuyên luận Thi pháp thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Nguyên Tản cũng đã nhắc tới cái tôi tự ý thức này trong hình bóng người cô đơn:  "Con người cô đơn trong thơ Hữu Thỉnh xuất hiện trên cái nền chung ấy, nhưng cô đơn cũng cô đơn hơn, thất vọng cũng thất vọng hơn, đau xót cũng đau xót hơn. Bởi như đã nêu ở trên, anh là người của khát vọng được đồng cảm, cháy bỏng, da diết, bức xúc"[6,tr53]. Nhà thơ đã tự soi vào bản thân để phát hiện ra nỗi cô đơn dường như là bạn đường của ông trong đường đời. Cô đơn đã quán xuyến tất cả từ mạch thơ đến hồn thơ. Điều này thể hiện rõ trong tập Thư mùa đông. Nhiều người đánh giá nó là sự tiếp nối của một cô đơn dằng dặc. Càng cô đơn, tác giả càng đi sâu để khám phá sự phong phú trong những cung bậc tâm hồn con người và từ đó đưa ra những triết lí sâu sắc về chính nỗi cô đơn. Cô đơn đâu phải chỉ do thiếu hòa hợp với xã hội mà còn do người thi sĩ muốn sẻ chia song không được:

Chỉ còn một mình anh

Với chiều ngoài cửa sổ.

                             (Ước)

Câu thơ ẩn chứa nỗi buồn của người trên cuộc hành trình tìm tới hạnh phúc trọn vẹn:

Mùa thu cũng bỏ trời

Đi về miền tiếc nuối

Có con tàu mệt mỏi

Thét còi trong tim anh.

                                  (Ước)

Cái tôi ấy còn luôn muốn đào sâu vào bản thể bằng sự tự dằn vặt và những nghi vấn. Trong guồng quay của cuộc sống mưu sinh, tâm hồn con người cũng bộc lộ nhiều biến thái mới, nhiều chiều sâu mới. Nhà văn có thể mô tả rất nhiều nhân vật, qua cá tính và số phận các nhân vật ấy. Còn nhà thơ chỉ mô tả tâm hồn mình để người đọc thấy được cuộc sống  xã hội, vì vậy, cái tôi mới hay dằn vặt. Cái tôi ấy chung cảm hứng với rất nhiều nhà thơ hiện đại. Sau năm 1986, các nhà thơ nỗ lực khám phá sự phong phú của "cái tôi ẩn giấu", dám phơi bày những bi kịch nhân sinh, hoài nghi những giá trị vốn đã quá ổn định để đi tìm những giá trị mới. Cái tôi triết lí của Hữu Thỉnh cũng bộc lộ ngay cả góc khuất của tâm hồn. Nó là sự đào sâu, lí giải, trăn trở của cái tôi. Trong đó còn có cả quá trình nhà thơ tự làm thanh khiết tâm hồn mình. Bài  thơ "Lọc", ông nói về chính cuộc sống nội tâm mình bằng triết lí:

Lọc hết bùn đi

Còn chút gì sót lại

Đấy là anh sau những vui buồn...

Nhà thơ đã dùng nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng để nói về một chân lí: con người ta bị vấy quá nhiều "bùn đen" trong tâm hồn, cần sàng lọc đi mới thấy được bản chất. Từ câu chuyện của chính ông, ta thấy triết lí sống dành cho mọi người.

Trong nhiều bài thơ khác, ta cũng thấy những triết lí hướng thiện này. Nó trở thành bình phong che chở ông trước sự cô đơn, đau buồn của cuộc đời.  Vì lẽ đó, thơ ông, dù về sau này chất chứa tâm trạng buồn nhưng vẫn không lạnh lẽo, mà vẫn toát lên vẻ hồn hậu của một tâm hồn luôn biết gạn lọc để vượt lên trên bùn lầy của cuộc sống:

Tôi cố lách qua cặn lắng của đời mình

Dưới đáy cốc của hy vọng

                            (Cặn lắng)

Thông qua lời nhắn nhủ của mẹ, ông nêu một phương châm sống:

– Hãy yêu lấy con người

Dù trăm cay nghìn đắng

Đến với ai gặp nạn

Xong rồi, chơi với cây

                            (Lời mẹ)  

Đặc biệt, cái tôi triết lí ấy hiện rõ đầy tranh cãi qua Thương lượng với thời gian:       

Buổi sáng lo kiếm sống

Buổi chiều tìm công danh

Buổi tối đem trí khôn ra mài rũa

Tỉnh thức

Những hàng cây bật khóc

Nhân vật trong Thương lượng với thời gian giống bao người. Để sống thì cũng phải lao vào guồng quay tiền tài danh vọng. Ngày thì lo tìm công danh, tiền bạc, đêm "mài rũa trí khôn" cũng chỉ để tìm công danh, tiền bạc một cách dễ dàng hơn. May thay, trong vòng quay đó, cái tôi vẫn tỉnh thức, vẫn biết giật mình. Có cái tỉnh thức này, mới hiện lên rõ ràng nhân cách một con người còn giữ được lương tri, còn biết trăn trở, đi tìm lẽ cao đẹp hơn là công danh, tiền bạc. Những hàng cây bật khóc hay chính cái tôi bật khóc? Khóc vì "mình lại thương mình xót xa", vì cuộc kiếm tìm áo cơm, danh vọng, cuộc mài rũa trí khôn đã biến mình thành một kẻ tầm thường; hay khóc vì không đạt được điều mình muốn dù đã phải "thương lượng với thời gian"? Hay vì cả hai lẽ?  Hay khóc vì cứ "lo", cứ "tìm", cứ "mài rũa" hết cả một đời rồi, còn nghĩ gì được đến những điều cao đẹp, thánh thiện...! Khóc vì hoàn cảnh buộc mình phải thế, hay khóc vì mình không vượt nổi hoàn cảnh? Qua đó, chúng ta thấy được triết lí của tác giả về cuộc sống và đời người. Cuộc sống cứ trôi qua vùn vụt, đời người còn lại gì đây sau khi cởi bỏ tấm áo danh vọng? Phải tỉnh lại thôi. Song bản thân tác giả cũng thấy bất lực trong tiếng khóc dồn nén cuối bài thơ. Biết là vậy mà không làm khác được.

3. Khi hiểu được bản ngã, cái tôi muốn truy vấn cả cuộc sống. Cái tôi trong thơ Hữu Thỉnh cũng vậy. Nó luôn muốn truy tìm ý nghĩa và bản chất của đời sống và các vấn đề nhân sinh thế sự để rút ra triết lí.

Chất triết lí này rõ rệt nhất ở những tác phẩm sau 1986. Công cuộc đổi mới được khởi xướng vào năm 1986 là một sự kiện trọng đại làm thay đổi cuộc sống nước ta vốn đã có lúc rơi vào khủng hoảng sâu sắc. Văn nghệ, trong tình hình mới đã dám "nói thẳng", "nói thật" về nhiều vấn đề khúc mắc, nhiều sự thật đau lòng. Thơ của Hữu Thỉnh cũng nằm trong trào lưu đó. Không thể phủ nhận một thực tế là cơ chế kinh tế thị trường đã làm cho cuộc sống khởi sắc hơn, nhưng mặt khác, con người dường như sống với nhau lạnh lùng hơn, mối quan hệ giữa các cá nhân trong xã hội lỏng lẻo hơn. Bối cảnh lịch sử và văn hóa mới, cả mặt phải và mặt trái của nó khiến nhà thơ không thể nhìn cuộc sống như trước đây mà buộc nhà thơ phải thích ứng với những thay đổi nhiều khi chóng mặt của cuộc sống. Ý thức nhìn cuộc đời bằng cái nhìn tỉnh táo và thơ ca hiện ra như một hình thức tra vấn không ngừng về đời sống.

Hữu Thỉnh đã sẵn sàng chỉ ra hiện thực cuộc sống thời hậu chiến khi niềm vui chiến thắng đã lắng lại, hiện thực đất nước khó khăn lại đặt ra những nghiệt ngã. Thơ Hữu Thỉnh cũng dần dần đi vào những ưu tư, thức ngộ mới về thời cuộc:

Anh cứ tưởng sau chiến tranh thì toàn là hạnh phúc

Chúng ta đã từng vò võ đợi nhau

Nhưng không phải em ơi, cuốc kêu không phải thế

...

Tôi cứ tưởng không còn ai xấu nữa

Tôi cứ tưởng tốt với nhau bao nhiêu cũng còn chưa đủ

Nhưng không phải, trời ơi, cuốc kêu không phải thế

                                                 (Nghe tiếng cuốc kêu)

Sự đau đớn ấy cho thấy một triết lí: có những mảng đen sau màu hồng, có những điều xấu trong xã hội vẫn tồn tại như một tất yếu, chỉ có ta là mộng tưởng thôi.

Đó còn là triết lí đau đớn về cách ứng xử lật lọng tráo trở của con người với nhau trong xã hội:

Có gì bền? Nhân nghĩa có còn đây?

                                          (Nghẹn)

Cõi thiện xa xăm câu kinh vượt dốc

Mây vừa đi vừa ngoái lại trông người

                                         (Ngẫu cảm)

Kẻ phản phúc vừa lau tay sạch sẽ

Cười súng sính

Trong bộ cánh thớ lợ

...

Luật nhân quả

Ngủ gật trên bậc cửa

                       (Bất hạnh)

Vừa trong mơ cùng tôi

Cây ra đường đã bụi

Vừa dào dạt cùng tôi

Biển đã thành sương khói.

                           (Vừa trong mơ cùng tôi)

Ta đâu có đề phòng từ phía những người yêu

Cây đổ về nơi không có vết rìu

Ôi hoa tặng, chiều nay ai giẫm nát

Mưa dập vỡ trên đường em trở gót.

                                   (Tự thú)

Lời thơ đã thể hiện bi kịch khi con người chợt nhận ra giữa thực tế và lý tưởng một thời là một khoảng cách xa tắp đến mù mịt; khát vọng về sự tốt đẹp, lương thiện không ngăn nổi cái nghịch lý, trớ trêu, cái xấu cái ác hoành hành. Nhạc thơ chậm và buồn, tứ thơ sâu thẳm nhằm diễn tả cái hư vô của cuộc đời.

Trong cuộc sống ấy, tác giả lại càng ý thức về phẩm giá con người. Trong Gửi người bộ hành lặng lẽ, nhà thơ đã cúi đầu trước cuộc đời nhà thơ Chính Hữu, người suốt đời là quân nhân, một con người sống và ra đi lặng lẽ như sự giác ngộ cho một triết lí sống siêu thoát, bình yên:

Anh mang theo những tiếng chuông xưa

Gõ trai tịnh dưới những vòm lá cổ.

Cảm quan triết lí còn đi theo Hữu Thỉnh tới cả thơ tình. Thơ tình ông không ngọt ngào mà ẩn chứa những triết lí sâu xa qua hình tượng thơ gợi cảm. Đây là triết lí về sự mềm yếu của phái mạnh trước người con gái họ yêu:

Biển vẫn cậy mình dài rộng thế

Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn

                              (Thơ viết ở biển)

Đặc biệt, cái tôi triết lí ấy được nhiều người chú ý hơn cả là trong bài thơ Hỏi:

Tôi hỏi đất:

– Đất sống với đất như thế nào?

– Chúng tôi tôn cao nhau                   

Tôi hỏi nước:

– Nước sống với nước như thế nào?

– Chúng tôi làm đầy nhau

Tôi hỏi cỏ: 

– Cỏ sống với cỏ như thế nào?

– Chúng tôi đan vào nhau

Làm nên những chân trời

Tôi hỏi người:

– Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người:

– Người sống với người như thế nào?

Tôi hỏi người:

– Người sống với người như thế nào?

Các sự vật khách quan giờ mang tính biểu tượng cao cho một triết lí sống: tầng đất tôn nhau lên, nước làm đầy nhau, cỏ đan vào nhau mở ra bát ngát chân trời. Tất cả tượng trưng cho cuộc sống nương tựa, tương hỗ. Một lối sống lí tưởng mà nhà thơ mong chờ. Một lối sống, một cách ứng xử văn hoá: "tôn cao", "làm đầy", "đan vào" (để ) "làm nên". Nhưng có câu hỏi đã được ấp ủ, thôi thúc, day dứt từ lâu mà tác giả không trả lời được. Đó là câu hỏi người. "Nếu ba khổ đầu tâm trạng nhà thơ dừng lại ở thế cân bằng, cái nhìn hoà đồng, cảm thông cùng vạn vật giúp chủ thể có được cảm giác an nhiên tự tại bằng sự hoà nhập tiểu ngã và đại ngã, thì ở đoạn thơ sau, mạch thơ trở thành khắc khoải" (Nguyễn Thị Thúy Hạnh). Hơn bao giờ hết, ý nghĩa của câu nói này đặt ra vấn đề muôn thủơ của nó. Phải sống thế nào cho đúng? Sống với chính bản thân mình ra sao?  Sống với mọi người xung quanh, sống với tiền nhân và hậu thế thế nào? Người làm thơ và những ai có nhân cách đều lo lắng gìn giữ cái phần "bản thiện" nguyên sơ và vĩnh cửu trong tâm hồn mỗi người, những vẻ đẹp làm chốn nương náu cho cuộc đời.  Bài thơ là triết lí về lương tâm mỗi con người: đó là thứ khó nhìn thấy, khó đoán nhưng tác giả vẫn mong con người sẽ đẹp hơn, tốt hơn lên. Những thói đời gian manh, phàm tục, biển lậu, trưởng giả, đạo đức giả, vô học...sẽ bị lui đi. "Bài thơ "Hỏi" đã đạt đến tính hàm súc cổ điển, với lối hành văn trí tuệ và chất cảm xúc đằm thắm, nhuần nhị. Hồn cốt dân gian, nếp cảm nếp nghĩ gắn bó với truyền thống ai đọc cũng thấy thân quen như tự những câu thơ đã nằm trong trí nhớ từ lâu" [4]

4. Nói tới cái tôi triết lí trong thơ Hữu Thỉnh, ta không thể không nói đến biểu tượng trong thơ ông. Dường như ở đâu, tác giả cũng muốn xây dựng các biểu tượng như sự khái quát cuộc sống, từ đó đưa ra những phân tích lí giải. TrongThương lượng với thời gian, ông xây dựng hàng cây như biểu tượng cho chính tác giả nói riêng và con người nói chung. Tác giả đã nhìn rõ vào bản thân, thấy cả một đời người quay cuồng trong trí khôn, tiền bạc và công danh mà quên đi bản thân. Bài thơ cất lên nỗi buồn chua chát và bất lực của một đời người, không được là mình, chưa thực sự là mình sau biết bao năm tháng, dù "buổi tối" của cuộc đời đã buông xuống. Hữu Thỉnh viết bài thơ này khi đã qua tuổi 60, đã có sự chiêm nghiệm, từng trải cuộc đời. Những câu thơ đầy "ý tại ngôn ngoại" còn có thể hiểu: "buổi sáng", "buổi chiều", "buổi tối" là những khoảng thời gian của đời người. Trẻ lo kiếm sống, trung niên tìm công danh, già thì "mài rũa trí khôn". Nhan đề bài thơ cũng là điều đặc biệt. Nhiều bài khác, nhan đề chỉ là sự tóm gọn ý toàn bài nhưng"Thương lượng với thời gian", tự bản thân nó là một cá thể vừa độc lập với bài thơ vừa soi rõ ý thơ, vừa bắt người đọc suy nghĩ, đặt câu hỏi: làm sao có thể thương lượng được với thời gian?

Cái tôi khái quát ấy ta còn được gặp trong bài Sang thu. Một bài thơ tưởng chỉ tả thiên nhiên song hóa ra nó hàm chứa ý nghĩa triết lí sâu sắc. Trong khổ cuối, tác giả đã xây dựng hình ảnh hàng cây đứng tuổi như biểu tượng cho những người đã trưởng thành, chín chắn, từng trải. Lại một lần nữa ta thấy hình ảnh hàng cây với biểu tượng cho con người trong thơ ông:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi"

Nắng ấy, mưa ấy, sấm ấy là vất vả lo toan của của cuộc đời, là những biến động bất thường của ngoại cảnh nhưng với con người từng trải thì họ đón nhận những thử thách ấy một cách bình tĩnh, vững vàng. Hai dòng thơ vẫn tả cái bước đi êm nhẹ của thiên nhiên, nhưng lại gợi suy nghĩ về con người. Đó là một khúc sang thu vừa thơ mộng, vừa bâng khuâng gợi vẻ triết lí.

Cái tôi khái quát không chỉ thể hiện ở hình ảnh hàng cây mà còn xuất hiện trong nhiều hình ảnh khác, như con đường, dòng nước, ngọn cỏ,...Trong đó tiêu biểu là hình ảnh con đường. Con đường cũng mang ý nghĩa biểu tượng. TrongThư mùa đông, đó là đường đời của một cá nhân đi tìm tri âm tri kỉ, tìm cái đẹp và cái thiện như mơ ước. Con đường ấy mang tính ước lệ rõ rệt.

Về cấu tứ thơ, Hữu Thỉnh thường chọn ý thơ từ những sự vật rất đơn giản, cụ thể nhưng là sự vật được chọn lọc, có ý nghĩa biểu tượng như cái cây, ngọn cỏ, dòng nước. Từ đấy, tác giả khái quát hóa thành những triết lí sâu xa. Kết thúc bài thơ bao giờ cũng lắng đọng trong một câu hỏi lớn mà ông dành cho người đọc. Đây là những kiểu cấu tứ dễ tạo nên độ sâu và sức gợi của ý nghĩa, hình tượng. Ví dụ như ở bài "Sang thu", chúng ta gặp không gian làng quê với những yếu tố mang đậm màu sắc của hồn quê đồng bằng trung du Bắc Bộ. Song từ sự biến chuyển của thiên nhiên, tác giả lại đang ngụ ý nói tới biến chuyển của đời người, hình ảnh "hàng cây đứng tuổi"  kết lại bài thơ giống như cái chốt cửa để ta mở sang một thế giới khác- sự sang thu của hồn người. Vẻ điềm tĩnh, chín chắn của cây trước sấm sét bão dông hay đó chính là sự từng trải của con người sau những bão táp của cuộc đời?

Có thể thấy, cái tôi triết lí trong thơ Hữu Thỉnh tinh tế về cảm nhận. Ông xây dựng cái tôi với bút pháp riêng, bao giờ cũng để cái tôi được sống thật, gắn với những cảm giác thật. Một trong những tiềm năng của hồn thơ Hữu Thỉnh là sự nhạy cảm với trực giác. Hữu Thỉnh có nhiều câu thơ bộc lộ bản tính thi sĩ dồi dào và rất tinh tế về cảm giác:

             Bỗng nhận ra hương ổi

             Phả vào trong gió se...

                                            (Sang thu)

Trong"Hữu Thỉnh và quá trình tự đổi mới thơ", Nguyễn Đăng Điệp còn chú ý đến tính triết lí và sự đan xen của yếu tố thực và ảo trong thơ Hữu Thỉnh. Ông cho rằng: "Triết lí trong thơ Hữu Thỉnh nhiều khi xuất phát từ những chi tiết rất nhỏ nhoi, bình dị", và nó "được nảy sinh từ những suy ngẫm không ngừng về lẽ sống, về cách xử thế, về quan hệ người, về cái cao cả mong manh đang bị bủa vây bởi cái thấp hèn, hung bạo..." [3] . Thơ ông không phải là thứ văn chương phòng ốc mà là chuyện cuộc đời sinh sắc sống động. Thơ Hữu Thỉnh thấm đẫm sắc vị dân gian, giọng điệu trữ tình hồn hậu.

Ngôn ngữ với phong cách riêng cũng góp phần xây dựng nên cái tôi triết lí của Hữu Thỉnh. Ông tiếp thu cả những tinh hoa ca dao tục ngữ truyền thống và cả cách chắc lọc dồn nén của thơ Đường. Rõ ràng, ông đi sâu, phát huy thế mạnh của bút pháp truyền thống; đồng thời có sự trăn trở, tìm tòi, cách tân. Đầu tiên, ngôn ngữ thơ Hữu Thỉnh vận dụng một cách nhuần nhuyễn những nét tinh túy nghệ thuật từ những câu tục ngữ, ca dao trong thơ mình. Vẫn là những câu thơ mang "hồn vía" ca dao, tục ngữ dân gian nhưng khi lọc qua tư duy của Hữu Thỉnh thì nó bỗng đẹp lên một cách lung linh và mới mẻ như vừa được phát hiện lần dần. Thứ hai, thơ Hữu Thỉnh học tập cái chắt lọc, dồn nén của Đường thi và tỏ ra kiệm lời hơn về mặt ngôn từ để tạo cho người đọc một tâm thế tiếp cận thâm trầm, hướng nội theo thi pháp phương Đông. Từ ngữ trong thơ ông lúc nào cũng dân dã, đời thường song lại mang hàm ý. Đó là do tác giả sử dụng nhiều biện pháp so sánh ẩn dụ và nhân hóa. Ví dụ trong tập thơ Thư mùa đông, tác giả sử dụng chủ yếu phương thức ẩn dụ để miêu tả cái nhìn về cuộc sống. Ở đó, ta thấy nổi lên thế giới nội tâm của con người thông qua ngoại cảnh. Bên cạnh đó, có một đặc điểm khá quan trọng khác về phương thức ẩn dụ trong thơ Hữu Thỉnh. Đó là sự góp mặt của các điển cố. Thơ Hữu Thỉnh chứa khá nhiều điển cố. Điều đặc biệt là những điển cố mà thơ ông gợi ra không hề có tính bác học mà đậm chất dân dã, lấy từ ca dao, tục ngữ, cổ tích của dân tộc"

Về giọng điệu thơ, ta thấy Hữu Thỉnh mang đến cho thi đàn một giọng điệu riêng. Nó lúc nào cũng nhẹ nhàng trầm lắng, dù có nói về điều vui hay buồn. Ít khi ta gặp giọng sôi nổi, hào hùng như trong thơ Xuân Diệu hay thơ Phạm Tiến Duật. Nếu Xuân Diệu luôn muốn đem lại giọng điệu thiết tha, mãnh liệt, thậm chí mới mẻ, táo bạo thì Hữu Thỉnh dân dã đằm thắm mượt mà và thủ thỉ như quê mùa làm cho người đọc được cảm nhận ít khi phải qua khâu nghĩ ngợi. Nếu Xuân Diệu hát bè cao thì Hữu Thỉnh hát bè trầm. Cái chất ru vỗ, ngọt ngào cũng không phải là đặc trưng trong thơ ông mà thay vào đó là chất giọng ưu tư, chua chát đau đời. Cái nhìn của nhà thơ mang tính hướng nội rất sâu với nỗi đau cho những bể dâu cuộc đời. Nó được nói đến một cách riết róng qua góc nhìn đời tư và trở nên thường trực trong hồn thơ Hữu Thỉnh như một ám ảnh, trở thành chiều sâu và nét riêng trong cái nhìn nghệ thuật của Hữu Thỉnh. Và trong cái trầm lắng đó, người ta bắt gặp cảm xúc đau đớn, xót xa của một hồn thơ ưa triết lý về  hiện thực đời sống.

5.  Hữu Thỉnh đã để lại trong thơ mình một cái tôi triết lí rất riêng, không trộn lẫn trên thi đàn. Trong tất cả chiều hướng của các nỗi niềm thế sự, Hữu Thỉnh đã xây dựng cái tôi triết lí sâu sắc ấy trở thành một đặc điểm nổi bật trong phong cách thơ mình. Đó là cái tôi vừa truy vấn chính bản thân vừa truy vấn xã hội. Nó có mối quan tâm đặc biệt đến thân phận con người và luôn thiên về khái quát, nâng vấn đề lên tầm triết lí.  Hữu Thỉnh luôn hướng đến cuộc đời, và mỗi bài thơ ông là một cảm niệm, một suy tư về thế thái nhân tình. Cái tôi triết lí trong thơ ông trở thành những suy tư về cõi người. Đó không phải là cái tôi hiện lên trong quầng sáng sử thi mà trong chính cuộc sống thô ráp thường ngày. Đôi lúc, con người tâm sự, đối thoại đã gần như tuyệt vọng trong việc kiếm tìm tri âm, tri kỉ và dần chuyển sang dạng thức con người cô đơn. Để thể hiện cái tôi triết lí ấy, tác giả đã sử dụng bút pháp nghệ thuật riêng, như ưa sự khái quát, ngôn ngữ giản dị mà giàu hàm ý, giọng điệu nghiêng về phía trầm lắng,...Quả thực, bằng cái tôi triết lí, nhà thơ đã dâng tặng bạn đọc những cảm xúc đặc biệt, những nhận thức mới mẻ về thế giới tâm hồn con người ẩn chứa bao điều bất ngờ thú vị. Trần Mạnh Hảo đã ghi nhận: "Hữu Thỉnh còn đưa thơ về phía chiều sâu của tạo vật, của lòng người, những câu thơ đụng tới đáy hư vô của thi ca...".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro