vật chất xe cơ giới

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

* Đối tượng bảo hiểm của bảo hiểm vật xe cơ giới

Đối tượng bảo hiểm của bảo hiểm vật xe cơ giới nói chung là xe cơ giới. Xe cơ giới là một loại xe di chuyển trên đất liền (không cần đường dẫn như tàu, xe điện) bằng động cơ của chính nó và có ít nhất một chỗ cho người lái xe (trừ xe đạp điện). Xe cơ giới bao gồm nhiều loại xe khác nhau như: xe mô tô 2 bánh, xe mô tô ba bánh, ôtô chở người, ôtô chở hàng hoá, ôtô vừa chở người vừa chở hàng và các loại xe chuyên dụng khác. thường được chia làm 4 loại xe chính gồm: các loại môtô, xe gắn máy, xe ôtô, và xe chuyên dụng khác

, xe cơ giới để có thể coi là một đối tượng bảo hiểm thì phải đáp ứng những điều kiện sau:

-         Phải có giá trị sử dụng,

-         Xác định được giá trị bằng tiền tệ,

-         Đảm bảo an toàn về mặt kỹ thuật và môi trường, phải được lưu hành hợp pháp (tức là được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký xe, giấy phép, chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và môi trường, giấy phép lưu hành xe).

Về mặt kỹ thuật, xe cơ giới được cấu thành từ nhiều bộ phận khác nhau tùy vào từng lại xe nhưng về cơ bản đuợc chia thành các bộ phận sau: khối động cơ và hệ thống nhiên liệu, điện; hệ thống truyền lực; hệ thống lái; hệ thống phanh và hộp số và bộ phận thân vỏ. Riêng trong bảo hiểm vật chất xe cơ giới, người ta phân xe ô tô thành 7 tổng thành chủ yếu:

+    Tổng thành động cơ gồm: Động cơ li hợp, bộ chế hòa khí, bơm cao áp, bộ phận lọc gió và hệ thống điện.

+    Tổng thành hộp số gồm: Hộp số chính, hộp số phụ, hệ thống dẫn các loại.

+    Tổng thành thân vỏ, gồm 3 nhóm:

-         Nhóm A: Thân vỏ, carbin, galăng, ca pô, chắn bùn, cửa kính, toàn bộ vỏ kim loại – gỗ nhựa, các cần gạt, bàn đạp, côn, số, phanh.

-         Nhóm B: Ghế đệm nội thất, toàn bộ ghế ngồi hoặc nằm, các trang thiết bị (điều hòa nhiệt độ, quạt, đài).

-         Nhóm C: Sắt xi gồm khung, ba đơ sốc, các cơ quan bắt chặt vào khung xe, tổng bơm, phanh, các bình chứa phanh, bình chứa nhiên liệu, dẫn động phanh chính và phanh tay, dẫn động côn, hơi dây dẫn, bộ chế hỏa lực phanh, mâm xoay.

+    Tổng thành hệ thống lái gồm: Vô lăng, trục lái, động lái, hộp tay lái, bộ trợ lực tay lái, thanh kéo ngang, thanh kéo dọc.

+    Tổng thành trục trước gồm: Dầm cầu, hệ thống treo nhíp, má phanh, tăm - bua, trục láp.

+    Tổng thành cầu sau, cầu chủ động gồm: Vỏ cầu, toàn bộ trục cầu, cụm mai-ơ sau, vi sai, cơ cấu phanh, hệ thống treo cầu sau.

+   Tổng thành lốp gồm: Các bộ phận xăm lốp hoàn chỉnh của xe và lốp được trang bị dự phòng trên xe.

Trên cơ sở phân chia đó, nhà bảo hiểm có thể bảo hiểm toàn bộ xe hoặc bảo hiểm cho từng bộ phận xe. Trong đó, bảo hiểm toàn bộ xe có đối tượng được bảo hiểm là toàn bộ chiếc xe cơ giới với đầy đủ các bộ phận tổng thành của xe; còn bảo hiểm bộ phận xe lại có đối tượng được bảo hiểm chỉ là một hay một số các tổng thành của xe. Trên thực tế, trong số các tổng thành của xe thì tổng thành thân vỏ chiếm tỷ trọng giá trị lớn và thường hay chịu tổn thất nhiều nhất khi tai nạn xảy ra. Do đó, hiện nay các công ty bảo hiểm thường chỉ bảo hiểm cho toàn bộ xe hoặc bảo hiểm cho bộ phận là tổng thành thân vỏ. Đối với các loại xe mô tô, chỉ có hình thức bảo hiểm toàn bộ vật chất xe dành cho người tham gia bảo hiểm.

1.1.2.2 Phạm vi bảo hiểm

Tương tự như các nghiệp vụ bảo hiểm khác, bảo hiểm vật chất xe cơ giới bảo hiểm cho các rủi ro tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của chủ xe (lái xe), gây thiệt hại cho chính chiếc xe đó. Thông thường, rủi ro được bảo hiểm trong những trường hợp sau:

+  Đâm va, lật đổ;

+  Hỏa hoạn, cháy nổ;

+  Những tai nạn bất khả kháng do thiên nhiên: bão, lũ lụt, sụt lở, sét đánh, động đất, mưa đá;

+  Vật thể từ bên ngoài tác động lên xe cơ giới: rơi vào, va chạm vào;

+  Mất toàn bộ xe trong trường hợp: xe bị trộm cắp, bị cướp.

Ngoài việc bồi thường tổn thất về vật chất cho xe cơ giới được bảo hiểm do những rủi ro trên gây ra, công ty bảo hiểm còn chịu trách nhiệm thanh toán cho chủ xe tham gia bảo hiểm những phí tổn hợp lý và cần thiết phát sinh nhằm: ngăn ngừa, hạn chế tổn thất phát sinh thêm đối với xe bị tai nạn; chi phí bảo vệ và đưa xe bị thiệt hại tới nơi sửa chữa gần nhất, giám định thiệt hại nếu tổn thất phát sinh thuộc trách nhiệm bảo hiểm.

Trong mọi trường hợp, tổng số tiền bồi thường của công ty bảo hiểm (bao gồm cả những phí tổn) đối với một sự kiện bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm (hay mức trách nhiệm bảo hiểm) ghi trên đơn hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm. Đồng thời, những rủi ro không thuộc trách nhiệm bảo hiểm của công ty bảo hiểm gọi là rủi ro loại trừ đối với mỗi vụ tai nạn, bao gồm:

*        Hư hỏng do khuyết tật, mất giá, giảm chất lượng hoặc hư hỏng thêm do sửa chữa; hao mòn và hư hỏng tự nhiên phát sinh từ việc hoạt động bình thường của xe cơ giới thường được tính dưới hình thức khấu hao theo thời gian.

*        Hư hỏng về điện hoặc các thiết bị, bộ phận máy móc mà không phải do những rủi ro được bảo hiểm gây ra. Cụ thể, đây là những hư hỏng mang tính chất ẩn tỳ của bộ phận thiết bị từ đó gây hư hỏng trực tiếp tới toàn bộ hệ thống máy móc của xe thì không được bảo hiểm bồi thường, nhưng do những hư hỏng đó mà xe bị tai nạn gây hư hỏng đến các bộ phận khác của xe thì vẫn thuộc trách nhiệm bảo hiểm. Riêng tổn thất về săm lốp, đề can xe chỉ được nhà bảo hiểm bồi thường trong trường hợp tổn thất này xảy ra do cùng nguyên nhân và đồng thời với các bộ phận khác của xe trong cùng vụ tai nạn.

*        Mất cắp bộ phận xe.

Để tránh nguy cơ trục lợi bảo hiểm, hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo đúng nguyên tắc trong bảo hiểm, những thiệt hại, tổn thất xảy ro do một số nguyên nhân sau cũng không thuộc trách nhiệm bảo hiểm:

-         Hành động cố ý gây thiệt hại;

-         Xe không đủ điều kiện kỹ thuật và tiêu chuẩn an toàn để lưu hành theo luật định;

-         Chủ xe, lái xe vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn giao thông như: lái xe không có giấy phép hoặc giấy phép lái xe không hợp lệ; lái xe bị ảnh hưởng bởi rượu bia, các chất kích thích gây nghiện trong quá trình điều khiển phương tiện; xe không có giấy phép lưu hành; xe chở các chất cháy nổ trái phép; xe đi vào đường cấm, chở quá trọng tải, chạy thử, tập lái hay sử dụng để đua xe…

-         Thiệt hại có tính hậu quả gián tiếp do: giảm giá trị thương mại, gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại;

-         Thiệt hại do chiến tranh, bạo động, đình công, khủng bố.

1.1.2.3 Giá trị bảo hiểm và số tiền bảo hiểm

Xe cơ giới là một loại tài sản được bảo hiểm nên giá trị bảo hiểm xác định bởi giá trị thực tế của xe trên thị trường tại thời điểm tham gia bảo hiểm hay ký kết hợp đồng bảo hiểm. Giá trị bảo hiểm được coi là cơ sở để xác định số tiền bảo hiểm, làm căn cứ áp dụng các hình thức bảo hiểm theo mức giá trị bảo hiểm khác nhau (như: bảo hiểm dưới giá trị, ngang giá trị, trên giá trị) và để chi trả bồi thường thiệt hại thực tế cho chủ xe khi có sự kiện bảo hiểm. Trên thực tế, giá trị của mỗi loại xe trên thị trường khác nhau và giá cả xe cũng luôn biến động nên thông thường các công ty bảo hiểm dựa vào yếu tố: loại xe, tuổi của xe, thời gian sử dụng xe để xác định giá trị xe tham gia bảo hiểm.

Việc xác định giá trị thực tế của xe trên thị trường căn cứ vào các yếu tố sau: Giá mua xe ban đầu của chủ xe, giá mới của xe cùng loại hoặc loại xe tương đương trên thị trường vào thời điểm hiện tại, xu hướng tiêu dùng các loại xe của thị trường, tình trạng hao mòn thực tế của xe… Ngoài ra, do xe cơ giới là loại tài sản cố định bị hao mòn theo thời gian sử dụng dẫn đến giảm giá trị thương mại, nên các nhà bảo hiểm áp dụng phổ biến phương pháp khấu hao theo thời gian để xác định giá trị của xe khi tham gia bảo hiểm, trong đó: Giá trị bảo hiểm là giá trị mới 100% của xe đã sử dụng dưới một năm được tính theo nguyên giá (nguyên giá bao gồm giá mua xe ban đầu, chi phí vận chuyển và thuế các loại), trường hợp xe đã sử dụng trên một năm thì được tính theo công thức sau:

Giá trị bảo hiểm = Giá trị mới  – Khấu hao sử dụng

Theo quy ước, công ty bảo hiểm áp dụng phương pháp khấu hao đều, tính khấu hao so với giá trị mới (hay nguyên giá) và khấu hao sử dụng tính theo năm (tỷ lệ khấu hao thường được áp dụng hiện nay là 9%/năm).

Số tiền bảo hiểm là một khoản tiền nhất định được ghi trong đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm để xác định giới hạn trách nhiệm của người bảo hiểm trong việc bồi thường hoặc chi trả tiền bảo hiểm. Như vậy, khi tham gia bảo hiểm vật chất xe cơ giới cho toàn bộ xe hoặc bộ phận của xe tức là chủ xe đã mua bảo hiểm cho toàn bộ hay một phần giá trị của chiếc xe và phần giá trị được bảo hiểm đó được coi là số tiền bảo hiểm (tức là mức trách nhiệm bồi thường cao nhất của công ty bảo hiểm cho những thiệt hại đối với xe tham gia bảo hiểm mỗi vụ tai nạn).

Cũng như các loại hình bảo hiểm tài sản khác, trong nhiều trường hợp chủ xe có thể tham gia với số tiền bảo hiểm nhỏ hơn giá trị bảo hiểm (bao gồm cả trường hợp tham gia bảo hiểm cho bộ phận xe) hoặc tham gia với số tiền bảo hiểm bằng giá trị bảo hiểm tùy thuộc vào khả năng tài chính và mục đích sử dụng. Theo nguyên tắc bảo hiểm thì số tiền bảo hiểm không vượt quá giá trị bảo hiểm, tuy nhiên trường hợp chủ xe tham gia với số tiền bảo hiểm lớn hơn giá trị bảo hiểm theo điều khoản “giá trị thay thế mới” thì vẫn được chấp nhận.

1.1.2.4 Phí bảo hiểm

Đối với các công ty bảo hiểm, việc xác định phí bảo hiểm một cách hợp lý vừa được sự chấp nhận của khách hàng vừa tăng khả năng cạnh tranh mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp bảo hiểm là công việc khó và khá phức tạp. Hiện nay, phí bảo hiểm vật chất xe được xác định dưới hình thức tỷ lệ phí áp dụng cho mỗi đầu xe đối với mỗi loại xe, trong đó cơ cấu phí bảo hiểm mỗi đầu xe như sau:

P = f  +  d

P :  Phí bảo hiểm mỗi đầu xe

:  Phí thuần

d  : Phụ phí

Theo đó, việc xác định phí thuần (phí thực bảo hiểm) phụ thuộc vào tình hình tổn thất mà bảo hiểm bồi thường trong nhiều năm trước đó thông qua số liệu thống kê về: tần suất tổn thất, chi phí bình quân bồi thường một vụ tổn thất, định mức chi phí quản lý của người bảo hiểm đối với từng nghiệp vụ. Phần phụ phí bao gồm các chi phí như: đề phòng hạn chế tổn thất, chi phí quản lý… được tính bằng tỷ lệ phần trăm nhất định so với phí bồi thường.

Cơ sở xác định phí bảo hiểm chủ yếu dựa trên các yếu tố sau:

-  Loại xe: Mỗi loại xe có những đặc điểm kỹ thuật, mức độ an toàn khác nhau nên phí bảo hiểm vì thế cũng khác nhau. Thông thường, công ty bảo hiểm đưa ra biểu phí xác định tỷ lệ phí bảo hiểm phù hợp cho hầu hết các loại xe thông dụng đang lưu hành thông qua việc phân loại xe thành nhóm. Việc phân loại này dựa vào: tốc độ tối đa xe, tỷ lệ gia tốc, chi phí và khả năng sửa chữa, thay thế phụ tùng. Riêng đối với loại xe hoạt động không thông dụng như: xe kéo rơ-móc, container, xe siêu trường siêu trọng… do có mức độ rủi ro cao nên mức phí bảo hiểm thường tăng thêm một tỷ lệ nhất định trên so với mức phí cơ bản.

Mục đích sử dụng xe: Xe lăn bánh trên đường càng nhiều thì mức độ rủi ro tai nạn càng lớn. Vì vậy, để đánh giá chính xác mức độ an toàn từ đó xác định phí bảo hiểm hợp lý công ty bảo hiểm rất cần biết mục đích sử dụng xe. Ở Việt Nam, biểu phí bảo hiểm đối với ô tô có sự phân biệt giữa xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải qua tem gián trên giấy chứng nhận kiểm định.

Phạm vi địa bàn hoạt động: Mặc dù đây là yếu tố thường ít được các công ty bảo hiểm quan tâm, nhưng những năm gần đây, một số công ty bảo hiểm đã chú ý hơn đến tiêu chí này do hiện nay các loại xe đã phủ rộng hầu hết các địa bàn, rất nhiều loại xe hoạt động trên những địa bàn có mức độ phức tạp, nguy hiểm cao nên xác suất gặp rủi ro lớn vì thế mức phí bảo hiểm cho những loại xe này phải cao hơn các xe khác.

Tuổi tác, kinh nghiệm của người lái xe: Theo số liệu thống kê cho thấy những lái xe trẻ tuổi bị tai nạn nhiều hơn so với lái xe lớn tuổi, đặc biệt tình trạng tai nạn trong nhóm thanh thiếu niên sử dụng xe cơ giới ngày một tăng. Do đó, để khuyến khích hạn chế tai nạn, nâng cao ý thức trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, các công ty thường yêu cầu các chủ xe tự chịu một phần tổn thất xảy ra đối với xe (còn gọi là mức miễn thường). Mức miễn thường đối với những lái xe trẻ tuổi thường cao hơn so với lái xe có tuổi lớn hơn.

Thời gian xe đã qua sử dụng, giá trị xe: vì xe sử dụng càng lâu, mức độ hao mòn càng nhiều nên tính an toàn càng thấp, khả năng gặp rủi ro lớn.

Tiền sử của lái xe: cho biết các hành vi vi phạm an toàn giao thông, mức độ liên quan đến các vụ tai nạn giao thông phát sinh…

Ngoài ra, với mục đích duy trì lượng khách hàng, khuyến khích chủ xe tham gia bảo hiểm cho số lượng lớn tại công ty mình, các công ty còn áp dụng mức giảm phí so với mức phí chung theo số lượng xe tham gia bảo hiểm. Cơ chế giảm giá cũng được áp dụng đối với những chủ xe đã tham gia bảo hiểm không có khiếu nại và gia tăng tỷ lệ giảm giá cho một số năm không có khiếu nại.

Việc xác định phí bảo hiểm của mỗi công ty cũng hết sức linh hoạt trong một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như:

-  Trường hợp xe hoạt động mang tính chất mùa vụ thì chủ xe chỉ đóng phí cho những ngày hoat động của xe theo công thức:

                                Số tháng xe  hoạt động

 Phí bảo hiểm = Mức phí cả năm  ×

                         12 tháng

-  Trường hợp chủ xe tham gia bảo hiểm đã đóng phí cả năm nhưng vì lý do nào đó xe phải ngừng hoạt động một thời gian, công ty sẽ hoàn phí bảo hiểm của những tháng không hoạt động đó cho chủ xe. Mức hoàn phí tính như sau:

                                             Số tháng không hoạt động

Phí hoàn lại = Phí đóng cả năm ×                                             × Tỷ lệ hoàn phí                         

              12 tháng

-  Trường hợp chủ xe muốn hủy hợp đồng bảo hiểm khi chưa hết thời hạn bảo hiểm trên hợp đồng thì công ty sẽ hoàn lại phí trong thời gian còn lại của hợp đồng, phí hoàn lại được tính như trong trường hợp xe tạm thời ngừng hoạt động một thời gian, với điều kiện là chủ xe chưa có lần nào được công ty bảo hiểm trả tiền bảo hiểm.

Hiện nay, ở nước ta, các công ty đều áp dụng mức tỷ lệ phí theo biểu phí của Bộ Tài Chính ban hành. Trong đó, tỷ lệ phí cơ bản thường được tính cho thời hạn bảo hiểm là một năm hợp đồng kèm theo đó là quy định về tỷ lệ giảm phí đối với những hợp đồng có thời hạn dưới một năm.

Bảng 1.2: Biểu phí bảo hiểm ngắn hạn

Thời hạn bảo hiểm

Phí bảo hiểm năm

- Dưới 3 tháng

30%

- Trên 3 tháng đến 6 tháng

60%

- Trên 6 tháng đến 9 tháng

90%

- Trên 9 tháng đến 1 năm

100%

                                     (Nguồn: Bảo Việt Hà Nội)

Trường hợp chủ xe tham gia bảo hiểm dài hạn trên một năm, công ty bảo hiểm sẽ xem xét đối tượng có đủ điều kiện tham gia hay không để có thể chấp nhận bảo hiểm với tỷ lệ giảm phí bảo hiểm tương ứng thời hạn. Như vậy, nếu chủ xe tham gia bảo hiểm với thời hạn bảo hiểm càng dài thì mức phí càng thấp.

Bảng 1.3: Biểu phí bảo hiểm dài hạn

Thời hạn bảo hiểm

Phí bảo hiểm năm

- Trên 12 tháng đến 15 tháng

124%

- Trên 15 tháng đến 18 tháng

144%

- Trên 18 tháng đến 21 tháng

152%

- Trên 21 tháng đến 24 tháng

160%

- Trên 24 tháng đến 30 tháng

208%

- Trên 30 tháng đến 36 tháng

240%

- Trên 36 tháng

= Phí năm/12 x Số tháng x 80%

                                                 (Nguồn: Bảo Việt Hà Nội)

1.1.2.5 Hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm vật chất xe cơ giới là một loại hợp đồng dân sự thông dụng. Hợp đồng bảo hiểm bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên tham gia bảo hiểm có trách nhiệm đóng phí bảo hiểm, còn doanh nghiệp bảo hiểm cam kết trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra . Trong hợp đồng bảo hiểm vật chất xe cơ giới bao gồm các bên:

+ Bên tham gia bảo hiểm là các tổ chức, các nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm và đóng phí bảo hiểm. Bên tham gia bảo hiểm phải có đầy đủ năng lực hành vi pháp lý và họ có thể đồng thời là người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm. Người được bảo hiểm là các tổ chức cá nhân sở hữu xe cơ giới được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm.

+ Bên bảo hiểm là các doanh nghiệp bảo hiểm cam kết trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra gây thiệt hại đối với xe được bảo hiểm.

Cũng như các hợp đồng bảo hiểm khác, việc thiết lập Hợp đồng bảo hiểm vật chất xe cơ giới cũng phải tuân thủ đồng thời những nguyên tắc sau:

-         Nguyên tắc công bằng, đôi bên cùng có lợi (thể hiện tính song vụ của hợp đồng);

-         Nguyên tắc bàn bạc thống nhất;

-         Nguyên tắc tự nguyện;

-         Nguyên tắc không thể làm tổn hại đến lợi ích chung của xã hội.

Theo nguyên tắc trong bảo hiểm vật chất xe cơ giới, Hợp đồng bảo hiểm giữa chủ xe cơ giới ký kết với doanh nghiệp bảo hiểm được thể hiện qua bộ tài liệu đầy đủ gồm có: Giấy yêu cầu bảo hiểm, Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm, Quy tắc bảo hiểm xe cơ giới và các điều khoản, thỏa thuận bổ sung (nếu chủ xe có yêu cầu).

Giấy chứng nhận bảo hiểm xe cơ giới do doanh nghiệp bảo hiểm phát hành đến người được bảo hiểm sau khi đã thanh toán phí bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm là bằng chứng ký kết hợp đồng bảo hiểm giữa chủ xe cơ giới và doanh nghiệp bảo hiểm và được sử dụng thay cho hợp đồng bảo hiểm. Mặc dù, giấy chứng nhận bảo hiểm tự bản thân nó chưa đủ tính chất của một hợp đồng nhưng nó chứng minh hợp đồng bảo hiểm đang có hiệu lực và cụ thể hóa các điều kiện, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm, đồng thời cung cấp những thông tin ban đầu cho doanh nghiệp bảo hiểm phục vụ giải quyết tai nạn nhanh chóng hơn. Nội dung của giấy chứng nhận bảo hiểm vật chất xe cơ giới bao gồm:

-         Tiêu đề:

+  Tên, địa chỉ công ty bảo hiểm;

+  Chủ thể bảo hiểm;

+  Đối tượng bảo hiểm;

+  Phạm vi bảo hiểm;

+  Số tiền bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, cách thức nộp phí;

+  Các điều khoản về giải quyết bồi thường;

+  Các quy định về giải quyết tranh chấp (nếu có).

-         Thời hạn bảo hiểm;

-         Chữ ký của hai bên.

Hiệu lực bảo hiểm vật chất xe cơ giới bắt đầu khi doanh nghiệp bảo hiểm đã cấp giấy chứng nhận cho chủ xe và chủ xe đã thanh toán đầy đủ phí bảo hiểm theo quy định. Thời điểm bắt đầu và kết thúc hiệu lực đều thể hiện trên giấy chứng nhận bảo hiểm.

Ngoài ra, trong thời gian hiệu lực bảo hiểm, nếu có sự chuyển quyền sở hữu xe thì quyền lợi bảo hiểm vẫn có hiệu lực đối với chủ xe mới. Trường hợp chủ xe cũ không chuyển quyền lợi bảo hiểm cho chủ xe mới và yêu cầu hoàn phí thì công ty bảo hiểm sẽ hoàn phí cho chủ xe cũ  và làm thủ tục bảo hiểm cho chủ xe mới nếu được yêu cầu.

1.2 Công tác giám định – bồi thường nghiệp vụ Bảo hiểm vật chất xe cơ giới

1.2.1  Vai trò của công tác giám định – bồi thường

Giám định – bồi thường là vấn đề trọng tâm của hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp. Bởi vì khi mua bảo hiểm, có nghĩa là khách hàng đã trả tiền cho sản phẩm bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm cam kết bồi thường nhanh chóng, đầy đủ nếu không may họ bị tổn thất. Thực chất, đây là nội dung chủ yếu của công tác dịch vụ khách hàng, thể hiện chất lượng phục vụ khách hàng của các công ty và hướng tới hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ trong toàn công ty.

Với đặc thù là công đoạn “kép” trong bốn công đoạn của quá trình triển khai sản phầm bảo hiểm cũng như hoàn thiện sản phẩm (bao gồm: từ khâu thiết kế sản phẩm, khai thác sản phẩm đến đề phòng hạn chế tổn thất và cuối cùng là khâu giám định – bồi thường) cho nên công tác giám định – bồi thường có những vai trò nhất định sau:

- Giám định và bồi thường là hai hoạt động hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong công tác giải khiếu nại và quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng. Nếu như kết quả của công tác giám định làm cơ sở cho việc giải quyết bồi thường thì ngược lại bồi thường là khâu hoàn tất kết quả của giám định. Khâu giám định thực hiện tốt chắc chắn sẽ giúp cho việc bồi thường được chính xác, nhanh chóng, giảm thiểu gian lận, trục lợi bảo hiểm, góp phần giảm chi phí chung cho doanh nghiệp.

- Qua kinh nghiệm thu được trong việc giải quyết các vụ khiếu nại bồi thường, nhất là khâu giám định thiệt hại, một mặt giúp tăng cường năng lực quản lý rủi ro, đề phòng hạn chế tổn thất của doanh nghiệp, mặt khác đó là cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm bảo hiểm, sửa đổi sản phẩm nhất là phạm vi bảo hiểm và phí bảo hiểm.

- Hiệu quả của công tác giám định – bồi thường còn là căn cứ để khách hàng đánh giá chất lượng sản phẩm bảo hiểm của mỗi công ty, từ đó mới có thể thu hút được khách hàng mới, giữ chân khách hàng tham gia bảo hiểm lâu dài tại công ty mình, qua đó tăng thị phần và doanh thu cho công ty. Năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp bảo hiểm cũng như tính hấp dẫn của sản phẩm quyết định một phần là ở chính chất lượng công tác giám định – bồi thường, tạo vị thế cho doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường.                                                                  

- Riêng đối với khách hàng (chủ xe cơ giới), họ đều không mong muốn rủi ro sẽ đến với mình nên khi khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, phía công ty bảo hiểm giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho họ một cách nhanh chóng, kịp thời sẽ tạo sự ổn định không chỉ về mặt tài chính sau tổn thất mà còn về mặt tâm lý cho khách hàng.

- Trong nhiều trường hợp tai nạn xảy ra hết sức phức tạp, phát sinh tranh chấp hay kiện tụng, việc giải quyết liên quan đến nhiều bên, hoạt động giám định – bồi thường có thể đóng vai trò hướng dẫn giải quyết thủ tục và bảo vệ quyền lợi cho khách hàng đồng thời tham gia giàn xếp, hòa giải tranh chấp, tránh gây căng thẳng, tạo điều kiện cho công tác giải quyết tai nạn nói chung được thuận tiện.

1.2.2  Nguyên tắc giám định – bồi thường

1.2.2.1 Những nguyên tắc cơ bản

Mục tiêu chính của công tác giám định – bồi thường bảo hiểm vật chất xe cơ giới nhằm xác định tai nạn và nguyên nhân tai nạn, từ đó xác định trách nhiệm của người bảo hiểm, đồng thời đánh giá mức độ thiệt hại cho việc bồi thường được chính xác và nhanh chóng. Bởi vậy, công tác giám định – bồi thường đòi hỏi phải tuân theo những nguyên tắc nhất định được pháp luật và cac doanh nghiệp bảo hiểm đề ra, cụ thể như sau:

Đối với công tác giám định:

+ Việc giám định phải tiến hành sớm nhất sau khi nhận được thông tin tai nạn (quy định chung là 5 ngày). Nếu không tiến hành giám định sớm được thì lý do của việc chậm trễ phải được đề cập trong biên bản giám định.

+ Mọi thiệt hại về vật chất xe thuộc trách nhiệm bảo hiểm đều phải được tiến hành giám định trực tiếp bởi công ty bảo hiểm hoặc người được công ty bảo hiểm ủy quyền với sự có mặt của chủ xe, người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan hoặc người đại diện hợp pháp nhằm xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại.

+ Khi chủ xe không thống nhất được nguyên nhân và mức độ tổn thất do giám định viên của công ty xác định thì hai bên thoả thuận chọn giám định viên độc lập, phí giám định do doanh nghiệp bảo hiểm trả nếu kết luận giám định của hai bên không trùng nhau, nếu kết luận giám định trùng nhau thì chủ xe phải trả phí.

+ Công tác giám định của công ty bảo hiểm phải độc lập với các cơ quan chức năng khác và không được tiết lộ nội dung giám định. Trong trường hợp đặc biệt không thể thực hiện được việc giám định, thì doanh nghiệp bảo hiểm được căn cứ vào các biên bản, kết luận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền và các tài liệu liên quan do chủ xe có trách nhiệm cung cấp để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại.

+ Nội dung biên bản giám định yêu cầu phải khách quan, thể hiện đầy đủ chi tiết những thiệt hại do tai nạn và đề xuất được phương án khắc phục thiệt hại hợp lý và kinh tế nhất.

Đối với công tác bồi thường:

+  Trường hợp xe tham gia bảo hiểm bằng hoặc dưới giá trị thực tế:

                                                                        Số tiền bảo hiểm

Số tiền bồi thường = Giá trị thiệt hại thực tế  ×          

                                                                                 Giá trị thực tế xe

+ Trường hợp xe tham gia bảo hiểm trên giá trị thực tế: Số tiền bồi thường thực tế cũng chỉ bằng thiệt hại thực tế và không vượt quá giá trị thực tế của xe.

+  Trường hợp tổn thất bộ phận: Các công ty bảo hiểm thường giới hạn mức trách nhiệm bồi thường bằng bảng tỷ lệ giá trị tổng thành xe và áp dụng một trong hai nguyên tắc trên để giải quyết bồi thường.

+ Trường hợp tổn thất toàn bộ: Xe được coi là tổn thất toàn bộ khi bị mất cắp, mất tích hoặc xe bị thiệt hại đến mức không thể sửa chữa phục hồi để đảm bảo lưu hành an toàn (quy định chung hiện nay là thiệt hại trên 75%) hoặc chi phí phục hồi bằng hay lớn hơn giá trị thực tế của xe. Khi đó, số tiền bồi thường lớn nhất bằng số tiền bảo hiểm và phải trừ khấu hao cho thời gian xe đã sử dụng hoặc bằng giá trị thực tế của xe ngay trước thời điểm xảy ra tổn thất.

Trên thưc tế, các công ty bảo hiểm thường quy định khi giá trị thiệt hại so với giá trị thực tế của xe bằng hoặc lớn hơn một tỷ lệ nhất định nào đó thì được xem là tổn thất toàn bộ ước tính, tuy nhiên lại bị giới hạn bởi bảng tỷ lệ tổng thành.

Ngoài ra, khi tính toán bồi thường, công ty bảo hiểm còn phải lưu ý đến một số trường hợp đăc biệt sau:

-  Trong quá trình sửa chữa, khắc phục xe được bảo hiểm, nếu phải thay thế mới bộ phận, thì mọi chi phí cho việc thay thế bộ phận đó sẽ trừ đi khấu hao đã sử dụng. Nếu tổn thất xảy ra trước ngày 16 của tháng thì không tính khấu hao cho tháng đó, còn nếu xảy ra sau ngày 16 thì phải tính cả khấu hao của tháng.

-  Công ty có quyền thu hồi và xử lý những bộ phận được thay thế hoặc đã được bồi thường toàn bộ giá trị.

-  Trường hợp thiệt hại liên quan đến trách nhiệm người thứ ba, công ty bồi thường cho chủ xe và yêu cầu chủ xe bảo lưu quyền khiếu nại và chuyển quyền bồi thường cho công ty bảo hiểm kèm theo toàn bộ hồ sơ và chứng từ có liên quan.

-  Trường hợp được bảo hiểm trùng theo nhiều đơn bảo hiểm khác nhau, mức trách nhiệm bồi thường từ mỗi đơn bảo hiểm tính theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm trong mỗi đơn so với tổng số tiền bảo hiểm trong tất cả các đơn bảo hiểm.

Trong mọi trường hợp, công tác giải quyết bồi thường cũng phải dựa trên cơ sở giám định và căn cứ pháp lý chứng minh (như: hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực, giấy tờ liên quan hợp lệ, rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm…) đồng thời giải quyết bồi thường phải đúng trách nhiệm bảo hiểm, đúng tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm cũng như đối tượng được bảo hiểm. Bồi thường nhanh chóng, kịp thời, có các phương án thay thế khi cần thiết để đảm bảo chất lượng phục vụ khách hàng tốt nhất.

1.2.2.2 Thủ tục và hồ sơ khiếu nại

Việc xem xét và giải quyết bồi thường cho khách hàng chỉ được thực hiện khi công ty bảo hiểm đã nhận được đầy đủ giấy tờ cần thiết theo quy định. Chủ xe có trách nhiệm thông báo tai nạn cho công ty bảo hiểm bằng văn bản kèm theo các tài liệu quy định của hồ sơ yêu cầu bồi thường trong thời hạn 5 ngày kể từ khi tai nạn xảy ra. Chủ xe phải phối hợp với công ty bảo hiểm thực hiện thu thập các chứng cứ, tài liệu sau:

-         Thông báo tai nạn và công văn yêu cầu bồi thường của chủ xe (theo phụ lục 1).

-         Giấy tờ xe (bản photo có giám định viên ký xác nhận) bao gồm: Giấy chứng nhận bảo hiểm; Đăng ký xe hoặc giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu xe; giấy phép lưu hành hoặc giấy phép sử dụng xe; Bằng lái xe.

-         Bản sao hồ sơ vụ tai nạn giao thông gồm có: Biên bản khám nghiệm hiện trường; Biên bản khám nghiệm xe; Sơ đồ hiện trường và các giấy tờ liên quan đến việc điều tra nguyên nhân tai nạn; Biên bản hoặc thông báo giải quyết tai nạn giao thông; Bản trưng cầu kết luận điều tra tai nạn giao thông khi cần thiết; Biên bản hòa giải dân sự và kết luận cả tòa án (nếu có).

-         Các chứng từ liên quan đến xác định thiệt hại: Hóa đơn, chứng từ liên quan đến sửa chữa thiệt hại; Hóa đơn xuất kho; Các biên bản đánh giá, xác định thiệt hại; Biên bản giải quyết tai nạn và biên nhận đền bù trách nhiệm dân sự.

-         Các chứng từ khác nếu cần.

1.2.3  Quy trình giám định – bồi thường

1.2.3.1 Giám định thiệt hại

Khi nhận được thông báo tai nạn của chủ xe, nhân viên giám định của công ty bảo hiểm phải tiến hành những bước cơ bản sau:

Bước 1: Tiếp nhận và xử lý thông tin:

Yêu cầu khi tiếp nhận thông tin tai nạn cần phải nắm được:

- Tình hình tai nạn: số xe, chủ xe, thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn, sơ bộ thiệt hại…

- Việc tham gia bảo hiểm: thời hạn bảo hiểm, nơi cấp giấy chứng nhận bảo hiểm (hoặc dơn bảo hiểm), phạm vi tham gia bảo hiểm.

- Giải quyết bước đầu của chủ xe và các cơ quan chức năng.

Sau khi tiếp nhận thông tin tùy theo tình hình yêu cầu hướng dẫn bước đầu cho chủ xe thu thập các giấy tờ cần thiết chuẩn bị cho công tác giám định cũng như giải quyét bồi thường sau này đồng thời tiến hành những công việc cần thiết để hạn chế tổn thất phát sinh, bảo vệ hiện trường xe bị tai nạn, nếu cần phải khai báo cơ quan chức năng để giải quyết tai nạn đúng luật. Thống nhất với lái xe, chủ xe về thời gian, địa điểm giám định. Chuẩn bị những yếu tố cần thiết về con người, trang thiết bị, phương tiện để tiến hành giám định.

Căn cứ vào đánh giá ban đầu mức độ phức tạp của vụ tai nạn, trình lãnh đạo xem xét quyết định cử giám định viên của công ty, hay thuê giám định chuyên môn của các đơn vị khác. Đối với trường hợp giám định hộ hoặc làm đại lý giám định cho công ty bảo hiểm khác cần lưu ý đến yêu cầu riêng của công ty bảo hiểm đó.

Bước 2: Tiến hành giám định:

+ Kiểm tra đối chiếu các giấy tờ liên quan đến đối tượng được bảo hiểm đảm bảo tính hợp lệ.

+ Tiến hành chụp ảnh tổng thể và chi tiết két hợp với ghi nhận nguyên nhân, mức độ tổn thất để làm căn cứ chứng minh: yêu cầu ảnh chụp đưa vào hồ sơ phải có ngày chụp, chú thích, đóng dấu xác nhận còn ghi nhận nguyên nhân, tổn thất phải trung thực, chính xác.

+ Giám định thiệt hại và lập biên bản giám định: đây là khâu hết sức quan trọng, đòi hỏi phải được kê khai chi tiết, tỷ mỉ đồng thời ghi nhận trung thực, chính xác mức độ thiệt hại nhằm bộc lộ rõ được thiệt hại và thể hiện được mối quan hệ nhân quả giữa nguyên nhân và hậu quả thiệt hại. Tùy thuộc mức độ phức tạp, có thể tiến hành giám định một lần hoặc nhiều lần.

Nội dung biên bản giám định phải đầy đủ những thông tin sau: Thời điểm giám định, Người tham gia giám định, Đối tượng được giám định (xe tai nạn), Chủ xe, Địa điểm xảy ra tai nạn (theo phụ lục 2). Kết thúc giám định phải đánh giá được tình trạng thiệt hại của xe và các bộ phận xe, nguyên nhân thiệt hại cũng như kiến nghị cách giải quyết thiệt hại.

Bước 3: Thống nhất với chủ xe phương án khắc phục thiệt hại

Các thỏa thuận có thể thực hiện theo ba phương án:

Phương án 1: Bồi thường trên cơ sở chi phí sửa chữa thiệt hại

+  Cho chủ xe tự đi sửa chữa: Áp đụng với thiệt hại nhỏ, nguyên nhân đơn giản. Tuy nhiên yêu cầu chủ xe phải báo giá hoặc có thỏa thuận với công ty trước khi sửa chữa, thay thế.

+  Đấu thầu sửa chữa: Áp dụng với trường hợp thiệt hại nặng, khó có khả năng đánh giá đúng được chi phí sửa chữa. Việc đấu thầu giá phải đảm bảo tính khách quan.

+  Chủ xe đưa xe đi sửa chữa với sự giám sát giá của Công ty bảo hiểm: Trước hết công ty bảo hiểm tiến hành làm việc với các bên liên quan để thỏa thuận nơi sửa chữa, dự kiến sơ bộ mức độ sửa chữa và vật tư thay thế. Trong quá trình sửa chữa, công ty bảo hiểm tham gia vào các bước sau:

-         Kiểm tra chuẩn đoán hồ sơ

-         Lập hợp đồng và dự toán

-         Tháo, kiểm tu phân loại chi tiết

-         Nghiệm thu, quyết toán hợp đồng

-         Thu hồi đồ cũ

Phương án 2: Bồi thường trên cơ sở đánh giá thiệt hại

Phương án này thường áp dụng đối với trường hợp thiệt hại những bộ phận trên thị trường không có để thay thế, dễ đánh giá thiệt hại, chủ xe gặp tai nạn ở xa phải giải quyết khẩn trương để giữ uy tín đói với khách hàng, bồi thường trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba. Khi chủ xe bị thiệt hại có ý kiến đề xuất bằng văn bản thì giám định viên tiến hành:

-         Dự kiến sơ bộ với chủ xe về phương án sửa chữa thiệt hại,

-         Dự toán sửa chữa, khảo sát giá,

-         Lập biên bản đánh giá thiệt hại,

-         Thống nhất chủ xe về mức độ đền bù, hình thức thanh toán,

-         Chủ xe cam kết chấm dứt đòi bồi thường sau khi nhận tiền bồi thường,

-         Tiến hành đề xuất giải quyết bồi thường.

Phương án 3: Bồi thường toàn bộ và xử lý tài sản thu hồi

Áp dụng đối với trường hợp thiệt hại nặng như: xe bị mất tích, mất cắp, mất cướp sau 60 ngày không tìm lại được hoặc xe bị thiệt hại trên 70% đến mức không thể phục hồi để đảm bảo an toàn hay chi phí phục hồi vượt quá (bằng) giá trị xe. Với phương án này, công ty bảo hiểm có quyền thu hồi tài sản bị thiệt hại.

1.2.3.2 Giải quyết bồi thường

Bước 1: Tiếp nhận và Hoàn chỉnh hồ sơ bồi thường

Sau khi tiếp nhận được hồ sơ từ khách hàng, căn cứ vào quy tắc bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm gốc, cán bộ bồi thường kiểm tra lại toàn bộ tài liệu cần thiết theo đúng thủ tục khiếu nại, yêu cầu giám định viên và chủ xe cung cấp thêm nếu chưa đầy đủ.

Bước 2: Xác định số tiền bồi thường

Khi đã hoàn chỉnh hồ sơ, cán bộ bồi thường kiểm tra những khoản mục bồi thường thuộc trách nhiệm bảo hiểm dựa vào: biên bản giám định, kê khai tổn thất, điều khoản hợp đồng…và xem xét phương án khắc phục thiệt hại cũng như chi phí khắc phục dự toán được thỏa thuận trước đó với chủ xe. Nếu thấy không rõ ràng và không hợp lý có thể cho tiến hành giám định lại.

Bước 3: Tiến hành bồi thường

+  Trình lãnh đạo duyệt bồi thường,

+  Thông báo chấp nhận hoặc từ chối bồi thường cho khách hàng, tiến hành thủ tục bồi thường theo phương án đã thống nhất với khách hàng.

+  Đòi đòi người thứ ba (trong trường hợp liên quan đến trách nhiệm của bên thứ ba), thu hồi tài sản bị hư hỏng.

+  Đóng hồ sơ bồi thường

Trong toàn bộ quá trình giám định - bồi thường, các cán bộ bảo hiểm của công ty thường xuyên có sự trao đổi thông tin với khách hàng đảm bảo cho công tác giải quyết khiếu nại được nhanh chóng, chính xác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro