ĐỒNG CHÍ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

🌼ĐỒNG CHÍ

“Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường cát trắng quê tôi, anh thanh niên vẫn đến trường làng vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương…”. Hình ảnh vết chân tròn chắc hẳn ai cũng biết đó là do chiến tranh để lại, để có độc lập và cuộc sống yên bình như hiện tại bạn có biết bao người đã phải hy sinh không? Anh thương binh tuy tật nguyền nhưng còn có thể trở lại quê hương, tuy nhiên có những người ra đi mãi mãi và mãi mãi. Cũng từ đó mà hình ảnh người lính đi vào thơ ca của người thi sĩ cách mạng Chính Hữu một cách nhẹ nhàng, sâu lắng. Ông thật sự xúc động và thương xót và cho ra đời bài thơ vào năm 1948. Không biết thế nào mà đã hơn nửa thế kỷ trôi qua sợi tơ tình đồng đội vẫn con ngân vang, rung động trong lòng người đọc với giai điệu riêng của mình.
Bằng ngòi bút tài hoa của mình Chính Hữu cùng với câu thơ tự do, thủ thỉ đầy tâm tình, ông dẫn người đọc từ từ vào cơ sở hình thành nên tình đồng chí :
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”
Với cấu trúc song song cùng thành ngữ “nước mặn đồng chua“ chính là nơi anh ra đi, còn với tôi là nơi “đất cày lên sỏi đá”. Tác giả đã giới thiệu với chúng ta hoàn cảnh xuất thân của những người chiến sĩ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Tôi với anh đều là những người nghèo khổ, đều là những người “mới hôm qua còn tì tay lên cán cuốc” mà hom nay đây, vì đất nước thân yêu, vì phải chóng lại bọn giặc xâm lược mà tôi với anh đã khoác lên mình màu áo xanh của chiến sĩ. Chính thi nhân đã làm nên sự mộc mạc, giản dị mà hết sức đáng yêu và cũng chính là cơ sở hình thành nên tình đồng chí sau này.
Họ đều ở những nơi khác nhau, nhưng Chính Hữu đã nhắc đến họ với một hình dáng thân quen, gần gũi với nhau :
“Anh với tôi đôi người xa lạTự phương trời chẳng hẹn quen nhau”
Họ là những người ra đi từ những vùng miền khác nhau, chẳng biết gì đến nhau nhưng cùng chung một chữ “nghèo” và chung một lý tưởng cách mạng. Chính lòng yêu nước đã để họ gặp nhau, để cùng thắp lên ngọn lửa quyết tâm chống giặc ngoại xâm, điều đó đã từng được nhà thơ Hồng Nguyên nhắc đến trong bài thơ “Nhớ”của chính mình :
“Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ
Gặp nhau hòi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi một hai
Súng bắn chưa quen quân sự mươi bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến ”
Cũng chính từ đó mà chúng ta hiểu rõ hơn về cơ sở hình thành của tình đồng chí, tác giả tiếp tục khắc họa hình ảnh người lính như sau :
“Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”
Tác giả đã điệp lại từ “súng ” và “đầu” đến hai lần, có thể thấy với cách vận dụng biện pháp nghệ thuật như vậy, Chính Hữu đã tạo một âm hưởng có phần khỏe khoắn, vui tươi, cổ vũ người lính đang đấu tranh trong lúc “mưa bom lửa đạn”. “Súng” là một cách nói hàm súc, đó là một vật mang ý nghĩa chiến đấu, một biểu tượng mang tâm hồn của người lính sống và đấu tranh hết lòng. Còn “đầu” hình ảnh thể hiện ý chí và tinh thần bất khuất của người lính tiền tuyến hậu phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy ác liệt. Không những chỉ phải đấu tranh gian khổ, họ phải cam chịu thêm những thiên tai nơi rừng núi hoang sơ. Đêm rét không đủ ăn, không đủ ấm nhưng họ vẫn chia sẻ cho nhau những gì mình có. Độ lạnh bên ngoài không làm vụt tắt đi “ngọn lửa” trong lòng của người lính. Họ chia ngọt sẻ bùi cũng đủ sưởi ấm cho nhau cho những gì người lính cảm nhận được. Chính vì cùng nhau vượt qua những cái khó khăn, gian khổ ấy mà họ đã trở thành “đôi tri kỷ”. Mooột tình bạn tốt đẹp, thân mật, gắn chặt bền bỉ, họ xem nhau như bản thân của họ, cứ thế mà chia sẻ, cũng như trong bài nhớ “Chiều mưa đường số 5” của Thâm Tâm đã từng viết :
“Ôi núi thẳm rừng sâu
Trung đội cũ về đâu
Biết chăng chiều mưa mau
Nơi đây chăn giá ngắt
Nhớ cái rét ban đầu
Thắm mối tình Việt Bắc”.
Đã là đôi tri kỉ phải hiểu nhau thông cảm cho nhau , chia sẻ ngọt bùi cho nhau . Phải là người bạn chí cốt bên nhau . Để có được mối tình tri kỉ này hẳn nhiên họ phải cùng chung hoàn cảnh xuất thân , cùng chung lí tưởng chiến đấu . Câu thơ được biểu hiện bằng một hình ảnh cụ thể , giản dị mà hết sức gợi cảm .
Lời thơ như gấp gáp hơn, nhịp thơ dồn dập hơn, câu thơ cũng trở nên gần gũi hơn, như một bản lề khép lại :
“Đồng chí!”
Chỉ với hai tiếng ngắn ngủi nhưng âm điệu mới mẻ đã tạo nên một nốt nhạc trầm ấm, thân thương trong lòng người đọc. Trong muôn vàn nốt nhạc của tình cảm con người phải chăng tình đồng chí là cung bậc cao đẹp nhất, lí tưởng nhất, nhịp thở của bài thơ như nhẹ nhàng hơn, hơi thở của bài thơ cũng như sâu lắng hơn. Dường như Chính Hữu đã thổi vào bài thơ tình đồng chí keo sơn, gắn bó và một âm vang bất diệt làm cho bài thơ mãi trở thành một phần đẹp nhất trong thơ Chính Hữu.

Những hồi ức của những người lính, những kỉ niệm riêng tư mà họ đã phải trải qua quả là bất tận:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người trai làng ra lính
Chỉ với câu thơ đơn giản nhưng cái chất nông dân thuần phác, phúc hậu, giản dị của những anh lính mới đáng quý làm sao! Đối với những người nông dân, ruộng nương, nhà cửa những thứ quý giá nhất. Họ là những người con của trời đất, là những người con lớn lên với làn da rám tay chân lắm bùn, họ sống nhờ vào đồng ruộng, họ lớn lên theo câu hát ầu ơ của bà của mẹ, lớn lên từ những kí ức tuổi thơ giản dị và ý nghĩa nhất . Họ lớn lên trong những gian nhà không mặc kệ gió lung lay, những ngôi nhà sập xệ theo mưa nắng, những ngôi nhà à khi có giông bão thì mặc kệ cho nó cuốn đi. Khó khăn là thế, cơ cực là thế nhưng họ vẫn yêu, quý lắm chứ những mảnh đất thân quen, những mái nhà thân thuộc. Điều đáng khâm phục ở đây là họ đã vượt qua bản ngã của cái tôi bé nhỏ để đến với chân trời của cái cao cả “Tổ quốc”. Đi theo con đường ấy là đi theo khát vọng, đi theo tiếng gọi yêu thương của trái tim yêu nước, bỏ lại sau lưng tất cả những bóng hình của quê hương vẫn trở thành nỗi nhớ khôn nguôi của mỗi người lính. Dầu rằng mặc kệ nhưng trong lòng họ vị trí của quê hương vẫn bao trùm như muốn ôm ấp tất cả mọi kỉ niệm. Họ dứt khoát nhưng không vô tình , trong lòng họ vẫn nặng tình với quê hương thân yêu . Nhà thơ Nguyễn Đình Thi có viết :
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
Ở nơi quê hương tiền tuyến biết bao người mong ngóng ngày anh về, hai nỗi nhớ như hai chân trời khác nhau cùng hòa chung một nhịp đập. Cũng giống như nỗi nhớ ấy trong bài thơ “Bao giờ trở lại” Hoàng Trung Thông có viết :
Các anh đi
Khi nào trở lại
Xóm làng tôi
Trai gái vẫn chờ mong
Chờ mong chiến dịch thành công
Xác thù chất núi bên sông đỏ cờ
Anh đi chín đợi mười chờ
Tin thường thắng trận, bao giờ về anh ?
Không chỉ nhớ quê hương các anh còn phải chịu đựng biết bao bệnh tật hàng hàng phải chống chọi với mẹ thiên nhiên từng phút giây :
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán đầm mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày.
Những cơn sốt rét đến run người, rồi “áo rách, quần vá, chân không giầy” là những khó khăn thiếu thốn bệnh tật rất thực mà người lính chống Pháp nào cũng đã từng trải qua. Nhưng tác giả viết về những gian khổ của đời lính không phải để kể khổ, mà để làm bật lên vẻ đẹp và sức mạnh của tình đồng chí, đồng đội. Biện pháp tu từ liệt kêt kết hợp với những hình ảnh song đôi đã thể hiện thật tinh tế sự đồng cam cộng khổ giữa những người lính nông dân. Họ không chỉ chia sẻ với nhau những điều thiếu thốn về vật chất mà còn luôn có nhau trong những lúc ốm đau bệnh tật, sẻ chia đến từng cơn sốt rét rừng. Những người lính cách mạng đã vượt qua những khó khăn gian khổ, thử thách nơi chiến trường bằng tình yêu thương chân thành của những người đồng đội, bằng sức mạnh kỳ diệu của tình đồng chí. Hình ảnh cơn sốt rét rừng đó đã từng được nhà thơ “xứ Đoài mây trắng” khắc họa qua hai câu thơ :
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm”
Chính cuộc sống khắc nghiệt nơi rừng hoang như thế, người lính đã phải chịu từng cơn sốt khốc liệt, có những con suối “gội đầu rụng tóc”, nhưng không phải vì thế mà họ bỏ cuộc, tất cả phải vì độc lập, tự do, hạnh phúc.
Những người lính cách mạng đã vượt qua những khó khăn gian khổ, thử thách nơi chiến trường bằng tình yêu thương chân thành của những người đồng đội, bằng sức mạnh kỳ diệu của tình đồng chí.
“Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
Cái nắm tay này là biểu hiện xúc động nhất của tình đồng đội giữa những người lính nông dân cùng xuất phát từ vùng quê nghèo nhưng đầy ý chí. Bàn tay giao cảm thay cho lời nói, bàn tay nói lời của sự đồng cảm, sẻ chia. Với những người lính nông dân, bàn tay đồng đội trở thành điểm tựa, thành nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao giúp họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ nơi chiến trường ác liệt. Bàn tay đã trở thành sợi dây gắn kết tình cảm của những người nông dân mặc áo lính. Phải chăng cái nắm tay nồng tình đồng chí này chính là sự lý giải sâu sắc nhất cho nguồn sức mạnh lớn lao kỳ diệu. . Tác giả cũng khẳng định rằng tình đồng chí biểu hiện đẹp nhất nơi chiến trận, trong chiến đấu, khi con người ở ranh giới giữa sự sống và cái chết đang gần kề.
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.”
Nhịp thơ đều đều 2/2/2 – 2/2/3 cô đọng tất cả nét đẹp của những người lính. Ba dòng thơ này đã kết tinh đầy đủ vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội, đồng thời là bức tranh đẹp về cuộc đời người chiến sĩ. Hiên lên “cản rừng hoang sương muối” là hình ảnh người lính, khẩu súng và vầng trăng. Người lính được khắc họa trong tư thế “chờ giặc tới”. Đó là tư thế chủ động, sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt cụm từ “bên nhau” đã làm nổi bật lên sự kề vai, sát cánh, đồng lòng đồng chí hướng đánh giặc, giữa những người lính nông dân. Trong đêm phục kích chờ giặc, người lính còn có một người bạn nữa là vầng trăng “đầu súng trăng treo”. Từ “treo” đã đột ngột nối khẩu súng với vầng trăng, bầu trời và mặt đất, gợi bao liên tưởng đẹp đẽ. Đây là hình ảnh thơ được nhận ra từ đêm phục kích chờ giặc của chính tác giả. Nhưng khi vào thi phẩm, hình ảnh giàu chất hiện thực ấy đã trở thành một hình tượng nghệ thuật mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. “Súng” là ẩn dụ cho chiến tranh, còn “trăng” là hòa bình. Muốn có hòa bình người lính phải cầm chắc tay súng. Hình ảnh giàu chất thơ này đã làm ngời sáng lý tưởng chiến đấu cao đẹp của người lính chống Pháp. Đó là vì hòa bình, vì sự độc lập tự do của Tổ quốc. “Súng” và “trăng” còn là hiện thực và lãng mạn. Hiện thực là thiếu thốn gian khổ với rừng núi hoang vu, thời thiết khắc nghiệt, rồi áo rách, quần vá, chân không giầy. Song vượt lên trên hoàn cảnh chiến đấu gian khổ ấy, người lính vẫn lãng mạn, vẫn dạt dào chất thơ trong tâm hồn. “Súng” và “trăng” còn là chất chiến đấu và chất trữ tình, chiến sĩ và thi sĩ. Đó là các mặt bổ sung cho nhau, hài hòa với nhau, làm nên nét đẹp tâm hồn của người lính cách mạng. Hình ảnh “đầu súng trăng treo” còn được coi là biểu tượng của cho thơ ca kháng chiến. Đó là một nền thơ có sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn.
Trong bài thơ “Đồng chí”, Chính Hữu thể hiện thật sâu sắc và cảm động vẻ đẹp của tình đồng chí giữa những người lính chống Pháp. Tình cảm cảm cách mạn ấy được nhà thơ khẳng định và ngợi ca bằng cảm hứng hiện thực, bằng chất thơ đời thường. Với ngôn ngữ chọn lọc, hình ảnh giàu cảm xúc tư duy. Chính Hữu đã miêu tả hình ảnh người lính thiênhg liêng cũng như một bước ngoặc đánh dấu sự thành công trong cuộc đời sáng tác của mình đồng thời xây dựng nên một tượng đài bất tử về người lính bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp tuy bình dị mà đẹp lạ lùng. Đó là những con người tiêu biểu cho thế hệ kháng chiến chống thực dân. Và ta mượn vài dòng thơ của Phạm Huy Liệu thay cho lời kết :
“Bị thương cõng bạn cùng đi
Bước qua cái chết có gì phân vân
Thương nhau tí xíu cũng phần
Quý nhau như thể tình thân ruột già”

Bài viết của Thái Nguyễn Anh Duy

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#vn