TIẾP DIỄN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Một đứa trẻ mất tích..."

Tôi nghe được tin này. Chính tại đây. Quán nước nhỏ, đặt cạnh cầu thang bộ. Chuyện đứa bé, là từ đâu? Sau khi hớp ngụm nhân trần cuối cùng, tôi hút một điếu thuốc. Tôi ngồi đây đã từ lâu. Nửa tiếng trước tôi có về. Điểm danh xong, tôi lại ra.

Chủ quán là một cụ bà đã 70. Béo. Mái tóc bạc nằm cùng lớp khăn mỏ quạ. Da dẻ nhăn nhúm. Mắt không còn tinh nhưng vẫn chưa mờ đục đến mức không rót được nước. Tôi là khách quen. Mấy người ngồi đây cũng là khách quen. Tôi không biết họ, và họ, chẳng lý gì lại rõ về tôi. Tôi nhìn thấy họ ở quán đã trên hai mươi lần. Cũng hai mươi lần đấy, họ thấy tôi ngồi, uống nước, lấy thuốc, mua bánh, gọi nước, và thế là tôi cũng là cái mặt quen đối với họ. Một người đi qua quán, rồi tìm lên cầu thang bộ. Đấy là một đôi nữ, tôi từng thấy hai cô gái này. Một, hai, hoặc năm lần. Quà bánh thì chẳng bao giờ thiếu. Chỉ trà và nhân trần là mau hết. Chỉ có tám cái ghế nhựa. Quanh năm, chỉ tám cái ghế.

Anh chàng tóc vàng này lúc nào cũng mang Ipad bên mình. Máy luôn mở. Lướt mạng, chơi trò chơi, nhiều khi là đọc báo. Đã có lúc tôi thấy anh chàng ngồi cùng bạn của mình. Họ nói, và anh ta hí húi bên cái Ipad. "Tao vẫn nghe đấy thôi." – Anh chàng tóc vàng nói như vậy. Lúc cần, anh ta sẽ lên tiếng. Lời anh ta trúng phóc vào câu chuyện, và chẳng ai trách anh ta đã sao nhãng cuộc họp mặt. Một chàng trai khác, cũng thường ngồi đây, nhưng ngồi phía cuối cái bàn. Anh ta ít lời, chỉ ngồi đốt thuốc lào. Những nhà gần đây, hoặc người ở kia đường cũng hay ngồi quán. Lúc tan tầm thì chỗ ngồi này không mấy sạch sẽ. Cũng lúc đấy thì chỗ này vắng khách.

"Còn Ba Số không bà."

"Thấy chưa, tôi nói là đúng thôi."

"Thằng tướng sẽ làm phản."

"Sao biết?"

"Trong Sử là thế."

"Ai biết đường đến Cung Văn Hóa không?"

Xe cộ đi lại ầm ầm. Khói bụi xộc cả vào đây. Tôi lấy tay che miệng cốc để khói bẩn không ám vào. Một người rời đi vì khói xe. Một người vào ngồi vì có chỗ. Hẳn nhiên, người mới cũng là khách quen. Chẳng đợi ông ta gọi, bà cụ lấy ngay thuốc lá và một đĩa hạt dưa.

Quán không bán cố định. Lúc sáng sớm đã mở, khi thì trưa, chiều tối, nhiều hôm lại chẳng mở. Ba cụ là người con phố này. Ở bên dãy chẵn, hoặc lẻ. Đã có lần bà cụ, hay ai đấy nói mà tôi quên. Mở hàng nước chỉ để kiếm thêm. Nhiều hôm tôi không thấy bà cụ. Một thanh niên, rồi một người đàn bà tứ tuần đến bán thay.

Đèn giao thông của con đường đã hỏng. Đèn vẫn hoạt động nhưng chỉ sáng màu xanh. Hai cột màu còn lại tịt ngóm. Xe cộ phóng vùn vụt. Ngược chiều và đúng chiều. Hai bên đường cách nhau khá xa. Ai gan lắm mới dám sang đường. Từng có vài con chuột từ dưới ống cống chạy sang kia đường. Bóng con chuột chỉ vèo một lúc rồi khựng lại và nát bét dưới lốp ô tô. Nếu là xe máy, con chuột có thể chưa chết. Nó bị thương, hoặc bị đẩy ra xa. Những cái xe khác tiếp tục phóng. Con chuột lọt thỏm giữa lòng đường. Xe bên trái, xe bên phải, cứ thế lao vù vù. Chưa con chuột nào bò an toàn sang đường bên kia. Bọn chúng bị đâm nát nhừ, xác chúng tiếp tục bị nhiều bánh xe nghiến lên cho đến khi mỏng quẹt lại và dính bệt xuống mặt đường như một tờ giấy dán. Lên cầu thang bộ là ai cũng có thể sang kia đường. Chỉ việc leo lên, đi một lúc rồi leo xuống. Thật đơn giản.

Tối tối, bọn bạn cùng phòng tôi cũng ra đây ngồi. Cũng trà đá hoặc nhân trần. Rồi đứa hút thuốc, đứa châm thuốc lào. Khói thuốc sặc sụa cả góc quán. Không ai thấy phiền nếu có bị chúng tôi thổi phù khói thuốc vào mặt. Họ chỉ huơ tay xua khói, hoặc chẳng cần, vì họ quá quen với vị thuốc. Có khi họ còn rít thuốc ngay. Thằng Bân là đứa cùng phòng tôi. Nó để đầu cua, mặc phông, quần đùi. Cổ nó đeo một sợi dây chuyền không mặt bằng bạc, để tránh gió. Tôi chẳng nói chuyện nhiều với nó. Có vẻ nó cũng không hợp tôi nên cũng ít chuyện trò. Bữa cơm nào thằng Bân cũng đi ăn riêng. Ba đứa còn lại, tính cả tôi thì mua cơm về ăn cùng nhau. Ngày hôm nay thằng Bân cũng ra đây. Nó chào tôi, tôi mời thuốc, nó không hút. Sau đấy nó gọi trà đá. Nó gọi thuốc. Loại Thăng Long, của tôi là Ba Số. Ngồi một lúc thằng Bân chợt nói về một trận bóng đá. Chẳng phải với tôi, cũng không phải ông khách nào có hào hứng với trái bóng. Thằng Bân nói như buột miệng. Nó nói việc chuyền thế này, ngắm khung thành rồi dứt điểm. Những điếu thuốc lá cháy rụi đi. Dưới chân chỉ thấy đầu lọc, vỏ hạt dưa, những que châm thuốc lào...Ông khách quen khác vào quán. Lại một hơi thuốc lào. Ngày hôm nay sao nhiều người hút thuốc lào thế. Từ lúc ngồi đây, tôi thấy bà cụ đã bóc sáu gói thuốc lào.

"Tiền đạo sút bóng, nhưng hóa ra lại chuyền ngược cho tiền vệ." – Thằng Bân vung tay loạn lên. Nó uống một hớp, rồi lại nói về pha cứu bóng kì tích của thủ môn. Người bên cạnh kể chuyện thằng con trai mới cưới vợ, người khác nói về giá xăng, chuyện cây cầu nọ bị sập, có người nói về chuyện nhà mình, con dâu, thằng cháu vào lớp một, sau vài lời kể tôi thấy một gia đình toàn quái thai. Một cái xe dừng, người ngồi xe ngó nghiêng mấy biển số nhà, rồi phóng đi.

Có lần, tôi đi qua đây vào buổi chiều và thấy hết chỗ. Một hội người, cả nam, cả nữ ngồi quây quần. Từng người đang lúi húi với cái điện thoại của mình. Nước uống trên bàn còn đầy cốc. Hẳn họ gọi từ lâu vì tôi thấy đá trong cốc đã tan hết. Đồ uống còn nguyên, chỉ pin điện thoại là hao đi.

Họ lại cười rồi. Lúc đi bộ ra quán tôi cũng thấy họ cười. Bà cụ không thấy ở quán. Chỉ mấy người khách ngồi với nhau. Lúc vào ngồi, một người có nói tôi là chờ một chút. Bà cụ về nhà lấy phích và cốc mới. "Nhanh thôi." – Ông chú mặt quen nói và tôi tin. Nhà bà cụ ở gần đây. Ngay bên kia đường. Tôi không biết số nhà bà cụ. Chỉ biết nó ở kia đường. Một người chợt cười. Rồi thêm một tiếng cười nữa. Có người làm dấu tay, và cười theo.

"Mày biết gì không? Vui đáo để" – Họ nói với tôi. Không đợi tôi hỏi, ông mặt nám kể ngay.

"Vừa nãy, có vụ cướp ở đây. Chỉ nhìn thôi, biết ngay là thằng nghiện. Nó cướp cái túi xách."

"Nó có dao nữa."

"Không có dao."

"Đâu phải túi xách, hình như tay nải. Tôi thấy cái bà bị giật là người ở quê lên."

"Nó giật phăng rồi chạy một mạch."

"Nó có rẽ vào ngõ, nhưng chắc thấy người đi ra, nên chạy thẳng. Mà bà kia bị cướp rồi hô, hay người đi đường hô nhỉ?"

"Tôi thấy một tay nó giữ đồ, tay còn lại cầm cái gì đấy. Chắc là dao."

"Không có dao."

"Hay kim tiêm nhỉ? Thằng nghiện đấy."

Bà cụ đã về quán. Hai phích nước và ba cái cốc hoàn toàn mới. Tôi chào bà cụ, rồi gọi nhân trần. "Hú hồn cụ nhỉ?" – Ông chú mặt quen nói, rồi ngoáy mũi.

"Thằng cướp thoát không các bác?" – Tôi hỏi.

"Bị tóm cổ rồi. Nhìn nó ăn đấm mà sướng cả mắt."

"Cũng nhờ mấy cái cốc của bà cụ. Nhưng cụ này, thế cốc vỡ bắt đền ai?"

Bà cụ khẽ "Ờ." rồi mở phích, đổ nước vào cái ấm trà. Cốc mới được bày lên bàn. Tôi hỏi về việc mấy cái cốc. Cốc ném trúng mặt. Bị hất cả cốc trà nóng vào mặt, rồi dân quanh đây xông vào. Cốc trúng tay, rồi bay mất con dao. Đã nói là không có dao. Thế là kim tiêm rồi. Không có kim tiêm. Thế thì là dao rồi. Có khi chẳng phải nghiện. Họ vẫn nói, tôi vẫn nghe. Lại có khách. Anh chàng áo kẻ này nhìn cũng quen, hẳn đến uống dăm ba lần rồi.

Hai bên đường đều trồng cây con. Mấy năm trước phía bên này có một cây bằng lăng sáu năm tuổi. Bên kia thì là một cây phượng, cũng trên sáu năm tuổi. Vào hè, hoa nở tóe hai bên đường. Giờ hai cây đấy không còn. Chúng bị chặt đi để xây cầu thang bộ. Chính là cái cầu thang bộ này. Nơi có quán nước ven hè. Chỗ tôi có mấy người thường hẹn nhau ra quán trà này. Cùng lớp, hoặc lớp bên cạnh. Trà không ngon, thậm chí nhạt thếch vì pha nhiều nước lọc. Các gói ô mai tôi không bao giờ dám mở ăn vì đều quá sử dụng. Hạt dưa quá cứng. Còn mấy gói bánh, tôi đồ rằng cũng là hàng cũ. Tôi vẫn ngồi đây. Như bọn họ, đã luôn ngồi đây từ lâu. Và giờ thành chỗ quen. Thằng Bân lớp tôi thường ra đây một mình. Bất cứ lúc nào nó ra khỏi phòng là lại nói rằng có hẹn. Đúng là nó không nói dối, vì tôi thấy nó xem đồng hồ. Rồi nhắn tin, hoặc bấm máy gọi. Mỗi khi có ai đi đến, nó đều ngó ra. Đến tôi đi đến, nó cũng ngoái ra với vẻ hào hứng. Nhưng rồi, mặt nó xìu xuống vì thấy tôi. Tuy vậy, nó vẫn vẫy tay chào. Mấy người này đang nói về khu phố sắp giải tỏa. Có người hỏi mượn bà cụ báo, vì không có, nên anh ta lại mở điện thoại, nhưng rồi lại cất máy đi.

"Một xác chết cụt sáu ngón tay được tìm thấy trong bao tải..."

Tin tức này, là từ báo, giờ thì nó ở lại đây, quán trà nhỏ này. Trước đấy đã có ai nói về việc cái xác chưa. Tôi đến sau. Ngay khi tan học, thì tìm ra đây. Cái tin này được nói từ lúc trước. Ngồi cách hai người nữa là tên dỗ. Hắn học cùng lớp tôi nhưng nghỉ học thường xuyên. Hắn hơn tôi một giáp. Lớp tôi có hai con bé đã ngủ cùng hắn. Cả hai đều có chửa và đều phá. Tôi nghe thế. Tôi từng mượn laptop của tên dỗ để sửa bài kết thúc học phần. Cũng trong cái máy đấy, tôi tìm được nhiều thư mục chứa phim Sex. Chẳng ai ở lớp hợp nổi với hắn. Nhìn thấy tôi, hắn cười và nói rằng hôm qua tôi đã trốn tiết. Tôi gật ngay. Ông chú mặt quen đang hút nốt mẩu thuốc lá. Đúng giờ tan tầm. Xe cộ đi lại dày đặc lòng đường. Còi inh ỏi, mấy ống bô xả khói mù mịt. Tiếng rú ga khiến tôi nghe không rõ mấy người ở quán nói chuyện. Xe đi hết cả con đường này sẽ vẫn đi tiếp. Lên cầu thang bộ, rồi nhìn xuống dưới. Hướng tầm mắt ra hết đường, hay nhìn hết đường phía sau, chỉ thấy những cái xe phóng như mất đà. Đèn giao thông vẫn báo xanh. Xe phóng rầm rầm. Va quệt, ngã xe, xô xát, giơ quả đấm hoặc chẳng gì cả.

"Ê." – Tiếng thằng Bân. Nó ngồi đây từ lúc nào thế nhỉ. Tên dỗ đi rồi. Tôi nghĩ là nó gọi mình, nhưng ngó sang thì không phải. Mấy ông khách quen cũng nhìn ra, rồi quay cổ lại. Bên đường nào có ai. Cũng chẳng có một sự kiện gì quá bất thường để thằng Bân phải thốt lên.

"Có phải cái xác mới tìm thấy." – Tôi nói to để cả quán nghe được.

"Xác nào."

"Cái xác đấy chết trôi, hình như tự tử."

"Có đúng là cái xác bị cụt sáu ngón trong bao tải."

"Cụt ngón tay là do nợ nần rồi. Cứ một ngón là tiền triệu."

"Biết đâu lại là thằng lính. Chết cái, là thành liệt sỹ."

"Nhớ lại thời chiến, cũng hay thật. Cứ đoàng đoàng là xong mẹ kiếp người."

"Sợ nhất là xong chiến tranh dái chỉ để đái."

"Oa." – Tiếng thằng Bân. Lần này nó ngáp thành tiếng. Nó chống cằm, rồi nhìn mấy viên đá trong cốc. Có ông cởi giày rồi gác một chân lên bàn, khoe có ngón chân cái bị cụt. Chợt, một người vào quán mượn bật lửa. Người này trông lạ.

"Cứ hè là phải nằm điều hòa suốt." – Người đấy nói.

"Dùng một chiều cho rẻ."

"Nhà tôi đến ba cái điều hòa, thằng con tôi kiếm được."

"LG hay Samsung..."

"Có khi tôi phải dặn thằng con sau này nhớ đốt cho bố cái điều hòa. Dưới kia có khi nóng bỏ mẹ."

"Sống nóng bức quá rồi, chết cũng nóng nữa thì bỏ mẹ thật."

Không ai nhắc về cái xác. Họ đang cười với nhau. Tôi gọi nước. Thằng Bân gõ ngón tay xuống bàn. Khi có người đi qua quán, nó ngoảnh ra. Tôi xòe hai tay, cụp sáu ngón lại, tưởng tượng mình bị cụt đi ngần ấy.

Con chuột đã được người quét rác hốt vào xẻng rồi tống lên xe rác. Như mọi con chuột, nó cũng bị xe cán chết. Ruột, phèo phổi lòi hết ra. Đầu nó bị bánh xe nghiến cụt. Con vật chết từ tối qua, hoặc sáng nay. Lúc tôi nhìn thấy thì máu đã khô, lông đanh lại. Con chuột chết gần miệng cống của quán nước. Chẳng biết nó phi từ miệng cống bên này hay bên kia. Nếu từ bên này thì thật xúi quẩy, vì vừa nhảy ra đường đã bị cán chết. Còn nếu từ bên kia, thì đây là con chuột cừ nhất. Quét hết rác, lá cây dưới lề đường, người lao công cũng đi mất.

"Chuột mà biết leo thang thì hay." – Tôi nói.

"Thế thì chả có chuột chết." – Tôi lại nói.

Mấy đứa trong phòng tôi muốn gạch tên thằng Bân khỏi danh sách phòng. Theo lời bọn nó thì thằng Bân tự muốn tách riêng. Thằng Bân chỉ về phòng để ngủ. Không ăn uống, không hoạt động, không góp mặt vào các cuộc chè chén, và không gây lỗi để trở thành kẻ tội đồ bị đem ra đồ sát mỗi khi vắng mặt. Thêm chục cái gạch đầu dòng nữa. Thế là thằng Bân thành một Meursault(*) Tôi vẫn thấy thằng Bân ở quán nước. Nó ngồi đấy, chỉ một mình, và nhìn sang kia đường. Tôi vẫn có thể nói chuyện với thằng Bân. Rõ ràng, tôi không giấu việc nó bị khai trừ khỏi tập thể lớp. Nó nghe, rồi gật. Một lúc sau, thằng Bân lẩm bẩm một mình. Tiếng lẩm bẩm to, tôi nghe rõ, và đủ hết - "Tập thể đâu nào!"- Nó nhìn đồng hồ, ngó nghiêng. Và, nhìn sang kia đường. Mắt nó nghía cô em mặc quần ngắn đang đi trên hè chăng? Thằng nhãi đang tập xe ba bánh? Hay con Novou vừa phóng qua. Ông chú quen mặt đánh diêm châm mồi thuốc lào. Bà cụ không ở quán. Người trông quán là con bà cụ. Anh ta mang theo báo. Anh chàng tóc vàng đã rời quán. Một lúc trước quán đông, giờ thì vắng. Có người mượn ghế lên ngồi trên cầu thang bộ. Tôi chẳng uống ngụm nào. Mấy người ngồi đây. Người ngồi thẳng, người vắt chân, người ngồi quay đi, người ngồi ngược về sau...Họ nói vài câu, rồi thôi. Mỗi người nghía một phía. Bọn tôi ngồi quanh cái bàn tròn, ăn, uống, hút. Sau khi nói về tỷ giá hối đoái, thì sang việc sửa nội thất, một cô nói về thằng cháu học dốt, người nữa bảo tìm gia sư. "Chà." – Ông chú mặt quen vẫn chưa châm được thuốc lào. Cái cây mồi không ăn lửa, rồi lửa vừa bén thì tắt. Ông ta hỏi xin giấy để châm lửa. Con bà hàng nước nhìn quanh. Không có giấy báo nào dưới đất. "Tao xin một trang báo. Bao nhiêu một tờ." – Ông chú mặt quen nói. Anh ta nghĩ, rồi lật từng trang báo, xé một tờ. Trang văn nghệ thì phải, dường như một truyện ngắn nước ngoài. Ông chú mặt quen cuộn trang báo, đốt và cuối cùng cũng hớp được thuốc lào.

"Lấy văn chương làm mồi hả ông?"

"Đúng trang văn học à, thằng này xé khéo ghê."

"Mấy trang còn lại nhiều mục hay. Mà đây là báo mới đấy."

"Văn học là hiến sinh."

"Truyện gì thế? Nhà văn nào? Tây hay ta?"

Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Tự Lực Văn Đoàn, O'Henri, Chekhov...Giờ họ nói về mấy người này. Tôi biết những cái tên này. Thời trung học tôi được giảng về họ. Một số nhà văn nữa được người ngồi quán kể ra. Giai đoạn này kia, thời kỳ này kia, rồi xu hướng, thi pháp, tưởng nghệ thuật...Tôi ngáp dài. Chín rưỡi. Muộn rồi. Tôi lại quên, mai là hạn cuối nộp bài kết thúc học phần.

Tổng số nước uống, thuốc lá, kẹo singum là chín nghìn rưởi. Tôi gửi cả mười nghìn. Kí túc cách quán nước chục bước chân. Đi một đoạn ngắn, tôi thấy chồn chân.Và rồi, ngay chính lúc này, một tiếng động lạ dội từ đằng sau. Tiếng vang nhanh, rất ngắn, và mạnh tới mức đầu tôi rỗng tuyếch. Đường phố im lìm trong giây lát rồi bất chợt ồn ào bởi hàng chục tiếng người, hàng chục tiếng dừng xe.

Dưới lòng đường có một vụ tai nạn. Nhiều người đứng chắn khiến tôi không thấy được hiện trạng.

"Cầu thang bộ thì không đi..." – Câu nói dừng ở đấy. Tôi nhìn về quán nước. Vẫn mấy người khách mặt quen. Người đứng, người ngồi, người nhấp nhổm. Họ còn ở quán, và nhìn ra lòng đường. Không thấy thằng Bân.

Tôi tự hỏi, thằng Bân ngồi đâu giờ này...




(*) Nhân vật trong tiểu thuyết Người Xa Lạ, Albert Camus

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro