Hồn Trương Ba .....

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT – Lưu Quang Vũ
Viết theo yêu cầu của rất nhiều em. Chúc các em học tốt nhé!

ĐỀ BÀI:
   Phân tích hai đoạn đối thoại sau trong đoạn trích vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ:
- Đoạn 1:
   Hồn Trương Ba: Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!
…………………………………………………………………………………….
   Hồn Trương Ba: …Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!
- Đoạn 2: Đoạn kết  (…)
Dàn ý chi tiết:
I. MỞ BÀI:
   Ở phương Tây có một câu nói rất hay: “To be or not to be” (Sống hay tồn tại). Từ xa xưa, quan niệm về “sống” và “tồn tại” trong cuộc đời, giữa biển người là hoàn toàn khác nhau. “Tồn tại” chỉ là sự hiện hữu sinh học, còn “sống” đúng nghĩa phải là sự thỏa mãn cả về vật chất lẫn tinh thần, phải là chính mình chứ không phải là bàn sao của bất kì ai. Một khía cạnh quan trọng trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ đã bàn đến vấn đề này. Lưu Quang Vũ – một nhà viết kịch nổi tiếng của văn học Việt Nam đương đại. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được xem là vở kịch đặc sắc của ông, viết năm 1981, đến năm 1984 ra mắt công chúng, nhanh chóng tạo được thiện cảm đối với người xem. Trong vở kịch, đoạn đối thoại ở cảnh VII – lúc hồn Trương Ba gọi Đế Thích xuống giải bày những khó khăn khi trú ngụ trong xác hàng thịt và đoạn kết vở kịch là đoạn đối thoại hay, để lại ấn tượng saai sắc trong lòng người đọc, người xem.
II. THÂN BÀI:
1. Hơn 25 năm nhìn lại, người đọc nhận ra rằng giá trị của vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ đã vượt qua sự băng hoại của thời gian. Lưu Quang Vũ đã viết kịch chính luận - trữ tình, đặt được những vấn đề nhân sinh - xã hội, trên một trực giác vô cùng bén nhạy của thi sĩ. Lưu Quang Vũ tự lý giải rành mạch: “Trong quan niệm của tôi, thơ và kịch rất gần nhau. Có lẽ thơ với kịch còn gần nhau hơn là thơ với văn xuôi”. Vì thế mà vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ nồng đượm hơi thở của đời sống.
   Trương Ba là người là vườn, giỏi đánh cờ yêu thương mọi người, sống nhân hậu và chân thực. Do sự tắc trách của quan trời, Trương Ba đã chết một cách vô lí. “Thiện ý” sửa sai của tiên cờ Đế Thích nhằm trả lại sự sống cho Trương Ba nhưng vô tình đẩy Trương Ba vào nghịch cảnh vô lí hơn: linh hồn nhân hậu, trong sáng của Trương Ba phải trú nhờ trong thân xác thô lỗ, phàm tục của anh hàng thịt. Do phải sống nhờ trong thể xác của người khác, hồn Trương Ba bị xác hàng thịt sai khiến, hồn Trương Ba dần dần đổi thay, ngày càng xấu đi trong hành vi, sở thích (ăn uống phàm tục, nước cờ tầm thường, vụng về, thô lỗ).
2. Đoạn trích thứ nhất có lẽ là cao trào của vở kịch, là dịp để sự phẫn uất của hồn Trương Ba được đẩy lên đỉnh điểm, bộc lộ hết khát khao của mình. Khi bị đẩy vào nghịch cảnh vô lí, hồn Trương Ba đau khổ, dằn vặt, Trương Ba đi đến một quyết định cuối cùng vô cùng đớn đau mà cao thượng để giữ gìn sự trong sạch, thanh cao. Hồn Trương Ba thắp hương, Đế Thích xuất hiện lắng nghe mọi sự giải bày từ hồn Trương Ba.
- Câu nói: “Ông Đế Thích ạ, tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa, không thể được!” là kết quả sau những bất cập khi trú nhờ trong xác thịt âm u đui mù của tên hàng thịt thô lỗ; sau những đau đớn của hồn Trương Ba và những người thân của Trương Ba khi nhận ra “ông không còn là ông Trương Ba của ngày xưa nữa”.
- “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được” chính là lí lẽ mà hồn Trương Ba đưa ra để minh chứng cho việc “không thể tiếp tục mang thân xác anh hàng thịt”. Lời thoại có sự đối lập giữa “bên trong” (tâm hồn) với bên ngoài (thân xác). Một tâm hồn trong sạch, thanh cao, luôn hướng đến những điều chân, thiện, mỹ trong cuộc đời bấy giờ lại phải trú nhờ trong thân xác thô kệch, xấu xí, đặc biệt là sự sai khiến của xác thịt khiến linh hồn ngày một xấu đi. Từ lâu, khát vọng được sống là chính mình là khát vọng chân chính của mỗi người. Hồn Trương Ba cũng vậy, lúc này ông nhận ra một khi đã tách khỏi thể xác của mình thì linh hồn mình dẫu có trú ngụ trong thân xác nào, có tồn tại bên cạnh những người thân yêu… thì cũng không thể là “chính mình” của ngày trước được nữa. Bởi thế, hồn Trương Ba khát khao cháy bỏng, rằng: “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.
   Lời của hồn Trương Ba vừa quyết liệt, vừa thiết tha, vừa pha lẫn chút xa xót của một người khi không được là chính mình, ngày càng trở nên xấu đi trong mắt của người khác. Đây là khát vọng chân chính, đồng thời cũng là một quan niệm nhân sinh quý báu, vượt qua sự thách thức của thời gian.
   - Đế Thích bao biện cho lỗi lầm của bản thân bằng cách lấy mình ra để xoa dịu nỗi phẫn uất của hồn Trương Ba: “Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép cho mình xứng với danh vị Ngọc Hoàng”. Đây là một thực tế đang ngấm ngầm diễn ra trong xã hội. Đôi khi con người buộc phải o ép mình trong một khuôn khổ nào đó, trở thành một “diễn viên” trong chính “bộ phim cuộc đời”. Quy luật cuộc sống buộc con người phải làm điều đó. Không đơn thuần chỉ là sự bao biện của Đế Thích, ở đây, Lưu Quang Vũ đã nhìn ra mặt trái của xã hội, từ đó lên tiếng cảnh tỉnh mỗi người nhẹ nhàng mà sâu cay. Phải chăng ngoài kia, có rất nhiều người phải sống “khuôn ép” như Ngọc Hoàng, Đế Thích, dần dần đánh mất chính bản thân mình lúc nào không hay.
   - Hồn Trương Ba đau xót nhận ra: “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt”. Lối sống vay mượn là lối sống không có sự hài hòa tự nhiên giữa thể xác và tâm hồn, là sống nhờ, sống tạm, lối sống ấy đã gây cho Trương Ba nhiều đau khổ vì đã tự đánh mất chính mình. “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn” mới là lối sống đích thực, vì được sống theo đúng bản chất của mình, dám là chính mình, sống có sự hài hòa giữa linh hồn và thể xác. Lời trách cứ Đế Thích: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống thế nào thì ông chẳng cần biết” một lần nữa cho thấy Trương Ba đã rất ý thức đâu là lẽ sống và hạnh phúc đích thực.
3. Nếu ở đoạn đối thoại trên, mâu thuẫn được đẩy lên cao trào, sự phẫn uất, chua xót trong hồn Trương Ba dâng lên như làn sóng khao khát “được là tôi toàn vẹn”; thì đến đoạn kết thúc tác phẩm, lời thoại trở nên dịu ngọt hơn, hình ảnh mà Lưu Quang Vũ dẫn dắt đầy chất thơ trong không gian làng quê êm đềm, tươi đẹp. Đoạn kết kịch “Hồn Trương ba, da hàng thịt” là khúc vĩ thanh, là kết quả của cuộc tranh đấu giữa hồn Trương Ba với xác hàng thịt, với Đế Thích và với chính bản thân mình.
   - Lời gọi thân thương: “Ông ở đâu? Ông ở đâu?” của người vợ hiền mà Trương Ba hết lòng yêu quý cất lên trong không gian vườn tược quê nhà. Cảnh vật vẫn như xưa, cây cối do Trương Ba trồng trọt, chăm sóc vẫn tươi tốt, chỉ vắng mỗi Trương Ba – ông Trương Ba “ngày xưa” chứ không phải Trương Ba trong xác hàng thịt “âm u đui mù”. Bởi ở trong xác hàng thịt, Trương Ba không phải là Trương Ba thanh sạch, hiền từ trong mắt người thân yêu.
   - Linh hồn Trương Ba cuối cùng cũng tách khỏi thân xác anh hàng thịt, hóa vào những sự vật thân thương: “ngay trên bậc cửa nhà ta”, “ánh lửa bà nấu cơm”, “cầu ao bà vo gạo”, “cái cơi bà đựng trầu”, “con dao bà giẫy cỏ”… Hồn Trương Ba đã từ chối sự “sửa sai” của Đế Thích để được sống một cuộc đời nữa, không chấp nhận cái cuộc sống mà theo ông còn “khổ hơn là chết”. Trương Ba không bằng lòng sống khi những người thân yêu của mình lần lượt trở về cát bụi. Cái Trương Ba cần lúc này chính là sống đúng với bản chất, không vay mượn xác thân của ai cả. Trương Ba kêu gọi Đế Thích hãy sửa sai bằng một “việc làm đúng”, đó là cho cu Tị sống lại, trả xác cho anh hàng thịt. Với Trương Ba bây giờ, có lẽ cái chết mới là quyết định đúng đắn giữ gìn sự trong sạch, thanh cao. Và cuối cùng Trương Ba đã được toại nguyện.
   Trong một vài trường hợp đặc biệt, chết để giữ gìn sự trong sạch, chết để được là chính mình còn hơn sống mà phải vay mượn cái vỏ bọc của người khác, thì chết cũng như sống. Chết để được hóa thân vào những hình ảnh thân thương. Chết mà lưu giữ trong tâm hồn người còn sống những ấn tượng tốt đẹp về bản thân mình thì có khác gì là bất tử?
   - Lưu Quang Vũ kết thúc vở kịch bảy cảnh của mình bằng lời thoại của cái Gái và cu Tị - những tâm hồn ấu thơ. Hình ảnh trái na trong lời nói “Cây na này, ông nội tớ trồng đấy! Qủa to mà ngon lắm! Ta ăn chung nhé” chứng tỏ Trương Ba đã trở về làm người ông thảo hiền trong lòng đứa trẻ hồn nhiên. Cái Gái đã không chối bỏ ông nội mình như khi hồn Trương Ba nhập vào xác thân hàng thịt. Hình ảnh hiện lên trong lời thoại thật đẹp, thật lung linh và trong sáng. Trương Ba thực sự đã ở mãi bên vợ con, bên đứa cháu thân yêu, trong sự sẻ chia, trong sự tiếp nối, rộng hơn là trong những điều cao đẹp của cuộc đời.
   Qua những đau khổ của Trương Ba và quyết định đúng đắn của Trương Ba, ta thấy hồn Trương Ba là nhân vật có nhân cách trong sáng. Con người ấy sống trung thực, ngay thẳng, hết lòng yêu thương vợ con, coi việc mang lại hạnh phúc cho những người thân yêu là lẽ sống của cuộc đời mình, dũng cảm đối mặt với những cái xấu xa, kiên cường giữ vững phẩm giá để mình được sống thành thực là mình.
4. Sinh ra là một bản chính thì đừng chết đi như một bản sao, đó có lẽ là gửi gắm của Lưu Quang Vũ qua hai đoạn đối thoại đầy tính nhân văn này.
   - Tác giả thẳng thắn phê phán lối sống giả tạo, dối trá làm cho con người có nguy cơ đánh mất chính mình trong xã hội. Đồng thời khẳng định cái cá thể, vai trò và vị trí của cá nhân trong xã hội. Con người phải sống là chính mình. Kêu gọi đấu tranh cho sự hoàn thiện nhân cách con người.
   - Đoạn kết đầy chất thơ và thanh âm yên bình, là cái kết có hậu cho mọi mâu thuẫn trong truyện. Hồn Trương Ba chính là đại diện cho kiểu người khao khát sống đúng với bản ngã của mình, không vay mượn, không bắt chước… trong cuộc đời.
III. KẾT BÀI:
Tôi từng mong tôi không là tôi
Tôi từng mong tôi giống bao người
Để sống thảnh thơi
Sống như tôi vẫn mơ
   Nhưng đó là lối sống giả dối, có gì đẹp đâu? Ta thực sự “sống” khi được là chính mình, tận hưởng những điều tốt đẹp, tận hiến trí tuệ - sức lực của mình cho cuộc đời. Đó mới là cuộc sống đúng nghĩa. Cuộc đời chỉ là cái chớp mắt của vũ trụ nên ta hãy sống sao cho thật vui vẻ, thanh cao, được sống với những gì mình mong muốn. Qua nhân vật Trương Ba, người đọc phần nào cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của những con người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự giả tạo và dung tục, bảo vệ quyền sống đích thực cùng khát vọng hoàn thiện nhân cách.
Fb : HOÀNG KHÁNH DUY

(Bình luận trái chiều, mời lướt qua)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#vanhoc