1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi không cần đến bốn câu để diễn tả sự kém cỏi tuyệt vọng của tôi. 

Tôi kém cỏi. Đơn giản chỉ có thế.

Và đây là câu thứ tư.

Tôi viết ra những thứ đến bản thân tôi còn hoài nghi thắc mắc, như thế nào, tại sao lại thế nhỉ, lí do cho đoạn ấy là gì vậy? Nghe có vẻ mắc cười thật đấy, chỉ thuần tuý đặt hai tay trên bàn phím và bắt đầu phô trương diễn tả về cái thế giới tưởng tượng trong đầu tôi ra, nhưng kể cả khi việc có mỗi gõ và nhấn enter thì tôi cũng không thể nào giải thích được về cái cách mà mỗi người kể chuyện gây dựng nên hằng ha sa số vũ trụ trong não bộ người ta như thế nào.

Tôi ví von về suối nguồn cảm hứng trong tôi như bông hồng đã chết. Người muốn hái hoa thì phải chịu được gai đâm, chịu không nổi gai đâm lấy tư cách gì mà đi ngạo mạn bản thân viết ra được câu từ hoa mỹ mỹ miều? Khổ nỗi sầu hoa kiêu mấy cũng rũ, tàn hương quẩn sâu đến đâu cũng tù. Suối khô cằn không thể lấp đầy thêm bằng cách đổ nước được.

À mà khi nói về chuyện đó, tôi nhớ không nhầm một nhà hiền triết nào đấy nói thế này." Có hai thứ vô hạn là vũ trụ và sự ngu ngốc của con người. Và tôi thì không chắc chắn lắm về điều đầu tiên".

Người nói câu đó là Albert Einstein. Nhà khoa học.

Ít nhất câu này hay.

Hoặc không.

Tôi thích loại văn chương chứa đựng những ý tưởng sáng tạo thú vị, kể cả khi đó là một ý tưởng điên rồ do bệnh nhân tâm thần bất chợt nghĩ ra khi chữa trị ở Biên Hoà vào ngày trời nắng đẹp vàng ươm. Miễn nó hay ho, gợi nên hứng thú cho người ta tò mò đào sâu xem cái ý tưởng đấy là cái gì ấy, thì nó sẽ luôn luôn hay lắm. Còn nếu cứ chăm chăm vào mớ lối mòn với những tình tiết quen thuộc cũ rích thì dù bắt đầu như nào, quá trình như nào, bất cứ ai đi cũng đều dẫn đến kết cục thành Roma.

Ai lại đọc thế nhỉ? Ai lại đọc loại thế nhỉ?

Cái thể loại văn chương gì mà chỉ mới nghe cũng đã thấy tẻ nhạt được nhỉ?

Đúng rồi, nó đó, văn chương chết.

Văn chương chết là văn chương giết chết đi sự sáng tạo.

Cái tôi.

Bản ngã.

Và cả "Tác giả".

Tôi viết bài thơ sến súa về bông hồng trong lòng tôi.

Mở hồng thắm loè loẹt,
nát cánh hồng nhoe nhoét,
sương hồng đọng toe toét,
gãy gai hồng toè toẹt,
tâng bông hồng hoe hoét,
mực hồng vương loe loét
Kết hồng hoa nhoè nhoẹt.

Nếu văn chương chỉ là nơi để phô diễn kĩ năng bằng cách dùng câu và từ độc đáo sao cho trông thật ngầu, thật giỏi, thì tôi ấy, thiết nghĩ, thật là đáng buồn thay cái lối tư tưởng kì dị vặn vẹo đó. Cái chuông điếc có thể là cái chuông "điếc" vì nó là cái chuông không kêu, hiển nhiên, hãy coi đấy như một ví dụ cho sự khác biệt giữa sáng tạo và khoe khoang kĩ năng viết lách ba cọc ba đồng.

Sau đây tôi xin trích lại lời cụ Nam Cao bảo."Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện". Vậy mà được bao nhiêu người hiểu ý tứ rõ ràng trên câu nói của cụ? Hoặc thờ ơ, hoặc lấy làm lơ, hay hừng hờ trông như mây bay thoảng gió?

Có ở đâu xa, ngay trên kia kìa, từ xưa đến nay, vài nghìn năm văn hiến lững lờ trôi, từ khi nào tiếng việt có cái gọi là "toè toẹt" vậy? Cứ ngỡ là mỗi "toè" và "toẹt". Phải chăng trong một vũ trụ bốn chiều của vị nhà văn vô danh nào đó, người ta đã cải biên nốt hệ thống từ vựng mất rồi. Dù sao cũng đâu có ai kiểm tra đúng không? Cứ ném nó vào, ai có thể biết được nếu người ta chỉ lướt qua thoả mãn thú đọc tạm thời?

Tác giả chưa chắc đúng. Người đọc chưa chắc sai. Văn chương đâu mỗi chỉ nghĩ và viết. Bản thân người đọc khi đọc một tác phẩm cũng đã hoá thân thành những nhà thẩm định ngôn từ trong thế giới của chính bản thân mình. Đây là thế này, nó là như thế, hoá ra lí do cho đoạn ấy là như vầy.

Đọc mà không đủ kiến thức để nhận ra cái sai lầm lỗi lệch thì phải chăng, đúng như cụ Nam Cao bảo, quá ư là đê tiện. Gián tiếp cổ vũ cho loại văn chương dớ da dớ dẩn vớ va vớ vẩn, nhưng tiếc rẻ công đọc nên đành che một mắt đỡ ái ngại với vong linh các cụ mà đọc tiếp thôi, đúng không nào?

Văn chương thì hay đấy. Mì ăn liền cũng ngon. Nhưng văn chương mì ăn liền không có chuyện vừa hay vừa ngon.

Tiếc là một điều đáng buồn thay, không biết nên nói do con người dần cẩu thả hay tiến hoá lùi nâng tầm ngu ngốc, mà cái mớ văn trong cái ao làng văn chương trông có vẻ chán đời quá. Nào là tình, nào là hoa, nào là ngạo mạn, nào là bi kịch, quanh đi quẩn lại có thứ gì xứng đáng xưng danh trầm trong núi để người phu trầm lao chốn rừng thiêng nước độc tìm không vậy?

Mò kim đáy biển chẳng thấy hàng. Đãi vàng trong cát toàn là sạn.

Nếu buộc phải hình dung một câu, thì câu ấy nên được viết như này.

Thật thất vọng.

Đã ai nhận ra cái thứ văn chết tầm thường này cũng là phô diễn kĩ năng chưa nhỉ? Ngạc nhiên không?

Ai lại biết được, nhỉ.

Câu ngẩn ngơ bay bổng chốn thiên đường, từ kiêu căng dìm tận mười tám tầng địa ngục. Cái khoảnh khắc mong mỏi chạm đến đỉnh cao của sự thập toàn thập mỹ thì mở ra lại là cẩu thả đến cùng cực.

Một áng văn chương thẫn thờ đùa cợt mỉa mai thói đời làng văn.

Ngoài ra còn nhiều ý tứ khác hơn mà dĩ nhiên có tiện nói ở đây cũng không nói.

Kính cẩn nghiêng mình gửi tặng 999 đoá hoa hồng.

Nghĩ gì vậy, nói thế thôi, là 1144 từ. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro