Chí Phèo 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

[NGỮ VĂN] CHÍ PHÈO, NHỮNG VẾT MẢNH CHAI TRÊN MẶT VÀ ĐỊNH KIẾN

Chí Phèo, một cái tên quá đỗi quen thuộc trong nền văn học Việt Nam, với những vết sẹo chằng chịt trên mặt, tiếng chửi rủa, và một quá khứ bất hảo. Đi theo ngòi bút của Nam Cao tìm hiểu về cuộc đời Chí, ta thấy rằng việc hắn bị đẩy vào tù chỉ vọn vẻn câu văn "Chỉ biết một hôm Chí bị giải huyện rồi nghe đâu phải đi tù". Đi tù, một việc nghiêm trọng đến thế mà Nam Cao ại dùng từ "nghe đâu", dửng dưng như bao câu chuyện đùa truyền miệng ở làng quê. Bởi lý do của sự việc ấy quá đỗi vô lý - một cơn ghen của bá Kiến, và mặt khác cũng bởi, người dân làng Vũ Đại thờ ơ, chẳng quan tâm đến chuyện bất bình này. Cái người ta quan tâm là bề ngoài "trông gớm chết", những lần ăn vạ làng, ức hiếp, phá phách, đâm chém bá Kiến giao cho hắn làm. Một con người rõ ràng bị hãm hại vô cớ, bị đẩy vào những cơn say triền miên đến mức mất nhận thức cả về chính bản thân mình, bị lợi dụng như một công cụ đòi nợ thuê, lại bị người dân khinh rẻ, trong khi kẻ đứng sau tất cả lại được kính cẩn tung hô: "chỗ này "Lạy cụ", chỗ kia "Lạy cụ"". Tóm lại, người dân coi hắn là kẻ "ác", trái ngược hoàn toàn với họ, những người nông dân "thiện" lành bà chẳng bao giờ làm điều gì sai trái.

Vậy đến khi Chí Phèo "tỉnh dậy sau một cơn say rất dài", bắt đầu muốn quay lại thế giới thiện thì sao? Có thị Nở dở hơi coi hắn như một con người, coi hắn cũng biết yêu mà "thinh thích". Hắn cảm thấy dù quá khứ mình sống bằng giật cướp và doạ nạt, thị Nở vẫn sẽ mở đường cho hắn, hắn vẫn có thể làm hoà với mọi người, và đạt được ước mơ bình dị ngày xưa: chồng cáy thuê cuốc mướn, vợ dệt vải. Nhưng cũng chẳng được bao lâu. Bà cô thị Nở đã nhất quyết không cho thị lấy thằng Chí Phèo. Bởi "cái đời dài dằng dặc của bà, không có chồng", bà đau đớn nghĩ đến cảnh đứa cháu mang dòng dõi mả hủi, đã xấu hơn mình còn dở hơi, lại vượt qua được định kiến mà có chồng. Bởi những định kiến làng xã chẳng coi trọng "một thằng không cha", "thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ". Thị Nở chẳng biết cãi làm sao vì con người ấy "có quyền nói thế". Cái định kiến về xuất thân và quá khứ bất hảo ăn sâu đến mức một người dở hơi như thị còn cho rằng, con người có quyền để đẩy những kẻ từng sai lầm ra khỏi rìa xã hội. Những vết mảnh chai trên mặt Chí chính là những "vết thích" vĩnh viễn, không chỉ đánh dấu những hành động sai trái anh từng làm, mà cho rằng bản chất anh là một "con quỷ", anh không là người và cũng không bao giờ có quyền được làm người. Dù thực chất, làm người lương thiện vẫn là quyền của anh. Dù anh đã biết lỗi và khát khao sửa đổi. Dù "mỗi chúng ta đều rộng lớn hơn điều tồi tệ nhất mà chúng ta từng làm". Chí Phèo đã kêu lên đau đớn "Ai cho t.ao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này?" và chọn cái ch.ết như một sự giải thoát khỏi "trạng thái lưu vong trong xã hội của chính mình".

Trong cuốn "Thiện, ác và smartphone" từng viết về "vết nhơ":
"Vết nhơ, stigma, ... là chữ Hy Lạp cổ để chỉ vết sắt nung đóng lên mặt hay cơ thể của những người mà xã hội cần tránh xa: nô lệ, tội phạm, vô đạo đức, kẻ phản bội".
"Vết nhơ là giấy phép để người ta coi người bị dán nhãn không hẳn là người... Anh ta sống trong trạng thái lưu vong trong xã hội của chính mình".
Mình thấy, những vết sẹo của Chí Phèo cũng là một dạng "vết nhơ". Vết nhơ sẽ chẳng sao cả nếu con người không có định kiến và coi sai lầm là một phần của cuộc sống, nhưng tâm lý con người không như vậy. Vết nhơ khiến người dân làng Vũ Đại đẩy Chí ra khỏi xã hội loài người, coi anh là một con quỷ và chặn kín con đường hoàn lương. Họ chẳng mảy may xót thương cho mạng người vừa ra đi, kẻ mừng thầm, kẻ mừng ra mặt "thằng nào chứ hai thằng đấy chết thì không ai tiếc", bởi họ luôn nhận mình là những người "thiện" và coi Chí Phèo - kẻ chỉ biết ăn vạ và c.hém g.iết - không phải một con người, hắn là một "con quỷ của làng Vũ Đại". Họ đang "phi nhân hoá" Chí Phèo, quá trình được Đặng Hoàng Giang định nghĩa là phủ nhận anh ta cũng "có những cảm xúc phức tạp như hối hận, tự hào hay hoài niệm, biến họ thành những tranh ... ác hiểm. Như một kỹ xảo phần mềm, chúng ta lấy hình ảnh một con người và biến nó thành quái vật, sâu bọ, côn trùng, tà ma, ác quỷ". Chí Phèo thực chất vẫn là một con người, anh ta có sai lầm nhưng anh ta vẫn là một con người, vậy những người dân hắt hủi, kỳ thị, thậm chí là cười trên cái c.hết của người khác có thực sự "thiện" như họ vẫn tưởng? Liệu niềm tin lấy một cái sai để bù đắp cho một cái sai sẽ ra cái đúng, hay lấy định kiến để đẩy lùi cái ác có thực sự hiệu quả? Nam Cao đã chỉ ra kết cục trong chính tác phẩm của mình: Chí Phèo hoàn lương nhưng thật khó để sống tiếp, bá Kiến ra đi nhưng vẫn còn lí Cường, Đội Tảo. Hình ảnh cái lò gạch cũ xuất hiện ở đầu truyện tiếp tục lặp lại ở cuối truyện, kết cấu vòng tròn báo hiệu một "Chí Phèo" mới sẽ ra đời, và nút thắt sẽ chẳng được hoá giải.

Nam Cao đã chỉ ra một vỉa hiện thực rất mới so với các nhà văn hiện thực phê phán cùng thời. Ông không chỉ tái hiện sự mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và giai cấp nông dân, mà còn vạch trần sự mâu thuẫn trong chính nội bộ giai cấp: sự tranh giành quyền lực giữa Đội Tảo và bá Kiến, những định kiến chồng chéo giữa những nông dân lương thiện. Từ đó đào sâu vào bi kịch tinh thần của những kẻ từng tha hoá, t.ù tội như Chí Phèo sẽ chẳng có con đường trở thành người lương thiện, cái ch.ết không chỉ vì bị giai cấp thống trị áp bức, bóc lột mà còn bởi sự cô đơn trong chính xã hội của mình. Mà "cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau", vậy nên sự lựa chọn của Chí Phèo là không thể tránh khỏi. Qua đó, Nam Cao đã lên án không chỉ sự độc ác của giai cấp thống trị - những kẻ đã đẩy Chí Phèo vào con đường tha hoá, mà còn sự thờ ơ của người dân làng Vũ Đại - những người mang định kiến khiến anh không thể quay về xã hội con người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#vanhoc