văn mẫu lớp 11 nè

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bài : Vội Vàng

Sau gần 50 năm làm thơ, Xuân Diệu đã để lại cho thơ Việt Nam hàng chục tập thơ với trên dưới 1000 bài thơ thấm đậm tình yêu cuộc sống nồng nàn. Nếu phải chọn ra một bài thơ tiêu biểu cho thơ Xuân Diệu thơ tình yêu ấy thì đó sẽ là một bài thơ trong tập thơ Thơ Thơ được sáng tác trong những năm 18 đôi mươi tươi đẹp của nhà thơ: bài thơ Vội vàng. Đúng như tên gọi vội vàng là tình yêu nồng nàn của Xuân Diệu đối với cuộc sống tươi đẹp mà nhà thơ tự thấy mình phải vội vàng phải gấp gáp nhận lấy.

Xuân Diệu đã mở đầu bài thơ bằng bốn dòng thơ ngũ ngôn ngắn gọn mạnh mẽ như lời tuyên bố về khát vọng của mình:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi

Tắt nắng đi ư ? buộc gió lại ư ? đó là những điều ko thể làm được, đó là những khao khát thật là phi lí. Nhưng cái phi lí ấy lại có lí đối với trái tim nhà thơ, bởi đó là 1 trái tim đầy khát khao mãnh liệt, muốn sống đến trọn vẹn chữ sống, muốn giữ mãi cho mình những hương những sắc của cuộc đời. Mà cuộc đời thì đẹp đẽ biết chừng nào quý giá đến chừng nào ! trong cuộc sống này tất cả đều kì diệu bởi mỗi sự vật dù có nhỏ bé đến đâu cũng hiến cho đời cái tuyệt diệu của mình hãy nghe Xuân Diệu kể

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Bướm ong thì có “tuần tháng mật”, đồng nội thì có muôn hoa, cành tơ thì có muôn lá, mắt người thì có ánh sáng…Những câu thơ của Xuân Diệu nhanh gấp trong 1 nhịp điệu dạt dào. Không thể nào kể cho hết, đếm cho xuể về vẻ đẹp của cuộc đời. Ai bảo cuộc đời này là đáng chán ? cuộc đời đáng sống biết bao đẹp đẽ biết bao ! với Xuân Diệu cuộc sống lúc nào cũng tràn trề niềm vui, người ta gặp niềm vui hết ngày này qua ngày kia. Niềm vui như 1 vị thần độ lượng ngày nào cũng đến gõ cửa từng nhà:

Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa

Đó là cuộc đời trong khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời đó là mùa xuân. Phải nói rằng, trong thơ Việt Nam chưa có ai cảm nhận mùa xuân như cách cảm nhận của Xuân Diệu:

Tháng giêng ngon như 1 cặp môi gần

Có một điều đáng lưu ý bởi đây là 1 đặc điểm thơ của Xuân Diệu. Xuân Diệu không lấy thiên nhiên làm chuẩn để so sánh với vẻ đẹp của con người như ta vẫn gặp trong thơ cổ mà lại lấy vẻ đẹp của con người là chuẩn để so sánh với vẻ đẹp của thiên nhiên. Nếu ta gặp trong thơ Nguyễn Du vẻ đẹp của Thúy Vân

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da

Còn Xuân Diệu thì:

Tháng giêng ngon như 1 cặp môi gần

Con người bao giờ cũng là 1 điều tuyệt diệu

Có 1 cuộc sống đẹp đẽ như vậy để sống có những màu sắc tuyệt diệu như vậy để tận hưởng con người ta sẽ sung sướng biết bao. Tuy vậy đến đây như 1 bản đàn đang cao vút cao bỗng trùng xuống, những câu thơ của Xuân Diệu cũng trùng xuống. Xuân Diệu nói :

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Xưa nay người ta chỉ tiếc thời gian khi nó đã trôi qua chỉ tiếc những kỉ niệm khi nó đã trở thành quá khứ chỉ tiếc mùa xuân khi nó đã đã không còn. Ở đây với sự nhạy cảm đến lạ lùng của nhà thơ, của người yêu cuộc sống đến độ đắm say Xuân Diệu đã tiếc mùa xuân ngay cả khi mùa xuân đang còn ngay cả khi mùa xuân đang đến. Nhà thơ biết rằng thời gian sẽ trôi qua nhanh mà hình như với những gì quý giá với những vẻ đẹp nó còn trôi nhanh gấp bội nhanh đến khủng khiếp. Cái sắp tới rồi sẽ qua đi cái đang non trẻ thắm tươi rồi cũng sẽ già nua tàn úa. Điều ấy cực kì quan trọng với Xuân Diệu :

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Câu thơ của Xuân Diệu thật buồn bã bởi nhà thơ vừa như phát hiện một điều bi thảm cho mình: mùa xuân sẽ trôi qua, tuổi trẻ sẽ trôi qua mà khi tuổi trẻ trôi qua thì cuộc đời nào còn ý nghĩa gì nữa. Quý giá nhất của cuộc đời của đất trời là mùa xuân quý giá nhất của đời người là tuổi trẻ

Con người khao khát vô tận nhưng cuộc đời lại có quy luật của nó chặt chẽ vô cùng nghiệt ngã vô cùng

Lòng tôi rộng nhưng lòng người cứ chật

Không cho dài thời trẻ của nhân gian

Thời gian thì vô hạn nhưng đời người thì hữu hạn. Trong cái hữu hạn ấy cái hữu hạn của con người càng nhỏ bé đến tội nghiệp. Có lẽ như bao người ở đời nhà thơ từng lí luận với mình rằng mùa xuân của cuộc đời là bất tận, mùa xuân đi mùa xuân lại đến. Nhưng tự lí luận như thế không những người ta không tự an ủi được mình mà chỉ càng xót xa hơn cho cái hữu hạn nhỏ bé của chính mình

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Còn đất trời nhưng chẳng còn tôi mãi

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời

Mùa xuân của đất trời đẹp lắm quý giá lắm nhưng mùa xuân chỉ quý giá chỉ đẹp khi con người ta biết được vẻ đẹp của nó, cảm nhận được mùa xuân ấy. Không có con người hay con người ko được hưởng thì mùa xuân có mà làm gì ? bởi vậy những câu thơ của Xuân Diệu chuyển sang 1 giọng buồn bã

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi

Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt

Con gió xinh thì thào trong gió biếc

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa

Tất cả đều buồn bã tất cả đều mất hết ý vị chỉ còn rớm vị chia phôi với than thầm tiễn biệt chỉ còn hờn nỗi phải bay đi chỉ sợ độ phai tàn sắp sửa, trong thơ VN cả phong trào thơ mới chưa ai có giọng thơ nuối tiếc thời gian thương tiếc cuộc sống thiết tha đến như vậy. Cũng những nét ấy mùa xuân ấy âm thanh ấy ở đoạn trên thì náo nức rạo rực là thế mà ở đoạn này thì buồn thương ngậm ngùi xót xa biết mấy tưởng chừng Xuân Diệu hình dung thấy rõ ràng mùa xuân đã mất tuổi trẻ đã qua nhà thơ đã kêu lên 1 cách tuyệt vọng :

Chẳng bao giờ ôi chẳng bao giờ nữa

Nỗi đau đớn thật chân thành nên Xuân Diệu mới có tiếng kêu như thế. Còn làm gì được nữa bây giờ ? thời gian cứ mênh mông như mùa xuân và đời cứ ngắn ngủi. Còn làm gì được nữa để biến đổi cái hữu hạn của đời người ấy ra thành vô hạn để cùng vô hạn với thời gian với mùa xuân mãi mãi của đất trời ? Chỉ còn 1 cách đó là biến cái hữu hạn về lượng thành cái vô hạn về chất nghĩa là phải vội vàng phải hối hả phải đắm say phải mãnh liệt phải sống thu vào đến độ cao nhất những gì là đẹp đẽ quý giá của đời sống của mùa xuân của tuổi trẻ. Phải nghĩ ngay đến cái nguy cơ mùa xuân sắp qua tuổi trẻ sắp hết. Xuân Diệu giục giã:

Mau đi thôi ! Mùa chưa ngả chiều hôm

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước và cây và cỏ rạng

Đúng là những câu thơ giục giã, cảm xúc của Xuân Diệu như một dòng suối ào ạt tuôn chảy, tưởng chừng ngôn từ xô đẩy vào nhau chen lấn nhau để theo kịp dòng cảm xúc ấy. Những tiếng ta muốn láy đi láy lại mãi để khẳng định niềm khao khát mãnh liệt và cháy bỏng. Những từ ngữ Xuân Diệu sử dụng ở mức độ mãnh liệt nhất: muốn ôm, muốn riết, muốn say, muốn thâu; lại còn 1 cái hôn nhiều chữ nghĩa của Xuân Diệu thật mới lạ và đầy cảm xúc. Sống như thế với Xuân Diệu mới thực là sống sống như thế đi đến chỗ tận cùng của niềm hạnh phúc được sống:

Cho chếnh choáng mùi thơm cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của mùa xuân

Hạnh phúc của sự sống là mùi thơm là ánh sáng là thanh sắc tận hưởng cuộc đời là có được cảm nhận về những điều ấy ở độ tràn trề nhất: chếnh choáng, đã đầy, no nê

Trong niềm cảm hứng ở độ cao nhất Xuân Diệu nhận ra cuộc đời mùa xuân như 1 cái gì quý giá nhất trọn vẹn như 1 trái đời đỏ hồng chín mọng thơm ngát ngọt ngào để cho nhà thơ tận hưởng trong niềm khát khao cao độ:

Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi

Thật không thể nói được gì hơn về nỗi rạo rực của tình yêu đối với cuộc sống !

Gần 50 năm trước Xuân Diệu đã linh cảm cái ngắn ngủi của đời chỉ lo sợ không được cùng với thời gian tồn tại. Lạ thay chính từ thời điểm lo sợ ấy những bài thơ của Xuân Diệu đã sống mãi với thời gian. Bây giờ sau khi nhà thơ đã mất đọc lại những bài thơ như bài Vội vàng này ta bỗng nhận ta rằng Xuân Diệu mãi mãi trẻ trung hôm nay và mai sau cũng vậy.

Bài Tràng Giang

Nếu Xuân Diệu là nhà thơ của nỗi ám ảnh thời gian thì Huy Cận lại là nhà thơ của nỗi khắc khoải không gian. Những rung cảm mãnh liệt và tinh tế của hồn thơ Huy Cận trước không gian trời rộng sông dài lúc chiều tà đã hoá thân thành bài thơ “Tràng giang” rút trong tập thơ “Lửa thiêng” (1940) độc đáo – “một bài thơ đã đạt đến trình độ cổ điển của một hồn thơ mới”(Xuân Diệu). Bài thơ thể hiện một nỗi buồn cô đơn, một nỗi buồn nhớ nhà, nhớ quê hương trong cảnh hoàng hôn trước tràng giang.

Cảm hứng chủ đạo được thi nhân nói rõ ở câu đề từ: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Một thiên nhiên bao la mênh mông, một dòng sông dài, không rõ đâu là nguồn, đâu là cửa sông. Một nỗi niềm “bâng khuâng”, một tấm lòng tha thiết “nhớ” khi đứng trước vũ trụ, nhìn “trời rộng” và ngắm “sông dài”. Cảnh và tình giao hòa. Cảnh đẹp mà buồn man mác.Tràng giang nghĩa là sông dài. Nhưng hai chữ nôm na “sông dài” không có được sắc thái trừu tượng và cổ xưa của hai âm Hán Việt “tràng giang”. Với hai âm Hán Việt, con sông trong thơ tự nhiên trở thành dài hơn, trong tâm tưởng người đọc, rộng hơn, xa hơn, vĩnh viễn hơn trong tâm tưởng người đọc. Một con sông dường như của một thuở xa xưa nào đã từng chảy qua hàng nghìn năm lịch sử, hàng nghìn năm văn hóa và in bóng trong hàng nghìn áng cổ thi. Cái cảm giác Tràng giang ấy lại được tô đậm thêm bởi lời thơ đề là “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” (Nhớ hờ - Lửa thiêng)

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả

Củi một cảnh khô lạc mấy dòng”.

Ở hai câu đầu, cảnh vật thực ra tự nó không có gì đáng buồn. Nhưng lòng đã buồn thì tự nhiên vẫn thấy buồn. Đây là cái buồn tự trong lòng lan tỏa ra theo những gợn sóng nhỏ nhấp nhô “điệp điệp” với nhau trên mặt nước mông mênh. Cũng nỗi buồn ấy, tác giả thả trôi theo con thuyền xuôi mái lặng lẽ để lại sau mình những rẽ nước song song.

Ở hai câu sau, nỗi buồn đã tìm được cách thể hiện sâu sắc hơn trong nỗi buồn của cảnh: ấy là sự chia lìa của “thuyền về nước lại” và nhất là cảnh ngộ của một cành củi lìa rừng không biết trôi về đâu giữa bao dòng xuôi ngược. Thử tưởng tượng: một cành củi khô gầy guộc chìm nổi giữa bát ngát tràng giang... Buồn biết mấy!

“ Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đầu tiếng làng xa vãn chợ chiều.”

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót.

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu

 Gợi tả một không gian mênh mông, vắng lặng. Cồn nhỏ thì “lơ thơ”. Gió nhẹ và buồn đìu hiu: “Lơ thơ cồn nhỏ, gió đìu hiu. Khác nào câu thơ Chinh phụ ngâm: “Non kỳ quạnh quẽ trăng treo - Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò”? Các từ láy: lơ thơ, đìu hiu; vần lưng: “nhỏ - gió” gợi cả cái hắt hiu, buồn thê thiết. Không một âm thanh một tiếng động, một tiếng vọng nào từ làng xa. Bầu trời thăm thẳm như soi xuống đáy tràng giang, không gian 2 chiều: sâu chót vót”. Con người càng nhỏ bé, cô đơn trước một không gian: “Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”. Câu thơ 7 từ với 3 nét vẽ. Thật hàm súc cổ điển

“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật,

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”.

  Lại nói về tràng giang. Không cầu. Cũng không đò. Sông đã dài lại thêm mênh mông. Cảnh đôi bờ rất đẹp nhưng vẫn thấm sâu một nỗi buồn xa vắng: “lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”. Trung tâm của bức tranh là “bèo dạt”. Chẳng có mây trôi, chỉ có “Bèo dạt về đâu hàng nối hàng”. Một nét vẽ tượng trưng thứ hai đem đến liên tưởng những kiếp người lưu lạc, trên dòng đời. Đúng là sầu nhân thế, vạn cổ sầu như một số nhà thơ lãng mạn, thường nói:

            … “Có phải sầu vạn cổ

            Chất trong hồn chiều nay?”…

    (“Chiều” - Hồ ZDếnh). Hai tiếng “về đâu” gợi tả một nỗi buồn mơ hồ, ngơ ngác. Chỉ biết hỏi mình, chẳng biết hỏi ai. Cô đơn và buồn đến thế là cùng!

            “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

            Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa,

            Lòng quê dợn dợn vời non nước,

            Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

    Một cái nhìn xa vời đến mọi phía chân trời. Cánh chim như chở nặng bóng chiều đang “nghiêng cánh nhỏ”. Mây lớp lớp đùn lên như những “núi bạc”. Cảnh tượng tráng lệ. Cánh chim nhỏ nhoi tương phản với bầu trời bao la, với lớp lớp núi mây bạc nhằm đặc tả nỗi buồn cô đơn. Chữ “đùn” gợi nhớ một tứ thơ Đường: “Tái thượng phong vân tiếp địa âm” (Thu hứng) - Nguyễn Công Trứ dịch: “Mặt đất mây đùn cửa ải xa”.

    Hoàng hôn phủ mờ tràng giang. Con nước làm xúc động lòng quê. Thôi Hiệu 13 thế kỷ trước, đứng trên lầu Hoàng Hạc, nhìn sông Hán Dương, lòng thổn thức: “Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”. Với Huy Cận, chiều nay trên tràng giang, nỗi buồn nhớ quê nhà nhiều lần nhân lên thấm thía: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Nỗi nhớ quê, nhớ nhà mênh mang như gửi về mọi phía chân trời và đang trôi theo tràng giang.

    “Tràng giang” là bài thơ tuyệt bút tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận thời tiền chiến. Các chi tiết nghệ thuật được chọn lọc tinh tế. Ngôn ngữ hàm súc cổ điển. Cảnh đẹp mà buồn. Cành củi khô, bèo dạt… đầy ám ảnh, mở ra một trường liên tưởng đầy màu sắc suy tưởng. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của khách ly hương tạo nên chất thơ, hồn thơ đẹp, để “Tràng giang” thấm sâu vào lòng người, trở thành “một bài thơ ca hát non sông, đất nước” như Xuân Diệu nhận xét

Cảm nhận thơ trữ tình xét cho cùng là cảm nhận "cái tình" trong thơ và tâm trạng của nhân vật trữ tình trước thiên nhiên, vũ trụ, đất trời. Đến với thơ ca lãng mạn Việt Nam, giai đoạn 1932 -1945 "ta thoát lên trên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu" (Hoài Thanh- Thi nhân Việt Nam). Đúng thế, bạn đọc đương thời và hôm nay yêu thơ của Hàn Mặc Từ bởi chất "điên cuồng" của nó. Chính "chất điên" ấy đã làm nên phong cách nghệ thuật độc đáo, riêng biệt, mới mẻ của Hàn Mặc Tử. "Chất điên" trong thơ ông chính là sự thay đổi của tâm trạng khó lường trước được. Nét phong cách đặc sắc ấy đã hội tụ và phát sáng trong cả bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của nhà thơ rất tài hoa và cũng rất đỗi bất hạnh này. "Đây thôn Vĩ Dạ" trích từ tập Thơ Điên của Hàn Mặc Tử. Chất điên cuồng ấy thể hiên cụ thể và rõ nét trong khổ thơ:

"Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?"

Với lời trách cứ nhẹ nhàng dịu ngọt vừa như một lời mời, Hàn Mặc Tử trở về với thôn Vĩ Dạ trong mộng tưởng:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cây nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Cảnh vật ở thôn Vĩ Dạ - một làng kề sát thành phố Huế bên bờ Hương Giang với những vườn cây trái, hoa lá sum suê hiện lên thật nên thơ, tươi mát làm sao. Đó là một hàng cau thẳng tắp đang tắm mình dưới ánh “nắng mới lên” trong lành. Chưa hết, rất xa là hình ảnh “nắng hàng cau nắng mới lên” còn rất gần lại là “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. “Mướt quá” gợi cả cây nhung non tràn trề sức sống xanh tốt. Màu “mướt quá” làm cho lòng người như trẻ hơn và vui tươi hơn. Lời thơ khen cây cối xanh tốt nhưng lại nhu huyền ảo, lấp lánh mới thấy hết cái đẹp của “vườn ai”. Trong không gian ấy hiện lên khuôn “mặt chữ điền” phúc hậu, hiền lành vừa quen vừa lạ, vừa gần, vừa xa, vừa thực vừa ảo bởi “lá trúc che ngang”. Câu thơ đẹp vì sự hài hòa giữa cảnh vật và con người. “Trúc xinh” và “ai xinh” bên nhau làm tôn lên vẻ đẹp của con người. Như vậy tâm trạng của nhân vật trữ tình ở đoạn thơ này là niềm vui, vui đến say mê như lạc vào cõi tiên, cõi mộng khi được trở về với cảnh và người thôn Vĩ.

Thế nhưng cũng cùng không gian là thôn Vĩ Dạ nhưng thời gian có sự biến đổi từ “nắng mới lên” sang chiều tà. Tâm trạng của nhân vật trữ tình cũng có sự biến đổi lớn. Trong mắt thi nhân, bầu trời hiện lên “Gió theo lối gió mây đường mây” trong cảnh chia li, uất hận. Biện pháp nhân hóa cho chúng ta thấy điều đó. “Gió theo lối gió” theo không gian riêng của mình và mây cũng thế. Câu thơ tách thành hai vế đối nhau; mở đầu vế thứ nhất là hình ảnh “gió”, khép lại cũng bằng gió; mở đầu vế thứ hai là “mây”, kết thúc cũng là “mây”. Từ đó cho ta thấy “mây” và “gió” như những kẻ xa lạ, quay lưng đối với nhau. Đây thực sự là một điều nghịch lí bởi lẽ có gió thổi thì mây mới bay theo, thế mà lại nói “gió theo lối gió, mây đường mây”. Thế nhưng trong văn chương chấp nhận cách nói phi lí ấy. Tại sao tâm trạng của nhân vật trữ tình vốn rất vui sướng khi về với thôn Vĩ Dạ trong buổi ban mai đột nhiên lại thay đổi đột biến và trở nên buồn như vậy?. Trong mộng tưởng, Hàn Mặc Tử đã trở về với thôn Vĩ nhưng lòng lại buồn chắc có lẽ bởi mối tình đơn phương và những kỉ niệm đẹp với cảnh và người con gái xứ Huế mộng mơ làm nên tâm trạng ấy. Quả thật “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nên cảnh vật xứ Huế vốn thơ mộng, trữ tình lại bị nhà thơ miêu tả vô tình, xa lạ đến như vậy. Bầu trời buồn, mặt đất cũng chẳng vui gì hơn khi

 “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”.

Dòng Hương Giang vốn đẹp, thơ mộng đã bao đời đi vào thơ ca Việt nam thế mà bây giờ lại “buồn thiu” – một nỗi buồn sâm thẳm, không nói nên lời. Mặt nước buồn hay chính là con sóng lòng "buồn thiu” của thi nhân đang dâng lên không sao giấu nổi. Lòng sông buồn, bãi bờ của nó còn sầu hơn. “Hoa bắp lay” gợi tả những hoa bắp xám khô héo, úa tàn đang “lay” rất khẽ trong gió. Cảnh vật trong thơ buồn đến thế là cùng. Thế nhưng đêm xuống, trăng lên, tâm trạng của nhân vật trữ tình lại thay đổi:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay”

Sông Hương “buồn thiu” lúc chiều dưới ánh trăng đã trở thành “sông trăng” thơ mộng. Cắm xào đậu bên trên con sông đó là “thuyền ai đậu bến”, là bức tranh càng trữ tình, lãng mạn. Hình ảnh “thuyền” và “sông trăng” đẹp, hài hòa biết bao. Khách đến thôn Vĩ cất tiếng hỏi xa xăm “Có chở trăng về kịp tối nay?”. Liệu “thuyền ai” đó có chở trăng về kịp nơi bến hẹn, bến đợi hay không? Câu hỏi tu từ vang lên như một nỗi lòng khắc khoải, chờ đợi, ngóng trông được gặp gương mặt sáng như “trăng’ của người thôn Vĩ trong lòng thi nhân. Như thế mới biết nỗi lòng của nhà thơ giành cho cô em gái xứ Huế tha thiết biết nhường nào. Tình cảm ấy quả thật là tình cảm của “Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm nào dễ mấy ai quên” (Thế Lữ).

Đến đây ta hiểu thêm về lòng “buồn thiu” của nhân vật trữ tình trong buổi chiều. Như vậy diễn biến tâm lí của thi nhân hết sức phức tạp, khó lường trước được. Chất “điên” của một tâm trạng vui với cảnh, buồn với cảnh, trông ngoáng, chờ đợi vẫn được thể hiện ở khổ thơ kết thúc bài thơ này:

“Mơ khách đường xa khách dường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”

Vẫn là một tâm trạng vui sướng được đón “khách đường xa”- người thôn Vĩ đến với mình, tâm trạng nhân vật trữ tình lại khép lại trong một nỗi đau đớn, hoài nghi “Ai biết tình ai có đậm đà?”. “Ai” ở đây vừa chỉ người thôn Vĩ vừa chỉ chính tác giả. Chẳng biết người thôn Vĩ có còn nặng tình với mình không? Và chẳng biết chính mình còn mặn mà với “áo em trắng quá” hay không? Nỗi đau đớn trong tình yêu chính là sự hoài nghi, không tin tưởng về nhau. Nhân vật trữ tình rơi vào tình trạng ấy và đã bộc bạch lòng mình để mọi người hiểu và thông cảm. Cái mới của thơ ca lãng mạn giai đoạn 1932- 1945 cũng ở đó.

Đọc xong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, nhất là khổ thơ “Gió theo lối gió -…. kịp tối nay” để lại trong lòng người đọc những tình cảm đẹp. Đoạn thơ giúp ta hiểu thêm tâm tư của một nhà thơ sắp phải giã từ cuộc đời. Lời thơ vì thế trầm buồn, sâu lắng, đầy suy tư. Bạn đọc đương thời yêu thơ của Hàn Mặc Tử bởi thi nhân đã nói hộ họ những tình cảm sâu lắng nhất, thầm kín nhất của mình trong thời đại cái “tôi”, cái bản ngã đang tự đấu tranh để khẳng định. Tình cảm trong thơ Hàn Mặc tử là tình cảm thực do đó nó sẽ ở mãi trong trái tim bạn đọc. Ấn tượng về một nhà thơ của đất Quảng Bình đầy nắng và gió sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí người Việt Nam.

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không;

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

                                    Hồ Chí Minh

    “Mộ” (Chiều tối) bài thơ thất ngôn tứ tuyệt số 31. Hồ Chí Minh viết bài thơ này đang trên đường bị giải tới nhà lao Thiên Bảo. Sau một ngày dài bị giải đi, trời tối dần. Hai câu đầu tả cảnh bầu trời lúc chiều tối. Cánh chim mỏi (quyện điểu) về rừng tìm cây trú ẩn. Áng mây lẻ loi, cô đơn (cô vân) trôi lững lờ trên tầng không. Cảnh vật thoáng buồn. Hai nét vẽ chấm phá (chim và mây), lấy cái nhỏ bé, cái động để làm nổi bật bầu trời bao la, cảnh chiều tối lặng lẽ và buồn. Cánh chim mỏi và áng mây cô đơn là hai hình ảnh vừa mang tính ước lệ trong thơ cổ tả cảnh chiều tối, vừa là hình ảnh ẩn dụ về người tù bị lưu đày trên con đường khổ ải mờ mịt vạn dặm:

            “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

            Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”

    Trời tối rồi, tù nhân bị giải đi qua một xóm núi. Có bóng người (thiếu nữ). Có cảnh làm ăn bình dị: xay ngô. Có lò than đã rực hồng (lô dĩ hồng). Các chi tiết nghệ thuật ấy làm hiện lên một mái ấm gia đình, một cảnh đời dân dã, bình dị, “ấm áp”. Nếu chim trời, áng mây chiều đồng điệu với tâm hồn nhà thơ thì cảnh xay ngô của thiếu nữ và lò than rực hồng kia như đang làm vợi đi ít nhiều nỗi đau khổ của người đi đày khi qua nơi miền sơn cước xa lạ. Tương phản với màn đêm bao trùm không gian, cảnh vật là “lò than đã rực hồng”. Tứ thơ vận động từ bóng tối hướng về ánh sáng. Nó cho ta thấy, trong cảnh ngộ cô đơn, nặng nề, bị tước mất tự do, bị ngược đãi, người chiến sĩ cách mạng, nhà thơ Hồ Chí Minh vẫn gắn bó, chan hòa, gần gũi với nhịp đời thường cần lao. Câu thơ thứ 3 dịch chưa được hay. Chữ “cô em” hơi lạc điệu. Thêm vào một chữ “tối” đã mất đi ý vị “ý tại ngôn ngoại” vẻ đẹp hàm súc của thơ chữ Hán cổ điển:

            “Cô em xóm núi xay ngô tối

            Xay hết lò than đã rực hồng”

    Bài thơ có cảnh bầu trời và xóm núi, có áng mây, cánh chim chiều. Chim về rừng, mây lơ lửng. Có thiếu nữ xay ngô và lò than hồng. Đằng sau bức tranh cảnh chiều tối là một nỗi niềm buồn, cô đơn, là một tấm lòng hướng về nhân dân lao động, tìm thấy trong khoảnh khắc chiều tối. Nghệ thuật mượn cảnh để tả tình. Điệu thơ nhè nhẹ, man mác bâng khuâng, đậm đà màu sắc cổ điển. Tinh tế trong biểu hiện, đậm đà trong biểu cảm là vẻ đẹp trữ tình của bài thơ “Chiều tối” này… Rất nhân hậu, rất người.

Trong lịch sử văn học cách mạng nước nhà, thật hiếm thấy nhà thơ nào lại có những tác phẩm mang đậm dấu ấn đặc trưng của mỗi giai đoạn lịch sử và đã đi vào lòng người như thơ Tố Hữu trong thế kỷ 20. Tình yêu quê hương, đất nước thiết tha, sâu nặng đã hóa thân vào những vần thơ trữ tình chính trị đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật thơ ca cách mạng

Đọc những vần thơ, những bài thơ của Tố Hữu, chúng ta như cảm nhận được một tâm hồn thơ dạt dào cảm xúc, một trái tim nhân hậu, một tấm lòng trung trinh với Đảng, với Tổ Quốc, với nhân dân và tình cảm gắn bó thân thiết keo sơn với đồng bào, đồng chí.

“Dù ai thay ngựa giữa dòng

Đời ta vẫn ngọn cờ hồng cứ đi

Vẫn là ta đó những khi

Đầu voi ra trận cứu nguy giống nòi

Bao trùm lên toàn bộ sáng tác thơ của Tố Hữu là vì lý tưởng cách mạng, vì cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân, vì lương tâm, chính nghĩa, công lý và lẽ phải trên đời.. Và một trong những giá trị tiêu biểu của thơ Tố Hữu là tính hướng thiện được biểu lộ vừa thầm kín, tinh tế, vừa sâu sắc, đậm đà qua 6 tập thơ nổi tiếng: Từ ấy, Việt Bắc, Ra trận, Gió lộng, Máu

Bài thơ “Từ ấy” được Tố Hữu sáng tác vào tháng 7/1938; nhan đề bài thơ trở thành tên tập thơ đầu của ông. Có thể nói “ Từ ấy” là tiếng hát của người thanh niên yêu nước Việt Nam giác ngộ lí tưởng Mác Lê Nin trong ngày hội lớn của cách mạng:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim

“Từ ấy” là một thời điểm lịch sử đã trực tiếp tác động đến cuộc đời nhà thơ khi được giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin, một kỷ niệm sâu sắc của người thanh niên yêu nước bắt gặp lí tưởng Cách mạng,Trong buổi ban đầu ấy, những người thanh niên như Tố Hữu dù có nhiệt huyết nhưng vấn chưa tìm được đường đi trong kiếp sống nô lệ, họ bị ngột thở dưới ách thống trị của thực dân phong kiến “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”.Chính trong hoàn cảnh đó lí tưởng cộng sản như nắng hạ , như mặt trời xua tan đi những u ám, buồn đau, quét sạch mây mù và đen tối hướng đến cho thanh niên một lẽ sống cao đẹp vì một tương lai tươi sáng của dân tộc.

Người thanh niên học sinh Tố Hữu đã đón nhận lí tưởng ấy không chỉ bằng khối óc mà bằng cả con tim, không chỉ bằng nhận thức lí trí mà xuất phát từ tình cảm:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ Mặt trời chân lí chói qua tim

Từ ấy đã làm cho tâm hồn Tố Hữu“ bừng nắng hạ” đó là một luồng ánh sáng mạnh mẽ, rực rỡ của nắng vàng chứa chan hạnh phúc ấm no.Soi tỏ vào những bài thơ sau này ta mới thấy hết được niềm vui sướng của Tố Hữu trước ánh sáng huy hoàng của chân lí.

Đời đen tối ta phải tìm ánh sáng

Ta đi tới chỉ một đường cách mạng

Và đó mới là bản chất của lí tưởng cộng sản đã làm người thanh niên 18 tuổi ấy say mê, ngây ngất trước một điều kì diệu:

Mặt trời chân lí chói qua tim

Mặt trời chân lí là một hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho lí tưởng của Đảng,của cách mạng , mặt trời của chủ nghĩa xã hội. Tố Hữu với tấm lòng nhiệt thành của mình đã tự hào đón lấy ánh sáng của mặt trời, sẵn sàng hành động cho lí tuởng cách mạng cao đẹp.Bởi lí tưởng đã “chói” vào tim- chính là nơi kết tụ của tình cảm, là nơi kết hợp hài hòa giữa tâm lí và ý thức trí tuệ chỉ thực sự hành động đúng khi có lí tưởng cách mạng, khi có ánh sáng rực rỡ của mặt trời chân lí chiếu vào.

Lý tưởng Cách mạng đã làm thay đổi hẳn một con người, một cuộc đời. So sánh để khẳng định một sự biến đổi kì diệu mà lí tưởng Cách mạng đem lại:

Hồn tôi là một vườn hoa lá,

Rất đậm hương và rộn tiếng chim.

Cái giọng điệu rất tỉnh và rất say rạo rực và ngọt lịm hồn ta chủ yếu là cái say người và lịm ngọt của lí tưởng, của niềm hạnh phúc mà lí tưởng đem lại :“hồn” người đã trở thành “vườn hoa”, một vườn xuân đẹp ngào ngạt hương sắc, rộn ràng tiếng chim hót.Ở đây hiện thưc và lãng mạn đã hòa quyện vào nhau tạo nên cái gợi cảm, cái sức sống cho câu thơ.

Nếu khổ đầu là một tiếng reo vui phấn khởi thì khổ thứ hai và thứ ba là bản quyết tâm thư của người thanh niên cộng sản nguyện hòa cái tôi nhỏ bé của mình vào cái ta chung rộng lớn của quần chúng nhân dân cần lao.Người đọc thật sự cảm động bởi thái độ chân thành thiết tha đến vồ vập của một nhà thơ vốn xuất thân từ giai cấp tiểu tư sản tự giác và quyết tâm gắn bó vớI mọi người:

Tôi buộc hồn tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi bên nhau thêm mạnh khối đời.

“Buộc” và “trang trải”là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau nhưng nó đều nằm trong nhận thức mới về lẽ sống của Tố Hữu. “Buộc” là đoàn kết gắn bó, tự nguyện gắn bó đời mình với nhân dân cần lao, với hết thảy nhân dân lao động Việt Nam

Để tình trang trải với trăm nơi

Xác định vị trí của mình là đứng trong hàng ngũ nhân dân lao động chưa đủ, Tố Hữu còn biểu hiện một tinh thần đoàn kết, tình cảm nồng thắm, chan hòa với nhân dân.Tình yêu người, yêu đời trong Tố Hữu đã nâng lên thành chủ nghĩa nhân đạo cộng sản.Nhà thơ muốn được như Mác: “Vì lẽ sống, hy sinh cho cuộc sống - Đời với Mác là tình cao nghĩa rộng”., mong ước xây dựng một khối đời vững chắc làm nên sức mạnh quần chúng cách mạng.Từ đó Tố Hữu đã thể hiện niềm hãnh diện khi được là một thành viên ruột thịt trong đại gia đình những người nghèo khổ bất hạnh:

Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm cù bấc cù bơ.

Tố Hữu nguyện sẽ đứng vào hàng ngũ những người “than bụi, lầy bùn”là lực lượng tiếp nối của “vạn kiếp phôi pha”, là lực lượng ngày mai lớn mạnh của “vạn đầu em nhỏ”,để đấu tranh cho ngày mai tươi sáng.Điệp từ “là” được nhắc đi nhắc lại, nó vang lên một âm hưởng mạnh mẽ lắng đọng trong tâm hồn ta một niềm cảm phục, quý mến người trai trẻ yêu đời, yêu người này.

Với một tình cảm cá nhân đằm thắm, trong sáng, “Từ ấy” đã nói một cách thật tự nhiên nhuần nhụy về lí tưởng, về chính trị và thật sự là tiếng hát của một thanh niên, một người cộng sản chân chính luôn tuôn trào trong mình mạch nguồn của lí tưởng cách mạng.

Bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu là một bài thơ vừa có tính triết lý sâu sắc, vừa rất gần gũi, bình dị, thân thuộc. Sau mấy chục năm đọc lại, những vần thơ đó vẫn là một câu hỏi thấm thía mà những người cộng sản hôm nay không thể không suy ngẫm một cách nghiêm túc để tự mình tìm ra lời giải đáp thấu đáo. Giữa cái chung và cái riêng, giữa cộng đồng - tập thể và cá nhân, giữa vật chất tầm thường và tinh thần – tư tưởng của người cộng sản.

Cả cuộc đời Tố Hữu đã hiến dâng cho tổ quốc, cho Đảng và nhân dân. Khi biết sắp phải đi xa, ông cũng chỉ nghĩ là về một nơi mà ta vẫn gọi là "cõi tạm". Ông mong muốn tiếp tục được hiến dâng:

Tạm biệt đời ta yêu quý nhất

Còn mấy vần thơ, một nắm tro.

Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất

Sống là cho. Chết cũng là cho.

Bởi thế, con người, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và thi ca của Tố Hữu luôn sống mãi trong niềm tin yêu, kính trọng của Đảng và nhân dân..

                                                             PHONG TRÀO THƠ MỚI

Trong sự tiếp biến văn hóa phương Tây và thơ Pháp, Thơ Mới đã vượt ra khỏi đề tài của thơ trung đại với “mây, gió, trăng, hoa tuyết, núi, sông” để bồng bềnh trong tình yêu (một đề tài còn để lại nhiều khoảng trống trong văn học trung đại) để dạt trôi trong một thiên nhiên tràn chất nhân tính chủ quan, trong cõi say mơ trần thế,… Nhà thơ Mới còn học ở câu thơ 8 chữ, kiểu vần chân với các kiểu vần ôm, vần liền, vần cách, học ở một ngữ pháp thơ năng động và gần với đời sông tâm hồn con người ở thơ Pháp.

Khách ngồi lại cùng em tromg chốc nữa

Vội vàng chi, trăng sáng lắm, khách ơi !

(Lời kỹ nữ – Xuân Diệu)

Tôi là kẻ bạo hành phiêu lãng

Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi

(Cây đàn muôn điệu – Thế Lữ)

Học cả ở ngôn từ Pháp:

Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ nữa màu xanh

(Đây mùa thu tới – Xuân Diệu)

Yêu cầu tính âm nhạc trong thơ của Bauderlaire, Verlaine, Rimbeau cùng những ý tưởng của Edmaid Harancourt “Yêu là chết ở trong lòng một ít”, “Đi là chết ở trong lòng một ít” (Patir c’est mourir un peu)

Đặc biệt họ tìm thấy ở thơ Pháp và văn học Âu châu nguồn hạt nhân quan trọng bậc nhất này : cái tôi trữ tình là một phương thức biểu hiện trữ tình (điều này sẽ nói ở phần sau một cách rõ hơn ?)

Tuy là một ngã đường quen đôi khi nhàm chán, nhưng với nghệ thuật mọi yếu tố thẩm mỹ đều có khả năng “an nhiên” tồn tại trong khu đất mới. Phủ nhận thơ cũ, một lối thơ có nền tảng từ thơ Trung Quốc nhưng các nhà thơ mới vẫn bị ảnh hưởng của nó. Điều này thể hiện ở truờng phái thơ “hành” với điển cố Kinh Kha trong Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Thân Tâm. Thiên nhiên thơ Huy Cận phảng phất hồn thơ Đường Cái hàm súc gợi tình của điển cố vẫn có giá trị mê hoặc mới trong thơ:

Mây đi vắng trời xanh buồn rộng rãi

(Bức tranh quê- Anh Thơ)

Không khói hoàng hhôn cũng nhớ nhà

(Tràng Giang – Huy Cận)

Mô típ nghệ thuật ” con nai ” trong một bài thơ viết về mùa thu của nhà thơ Nhật Bản Sarumaruở thế kỷ 8 trở đi trở lại trong thơ nhiều tác giả như Lưu Trọng Lư , Xuân Diệu …

Không khí “liêu trai” huyền ảo của một khu vườn đầy trăng có bóng dáng của chàng Trương Xuân Thuỵ băng qua đường tìm gặp Thôi Oanh Oanh đã hoà lẫn trong cái nhìn thiên nhiên theo triết lý hưởng thụ của Xuân Diệu trong Hoa đêm

Sự tiếp tục nội sinh hoá các yếu tố của văn học Phương Đông của thơ Đường thật tinh tế, phức tạp, khó có thể nắm bắt hết được những cái thật. Có ai dám nói vần chân của câu thơ mới là của Pháp hay của Trung Hoa ? Thật khó thay !

.....

Vấn đề cuối cùng cần thấy là trong văn học trung đại Việt Nam, dù bị sự câu thúc nghiêm ngặt của thi pháp trung đại, nền văn học dân tộc vẫn có một sự dịch chuyển về hướng hiện đại với nhiều mầm mống khác nhau: tính phồn thực trong thơ Hồ Xuân Hương, phép tâm lý biện chứng và tinh thần tự do trong tình yêu của Nguyễn Du, cốt cách ngông nghênh tài tình đầy cá tính độc đáo của Hồ Xuân Hương, Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ, cái nhìn rỗng không đỗ vỡ về “ta” và “trời xanh” của Nguyễn Khuyến ,… tất cả đã hàm chứa những giá trị hiện đại như một thứ phôi thai khiến gặp thời tiết đầy thế kỷ, chúng nhanh chóng vừa nội sinh hoá vừa tiếp biến, thẩm thấu và đồng hoá vào dòng văn học dân tộc để làm chuyển động cả một thế giới tinh thần trì trệ tưởng như hơn cả hàng nghìn năm. Không có tiềm năng này sẽ không có cuộc bức phá nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 đã làm, tất nhiên cũng không có cả phong trào Thơ Mới kỳ diệu này. Bởi lẽ giản đơn, mọi kết quả đều chứa trong nó một hành trình tự thân lặng lẽ chứ không phải là một quả sung rụng ngẫu nhiên, nhất là đối với một hiện tượng văn hoá mang tầm thế kỷ như Phong trào Thơ Mới .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kaka