Ai Đã Đặt Tên Cho Dòng Sông

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


BẢN SĂC TÂM HỒN HUẾ

Trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông”- Hoàng Phủ Ngọc Tường.

1. Bản sắc dân tộc trong văn học.

1.1.Định nghĩa.

Bản sắc dân tộc trong văn học là tổng hòa các đặc điểm chung trong các sáng tác của một dân tộc, nhằm so sánh, phân biệt với các dân tộc khác.

1.2.Biểu hiện.

-Màu sắc dân tộc (ngôn ngữ, thiên nhiên, phong tục, lối sống,..)

-Tinh thần dân tộc (tính cách dân tộc, cách nhìn của dân tộc với thế giới, tinh thần của nhà nghệ sĩ với các vấn đề dân tộc,..)

-Hình thức nghệ thuật (thể loại, ngôn ngữ, giọng điệu,...)

1.3.Ý nghĩa.

Như một chân lý muôn thuở, mọi tác phẩm mang tính dân tộc đều có sức sống lâu dài, góp phần bất tử hóa tên tuổi nhà văn. Với dân tộc đó, nó gìn giữ, phát huy bản sắc riêng, cũng là cơ sở cho dân tộc khác thêm am hiểu nhiều nền văn hóa, và làm phong phú thêm dòng chảy văn học dân tộc.

2.Hồn Huế trong những sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

2.1.Sinh ra và lớn lên ở Huế, chính mảnh đất cố đô đã khơi nguồn cho nhà văn. Am tường Huế, yêu Huế, chất cố đô từ đó thấm sâu vào từng mạch máu, chảy tràn trên từng trang viết, lắng sâu trong lớp vỏ ngôn từ.

Huế đi vào sáng tác của Hoàng Phủ một cách tự nhiên như thế. Tôi chợt hiểu vì sao nhà văn Tô Hoài, một trong những bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ, khi giới thiệu về tập kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường đã không nói gì thêm ngoài những dòng văn của Hoàng Phủ, để rồi cuối cùng bật thốt lên: “Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trằm cả tâm hồn mình trong khôn mặt cuộc đời cùng với đất trời sông nước của Huế”. Trong mọi không gian và thời gian, miễn là dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn, Huế đều hiện lên rất thật và quen, như mảnh tâm hồn của chính mình, hễ chạm vào lại thấy thêm yêu thêm thương một con người gần gũi và dung dị. Huế từ một mảnh đất xa lạ đã trở về thân thuộc với ta bằng chính những sáng tác ấy.

2.2.Là một cây bút đa thể loại, nhưng hễ cứ nhắc đến Hoàng Phủ Ngọc Tường, người ta lại nhớ đến công lao đi đầu trong thể kí. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân từng nhận định: “Kí Hoàng Phủ Ngọc Tường có rất nhiều ánh lửa”. Hiển nhiên rằng, Hoàng Phủ đã chắt chiu rất nhiều ánh lửa từ cuộc sống và con người Huế. Lửa từ cuộc đời, của hồn cốt cố đô, lửa từ trái tim người nghệ sĩ quyện hòa làm một, tạo nên những trang viết có rất nhiều ánh lửa, mang sức lan tỏa đến muôn đời. Và bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là một trong số đó.

3.Bản sắc tâm hồn Huế trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông”.

3.1.Cơ sở.

Sau 1975, văn học đã thực hiện bước chuyển mình đầy ngoạn mục. Người nghệ sĩ nhận ra: “Không thể viết như trước được nữa” (Lê Lựu). Quả có vậy! Hòa bình lặp lại, đề tài chiến tranh lập tức hoán ngôi đổi vị, nhường chỗ cho mảng đề tài đời tư thế sự, xoay quanh những vấn đề muôn thuở. Nằm trong mạch ấy, bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, viết năm 1981, chính là hành trình đi tìm những vỉa tầng văn hóa Huế đã thành trầm tích với thời gian.
Chưa dừng ở đó, không đơn giản chỉ dừng lại ở đề tài, cái làm nên nét riêng trong cách thể hiện bản sắc tâm hồn Huế còn ở điểm nhìn của nhà văn. Có lần trong “Hoa trái quanh tôi”, Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Có lẽ thiên nhiên đã giữ một vai trò nào đó thực quan trọng trong sự tổng hợp nên cái mà người ta có thể gọi là “bản sắc Huế””. Và trong suốt tùy bút, nhà văn vẫn đau đáu, khắc khoải mãi cái khao khát “gửi gắm vào đấy tất cả ước vọng muốn đem cái đẹp và tiếng thơm để xây đắp văn hóa và lịch sử”. Quan điểm đó đã chi phối mạnh mẽ đến cách nhìn và cách biểu đạt của nhà văn.

Về cách nhìn, không đơn giản chỉ là dòng Hương giang của Huế, chảy trong lòng Huế, con sông được nhà văn khéo léo lồng ghép ở đó hình bóng, quan trọng hơn là tâm hồn người Huế. Chẳng phải ngẫu nhiên, Hoàng Phủ liên tiếp gọi sông Hương bằng những cái tên đầy hấp dẫn: “cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại”, “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”, là “người gái đẹp ngủ mơ màng”, “người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya”... Con sông hay con người? Đơn giản chỉ là dòng sông hay còn nói điều gì sâu kín? Thật vậy! Miêu tả không chỉ để miêu tả. Hoàng Phủ vẽ sông mà ngỡ như đang gọi đến một con người, là người Huế, mang trong mình bản sắc tâm hồn đặc trưng. Nếu Nguyễn Tuân tìm thấy “thứ vàng mười đã qua thử lửa” ở mảnh đất Tây Bắc, thì Hoàng Phủ cũng tự khơi cho mình chất vàng mười của riêng mảnh đất cố đô nghìn năm văn hiến. Nhà văn gửi gắm hình bóng Huế trong dòng Hương giang - người tài nữ, người thiếu nữ của riêng mình Huế. 

Về cách biểu đạt, không mấy ngạc nhiên khi Hoàng Phủ vận dụng nhuần nhuyễn cấu trúc so sánh. Một loạt các hình ảnh độc đáo được nhà văn tung ra, như xấy đắp, như khắc tạc nên bóng hình một con người, một xứ sở trải đầy trầm tích văn hóa. Song song đó, phải kể đến nghệ thuật ẩn dụ. Bằng óc liên tưởng độc đáo, ngòi bút phóng khoáng, tung hoành, Hoàng Phủ đã dốc toàn bộ cái đẹp, cái thơ cái tinh túy của một vùng văn hóa xứ sở vào hình tượng dòng sông. Không mấy khó khăn để nhận ra “người gái đẹp” kia chính là Hương giang, nhận ra rằng đằng sau hình tượng dòng sông là bộ mặt văn hóa của mảnh đất kinh kì lâu đời.
Bởi những lẽ trên, bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” xứng đáng là niềm xưng tụng bản sắc tâm hồn Huế, thể hiện dưới ngòi bút tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

3.2.Biểu hiện của bản sắc tâm hồn Huế.

“Bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường hấp dẫn người đọc ở tấm lòng nhân văn sâu sắc, trí tuệ uyên bác và chất Huế thơ huyền hoặc, quyến rũ. Đó là những trang viết tài hoa, tài tử tài tình...” (nhà thơ Ngô Minh)

3.2.1.Duyên dáng.

Nếu được gọi Huế bằng một từ, chẳng ngần ngại gì mà không xướng tên: Huế duyên dáng. Chưa bao giờ người ta quên sắc tím của chiếc áo dài mềm mại, phấp phới trên phố. Chưa bao giờ chiếc nón bài thơ thôi làm người ta xuyến xao, rung động. Là vì Huế duyên dáng quá, yêu kiều quá. Làm sao không yêu, không say?

Chẳng phải áo dài, chẳng phải chiếc nón, Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ kịp tung ra vài ba hình ảnh so sánh mà đã gọi dậy nét duyên thầm xứ Huế ẩn khuất tiềm tàng lâu đời. Thật ấn tượng khi ông ví Hương giang với “người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại”. Coi con sông như con người, lại là người gái đẹp, há chẳng phải Hoàng Phủ đang ngợi ca vẻ đẹp của dòng sông? Song, chưa phải điều ấn tượng nhất. Nếu để ý, hẳn sẽ không nỡ bỏ qua tư thế “ngủ mơ màng giữa cánh dồng Châu Hóa đầy hoa dại” của “người thiếu nữ”. Cái dáng ngủ thực lắm mà cũng thơ lắm! Có chút gì duyên dáng, yêu kiều khiến tôi gợi nhớ đến người thiếu nữ trong thơ Hồ Xuân Hương:

“Trưa hè hây hẩy gió nồm đông

Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng

Lược trúc biếng cài trên mái tóc

Yếm đào trễ xuống dưới nương long.”

(Thiếu nữ ngủ ngày).

Nhưng nếu thiếu nữ ở thơ Hồ Xuân Hương vì say ngọn gió nồm đông mà quá giấc nồng thì thiếu nữ của Hoàng Phủ vì đắm say cánh đồng Châu Hóa ngự đầy hoa dại mà mơ màng, cho đất trời xứ Huế thêm mơ mộng, duyên dáng. Câu thơ Hồ Xuân Hương tươi. Câu văn Hoàng Phủ mộng, vừa đọc lên đã đập ngay vào tâm trí độc giả, nhưng không phải ấn tượng về thể xác bên ngoài mà là vẻ đẹp yêu kiều bên trong. Thoạt nhìn, tưởng nhà văn miêu tả con người mà không phải, là gợi ra con người, hồn người, nét duyên thầm xứ Huế từ một dòng sông vô tri vô giác. Hãy nhìn cách Hoàng Phủ tả dáng sông: như người gái đẹp với những “đường cong thật mềm”, mềm đến độ nhà văn phải reo lên: “dòng sông mềm như tấm lụa”. Nhà văn nhìn ngắm những đường cong quyến rũ mà ngỡ như tận tay sờ thấy. ấn tượng về thị giác thay thế bằng xúc giác. Nếu viết: “những đường cong thật đẹp”, câu văn trôi tuột, tầm thường hẳn, làm giảm đi mức độ duyên dáng của dòng sông. Cách sử dụng từ độc đáo, mới lạ kết hợp với lối liên tưởng thú vị, mang đến cảm giác chân thật về vẻ đẹp thiếu nữ của Hương giang. Như nhìn thấy. Như sờ thấy. Như nắm bắt gọn ghẽ trong lòng bàn tay. Tự hỏi, dòng sông hay người con gái? Đến cả người ngày đêm nhìn ngắm nó như Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng có lúc nhầm con sông với “người tài nữ”. Có khi là Kiều: “Sông Hương quả thực là Kiều, rất Kiều”. Chưa cần biết mặt mũi ra sao, chỉ nghe cái tên Kiều đủ hiểu dòng sông thật duyên dáng, đáng yêu đến độ. Hồn Huế lâu đời gửi cả trong đó.

Nhưng chưa hết. Dõi theo thủy trình của sông mới thấy có lúc Huế thực yêu kiều, thực thiếu nữ như chính cách con sông chảy trong lòng Huế vậy. Đến đây, ngòi bút tài hoa của người nghệ sĩ có cơ hội trổ tài, thử sức trên dòng sông ngôn ngữ. Sau khi đi qua một loạt các địa danh, từ Hòn Chén, vấp Ngọc Trản, bãi Nguyệt Biều, Lương Quán, con sông “đột ngột vẽ một hình cung thật tròn về phía đông bắc”. Lẽ thường, “đột ngột” diễn tả hành động nhanh, gọn, gấp, kì thực chẳng lấy gì là thơ. Nhưng theo sau là động từ “vẽ”, câu văn thơ hẳn. Dòng chảy ngỡ như cuộc kiếm tìm chân lý của nghệ thuật. Chảy mà như khai sinh ra cái đẹp. Có phải “những đường cong thật mềm” kia chính là kết quả của những nét vẽ mềm mượt này? Có phải con sông đang “duyên dáng hóa” chính mình, làm nên vẻ đẹp yêu kiều cho Huế? Được đà phóng bút, Hoàng Phủ Ngọc Tường tiếp tục biến hóa hành trình đang chảy của sông như hành trình yêu của con người, khi ông viết: con sông “ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế”, không phải “chảy quanh đồi Thiên mụ” mà là “ôm”- một hành động của con người, lại là hành động đầy tình tứ của tình yêu. Một cách không ngờ, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã biến hành trình của con sông thành cuộc hẹn hò ngọt ngào, ấm áp của những cặp tình nhân yêu nhau. Sông Hương như “người gái đẹp” duyên dáng ôm ấp “người tình mong đợi” của mình.

Chỉ một vài hình ảnh, một vài từ ngữ mà gọi dậy vẻ đẹp Hương giang, gọi dậy hồn Huế, nét duyên dáng của Huế, là điều mà chỉ những ai gắn bó, yêu thương Huế mới có thể làm được.
 

3.2.2.Dịu dàng.

Xin mượn lời nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo để nói về nét tính cách này:

“Sao thèm một điệu gì xưa lắm

Thèm đọc một đoạn văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Có ai đó rót chiều vào chén ngọc

Huế dịu dàng xây bằng khói và sương”.

Có lẽ chẳng cần phải nói nhiều, rằng cứ nhắc đến Huế, người ta không bao giờ quên được nét tính cách dịu dàng rất riêng, không trộn lẫn vào đâu. Viết về Huế bằng tất cả niềm hăng say và hứng thú, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã hơn bốn lần sử dụng trực tiếp tính từ “dịu dàng”, nhân hóa Hương giang, cũng đồng thời nhấn mạnh bản sắc tâm hồn Huế, tính cách Huế: “Có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi của hoa đỗ quyên rừng”, “sông Hương mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ”, là “người con gái dịu dàng của đất nước”.
          Sông Hương dịu dàng ở chính dòng chảy của nó. Miêu tả thủy trình của sông, Hoàng Phủ viết: “Từ ngã ba tuần, sông Hương theo hướng nam bắc, qua điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản, nó chuyển hướng sang Tây Bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biều, Lương Quán rồi đột ngột vẽ một đường cung thật tròn về phía đông bắc, ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế”. Một loạt các địa danh được liệt kê nhằm phức tạp hóa thủy trình của sông. Một loạt các động từ được Hoàng Phủ đặt cạnh nhau nhằm đa dạng hóa trạng thái chảy. Chỉ có điều, để ý kĩ sẽ thấy, cả câu văn dài không có lấy một động từ mạnh: “qua, chuyển hướng, vòng qua, ôm lấy,...”. Thậm chí ngay cả lúc rẽ “đột ngột” nhất cũng thực dịu dàng: “rồi đột ngột vẽ một đường cung thật tròn”. Câu văn ngắt nhịp liên tục nhưng đọc lên thấy chậm hẳn. Có cảm giác, mỗi địa danh là một viên ngọc sáng và dòng sông chính là sợi dây xâu chuỗi từng viên ngọc nhẹ nhàng, như vuốt ve, như mơn trớn. Hoàn tất chiếc vòng ấy là hoàn thiện chiếc vòng lấp lánh, để hoàn hảo hóa một vẻ đẹp mang tên “sông Hương”. Viết được câu văn như vậy thực không dễ. Nếu coi làm văn là đối diện với “pháp trường trắng” (Nguyễn Tuân) thì quả thực Hoàng Phủ Ngọc Tường chính là người thợ “phu chữ” kì tài (chữ của Lê Đạt). Ở một góc độ khác, nhà văn chính là người truyền lửa, giữ lửa, ngọn lửa của văn hóa nghìn năm cố đô, của bản sắc tâm hồn con người Huế.

Huế dịu dàng. Cứ nhìn ở lưu tốc dòng Hương giang sẽ thấy. Trái ngược hoàn toàn với dòng sông Đà, “dài hàng cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn làn gió gùn ghè” trong những trang tùy bút của Nguyễn Tuân. Dưới cái nhìn của nhà văn gốc Huế, dòng sông Hương “khi đi qua thành phố đã trôi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là mặt nước hồ yên tĩnh”. Không phải “trôi chậm”, không phải “thực chậm”, mà là “trôi chậm, thực chậm”. Câu văn ngắt thành hai nhịp. Nói sông Hương trôi chậm là nói đến nhịp linh hồn Huế bởi chậm vốn là linh hồn nghi lễ cố đô, hay cũng chính là nét dịu dàng con người Huế. Nhưng “chậm, thực chậm” còn thêm một lần nhấn mạnh, tạo cảm giác tin tưởng, thuyết phục hơn nữa về vẻ đẹp này.Trôi chậm mà ngỡ không trôi, ngỡ là “mặt hồ yên tĩnh”. Lấy động mà tả tĩnh, mới hay từng cứ chỉ của “người gái đẹp” ấy thật nhẹ nhàng, dịu dàng, khoan thai.

Đậm tô lưu tốc dòng Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đưa ta về với giấc mơ lộng lẫy của tuổi dại với kí ức xa xôi khi cùng ta thăm dòng Nê-va mùa băng tan. Khi Nê-va “đã chảy nhanh quá”, trôi đi và để lại sau lưng bao tiếc nuối, hẫng hụt, “lúc ấy, tôi nhớ lại con sông Hương của tôi, chợt thấy quý điệu chảy lặng lờ của nó khi ngang qua thành phố. Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”. Cái lạ của con sông viễn xứ chỉ đủ cho nhà văn thấy thích thú “cuống quýt vẫy tay”. Cái hồn cốt ở con sông xứ sở mới đủ sức mạnh đánh thức “giấc mơ lộng lẫy của tuổi dại”, bùng lên nỗi nhớ, thấm thía cái quý, cái yêu. Bởi điệu chảy sông Hương là nhịp sống bằng lặng, hiền hòa, điệu tâm hồn dịu dàng của huế. Chính sông Hương đã tiếp thêm niềm hạnh phúc cho Huế, vừa sống, vừa lắng nghe, vừa cảm nhận, giải thoát khỏi nhịp sống gấp gáp, dòng đời hối hả vốn đã thành ám ảnh về kiếp sống ngắn ngủi trên đời. Vì thế, trong thẳm sâu nỗi nhớ còn ẩn chứa một lòng biết ơn. Với Hoàng Phủ Ngọc Tường, đi xa để về gần, biết con sông xứ người để yêu thêm con sông xứ sở, trải nghiệm viễn xứ để trân trọng nét đẹp bản sắc quê hương mình. Dịu dàng, chậm rãi, thong thả đến nỗi, không riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường, chính Hàn Mặc Tử cũng đồng tình, cho rằng:

“Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”

(Đây thôn Vĩ Dạ)

Và nhà thơ Thu Bồn có lần phải thốt lên:

“Con sông dùng dằng con sông không chảy”

(Tạm biệt Huế) 

Là vẫn chảy đó thôi. Chỉ có điều, nhẹ nhàng quá, dịu dàng quá, tình tứ quá, “người thiếu nữ” ấy đã đánh lừa đôi mắt của kẻ si tình. Nét tính cách ấy khiến Hoàng Phủ Ngọc Tường thấy quý. Và còn hơn cả quý, là yêu, là tha thiết, là say mê, chìm đắm. Một cách tự hào, nhà văn gọi đó là “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”. Sông Hương hóa bản nhạc dịu dàng, du dương, trầm mặc. Càng tự hào hơn bởi “điệu slow” tình cảm kia dành riêng cho Huế, của riêng mình Huế, trở thành điệu tâm hồn đặc trưng của mảnh đất kinh kì.

3.2.2.Sâu kín.

Không đâu như người Huế, thật kín đáo, ý nhị. Đó là nét bản chất như đã ăn sâu vào cốt tủy. Người Huế ưa sống nội tâm, đời sống tinh thần phong phú thêm sâu sắc, kín đáo hơn tính cách, tâm hồn Huế. Trước Hoàng Phủ Ngọc Tường, nét âm điệu dịu dàng và kín đáo: “lá trúc che ngang mặt chữ điền” từng làm say đắm, da diết, khắc khoải đến đớn đau Hàn Mặc Tử. Chọn được thể kí, mượn được sông Hương, Hoàng Phủ có điều kiện đi sâu hơn nét đẹp văn hóa này.

Tìm về cội nguồn sông Hương với Hoàng Phủ Ngọc tường cũng là hành trình tìm về cội nguồn tâm hồn Huế. “Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”. Nghệ thuật nhân hóa đã trao cho sông Hương một tâm hồn. Người con gái Hương giang không chỉ mang khuôn mặt kinh thành đài các, sang trọng của mảnh đất kinh kì mà còn có “tâm hồn sâu thẳm’ rất Huế. Thế nhưng, mảnh tâm hồn ấy dường như đã “đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”. Cứ ngỡ Hương giang giống như nàng thiếu nữ sống một cuộc đời riêng, với một tâm hồn riêng mà chỉ nó mới thấu. Nhưng không phải sự khép mình vì hoài nghi. Không phải sự khép mình đoạn tuyệt vì lạnh lùng, cô độc. Đó là ý thức giữ mình đầy tự trọng và kiêu hãnh của người con gái ý thức được vẻ đẹp của mình. Chẳng phô lộ vô duyên, chẳng khoe khoang tự mãn, giữ mình cũng là một cách giữ gìn vẻ đẹp riêng cho Huế, cho thành phố thân yêu của mình. Chính vì thế, sự kín đáo sâu thẳm ở nó không những không khiến ta thấy cách biệt xa xôi mà càng quyến rũ, gọi mời, mê đắm. Tự nhiên như thế, Hoàng Phủ Ngọc Tường qua hình ảnh này đã xác lập tâm thế của một vị khách tình si trên hành trình kiếm tìm, chinh phục người con gái đẹp dịu dàng của Huế, cũng là hành trình một tâm hồn đắm say với Huế đi tìm bề sâu tâm hồn người Huế đó chăng?

Đến với sông Hương, chỉ mải mê nhìn ngắm dòng chảy lặng lờ của nó mà bỏ qua nhịp sống ven sông thì thật đáng tiếc. Bởi lẽ, từng gốc cây, chiếc lá đều toát lên một vẻ sâu lắng, kín đáo như chính hồn cốt cố đô vậy: “Những cây đa, cây dừa cổ thụ tỏa vầng lá u sầm xuống xóm thuyền xúm xít; từ những nơi ấy, vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được”. Bóng cây cổ thụ tỏa lan, bao bọc lấy xóm làng. Dẫu rằng xuất hiện hình ảnh “những xóm thuyền xúm xít” nhưng hình như cái đông đúc của cuộc sống sinh hoạt không làm cho bức tranh trở nên ấm hơn, cũng chẳng thể đẩy lùi vẻ thâm u, tĩnh mịch, yên ả, sâu lắng của Huế. Sự sống dường như đã ngừng lại ở chính khoảnh khắc ấy, cơ hồ chỉ còn lại một chút gì sâu kín lắng đọng. Đặt trong mối tương quan với các thành phố khác, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhấn mạnh: “Từ những nơi ấy, vẫn lập lòe trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ mà không một thành phố hiện đại nào còn nhìn thấy được”. Ở các thành phố hiện đại khác, cuộc sống hiện đại hóa dường như đã lấn át tất cả những gì thuộc về xưa cũ, rêu phong. Khi tất cả đang tiến xa dần quá khứ thì trên hành trình ấy, Huế vẫn không quên nán lại, cùng với tâm hồn sâu sắc của mình mà âm thầm, kín đáo gìn giữ lớp phù sa văn hóa tự ngàn đời.
Đến với Huế, nhìn ngắm dòng Hương giang lặng lờ chảy chắc chắn rằng điều đầu tiên và thi vị nhất thu hút mọi ánh nhìn là mặt hồ. Có phải vì thế, Hoàng Phủ Ngọc Tường rất dụng công trong việc đặc tả mặt nước. Nhưng dẫu thế nào ta vẫn thấy ở đó chứa đựng toàn bộ tâm hồn sâu kín của Huế. Và kì thực, chỉ Huế mới có mà thôi. Nhà văn viết: “Sông Hương khi qua thành phố đã trôi đi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh”. Chỉ duy nhất một tính từ “yên tĩnh” mà gợi được cả bộ mặt của dòng sông, bằng lặng, kín đáo và êm dịu, như đang tư lự, suy nghĩ, đắn đo một điều gì sâu kín, như ẩn chứa tâm trạng không nói ra. Một lần nữa, Hương giang ném chiếc chìa khóa mở cánh cửa tâm hồn mình, như vừa mời gọi, vừa thách thức “người tình mong đợi” kiếm tìm bí ẩn, giải mã vực thẳm trong tâm hồn mình. Thật ấn tượng khi Hoàng Phủ viết: “Hàng trăm cánh hoa đăng bồng bềnh vào những đêm hội rằm tháng bảy từ điện Hòn Chén trôi về, qua Huế bỗng ngập ngừng như muốn đi muốn ở, chao nhẹ trên mặt nước như những vấn vương của một nỗi lòng”. Dòng sông đang muốn nói điều gì? Muốn gửi gắm nỗi lòng gì? Giấu giếm bí ẩn gì? Chẳng biết nữa! Chỉ biết, mỗi bông hoa đăng trên mặt sông chứa đựng một tâm tư, một nỗi niềm, một trái tim, một tâm hồn những người con đất Huế. Chỉ biết những mảnh tâm hồn ấy cùng nhau “trao nhẹ trên mặt nước”, ngập ngừng như muốn đi muốn ở, đắn đó nửa muốn giãi bày, nửa như giấu kín. Và còn biết, đó là tâm hồn, tính cách Huế. Chẳng khoa trương, chẳng ồn ào, chỉ nhẹ nhàng, sâu lắng, kín đáo như thế, đủ làm xao xuyến lòng người.

Và có khi, sông Hương trở thành cô dâu kín đáo sau chiếc khăn voan màu trắng làm bằng sương. Ấy là vào những tiết sương giáng, “sương khói ven sông Hương giống như tấm voan huyền ảo của tự nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông”. Hương giang vẫn luôn ở đó chờ đợi “người tình mong đợi” đến vén chiếc khăn kì ảo kia, đánh thức tâm hồn sâu kín vốn thấy của nó.

Huế đã hiện lên chân thật, đầy đủ như thế. Từ dáng sông, ven sông đến mặt sông, tất cả đều toát lên vẻ sâu lắng, kín đáo. Đó phải chăng là điều tác giả muốn nhắn gửi, một Huế sâu kín?
 

3.2.4.Thủy chung.

Hẳn phải có lí do khi thủy chung được coi là nét đẹp tâm hồn Huế. Người ta đặt tên cho Huế là mảnh đất thủy chung, màu tím Huế là màu chung thủy. Như một nét bản chất đã ăn sâu vào ngọn ngành gốc rễ, cốt tủy, tâm hồn Huế.

Yêu thương và chưa bao giờ thôi tự hào về mảnh đất cố đô. Ngay phần mở đầu, nhà văn đã kể, nói đúng hơn là “khoe” về “kho báu” của quê hương mình: “trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến. Hình như chỉ có sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất”. Nếu không để ý, rất dễ nhận thấy câu văn lạc lõng giữa toàn bài. Nhưng không! Người nghệ sĩ tài hoa không bao giờ được phép nói thừa. Nếu xét ở góc độ văn hóa, chắc chắn sẽ hiểu dụng ý của tác giả. Tự hỏi, sông Hương thuộc về một thành phố duy nhất thì có gì đáng nói? Có phải vì yêu Huế quá mà sông Hương một mực chung tình chỉ dành riêng cho Huế? Có phải vì yêu sông quá mà Huế sẵn sàng ôm ấp, bao bọc để con sông yên tâm chảy trong lòng mình? Có phải vì tình sâu nghĩa nặng, vì hai chữ “thủy chung” nên sông Hương là dòng duy nhất thuộc về một thành phố? Một lần nữa, nhà văn nhấn mạnh: “Sông Hương nằm ngay trong lòng thành phố yêu quý của mình”. Câu văn đọc lên tình tứ hẳn. Như lời tâm sự, thủ thỉ, lời khẳng định, lời hứa, lời thề suốt đời một lòng son sắt với Huế. Sông cũng như người, dẫu đi xuôi về ngược, lên rừng xuống biển, dòng máu âm nóng vẫn chỉ chảy cho quê hương xứ sở mà thôi.

Nhưng chưa hết. Thấy nhà văn thật tài tình khi nhận ra, sông Hương thủy chung ngay ở hướng chảy của nó. Nhà văn viết: “Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vỹ Dạ”. Con sông được người hóa, cũng biết lưu luyến ra đi như một người con rời xa bà mẹ quê hương. Nhưng dòng sông lưu luyến điều gì? Hẳn phải có lí do riêng. Sinh thời, Hàn Mặc Tử trong giây phút gần đất xa trời vãn không thôi nuối tiếc, nhớ mong “màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ”:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ? 

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. 

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc 

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.

(Đây thôn Vĩ Dạ).

Huế đẹp thế, thơ mộng thế, nếu không buồn, không nhớ, không xót xa, không lưu luyến khi phải rời đi, hẳn là một điều đáng tiếc. Phải chăng vì thế, “như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối”. Lần này, dòng Hương giang hình như không còn giữ nổi vẻ điềm đạm, lững lờ, thư thái như ở đoạn đầu. Nó “đột ngột đổi dòng” như chưa kịp suy nghĩ. Là yêu Huế quá chăng? Là nỗi vấn vương đến độ cồn cào, nôn nóng, ngay lập tức phải “rẽ ngoặt” để “gặp lại thành phố lần cuối”? Hành động đột ngột khiến ta không khỏi ngạc nhiên, cảm phục trước tình cảm chung thủy lớn lao sông Hương dành riêng cho Huế, cũng như tấm lòng son sắt người Huế dành cho quê hương xứ sở, và cho nhau. Gặp lại thành phố, nhưng quan trọng hơn, còn để “nói lời thề trước khi về biển cả: Còn non, còn nước, còn dài, còn về, còn nhớ”. Lời thề ấy vang vọng khắp lưu vực sông Hương thành giọng hò dân gian. Để một con sông vô tri vô giác cũng biết thề, viết vương vấn như nàng Kiều trong đêm cùng Kim Trọng. Nhà văn đã yểm cho con sông cái linh hồn, sức sống như con người, trao cho Hương giang quyền năng tối thượng biết cảm nhận, hoạt động như con người. Giữa vô vàn lựa chọn, sông Hương quyết định quay đầu nhắn gửi lời thề son sắt, thủy chung cho người tình yêu dấu của mình. Dòng chảy mà ngỡ như cuộc hẹn duyên, cuộc thề ước của đôi trai gái yêu thương, gắn bó. Suy cho cùng, mọi liên tưởng, ví von đều phục vụ cho mục đích cao cả nhất: hướng về con người. Ở đây cũng không ngoại lệ. Miêu tả không hẳn chỉ miêu tả. Cái đích cuối cùng nhà văn muốn khẳng định: “Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống con người ở đây...ấy là tấm lòng người dân nơi Châu Hóa xưa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở”. Câu văn kết lại toàn đoạn, là lời khẳng định, lời thề danh dự, lời nhắn nhủ sâu sắc đến các thế hệ sau về trách nhiệm lưu giữ, phát huy bản sắc tâm hồn Huế: Chung thủy, nghĩa tình, một lòng một dạ với quê hương, đất nước.

V. Kết luận.

Ai đã đặt tên cho dòng sông? Truyền thuyết kể rằng, người làng Thành Trung có nghề làm rau thơm. Vì yêu quý con sông xinh đẹp, nhân dân hai bên đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông cho dòng nước thơm tho mãi mãi. Hương của hoa hay hương của lòng? Hương hoa hòa cùng cốt cách tấm lòng Huế, như thêm một lần gửi gắm, một lần gìn giữ, một lần trầm tích thêm lớp phù sa bản sắc tâm hồn cố đô tự nghìn đời.

Một nhà văn lớn phải là nhà văn vượt ra mọi bờ cõi và giới hạn của văn học vùng, văn học địa phương, trở thành nhà văn dân tộc, vươn ra ngưỡng toàn thế giới. Tôi tin rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường đủ tầm làm điều đó. Nhưng dẫu sao vẫn cứ muốn đặt người nghệ sĩ ấy cho riêng Huế. Bởi từ lâu, ông đã là một mảnh tâm hồn Huế rồi. Và qua ngòi bút tài hoa của mình, gọi dậy bản sắc tâm hồn cố đô:

Duyên dáng – dịu dàng – sâu kín – thủy chung!

HOCVANVANHOC

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#vanhoc