Văn hoá pháp lý - Cách tiếp cận nghiên cứu mới của luật so sánh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Văn hoá pháp lý - Cách tiếp cận nghiên cứu mới của luật so sánh

Đặng Minh Tuấn

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Lý do nghiên cứu khái niệm "văn hoá pháp lý" và sự mở rộng phạm vi nghiên cứu của luật so sánh

Vào những năm 1990, khái niệm "văn hoá pháp lý" được sử dụng rất rộng rãi trong khoa học pháp lý. Ngày nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm "văn hoá pháp lý". Trong khoa học luật so sánh, văn hoá pháp lý so sánh ngày càng trở thành đối tượng nghiên cứu quan trọng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới các nhà khoa học ngày càng quan tâm nghiên cứu nhiều hơn đến khái niệm văn hoá pháp lý.

Thứ nhất, nhiều hệ thống pháp luật ở nhiều nước trên thế giới trong những năm 1990, đặc biệt là ở các nước Đông Âu và Trung Âu có sự thay đổi rất nhanh. Sự thay đổi này đã dẫn tới sự cần thiết phải xác định văn hoá pháp lý của mỗi nước. Hiện tượng này không chỉ liên quan đến các nước thuộc Liên Xô cũ, như Estonia, mà nó còn liên quan đến các nước khác như Cộng hoà Dân chủ Đức cũ, ở đó các thẩm phán mới, trẻ trung hơn được đào tạo ở Tây Âu đã thay thế thế hệ thẩm phán của hệ thống chuyên chế trước đó.

Việc quy định các quyền con người trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hiệp quốc và Công ước châu Âu về Quyền con người cũng là khiến các nhà khoa học nghiên cứu để xác định văn hoá pháp lý của mỗi nước. Hệ thống các quyền cơ bản đã có ảnh hưởng lớn đến sự hoà hợp ở nhiều nước, ví dụ như quyền được xét xử công bằng, thủ tục hợp lý và sự xoá bỏ hình phạt tử hình... ở Thuỵ Điển, Công ước châu Âu về quyền con người được coi như là pháp luật Thuỵ Điển từ tháng 1 năm 1995, và khi đó, như một loại nguồn pháp luật, nó sẽ mang lại các giá trị khác như tính công bằng hơn so với trước đó trong văn hoá pháp lý của Thuỵ Điển.

Có rất nhiều yếu tố khác thuộc phạm trù của văn hoá pháp lý mà các nhà khoa học pháp lý quan tâm nghiên cứu. Quá trình tư nhân hoá nghề luật là một hiện tượng toàn cầu và có ảnh hưởng rất lớn đến văn hoá pháp lý của nhiều nước trên thế giới. Vào thời hậu chiến ở châu Âu, các thẩm phán ở một mức độ nào đó có những vị trí trong các khu vực công. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều các thẩm phán trẻ sau khi tốt nghiệp từ các trường Đại học Luật đã hành nghề ở các khu vực tư. Quá trình tư nhân hoá thị trường của các thẩm phán không chỉ làm thay đổi chương trình dạy luật mà còn thay đổi hệ thống nghề nghiệp của các thẩm phán. Các thẩm phán tham gia nhiều loại hoạt động tư như vận động hành lang, bảo vệ và tư vấn trong các phiên toà công bằng cho những người nghèo và các cá nhân, đại diện cho tổ chức nghề nghiệp độc lập và miễn phí... Thông qua các hoạt động đó, các luật sư ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các nước thoát ra từ hệ thống chính trị chuyên chế và hệ thống chính trị dân chủ đang phát triển. Khái niệm văn hoá pháp lý cùng có mối quan hệ mật thiết với văn hoá chính trị. Văn hoá pháp lý phụ thuộc vào hệ thống chính trị. Trong những năm gần đây, các chính trị gia ngày càng chấp nhận xu thế đưa các quyết định chính trị sang ngành tư pháp. Xu thế tư pháp hoá chính trị với ý nghĩa toà án ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong đời sống chính trị. Quá trình này được thể hiện rõ ở các nước Ý, Đức và Pháp [2. tr 276].

Ngoài ra, xu thế toàn cầu và hội nhập về pháp luật hiện nay cũng đặt ra một câu hỏi cho sự cần thiết xác định văn hoá pháp lý của mỗi quốc gia.

Xuất phát từ những nguyên nhân trên, nhiều nhà khoa học nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cách tiếp cận rộng về phạm vi nghiên cứu của luật so sánh, chuyển từ cách tiếp cận nghiên cứu "luật pháp với tư cách là các quy tắc" - cách tiếp cận truyền thống sang cách tiếp cận rộng hơn. Các nhà khoa học luật so sánh không thể giới hạn phạm vi nghiên cứu chỉ đơn thuần là so sánh các quy tắc. Cách tiếp cận rộng hơn thậm chí còn nhấn mạnh rằng trọng tâm nghiên cứu của luật so sánh không phải là các quy tắc mà là ở cách thức các luật sư, thẩm phán xử lý pháp luật và những lý do tại sao các luật sư và các thẩm phán lại xử lý như thế. Zweigert và Kotz trong tác phẩm Giới thiệu về luật so sánh, hai tác giả chú trọng giải quyết các vấn đề trong khi so sánh các hệ thống pháp luật thông qua các phạm trù, khái niệm của từng hệ thống. Hai ông cho rằng khi so sánh các hệ thống pháp luật, các nhóm hay các họ pháp luật, các nhà khoa học luật so sánh phải nghiên cứu và "nắm được các loại hình pháp lý". Khái niệm loại hình pháp lý có phạm vi rất rộng, bao gồm: Lịch sử, ý thức, các thiết chế, nguồn pháp luật [3, tr.495].

Có nhiều quan điểm cho rằng cần phải mở rộng hơn nữa phạm vi nghiên cứu của luật so sánh bằng các cách tiếp cận mới, đặc biệt là các cách tiếp cận được nhiều người quan tâm với các khái niệm được sử dụng rộng rãi như "truyền thống pháp lý" (legal traditions), "văn hoá pháp lý" (legal cultures).

Cách tiếp cận về văn hoá pháp lý cũng như các cách tiếp cận rộng hơn của luật so sánh khác rất lớn so với cách tiếp cận truyền thống. Cách tiếp cận truyền thống chỉ chủ yếu giới hạn phạm vi nghiên cứu ở việc diễn tả, so sánh các đạo luật và các quyết định của toà án mà không quan tâm đến tất cả các hoàn cảnh không có liên quan trực tiếp đến bản chất pháp lý. Luật so sánh ở cách tiếp cận rộng hơn tập trung so sánh các hệ thống pháp luật ở các khía cạnh như các nguyên tắc pháp luật, thực tiễn pháp luật, truyền thống pháp lý và đạo tạo luật...

2. Khái niệm văn hoá pháp lý

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về thuật ngữ "văn hoá pháp lý". Trong những năm gần đây, có nhiều cuộc tranh luận lớn về chủ đề này và có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tựu chung lại, có hai nhóm quan điểm chính [2, tr. 277]

Nhóm quan điểm thứ nhất xác định khái niệm "văn hoá pháp lý" từ cách tiếp cận chức năng hay cách tiếp cận xã hội học. Một trong những người sáng lập quan điểm này là Lawrence M. Friedman. Cách tiếp cận này cũng được các nhà khoa học thuộc trường phái này coi là cách tiếp cận từ bên ngoài (outsider'view), tức là thái độ của các nhóm xã hội và thiểu số; các thể chế pháp lý; sự đánh giá xã hội học về các vụ việc tranh chấp và tội phạm. Cách tiếp cận này có nguồn gốc từ lịch sử pháp lý hiện đại của Mỹ gắn liền với phong trào "Pháp luật và Xã hội" do Willard Hurst khởi xướng. Phần lớn những người ủng hộ cách tiếp cận thứ nhất này đều là những người ủng hộ và là thành viên của phong trào "Pháp luật và Xã hội".

Trái ngược với cách tiếp cận xã hội học là cách tiếp cận từ bên trong (an insider'view). Michael Grossberg đã phản đối kịch liệt cách tiếp cận cận và khái niệm văn hoá pháp lý của Friedman. Roger Cotterrell cũng phê phán khái niệm văn hoá pháp lý của Friedman đưa ra dựa trên các thái độ, tâm lý. Theo Cotterrel, khái niệm văn hoá pháp lý được định nghĩa thông qua chính các thẩm phán. Đó chính là cách tiếp cận từ bên trong. Theo ông, khái niệm văn hoá pháp lý được xác định thông qua hệ tư tưởng pháp luật và nhìn nhận xem hệ tư tưởng pháp luật hình thành các trật tự pháp luật như thế nào (cùng với việc nghiên cứu pháp luật và giáo dục pháp luật). Thái độ và tâm lý cũng có liên quan nếu chúng được tạo ra từ những ranh giới của các thiết chế pháp luật. Cách tiếp cận này được các nhà nghiên cứu lịch sử pháp luật và các nhà luật học ủng hộ.

Ngoài ra, có nhiều quan điểm khác về khái niệm văn hoá pháp lý. Các nhà luật học Đức cho rằng văn hoá pháp lý là một khái niệm có những đặc điểm chung kết hợp của cả ba khoa học: Lịch sử pháp luật, Luật học và Luật so sánh [2, tr.278]. John Bell thì định nghĩa khái niệm văn hoá pháp lý như sau: Văn hoá pháp lý là phương cách cụ thể mà trong đó các giá trị, các tập quán, các khái niệm được hợp thành một thể thống nhất trong hoạt động của các thể chế pháp luật và sự giải thích các văn bản pháp luật. Khái niệm văn hoá pháp lý là phạm vi rộng hơn hệ thống các quy tắc và khái niệm. Nó còn bao gồm cả thực tiễn xã hội trong một cộng đồng pháp luật. Các thực tiễn xã hội chính là nhân tố xác định nội dung của các quy tắc và khái niệm, tầm quan trọng và sự thực hiện của chúng trong xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận thức rằng hệ thống các quy tắc và khái niệm cũng là một nội dung quan trọng thuộc về văn hoá pháp lý. Ngoài ra, văn hoá pháp lý là một bộ phận của văn hoá nói chung. Hiểu pháp luật tức chúng ta phải hiểu thực tiễn xã hội của pháp luật. Hiểu thực tiễn xã hội của pháp luật tức chúng ta phải hiểu văn hoá chung của xã hội nơi mà có sự tồn tại của pháp luật. Mối quan hệ giữa chúng là biện chứng [1, tr.70].

3. Các yếu tố cơ bản của một văn hoá pháp lý

Như đã phân tích, có rất nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm văn hoá pháp lý. Do đó, rất khó để đưa ra các yếu tố cơ bản của một văn hoá pháp lý. Việc đưa ra các yếu tố để xác định sự khác nhau của các văn hoá pháp lý phụ thuộc vào các cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cũng cố gắng đưa ra các yếu tố cơ bản của một văn hoá pháp lý và coi đó là một phương tiện để so sánh một văn hoá pháp lý này với một văn hoá pháp lý khác.

Hai giáo sư Mark Van Hoeke và Mark Warrington của Trường Đại học Katholieke, Brrusel đưa ra những nhân tố cơ bản của một văn hoá pháp lý như sau:

1. Khái niệm pháp luật: Pháp luật là gì? Mối quan hệ của pháp luật với các khái niệm khác?

2. Học thuyết về các loại nguồn pháp luật có hiệu lực: Chủ thể nào có quyền xây dựng pháp luật và trong những điều kiện nào? Trật tự và thứ bậc các loại nguồn pháp luật? Các vấn đề về sự xung đột giữa các nguồn pháp luật được giải quyết như thế nào và bởi ai? Vai trò của các nghề luật? Các văn bản học quyết định không mang tính pháp lý như các quy phạm mang tính tôn giáo có giá trị là các nguồn luật trực tiếp hay không?

3. Phương pháp luận làm nền cho pháp luật, cho cả việc ban hành và xét xử. Vấn đề này bao gồm quan niệm về giải thích luật. Các thẩm phán có quyền độc lập và có nghĩa vụ giải thích luật ở mức độ nào? Các phương pháp giải thích pháp luật được sử dụng như thế nào? Mối quan hệ về trật tự của chúng như thế nào? Các tiêu chuẩn để viết, ví dụ các đạo luật hoặc các quyết định tư pháp.

4. Lý thuyết về sự tranh luận: Những loại tranh luận nào và chiến lược tranh luận nào được chấp nhận? Chúng là các yếu tố hoàn toàn mang tính pháp lý, hay còn là các yếu tố xã hội, kinh tế, chính trị, ý thức và mang tính tôn giáo?

5. Lý thuyết về sự hợp pháp hoá pháp luật? Tại sao pháp luật bắt buộc thi hành? Giải quyết như thế nào nếu chúng mâu thuẫn với các nguồn khác như các quy tắc không mang tính pháp lý, xã hội, như các quy tắc tôn giáo? Hình thức hợp pháp hoá nào được sử dụng để biến các quy tắc pháp lý có tính bắt buộc: Tính hợp pháp đơn thuần mang tính chính thống hoặc tính hợp pháp có tính ý thức hệ (ví dụ các giá trị tinh thần hoặc tôn giáo)? Hình thức hợp pháp hoá nào đem lại cho toàn bộ hệ thống pháp luật có tính bắt buộc? Có tính hợp pháp hoá mang tính xã hội, lịch sử? Và trong trường hợp có nhiều hình thức hợp pháp hoá, mối liên hệ được thể hiện trong trường hợp nào và trong những điều kiện gì?

6. Ý thức nền tảng chung: Những giá trị nền tảng chung và quan niệm thế giới nền tảng chung. Quan niệm chung về vai trò của pháp luật trong xã hội và vai trò (chủ động và tích cực) của các luật sư. Quan niệm về những vấn đề được coi là những vấn đề mang tính pháp lý, được giải quyết trước hết thông qua hệ thống pháp luật, và những vấn đề nào không được coi là những vấn đề mang tính pháp lý như các vấn đề tinh thần, kinh tế-những vấn đề nằm ngoài lĩnh vực của luật [3, tr.514-515).

Những yếu tố của văn hoá pháp lý nêu trên có ý nghĩa đối với cả việc so sánh các hệ thống pháp luật ở tầm vi mô và vĩ môn. ở tầm vi mô, các yếu tố trên cho chúng ta thấy được cơ cấu văn hoá pháp lý, trong khi đó, ở tầm vĩ mô, chúng cho phép so sánh các hệ thống pháp luật và các họ pháp luật, ví dụ:

- Các quan niệm khác nhau về pháp luật (mục 1) và quan niệm thế giới nền tảng chung (mục 6) cho phép so sánh các trật tự pháp lý của các họ văn hoá pháp lý khác nhau, ví dụ so sánh các họ văn hoá pháp lý của phương Tây.

- Các lý thuyết khác nhau về nguồn pháp luật (mục 2) và phương pháp luận làm nền tảng cho pháp luật (mục 3) giúp chúng ta so sánh pháp luật châu Âu lục địa và Pháp luật Anglo-Saxon.

- Trong các thập kỷ của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, chúng ta cũng có thế so sánh hệ thống xã hội chủ nghĩa và hệ thống pháp luật châu Âu lục địa thông qua các yếu tố như sự hợp pháp hoá pháp luật (mục 6), vai trò của luật (mục 6) và của Luật sư (mục 2) trong xã hội và lý thuyết về sự tranh luận (mục 4).

- Trong một hệ thống pháp luật giống nhau, chúng ta cũng có thể so sánh các văn hoá pháp lý phân ngành, ví dụ như trong một cộng đồng Luật công so với cộng đồng luật tư thông qua sự khác nhau về nguồn pháp luật (mục 2) và hình thức mang tính pháp luật (mục 3).

Giáo sư Kjell A Modeer thuộc Khoa Luật, Trường Đại học Lund, Thuỵ Điển cũng đưa ra các yếu tố cơ bản của một văn hoá pháp lý để nhằm mục đích có thể đưa ra văn hoá pháp lý của địa điểm hoặc một quốc gia nào đó vào một khoảng thời gian nhất định. Thông qua đó, chúng ta có thể so sánh các văn hoá pháp lý khác nhau. Các yếu tố văn hoá pháp lý cơ bản mà giáo sư Kjell A Modeer đưa ra bao gồm:

1. Ý thức hệ pháp luật: Để thiết lập nền tảng của văn hoá pháp lý, chúng ta phải (cũng như Cotterrel đã đưa ra) xác định những ý thức hệ pháp luật nào (ví dụ như luật tự nhiên, lịch sử các trường luật, luật thực định) được thể hiện trong các cuộc tranh luận pháp lý. Các ý thức hệ pháp luật được đặt vào trong một hoàn cảnh kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và tôn giáo tại một thời điểm nhất định. Để xác định được các ý thức hệ pháp luật và sự biểu hiện của chúng, chúng ta phải xem xét hệ thống giáo dục luật, chủ yếu thông qua các trường luật; đào tạo luật (kể cả ngoài trường đại học, tại các đoàn luật sư hoặc các công ty luật) và khoa học luật.

2. Hiến pháp: Các ý thức hệ pháp luật được thể hiện thông qua các đạo luật cơ bản của các quốc gia, và trong thời kỳ hiện đại đó là các Hiến pháp. Tại một nhà nước, Hiến pháp bất kỳ lúc nào cũng là yếu tố cơ bản của một văn hoá pháp lý. Trong các Hiến pháp được ban hành từ thời kỳ khai sáng, các quyền con người, cùng với việc được quy định trong một đạo luật về các quyền hoặc các Tuyên bố về quyền con người là những yếu tố nền tảng của bất kỳ nhà nước nào dựa trên nền dân chủ, xã hội công dân và nhà nước pháp quyền.

3. Các quy tắc: Các quy tắc liên quan đến các ý thức hệ và hiến pháp. Các quy tắc có một đặc điểm khác trong các nước có hệ thống pháp luật châu Âu lục địa (các đạo luật) và trong các nước có hệ thống pháp luật Chung (án lệ). Các quy tắc liên quan đến các cơ chế mang tính pháp lý (ví dụ như Nghị viện và toà án) và quá trình ban hành các quy tắc này.

4. Phòng xét xử: Một trong những cách rất hữu hiệu để có được một ấn tượng về văn hoá pháp lý là chúng ta hãy vào và tham quan một phòng xét xử của toà án. Trong phòng xét xử, những người thực thi pháp luật như thẩm phán, công tố viên và luật sư cũng như các nguyên đơn, bị đơn đều đóng vai trò riêng để thiết lập nên văn hoá pháp lý. Vào một phòng xét xử, chúng ta có thể nhận thấy các thủ tục pháp lý được sử dụng như thế nào? thẩm phán là người chủ động trong việc khám phá ra vụ án hoặc luật sư và công tố là bình đẳng hay không thông qua việc bố trí và sắp đặt các vị trí bàn ghế. Các yếu tố khác về văn hoá pháp lý cũng có thể được xác định như thủ tục bằng miệng hay bằng văn bản, công chúng có quyền tiếp cận các phiên toà hay không?

5. Mạng lưới và các tranh luận pháp lý: Các thẩm phán đóng vai trò trong việc tạo lập văn hoá pháp lý. Họ xây dựng và phát triển các nghiệp đoàn, các tổ chức nghề nghiệp. Các tổ chức đó được tạo lập không phải từ một người mà thông qua tập thể các thẩm phán và điều đó tạo nên các cuộc tranh luận với nhau. Thông qua các tạp chí pháp luật, chúng ta cũng có thể thấy được các cuộc tranh luận của họ.

Các yếu tố trên không thể nói lên hết được các đặc điểm của văn hoá pháp lý, nhưng có thể nói, chúng cung cấp những yếu tố rất cơ bản về các đặc trưng của một văn hoá pháp lý, của một môi trường pháp lý ở một địa điểm và một khoảng thời gian nào đó [2, tr.282- 283].

4. Văn hoá pháp lý với việc phân định các họ văn hoá pháp lý

Trong luật so sánh vào nửa sau của thế kỷ XX, theo cách tiếp cận truyền thống, các học giả phương Tây sử dụng khái niệm các họ pháp luật (legal families) để phân chia thành 3 nhóm khác nhau: Họ pháp luật Đức-La Mã; Họ pháp luật chung và họ pháp luật xã hội chủ nghĩa. Các nước khác ở châu Phi, châu Á và nhiều nước khác đa phần được xếp vào một trong 3 nhóm pháp luật cơ bản trên. Chỉ các nước theo hệ thống pháp luật Hồi giáo là không thực sự được xếp vào một trong các nhóm trên.

Tuy nhiên, vào những năm 1990, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở châu Âu và châu Á bị sụp đổ và có thể nói họ pháp luật xã hội chủ nghĩa không còn là một họ cơ bản nữa. Từ cách tiếp cận của các học giả Phương tây lúc này chỉ còn hai họ pháp luật chính: Họ pháp luật Đức-La Mã và Họ pháp luật chung. Tuy nhiên, phần lớn các nước ở Trung và Đông Âu, hệ thống pháp luật tư của các nước theo truyền thống La Mã được áp dụng, bởi vì chúng gần với hệ thống pháp luật này hơn.

Lúc này chỉ còn hai họ pháp luật chính theo cách tiếp cận truyền thống. Tuy nhiên, người ta nhận thấy có nhiều trở ngại trong cách tiếp cận này ở những lý do sau:

Thứ nhất, ở các nước theo truyền thống pháp luật chung, những thay đổi mà phần lớn do ảnh hưởng của luật châu Âu, hệ thống pháp luật của các nước này ngày càng tiếp cận gần hơn hệ thống pháp luật lục địa và ngày càng xa so với truyền thống pháp luật chung.

Thứ hai, theo cách tiếp cận truyền thống, sự khác nhau chủ yếu giữa hai hệ thống pháp luật chung và Lã Mã là ở hai điểm: Nguồn pháp luật và Phương pháp luận về giải thích pháp luật. Tuy nhiên, những điều này đang ngày càng thay đổi.

- Về nguồn pháp luật: ở các nước trong họ pháp luật châu Âu lục địa, các tập quán pháp, các học thuyết, các quyết định của toà án cao hơn, đặc biệt là của toà án tối cao ngày càng được coi là chứa đựng các nguyên tắc chung và chúng được tuân thủ như là những đạo luật. Ở đây, án lệ về mặt pháp lý không bắt buộc thi thành, nhưng trên thực tế, chúng có ý nghĩa bắt buộc về mặt thể chế rất lớn, tức là các toà án cấp dưới thường chấp hành các bản án, quyết định trước đó của toà án cấp trên, đặc biệt là của toà án tối cao hoặc của các thẩm phán nổi tiếng. Hơn nữa, ở tầm cộng đồng chung châu Âu, các toà án ngày càng có vị trí quan trọng hơn so với truyền thống pháp luật lục địa. Toà án Công bình châu Âu, Toà án châu Âu về quyền con người khi quyết định đều chấp nhận từ các văn bản lập pháp cho đến các học thuyết và tập quán pháp luật. Ngược lại, ở các nước theo họ pháp luật chung, như Anh, Ireland và Wales, các đạo luật ngày càng có vai trò quan trọng hơn. Ngày càng có nhiều đạo luật được ban hành để điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này xuất phát từ thực tế, các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu chịu sự ảnh hưởng và thậm chí sự thúc ép của các luật châu Âu phải ban hành bằng các đạo luật về các lĩnh vực liên quan phù hợp với tinh thần chung của Cộng đồng. Các lĩnh vực như nhà ở, giáo dục, hình sự, thương mại và quyền con người đều là các lĩnh vực mà các nước thành viên phải thông qua các quy tắc pháp lý có liên quan theo tinh thần của các luật châu Âu.

- Về giải thích pháp luật: ở Các nước châu Âu lục địa, các thẩm phán sử dụng phương pháp dựa trên ý chí của nhà làm luật để giải thích các đạo luật: Các thẩm phán phải giải thích theo đúng ý chí của

nhà làm luật và để làm được điều đó, các thẩm phán sử dụng tất cả các dự thảo lập pháp về đạo luật đó và các báo cáo về các buổi thảo luận của nghị viện để xác định đúng quan điểm của các nhà lập pháp. Ở Anh, khi giải thích pháp luật, các thẩm phán không quan tâm đến việc các nhà lập pháp đã nghĩ gì mà giải thích theo nghĩa hiểu của bất kỳ một ai khi đọc đạo luật đó. Tuy nhiên, Đã có một sự xích lại gần nhau là vào năm 1992, Thượng nghị viện đã chấp nhận việc sử dụng travaux pre'paratoires khi giải thích các đạo luật.

Từ các phân tích trên đây, chúng ta thấy rằng cách tiếp cận truyền thống trong việc chia thành các họ pháp luật như trên là không còn phù hợp, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự ảnh hưởng của bên ngoài. Do đó, chúng ta cần phải có cách tiếp cận rộng hơn về luật so sánh, như cách tiếp cận về văn hoá pháp luật để phân loại các họ văn hoá pháp lý khác nhau, trong đó các hệ thống văn hoá pháp luật không chỉ được phân biệt ở khía cạnh các quy tắc mà còn ở các yếu tố khác nữa của văn hoá pháp luật./.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro