van hoa nghe thuat

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu 4.  Trình bày những đặc trưng cơ bản và lịch sử hình thành của các loại hình nghệ thuật VIệt Nam: nghệ thuật sân khấu tuồng, chèo,

Nghệ thuật sân khấu tuồng

A, lịch sử hình thành:

 Lối hát tuồng du nhập vào Việt Nam vào thời điểm nào chưa được minh xác nhưng có truyền thuyết ghi rằng vào thời Tiền Lê năm 1005, một kép hát người Tàu tên là Liêu Thủ Tâm đến Hoa Lư và trình bày lối hát xướng thịnh hành bên nhà Tống và được vua Lê Long Đĩnh thâu dụng, bổ là phường trưởng để dạy cung nữ ca hát trong cung.

Sang thời nhà Trần, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn bắt được một tên quân nhà Nguyên tên là Lý Nguyên Cát vốn là kép hát. Vương tha tội chết cho Cát và sai dạy lối hát đó cho binh sĩ. Cát cho diễn vở "Vương mẫu hiến đào" để vua ngự lãm cùng các triều thần xem. Ai cũng cho là hay.

Tuy nhiên người đầu tiên đặt nền móng cho nghệ thuật tuồng Việt Nam là Đào Duy Từ (1572-1634). Ở Miền Trung Việt Nam trở ra gọi Tuồng do chữ "Liên Trường" là kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn. Từ "liên trường" do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng", "luôn tuồng"...

Sang thế kỷ 20 với sự ra đời của cải lương và kịch nói thu hút nhiều khán giả, nghệ thuật tuồng suy yếu nhiều tuy có cố gắng phục hưng với loại tuồng xuân nữ, tức là tuồng diễn theo đề tài xã hội tân thời và hát theo điệu "xuân nữ". Loại tuồng này pha phong cách cải lương, đánh võ Tàu... Dù vậy giới hâm mộ tuồng càng ngày càng ít.

Ba trường phái lớn trong hát bội là:

1.     Tuồng Bình Định

2.     Tuồng Quảng Nam

3.     Tuồng Gia Định

b. Đặc trưng cơ bản

Tuồng thuộc dòng sân khấu tự sự phương Đông. Phương thức phản ánh đã đẻ ra thủ pháp và phương tiện biểu diễn Tuồng. Trong quá trình tái hiện cuộc sống Tuồng không có xu hướng tả thực mà chú trọng lột tả cái thần - biện pháp nhằm lột tả cái cốt lõi cơ bản, không đi sâu vào những chi tiết vụn vặt khi những chi tiết ấy không gây được hiệu quả nghệ thuật. Để lột tả được cái thần của nhân vật, Tuồng dùng thủ pháp khoa trương cách điệu tất cả những lời nói, động tác hình thể, sự đi lại trên sân khấu để trở thành những điệu hát, điệu nói, điệu múa có nguyên tắc và niêm luật cụ thể.

Tuồng có một hệ thống những điệu hát và những hình thức múa cơ bản mang tính chất khuôn mẫu. Cùng với khoa trương cách điệu, Tuồng còn dùng thủ pháp biểu trưng ước lệ nghĩa là thủ pháp lấy chi tiết để thay cho toàn thể, cuốn hút khán giả cùng tham gia vào sự tưởng tượng và sáng tạo của người diễn viên. Không gian và thời gian được gói gọn trong những câu hát, động tác múa với những đạo cụ thô sơ... nhờ đó mà khán giả có thể tưởng tượng ra núi, sông, sáng sớm, chiều hôm, trận mạc, đi ngựa, xuống thuyền...

Bởi vậy, khác với sân khấu hiện thực tâm lý, Tuồng rất ít bài trí sân khấu, không cần đến trang trí mỹ thuật phông màn cầu kỳ. Không gian sân khấu thường được bỏ trống, người diễn viên xuất hiện thì không gian, thời gian cũng xuất hiện. Nhân vật hành động trong không gian, thời gian nào thì sân khấu là không gian, thời gian đó. Thuở trước các gánh hát Tuồng chỉ cần chỉ có một chiếc chiếu trải giữa sân đình và đôi ba cái hòm gỗ đựng đạo cụ phục trang vậy mà họ vẫn diễn tả được không gian, thời gian khác nhau, khi là chốn cung điện nguy nga, lúc là nơi núi rừng hiểm trở...

Nghệ thuật Tuồng, với cách hoá trang tạo diện mạo cho nhân vật, không có gì là tả chân, mà hoàn toàn tượng trưng. Người diễn viên, ngoài khả năng ca xướng, vũ đạo, diễn xuất, còn phải biết vẽ mặt mình, khi thủ bất cứ vai nào.

Nhờ những gương mặt được hoá trang, khán giả biết ngay tâm lý, tính cách, giai cấp xã hội của nhân vật, khi mới vừa thấy diễn viên bước ra sân khấu. Ví dụ như: Màu đỏ son hay đỏ ngân là tượng trưng cho người anh hùng, trung trinh tiết liệt, có thể kể đến những nhân vật như Quan Công, Cao Hoài Đức, Địch Thanh... Nếu gương mặt được đánh nền là màu trắng mốc, thì đích thị là kẻ gian thần, xu nịnh, chẳng hạn như Bàng Hồng, Đổng Trác, Tào Tháo... Màu đen thì lại tượng trưng cho những người chất phác, bộc trực, nóng nảy, nhưng ngay thẳng và chân thực, đó là Trương Phi, Trịnh Ân, Uất Trì Cung... Người có tuổi, kẻ bần dân như lão chài, lão tiều thì mặt cũng có màu sắc biểu trưng: màu xám dợt. Tương tự, màu xanh được dùng cho khuôn mặt của những người mưu mô xảo quyệt, lũ yêu ma như Ngô Tôn Quyền, Cáp Tô Văn...

Tuồng vừa chứa đựng yếu tố của sân khấu cổ điển lại vừa chứa đựng những yếu tố của sân khấu hiện đại. Yếu tố cổ điển biểu hiện ở chỗ tất cả những điệu hát, điệu múa được đúc kết trở thành khuôn vàng thước ngọc, hiện đại ở chỗ người diễn viên biểu diễn trên sân khấu không cần cảnh trí, Tuồng là loại sân khấu tổng thể. Ở đây các yếu tố ca, vũ nhạc được phát triển một cách hài hoà trong nghệ thuật biểu diễn

1.     Chèo

a.      Lịch sử hình thành

Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) là đất tổ của sân khấu chèo, người sáng lập là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung nhà Đinh vào thế kỷ 10, sau phát triển rộng ra đồng bằng Bắc Bộ. Địa bàn phố biến từ Nghệ - Tĩnh trở ra. Chèo bắt nguồn từ âm nhạc và múa dân gian, nhất là trò nhại từ thế kỷ 10. Qua thời gian, người Việt đã phát triển các tích truyện ngắn của chèo dựa trên các trò nhại này thành các vở diễn trọn vẹn dài hơn. Sự phát triển của chèo có một mốc quan trọng là thời điểm một binh sỹ quân đội Mông Cổ đã bị bắt ở Việt nam vào thế kỷ 14. Binh sỹ này vốn là một diễn viên nên đã đưa nghệ thuật Kinh kịch của Trung Quốc vào Việt Nam. Trước kia chèo chỉ có phần nói và ngâm các bài dân ca, nhưng do ảnh hưởng của nghệ thuật mà người lính bị bắt mang tới, chèo có thêm phần hát.

Vào thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông đã không cho phép biểu diễn chèo trong cung đình, do chịu ảnh hưởng của đạo Khổng. Chèo trở về với nông dân, kịch bản lấy từ truyện viết bằng chữ Nôm. Tới thế kỷ 18, hình thức chèo đã được phát triển mạnh ở vùng nông thôn Việt Nam và tiếp tục phát triển, đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ 19. Những vở nổi tiếng như Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham, Trương Viên xuất hiện trong giai đoạn này. Đến thế kỷ 19, chèo ảnh hưởng của tuồng, khai thác một số tích truyện như Tống Trân, Phạm Tải, hoặc tích truyện Trung Quốc như Hán Sở tranh hùng. Đầu thế kỷ 20, chèo được đưa lên sân khấu thành thị trở thành chèo văn minh. Có thêm một số vở mới ra đời dựa theo các tích truyện cổ tích, truyện Nôm như Tô Thị, Nhị Độ Mai.

Đồng bằng châu thổ sông Hồng luôn là cái nôi của nền văn minh lúa nước của người Việt. Mỗi khi vụ mùa được thu hoạch, họ lại tổ chức các lễ hội để vui chơi và cảm tạ thần thánh đã phù hộ cho vụ mùa no ấm. Nhạc cụ chủ yếu của chèo là trống chèo. Chiếc trống là một phần của văn hoá cổ Việt Nam, người nông dân thường đánh trống để cầu mưa và biểu diễn chèo

b.     Các đặc trưng của chèo

Nội dung

          Không giống tuồng chỉ ca tụng hành động anh hùng của các giới quyền quý, chèo còn miêu tả cuộc sống bình dị của người dân nông thôn. Nhiều vở chèo còn thể hiện cuộc sống vất vả của người phụ nữ sẵn sàng hy sinh bản thân vì người khác. Nội dung của các vở chèo lấy từ những truyện cổ tích, truyện Nôm; được nâng lên một mức cao bằng nghệ thuật sân khấu mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc. Trong chèo, cái thiện luôn thắng cái ác, các sỹ tử tốt bụng, hiền lành, luôn đỗ đạt, làm quan còn người vợ thì tiết nghĩa, cuối cùng sẽ được đoàn tụ với chồng. Các tích trò chủ yếu lấy từ truyện cổ tích, truyện Nôm; ca vũ nhạc từ dân ca dân vũ; lời thơ chủ yếu là thơ dân gian. Lối chèo thường diễn những việc vui cười, những thói xấu của người đời như các vai: Thầy mù, Hương câm, Đồ điếc, Quan Âm Thị Kính. Ngoài ra chèo còn thể hiện tính nhân đạo, như trong vở Trương Viên.

Chèo luôn gắn với chất "trữ tình", thể hiện những xúc cảm và tình cảm cá nhân của con người, phản ánh mối quan tâm chung của nhân loại: tình yêu, tình bạn, tình thương.

Nhân vật trong chèo

Nhân vật trong chèo thường mang tính ước lệ, chuẩn hóa và rập khuôn. Tính cách của các nhân vật trong chèo thường không thay đổi với chính vai diễn đó. Những nhân vật phụ của chèo có thể đổi đi và lắp lại ở bất cứ vở nào, nên hầu như không có tên riêng. Có thể gọi họ là thầy đồ, phú ông, thừa tướng, thư sinh, hề v.v...Tuy nhiên, qua thời gian, một số nhân vật như Thiệt Thê, Thị Kính, Thị Mầu, Súy Vân đã thoát khỏi tính ước lệ đó và trở thành một nhân vật có cá tính riêng.

Diễn viên đóng chèo nói chung là những người không chuyên, hợp nhau trong những tổ chức văn nghệ dân gian gọi là phường chèo hay phường trò..."Hề" là một vai diễn thường có trong các vở diễn chèo. Anh hề được phép chế nhạo thoải mái cũng như những anh hề trong cung điện của vua chúa Châu Âu. Các cảnh diễn có vai hề là nơi để cho người dân đả kích những thói hư tật xấu của xã hội phong kiến hay kể cả vua quan, những người có quyền, có của trong làng xã. Có hai loại hề chính bao gồm :hề áo dài và hề áo ngắn

Kỹ thuật kịch

Đây là loại hình nghệ thuật tổng hợp các yếu tố dân ca, dân vũ và các loại hình nghệ thuật dân gian khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nó là hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng, và có thể được biểu diễn ngẫu hứng. Sân khấu chèo dân gian đơn giản, những danh từ chèo sân đình, chiếu chèo cũng phát khởi từ đó.

Đặc điểm nghệ thuật của chèo bao gồm yếu tố kịch tính, kỹ thuật tự sự, phương pháp biểu hiện tính cách nhân vật, tính chất ước lệ và cách điệu. Ngôn ngữ chèo có những đoạn sử dụng những câu thơ chữ Hán, điển cố, hoặc những câu ca dao với khuôn mẫu lục bát rất tự do, phóng khoáng về câu chữ.

Chèo không có cấu trúc cố định năm hồi một kịch như trong sân khấu Châu Âu mà các nghệ sỹ tham gia diễn chèo thường ứng diễn. Do vậy, vở kịch kéo dài hay cắt ngắn tuỳ thuộc vào cảm hứng của người nghệ sỹ hay đòi hỏi của khán giả. Không giống các vở opera buộc các nghệ sỹ phải thuộc lòng từng lời và hát theo nhạc trưởng chỉ huy, nghệ sỹ chèo được phép tự do bẻ làn, nắn điệu để thể hiện cảm xúc của nhân vật. Số làn điệu chèo theo ước tính có khoảng trên 200.

nhạc cụ

Chèo sử dụng tối thiểu là hai loại nhạc cụ dây là đàn nguyệt và đàn nhị đồng thời thêm cả sáo nữa. Ngoài ra, các nhạc công còn sử dụng thêm trống và chũm chọe. Bộ gõ nếu đầu đủ thì có trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ. Trống con dùng để giữ nhịp cho hát, cho múa và đệm cho câu hát. Có câu nói " phi trống bất thành chèo" chỉ vị trí quan trọng của chiếc trống trong đêm diễn chèo. Trong chèo hiện đại có sử dụng thêm các nhạc cụ khác để làm phong phú thêm phần đệm như đàn thập lục, đàn tam thập lục, đàn nguyệt, tiêu v.v...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro