tây tiến

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


I- NHỮNG TRI THỨC BỔ TRỢ

1. Về tác giả và thời điểm tác phẩm ra đời

- Quang Dũng (1921 – 1988) tên khai sinh là Bùi Đình Diệm. Quê ở làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) nhưng ông học trung học ở Hà Nội. Sau cách mạng tháng Tám, Quang Dũng tham gia quân đội. Từ sau năm 1954, ông là biên tập viên Nhà xuất bản Văn học.

Quang Dũng là người đa tài, giỏi "cầm, kỳ, thi, họa". Ông sáng tác bài hát, vẽ tranh, làm thơ, viết văn và giỏi cả kiếm thuật. Bài thơ Tây Tiến thể hiện các tài năng này với chất nhac, chất thơ, chất tạo hình và chất tráng ca là điều tự nhiên.

- Quang Dũng là người trực tiếp tham gia chiến đấu trong đoàn quân Tây Tiến từ năm 1947. Năm 1948, sau khi xa đơn vị một thời gian, nhà thơ đã sáng tác bài thơ này, lúc đầu cso tên là Nhớ Tây Tiến; năm 1957, khi in lại, ông đã bỏ chứ "nhớ".

Tây Tiến đã từng có một số phận gian truân, có lúc người ta nghĩ nhà thờ vẫn còn tâm hồn tiểu tư sản, nhưng rồi bài thơ đã có được vị trí xứng đáng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Bài thơ được khắc trên đài tưởng niệm các liệt sĩ Tây Tiến ở Hòa Bình.

2. Về đoàn quân Tây Tiến

Trung đoàn Tây Tiến được thành lập đầu năm 1947, trong đó có sự tham gia của hai tiểu đoàn Hà Nội với khá nhiều học sinh, trí thức. Nhiệm vụ của trung đoàn Tây Tiến là phối hợp với lực lượng yêu nước Lào lập chính quyền cách mạng ở Sầm Nưa, đánh địch ở Tuần Giáo, Hòa Bình, Quỳnh Nhai, trên tuyến sông Đà, sông Mã, sang Sầm Nưa rồi trở về miền Tây Thanh Hóa... góp phần giữ vững địa bàn miền Tây. Những gian khổ, hi sinh được nhắc đến trong bài thơ là sự thật về cuộc chiến tranh ở rừng núi thời xưa được mệnh danh là "ma thiêng nước độc". Bệnh sốt rét đã khiến cho nhiều chiến sĩ rụng tóc, hình ảnh "đoàn binh không mọc tóc" và "quân xanh màu lá" là tả thực những chiến sĩ thời gian khổ ấy.

II- PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

1. Đặc điểm về nội dung

a) Bố cục của bài thơ

Bài thơ viết theo thể hành, gồm 4 đoạn. Cảm xúc chủ đạo là nỗi nhớ thương da diết đồng đội trong đoàn quân Tây Tiến và núi rừng miền Tây, là niềm tự hào vô hạn về những đồng đội của nhà thơ. Nỗi niềm thương nhớ này trải rộng theo một không gian bao la với bao địa danh núi sông, làng bản miền Tây.

- Đoạn 1 (từ đầu đến "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"): Một bức tranh toàn cảnh về núi rừng Tây Bắc.

- Đoạn 2 (tiếp theo đến "Trôi dòng nước lũ hoa đung đưa"): Vẻ đẹp lãng mạn của miền Tây.

- Đoạn 3 (tiếp theo đến "Sông Mã gầm lên khúc độc hành"): Bức tượng đài tập thể về những người lính Tây Tiến.

- Đoạn 4 (đoạn còn lại): Sự nghiệp của những người lính Tây Tiến vẫn được đồng đội tiếp tục.

b) Một bức tranh toàn cảnh về núi rừng Tây Bắc

- Với một tâm hồn thơ tinh tế, một con mắt của nghệ sĩ tạo hình, nhà thơ khắc họa một bức tranh đặc sắc về hông gian hoạt động của những người lính Tây Tiến. Tuy vậy, phải chú ý rằng Quang Dũng không đơn thuần đứng ngắm nhìn từ xa hay tưởng tượng để tả mà tác giả chuyển tải cảm nhận từng trải về thế giới núi rừng đó, cảm giác của một người đã đắm mình trong không gian đó. Cái nhìn về Tây Bắc là cái nhìn của một người trong cuộc, đã từng tự mình thí nghiệm các cảm giác trèo đèo vượt suối:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Về cảnh trập trùng, khúc khuỷu của núi đồi xưa. Chinh phụ ngâm đã từng viết: "Hình khe thể núi gần xa – Đứt thôi lại nổi thấp đà lại cao". Nhưng sự điệp trùng ấy có thể đứng từ xa nhìn cũng thấy. CÒn tả núi cao đến "heo hút", "ngàn thước", nơi súng có thể "ngửi trời" được thì đó là một lối tả đầy cảm giác. Hình ảnh "súng ngửi trời" chuyển tải một thông tin: tác giả là người chiến sĩ mang súng đã qua con dốc hiểm trở ấy. Muốn viết được như thế thì phải có con mắt vượt tầm đỉnh núi, đắm chìm vào trong mây mới cảm nhận được. Tả núi cao mà chủ yếu để nói về những cái vực sâu rợn người "dốc thăm thẳm". Câu thơ như bị chặt đôi để diễn tả dáng núi cao vút và hạ thấp xuống rất đột ngột. Lên cao thì vất vả nhưng xuống núi thì nguy hiểm vô cùng.

- Với thơ ca, rừng núi không phải là vô hồn, vô tri, vô giác. Dân gian có thành ngữ "ma thiêng nước độc". Thế Lữ đã từng nói về "oai linh rừng thẳm" (Nhớ rừng). Nhưng cái mới của Quang Dũng là bằng cái tài thẩm âm tinh tế, và vẫn của người đã sống ở rừng, đã nghe và đã nhìn, ông ghi lại những lời chủ âm đặc thù của rừng già Tây Bắc là tiếng suối, tiếng hổ báo gầm gào, khiến người đọc cảm nhận được cái oai linh rờn rợn của núi rừng lúc chiều buông, đêm về:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đem Mương Hịch cọp trêu người

- Bằng bút pháp lãng mạn, nhà thơ cực tả sự hiểm trở, dữ dội của thiên nhiên với dụng ý tạo sự đối lập rất rõ. Con người chỉ anh hùng khi vượt qua những thử thách khốc liệt. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Trên cái nền thiên nhiên khốc liệt ấy, càng tháy rõ vẻ đẹp của sự hi sinh, vượt khó vượt khổ của đoàn quân Tây Tiến. Nhà thơ không mĩ lệ hóa rừng núi, tức không mĩ hóa cuộc chiến tranh; nhà thơ nhìn thẳng vào hiện thực của mất mát, hi sinh, điều mà có thể người này người khác né tránh khi viết về chiến tranh. Dẫu sao, chiến tranh không phải là cuộc dạo chơi. Đã có người đồng đội kiệt sức trên bước đường tiến quân:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

- Nhưng Tây Bắc không chỉ có núi rừng oai linh, hiểm trở. Tây Bắc còn là con người. Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng sử dụng thủ pháp đối lập tương phản rất thành công. Cứ cuối mỗi đoạn thơ tả cảnh núi rừng hiểm trở, Quang Dũng lại làm dịu cảm giác rùng rợn mỏi mệt bằng việc gợi nhớ đến lòng người Tây Bắc hồn hậu, chân tình. Cứ mỗi lần kiệt sức, mỏi mệt trên đường hành quân hiểm trở, tâm hồn người chiến binh lại được an ủi vỗ về bởi tình quân dân nơi bản Mương, bản Thái:

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mương Lát hoa về trong đêm hơi

"Hoa về trong đêm hơi" theo chúng tôi phải được hiểu là ánh đuốc (của dân bản hay các chiến sĩ ?) cháy sáng bập bùng trong đêm sương giá mịt mùng của rừng núi (đêm hơi)

Đang rã rời thân thể khi vượt dốc cao ngàn thước và rợn người nhìn xuống vực sâu thầm thì lòng hân hoan, ấm lại vì đã thấy bản làng đang ẩn hiện phía trước:

Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Câu thứ hai đều là thanh bằng như làm dịu nỗi niềm cơ cực của anh lính Tây Tiến, như một tiếng thở phào nhẹ nhõm vì sắp tới đích. Rừng núi hiểm trở nhưng có tấm lòng của người dân làm dịu đi tất cả những thử thách khốc liệt đó.

Một cặp đối lập nữa rất tiêu biểu cho thủ pháp đối lập trong tả tình, tả cảnh của Quang Dũng:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Giờ phút quây quần đầm ấm quanh nồi cơm nếp bốc khói thơm ngào ngạt đã làm ấm lòng người lính trải qua núi cao vực thẳm, những chiều tà thác đổ, những đêm sâu cọp gầm. Những cảnh tượng dữ dội đã ở sau lưng rồi. Hình ảnh cơm lên khói và mùi thơm của nếp xôi rất đặc biệt cũng ấn một thông báo về sự từng trải các cảnh huống khác nhau của "cái tôi" tác giả giữa núi rừng Tây Bắc. Không phải chỉ có những cuộc hành quân giữa núi rừng hiểm trở mà nơi đây còn đầm ấm tình quân dân: những người chiến sĩ cách mạng được nhân dân nồng hậu chào đón.

Đoạn thơ đầu tuy khắc họa một bức tranh về miền Tây Bắc hùng vĩ nhưng nhà thơ không dừng lại ở cảnh. Tác giả muốn diễn đạt tâm hồn, cảm xúc của những người lính Tây Tiến trên chiến trường miền Tây Bắc, cũng nói đến cả tình quân dân ấm áp, mặn mà.

c) Vẻ đẹp lãng mạn của miền Tây Bắc

- Đoạn thơ thứ hai với 8 câu thơ nối tiếp mạch cảm xúc của đoạn thơ đầu. Những gian truân, khốc liệt đối với tuổi trẻ hừng hực sức sống đã lùi xa. Giữa đại ngàn hoang vu, cổ sơ ấy bỗng xuất hiện một đêm liên hoan lửa trại. Những cô gái Thái, Lào duyên dáng, xinh đẹp, những tiếng khèn, điệu múa đọc đáo, mới lạ với những anh lính vùng xuôi (có thể là điệu Lăm vông, Lăm tơi mà khi ấy tác giả gọi là man điệu) làm nên màu sắc huyền ảo, lãng mạn. Tả vẻ đẹp lãng mạn của đêm lửa trại là để tả vẻ đẹp lãng mạn của tâm hồn chiến sĩ Tây Tiến. theo Vũ Quần Phương, câu thơ "Kìa em xiêm áo tự bao giờ" là kể chuyện nam bộ đội đóng vai nữ rất đẹp...gái. Nhưng ngữ cảnh toàn bài thơ tạo áp lực cho phép hiểu đay là các cô gái địa phương (Mai Châu mùa em thơn mếp xôi; Khèn lên man điệu nàng e ấp):

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Không phải là ánh lửa trại bình thường mà là hội đuốc hoa. Trong tâm thức người Việt, hội hè không thể thiếu trai gái thanh lịch. Khổ thơ mang theo cái rạo rực, bay bổng say người của hội hè. Các từ ngữ bùng lên, kìa em, e ấp diễn tả nỗi lòng, cảm hứng của lính Tây Tiến. Mọi gian khó với tâm hồn trai tráng của họ đã biến mất, còn lại sự yêu đời, lạc quan.

- Nguyên tắc đối lập được tác giả vận dụng triệt để. Đường Tây Tiến không chỉ hùng vĩ, đầy thử thách bạo liệt mà còn có những cảnh núi sông thơ mộng, đẹp không ngờ:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bề

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Cây lau với dòng sông từ xưa đã là hai hình ảnh sóng đôi, gợi hứng cho thi ca, đó là "Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu" (Truyện Kiều) gợi nỗi niềm tương tư của Kim Trọng, đó là "Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách – Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu" (Tì bà hành). HÌnh như thân lau nhẹ nhàng, bông hoa lau trắng xóa luôn phất phơ trong gió, sống động như có hồn, bên dòng nước chảy ở thời nào cũng gợi cảm cho nhà thơ. Câu thơ trên gợi vẻ trầm mặc, sương khói, huyền ảo của dòng sông khi chiều về sương xuống. Cảnh thiên nhiên gợi suy tư.

Chiều sương và hồn lau là những hình ảnh tĩnh. Những dáng người cầm lái con thuyền độc mộc lướt theo dòng nước chảy xiết làm những bông lau bên bờ đong đưa là những hình ảnh động. Hai hình ảnh tĩnh và động bổ sung cho nhau, tạo nên bức tranh hài hòa. Cách đặt câu hỏi có thấy... có nhớ... là lối đặt câu khẳng định "hẳn phải nhớ". Không nhớ làm sao được vẻ đẹp ấy? Con mắt hội họa đã giúp nhà thơ tạo ra bức tranh đẹp như vậy. Có thể nói rừng núi hùng vĩ và con người miền Tây Bắc khỏe đẹp diễn tả tâm hồn đẹp, khỏe, lãng mạn của những người lính Tây Tiến trẻ trung, đầy sức sống.

d)Bức tượng đài tập thể về những người lính Tây Tiến

Đoạn thơ thứ ba gồm 8 câu thơ tiếp theo. Nhà nghiên cứu văn học Phong Lan đã gọi bài thơ Tây Tiến là "tượng đài bất tử về người lính vô danh". Đây là một cách diễn đạt hình tượng rất thành công nội dung đoạn thứ ba.

- Những gian khổ, hi sinh được nhắc đến trong đoạn thơ này là có thật. Sốt rét ác tính trong hoàn cảnh thiếu thốn thuốc men, sinh hoạt kham khổ đãm là nguyên nhân tạo nên ngoại hình đặc biệt của anh lính Tây Tiến: "không mọc tóc", "da xanh màu lá". Nhiều nhà thơ kháng chiến có nói tới căn bệnh sốt rét ở người bộ đội vệ quốc như là một chứng tích của tinh thần hi sinh, vượt gian khổ. Còn Quang Dũng muốn nói đến thần thía của người lính Tây Tiến hơn là ngoại hình. Cái hùng toát lên từ hình tượng người chiến binh:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Tác giả không viết "rụng tóc" mà viết "không mọc tóc" vì viết như thế sẽ nói lên cái ý chí không bị động của người lính Tây Tiến, hình như anh chủ động để trọc đầu để dễ dánh giáp lá cà với địch. Từ màu da xanh xao như lá vẫn toát lên cái "oai hùm". Kế thừ hình tượng truyền thống về những bậc trượng phu, tráng sĩ, những oai tướng hùm thiêng như Từ Hải, như "ông hùm Đề Thám", câu thơ mang âm hưởng hào hùng, tráng ca.

Khổ thơ tiếp theo tiếp tục được cấu trúc theo nguyên tắc đối lập. Từ ba câu thơ đầu toát lên khí phách, thần thái của chiến sĩ Tây Tiến. Vẻ oai phong lẫm liệt của chiến sĩ Tây Tiến được diễn tả chủ yếu qua đôi mắt: "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới". Trong tâm thức người phương Đông, mắt là linh hồn của con người và sự vật. Ở Đông Nam Á, con thuyền khi hạ thủy được con người điểm nhãn để bắt đầu cho cuộc sống của nó. Người ta "khai quang, điểm nhân" cho môt bức tượng. Tả mắt là thủ pháp phổ biến trong văn học để truyền thần nhân vật. Ánh mắt giận dữ của chiến binh Tây Tiến đặc tả khí phách và ý chí chiến đấu của các anh.

Tuy vậy, vẻ ngoài có vẻ dữ dằn không hề là bản chất của các anh. Họ là những thanh niên, học sinh của Hà Nội tạm "xếp bút nghiên thoe việc đao cung" lên đường kháng chiến. Họ có bao kỷ niệm và trong trái tim của họ vẫn dành trọn chỗ cho những cô gái đã quen và chưa quen của Hà Nội. Với bút pháp quen thuộc, nhà thơ đặt hai trạng thái như đối lập nhau để vẽ nên chân dung hoàn chỉnh của người lính Tây Tiến:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Chất men lãng mạn cũng là một động lực tinh thần quan trọng của người lính, giúp họ vượt lên mọi gian khổ, hi sinh. Có thể người nghiêm khắc cho đây là biểu hiện của tâm hồn lãng mạn, tiểu tư sản. Song chính hình ảnh "dáng kiều thơm" là nét vẽ cần thiết cuối cùng giúp cho hoàn chỉnh hình tượng chiến sĩ Tây Tiến.

Chính tinh thần lãng mạn đã là một điểm tựa giúp nhà thơ nói lên một vấn đề mà nhiều người lúc đó né tránh. Đã là chiến tranh thì phải có mất mát, hi sinh. Vấn đề là không rơi vào bi quan, là nhìn ra từ sự mất mát tầm vóc cao đẹp của sự hi sinh. Nhà thơ đã dùng những câu thơ sóng đôi, câu sau cắt nghĩa, lí giải cho câu trước:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Những nấm mồ là có thật, tinh thần tự nguyện xả thân cho Tổ quốc cũng là có thật. Đó là hào khí của một thời đại "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Cái chết nơi chiến trường thật đơn sơ, giản dị. Anh nằm xuống không có cả manh chiếu bọc thây. Anh về lại đất mẹ như cái chết của anh đã được dòng sông Mã oai hùng cúi chào vĩnh biệt bằng những tiếng gần đau đớn, uất hận. Tiếng gầm của dòng sông Mã ấy sẽ còn mãi mãi đến muôn đời.

Việc dùng các từ Hán Việt đã đem lại sắc thái trang trọng, tôn nghiêm, Biên cương mồ viễn xứ, áo bào, khúc độc hành tạo không khí cổ điển. Nhà thơ kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của những chiến sĩ Tây Tiến. Đoạn thơ mang âm hưởng bi tráng.

e) Sự nghiệp của những người lính Tây Tiến vẫn được đồng đội tiếp tục

Bốn câu thơ kết thúc bài Tây Tiến với nhịp thơ chậm, nhưng giọng thơ vẫn bi hùng. Vẻ đẹp của người lính chủ yếu là ở tinh thần chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc:

Tây Tiến người đi không hẹn ước

Đường lên thăm thẳm một chia phôi

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy

Hồm về Sầm Nưa chẳng về về xuôi.

Ra đi không hẹn ước ngày về. Chờ đợi họ ở phía trước vẫn là con đường thăm thẳm, gian nguy còn nhiều. Nhưng bất cứ ai lên với đoàn quân Tây Tiến, sống với hào khí oanh liệt, lãng mạn của những người lính Tây Tiến được thành lập và bắt đầu cuộc trường chinh gian khổ anh hùng – sẽ là cái mộc thời gian lịch sử của một thời không trở lại lần nữa, nhưng tinh thần Tây Tiến thì bất diệt.

2. Đặc điểm về nghệ thuật

Bài thơ sử dụng một số từ Hán Việt. Đây có thể là dấu vết của quan niệm truyền thống về người anh hùng, gắn liền với cái hùng, cái bi, cái cao cả, nhằm tạo nên ấn tượng con người vũ trụ.

Bài thơ khá đặc sắc về nhạc điệu do việc tác giả mo phỏng thể hành của thơ truyền thống. Sự thay đổi khá linh hoạt của vần, thanh điệu bằng trắc, nhịp câu thơ khiến cho bài thwo thoát khỏi sự gò bó có thể có của các khổ thơ có dáng vẻ thơ Đường luật.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#van