Vội vàng 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đề bài 2: Phân tích quan niệm thời gian trong đoạn 2 bài thơ "Vội vàng" của Xuân Diệu:

Dàn ý

I. Mở bài:

- Trong "Thi nhân Việt Nam", nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng khẳng định: "Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống dào dạt chưa từng có ở chỗ nước non lặng lẽ này".

- Nhắc tới Xuân Diệu - nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới, ta không thể không nhắc tới một bài thơ in đậm dấu ấn, phong cách của ông - Vội vàng.

- "Vội vàng" là nỗi ám ảnh thời gian và tiếng lòng yêu đời tha thiết, khát sống đến cuống quýt của Xuân Diệu.

- Nếu phần đầu tiên của bài thơ là ước muốn táo bạo cùng vẻ đẹp độc đáo của mùa xuân thì sang phần thơ thứ hai, nhà thơ giải thích lí do phải sống vội vàng. Có lẽ vì thi sĩ có quan niệm mới và hiểu được giá trị của dòng chảy thời gian:

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

........

Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa...

II. Thân bài:

1. Khái quát chung:

- "Vội vàng" được sáng tác năm 1938, rút từ tập "Thơ thơ", là bài thơ đã mang đến những nguồn cảm xúc mới, những khát vọng mới cùng những tuyên ngôn táo bạo về lẽ sống của cái tôi cá nhân trước cuộc đời.

- Trong bối cảnh đời sống tinh thần của nhiều thanh niên trở nên bi quan, buồn chán, chìm đắm trong thế giới tĩnh tại, siêu hình thì Xuân Diệu đã cất lên tiếng thơ dào dạt của một tâm hồn tuổi trẻ khao khát sự sống, trân trọng những phút giây thực tại và yêu thương những gì đẹp nhất mà cuộc đời ban tặng.

- Quan niệm cũ về thời gian: Nếu người xưa luôn yên tâm, bình thản trước sự trôi chảy của thời gian bởi họ quan niệm thời gian là tuần hoàn

2. Phân tích: (2 -7 -7)

a, Luận điểm 1: Xuân Diệu quan niệm thời gian, mùa xuân một đi không trở lại.

Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

- Mùa "xuân" mang ý nghĩa ẩn dụ cho dòng chảy thời gian.

- Điệp từ "nghĩa là" như là lời khẳng định, sự cắt nghĩa và lí giải về thời gian.

- Cách sử dụng cặp từ đối lập "tới - qua", "non - già"

=> Cùng với hàng loạt câu thơ văn xuôi theo lối định nghĩa, Xuân Diệu đã khẳng định một sự thật hiển nhiên không thể phủ nhận: Thời gian trôi đi rất nhanh, đó là một dòng chảy vội vã mà không gì có thể níu giữ lại. "Xuân đương tới" là mùa xuân đang sắp đến nhưng Xuân Diệu như đã nhìn thấy khoảnh khắc mùa xuân sắp đi qua. "Xuân còn non" nhưng rồi sẽ đến lúc mùa xuân sẽ già, sẽ tàn phai...

=> Tâm trạng thảng thốt, đầy suy tư trước quy luật khắc nghiệt của thời gian.

b, Luận điểm 2: Cuộc đời con người là hữu hạn, tuổi thanh xuân tươi đẹp lại vô cùng ngắn ngủi:

- "Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất". Dù ước vọng mãnh liệt bao nhiêu cũng không thắng được quy luật của thời gian

- "Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật - Không cho dài thời trẻ của nhân gian". Điều thi sĩ âu lo, trăn trở là tuổi trẻ qua đi, tuổi già mau tới bởi thời gian như một dòng chảy mà mỗi một khoảnh khắc trôi qua là mất đi vĩnh viễn.

=> Đối diện với sự thật hiển nhiên mà phũ phàng ấy, Xuân Diệu không khỏi tiếc nuối, lo âu và day dứt. Thi sĩ không chỉ tiếc mùa, tiếc tháng, tiếc ngày mà tiếc từng khoảnh khắc, từng phút giây. Ở một bài thơ khác, nhà thơ cũng từng khắc khoải trước dòng chảy thời gian: Tôi từ phút ấy trôi qua phút này.

- "Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn - Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại": Với Xuân Diệu, tuổi trẻ không thắm lại nên cũng không thể nói mùa xuân là tuần hoàn. Xuân Diệu tiếc mùa xuân mà thực chất là tiếc tuổi trẻ. Và đó là nguyên cớ xâu xa khiến thi sĩ vội vàng một nửa khi xuân mới bắt đầu:

- "Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi - Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời": Đúng vậy, giữa cái mênh mông của vũ trụ, vô cùng, vô tận của thời gian, tuổi trẻ, sự sống của con người bỗng trở nên quá ngắn ngủi, mong manh chỉ như bóng câu qua cửa sổ, như cái chớp mà thôi.

=> Xuân Diệu đã đem đến một nỗi ngậm ngùi và tiếc nuối đến xót xa trong thơ ca Việt.

c, Luận điểm 3: Xuân Diệu cảm nhận thấm thía sự phôi pha, phai tàn đang âm thầm diễn ra trong mọi sự vật ở cả không gian và thời gian.

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi

Khắp núi sông vẫn than thầm tiễn biệt

Con gió xinh thì thào trong lá biếc

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa.

- "Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi" - thời gian vốn vô hình, vô ảnh, không mùi, không vị, đi vào thơ Xuân Diệu bỗng có mùi, có vị chia phôi.

- Thời gian thì rớm vị chia phôi, khắp không gian đâu đâu cũng vọng lên khúc chia li, lời than thầm tiễn biệt. Gió đùa trong lá không phải là những âm thanh vui tươi, sống động của thiên nhiên mà vì hờn tủi trước sự trôi chảy của thời gian. Chim hót những bản nhạc chào xuân rộn ràng bỗng ngừng lại vì sợ độ tàn phai, héo úa.

=> Vậy là vạn vật không thể cưỡng lại quy luật tàn phai nghiệt ngã của tạo hóa. Mỗi khoảnh khắc trôi qua, mọi sự vật đều từ giã một phần sự sống, thời gian trôi đồng nghĩa với mất mát và chia lìa, héo úa và tàn phai. Mỗi phút giây thực tại ngay lập tức cũng trở thành quá khứ.

=> Quan niệm mới mẻ và đầy ám ảnh về thời gian và sự sống xuất phát từ sự thức tỉnh sâu xa về cái tôi cá nhân, từ lòng ham sống, yêu đời đến đắm say, cuồng nhiệt của thi nhân.

=> Đến đây thi sĩ đã vỡ lẽ "chẳng bao giờ" có thể tắt nắng buộc gió, níu giữ mãi tuổi trẻ, mùa xuân ở lại. Khát vọng cháy bỏng, ước muốn táo bạo đã tan thành mấy khói. Chỉ còn lại nỗi bàng hoàng, thảng thốt còn in dấu trong dấu chấm cảm giữa dòng thơ và dấu chấm lửng cuối dòng thơ.

3. Đánh giá

- Đoạn thơ thể hiện quan niệm mới mẻ của Xuân Diệu về thời gian. Có thể thấy, Xuân Diệu có cách cảm nhận về thời gian khác lạ như vậy là nhờ vào "sự ý thức sâu xa về sự sống của cá thể". - - Quan niệm mới mẻ ấy của Xuân Diệu đã khiến cho ta phải trân trọng từng phút giây của cuộc đời, tận hưởng một cuộc sống trọn vẹn và đầy ý nghĩa. Quan đoạn thơ, ta đã thấy được niềm khát khao sống mãnh liệt, cháy bỏng.

- Không thể buộc gió, chẳng thể tắt nắng để níu giữ mãi hương sắc mùa xuân, Xuân Diệu đã hối thúc mình và mọi người hãy sống vội vàng, hãy chạy đua cùng thời gian: "Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm." Lời giục giã hối thúc mang sắc điệu mạnh mẽ, quyết liệt bởi kiểu câu cầu khiến có sử dụng dấu chấm cảm giữa dòng. Có thể nói câu thơ "Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm" rất điển hình, tiêu biểu cho hồn thơ vội vàng cuống quýt của Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám. Không chỉ ở "Vội vàng", Xuân Diệu luôn hối thúc giục giã mọi người cần sống mau, sống vội:

Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi

- Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai

Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn

- Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ

Em, em ơi tình non sắp già rồi!

III. Kết bài

- Từ đó, chúng ta thêm trân trọng quan niệm nhân sinh, tích cực, tiến bộ. Cũng như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng nói: "Đây là tiếng nói của một tâm hồn yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt. Nhưng đằng sau những tình cảm ấy, có một quan niệm nhân sinh mới mẻ chưa thấy trong thơ ca truyền thống".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro