🌿Tây tiến🌿

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tây Tiến của Quang Dũng là 1 áng thơ mang đậm màu sắc hoài niệm, những hoài niệm tiếp nối nhau đưa ta nghiêng trôi về một cõi vô cùng, về nơi một vùng đất xa xôi, huyền bí và đầy thơ mộng:

“… Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa…”

Những vần thơ cứ chầm chậm đi vào hồn ta như một bản nhạc mơ hồ, hư ảo: “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy”. Người ở đây là ai? Là một người bạn, là đoàn binh Tây Tiến hay chính nhân vật trữ tình? “ Người” lính Tây Tiến năm ấy như quên đi cả ý niệm thời gian, quên rằng mình đang ở hiện tại hay quá khứ. Đây là kết quả của một trạng thái cảm xúc bề bộn của ý thức và vô thức, hoài niệm và hiện tại, hư và thực. Từ đêm hội đuốc hoa để chuyển sang chiều sương khói phủ và mở ra man mác những hình ảnh hiu hắt của “hồn lau”, “bến bờ”, “độc mộc”.

Thơ là gợi chứ không tả. “Khi thơ đạt đến sự tròn trĩnh vẹn toàn thì tự nhiên nó đã mang những yếu tố của nghệ thuật hội họa, âm nhạc, điêu khắc.” (Một nhà thơ người Pháp). Đoạn thơ này gần như đạt đến sự tròn trĩnh ấy. Ở đó không chỉ có những nét vẽ, hình sắc mà còn giao hòa cả chất nhạc êm đềm, cộng với nét điêu khắc cổ điển rất nhẹ nơi hình ảnh chiếc thuyền độc mộc.

Những hình ảnh kia không phải sắp đặt theo trật tự bối cảnh không gian, mà được sắp xếp vô định theo dòng hoài niệm, mường tượng từ kí ức. Tác giả không nói “bông lau”, “hoa lau” mà là “hồn lau”. Sự xuất hiện của con người lại chỉ mang tính chất bóng dáng, cộng hưởng với bề rộng mênh mang và khoảng cách xa xăm nơi “nẻo bến bờ” gợi nên một khung cảnh “hoang dại như bờ tiền sử”, đìu hiu như “một khúc li tao”. Ý thơ chỉ “mất đi chút rỡ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng”, sâu lắng, nó làm nhòe đi mọi giới hạn cho phép của không gian thực mà chỉ còn là không gian của lòng người, của tâm tư, tình cảm thiết tha. Đặt những câu hỏi “có nhớ”, “có thấy”... lửng lơ, khắc khoải đến da diết, Quang Dũng như để tự hỏi lòng mình, như để khắc tạc thêm nỗi nhớ bâng khuâng, ngơ ngẩn…

Toàn tứ thơ ánh lên một màu sắc bàng bạc, hoang sơ mà như long lanh, phảng phất mộng mị, như thấm một nét buồn trong sáng đế lạ lùng. Giọng điệu quá đỗi dịu nhẹ, đằm thắm, chẳng khác nào một tiếng trúc tuyệt vời đang ngân nga lên giai âm của gió, cảu mây, của hồn người nhung nhớ. Tất cả như xao xác trong những ngân rung của nốt nhạc vi diệu, u huyền. Cảm xúc thi sĩ thăng hoa vận động giữa một hành lang ngút ngát vô biên. “Thi sĩ là người đi vào cõi mơ hồ để mang về những hình sắc diễm ảo” là như thế.

Đường nét rung rinh mềm mại với bút pháp chấm phá tinh tế, không gian sông nước thì rộng lớn, con người thưa thớt, thấp thoáng ẩn hiện mông lung sau màn sương sương huyền thoại mờ nhòa, bọc lấy lời thơ một bầu không khí lành lạnh nhưng vẫn ánh lên sự sống dai bền trên vùng đất Tây Bắc xa xôi. Và sao hình ảnh cuối đoạn thơ cứ như vấn vương mãi:

“Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Trong khoảnh khắc, lời thơ như tan ra để chỉ còn bồng bềnh những xúc cảm trước một thoáng đẹp đẽ, xinh tươi, dù mỏng mảnh. Dòng lũ hẳn là dữ dội, mạnh mẽ thế mà lại ẩn hiện nghiêng nghiêng những cánh hoa “đong đưa” - tạo nên sức gợi từ một chuyển động nhẹ nhàng, khẽ khàng, uyển chuyển, duyên dáng. Cảnh tượng tĩnh mà động, tưởng im lìm mà tha thiết, tưởng đối lập vậy mà rất hài hòa - là phút rung cảm ngẫu hứng của điệu thơ. Cảnh đó khiến ta liên tưởng đến một câu thơ của Hàn Mặc Tử:

“Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”

Cũng “hoa-nước” ấy nhưng cặp hình ảnh này lại phụ họa vào nhau trong nỗi buồn hiu hắt: dòng nước lững lờ “buồn thiu” tìm đồng cảm trong dáng “hoa bắp lay” phất phơ, âu sầu, buồn thảm. Dù đó có phải là sự gặp gỡ về cảm hứng sự vật hay không thì hình ảnh kia, động thái này, “lay” hay “đong đưa” cũng đều thực sự lay động được lòng chúng ta!

Tôi cứ nghĩ Quang Dũng chính là hồn lau kia, là dáng người trên độc mộc ấy và câu thơ cũng như chòng chành cùng mạn thuyền, đong đưa tình tứ cùng lau lách, hoa trôi trong một buổi chiều tà mờ sương lãng đãng, mơ màng của cảnh vật và lòng người.

Xuyên suốt những dòng thơ ấy là một không-thời gian đẹp mộng mị, bâng khuâng một tình yêu không nói hết của tác giả với vùng đất gắn bó thiết tha một thời cùng đoàn binh Tây Tiến. Và ta đã tìm thấy ở “Tây Tiến” vẻ đẹp không thể quên của một hoài niệm, lấp lánh chất thơ, trong tâm hồn người chiến sĩ-nghệ sĩ tài hoa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro