QRVN 10222019

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu hỏi: Tại sao các con thú lại ngồi suy tư lặng lẽ khi đang bị ăn sống mà không kêu gào đau đớn thảm thiết?

Trả lời bởi Untorne Nislav, nhà sinh học máu lạnh.

Lý do số 1: tự cắt giảm cơn đau (self-anesthesia).

Đau là tín hiệu phản hồi về não bộ để chúng ta tránh làm tổn thương bản thân hay làm nặng thêm vết thương đang có. Và cũng như phần lớn các chức năng khác của cơ thể, nó được điều khiển một cách rất phức tạp để luôn đặt lợi ích của cơ thể lên hàng đầu.

Một vài hormone của chúng ta, như là endorphin hay adrenaline, có thể tạm thời làm gián đoạn cảm giác đau. Trong tự nhiên, các loài động vật đã tiến hóa để giải phóng các hormone này nếu cơn đau là vô ích hoặc gây bất lợi.
Chắc chúng ta ai cũng biết về sex rồi nhỉ: đó là một hành động rất cuồng nhiệt dễ dàng làm cơ thể bị đau. Tuy nhiên, có một sự thật là hoạt động tình dục lại có tác dụng giảm đau, và phần lớn các loài động vật, trong đó có con người, sẽ luôn vui vẻ quan hệ dù đang xây xát đây đó trên người. Rõ ràng là việc để lại con cái quan trọng hơn là chờ cho cái chân lành hẳn, thế nên Tạo hóa đã ban cho chúng ta hormone mỗi khi hứng tình.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ cho xu hướng chung: trong những hoàn cảnh mà nếu một chấn thương nhỏ vẫn có lợi cho tiến hóa hơn những lựa chọn khác, một lượng hormone giảm đau sẽ được giải phóng ra.

Ở dưới thì Claire Jordan cũng đã giải thích, khi bị kẻ săn mồi tấn công thì cảm giác đau là rất có hại: cố gắng trốn thoát được dù vết thương có toác ra thêm thì vẫn đỡ hơn là bị ăn thịt, và lúc này mà cảm thấy đau nhói lên thì hỏng hết bánh kẹo. Đấy là còn chưa nói đến việc cơn đau thực sự có thể giết bạn, thế thì chỉ làm công việc của bọn đi săn dễ dàng hơn thôi.

Lý do số 2: đau để trưởng thành - tự cắt cơn giảm đau dài hạn (acclimation ; long-term self-anesthesia)

Tôi có một ông bạn chơi kickboxing hay kể với tôi rằng ăn đòn đau nhất là trong năm đầu thôi, còn giờ khi đã tập kickboxing được 7 năm rồi thì ăn đấm vào mặt cũng không nhằm nhò gì.

Cơ thể chúng ta sẽ nhanh chóng làm quen và bỏ qua các kích thích lặp đi lặp lại liên tục, trong đó có cả cơn đau: các thụ cảm sẽ trở nên bớt nhạy cảm, và bộ não cũng sẽ xử lý các tín hiệu theo cách thờ ơ hơn. Lý do cũng giống như việc giải phóng hormone thôi: nếu một con vật cả đời sẽ phải chịu những vết thương hao hao nhau, và việc tránh bị thương gần như là bất khả thi, và lúc đó thì cơn đau chỉ là gánh nặng.

Không giống như con người, các loài động vật hoang dã phải sống trong môi trường nguy hiểm hơn nhiều, và việc trầy da tróc vẩy là chuyện thường ngày. Do đó, các con vật, nhất là những con phải đối diện với kẻ ăn thịt hàng ngày, sẽ học cách làm quen với những cơn đau kha khá. Đó là lý do mà tổ tiên chúng ta, những người sống hàng ngàn năm trước khi những hành vi hiện đại phát triển, không cảm thấy đau nhiều như chúng ta – dù tất cả đều thuộc chung một loài.

Chúng ta họa hoằn lắm mới bị ăn đòn; với họ đó là luật sinh tồn.

Lý do số 3: thích nghi - tự cắt giảm cơn đau theo quá trình tiến hóa.

Một vài loài, bởi phong cách sống thác loạn, dễ bị thương nhiều hơn các loài khác, đến mức những cá thể không chịu được một ngưỡng đau tối thiểu sẽ khó lòng tồn tại được bởi những cơn đau thường xuyên.

Trong trường hợp này, một cuộc chọn lọc quy mô loài sẽ diễn ra, khi mà tính trạng chịu đau tốt sẽ được giữ lại và ghi vào DNA. Đây gọi là thích nghi trong định nghĩa Sinh học tiến hóa.

Ví dụ nhé, các loài chim nói chung sẽ chịu đau giỏi hơn nhiều so với thú có vú, bởi chúng thường xuyên phải bay qua những nhánh cây sắc nhọn chi chít và không thể bị mất tập trung bởi cơn đau khi chưa đáp xuống đâu đó. Một người bạn chơi chim của tôi còn chắc cú rằng cậu ta từng gặp nhiều con chim không có phản ứng gì khi bị tiêm, thậm chí là có thể phẫu thuật đơn giản mà không cần thuốc gây tê.

Lý do số 4: cơ chế phản ứng cơn đau khác nhau.

Cuối cùng là một luận điểm thú vị mà mọi người thường bỏ qua.

Chúng ta cần phải nhận thức rằng việc "kêu gào đau đớn" không thực sự liên quan đến cơn đau, và cũng không phải là cách để nhận biết đối phương đang bị đau. Kêu gào chỉ đơn thuần là một hành vi cụ thể mà, bởi các lý do tiến hóa, được gắn vào cùng cơn đau ở một vài loài.

Khi con người bị đau, họ kêu. Tay họ vung vẩy tứ tung. Họ nhăn nhó khổ sở. Tuy vậy những biểu hiện này không phải là vì bản thân cơn đau – mà bởi chúng giúp họ sinh tồn. Nhăn mặt, vung tay và gào thét có lợi khi bị tấn công, bởi vì:

- Có thể làm kẻ địch sợ hãi

- Gây khó khăn khi tấn công vào các vị trí nguy hiểm.

- Có thể làm đau kẻ địch.

- Cảnh báo các thành viên khác trong đàn.

Chúng ta không nổi điên lên khi bị tấn công bởi "tại đau nó phải thế" – chúng ta nổi điên lên bởi các tổ tiên nổi điên của chúng ta sống sót tốt hơn những tổ tiên ngồi yên chờ chết.

Nhiều loài động vật cũng phản ứng tương tự chúng ta, nhưng không phải tất cả.

Nếu bạn là một con rùa bị tấn công thì sao? Hay một con tắc kè? Một con cá nóc? Một con nhím?

Những con vật này không kêu gào khi bị thương. Chúng cũng không bỏ chạy. Chúng bình tĩnh ngồi yên, bởi chúng sinh tồn theo cách đó.

Chúng cũng sống, biết suy nghĩ, biết đau chứ – chỉ là chúng có những cách xử lý cơn đau khác gắn chặt vào Ban ứng phó thảm họa của bộ não. Khi một con rùa bị đau, cũng như chúng ta không thể cưỡng được việc kêu lên và tránh xa khỏi ngọn nguồn cơn đau, rùa không thể cưỡng lại việc rụt đầu rụt cổ rụt tay chân vào trong mai và nằm yên. Nằm yên không nhúc nhích là tiếng kêu thảm thiết của chúng, và càng đau chúng lại càng bất động, cũng như con người kêu càng kêu to vậy.

Đừng bao giờ đánh giá nội tâm một con thú chỉ bằng những hành vi bên ngoài của chúng: điều đó dễ gây hiểu lầm và sai một cách rõ ràng. Các loài động vật sẽ phản ứng rất khác nhau khi bị đau, và đôi khi chúng làm điều trái ngược với chúng ta.
__________
Source: https://qr.ae/TWCgkP
Cảm ơn bài dịch của bạn Nguyen Quy Ky Nguyen và Linh Tô được đăng ở group Quora Việt Nam (QRVN): https://www.facebook.com/groups/vietnamquora/permalink/2474292012803920/

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro