dàn ý

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ĐỀ 2:Phố huyện trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, bức tranh dệt bằng cảm giác

1- Đặt vấn đề

- Truyện Thạch Lam không hấp dẫn người đọc ở tạo dựng tình huống truyện hay các chi tiết, tình tiết giàu xung đột; truyện của ông khơi gợi người đọc bởi chất trữ tình, chất thơ của cuộc sống.

- Đọc Thạch Lam, chúng ta cảm nhận được một thế giới tâm hồn giàu cảm xúc, tinh tế và nhạy cảm trước thiên nhiên, cuộc sống con người. Có thể nói phố huyện trong “Hai đứa trẻ” là một trong những bức tranh dệt bằng cảm giác như thế.

2- Giải quyết vấn đề

a- Khung cảnh phố huyện chủ yếu được cảm nhận gián tiếp qua cảm giác của nhân vật Liên. Qua thế giới tâm hồn một đứa trẻ mới lớn, phố huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) được nhìn bằng đối mắt hồn nhiên, trong sáng, nhưng luôn ẩn giấu một niềm băn khoăn, mơ hồ và những ước vọng xa xôi. Đấy cũng là thế giới tâm hồn của nhà văn vọng về từ những ký ức tuổi thơ…

b- Tương ứng với từng thời gian, không gian cụ thể, thế giới tâm hồn của nhân vật Liên được miêu tả một cách chân thực và sinh động:

- Trong cảnh chiều tàn, khi cái buồn của buổi chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị, tác giả miêu tả “Liên không hiểu sao nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước giờ khắc của ngày tàn”. Đứng trước cảnh chợ tàn, nhìn trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía, Liên cảm nhận được mùi âm ẩm bốc lên… Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương.

- Khi đêm tối bao bọc chung quanh, bóng tối bao trùm lên cả phố huyện, chứng kiến những những kiếp người lam lũ, tàn tạ, những cảnh sinh hoạt nghèo nàn của người dân nơi phố huyện, tâm hồn Liên xao động với nhiều cảm giác. Chị băn khoăn lo lắng “Chừng ấy người đang mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống hằng ngày của họ?”; Cũng có lúc tâm hồn Liên yên tĩnh nhưng lại “có những cảm giác mơ hồ không hiểu”.

- Cũng như bao người dân phố huyện, cuộc sống của Liên cứ chìm khuất trong bóng tối. Chuyến tàu đêm chạy qua phố huyện đã đưa Liên đến một thế giới khác lạ, khác hẳn với thực tại mà chị đang sống. Cái cảm giác “lặng theo mơ tưởng” về quá khứ “Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo” đã đánh thức miền kỉ niệm tuổi thơ trong chị. Và đấy cũng là niềm khát khao, là ước mong thiết tha về một tương lai tươi sáng đang trỗi dậy trong tâm hồn ngây thơ của Liên.

- Sự hiểu biết sâu sắc về tâm lý nhân vật của nhà văn đã tạo nên những trang văn sống động. Dưới ngòi bút tài hoa của Thạch Lam, thế giới tâm hồn của Liên được miêu tả một cách tinh tế, giàu cảm xúc, giàu chất thơ, chất trữ tình. Đồng thời, sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và bút pháp trữ tình đã giúp nhà văn tạo dựng một bức tranh tâm trạng nhân vật diễn biến phù hợp với từng hoàn cảnh, thời gian và không gian cụ thể.

c- Thế giới tâm hồn của Liên không chỉ là “bức tranh dệt bằng cảm giác” thuần túy mà còn là một “bức tranh mang ý nghĩa nghệ thuật”. Qua thế giới tâm hồn của Liên, chúng ta cảm nhận được thông điệp mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. Đó là niềm cảm thông, trân trọng của nhà văn đối với người lao động.

3- Kết thúc vấn đề

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc và sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và trữ tình là một đặc điểm phong cách nghệ thuật của Thạch Lam. Thông qua diễn biến tâm lí của nhân vật Liên, nhà văn đã tái hiện thành công bức tranh phố huyện chân thật, sống động, thấm đẫm tâm trạng.

- Có thể khẳng định “Hai đứa trẻ” là một minh chứng cho tài năng nghệ thuật của Thạch Lam. Sự hiểu biết về thế giới tâm hồn con người, nhất là tâm hồn những đứa trẻ nghèo đã giúp nhà văn thăng hoa cảm hứng thẩm mỹ, tạo nên những trang văn đầy lôi cuốn và sức hấp dẫn. Hàng chục năm đã trôi qua nhưng “Hai đứa trẻ” vẫn có một sức sống bền vững trong lòng người đọc./.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro