Việt Bắc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BÌNH GIẢNG TÁM DÒNG ĐẦU BÀI THƠ VIỆT BẮC (Trọng tâm THPTQG)

Đề bài:

Phân tích đoạn thơ sau trong tác phẩm Việt Bắc của Tố Hữu để thấy được tình cảm thắm thiết, gắn bó của quân và dân ta:

“Mình về mình có nhớ ta

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Ý và bài làm:

* Ý cơ bản:
Vị trí đoạn thơ: 8 dòng đầu của bài thơ Việt Bắc
Bố cục và nội dung: 4 câu đầu: người ở lại (ồn ào)
4 câu sau: Diến tả tâm trạng của người ra đi.
Bút pháp nghệ thuật: đậm đà tính dân tộc.
* Mở bài:
– Giới thiệu vị trí của Tố Hữu trong nền thơ ca cách mạng
– Đặc điểm thơ Tố Hữu
– Bài Việt Bắc
– Hướng vào đề thi

Tố Hữu được mệnh danh là “ca sĩ” sớm nhất và cũng là “ca sĩ” lớn nhất trong bản “hợp ca” cách mạng. Sức hút lớn nhất của thơ Tố Hữu là chất men say của lí tưởng cách mạng, chất trữ tình ngọt ngào thương mến qua những vần thơ đậm đà tính dân tộc. Bài thơ Việt Bắc (10/1954) là khúc tình ca tha thiết mặn nồng của người cán bộ với quê hương cách mạng Việt Bắc, là bản hùng ca về cuộc kháng chiến chống Pháp. Những câu phân tích dưới đây được ví là khúc nhạc dạo đầu của bản tình ca Việt Bắc. Ở đó bằng giọng thơ ngọt ngào như lời ru, câu hát. Tố Hữu đã thể hiện thành công nỗi niềm của người ở lại và tâm trạng của người ra đi:
“Mình về mình có nhớ ta

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
* Thân bài:
->Nhận xét chung về đoạn thơ
Lời văn:
Tố Hữu viết bài thơ Việt Bắc vào tháng 10 năm 1954 khi chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu” lúc này cán bộ chiến sĩ ở cơ quan Trung Ương Đảng chính phủ tạm chia tay Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội. Phía trước người về xuôi là khoảng trời rộng mở, là nhà cao, đèn sáng, phố đông, …liệu những con người cách mạng có lãng quên năm tháng đầy gian khổ mà hào hùng trên Việt Bắc:

” Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng?
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng”

Dường như rất nhạy cảm với những đổi thay của hoàn cảnh trong vấn đề tư tưởng thời đại đang đặt ra, người Việt Bắc đã cất lên tiếng trước với biết bao băn khoăn, trăn trở trong giờ phút chia tay.
“Mình về mình có nhớ ta
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”
->Phân tích:
a. 4 câu đầu: Nỗi niềm của người ở lại
– Ý: Cặp đại từ xưng hô “Mình – ta”
Vận dụng của ca dao, dân ca
Sáng tạo:
+ ca dao diễn tả tình đôi lứa, Tố Hữu diễn tả tình cảm cách mạng
+trong ca dao thường một nam một nữ còn ở đây là tình cảm của đồng bào và cán bộ
+đẩy ra 2 đầu câu thơ, mô phỏng sự chia cắt.
Lời văn:
Cũng như cả bài thơ, bốn câu thơ đầu Tố Hữu đã sử dụng thật tài tình và linh hoạt thể thơ lục bát. Đặc biệt là cặp đại từ xưng hô “Mình-ta” khiến đoạn thơ mang âm hưởng như khúc hát giao duyên của những đôi trai gái yêu thương nhau trong ca dao, dân ca:

“Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ “
hay “Mình về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”

“Mình – ta” đã được Tố Hữu vận dụng một cách sáng tạo thể hiện giọng điệu tâm tình đánh thức tâm linh nhiều người Việt và có sức lay động mạnh mẽ với độc giả. Bởi “Mình – ta” trong ca dao thường diễn đạt đời sống rất rộng của những đôi trai gái yêu thương nhau. Còn ở đây đã được Tố Hữu hình tượng hóa chỉ cán bộ chiến sĩ và đồng bào Việt Bắc. Mặt khác hai chữ “Mình – ta” được Tố Hữu đẩy ra hai đầu câu thơ đối mặt với nhau, nhìn nhau đau đáu gợi ra sự xa xôi, cách trở.

– Ý :Câu hỏi về thời gian: 15 năm-gợi ra hành trình kháng Pháp và tình nghĩa dân quân: và câu hỏi về không gian: nhắc nhở đạo lí uống nước nhớ nguồn
Lời văn:
Cái tôi trữ tình của Tố Hữu đã phân thân để diễn tả nỗi nhớ, niềm thương của người ở lại:

“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”

Bốn câu thơ láy lại liên tiếp điệp từ, điệp ngữ “Mình về mình có nhớ” với hai câu hỏi thiết tha mặn nồng. Câu hỏi về thời gian “mười lăm năm ấy” là hành trình lâu dài vĩ đại của cuộc kháng chiến đã bồi đắp tình cảm sâu sắc của những con người kháng chiến trên quê hương Việt Bắc. Ở đây tác giả gợi lại những ngày đầu cách mạng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn 1940 và sự kiện năm 1941 sau mấy mươi năm bôn ba khắp năm châu bốn bể tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã trở về Tổ Quốc, Người chọn Việt Bắc làm căn cứ địa cách mạng:

“Ôi sáng xuân nay, xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về. Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”
(Theo chân Bác)
Bên cạnh câu hỏi về thời gian là câu hỏi về không gian:
“Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ, núi nhìn sông nhớ nguồn”

“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống thủy chung, là đạo lí tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tố Hữu dã vận dụng điêu luyện hình thức biểu hiện của thơ ca Việt Nam, mang cách cảm, cách nghĩ của quần chúng nhân dân ngày xưa vào những câu thơ lục bát hiện đại. Câu thơ làm phong phú, tươi mới thơ lục bát dân tộc. Hình ảnh thơ có sức gợi lớn: “Nhớ núi, nhớ nguồn” đâu chỉ là nhắc nhở tới núi sông Việt Bắc thơ mộng, hùng vĩ mà còn xoáy vào ý nghĩa: Việt Bắc là chiến khu cách mạng, là cội nguồn của quê mọi thắng lợi vĩ đại, là quê hương, là đất nước như ở phần sau của bài thơ tác giả khẳng định:

“Mười lăm năm ấy ai quên

Quê hương cách mạng dậy lên cộng hòa”
b. 4 câu thơ sau: tâm trạng của người ra đi
– Ý: Tâm trạng của người ở lại là ồn ào, còn người ra đi là sự im lặng. Bình vào sự im lặng.
Lời văn:
Nếu như bốn câu thơ đầu người ở lại “ồn ào” bao nhiêu thì bốn câu sau lại là một khoảng lặng trong lòng người ra đi. Đồng thời đó cũng là câu trả lời của người cán bộ kháng chiến dành cho đồng bào Việt Bắc. Người ra đi trả lời bằng sự im lặng. Im lặng không phải là sự quay lưng từ chối, không phải là sự phủ nhận dứt khoát mà là một sự đồng tình tri âm lại, im lặng nhưng chứa chất đầy sóng lòng:
“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
– Ý: 2 câu đầu:
+ Ai: đại từ phiếm chỉ tưởng xa mà gần, chan chứa cảm xúc
+ Bâng khuâng, bồn chồn: tâm trạng ra đi mà không lỡ.
+ Sự đối ngẫy tri kỉ, người ở lại nói “thiết tha”, người ra đi nói “tha thiết”
Lời văn:
Đại từ phiếm chỉ “ai” được sử dụng trong câu thơ chỉ đồng bào chiến khu Việt Bắc, làm câu thơ trở nên trữ tình, mềm mại và ý nhị hơn. Tiếng ai như xa xôi mà thật gần, chan chứa niềm cảm xúc thiết tha níu bước chân người ra đi. Liên tiếp từ láy “bâng khuâng”, “bồn chồn” tạo nên giai điệu luyến láy của những câu lục bát vốn mượt mà lại càng thêm ngân nga, thiết tha. Người ra đi thấu hiểu những băn khoăn nhung nhớ của người ở lại cũng giãi bày tâm trạng bâng khuâng, bồn chồn của mình. Ấy là tâm trạng ra đi mà không lỡ. Sự tri ân đáp lại tấm lòng Việt Bắc không chỉ bằng hình ảnh thơ mà còn ở cách sử dụng từ ngữ của tác giả. Nếu ở trên người ở lại nhắc đến “thiết tha” thì đến đây người ra đi lại nói “tha thiết” như một sự đối ngẫu trùng phùng. Như hiểu được nơi lắng sâu trái tim của nhau.

– Ý: 2 câu cuối:
+ “Áo chàm”, màu áo bình dị đậm đà dân tộc
+ “Phân li” chứ không phải chia li diễn tả ta với mình tuy hai nhưng là một
+ Cái cầm tay siết chặt tình dân quân

Lời văn:
Hai câu cuối của đoạn thơ là sự hồi tưởng của người ra đi về cuộc chia tay thắm tình dân quân:
“Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
Trong bài Việt Bắc của Tố Hữu người ra đi, kẻ ở lại bịn rịn vương vấn nhưng đó không phải là sự li biệt của “thiếp” với “chàng” sầu đau chất chứa mà ta hơn một lần bắt gặp trong thơ xưa:
“Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”
(Truyện Kiều)
hay “Càng trông lại mà càng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”
(Chinh phụ ngâm)
Ở đây là cuộc chia tay lớn – cuộc chia tay giữa đồng bào Việt Bắc và cán bộ chiến sĩ về xuôi. Bằng hình thức hoán dụ Tố Hữu mượn hình ảnh chiếc áo chàm quen thuộc của người dân Việt Bắc để chỉ đồng bào chiến khu thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó đã ở mức cao nhất. Bởi áo chàm – là máu của quê hương dân tộc đậm đà, là biểu tượng của văn hùng ca Việt Bắc. Mặt khác diễn tả sự xa cách, tác giả không dùng từ “chia li” mà dùng từ “phân li”. Bởi chia li đơn thuần chỉ sự chia cách giữa những con người với nhau. Còn phân li ấy là như một thể thống nhất bị một tác động ngoại cảnh không hề mong muốn. Sự gắn bó giữa người chiến sĩ cách mạng với đồng bào keo sơn tới mức tuy hai nhưng là một. Chẳng thế mà khi cuộc chia tay diễn ra họ chỉ biết “cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”.
Theo dọc đường văn học ta đã từng bắt gặp những cái cầm tay
“Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
(Đồng Chí – Chính Hữu)
Đó là cái cầm tây siết chặt tình đồng chí, đồng đội còn ở đây là cái cầm tay để siết chặt tình dân quân như cá với nước. Biết bao ân tình thắm thiết gửi trong cái cầm tay.
Những câu thơ lục bát của Tố Hữu có những biến tấu mới mẻ. Nhịp thơ 3/3 (áo chàm đưa/buổi phân li) và 3/3/2 (cầm tay nhau/biết nói gì/hôm nay) cùng với dấu “…” ở cuối câu diễn tả rất tài tình trạng thái ngập ngừng quyến luyến của kẻ ở lại, người đi.

* Kết bài

Bằng một nguồn cảm xúc chân thành, sâu lắng của một hồn thơ giàu tài năng và sáng tạo. Chỉ với một đoạn thơ ngắn, Tố Hữu đã thể hiện một cách khái quát nhất nỗi niềm và tình cảm của đồng bào chiến khu dành cho cán bộ cách mạng cũng như tình cảm của cán bộ chiến sĩ dành cho đồng bào khi về xuôi. Đấy là những giai điệu đầu tiên ngọt ngào nhất mà Tố Hữu dành cho đồng bào chiến khu. Vì thế khúc tâm tình Việt Bắc không còn là nỗi nhớ riêng tư của nhà thơ mà trở thành tiếng lòng của người kháng chiến đối với nhân dân, với Việt Bắc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro